CHO Ý KIẾN LẦN 3 VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG (SỬA ĐỔI)

10/09/2018

Ngay sau Phiên khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến lần 3 về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận.

Toàn cảnh phiên họp

Báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến lần thứ hai về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng. Ngay sau kỳ họp, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban tư pháp đã phối hợp cùng Cơ quan trình dự án, các cơ quan hữu quan nghiên cứu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Uỷ ban Tư pháp đã có Báo cáo số 1341/BC-UBTP14 ngày 10/7/2018, Báo cáo số 1413/BC-UBTP14 ngày 07/8/2018 trình UBTVQH tại phiên họp thứ 25 và 26 xin ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật, hầu hết các nội dung lớn của dự thảo Luật đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thống nhất. Riêng quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57) vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao cho Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu để xây dựng 02 phương án gồm: Thu hồi thông qua thủ tục xem xét, giải quyết tại Tòa án (phương án 1) và thu thuế thu nhập cá nhân (phương án 2) bảo đảm có căn cứ, phù hợp với thực tiễn, báo cáo xin ý kiến các cấp có thẩm quyền và xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 07/9/2018 trước khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ sáu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ, theo phương án 1, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển Kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình; Tòa án ra quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc hoặc bác yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai đã giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư phát phát biểu

Đối với phương án 2, nếu Nhà nước không chứng minh được tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có thì tạm coi đây là một khoản thu nhập phải chịu thuế, người kê khai phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các bộ, ngành có liên quan trong việc hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội thông qua. Quan tâm nhiều về nội dung xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc quy định tại Điều 57, nhiều đại biểu băn khoăn về tính khả thi của các phương án được lựa chọn.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải ghi nhận những ưu điểm của phương án 1- xem xét, giải quyết tại Tòa án, cụ thể: theo phương án này, thủ tục xem xét, quyết định các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án và phiên họp có sự tham gia của Luật sư, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, bảo đảm dân chủ, thận trọng, khách quan, các bên có quyền khiếu nại quyết định giải quyết của Tòa án. Tuy nhiên đề nghị cần nghiên cứu kỹ tính khả thi của phương án này khi Luật quy định giao cho cấp dưới khởi kiện cấp trên; cơ quan kiểm soát tài sản và thu nhập tập trung hay hay có một bước tập trung; sự quá tải cho Tòa án nhân dân các cấp…

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận

Cho ý kiến về một số nội dung của Dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị giữ nguyên đối tượng kê khai tài sản và thu nhập như quy định của dự Luật. Về cơ quan kiểm soát tài sản, Chủ tịch Quốc hội đề nghị giao cho Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ ngành làm nhiệm vụ kiểm soát tài sản, không thành lập cơ quan chuyên trách.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tư pháp và Thanh tra Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự án Luật; báo cáo giải trình, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý. Đảng Đoàn Quốc hội sẽ báo cáo Bộ Chính trị hai phương án về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, đó là phương án giải quyết tại tòa án và thu thuế thu nhập cá nhân./.

 

 

Hồ Hương- Nhóm ảnh