LÀM RÕ NÉT CÁC KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THI HÀNH HIẾN PHÁP 2013

11/09/2019

Sáng ngày 11/9, cho ý kiến về báo cáo sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013 tại phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ những kết quả đạt được trong triển khai thi hành Hiến pháp, đánh giá khái quát những đóng góp của Hiến pháp trong việc thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Trình bày báo cáo của Chính phủ về sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết công tác triển khai thi hành Hiến pháp đã được tiến hành nghiêm túc, bài bản, toàn diện bám sát yêu cầu, mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 64/2013/QH13 và Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13, thu được những kết quả tích cực. Những kết quả đạt được này đã góp phần quan trọng từng bước đưa các quy định của Hiến pháp đi vào cuộc sống, tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước; góp phần bảo vệ, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày báo cáo tại phiên họp 

Thông qua triển khai thi hành Hiến pháp cũng góp phần nâng cao ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân; tạo cơ sở quan trọng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong giai đoạn phát triển mới.

Cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng để nghị làm rõ nét hơn những kết quả đạt được trong triển khai thi hành Hiến pháp.

Dẫn chứng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, từ khi có Hiến pháp thì tất cả các văn bản pháp luật liên quan đến khoa học, công nghệ là có bước chuyển biến rất tích cực. Trên cơ sở đó thì thành quả mà khoa học và công nghệ đưa lại trong những giai đoạn vừa rồi rất rõ nét. Nếu như trước đây đầu tư cho khoa học, công nghệ chủ yếu là từ ngân sách nhà nước 80%, của người dân là 20%, đến nay với chỉ đạo quyết liệt và tinh thần doanh nghiệp là chủ lực và tất cả người dân cùng tham gia thì hiện nay đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội là chiếm tới 50 hoặc trên 50%, tức là phần lớn là của người dân và của doanh nghiệp. Do đó kết quả của khoa học công nghệ có những bước chuyển rõ nét, đổi mới sáng tạo của Việt Nam từ thứ hạng thấp bây giờ vào loại khá trong khu vực và trên thế giới, liên tục tăng trong những năm qua.

Hoạt động khoa học công nghệ bây giờ đã chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm rất quyết liệt. Trước kia hoạt động khoa học, công nghệ chủ yếu ở các doanh nghiệp nhà nước đầu tư tiền, bây giờ các doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho khoa học, công nghệ vô cùng lớn, như VinGroup, SunGroup, THTruemilk, Vinamilk, v.v…

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh những kết quả, những điểm lớn như vậy cần khái quát hơn và đưa một số ví dụ trong báo cáo chính thức lần này để tạo được sự động viên cả nước tiến quân mạnh mẽ vào khoa học, công nghệ, phát triển đất nước dựa và bằng khoa học và công nghệ, đạt được mục tiêu như nghị quyết của Đảng.

Có cùng đề nghị làm rõ hơn các kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, phải gắn kết sơ kết 5 năm với tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 48, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Trong Nghị quyết 48 về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã đề ra các nhóm giải pháp, định hướng trong hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có định hướng xây dựng pháp luật về dân sự và kinh tế, tập trung vào hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là nội dung hết sức quan trọng, báo cáo sơ kết triển khai thi hành Hiến pháp phải nhấn mạnh hơn trong các kết quả đạt được.

Khẳng định kết quả làm được rất nhiều, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, trong quá trình thi hành Hiến pháp đã rà soát, xây dựng, ban hành các hệ thống văn bản pháp luật nói chung, trong đó có pháp luật về kinh tế đã bám vào rất nhiều các điểm mới của Hiến pháp 2013 để cụ thể hoá như về quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, hoàn thiện các thị trường, để vận hành thị trường đất đai, thị trường khoa học công nghệ, thị trường chứng khoán, sở hữu trí tuệ, khoa học công nghệ và các thị trường khác rất đồng bộ.

Các luật về kinh tế cùng các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành pháp luật này đã tạo ra một nền tảng pháp lý rất quan trọng để thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta vận hành và đưa vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thu hút nguồn lực xã hội, của người dân, thu hút sự sáng tạo để đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế dẫn chứng như Luật Đầu tư, mặc dù đang trong quá trình sửa đổi nhưng có rất nhiều các quy định tiến bộ, có rất nhiều điểm đổi mới để tạo ra một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế, kể cả trong nước và nước ngoài. Luật Đầu tư cũng cụ thể hoá quy định của Hiến pháp, người dân, doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm, quy định rất rõ danh mục các ngành nghề cấm đầu tư, đầu tư có điều kiện. Thời gian vừa qua, chúng ta đã tiến hành thường xuyên rà soát để sửa đổi danh mục này, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Luật Doanh nghiệp cũng có nhiều điểm mới, điểm tích cực, tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các doanh nghiệp trong quản trị, điều hành doanh nghiệp và đã cắt giảm nhiều thủ tục trong thành lập doanh nghiệp. Qua đó các thành phần kinh tế hiệu quả hơn, tích cực hơn, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng bày tỏ lo ngại trong tình  hình mới có  nhiều loại hình kinh doanh mới như về công nghệ thông tin có tiền ảo, tiền mã hoá, các hình thức trong kinh doanh bất động sản như condotel, officetel, các loại hình kinh doanh mới như Uber, Grab… chưa có cơ sở pháp lý nào để quản lý những hoạt động này. Đây là thách thức rất lớn để thi hành Hiến pháp. Do đó, cũng cần quan tâm đến những vấn đề mới trong điều chỉnh, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung trong đó có pháp luật về kinh tế.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định việc triển khai thi hành Hiến pháp đạt được nhiều kết quả tích cực. Toàn bộ hệ thống chính trị, các cơ quan Đảng, Quốc hội, các cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp đều vào cuộc để chỉ đạo triển khai Hiến pháp. Đề nghị Chính phủ bổ sung thêm những ý kiến trong báo cáo thẩm tra và các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện báo cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mong muốn có một đánh giá khái quát những đóng góp của Hiến pháp năm 2013 trong việc thực hiện công cuộc đổi mới, trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ phát triển đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế khác với giai đoạn trước ở những điểm nào, những điểm nổi bật cần được báo cáo ở đây./.

Bảo Yến

Các bài viết khác