UBTVQH TỔNG KẾT KỲ HỌP THỨ 7 VÀ CHO Ý KIẾN BƯỚC ĐẦU VỀ VIỆC CHUẨN BỊ KỲ HỌP THỨ 8 CỦA QUỐC HỘI

16/07/2019

Sáng ngày 16/7, tiếp tục Chương trình làm việc phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết Kỳ họp thứ 7 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp

Báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV nêu rõ: sau 20 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình. Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo để ban hành những quyết sách quan trọng, đúng đắn, hợp lòng dân, củng cố vững chắc những thành tựu đã đạt được, tạo đà cho đất nước phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định sự nhất trí, đoàn kết trong hoạt động của Quốc hội, đồng thời, thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời và sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị, sự quan tâm ủng hộ của cử tri và Nhân dân.

Nội dung kỳ họp nhìn chung đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, bảo đảm chất lượng, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, giảm đáng kể việc đóng dấu Mật một số tài liệu không thực sự cần thiết. Chương trình kỳ họp được bố trí hợp lý, chặt chẽ, tiết kiệm; có nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội trước kỳ họp; được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế. Không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ, hình thức tranh luận tiếp tục phát huy hiệu quả, đặc biệt là tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đại biểu Quốc hội đã tích cực tham gia phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, phong phú, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, không né tránh, theo đuổi đến cùng những vấn đề mà cử tri và dư luận quan tâm. Công tác tập hợp, tổng hợp cơ bản bảo đảm kịp thời, chính xác, đầy đủ; tiếp thu, giải trình thỏa đáng, thuyết phục các ý kiến của đại biểu. Kịp thời xin ý kiến những vấn đề quan trọng để có hướng tiếp thu, chỉnh lý. Công tác điều hành linh hoạt, sáng tạo, có sự bao quát toàn diện, bảo đảm đại diện các Đoàn được phát biểu ý kiến, tranh luận, tạo được không khí sôi nổi nhưng vẫn bảo đảm tính nghiêm túc, kỷ luật, hiệu quả. Vai trò chủ trì kỳ họp, chỉ đạo, điều hành đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy tối đa, góp phần bảo đảm tiến độ và chất lượng các nội dung trình Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện tốt nhiệm vụ trong suốt quá trình diễn ra kỳ họp.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo 

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, công tác phục vụ kỳ họp được chuẩn bị chu đáo, thường xuyên được rà soát, kiểm tra, bảo đảm đáp ứng yêu cầu, tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội yên tâm dự họp. Việc  phục vụ tài liệu, cung cấp thông tin tư liệu có nhiều cải tiến, đổi mới. Phần mềm cung cấp thông tin, tài liệu kỳ họp bước đầu phát huy hiệu quả tích cực, giúp đại biểu tra cứu tài liệu nhanh, kịp thời, theo dõi được tổng thể các hoạt động của kỳ họp, giảm văn bản giấy và số lượng tài liệu phải mang theo, tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, chất lượng chuẩn bị một số nội dung còn hạn chế. Hồ sơ tài liệu của một số dự án luật, nghị quyết gửi đến đại biểu Quốc hội quá chậm, ảnh hưởng đến chất lượng tham gia ý kiến và quyết định của đại biểu Quốc hội. Việc tổng kết, đánh giá tác động trong một số dự án luật chưa được quan tâm đúng mức.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, vẫn còn một số ý kiến chất vấn mang tính bình luận, giải thích, trùng lắp. Có đại biểu nêu chất vấn còn dài, chưa rõ ý, chất vấn quá thời gian quy định. Một số nội dung trả lời chất vấn còn chung chung, chưa đúng trọng tâm. Một số kiến nghị của của cử tri chưa được Chính phủ, các Bộ, ngành trả lời rõ ràng, chưa xác định thời gian giải quyết cụ thể, nhất là các vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Công tác bảo đảm phục vụ có lúc, có nơi chưa đáp ứng mong muốn của đại biểu Quốc hội.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận

Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án Luật và cho ý kiến 8 dự án luật. Đồng thời, xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Xem xét các báo cáo về công tác tư pháp; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng. Thực hiện giám sát chuyên đề tại hội trường 01 ngày). Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trong 03 ngày.

Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo kết quả giám sát (hoặc báo cáo chuyên đề) về vấn đề bức xúc, nổi lên trong lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp (nếu có); và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác (nếu có).

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV có nhiều cải tiến về mặt thời gian. Đây là kỳ họp ngắn nhất. Các đại biểu thảo luận sôi nổi, nhất là các đạo biểu nữ, đại biểu trẻ, thể hiện trách nhiệm của đại biểu. Tuy nhiên, số lượng đại biểu Quốc hội vắng mặt quá đông.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp vừa qua vắng mặt quá nhiều. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV cũng đã thành công trên nhiều phương diện, mặc dù nhiều dự thảo Luật nóng còn có nhiều quan điểm khác nhau giữa các đại biểu Quốc hội và Chính phủ. Có những Luật khó nhưng đã có được tỷ lệ tán thành cao.

Tại phiên họp, một số ý kiến đánh giá, chất lượng thảo luận tổ của một số Đoàn đại biểu Quốc hội không cao. Vì vậy, không nên ghép quá nhiều nội dung vào thảo luận dẫn đến không sâu, không nêu được hết vấn đề.

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị trên cơ sở thảo luận tại phiên họp hôm nay, Ủy ban Pháp luật chủ trì với Bộ Tư pháp để triển khai Chương trình Luật, pháp lệnh năm 2020 mà Quốc hội đã thông qua. Đồng thời đề nghị Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội khi đánh giá báo cáo tác động của các dự án Luật cần phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng và chủ động triển khai nhiệm vụ xây dựng Luật, pháp lệnh theo chương trình của năm 2020, đảm bảo "tuổi thọ" của các dự án Luật khi đưa vào cuộc sống./.

Thu Phương – Trọng Quỳnh

Các bài viết khác