Tại Công văn số 3432/BC-UBTP 13 ngày 20/6/2016 của Ủy ban Tư pháp về việc trả lời kiến nghị cử tri như sau:
1. Cử tri các tỉnh Long An, Ninh Thuận kiến nghị: Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010 có quy định: “Cơ quan hành chính trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại là cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Người thi hành công vụ có lỗi, gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền” (Điều 56). Nhưng trong thực tế, việc xác định khoản tiền phải “hoàn trả” lại cho ngân sách vẫn còn rất mập mờ, việc thực hiện quy định trên chưa được nghiêm túc. Cử tri đề nghị Quốc hội xem xét quy định rõ hơn về nội dung này và tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện; đồng thời cần thường xuyên giám sát các vụ án có dấu hiệu oan, sai; kịp thời chấn chỉnh lại cách hành xử của các cơ quan tham gia quá trình tố tụng.
Trả lời:
1.1. Kiến nghị về Điều 56 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Điều 56 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nướcnăm 2009 quy định:
“1. Người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
2. Người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại quy định tại Điều 26 của Luật này không phải chịu trách nhiệm hoàn trả.
3. Người thi hành công vụ ngoài việc phải hoàn trả khoản tiền quy định tại khoản 1 Điều này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.
Ý kiến cử tri cho rằng, trên thực tế việc xác định khoản tiền phải “hoàn trả” lại cho ngân sách vẫn còn rất mập mờ; quy định trên chưa được thực hiện nghiêm túc. Cử tri đề nghị Quốc hội xem xét quy định rõ hơn về nội dung này và tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện.
Ủy ban Tư pháp nhận thấy, việc quy định người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước là nhằm nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ và bù đắp một phần ngân sách nhà nước đã thực hiện việc bồi thường. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thời gian qua cho thấy, quy định này đã bộc lộ nhiều bất cập như cử tri phản ánh. Cơ chế xác định trách nhiệm hoàn trả làchưa hợp lý, tạo ra sự thiếu thống nhất giữa các đối tượng. Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, từ khi Luật có hiệu lực từ 01/01/2010 đến 30/9/2012, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã giải quyết được 122/165 vụ việc. Tổng số tiền đã chi trảbồi thường là 15,9 tỷ đồng. Trong đó, số tiền bồi thường trong lĩnh vực quản lý hành chính là 6,4 tỷ đồng; trong lĩnh vực tố tụng là 7,9 tỷ đồng và trong lĩnh vực thi hành án dân sự là 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 4 vụ việc cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thực hiện việc xem xét trách nhiệm hoàn trả đối với cán bộ, công chức. Hiện nay, Chính phủ đang phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiến hành tổng kết 05 năm thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và nghiên cứu, chuẩn bị trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật này.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, trong quá trình thẩm tra, chỉnh lý dự thảo luật, Ủy ban Tư pháp sẽ nghiên cứu, phối hợp với cơ quan hữu quan chỉnh lý, hoàn thiện quy định về nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách Nhà nước của người thi hành công vụ, cũng như khắc phục các quy định khác còn bất cập, không phù hợp với thực tiễn, bảo đảm bảo đảm tính minh bạch và khả thi.
1.2. Kiến nghị cần quy định rõ trách nhiệm bồi thường oan, sai đối với tập thể, cá nhân để xảy ra oan, sai; không được sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện việc bồi thường oan, sai
Ủy ban Tư pháp xin tiếp thu ý kiến này, sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong quá trình tổng kết, nghiên cứu và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cũng như quá trình thẩm tra, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo, bảo đảm quy định hợp lý về cơ chế, trách nhiệm bồi thường khi để xảy ra oan, sai, phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế, sự nghiêm minh của pháp luật, đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức làm công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
2. Cử tri thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri đề nghị cần giám sát chặt chẽ hoạt động điều tra, xét xử của các cơ quan tư pháp, tránh để xảy ra trường họp oan sai. Cử tri kiến nghị cần quy định rõ trách nhiệm bồi thường oan sai đối với tập thế, cá nhân đế xảy ra oan sai, không được sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện việc bồi thường oan sai, có như vậy mới nêu cao được trách nhiệm của cán bộ làm công tác điều tra, xét xử các vụ án.
Trả lời:
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII,Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp đã tăng cường giám sát trên lĩnh vực tư pháp. Đảng đoàn Quốc hội đã lãnh đạo, chỉ đạo việc tăng cường và nâng cao hiệu quả giám sát trong lĩnh vực tư pháp.Quốc hội cũng đã tăng cường ban hành các Nghị quyết nhằm triển khai toàn diện các giải pháp khắc phục các hạn chế trong lĩnh vực tư pháp, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng và công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đáp ứng các yêu cầu của cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp[1].
Tại kỳ họp thứ 9, trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Tư pháp, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” (trong khoảng thời gian từ 01/10/2011 đến 30/9/2014). Kết quả giám sát đã đánh giá toàn diện thực trạng tình hình oan, sai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử;xác định nguyên nhân, trách nhiệm dẫn đến tình trạng oan, sai trong điều tra, truy tố, xét xử án hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan; những khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục; đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 96/2015/QH13 ngày 26/6/2015 về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm việc bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự , trong đó yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ, ngành liên quan có biện pháp bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnhpháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự, bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội và quyền tranh tụng trong xét xử; khắc phục triệt để việc để xảy ra oan, sai; khi đã xác định được việc oan, sai thì phải kịp thời minh oan, bồi thường thỏa đáng cho người bị oan và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm pháp luật.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo tăng cường hơn nữa việc giám sát tối cao, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp về công tác tư pháp trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV sắp tới, với các nội dung giám sát chuyên đề dự kiến tập trung gồm:
- Giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án;
- Giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật thi hành án dân sự, trong đó chú trọng công tác giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các luật này; việc kiện toàn tổ chức, bộ máy, tuyển chọn, thi tuyển và bổ nhiệm Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và Chấp hành viên; giám sát việc triển khai thi hành Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và một số luật mới ban hành liên quan đến lĩnh vực tư pháp;
- Giám sát giải quyết một số vụ án có dấu hiệu oan, sai, gây bức xúc trong dư luận.
Với trách nhiệm của mình, Ủy ban Tư pháp sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội để góp phần hạn chế tình trạng điều tra, truy tố, xét xử oan, sai; tích cực nghiên cứu, giám sát các vụ việc có dấu hiệu oan, sai để phát hiện các vi phạm, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.
[1]Trong thời gian 2011 – 2015, Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề về công tác tư pháp:
(1) Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của VKSND, của TAND và công tác thi hành án năm 2013;
(2) Nghị quyết số 63/2013/QH13 ngày 27/11/2013 về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm;
(3) Nghị quyết số 77/2014/QH13 ngày 10/11/2014về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, trong đó về lĩnh vực tư pháp, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục các hạn chế trong lĩnh vực tư pháp;
(4) Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016 và những năm tiếp theo.