HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Chiều 19/12, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu tổ chức họp tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng Đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Tham dự cuộc họp có Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh cùng các đồng chí lãnh đạo Ban, đồng chí Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử...
Toàn cảnh cuộc họp tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024 của Ban Công tác đại biểu.
Tại cuộc họp, báo cáo Tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh khẳng định: Năm 2023 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội. Ban Công tác đại biểu tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình công tác năm 2023 của Ban. Với tinh thần trách nhiệm cao, sự đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tập thể Ban Công tác đại biểu đã nỗ lực triển khai, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra.
Năm 2023, với khối lượng công việc lớn, quan trọng, trọng tâm là tham mưu, thực hiện công tác nhân sự tại 5 kỳ họp (trong đó 2 kỳ họp thường lệ và 3 kỳ họp bất thường) và đã hoàn thành 348 nhiệm vụ cụ thể, nổi bật là nghiên cứu xây dụng các đề án, các chuyên đề, các nghị quyết được Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao, công tác nhân sự, công tác quy hoạch, công tác hoạt động đại biểu, công tác hội đồng nhân dân, công tác thực hiện chế độ chính sách đối với đại biểu Quốc hội khóa XV và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; công tác bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Nhưng với tinh thần chủ động, tập trung, nỗ lực thực hiện, lãnh đạo Ban đã chỉ đạo quyết liệt, điều hành công việc khoa học, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, kiểm tra, đôn đốc và đã hoàn thành nội dung công việc bảo đảm chất lượng.
Về công tác nghiên cứu xây dựng đề án, nghị quyết: Ban Công tác đại biểu đã tích cực, chủ động triển khai, bảo đảm chất lượng, tiến độ, cơ bản đạt được sự thống nhất, đồng thuận của các cơ quan, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận.
Về công tác nhân sự, chế độ chính sách, hướng dẫn hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội: Công tác tham mưu được chuẩn bị chu đáo, bài bản, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật; đảm bảo nhanh, kịp thời, chất lượng, không để xảy ra sai sót; hồ sơ nhân sự được chuẩn bị đầy đủ; công tác phối hợp với các cơ quan tham mưu của Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Ban cán sự đảng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Văn phòng Quốc hội... đảm bảo nhịp nhàng, kịp thời, chính xác. Công tác hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đảm bảo kịp thời.
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh.
Để đạt được những kết quả trên, Ban Công tác đại biểu đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của các đồng chí Lãnh đạo Quốc hội, đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội và sự cố gắng, nỗ lực, đoàn kết, trách nhiệm cao của tập thể cán bộ, công chức và đảng viên trong đơn vị. Phát huy những kết quả công tác đã đạt được trong năm 2023, Ban Công tác đại biểu tập trung hoàn thành tốt công tác tham mưu, phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội với các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 cụ thể.
Về công tác nhân sự và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội: Tiếp tục tham mưu Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện quy trình, thủ tục về công tác nhân sự còn thiếu ở các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (nếu có); tham mưu việc chuyển sinh hoạt đoàn, phê chuẩn kết quả bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn, phê chuẩn cho thôi làm Trưởng Đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội chuyên trách (nếu có); tham mưu thực hiện quy trình, thủ tục về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội (nếu có); tham mưu rà soát, bổ sung quy hoạch hằng năm của đại biểu Quốc hội chuyên trách, các chức danh ở các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phục vụ tốt các kỳ họp thứ 7, thứ 8 và các kỳ họp bất thường của Quốc hội. Thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu trong công tác hướng dẫn hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tổ chức và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024, dự kiến tổ chức vào tháng 3/2024.
Về chế độ chính sách: Tham mưu thực hiện chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV, cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định về vị trí việc làm, chế độ tiền lương mới của đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vị trí việc làm của Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp và các cơ quan Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước.
Các đại biểu tham dự cuộc họp.
Về công tác Hội đồng nhân dân: Tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng nhân dân năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024. Tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác Hội đồng nhân dân của 05 thành phố trực thuộc Trung ương. Triển khai hướng dẫn các địa phương việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan tới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thực hiện trong năm 2023 và các năm tiếp theo, gồm: hoàn thành 02 Đề án gồm: Đề án “Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội” và Đề án “Đổi mới cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp”. Nghiên cứu rà soát để sửa đổi, bổ sung Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Hoàn thành 04 Nghị quyết quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết quy định về Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; “Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc mẫu của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” Chương 2 “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển về chế độ bầu cử, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động” của Đề tài cấp Bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”.
Ban Công tác đại biểu đã tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thành công Lễ phát động phong trào thi đua Kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Viêt Nam (dự kiến vào tháng 2/2024) và chuẩn bị kế hoạch tổ chức chương trình “Về nguồn” thăm Khu di tích Ban Thường trực Quốc hội Việt Nam thực hiện trong năm 2025 theo Đề án “Kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946-06/01/2024)”.
Về công tác bồi dưỡng đại biểu dân cử: Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 761/NQ-UBTVQH15 quy định một số nội dung về bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu Quốc hội, theo đó xây dựng dự thảo Kế hoạch bồi dưỡng năm 2024 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nhằm bảo đảm hoạt động bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu Quốc hội ngày càng đi vào nền nếp, góp phần trang bị, bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội. Đồng thời, tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch bồi dưỡng những người được quy hoạch Đại biểu Quốc hội năm 2023, 2024 và các năm tiếp theo. Tiếp tục phối hợp với Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức Hội nghị bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức trong và ngoài nước (như: Vụ Lễ tân, Văn phòng Quốc hội; Ngân hàng thế giới (WB);…) tổ chức các hội nghị tập huấn cho đại biểu dân cử (nếu có); tiếp tục xây dựng, phát triển Website, cập nhật dữ liệu bồi dưỡng.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại cuộc họp.
Về các công tác khác, thực hiện các nhiệm vụ khác do Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội giao. Xây dựng và triển khai thực hiện đề án vị trí việc làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương và cán bộ thuộc quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề án cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27/TW. Thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác đối ngoại theo quy định và các hoạt động đột xuất.
Tiếp tục làm tốt vai trò là cầu nối trung tâm giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND các cấp
Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ sự ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao tập thể Lãnh đạo Ban Công tác đại biểu và tập thể cán bộ, công chức, đảng viên trong đơn vị đã cố gắng, nỗ lực, đoàn kết, trách nhiệm cao để hoàn thành cơ bản, xuất sắc nhiệm vụ năm.
Theo đó, năm 2023 là một năm khối lượng công việc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói chung, của Ban Công tác đại biểu nói riêng rất lớn, số lượng công việc so với kế hoạch không thuyên giảm, chưa kể nhiệm vụ đột xuất, phát sinh tăng. Tuy nhiên, Ban Công tác đại biểu đã hoàn thành khối lượng công việc theo sự phân công của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chủ động thực hiện các nhiệm vụ khác để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc được giao như chủ động trong nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức chuyên sâu đối với đại biểu Quốc hội; Xây dựng các Đề án, nghị quyết, tham mưu phục vụ công tác quy hoạch; thực hiện chế độ chính sách cho đại biểu, từ việc nâng lương, tham gia đào tạo, bồi dưỡng, bảo hiểm, thi nâng ngạch đảm bảo kịp thời…
Công tác phối hợp với các cơ quan tham mưu có liên quan từng bước được chú trọng; Chủ động phối hợp với các cơ quan để bảo đảm chất lượng, tiến độ hướng dẫn hoạt động của đại biểu HĐND được bài bản, chu đáo bảo đảm đúng quy trình, thủ tục. Nhân sự lãnh đạo của 2 đơn vị chuyên môn cấp Vụ đã được kiện toàn đầy đủ, nên thuận lợi để triển khai nhiệm vụ được giao.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng Đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp tổng kết.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận một số công việc, kết quả của Ban Công tác đại biểu đã hoàn thành, đáng biểu dương như: Tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội ban hành 01 Nghị quyết; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 01 Nghị quyết, đặc biệt Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23/6/2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Tham mưu, phục vụ Quốc hội hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là hình thức giám sát đặc biệt, nhận được sự theo dõi, quan tâm và đồng tình của cử tri và Nhân dân. Ban Công tác đại biểu đã tham mưu cho Đảng đoàn Quốc hội ban hành 02 Kế hoạch, 02 Hướng dẫn; hoàn thành 02 Đề án. Tham mưu về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội (35 Nghị quyết về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; ban hành 205 quyết định, nghị quyết và nhiều văn bản khác chế độ, chính sách ...) Tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức 07 Hội nghị bồi dưỡng cho đại biểu Quốc hội và 01 tọa đàm; 47 Hội nghị bồi dưỡng đại biểu HĐND với hàng ngàn lượt đại biểu tham dự…
Ban Công tác đại biểu tiếp tục làm tốt vai trò là cầu nối trung tâm giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND các cấp thông qua các hoạt động tham mưu, phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện chức năng giám sát, hướng dẫn hoạt động của HĐND, đa dạng hình thức để tăng cường sự kết nối (tổ chức Hội nghị, hội thảo, mời Thường trực HĐND tham dự các kỳ họp Quốc hội).
Ban Công tác đại biểu đã có sự tiến bộ rõ nét trong việc hạn chế sai sót về kỹ thuật so với năm trước, đặc biệt trong công tác nhân sự. Điều này phản ánh sự chỉn chu, nghiêm túc và chuyên nghiệp trong hoạt động của Ban.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, có được nhiều kết quả nổi bật là do trong năm, Ban tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cơ bản đồng tình 02 hạn chế, tồn tại báo cáo nêu như chưa đầy đủ, chưa thực sự trực diện, chưa nêu được những hạn chế cụ thể: Chất lượng tham mưu văn bản, có việc, có nội dung chưa đảm bảo chất lượng, yêu cầu. Tiến độ một số việc còn chậm; thiếu dứt điểm, ví dụ như Nghị quyết về thi đua, khen thưởng đại biểu, Nghị quyết về kỷ niệm chương. Triển khai nhiệm vụ đôi lúc chưa khoa học, thiếu đồng bộ, vẫn còn có việc thiếu chủ động từ sớm, từ xa từ khâu xây dựng kế hoạch, đến giải pháp triển khai. Công tác hậu kiểm, rà soát, theo dõi đến cùng đầu công việc cũng còn thiếu thường xuyên; việc ứng dụng công nghệ thông tin để cập nhật, theo dõi có tính hệ thống mặc dù đã có nhiều cố gắng, song chưa được quan tâm đúng mức. Công tác phối hợp ở trung ương và địa phương có việc chưa thường xuyên, thiếu liên tục, hiệu quả chưa cao.
Từ những vấn đề trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặt ra yêu cầu đối với Ban Công tác đại biểu trong năm 2024. Theo đó, Ban cần bám sát chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh công tác nhân sự, các đồng chí còn được giao nhiệm vụ tham mưu, phục vụ ban hành và thực hiện Kế hoạch phục vụ Lễ kỷ niệm hướng tới 80 năm Quốc hội Việt Nam. Kèm theo phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 cần chi tiết, cụ thể kế hoạch các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, (kế hoạch cụ thể năm, 6 tháng, từng quý và từng tháng phù hợp với tình hình thực tiễn).
Ban Công tác đại biểu cần duy trì hàng tháng việc hậu kiểm, rà soát các việc hoàn thành, chưa hoàn thành, việc điều chuyển tiến độ, ... các việc phát sinh theo yêu cầu, chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội một cách khoa học, bài bản. Tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong cách làm để đạt hiệu quả cao hơn đề vừa đảm bảo chất lượng, vừa đảm bảo tiến độ. Cần có giải pháp để tăng cường mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức (từ các cơ quan ban Đảng, chính quyền đến tổ chức đoàn thể, từ trung ương đến địa phương....). Ưu tiên hoàn thành dứt điểm các việc của năm trước vắt sang năm nay, bảo đảm tiến độ, chất lượng, trong đó, sớm khẩn trương hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết: Nghị quyết quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết quy định về Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp; “Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc mẫu của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong thời gian tới. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao
Ban Công tác đại biểu là đơn vị duy nhất trong khối các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 2 đơn vị chuyên môn (ngoài Viện Nghiên cứu lập pháp là đơn vị sự nghiệp công lập), nên trong công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Ban cũng có sự khác biệt để hướng tới sự hỗ trợ, thống nhất của hai đơn vị, với mục tiêu “Hai đầu mối, một nhiệm vụ” để huy động tối đa sức mạnh tập thể, sức mạnh đoàn kết của Ban. Đặc biệt, đối với Trung tâm bồi dưỡng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị tập thể lãnh đạo Ban cần đầu tư thời gian, chuyên môn để đổi mới hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, năng lực hoạt động động của trung tâm.
Một số hình ảnh tại cuộc họp tổng kết:
Toàn cảnh cuộc họp tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024 của Ban Công tác đại biểu.
Các đại biểu tham dự cuộc họp.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng Đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao những hoạt động, việc làm của Ban Công tác đại biểu đã thực hiện tốt trong năm 2023.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh.
Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Chánh Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh đóng góp ý kiến.
Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên.
Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử Nguyễn Thị Nga.
Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu Nguyễn Hải Long.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng Đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận tại cuộc họp tổng kết và yêu cầu Ban Công tác đại biểu thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới./.