Tại công văn 283 ngày 27/9/2016 của Ban Dân nguyện về việc trả lời kiến nghị cử tri kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII:
Cử tri các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Lạng Sơn, Nghệ An kiến nghị: “Đề nghị cần xác lập cơ chế giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri cụ thể, rõ ràng hơn; hướng dẫn cụ thể về thời gian các cơ quan hữu quan phải trả lời kiến nghị cử tri, do hiện nay việc trả lời còn chậm, nhiều vấn đề được tập hợp và phản ánh tại kỳ họp Quốc hội, nhưng đến kỳ họp sau mới có văn bản trả lời; đồng thời tăng cường giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri”.
Trả lời:
- Về thời hạn trả lời kiến nghị của cử tri: Tại khoản 1, Điều 36 Nghị quyết số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTW MTTQVN ngày 27/9/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội đã quy định:“Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị của cử tri, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền có trách nhiệm nghiên cứu, giải quyết và trả lời cử tri; gửi văn bản trả lời cử tri đến Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương nơi cử tri kiến nghị và cơ quan, đại biểu Quốc hội đã chuyển kiến nghị của cử tri”.
Như vậy, thời hạn các cơ quan có thẩm quyền trả lời kiến nghị cử tri đã được quy định cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số bộ, ngành việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri còn chậm. Để khắc phục tình trạng này, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Ban Dân nguyện sẽ có ý kiến với các bộ, ngành kịp thời giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri theo đúng quy định pháp luật, đồng thời có thêm thông tin để phục vụ Đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu và hoạt động tiếp xúc cử tri.
- Về cơ chế giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri: Điều 31 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; và tại Nghị quyết số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội quy định: Ban Dân nguyện giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức và tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Thực hiện nhiệm vụ này, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Ban Dân nguyện đã tổ chức nghiên cứu, xem xét, đánh giá văn bản trả lời của các bộ, ngành đối với từng kiến nghị và phân loại theo các tiêu chí: các kiến nghị đã giải quyết, đang giải quyết, sẽ giải quyết, tiếp thu, giải trình, cung cấp thông tin cho cử tri để tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc giải quyết; tổ chức làm việc với các bộ, ngành về việc giải quyết đối với toàn bộ kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp Quốc hội; đồng thời, tổ chức giám sát chuyên đề về một số nội dung mà các bộ, ngành trả lời đã giải quyết mà cử tri tiếp tục kiến nghị, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội; tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, chuẩn bị báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội.
Như vậy, hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri được tiến hành thường xuyên và tại mỗi kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đều có báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trình Quốc hội. Tuy vậy, với số lượng kiến nghị của cử tri gửi đến mỗi kỳ họp rất lớn, Ban Dân nguyện sẽ tập trung nhân lực để thực hiện nhiệm vụ này được hiệu quả hơn.
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Ban Dân nguyện thấy rằng, rất cần sự phối hợp tích cực của các Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc đánh giá chất lượng, hiệu quả giải quyết kiến nghị của cử tri của từng bộ, ngành, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với kiến nghị của cử tri ở địa phương, giúp Ban Dân nguyện có thêm cơ sở đánh giá chất lượng, hiệu quả việc giải quyết kiến nghị của cử tri.