KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI THUỘC LĨNH VỰC BẢO HIỂM XÃ HỘI

25/03/2019

Kiến nghị của cử tri gửi Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV thuộc lĩnh vực Bảo hiểm xã hội.

Câu 1. Cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: Đề nghị quan tâm đến đối tượng người dân tộc Kinh đang sinh sống tại các xã thuộc khu vực III của huyện Quan Hóa được cấp thẻ BHYT.

Trả lời: Tại Công văn số 139/BHXH-ST ngày 11/01/2019

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Quyết định số 50/2016/QĐ-TTg ngày 03/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 xác định “xã khu vực III là xã có điều kiện tế xã hội đặc biệt khó khăn”. Vì vậy, người dân tộc Kinh đang sinh sống tại các xã thuộc khu vực III huyện Quan Hóa là đối tượng được Ngân sách Nhà nước đóng BHYT theo quy định tại Khoản 9, Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT và Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm lập danh sách gửi cho cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT cho đối tượng này theo quy định tại Khoản 5, Điều 11 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

Đối với phản ánh của cử tri tỉnh Thanh Hóa nêu trên, BHXH Việt Nam xin tiếp thu và sẽ chỉ đạo BHXH tỉnh Thanh Hóa kiểm tra, rà soát và phối họp với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt danh sách đối tượng trên địa bàn, để đảm bảo việc lập danh sách và cấp thẻ BHYT cho người tham gia được kịp thời, chính xác.

Câu 2. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Việc thẻ BHYT không ghi ngày hết hạn sử dụng, nhiều người dân không biết ngày hết hạn để mua tiếp, dẫn đến không tham gia BHYT liên tục 5 năm, bên cạnh đó còn có tình trạng gian lận khi các đại lý nhận mua giúp thẻ BHYT cho người dân như: Người dân mua thời hạn một năm mà các đại lý chỉ mua 6 hoặc 9 tháng thì người dân cũng không thể biết được... Đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam có giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng trên để tránh thiệt thòi cho người dân khi tham gia BHYT.

Trả lời: Tại Công văn số 5597/BHXH-ST ngày 28/12/2018

BHXH Việt Nam đã ban hành quy định về việc cấp sổ BHXH, thẻ BHYT theo mã số BHXH sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Y tế. Theo đó, thẻ BHYT cấp cho người tham gia theo mã số BHXH giúp tránh cấp trùng một người nhiều thẻ BHYT, cũng như quản lý, xác định thời điểm tham gia đủ 5 năm liên tục của từng cá nhân. Ngoài ra, trên thẻ BHYT mới chỉ ghi giá trị sử dụng từ ngày .../.../      ... (bỏ quy định ghi giá trị sử dụng đến ngày). Vì vậy, người tham gia sẽ sử dụng thẻ BHYT lâu dài, không phải đổi lại hàng năm.

Đây là hoạt động triển khai thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, với mục tiêu cấp thẻ điện tử cho người dân và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHXH, BHYT. Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung; cấp số định danh cá nhân cho người tham gia BHXH, BHYT. Những thay đổi này mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng thẻ BHYT. Trước hết, giảm bớt thủ tục nộp lại thẻ cũ còn giá trị sử dụng cho cơ quan BHXH khi ngừng đóng BHYT. Thẻ BHYT theo mã số BHXH cấp cho người tham gia được sử dụng lâu dài, không phải đổi lại hàng năm; trừ trường hợp mất, rách, hỏng hoặc thay đổi thông tin trên thẻ. Điều này cũng tránh trường hợp in, đổi thẻ không kịp thời như các năm trước đây, làm ảnh hưởng đến quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT của người tham gia.

Bên cạnh đó, người tham gia cũng dễ dàng tìm hiểu thông tin về thời hạn sử dụng thẻ BHYT bằng nhiều hình thức: kiểm tra qua danh sách cấp thẻ BHYT lưu tại đơn vị; kiểm tra trên cổng thông tin BHXH Việt Nam (www.baohiemxahoi.gov.vn); gọi Trung tâm Hỗ trợ khách hàng của BHXH Việt Nam qua tổng đài 1900969668. Ngoài ra, người dân có thể liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH, bưu điện văn hóa xã, Ủy ban nhân dân xã, đơn vị, đại lý thu nơi tham gia BHXH, BHYT, cơ sở khám, chữa bệnh BHYT để được giải đáp thỏa đáng.

Khi tới hạn nộp tiền, cơ quan BHXH có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền và đôn đốc đơn vị, người tham gia tiếp tục đóng theo quy định (Biên lai thu tiền đã ghi rõ thời hạn sử dụng thẻ BHYT để người tham gia BHYT được biết).

Câu 3. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Cử tri Bùi Hữu Nhơn, sinh ngày 07/11/1967, hiện ngụ số 32, tổ 8, ấp Cây Nính, xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu có kiến nghị về chế độ lương hưu như sau: ông đã công tác tại huyện Gò Dầu từ tháng 3/1987 và tham gia BHXH đến thời điểm nghỉ việc (tháng 3/2011) là 24 năm. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 51 của Luật BHXH số 71/2006/QH11 thì ông Nhơn sẽ được hưởng chế độ lương hưu theo tháng khi ông đủ 50 tuổi. Vì vậy, ông Nhơn tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện thêm 05 năm và đợi đến hết năm 2017 để hưởng chế độ. Đến ngày 01/01/2016, Quốc hội ban hành Luật BHXH số 58/2014/QH13. Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 55 của Luật thì ông Nhơn phải đủ năm 55 tuổi mới nhận được hưởng chế độ. Như vậy, ông Nhơn phải chờ đến khi nào mới nhận được chế độ? Đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét trường hợp này, đồng thời có hướng dẫn việc quy định chuyển tiếp giữa Luật cũ và Luật mới để cho những người như trường hợp của ông Nhơn cũng như các đối tượng khác được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội.

Trả lời: Tại Công văn số 5401/BHXH-CSXH ngày 25/12/2018

Tại khoản 1 Điều 54 Luật BHXH năm 2014 quy định về điều kiện hưởng lương hưu như sau: “Người lao động quy định tại các diêm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điêu 2 của Luật này, trừ trường họp quy định tại khoản 3 Điêu này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu nêu thuộc một trong các trường họp sau đây:

a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

b) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiếm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thưong binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ câp khu vực hệ số 0,7 trở lên;

c) Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuối và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;

d) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp”.

Tại Khoản 1 Điều 55 Luật BHXH năm 2014 quy định về điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động và được hưóng dẫn tại Điều 16 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội như sau: Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXẸ trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật nàv nêu thuộc một trong các trường họp sau đây:

a) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% và đảm bảo điều kiện về tuổi đời theo bảng dưới đây:

 

Năm nghỉ hưỏng

lương hưu

Điều kiện về tuổi đời

đối với nam

Điều kiện về tuổi đời

đối với nữ

2016

Đủ 51 tuổi

Đủ 46 tuổi

2017

Đủ 52 tuổi

Đủ 47 tuổi

2018

Đủ 53 tuổi

Đủ 48 tuổi

2019

Đủ 54 tuổi

Đủ 49 tuổi

Từ 2020 trở đi

Đủ 55 tuổi

Đủ 50 tuổi

 

b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên;

c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

Trường hợp của ông Nhơn không nêu rõ về điều kiện làm việc trong 24 năm và tình trạng sức khỏe của bản thân có bị suy giảm khả năng lao động không nên BHXH Việt Nam không có đủ căn cứ để trả lời cụ thể.

Hiện nay, việc quy định về xác định điều kiện hưởng lương hưu của các trường họp đóng BHXH đến thời điểm Luật BHXH năm 2014 ban hành như trường họp của ông Nhơn đã có quy định cụ thể, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh hướng dẫn ông Nhơn liên hệ với BHXH tỉnh Tây Ninh để được giải đáp thắc mắc.

Câu 4. Cử tri tỉnh Vĩnh Long, Ninh Bình kiến nghị: Nhiều cử tri phản ánh, tình trạng bội chi quỹ BHYT có nguy cơ tăng cao do nhận thức về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của BHYT ở nhiều nơi, nhiều cấp còn chưa đúng và còn tình trạng trục lợi từ BHYT. Đề nghị cần có giải pháp quyết liệt hơn và xử lý nghiêm những vi phạm; có cơ chế quản lý quỹ BHYT, sử dụng hiệu quả quỹ khám chữa bệnh BHYT. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Nên thống nhất cơ quan quản lý BHYT về một đầu mối với cơ quan y tế.

Trả lời: Tại Công văn số 286, 287/BHXH-CSYT ngày 25/01/2019

1. Về giải pháp quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ KCB BHYT

Từ năm 2016, quỹ BHYT bắt đầu bội chi trong năm, nguyên nhân chủ yếu là quy định thông tuyến KCB BHYT từ ngày 01/01/2016 và điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế có kết cấu thêm tiền lương nhân viên y tế tại Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính được triển khai thực hiện từ ngày 01/3/2016. BHXH Việt Nam đã sử dụng quỹ dự phòng để bổ sung quỹ KCB BHYT bị bội chi trong năm.

Để quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, BHXH Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp, cụ thể như sau:

a) Về cơ chế chính sách:

- BHXH Việt Nam đã đề xuất với cơ quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bổ sung tội gian lận BHYT vào Bộ Luật Hình sự năm 2015 để có chế tài xử lý hành vi trục lợi quỹ BHYT.

- Đề xuất với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi KCB BHYT cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quản lý quỹ BHYT theo dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao.

- Kiến nghị với Chính phủ cũng như các Bộ ngành trong việc điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật, làm căn cứ xây dựng giá dịch vụ y tế để phù hợp với thực tế thực hiện; khi bổ sung thuốc mới, vật tư y tế mới vào danh mục BHYT thanh toán phải có đánh giá chi phí hiệu quả; ban hành đầy đủ quy trình chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn điều trị...; mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia để giảm giá thuốc; bổ sung quy định về đấu thầu vật tư y tế...

b) Về tổ chức thực hiện:

- Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam đã tổ chức nhiều đoàn giám sát làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và các Sở ban ngành có liên quan tại nhiều địa phương nhằm phát huy vai trò của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT.

- Phối hợp với Kiểm toán nhà nước để thực hiện kiểm toán chi KCB BHYT và thu hồi về quỹ BHYT đối với các trường hợp chi sai quy định hàng trăm tỷ đồng.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra việc thanh toán chi phí KCB BHYT tại các địa phương, qua đó đã thu hồi các chi phí KCB BHYT không đúng quy định về quỹ BHYT hàng chục tỷ đồng.

- Xây dựng Hệ thống thông tin giám định BHYT để kết nối với tất cả cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc nhằm kiểm soát chi phí KCB BHYT, kịp thời phát hiện và xử lý tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

- BHXH Việt Nam đã tổ chức thí điểm đấu thầu thuốc tập để giảm giá thuốc.

- Thường xuyên chỉ đạo BHXH các tỉnh tăng cường công tác giám định BHYT, kịp thời phát hiện và ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về BHYT dưới nhiều hình thức và nội dung.

2. Về việc thống nhất cơ quan quản lý BHYT về một đầu mối với cơ quan y tế

Từ năm 1992 đến năm 2001, cơ quan tổ chức thực hiện BHYT và quản lý quỹ BHYT cấp Trung ương là BHYT Việt Nam trực thuộc Bộ Y tế, cấp tỉnh là BHYT các tỉnh trực thuộc Sở Y tế.

Thực hiện cải cách tổ chức bộ máy của Chính phủ trong tình hình mới sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 - 2010, từ năm 2002, Hệ thống BHYT Việt Nam đã sát nhập vào hệ thống BHXH Việt Nam theo Quyết định sổ 20/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, BHXH Việt Nam là cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT.

Việc sát nhập BHYT Việt Nam vào BHXH Việt Nam nhằm phục vụ và đáp ứng yêu cầu tốt hơn cho người tham gia BHXH, BHYT và tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng người lao động đóng BHXH và BHYT theo quy định của pháp luật; đồng thời phát triển và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của cả hệ thống BHXH và BHYT. Quỹ BHYT là quỹ thành phần của quỹ BHXH, quản lý tập trung, thống nhất, dân chủ và công khai theo quy chế quản lý tài chính đối với BHXH Việt Nam.

Mô hình này cũng được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, BHXH Việt Nam quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT là phù hợp với tình hinh Việt Nam và thông lệ quốc tế. Hằng năm, đối tượng tham gia BHYT ngày càng mở rộng, quỹ BHYT đã chi trả cho hàng trăm triệu lượt KCB BHYT và là nguồn tài chính y tế quan trọng, ổn định, không thể thiếu trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân, trong đó ngành BHXH đã góp một phần không nhỏ cho chính sách an sinh xã hội của Việt Nam.

Câu 5. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Xem xét điều chỉnh cho các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT ban đầu được tạm ứng 95% nguồn kinh phí được sử dụng tại cơ sở khám, chữa bệnh, vì theo mức quy định mức tạm ứng hiện nay là 80% không đủ để các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Trả lời: Tại Công văn số 253/BHXH-CSYT ngày 23/01/2019

Theo quy định tại Điều 32 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, trong thời hạn 15 ngày đầu mỗi quý, cơ sở KCB có trách nhiệm gửi báo cáo quyết toán chi phí KCB BHYT của quý trước cho cơ quan BHXH, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở KCB, cơ quan BHXH tạm ứng cho cơ sở KCB một lần bằng 80% chi phí KCB BHYT theo báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở KCB. Do vậy, cơ quan BHXH không có căn cứ pháp lý để điều chỉnh tạm ứng bằng 95% nguồn kinh phí được sử dụng tại cơ sở KCB như kiến nghị của cử tri tỉnh nhà. BHXH Việt Nam xin tiếp thu kiến nghị của cử tri và sẽ có ý kiến với các Bộ, ngành khi tham gia sửa đổi, bổ sung Luật BHYT.

Câu 6. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Cần quy định thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh theo hàng quý để cơ sở khám, chữa bệnh kịp thời thanh quyết toán tiền thuốc, tiền vật tư y tế cho bệnh nhân; đổi mới phương pháp chi trả quyết toán quỹ khám, chữa bệnh, tiến tới xây dựng gói định mức.

Trả lời: Tại Công văn số 253/BHXH-CSYT ngày 23/01/2019

a) Về thanh quyết toán chi phí KCB BHYT hàng quý:

Hiện nay, cơ quan BHXH và cơ sở KCB BHYT đang thực hiện thanh, quyết toán chi phí KCB BHYT hàng quý theo đúng quy định tại Khoản 2, Điều 32 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, vào đầu mỗi quý, cơ quan BHXH cũng tạm ứng một lần bằng 80% chi phí KCB BHYT theo báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở KCB nhằm đảo bảo nguồn kinh phí mua thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao của cơ sở KCB.

b) Về đổi mới phương pháp chi trả quyết toán quỹ KCB, tiến tới xây dựng gói định mức:

Ngày 17/10/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT thay thế Nghị định số 105/2014/NĐ-CP. Một trong những điểm mới của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP so với Nghị định số 105/2014/NĐ-CP của Chính phủ là đã có quy định mới về phương thức thanh toán theo giá dịch vụ, quy định tại Điều 24, Nghị định này. Đồng thời, Chính phủ cũng giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định phạm vi thựcc hiện, lộ trình thực hiện, kỹ thuật xác định quỹ và thanh toán theo định suất, quy định tại Điều 25, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP nói trên. BHXH Việt Nam đang tích cực tham gia với Bộ Y tế để xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện phương thức thanh toán theo định suất và sẽ hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố triển khai ngay sau khi Bộ Y tế ban hành Thông tư.

Câu 7. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Việc quy định, hướng dẫn quyết toán chi phí khám, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh nên ổn định lâu dài để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám, chữa bệnh.

Trả lời: Tại Công văn số 253/BHXH-CSYT ngày 23/01/2019

Việc quyết toán chi phí KCB BHYT giữa cơ quan BHXH và cơ sở KCB được thực hiện theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn thực hiện BHYT. Cụ thể từ ngày 01/01/2015 đến ngày 31/12/2018 thực hiện theo quy định tại Nghị định số 105/2014/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC; từ ngày 01/01/2019 thực hiện theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP. Việc thay đổi quy định, hướng dẫn quyết toán giữa cơ quan BHXH và cơ sở KCB theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT và cơ sở KCB.

Câu 8. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Khi thanh toán quỹ khám chữa bệnh BHYT tại cơ sở khám chữa bệnh cần có sự thống nhất giữa cơ quan BHXH Việt Nam và BHXH tỉnh về việc xuất toán quỹ khám chữa bệnh BHYT và nêu rõ nguyên nhân xuất toán để các cơ sở khám chữa bệnh biết nhằm khắc phục kịp thời.

Trả lời: Tại Công văn số 253/BHXH-CSYT ngày 23/01/2019

Thực hiện quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện BHYT, BHXH Việt Nam đã có những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh thực hiện việc giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT với cơ sở KCB theo đúng quy định hiện hành đảm bảo việc thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Theo đó, hàng tháng hoặc hàng quý, sau khi thực hiện công tác giám định, cơ quan BHXH thông báo kết quả giám định cho cơ sở KCB để thống nhất. Đồng thời hàng quý/năm cơ quan BHXH phối hợp với cơ sở KCB thực hiện thẩm định xác định nguyên nhân vượt quỹ KCB BHYT, vượt tống mức thanh toán của các trường hợp đa tuyến đến làm cơ sở thanh toán bổ sung chi phí vượt quỹ KCB BHYT và chi phí được thanh toán ngoài tổng mức thanh toán đa tuyến đến. Tại các Thông báo kết quả giám định hoặc Biên bản thẩm định, cơ quan BHXH có nêu cụ thể các khoản chi phí chấp nhận thanh toán, không chấp nhận thanh toán, lý do không chấp nhận thanh toán, các nội dung yêu cầu cơ sở KCB khắc phục.

Hằng năm, BHXH Việt Nam tổ chức thẩm định quyết toán đối với BHXH các tỉnh, thành phố và báo cáo xin ý kiến của Hội đồng quản lý. Kết quả thẩm định quyết toán được ghi nhận tại các Biểu mẫu quyết toán giữa BHXH Việt Nam và BHXH tỉnh, trong đó có nêu cụ thể số tiền không chấp nhận thanh toán và lý do không chấp nhận thanh toán để BHXH tỉnh thông báo cho các cơ sở KCB biết.

Câu 9. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Chi trả BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh nên thực hiện điều tiết giữa các cơ sở trong toàn quốc tránh để có cơ sở thừa quỹ, có cơ sở hụt quỹ BHYT do lượng bệnh tăng.

Trả lời: Tại Công văn số 253/BHXH-CSYT ngày 23/01/2019

Hiện nay việc chi trả chi phí KCB BHYT đang được điều tiết giữa các cơ sở KCB trong toàn quốc, cụ thể như sau:

Theo quy định tại Điều 35 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung: 90% số tiền đóng BHYT dành cho KCB và 10% dành cho quỹ dự phòng và chi quản lý quỹ BHYT, trong đó dành tối thiểu 5% số tiền đóng BHYT cho quỹ dự phòng.

Trường hợp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số thu BHYT dành cho KCB lớn hơn số chi KCB trong năm, sau khi BHXH Việt Nam thẩm định quyết toán thì 80% phần kinh phí chưa sử dụng hết được chuyển về quỹ dự phòng (từ ngày 01/01/2015 đến ngày 31/12/2020); từ ngày 01/01/2021 trở đi được hạch toán toàn bộ vào quỹ dự phòng để điều tiết chung.

Trường hợp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số thu BHYT dành cho KCB nhỏ hơn số chi KCB trong năm, sau khi thẩm định quyết toán xác định nguyên nhân khách quan làm cho số chi KCB tăng cao hơn số thu BHYT dành cho KCB, BHXH Việt Nam báo cáo xin ý kiến Hội đồng quản lý bổ sung phần kinh phí chênh lệch được thanh toán này từ nguồn quỹ dự phòng.

Câu 10. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Xem xét cấp tạm ứng trước 50% đối với trường hợp vượt quỹ khám chữa bệnh cho cơ sở khám, chữa bệnh để quyết toán tiền thuốc, vật tư y tế cho bệnh nhân.

Trả lời: Tại Công văn số 253/BHXH-CSYT ngày 23/01/2019

Hiện nay, BHXH các tỉnh đang thực hiện việc tạm ứng kinh phí KCB BHYT cho các cơ sở KCB theo đúng quy định tại Điều 32 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, cụ thể là trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở KCB, cơ quan BHXH thực hiện tạm ứng cho cơ sở KCB một lần bằng 80% chi phí KCB BHYT theo báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở KCB (chi phí này bao gồm cả phần chi phí vượt quỹ KCB BHYT). Trường họp kinh phí tạm ứng cho các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh vượt quá số kinh phí được sử dụng trong quý, BHXH tỉnh tỉnh báo cáo với BHXH Việt Nam để bổ sung kinh phí nhằm đảm bảo đầy đủ kinh phí tạm ứng cho cơ sở KCB.

Tuy nhiên, do nhiều cơ sở KCB có tình trạng chi vượt nguồn kinh phí được sử dụng hàng quý nhưng chậm gửi thuyết minh nguyên nhân vượt nguồn kinh phí, do đó việc thẩm định, xác định nguyên nhân khách quan gây vượt  nguồn nguồn kinh phí của cơ quan BHXH và cơ sở KCB thực hiện chậm so với quy định, dẫn đến việc bổ sung kinh phí cho cơ sở KCB bị chậm theo.

Hàng năm, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH tỉnh đôn đốc cơ sở KCB BHYT gửi báo cáo quyết toán kịp thời, đúng thời gian quy định; khẩn trương thẩm định để xác định nguyên nhân khách quan vượt quỹ, báo cáo BHXH Việt Nam; thực hiện tạm ứng kịp thời kinh phí KCB BHYT ngay khi nhận được kinh phí do BHXH Việt Nam cấp.

Câu 11. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Kiến nghị trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chọn phương thức đóng 01 lần cho 05 năm về sau, nếu trong thời gian tham gia chưa đủ 05 năm mà từ trần thì thân nhân được hưởng chế độ mai táng phí.

Trả lời: Tại Công văn số 88/BHXH-CSXH ngày 08/01/2019

BHXH Việt Nam là cơ quan tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, không có chức năng xây dựng, hoạch định chính sách. Do vậy, nội dung kiến nghị của cử tri vượt quá thẩm quyền của BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, BHXH Việt Nam tiếp thu kiến nghị của cử tri để báo cáo cơ quan có chức năng khi sửa đổi chính sách pháp luật về BHXH tự nguyện. Đồng thời đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh có đề xuất cụ thể với cơ quan quản lý nhà nước về BHXH.

Câu 12. Cử tri tỉnh Trà Vinh, Bình Thuận kiến nghị: Đề nghị trong thời gian tới Luật nên mở rộng điều kiện tham gia BHYT tự nguyện đối với người dân, học sinh có quyền lựa chọn tham gia BHYT theo nhóm đối tượng hộ gia đình hoặc nhóm đối tượng học sinh sinh viên.

Trả lời: Tại Công văn số 65/BHXH-ST ngày 07/01/2019

Khoản 2 Điều 13 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng bảo hiếm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này. Theo đó người vừa là đối tượng học sinh, sinh viên được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, đồng thời là người thuộc hộ gia đình thì thực hiện đóng BHYT theo đối tượng học sinh, sinh viên (đối tượng học sinh, sinh viên đứng trước Nhóm tham gia bảo hiếm y tế theo hộ gia đình) là đúng quy định của pháp luật. BHXH Việt Nam tiếp thu ý kiến để kiến nghị, đề xuất sửa đổi Luật BHYT trong thời gian tới cho phù họp thực tế.

Câu 13. Cử tri tỉnh Hưng Yên kiến nghị: Cử tri kiến nghị: Thời gian thực hiện nghĩa vụ quận sự của thanh niên đến tuổi nhập ngũ là 24 tháng; trong thời gian nhập ngũ thì cha, mẹ các quân nhân được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, nhưng việc cấp thẻ BHYT rất chậm, cá biệt có nơi chậm đến tháng 8 ảnh hưởng đến việc, khám và điều trị bệnh của gia đình quân nhân. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo việc cấp thẻ BHYT; chậm nhất là tháng 1 sau khi quân nhân nhập ngũ.

Trả lời: Tại Công văn số 99/BHXH-ST ngày 09/01/2019

Căn cứ Khoản 4, Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13/6/2014, ngày 14/4/2016 liên Bộ Quốc phòng, Y tế, Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 49/2016/TTLT- BQP-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện BHYT đối với công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, lao động hợp đồng, học sinh, sinh viên đang công tác, làm việc, học tập trong Bộ Quốc phòng, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu và thân nhân quân nhân tại ngũ, thân nhân cơ yếu. Trong đó tại các Điểm b và c Khoản 3 Điều 21 của Thông tư này có quy định các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm: kiếm tra, xác định thông tin do quân nhân, người lao động, học sinh, sinh viên cung cấp để lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT chuyến BHXH Bộ Quốc phòng. Trường hợp đơn vị đề nghị không kịp thời mà đối tượng đi khám bệnh, chữa bệnh thì phải chịu trách nhiệm về chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người tham gia BHYT; tiếp nhận, giao thẻ BHYT cho đối tượng tham gia BHYT. Trường hợp quân nhân đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo mà không có điều kiện gửi thẻ về cho thân nhân thì đơn vị có trách nhiệm chuyển thẻ BHYT về địa phương đế giao cho thân nhân.

Trường hợp cha mẹ của một số binh sĩ trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự thuộc địa bàn tỉnh Hưng Yên được cấp thẻ BHYT chậm (như phản ánh của cử tri tỉnh Hưng Yên), BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH Bộ Quốc phòng kiểm tra, rà soát; đồng thời cần có giải pháp phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng để đảm bảo việc lập danh sách và cấp thẻ BHYT cho người tham gia được kịp thời, chính xác.

Câu 14. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Đề nghị khi cấp thẻ BHYT cần dán ảnh trong thẻ để khi khám, chữa bệnh không cần phải xuất trình nhiều giấy tờ khác nhau.

Trả lời: Tại Công văn số 138/BHXH-ST ngày 11/01/2019

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 12 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số Điều của Luật BHYT, cơ quan BHXH phát hành thẻ BHYT có ảnh cho người tham gia BHYT (trừ trẻ em dưới 6 tuổi) đối với các trường họp: người tham gia BHYT không có giấy tờ xác nhận nhân thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc Giấy xác nhận của Công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp noi quản lý học sinh, sinh viên, hoặc giây tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác. Ngày 29/11/2018, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 4996/BHXH CSYT triển khai một số nội dung theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP có quy định: trường họp chưa có giấy tờ xác nhận nhân thân có ảnh như quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, người tham gia nộp 02 ảnh (kích thước 2x3cm) cho cơ quan BHXH, 01 ảnh dán vào vị trí quy định trên thẻ BHYT (có đóng dấu nổi thu nhỏ giáp lai của cơ quan BHXH giữa ảnh với thẻ BHYT); 01 ảnh lưu cùng hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT. Đồng thòi, BHXH Việt Nam cũng đang nghiên cứu triển khai cấp thẻ BHYT điện tử có chất liệu lâu bền và sử dụng dữ liệu sinh trắc học của người có thẻ (như: ảnh điện tử, vân tay...) theo quy định tại Điểm g Khoản 5 Điều 42 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, để khi đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT không còn phải xuất trình giấy tờ xác nhận nhân thân có ảnh.

Câu 15. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét chỉ đạo sớm thanh toán chi phí vượt trần 2017 cho các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; hỗ trợ đơn vị trong việc kiểm soát chi phí chuyển tuyến; không áp dụng thanh toán theo tỷ lệ khi đã tổ chức giám định chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế qua Cổng thông tin điện tử; sửa đổi, bổ sung hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho phù hợp với tình hình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; các quy định thanh toán chi phí bảo hiểm y tế cần có thời gian triển khai tránh hồi tố; giám định viên bảo hiểm y tế phải có chứng chỉ hành nghề (như Bác sĩ) để đáp ứng yêu cầu mới; hàng quý thông tin cho cơ sở khám chữa bệnh số thẻ, cơ cấu thẻ, số quỹ làm cơ sở để điều hành quỹ bảo hiểm y tế.

Trả lời: Tại Công văn số 272/BHXH-CSYT ngày 24/01/2019

1. Về thanh toán chi phí vượt trần năm 2017

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 11 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT- BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT, các chi phí phát sinh do thay đổi cơ cấu giá dịch vụ KCB, ứng dụng dịch vụ y tế mới, thuốc mới và các yếu tố liên quan khác hoặc thay đổi chức năng, nhiệm vụ của cơ sở y tế theo quyết định của cấp có thẩm quyền được cơ quan BHXH thanh toán ngoài tổng mức thanh toán đối với các trường hợp đến KCB, trừ đăng ký KCB ban đầu (gọi là trần thanh toán đa tuyến đến). Trường hợp cơ sở y tế sử dụng vượt tổng mức kinh phí được thanh toán thì không được quỹ BHYT thanh toán phần chi phí tăng thêm. Theo đó, BHXH các tỉnh đã phối hợp với cơ sở KCB thẩm định xác định các chi phí tăng thêm nêu trên để thanh toán theo quy định.

Ngày 26/10/2018, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 4332/TB-BHXH thông báo thẩm định quyết toán tài chính năm 2017 đối với BHXH thành phố Hồ Chí Minh, theo đó các chi phí tăng thêm khách quan nêu trên đã được BHXH Việt Nam chấp nhận thanh toán ngoài trần thanh toán đa tuyến đến năm 2017 tại các cơ sở KCB.

2. Về hỗ trợ đơn vị trong việc kiểm soát chi phí chuyển tuyến

Việc hỗ trợ các cơ sở KCB kiểm soát chi phí chuyển đến nói chung, khám chữa bệnh “thông tuyến” theo quy định tại Điểm c, Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 5, Điều 22 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung luôn được BHXH Việt Nam xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng. BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh tăng cường công tác giám định, đánh giá việc chỉ định điều trị của cơ sở KCB, nhất là đối với các trường hợp đa tuyến đến, đảm bảo chi phí KCB hợp lý, phù hợp với tình trạng bệnh của người bệnh, chi phí KCB tương đương với chi phí KCB của người bệnh đăng ký KCB BHYT ban đầu tại cơ sở KCB đó, tránh tình trạng cơ sở KCB chỉ định rộng rãi dịch vụ y tế đối với các trường hợp đa tuyến đến nhưng lại chỉ định chặt chẽ đối với người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại đó. Đồng thời, BHXH Việt Nam đã đưa Hệ thống thông tin giám định BHYT vào hoạt động, hỗ trợ các cơ sở KCB kiểm tra được lịch sử đi KCB của người bệnh tại cùng một cơ sở KCB hay tại nhiều cơ sở KCB để tránh việc chỉ định điều trị trùng.

3.  Về áp dụng giám định theo tỷ lệ

Thực tế cho thấy, việc áp dụng phương pháp giám định tập trung theo tỷ lệ theo chỉ đạo của Chính phủ đã làm thay đổi nhận thức của lãnh đạo bệnh viện, nhân viên y tế về trách nhiệm quản lý và sử dụng quỹ BHYT, cơ sở KCB đã quan tâm nhiều hơn đến công tác thống kê, tổng hợp chi phí KCB, chú trọng thực hiện đúng các quy chế chuyên môn, chế độ chính sách BHYT để hạn chế tối đa các sai sót, góp phần cải thiện chất lượng hồ sơ thanh toán chi phí KCB BHYT, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT và bảo đảm quyền lợi cho người bẹnh BHYT.

Kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới và trong khu vực cũng chứng minh tác dụng tích cực, hiệu quả của vie áp dụng phương pháp giám định theo tỷ lệ. Hiện nay BHXH Việt Nam đang chỉ đạo BHXH các tỉnh thực hiện thí điểm mô hình giám định điện tử kết hợp giám định theo tỷ lệ nhằm sửa đổi, bổ sung quy trình giám định BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 1456/QĐ- BHXH cho phù hợp với tình hình hiện nay.

4. Về  hợp đồng KCB BHYT

Để hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố trong việc ký hợp đồng KCB BHYT, hằng năm BHXH Việt Nam đều có văn bản hướng dẫn ký hợp đồng KCB BHYT. Năm 2019, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 4929/BHXH-CSYT ngày 28/11/2018 hướng dẫn ký hợp đồng và thanh toán chi phí KCB BHYT năm 2019 theo đúng quy định tại Chương V Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, mẫu Hợp đồng KCB BHHT được lập theo Mẫu số 7 ban hành kèm theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, tùy theo điều kiện của cơ sở KCB, cơ quan BHXH và cơ sở KCB thống nhất nội dung trong hợp đồng nhưng không trái với quy định của pháp luật về BHYT.

5. Về chứng chỉ hành nghề của giám định viên

BHXH Việt Nam xin tiếp thu ý kiến đóng góp của cử tri thành phố và sẽ phối hợp với các Bộ, ngành để sủa đổi, bổ sung Luật BHYT trong đó có quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với cán bộ làm công tác giám định.

6. Về việc thông tin cho cơ sở KCB, cơ cấu thẻ, số quỹ làm cơ sở để điều hành quỹ BHYT

Theo quy định tại tại Điều 13 Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế quy định đăng ký KCB BHYT ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT, hằng năm Sở Y tế chủ trì, phối hợp với BHXH tỉnh hướng dẫn việc đăng ký KCB ban đầu. Sau khi thống nhất số thẻ BHYT, cơ cấu thẻ BHYT của mỗi cơ sở KCB ban đầu thì cơ quan BHXH sẽ thông báo danh sách người có thẻ BHYT đến cơ sở KCB và nguồn kinh phí cơ sở KCB dự kiến được sử dụng mỗi quý để cơ sở KCB tự chủ trong việc chỉ đạo, điều hành. BHXH các tỉnh cũng thường xuyên thông báo số thẻ tăng/giảm và các thông tin về nguồn kinh phí với cơ sở KCB, làm căn cứ quyết toán chi phí KCB BHYT.

Hiện nay, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP đã bỏ quy định giao quỹ KCB BHYT cho cơ sở KCB BHYT mà thực hiện thanh toán theo Tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT tại cơ sở KCB. Căn cứ số chi năm trước của tỉnh và các yếu tố làm tăng, giảm chi phí KCB BHYT, BHXH Việt Nam đã thông báo nguồn kinh phí dự kiến được sử dụng chi KCB BHYT của tỉnh để BHXH tỉnh phối hợp với Sở Y tế thông báo kinh phí dự kiến được sử dụng của từng cơ sở KCB BHYT trên địa bàn.

Câu 16. Cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: Đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam làm rõ việc giáo viên mầm non hệ công lập khi tham gia bảo hiểm thì yêu cầu bắt buộc, khi nghỉ hưu lại tính theo chế độ tự nguyện.

Trả lời: Tại Công văn số 552/BHXH-CSXH ngày 27/02/2019

Theo quy định tại Điều 2, Luật BHXH năm 2014 thì giáo viên mầm non làm việc tại các trường mầm non hệ công lập thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Khi người lao động tham gia BHXH bắt buộc nghỉ việc mà đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian tham gia BHXH sẽ được giải quyết hưởng chế độ hưu trí theo quy định tại Mục 4 Chế độ hưu trí thuộc Chương III BHXH bắt buộc của Luật BHXH năm 2014.

Trường họp người lao động nghỉ việc thôi không tham gia BHXH bắt buộc, chưa đủ điều kiện giải quyết chế độ hưu trí theo quy định nêu trên mà tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện thì khi đủ điều kiện được giải quyết chế độ hưu trí theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện.

Do cử tri chưa nêu thông tin cụ thể về thời gian tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện của người lao động nên BHXH Việt Nam xin nêu về quy định chung nêu trên để cử tri được biết.

Câu 17. Cử tri TP. Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri kiến nghị, đối với những trường hợp mua Bảo hiểm y tế tự nguyện, nếu năm đầu tiên không khám chữa bệnh bằng thẻ Bảo hiểm y tế thì năm sau có chính sách giảm 20% phí mua bảo hiểm y tế và cứ theo lộ trình thời gian như trên đến năm thứ 6 thì nên nghiên cứu miễn luôn phí mua Bảo hiểm y tế. Theo cử tri, quy định này sẽ khuyến khích người dân tự bảo vệ sức khỏe, đồng thời, hạn chế việc tiêu cực trong việc sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh. Đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét.

Trả lời: Tại Công văn số 478/BHXH-CSYT ngày 20/02/2019

BHXH Việt Nam xin tiếp thu ý kiến đóng góp của cử tri thành phố Đà Nẵng và sẽ kiến nghị với các Bộ, ngành có liên quan trong quá trình tham gia sửa đối, bố sung Luật BHYT nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người tham gia BHYT và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam.

Câu 18. Cử tri tỉnh Nam Định kiến nghị: Hiện nay, người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Cử tri kiến nghị bổ sung thêm chế độ thai sản đối với phụ nữ tham gia BHXH tự nguyện để khuyến khích phụ nữ không có điều kiện được làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp vẫn tham gia BHXH, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Trả lời: Tại Công văn số 668/BHXH-CSXH ngày 07/3/2019

Về nội dung kiến nghị, BHXH Việt Nam đã tập hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền và tại khoản 1, Khoản 3, Mục III Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH đã quyết nghị có nội dung cải cách BHXH bao gồm: BHXH tự nguyện (với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay, từng bước mở rộng sang các chế độ khác); Nghiên cứu thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng.

Theo quy định tại Nghị định số 01/2016/NDD-CP ngày 05/01/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam thì BHXH Việt Nam là cơ quan có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, có nhiệm vụ và quyền hạn đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách. BHXH Việt Nam xin tiếp thu kiến nghị của cử tri để tham gia với cơ quan có thẩm quyền khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tổ chức thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-TW nêu trên.

Câu 19. Cử tri tỉnh Hải Dương kiến nghị: Cử tri phản ánh về tình trạng nợ BHXH hiện nay là còn khá nhiều. Do vậy, đề nghị có biện pháp xử lý nghiêm đối với các đơn vị nợ BHXH, nhằm tránh thất thoát cho Nhà nước.

Trả lời: Tại Công văn số 656/BHXH-BT ngày 06/3/2019

1. Quy định của pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN:

- Luật BHXH năm 2014, tại Điều 13 giao chức năng thanh ưa chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN cho cơ quan BHXH; Điều 17 quy định hành vi bị nghiêm cấm như trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHTN;

- Nghị định số 21/2016/NĐ-CP ngày 31/3/2016 của Chính phủ quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT của cơ quan BHXH để đôn đốc thu hồi nợ đọng;

- Luật BHYT năm 2008, tại Điều 11 quy định các hành vi bị nghiêm cấm gồm không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHYT; Điều 49 sửa đổi, bổ sung của Luật BHYT năm 2014 quy định xử lý các hành vi vi phạm của Luật BHYT và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến BHYT;

- Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định các hành vi vi phạm pháp luật, hình thức xử phạt về BHXH, BHYT, BHTN đối với các tội danh cụ thể như: Tội gian lận BHXH, BHTN; Tội gian lận BHYT; Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, tại các Điều 214, 215, 216 (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018).

2. Ngành BHXH tổ chức triển khai, thực hiện:

- Căn cứ quy định tại Nghị định số 01/2016 NĐ-CP ngày 05/01/2016 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam, BHXH Việt Nam ban hành Quyết định số 1518/QĐ-BHXH ngày 18/10/2016 quy định hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT và hoạt động kiểm tra của BHXH Việt Nam; Quyết định số 595/QĐ-BHXH ban hành quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN); quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT để quản lý, đôn đốc, tổ chức thu và thu nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN theo quy định;

- Phối hợp với các cơ quan Thuế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động, Công an, Thi hành án,.. để đôn đốc thu nợ BHXH, BHYT, BHTN;

- Thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT và kiên quyết xử lý đối với doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHTN, BHYT; Chuyển hồ sơ các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN không chấp hành kết luận thanh tra đến các cơ quan chức năng để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Kết quả: góp phần giảm số nợ BHXH, BHYT, BHTN hàng năm.

3. BHXH Việt Nam tiếp thu kiến nghị của cử tri tỉnh Hải Dương để tiếp tục đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế quản lý, thu hồi nợ BHXH ngày càng hiệu quả hơn.

 

 

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

File đính kèm