Câu 1. Cử tri tỉnh Thái Nguyên kiến nghị: Khoản 3, Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế quy định: “Tất cả thành viên thuộc hộ gia đình theo quy định tại khoản 5 Điều 12 của Luật này phải tham gia bảo hiểm y tế. Mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi, cụ thể như sau: a) Người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở; b) Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; c) Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.”
Hiện nay, học sinh, sinh viên thuộc nhóm đối tượng bắt buộc tham gia Bảo hiểm y tế. Khi tham gia Bảo hiểm y tế bắt buộc, các em học sinh, sinh viên không được hưởng mức đóng giảm dần như khi tham gia Bảo hiểm y tế tự nguyện theo hộ gia đình mà phải đóng với mức cao hơn. Cử tri đề nghị sửa đổi quy định trên theo hướng, nếu học sinh, sinh viên đã tham gia Bảo hiểm y tế tự nguyện theo hộ gia đình thì không phải tham gia Bảo hiểm y tế bắt buộc, đảm bảo lợi ích cho học sinh, sinh viên, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Trả lời:
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế quy định 05 Nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trong đó “học sinh, sinh viên”, thuộc Nhóm đối tượng 4, còn “hộ gia đình” thuộc Nhóm đối tượng 5. Luật Bảo hiểm y tế cũng quy định nếu một người đồng thời thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau thì sẽ tham gia bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các nhóm đối tượng được Luật Bảo hiểm y tế quy định. Như vậy, theo Luật thì học sinh, sinh viên là đối tượng bảo hiểm y tế của Nhóm 4, là Nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng, nên không thể tham gia bảo hiểm y tế theo Nhóm 5- Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Việc quy định này nhằm tránh trùng lặp đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (một người chỉ thuộc một Nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế nhất định), phản ánh chính xác được mức độ bao phủ bảo hiểm y tế. Để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế.
Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 hướng dẫn thực hiện Luật bảo hiểm y tế đã quy định học sinh, sinh viên được Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế. Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên cao hơn mức này nếu ngân sách Nhà nước, bao gồm cả ngân sách của địa phương, có khả năng đáp ứng. Với mức hỗ trợ này, mỗi học sinh, sinh viên đóng tối đa 43.785 đồng mỗi tháng (tương đương 525.420 đồng mỗi năm) tính trên nền mức lương cơ bản là 1.390.000 đồng/tháng, với mức đóng này, Nhà nước đã hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là 18.765 đồng/tháng (225.180 đồng mỗi năm cho một học sinh, sinh viên).
Trường hợp học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế theo Hộ gia đình thì chỉ được hưởng quyền lợi giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế theo quy định của Luật bảo hiểm y tế, mà không được hưởng các quyền lợi khác của học sinh, sinh viên khi tham gia bảo hiểm y tế theo quy định trên. Đối với bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, từ ngày 01 tháng 7 năm 2018, số tiền đóng bảo hiểm y tế mỗi năm của người thứ hai trong hộ là 525.420 đồng, bằng mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên; số tiền của người thứ ba là 450.360 đồng/năm, thấp hơn mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên là 75.060 đồng/năm; trường hợp nếu cả hộ gia đình có từ 04 người trở lên cùng tham gia bảo hiểm y tế thì mới có sự chênh lệch đáng kể về mức đóng bảo hiểm y tế so với mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên.
Ghi nhận ý kiến của cử tri về vấn đề này, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xem xét và đề xuất với Chính phủ để có sự điều chỉnh khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm y tế trong thời gian tiếp theo.
Câu 2. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Đề nghị Bộ Y tế cùng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam có giải pháp tốt hơn để bảo hiểm y tế toàn dân thật sự đi vào cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Bởi vì, hiện nay danh mục thuốc cấp cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế còn hạn chế, người bệnh phải bỏ thêm tiền để mua thêm thuốc khá nhiều trong khi mức đóng bảo hiểm y tế ngày càng tăng.
Trả lời:
Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, với mức đóng bảo hiểm y tế như hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức hưởng bảo hiểm y tế khá cao. Danh mục thuốc, vật tư y tế thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế cũng liên tục được điều chỉnh theo hướng mở rộng. Cụ thể:
Về danh mục thuốc tân dược: Ngày 30/10/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30/2018/TT-BYT ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ, chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế thay thế Thông tư số 40/2014/TT-BYT. Danh mục thuốc gồm 1.030 thuốc, 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu với đầy đủ các chuyên khoa ban hành kèm theo Thông tư số 30/2018/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 sẽ đáp ứng được cơ bản nhu cầu điều trị, bảo đảm được quyền lợi cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, đồng thời phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.
Về danh mục thuốc y học cổ truyền, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 05/2015/TT-BYT ngày 17/11/2015 về danh mục vị thuốc, chế phẩm thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế, hiện có 229 chế phẩm – tăng 102 chế phẩm, và 349 vị thuốc – tăng 49 vị thuốc so với Thông tư 12/2010/TT-BYT ngày 29/4/2010, được áp dụng cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện có khoa y học cổ truyền, kể cả trạm y tế xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định. Như vậy, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc với giá rẻ hay đắt, thuốc nội hay thuốc ngoại. Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám chữa bệnh và khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế, cơ sở khám chữa bệnh xây dựng danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị để mua sắm lựa chọn thuốc thành phẩm phù hợp.
Với mục tiêu đáp ứng ngày càng đầy đủ, chất lượng hơn về nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, theo định kỳ 2 năm/lần, Bộ Y tế đều tiến hành rà soát, sửa đổi và bổ sung Danh mục thuốc với quy trình chặt chẽ khoa học, đặc biệt ứng dụng xây dựng Danh mục dựa trên bằng chứng (xem xét ứng dụng đánh giá chi phí-hiệu quả và tác động ngân sách khi xây dựng Danh mục thuốc), từ đó sẽ xây dựng Danh mục bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế đồng thời phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế.
Về danh mục vật tư y tế, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 04/2017/TT-BYT ngày 14/4/2017 ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với vật tư y tế và phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (thay thế Thông tư số 27/2013/TT-BYT ). Danh mục này cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong quá trình khám chữa bệnh của người dân tại các cơ sở y tế.
Câu 3. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Điều chỉnh tăng mức hỗ trợ đóng BHYT lên 50% cho đối tượng học sinh, sinh viên và hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ (hiện tại quy định là 30%).
Trả lời:
Bảo hiểm y tế hiện nay được thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế. Mức đóng bảo hiểm y tế được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội. Theo quy định này, mức đóng bảo hiểm y tế đã căn cứ dựa trên thu nhập của các thành phần trong xã hội, đảm bảo nguyên tắc chia sẻ rủi ro.
Ngày 17/10/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 146/NĐ-CP thay thế Nghị định 105/NĐ-CP ngày 15/11/2014 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số Điều của Luật bảo hiểm y tế, trong đó quy định ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng học sinh, sinh viên và hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình. Việc quy định mức hỗ trợ này cũng căn cứ vào khả năng ngân sách Nhà nước có thể hỗ trợ. Tăng mức hỗ trợ bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên như kiến nghị của cử tri cũng là một lựa chọn nhằm huy động sựt ham gia bảo hiểm y tế của nhóm đối tượng này.
Bộ Y tế xin ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ phối hợp với các Bộ ngành nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Câu 4. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Xây dựng lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế phù hợp với tình hình thực tế và khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế và người dân; đa dạng mức đóng BHYT, kết hợp giữa BHYT với mức đóng cơ bản như hiện nay và bổ sung các mức đóng cao hơn để người tham gia BHYT có thêm lựa chọn trong chăm sóc sức khỏe; cần có nhiều đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ thẻ BHYT để bệnh nhân có được nhiều lựa chọn hoặc mua thẻ BHYT theo gói.
Trả lời:
1. Về điều chỉnh giá dịch vụ y tế
Trong thời gian qua, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, để mức giá dịch vụ y tế phù hợp với chi phí thực tế và khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế trong điều kiện chưa điều chỉnh được mức đóng, đồng thời để việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế không ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân, Chính phủ đã chỉ đạo ngành Y tế thực hiện việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế có lộ trình phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của đất nước. Ngày 15 tháng 02 năm 2012. Chính phủ đã ban hành Nghị định 85/2012/NĐ-CP về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh công lập, trong đó quy định Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo lộ trình sau:
1. Năm 2013: Giá các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính trên cơ sở các chi phí trực tiếp cho người bệnh và chi phí chi trả phụ cấp thường trực, chi phí chi trả phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật.
2. Giai đoạn 2014 - 2017: Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính trên cơ sở các chi phí trên và chi phí về tiền lương, chi phí nhân công thuê ngoài, chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí gián tiếp hợp pháp để vận hành hoạt động bệnh viện. Trong đó việc tính chi phí tiền lương được quy định như sau:
- Năm 2014 - 2015: Chỉ tính 30% Quỹ tiền lương cơ bản đối với các bệnh viện tuyến tỉnh ở khu vực miền núi, Tây Nguyên và các bệnh viện quận thuộc Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 50% Quỹ tiền lương cơ bản đối với các bệnh viện tuyến Trung ương và của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại.
- Năm 2016 - 2017: Được tính 100% Quỹ tiền lương cơ bản đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương và các bệnh viện quận thuộc Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 50% Quỹ tiền lương cơ bản đối với các bệnh viện tuyến huyện còn lại.
3. Giai đoạn từ năm 2018 trở đi: giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính đủ các chi phí để thực hiện dịch vụ, gồm: các chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học để ứng dụng các kỹ thuật mới.
Để thực hiện thống nhất trong cả nước về việc điều chỉnh giá dịch vụ công, ngày 14 tháng 02 năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó quy định rõ lộ trình tính giá dịch vụ công cho các đơn vị sự nghiệp công lập như sau:
“a) Đến năm 2016: Tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định);
b) Đến năm 2018: Tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định);
c) Đến năm 2020: Tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.”
Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện nghiêm túc lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế đồng thời với việc triển khai hàng loạt các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, cải thiện chất lượng hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh. Sau hơn 6 năm thực hiện Nghị định số 85 và 3 năm thực hiện Nghị định số 16, để phù hợp với tình hình thực tế và khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế và người dân, Bộ Y tế đã đề nghị Chính phủ điều chỉnh lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế chậm lại một bước như sau:
+ Đến năm 2019: Tính đủ chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương và chi phí quản lý.
+ Từ năm 2020 trở đi: tính đủ chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.
2. Kiến nghị đa dạng mức đóng bảo hiểm y tế, kết hợp giữa bảo hiểm y tế với mức đóng cơ bản như hiện nay và bổ sung các mức đóng cao hơn để người tham gia bảo hiểm y tế có thêm lựa chọn trong chăm sóc sức khỏe
Ý kiến của của tri đã được nêu ra, thảo luận trong quá trình xây dựng Luật bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, các Đại biểu Quốc hội đã thống nhất nguyên tắc của chính sách bảo hiểm y tế mà chúng ta đang thực hiện hiện nay là bảo hiểm y tế xã hội, vì vậy mức đóng phải bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế, cụ thể:
- Mức đóng bảo hiểm y tế được xác định là tỷ lệ mức tiền lương, tiền công đối với người lao động có bảo hiểm xã hội; đối với các đối tượng khác thì được tính trên mức tiền lương cơ sở hiện hành. Luật bảo hiểm y tế hiện nay đang quy định có 5 nhóm đối tượng xếp theo trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế như sau: người lao động và người sử dụng lao động đóng; quỹ bảo hiểm xã hội đóng; ngân sách nhà nước đóng; ngân sách nhà nước hỗ trợ và nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; tự đóng bảo hiểm y tế.
- Mức hưởng bảo hiểm y tế dựa trên mức độ bệnh tật, phạm vi quyền lợi của từng nhóm (các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi…thì không phải cùng chi trả hoặc cùng chi trả thấp hơn các đối tượng khác) và dựa theo thời gian tham gia bảo hiểm y tế (tham gia trên 60 tháng liên tục và có số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương tối thiểu thì được miễn cùng chi trả trong năm). Như vậy, nguyên tắc về mức đóng và mức hưởng hiện nay là ưu việt hơn đề xuất của cử tri, cụ thể là mức đóng dựa trên khả năng đóng góp và mức hưởng không bị phụ thuộc vào số tiền đóng bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, việc người bị bệnh nặng, cần sử dụng nhiều dịch vụ hơn phải đóng mức đóng cao hơn sẽ không thể hiện được đặc tính chia sẻ rủi ro, vốn là nguyên tắc của bảo hiểm y tế, đẩy người bị bệnh đến tình trạng nghèo đói, bần cùng hóa.
Với đối tượng tự đóng bảo hiểm y tế thì mức đóng từ 01/7/2018 là 750.600 đồng/người/năm, nhưng có những người bệnh được bảo hiểm y tế thanh toán với số tiền lớn do dùng thuốc, dịch vụ kỹ thuật cao. Ví dụ như bệnh nhân chạy thận nhân tạo chi phí bình quân 80-100 triệu đồng/năm, có bệnh nhân ung thư chi phí từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm… nhưng vẫn được Bảo hiểm y tế thanh toán với mệnh giá theo quy định. Đây chính là đặc điểm thể hiện tính ưu việt của bảo hiểm y tế, tính công bằng trong chăm sóc sức khỏe (người bệnh được bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ y tế), tính chia sẻ rủi ro (ai bị bệnh nặng, chi phí chữa bệnh lớn cũng vẫn được thanh toán mà không bị phụ thuộc bởi khả năng đóng góp và số tiền đóng bảo hiểm y tế của đối tượng tham gia).
3. Cần có nhiều đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ thẻ bảo hiểm y tế để bệnh nhân có được nhiều lựa chọn hoặc mua thẻ bảo hiểm y tế theo gói
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6, Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đề ra nhiệm vụ Đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế, trong đó định hướng “Đa dạng các gói bảo hiểm y tế. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa bảo hiểm y tế xã hội với bảo hiểm y tế thương mại”. Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, trong thời gian tới khi tham mưu sửa đổi chính sách bảo hiểm y tế, Bộ Y tế sẽ đề xuất với Chính phủ, Quốc hội theo các nguyên tắc này.
Câu 5. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Đề nghị danh mục thuốc khám chữa bệnh BHYT từ cấp xã đến cấp huyện như nhau; cấp tỉnh đến cấp Trung ương như nhau để tránh tình trạng khám chữa bệnh vượt cấp lên tuyến trên.
Trả lời:
Danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế bao gồm 02 danh mục: danh mục thuốc đông y, thuốc dược liệu và danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm.
Đối với danh mục thuốc đông y, thuốc dược liệu: không phân hạng bệnh viện được sử dụng, tất cả các bệnh viện từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã đều sử dụng danh mục thuốc như nhau.
Đối với danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm: việc sử dụng được quy định theo hạng bệnh viện, phân thành 4 mức độ: (1) sử dụng tại Bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I; (2) sử dụng đến Bệnh viện hạng II; (3) sử dụng đến bệnh viện hạng III, hạng IV; (4) sử dụng đến trạm y tế xã.
Việc quy định hạng bệnh viện đối với danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm là cần thiết; căn cứ vào 3 tiêu chí: (1) Hạng bệnh viện đó có thể sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả; (2) Đáp ứng đủ nhu cầu điều trị của hạng bệnh viện; (3) Phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.
Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30/2018/TT-BYT ngày 30/10/2018 ban hành Danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế thay thế Thông tư số 40/2018/TT-BYT. Trong đó, rất ưu tiên mở rộng danh mục thuốc cho các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh (lao phổi, tâm thần, mắt, ung bướu, sản) và trạm y tế xã; đáp ứng được tốt hơn nhu cầu điều trị của người bệnh khi đi khám, chữa bệnh tại tuyến tỉnh, huyện, xã.
Câu 6. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để đảm bảo sự hài hòa giữa BHYT, người bệnh và cơ sở khám chữa bệnh. Cụ thể như:
1- Quy định về phạm vi được hưởng của BHYT chưa bao gồm việc quản lý sức khỏe và một số hạng mục phòng bệnh cơ bản, phạm vi được hưởng khi khám chữa bệnh tuyến trên;
2- Quy định các gói dịch vụ y tế cơ bản toàn diện như dịch vụ y tế cơ bản cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, gói dịch vụ y tế chất lượng cao để đáp ứng các nhu cầu chăm sóc sức khỏe khác nhau của người dân;
3- Quy định về khám chữa bệnh thông tuyến đối với các loại hình khám chữa bệnh tuyến huyện khác: Bệnh xá Quân đội, Công an, Bệnh xá quân dân y, y tế cơ quan đơn vị, bởi vì Luật BHYT chỉ quy định thông tuyến đối với bệnh viện, phòng khám đa khoa, trạm y tế xã - phường - thị trấn mà không đề cập đến các loại hình khám chữa bệnh tuyến huyện nêu trên;
4- Cần có biện pháp quản lý và chế tài kiểm soát người đi khám chữa bệnh nhiều lần, nhiều nơi và quy định hợp đồng khám chữa bệnh BHYT hiện nay thuộc loại hình nào, hợp đồng nào;
5- Quy định cụ thể, rõ ràng về quyền và trách nhiệm của cán bộ giám định BHYT, điều kiện hành nghề của cán bộ giám định BHYT cho thống nhất;
6- Cần quy định rõ ràng cơ chế kiểm soát trách nhiệm đóng BHYT, mặc dù Luật BHYT đã quy định rõ ràng về thời gian thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, nhưng trên thực tế chưa được thực hiện đúng mà không có cơ chế để kiểm soát vấn đề này;
7- Đề nghị điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo an toàn cân đối của quỹ BHYT trong thời gian tới đối với các yếu tố: sự gia tăng giá dịch vụ y tế do yêu cầu tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; sự gia tăng và phát triển không ngừng của các kỹ thuật, dịch vụ y tế, thuốc, vật tư y tế được thanh toán theo chế độ BHYT; mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT.
Trả lời:
1. Kiến nghị về phạm vi được hưởng của bảo hiểm y tế
1. Về ý kiến “Quy định về phạm vi được hưởng của BHYT chưa bao gồm việc quản lý sức khỏe và một số hạng mục phòng bệnh cơ bản, phạm vi được hưởng khi khám chữa bệnh tuyến trên”:
1.1. Về phạm vi được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế
Luật bảo hiểm y tế hiện hành được xây dựng dựa trên nguyên tắc xác định theo hướng toàn diện bao gồm cả khám chữa bệnh, phòng bệnh và quản lý nâng cao sức khỏe người dân, đồng thời có sự lựa chọn và kết hợp hài hòa giữa khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế và nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế và khả năng cung cấp dịch vụ y tế của các cơ sở khám chữa bệnh, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các bên cùng tham gia, đảm bảo an toàn của quỹ bảo hiểm y tế, đồng thời quỹ bảo hiểm y tế được quản lý tập trung, thống nhất, công khai minh bạch đảm bảo nguyên tắc cân đối thu chi. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, để cân bằng giữa mức đóng và mức thụ hưởng bảo hiểm y tế, Luật bảo hiểm y tế không thể đáp ứng đồng thời tất cả mọi điều kiện và yêu cầu đặt ra, mà cần có lộ trình điều chỉnh, bổ sung thích hợp, bao gồm cả việc sửa đổi, bổ sung quyền lợi và phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế trong việc quản lý nâng cao sức khỏe (như lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, theo dõi chăm sóc sức khỏe ban đầu tại gia đình và cộng đồng) và một số hạng mục phòng bệnh cơ bản (tư vấn, khám sức khỏe, sàng lọc, xét nghiệm sớm phát hiện một số bệnh...) cũng như điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế.
Bộ Y tế xin tiếp thu ý kiến cử tri và sẽ tiếp tục phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan để xem xét nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội bổ sung sửa đổi một số nội dung của Luật bảo hiểm y tế và có các giải pháp quy định phù hợp hơn.
1.2. Về phạm vi được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh tại tuyến trên
Theo quy định hiện hành, người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh tại các tuyến trên được hưởng các quyền lợi như sau: nếu người bệnh đi khám chữa bệnh vượt tuyến lên bệnh viên tuyến trung ương và được chỉ định vào nằm nội trú được quỹ bảo hiểm y tế chi trả 40% chi phí khám chữa bệnh, nhưng nếu chỉ khám chữa bệnh ngoại trú không được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế, trừ cấp cứu. Quy định này nhằm thực hiện đúng phạm vi chuyên môn kỹ thuật tại các tuyến cho phù hợp với tình trạng sức khỏe, mức độ các bệnh tật của người tham gia bảo hiểm y tế, đồng thời giảm tình trạng quá tải không cần thiết tại tuyến trên, trừ trường hợp cấp cứu. Hiện nay, việc thông tuyến giữa các bệnh viện huyện đã được thực hiện, Chính phủ đang đẩy nhanh lộ trình thông tuyến tỉnh, dự kiến từ năm 2021 sẽ thực hiện thông giữa các bệnh viện tuyến tỉnh. Trong tương lai có thể thông tuyến trung ương trên toàn quốc tiến dần tới việc bỏ phân tuyến, tạo điều kiện thuận lợi để người có thẻ bảo hiểm y tế có thể lựa chọn khám chữa bệnh bất cứ cơ sở y tế nào trên toàn quốc.
2. Về kiến nghị “Quy định các gói dịch vụ y tế cơ bản toàn diện như dịch vụ y tế cơ bản cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, gói dịch vụ y tế chất lượng cao để đáp ứng các nhu cầu chăm sóc sức khỏe khác nhau của người dân”
Ngày 18/10/2017, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 39/2017/TT-BYT về việc quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến cơ sở. Trong đó đã ban hành các gói dịch vụ y tế cơ bản gồm “Gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ bảo hiểm y tế chi trả” và “Gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe”.
Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp cùng Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương ương Đảng Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới với nội dung: “Đa dạng các gói bảo hiểm y tế. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa bảo hiểm y tế xã hội với bảo hiểm y tế thương mại. Nâng cao năng lực, chất lượng giám định bảo hiểm y tế bảo đảm khách quan, minh bạch. Thực hiện các giải pháp đồng bộ chống lạm dụng, trục lợi, bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm y tế và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở y tế”.
3. Về kiến nghị “Quy định về khám chữa bệnh thông tuyến đối với các loại hình khám chữa bệnh tuyến huyện khác: Bệnh xá Quân đội, Công an, Bệnh xá quân dân y, y tế cơ quan đơn vị”
Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã quy định: “Người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh”.
Bệnh xá Quân đội, Công an, Bệnh xá quân dân y, y tế cơ quan đơn vị không phải là loại hình trạm y tế tuyến xã hoặc bệnh viện tuyến huyện như đã nêu trên, do vậy chưa phải là cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được khám chữa bệnh thông tuyến theo quy định tại Thông tư số 40/2015/TT-BYT nói trên.
Bộ Y tế đang tổng hợp các vấn đề liên quan đến khám chữa bệnh thông tuyến, trong đó có nội dung khám chữa bệnh thông tuyến tại các loại hình cơ sở khám chữa bệnh tương đương bệnh viện tuyến huyện, để bảo đảm thuận lợi nhất cho người dân khi đi khám chữa bệnh, đồng thời cũng phải bảo đảm việc cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng cao của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế.
4. Về đề xuất cần có biện pháp quản lý và chế tài kiểm soát người đi khám chữa bệnh nhiều lần, nhiều nơi; về quy định loại hình hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện nay
Khi người bệnh có vấn đề về sức khỏe, người bệnh có quyền được khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế. Không thể quản lý và có chế tài kiểm soát người đi khám chữa bệnh nhiều lần, nhiều nơi.
Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, qua đó đã khắc phục cơ bản tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế. Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật bảo hiểm y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nhằm ngăn ngừa những trường hợp gian lận, trục lợi bảo hiểm y tế, nếu phát hiện có sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Các hành vi vi phạm về bảo hiểm y tế đã được quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 13/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phòng chống hành vi lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Về hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đây là loại hình đặc thù, vừa có yếu tố dân sự do chủ thể ký hợp đồng gồm: cơ quan bảo hiểm xã hội (quản lý quỹ bảo hiểm y tế) và cơ sở khám chữa bệnh (người cung ứng dịch vụ) để bảo đảm quyền lợi của bên thứ ba là người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, vừa có yếu tố kinh tế do hợp đồng có nội dung thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
5. Về đề nghị quy định cụ thể, rõ ràng về quyền và trách nhiệm của cán bộ giám định bảo hiểm y tế, điều kiện hành nghề của cán bộ giám định bảo hiểm y tế cho thống nhất
Tại Điều Khoản 2, Khoản 3 Điều 40 Luật bảo hiểm y tế có quy định về công tác giám định bảo hiểm y tế. Ngày 17/10/2018 Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế, trong đó có các nội dung quy định vềcông tác giám định bảo hiểm y tế, cụ thể là:
- Tại Điểm b Khoản 1 Điều 20 Nghị định 146 quy định: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện chuyển dữ liệu điện tử để thực hiện giám định và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định của Bộ Y tế.
- Tại Điểm c Khoản 1 Điều 4 Mẫu 7 hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Nghị định 146 đã quy định về quyền và trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội trong thực hiện hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế là: Yêu cầu bên B (cơ sở khám bệnh, chữa bệnh) cung cấp tài liệu để phục vụ công tác giám định, bao gồm: Hồ sơ bệnh án, tài liệu liên quan về khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh bảo hiểm y tế; Đề án liên doanh, liên kết thực hiện dịch vụ kỹ thuật y tế, hợp đồng làm việc giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề (nếu có); Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về thực hiện đề án hoặc chuyển giao dịch vụ kỹ thuật hỗ trợ y tế cho tuyến tuyến dưới; danh mục dịch kỹ thuật; danh mục thuốc và giá thuôc, hóa chất, vật tư y tế sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Như vậy, cơ quan bảo hiểm xã hội theo phân cấp có trách nhiệm ký hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để tổ chức khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và có trách nhiệm thực hiện đúng Điều 40 Luật bảo hiểm y tế và Điểm b Khoản 1 Điều 20 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, Điểm c Khoản 1 Điều 4 Mẫu 7 hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và chịu trách nhiệm theo quy định về hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế quy định.
Hiện nay Bộ Y tế đang chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng cụ thể, rõ ràng về quyền và trách nhiệm của cán bộ giám định bảo hiểm y tế, điều kiện hành nghề của cán bộ giám định bảo hiểm y tế.
6. Về đề xuất cần quy định rõ ràng cơ chế kiểm soát trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế:
Theo Luật bảo hiểm y tế thì bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm y tế bắt buộc thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế. Tại Mục 4 của Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã nêu rõ các hình thức xử phạt đối với trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế.
7. Về ý kiến cho rằng “mặc dù Luật bảo hiểm y tế đã quy định rõ ràng về thời gian thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nhưng trên thực tế chưa được thực hiện đúng mà không có cơ chế để kiểm soát vấn đề này”
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 32 Luật Bảo hiểm y tế trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận được báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở khám chữa bệnh, tổ chức bảo hiểm y tế có trách nhiệm thông báo kết quả giám định và số quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho cơ sở khám chữa bệnh, đồng thời trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thông báo số quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tổ chức bảo hiểm y tế phải hoàn thành việc thanh toán với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Để đảm bảo cơ quan bảo hiểm xã hội các tỉnh thực hiện đúng quy định này và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế kịp thời cho các cơ sở khám chữa bệnh, trong các cuộc họp giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế đã có ý kiến với cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ngày 20/6/2017, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 2542/CT-BHXH về việc chẩn chỉnh công tác tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế gửi Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố yêu cầu thực hiện đúng các quy định của Luật Bảo hiểm y tế trong tạm ứng, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại một số địa phương, các chi phí vượt quỹ, chi phí ngoài trần của cơ sở khám chữa bệnh thường được thanh toán sau ngày 01/10 của năm sau, dẫn tới việc các cơ sở khám chữa bệnh gặp khó khăn do thiếu kinh phí hoạt động hoặc nợ các nhà cung cấp thuốc, vật tư y tế kéo dài. Nguyên nhân của tình trạng trên là do thời gian giải trình và thẩm định nguyên nhân vượt quỹ, ngoài trần kéo dài, đồng thời theo quy định tại khoản 4, Điều 35 Luật bảo hiểm y tế khi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của tỉnh, thành phố bội chi thì sau khi thẩm định quyết toán, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm bổ sung toàn bộ phần kinh phí chênh lệch này từ nguồn quỹ dự phòng. Do khoảng thời gian này tương đối dài (thường là tháng 10 năm sau) đã gây nhiều khó khăn cho cơ sở khám chữa bệnh.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Theo đó, Nghị định đã bỏ quy định giao quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh dựa trên thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Chi phí dùng cho khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ được tính toán dựa trên chi phí khám chữa bệnhbảo hiểm y tếnăm trước của cơ sở khám chữa bệnh cộng với các chi phí phát sinh của năm hiện thời, khắc phục tình trạng vượt quỹ bảo hiểm y tế như thời gian qua. Quy định này sẽ giúp các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo kinh phí cho công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại đơn vị mình.
8. Đối với đề nghị điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo an toàn cân đối của quỹ BHYT trong thời gian tới đối với các yếu tố: sự gia tăng giá dịch vụ y tế do yêu cầu tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; sự gia tăng và phát triển không ngừng của các kỹ thuật, dịch vụ y tế, thuốc, vật tư y tế được thanh toán theo chế độ BHYT; mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT:
Trong khi chưa thể điều chỉnh mức đóng, để đảm bảo cân đối của quỹ bảo hiểm y tế trong khi ban hành các văn bản chính sách như điều chỉnh giá dịch vụ, mở phạm vi quyền lợi Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tính toán sự tác động chi quỹ bảo hiểm y tế nhằm bảo đảm cân đối quỹ và thực hiện các giải pháp:
(1) Tiếp tục triển khai thực hiện và hoàn thiện hệ thống các văn quy phạm pháp luật về khám chữa bệnhvà bảo hiểm y tế
(2) Đảm bảo ổn định và tăng nguồn thu quỹ bảo hiểm y tế theo quy định:
- Tiếp tục đảm bảo kinh phí hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng theo quy định; các địa phương sử dụng nguồn ngân sách không phải cấp chi lương cho nhân viên y tế (do đã kết cấu vào giá dịch vụ y tế) để hỗ trợ thêm mức đóng cho nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế như hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên,…;
- Thực hiện nghiêm chế tài xử phạt đối với các trường hợp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế.
(3) Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cơ sở, kiểm soát dịch vụ, giảm chi cho Quỹ bảo hiểm y tế:
- Nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng dịch vụ y tế tại tuyến cơ sở (huyện, xã) để khuyến khích người dân khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở; giảm tỷ lệ chuyển tuyến trên.
- Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và ban hành các quy trình chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và là công cụ phục vụ công tác giám định bảo hiểm y tế.
- Tăng cường kiểm định lâm sàng bên ngoài, nội kiểm tại các cơ sở khám, bệnh chữa bệnh; giám sát, đánh giá tuân thủ hướng dẫn chuyên môn để cải thiện việc chỉ định dịch vụ kỹ thuật y tế, chẩn đoán, điều trị.
- Thực hiện thanh toán theo định suất; thí điểm thanh toán theo nhóm chẩn đoán (DRG) đối với một số bệnh thường gặp.
- Thực hiện nghiêm lộ trình công nhận kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh.
- Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cung ứng dịch vụ và giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh, đánh giá cung ứng dịch vụ y tế, ngăn chặn lạm dụng, trục lợi bảo hiểm y tế.
(4) Nhóm giải pháp giảm chi phí tiền thuốc, vật tư:
- Tăng tỷ lệ sử dụng thuốc (generic), giảm tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc, Quản lý chặt chẽ giá thuốc biệt dược đã hết bản quyền theo hướng thực hiện đàm phán giá hoặc đưa vào các nhóm thuốc phù hợp để đấu thầu.
- Thực hiện nghiêm việc đấu thầu, thẩm định và kiểm soát chặt chẽ giá kế hoạch của các gói thầu, Mở rộng số lượng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương, đàm phán giá cấp quốc gia để giảm chi tiền thuốc.
- Thí điểm tiến tới nhân rộng đấu thầu tập trung hoặc đàm phán giá đối với hóa chất, vật tư y tế tiêu hao, nhất là các loại hóa chất, vật tư tiêu hao thông dụng, sử dụng nhiều.
(5) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách pháp luật bảo hiểm y tế, trọng tâm là nâng cao nhận thức về chính sách bảo hiểm y tế đối với an sinh xã hội, trách nhiệm trong sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả, hợp lý, đúng pháp luật.
(6) Rà soát lại việc giao tự chủ về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp thuộc địa phương quản lý, không giao đồng loạt cho các đơn vị sự nghiệp y tế theo loại tự bảo đảm chi thường xuyên, chỉ những đơn vị nào đủ điều kiện cân đối được thu, chi thì mới giao tự chủ chi thường xuyên, tránh tình trạng áp lực cho các đơn vị phải tự đảm bảo nguồn chi lương dẫn đến có khả năng tăng chỉ định dịch vụ, kỹ thuật cho người bệnh. Trường hợp cần thiết Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện điều chỉnh phân loại tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo hiệu quả theo quy định.
(7) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.
Câu 7. Cử tri TP. Hà Nội kiến nghị: Cử tri đề nghị có cơ chế theo dõi, giám sát chặt chẽ đối với việc cấp phát thuốc bảo hiểm y tế, như nâng cấp phần mềm bảo hiểm y tế, bổ sung phần tiền sử bệnh của người bệnh và gia đình; địa chỉ website, tên thuốc đối với từng bệnh; trong hóa đơn thuốc đối với mỗi loại thuốc cấp phát ra cần phải ghi nợ cho Bảo hiểm y tế... để hạn chế việc tham nhũng.
Trả lời:
Ngày 29/12/2017, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 48/2017/TT-BYT quy định về việc trích chuyển dữ liệu điện tử trong đó quy định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm gửi dữ liệu điện tử để phục vụ việc quản lý khám bệnh, chữa bệnh. Khi người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kiểm tra thẻ bảo hiểm y tế qua hệ thống mạng sẽ biết được lịch sử khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh đó trước đây (thông tin về tiền sử bệnh tật, chỉ định sử dụng thuốc,…) để hạn chế, tránh chỉ định trùng lặp.
Bên cạnh đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hầu hết đều có phần mềm quản lý bệnh viện, trong đó một số phần mềm đã có các công cụ hỗ trợ các bác sỹ trong việc kê đơn, cấp phát thuốc để đảm bảo sự chính xác, thuận tiện khi chỉ định sử dụng thuốc. Bộ Y tế cũng đang tiếp tục hoàn thiện các hệ thống nêu trên.
Câu 8. Cử tri các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương kiến nghị: Cử tri cho rằng việc thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chỉ thực hiện ở tuyến huyện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và tạo điều kiện cho nhân dân trong việc khám, chữa bệnh (như trường hợp người lao động khi phải di chuyển công việc từ địa phương này sang địa phương khác hoặc người về hưu thay đổi nơi tạm trú,…). Đề nghị Nhà nước quan tâm đẩy nhanh lộ trình thông tuyến tỉnh trong toàn quốc và thậm chí không phân tuyến nữa.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 22, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế thì từ ngày 01/01/2016 thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh. Theo đó người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh có mức hưởng theo đúng quy định của Luật mà không bị coi là trái tuyến. Đánh giá kết quả thực hiện thông tuyến huyện thời gian qua đã cho thấy nhiều ưu điểm như: thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ khám chữa bệnh tăng cao ở tuyến huyện, người dân hài lòng, không phải giấy chuyển tuyến từ xã lên huyện. Tuy nhiên, quy định này cũng đã bộc lộ một số hạn chế như: chưa quản lý tốt quỹ khám chữa bệnh ban đầu, chưa kiểm soát được số lần, số lượt người đi khám chữa bệnh ngoài nơi đăng ký ban đầu, có biểu hiện lạm dụng ở một số cơ sở, cá nhân. Từ ngày 01/01/2021, sẽ thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh cấp tỉnh trên toàn quốc.
Việc quy định lộ trình thông tuyến khám chữa bệnh cấp tỉnh trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế nhằm giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế có thời gian chuẩn bị để phát huy các mặt tích cực, đồng thời nghiên cứu các giải pháp về quản lý, nghiệp vụ nhằm hạn chế tác động khi thông tuyến tỉnh sẽ xuất hiện tình trạng gia tăng khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh, vấn đề quản lý người bệnh trong nội trú,ngoại trú, điều trị ban ngày qua hệ thống công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ người bệnh, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ bảo hiểm y tế là các vấn đề đặt ra cần phải giải quyết khi thực hiện thông tuyến tỉnh.
Đối với các địa phương có nhu cầu thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh cấp tỉnh trước thời gian quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế thì cần xây dựng Đề án gửi Bộ Y tế để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Câu 9. Cử tri tỉnh Đắk Nông kiến nghị: Hiện nay Nhà nước đang vận động toàn dân tham gia bảo hiểm y tế, nhưng hiện nay khi sử dụng thẻ bảo hiểm y tế việc thực hiện chuyển tuyến rất phức tạp, khi bệnh rất nặng mới được chuyển viện tuyến trên, trong khi chất lượng khám chữa bệnh của tuyến cơ sở còn chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân. Vì vậy, cử tri kiến nghị Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xem xét có quy định để người có thẻ Bảo hiểm y tế có thể lựa chọn khám chữa bệnh bất cứ cơ sở y tế nào trên toàn quốc.
Đồng thời, Bộ Y tế cần tăng cường chỉ đạo các cơ sở y tế từ trung ương đến cơ sở rà soát, chấn chỉnh lại dịch vụ khám chữa bệnh theo Bảo hiểm y tế, như: thái độ phục vụ, tăng cường nguồn lực về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, thuốc, nguồn nhân lực để tăng cường khả năng tiếp nhận bệnh, hạn chế các thủ tục thanh toán gây phiền hà cho người khám chữa bệnh (đây là một nguyên nhân chính làm hạn chế sự tham gia Bảo hiểm y tế của người dân), có chính sách khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tham gia hoạt động khám chữa bệnh theo Bảo hiểm y tế để tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân.
Trả lời:
1. Kiến nghị có quy định để người có thẻ Bảo hiểm y tế có thể lựa chọn khám chữa bệnh bất cứ cơ sở y tế nào trên toàn quốc
Bộ Y tế xin khẳng định các chính sách của nhà nước quy định hiện nay thì người tham gia bảo hiểm y tế luôn được hưởng đầy đủ quyền lợi dù ở bất cứ vùng miền nào trong cả nước khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng tuyến và đúng theo các quy định của pháp luật.
Việc phân tuyến khám chữa bệnh nhằm phát huy hiệu quả ngưồn lực khám chữa bệnh ở tuyến dưới, giảm tải cho tuyến trên. Trường hợp tuyến dưới không đủ điều kiện khám chữa bệnh như không có chuyên khoa, hoặc có chuyên khoa nhưng không đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ kỹ thuật đối với người bệnh thì vẫn phải có giấy chuyển tuyến phù hợp. Đối với một số trường hợp đặc biệt như trường hợp cấp cứu., người tham gia bảo hiểm y tếvẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi, mức hưởng như khám chữa bệnh đúng tuyến.
Hiện tại, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế đã quy định từ 01/01/2016 người tham gia bảo hiểm y tếđăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh (thông tuyến huyện). Và từ năm 2021, người bệnh sẽ được tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh trong toàn quốc (thông tuyến tỉnh).
2. Về đề nghị tăng cường chỉ đạo các cơ sở y tế từ trung ương đến cơ sở rà soát, chấn chỉnh lại dịch vụ khám chữa bệnh theo Bảo hiểm y tế
- Về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Bộ Y tế đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia và hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm y tế. Cụ thể là tiếp tục tập trung vào giải quyết vấn đề quá tải bệnh viện, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đổi mới cơ chế tài chính, thanh toán chi phí đối với hầu hết các dịch vụ kỹ thuật cao, có chi phí lớn…nhằm đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
- Về việc tăng cường nguồn lực về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, thuốc điều trị cho bệnh nhân: Trong những năm qua, với mục tiêu đáp ứng ngày càng đầy đủ, chất lượng hơn về nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, danh mục thuốc, vật tư y tế thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế đã được Bộ Y tế thường xuyên rà soát, sửa đổi và bổ sung và có những chính sách ưu tiên cho các nhóm đối tượng chính sách.
Ngày 30/10/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30/2018/TT-BYT ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ, chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tếthay thế Thôngtư số 40/2014/TT-BYT. Danh mục thuốc gồm 1.030 thuốc, 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu với đầy đủ các chuyên khoa ban hành kèm theo Thông tư số 30/2018/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 sẽ đáp ứng được cơ bản nhu cầu điều trị, bảo đảm được quyền lợi cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, đồng thời phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới có một danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế.
Về danh mục thuốc y học cổ truyền, Thông tư số 05/2015/TT-BYT ban hành danh mục vị thuốc, chế phẩm thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế ban hành ngày 17/11/2015 hiện có 229 chế phẩm – tăng 102 chế phẩm, và 349 vị thuốc – tăng 49 vị thuốc so với Thông tư 12/2010/TT-BYT ngày 29/4/2010, được áp dụng cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện có khoa y học cổ truyền, kể cả trạm y tế xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định. Như vậy, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc với giá rẻ hay đắt, thuốc nội hay thuốc ngoại. Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám chữa bệnh và khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế, cơ sở khám chữa bệnh xây dựng danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị để mua sắm lựa chọn thuốc thành phẩm phù hợp.
Với mục tiêu đáp ứng ngày càng đầy đủ, chất lượng hơn về nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, theo định kỳ 2 năm/lần, Bộ Y tế sẽ tiến hành rà soát, sửa đổi và bổ sung Danh mục thuốc với quy trình chặt chẽ khoa học, đặc biệt ứng dụng xây dựng Danh mục dựa trên bằng chứng (xem xét ứng dụng đánh giá chi phí-hiệu quả và tác động ngân sách khi xây dựng Danh mục thuốc), từ đó sẽ xây dựng Danh mục bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế đồng thời phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế.
Về danh mục vật tư y tế, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 04/2017/TT-BYT ngày 14/4/2017 danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với vật tư y tế và phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (thay thế Thông tư số 27/2013/TT-BYT). Danh mục này cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong quá trình khám chữa bệnh của người dân tại các cơ sở y tế.
- Về chính sách khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tham gia hoạt động khám chữa bệnh theo Bảo hiểm y tế:
Hiện nay, trong các quy định hiện hành về khám bệnh chữa bệnh và bảo hiểm y tế, không có sự phân biệt giữa công và tư, các cơ sở y tế tư nhân bình đẳng với cơ sở y tế công lập về mọi mặt. Nhiều bệnh viện tư nhân đã tham gia hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và được người dân tin tưởng như Bệnh viện Hoàn Mỹ, Bệnh viện Hợp Lực Thanh Hóa…
Câu 10. Cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị: Đề nghị Bộ Y tế điều chỉnh quy định nâng tỷ lệ kinh phí khám chữa bệnh BHYT tuyến xã tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 để bảo đảm kinh phí cho khám bệnh kê đơn tại tuyến trạm y tế.
Trả lời:
Tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế đã có quy định “tổng kinh phí khám bệnh, chữa bệnh tại Trạm y tế xã tối thiểu bằng 10% và tối đa không vượt quá 20% của quỹ khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tính trên số thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại Trạm y tế xã”. Quy định này nhằm tăng cường hiệu quả chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến xã trong bối cảnh các trạm y tế xã còn hạn chế về khả năng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Trong mấy năm gần đây, thực hiện chủ trương phát triển hệ thống y tế cơ sở của Đảng, Nhà nước, với sự đầu tư của Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố, hệ thống trạm y tế tuyến xã ngày càng được củng cố,chất lượng khám chữa bệnh và khả năng cung ứng dịch vụ ngày càng nâng cao, người dân tin tưởng đến khám chữa bệnh ngày một đông.Trong khi đó, do quy định giới hạn quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến xã đã gây ra tình trạng không đủ kinh phí để chi cho khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, dẫn đến một số loại bệnh trạm y tế xã có khả năng điều trị, cấp thuốc nhưng phải chuyển lên tuyến trên, gây nên tình trạng quá tải, tốn kém chi phí và không thuận lợi cho người bệnh, nhất là người cao tuổi mắc bệnh không lây nhiễm.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Theo đó, Nghị định đã bỏ quy định giao quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh dựa trên thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và bỏ quy định khống chế tỷ lệ quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến xã. Chi phí dùng cho khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ được tính toán dựa trên chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm trước của cơ sở khám chữa bệnh cộng với các chi phí phát sinh của năm hiện thời. Quy định này sẽ giúp các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo kinh phí cho công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại đơn vị mình.
Câu 11. Cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị:Đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ cấp thẻ BHYT cho các đối tượng là người khuyết tật đã được cấp Giấy xác định mức độ khuyết tật (đối với những đối tượng chưa được hưởng trợ cấp, chưa được cấp thẻ BHYT khác) để hỗ trợ, động viên và tạo điều kiện cho người khuyết tật đi khám chữa bệnh tái hoà nhập cộng đồng, vì phần lớn người khuyết tật thuộc diện cần xác định mức độ khuyết tật (mức độ nhẹ hoặc nặng) có hoàn cảnh còn khó khăn.
Trả lời:
Theo quy định của pháp luật về Người khuyết tật: Người khuyết tật được hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế (Khoản 2 Điều 22 Luật người Khuyết tật), mức hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế (Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật), người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng được trợ cấp hằng tháng.
Tại Điểm g Khoản 3 Điều 12 Luật bảo hiểm y tế đã quy định: Ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng. Như vậy người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng đã được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế, nhóm đối tượng này được hưởng mọi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Đối với các trường hợp còn lại (người khuyết tật nhưng chưa được nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế), nhóm đối tượng này chưa được hưởng trợ cấp nói chung và bảo hiểm y tế nói riêng. Bộ Y tế trân trọng đề nghị cử tri kiến nghị tới Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để bổ sung các chính sách cho người khuyết tật, làm cơ sở để bổ sung chế độ chính sách về bảo hiểm y tế cho người khuyết tật.
Câu 12. Cử tri tỉnh Thừa Thiên – Huế kiến nghị: Việc khám bảo hiểm y tế chỉ được thực hiện trong giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, trong khi công nhân, người lao động thì hầu hết chỉ được nghỉ vào ngày thứ 7, chủ nhật, ngày lễ nên gây khó cho họ khi khám chữa bệnh theo hình thức bảo hiểm y tế. Kiến nghị việc khám bảo hiểm y tế nên được thực hiện tất cả các ngày trong tuần và ngày lễ để tạo sự thuận tiện cho công nhân, người lao động.
Trả lời:
Hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh đều phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về lao động và thời gian lao động, do vậy các cơ sở y tế quyết định có hoặc không tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngoài giờ phải dựa trên khả năng cung cấp dịch vụ của cơ sở y tế và quy định của Luật Lao động.
Nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của người dân vào các ngày nghỉ, ngày lễ, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã phối hợp ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện hoạt động này như sau:
- Đối với các cơ sở y tế có tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ, ngày lễ: Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 02/7/2015 của Bộ Y tế-Bộ Tài chính quy định: Trường hợp cơ sở y tế có tổ chức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ, ngày lễ phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm xã hội để bổ sung vào hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh trước khi thực hiện. Người có thẻ bảo hiểm y tế đến khám bệnh, chữa bệnh được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế. Cơ sở y tế có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, phải công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng của người bệnh tham gia bảo hiểm y tế và phải thông báo trước cho người bệnh, người bệnh phải tự chi trả phần chi phí ngoài phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế (nếu có)”.
- Đối với các cơ sở khám chữa bệnh không tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ, ngày lễ: Các trường hợp cấp cứu vào ngày nghỉ, ngày lễ thì quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế không thay đổi so với các ngày trong tuần (từ thứ 2 đến thứ 6) và chi phí khám chữa bệnh sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán theo các quy định về mức hưởng bảo hiểm y tế.
Hiện nay, theo các quy định về đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu, người dân có thể tìm hiểu, đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở có thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ, ngày lễ. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người dân nên đi khám chữa bệnh càng sớm càng tốt nhằm nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, không nên chờ đến ngày nghỉ mới đi khám. Mặt khác, việc bảo đảm đủ nhân lực để tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày lễ, ngày nghỉ còn rất khó khăn, nhất là cơ sở khám chữa bệnh vùng sâu vùng xa.
Câu 13. Cử tri tỉnh Quảng Trị kiến nghị: Hiện nay sinh viên người Lào sang Quảng Trị học tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị theo diện du học tự túc (không thuộc đối tượng người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam) đang vướng mắc trong việc mua bảo hiểm y tế vì không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật bảo hiểm y tế. Đề nghị có hướng dẫn cụ thể.
Trả lời:
Điểm n Khoản 3 Điều 12 Luật bảo hiểm y tế đã quy định người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách Nhà nước Việt Nam được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế. Do vậy, trường hợp như cử tri nêu không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế của Việt Nam.
Bộ Y tế xin tiếp thu kiến nghị của cử tri và phối hợp với các Bộ ngành nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền quyết định trong quá trình sửa đổi Luật bảo hiểm y tế.
Câu 14. Cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: Hiện nay, người dân đến trạm y tế khám, điều trị chỉ được thanh toán tối đa mức BHYT không quá 100.000đ/lượt, do vậy, họ không muốn đến trạm y tế xã thăm khám mà đi thẳng lên tuyến trên, làm quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Ngoài ra, một số đối tượng thuộc hộ nghèo không có điều kiện đi tuyến trên khám chữa bệnh mà muốn điều trị tại trạm y tế xã cũng rất khó khăn. Cử tri đề nghị tăng mức chi trả BHYT đối với tuyến xã.
Trả lời:
Tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế đã có quy định “tổng kinh phí khám bệnh, chữa bệnh tại Trạm y tế xã tối thiểu bằng 10% và tối đa không vượt quá 20% của quỹ khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tính trên số thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại Trạm y tế xã”. Quy định này được đưa ra nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến xã trong bối cảnh các trạm y tế xã còn hạn chế về khả năng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, cùng với chủ trương phát triển hệ thống y tế cơ sở của Đảng, Nhà nước, với sự đầu tư của Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố, hệ thống trạm y tế tuyến xã đã ngày càng được củng cố, phát triển, chất lượng khám chữa bệnh và khả năng cung ứng dịch vụ ngày càng nâng cao, vì vậy quy định giới hạn quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã đã gây ra tình trạng không đủ kinh phí để chi cho khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, dẫn đến một số loại bệnh trạm y tế xã có khả năng điều trị, cấp thuốc nhưng phải chuyển lên tuyến trên, gây nên tình trạng quá tải ở tuyến trên, tốn kém chi phí và không thuận lợi cho người bệnh, nhất là người cao tuổi mắc bệnh không lây nhiễm.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Theo đó, Nghị định đã bỏ quy định giao quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh dựa trên thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và bỏ quy định khống chế tỷ lệ quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến xã. Chi phí dùng cho khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ được tính toán dựa trên chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm trước của cơ sở khám chữa bệnh cộng với các chi phí phát sinh của năm hiện thời. Quy định này sẽ giúp các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo kinh phí cho công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại đơn vị mình.
Câu 15. Cử tri các tỉnh Vĩnh Long, Ninh Bình kiến nghị: Nhiều cử tri phản ánh, tình trạng bội chi quỹ BHYT có nguy cơ tăng cao do nhận thức về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của BHYT ở nhiều nơi, nhiều cấp còn chưa đúng và còn tình trạng trục lợi từ BHYT. Đề nghị cần có giải pháp quyết liệt hơn và xử lý nghiêm những vi phạm; có cơ chế quản lý quỹ BHYT, sử dụng hiệu quả quỹ khám chữa bệnh BHYT. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Nên thống nhất cơ quan quản lý BHYT về một đầu mối với cơ quan y tế (Vĩnh Long, Ninh Bình).
Trả lời:
1. Về việc xử lý các trường hợp vi phạm và quản lý quỹ bảo hiểm y tế
Triển khai Luật bảo hiểm y tế và nâng cao hiệu quả quản lý Quỹ bảo hiểm y tế, Bộ Y tế ðã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật bảo hiểm y tế, bao gồm: Thông tư số 04/2017/TT-BYT ngày 14/4/2017 của Bộ Y tế ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế; Thông tư số 39/2017/TT-BYT ngày 18/10/2017 của Bộ Y tế quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở; Thông tư số 43/2017/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 28/11/2017 quy định tỷ lệ hao hụt đối với vị thuốc cổ truyền và việc thanh toán chi phí hao hụt tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Thông tư số 48/2017/TT-BYT ngày 28/12/2017 của Bộ Y tế quy định về trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Thông tư số 50/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường kiểm soát hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Để hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, qua đó đã khắc phục cơ bản tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế. Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật bảo hiểm y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nhằm ngăn ngừa những trường hợp gian lận, trục lợi bảo hiểm y tế, nếu phát hiện có sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Các hành vi vi phạm về bảo hiểm y tế đã được quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 13/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phòng chống hành vi lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
2. Về việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế
Để triển khai thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế,thực hiện thành công mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân mà Quốc hội, Chính phủ đã giao, hằng năm Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động truyền thông, tuyên truyền về chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế tới mọi tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức khác nhau như:
- Tổ chức các hội nghị phổ biến chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế cho các cơ quan, đoàn thể liên quan tới thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, tổ chức các lớp tập huấn về chính sách và truyền thông về chính sách, pháp luật bảo hiểm y tếcho đội ngũ cán bộ Sở Y tế, các cơ sở y tế các tuyến, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
- Phối hợp với một số ban, ngành như Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương … tổ chức các Hội nghị tuyên truyền, cung cấp thông tin về chính sách bảo hiểm y tế cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền các cấp để đồng hành của Bộ Y tế vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế;
- Thực hiện đăng tải các tin, bài, phóng sự tuyên truyền, phổ biến các quy định của chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế, lộ trình thực hiện bảo hiểm y tếtoàn dân trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu trực tuyến về bảo hiểm y tế hộ gia đình, quyền lợi và nghĩa vụ của người tham gia bảo hiểm y tế, thủ tục tham gia bảo hiểm y tế; tổ chức các buổi đối thoại chính sách với cộng đồng dân cư tại nhiều tỉnh, thành phố.
Ngoài ra, trong chương trình công tác hằng năm, Sở Y tế các tỉnh/thành phố và hệ thống cơ quan bảo hiểm xã hội từ Trung ương tới cấp tỉnh, huyện đều phối hợp với các Sở, ban, ngành của địa phương thực hiện các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế tới mọi tầng lớp nhân dân.Tuy nhiên, để tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế, trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm y tế và các quy định mới của chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, nhằm giúp các cấp ủy, đảng, chính quyền các cấp và mọi tầng lớp nhân dân hiểu và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật bảo hiểm y tế, góp phần thực hiện thành công lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.
Theo phân công của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm chính trong tổ chức tuyên truyền để mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để triển khai công tác này trong nhiều năm qua. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh/thành phố phối hợp với Cơ quan Bảo hiểm xã hội địa phương thực hiện truyền thông về bảo hiểm y tế trong công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe nhân dân, chú ý đến những đối tượng cụ thể và hình thức phù hợp với điều kiện tiếp cận thông tin của nhân dân vùng sâu, vùng xa.
3. Về đề xuất nên thống nhất cơ quan quản lý bảo hiểm y tế về một đầu mối với cơ quan y tế:
Luật bảo hiểm y tế đã quy định:
(1) Tổ chức bảo hiểm y tế có chức năng thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.
(2) Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức bảo hiểm y tế.
Như vậy, việc thống nhất cơ quan quản lý bảo hiểm y tế về một đầu mối với cơ quan y tế hay không thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ quy định mô hình bảo hiểm y tế phù hợp, có thể thành lập một cơ quan Giám định bảo hiểm y tế độc lập.
Câu 16. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Mở rộng thanh toán BHYT cho những trường hợp có dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ có biến chứng như: tăng huyết áp, đái tháo đường, xét nghiệm rối loạn chuyển hóa lipid, đo điện tim, thử chức năng thận, thử đường huyết,... nhưng kết quả xét nghiệm bình thường.
Trả lời:
Điều 21 của Luật Bảo hiểm y tế quy định phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, được quỹ bảo hiểm y tế chi trả các chi phí trong phạm vi quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh theo đúng quy định của Luật bảo hiểm y tế. Những trường hợp mà cử tri đã nêu đã có trong phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế. Hiện nay các trường hợp này vẫn đang được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi trả trong phạm vi quyền lợi theo quy định (kể cả sau khi làm các xét nghiệm nghi ngờ người bệnh có biến chứng mà kết quả xét nghiệm bình thường) theo đúng quy định.
Câu 17. Cử tri tỉnh Thái Bình kiến nghị: Đề nghị ngành Y tế có chính sách chuẩn hóa trình độ, năng lực, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ đội ngũ cán bộ y tế ở cấp xã; có cơ chế, chính sách hợp lý thu hút, luân chuyển đội ngũ y bác sĩ có năng lực, trình độ về công tác ở cấp cơ sở để đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phù hợp cho y tế cơ sở.
Trả lời:
1. Về vấn đề chuẩn hóa và nâng cao năng lực cán bộ y tế
Theo Nghị định số 117/2014/NĐ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ quy định về y tế xã, phường, thị trấn và Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường, thị trấn, người làm việc tại Trạm Y tế xã là viên chức. Số lượng người làm việc tại Trạm Y tế xã nằm trong tổng số người làm việc của Trung tâm Y tế huyện được xác định theo vị trí việc làm trên cơ sở khối lượng công việc phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế ở địa phương theo vùng miền.
Như vậy, viên chức làm việc tại Trạm Y tế xã được xếp hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế và được đào tạo chuẩn hóa theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định tại các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành y tế; việc tổ chức đào tạo chuẩn hóa chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức cụ thể đối với các tỉnh, thành phố là do Ủy ban nhân dân, Sở Y tế các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo quy định.
2. Chính sách hợp lý thu hút, luân chuyển đội ngũ y bác sĩ có năng lực, trình độ về công tác ở tuyến cơ sở
Ngày 20/02/2013, Bộ Y tế đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và ngày 26/5/2008 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1816/QĐ-BYT về việc cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ Bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố theo thẩm quyền, có trách nhiệm xây dựng, ban hành kế hoạch và thực hiện việc luân phiên công tác có thời hạn đối với cán bộ y tế thực hiện nghĩa vụ xã hội ở vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn và cơ sở y tế nông thôn đáp ứng được nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Viên chức tại trạm y tế xã được hưởng các chế độ chính sách như đối với các viên chức chuyên ngành y tế khác. Về chế độ tiền lương, được hưởng theo thang bảng lương quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ. Về phụ cấp ưu đãi nghề hưởng mức 40% theo quy định tại Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Về phụ cấp thường trực được hưởng mức 25.000 đồng/người/phiên trực và hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người/phiên trực và phụ cấp chống dịch nếu có khi dịch bệnh xảy ra thực hiện theo quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề mức 70% và các chế độ khác theo quy định tại Nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30/7/2009 của Chính phủ.
Bộ Y tế sẽ tiếp thu ý kiến đề nghị, nghiên cứu đề xuất sửa đổi chế độ chính sách đối với viên chức ngành y tế theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.
3. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phù hợp cho y tế cơ sở
Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Y tế đã xây dựng Chương trình hành động số 1379/CTr-BYT ngày 19/12/2017 triển khai thực hiện Đề án Xây dựng và Phát triển mạng lưới y tế cơ sở (giai đoạn 2018 – 2020) và Hướng dẫn số 1383/HD-BYT ngày 19/12/2017 triển khai Mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã giai đoạn 2018 – 2020theo nguyên lý y học gia đình. Phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình ở các nơi có điều kiện, đã có 240 phòng khám bác sỹ gia đình tại 7 tỉnh/TP[1]. Một số địa phương như Hà Nội, Hà Tĩnh … đã thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân cho khoảng 80% dân số. Xây dựng và triển khai hệ thống kết nối y tế từ xa (telemedicine) của 26 trạm y tế xã điểm với các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến trên, Sở Y tế và Bộ Y tế.
Đề nghị các địa phương xây dựng Đề án của tỉnh trình HĐND và UBND phê duyệt để làm cơ sở đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và triển khai các hoạt động tại tuyến YTCS theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước, đầu tư các trạm y tế xã thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Tuy nhiên, Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các các nhà tài trợ để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng một số dự án ODA vay vốn WB, ADB đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực cho y tế cơ sở. Hoàn thành phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và đàm phán đối với 2 dự án vay vốn ADB: “Phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2” với số vốn 110,6 triệu USD và “Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn” với số vốn 93,5 triệu USD. Đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án, đang hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với Dự án vay vốn WB “Đổi mới cung ứng dịch vụ y tế” với số vốn 110 triệu USD.
Ngoài ra, để có nguồn tài chính thực hiện Quyết định 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng và các Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện thí điểm nêu trên, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương ưu tiên ngân sách địa phương, sử dụng một phần ngân sách giảm cấp cho các bệnh viện (do thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế nên giảm được ngân sách chi thường xuyên cấp cho các bệnh viện) để tăng chi cho y tế công cộng, phòng bệnh và y tế cơ sở.
Câu 18. Cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: Đề nghị Bộ Y tế xem xét, điều chỉnh quy định phân bổ định suất trực chuyên môn đối với trạm y tế, nhất là đối với vùng trung du và miền núi, vì hiện tại đang bố trí 01 cán bộ trực 24/24 và có chính sách hỗ trợ cho cán bộ trạm trực tăng cường.
Trả lời:
1. Về quy định phân bổ định suất trực chuyên môn đối với trạm y tế
Tại Điểm b, Khoản 2, Điều 2 Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập có quy định: “Đối với trạm y tế xã có thể bố trí từ 1 người đến 2 người/phiên trực theo hướng dẫn của Bộ Y tế”;
Liên Bộ Y tế, Nội vụ, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 10/2014/TTLT-BYT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 26/02/2014 hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch. Tại Khoản 4, Điều 1 của Thông tư có quy định:
“Đối với trạm y tế xã, phường, thị trấn, trạm y tế quân dân y (sau đây gọi tắt là trạm y tế xã): áp dụng định mức nhân lực trong phiên trực quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 2 của Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg”.
Thông tư đã quy định: Sở Y tế căn cứ vào các tiêu chí về: năng lực chuyên môn, số lượt khám bệnh, chữa bệnh bình quân/ngày của từng trạm y tế xã; khoảng cách từ trạm y tế xã đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên; điều kiện địa lý, tự nhiên và khả năng ngân sách địa phương để quy định cụ thể số lượng nhân lực trong phiên trực đối với từng trạm y tế xã do địa phương quản lý.
Như vậy, việc quy định nhân lực trực tại Trạm y tế xã do Sở Y tế xem xét quyết định để bố trí từ 1 người đến 2 người/phiên trực.
2. Về chính sách hỗ trợ cho cán bộ trạm trực tăng cường
Theo quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập, cán bộ trạm thường trực 24/24 giờ được hưởng phụ cấp thường trực 25.000 đồng/người/phiên trực và hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người/phiên trực. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh huy động người lao động làm thêm giờ thì phải trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động. Ngày 06/9/2018, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 8476/VPCP-KTTH về việc triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW trong đó nêu: “Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến như sau: Từ nay đến khi ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, không xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách tiền lương hiện hành”.
Bộ Y tế ghi nhận và sẽ tham gia ý kiến với các cấp có thẩm quyền về chính sách hỗ trợ cho cán bộ trạm trực tăng cường khi xây dựng chế độ chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Câu 19. Cử tri tỉnh Yên Bái kiến nghị: Hiện nay tuyến cơ sở (trạm y tế xã) trên địa bản tỉnh Yên Bái vẫn còn 54/162 trạm y tế cấp xã chưa có bác sĩ, do vậy chưa đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Đề nghị ngành y tế quan tâm đầu tư đẩy mạnh công tác đào tạo và luân chuyển đội ngũ y, bác sĩ giỏi về phục vụ tuyến cơ sở; có chính sách ưu đãi nhằm thu hút các bác sỹ, cán bộ y tế có chuyên môn cao về làm việc lâu dài tại các Trạm Y tế xã.
Trả lời:
1. Về việc đẩy mạnh đào tạo và luân chuyển cán bộ y tế về phục vụ tuyến cơ sở
1.1. Vấn đề đào tạo cán bộ y tế tuyến cơ sở
- Đào tạo nhân lực tại chỗ: Đối với các tỉnh còn khó khăn về nhân lực đề nghị tiếp tục tăng cường công tác đào tạo cán bộ y - dược hệ chính quy, đào tạo hệ cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo bác sỹ hệ liên thông với quy mô hợp lý cho đối tượng là người địa phương, sau khi tốt nghiệp trở về công tác tại địa phương nhằm giúp các tỉnh tháo gỡ khó khăn về nhân lực. Giảm dần quy mô đào tạo cử tuyển khi đã có đủ cán bộ.
- Đào tạo liên tục (hỗ trợ của các dự án, đề án: 1816, bệnh viện vệ tinh, bệnh viện hạt nhân…). Cán bộ y tế cơ sở đã được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật kiến thức mới góp phần nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở để có thể thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm tình trạng vượt tuyến không cần thiết.
- Thực hiện Dự án thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác vùng khó khăn, 62 huyện nghèo: Để có nguồn nhân lực y tế chất lượng phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân được tốt, tiến tới mọi người dân được bình đẳng trong việc thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 585/QĐ-BYT phê duyệt Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” nhằm thu hút bác sỹ trẻ mới ra trường tình nguyện về công tác tại các vùng khó khăn.
Cho đến nay đã tiến hành đào tạo 15 khóa Bác sỹ chuyên khoa cấp I (354 bác sỹ) theo nhu cầu của các địa phương, trong đó đã tiến hành bàn giao 28 bác sỹ trẻ tình nguyện về các huyện nghèo. Riêng Yên Bái, đến nay đã và đang tiến hành đào tạo 08 bác sỹ trẻ, trong đó đã bàn giao 01 bác sỹ về công tác tại huyện Trạm Tấu.
1.2. Vấn đề luân chuyển cán bộ y tế về tuyến cơ sở
Bộ Y tế đã triển khai một số giải pháp để luân chuyển cán bộ y tế về công tác, phục vụ nhân dân tại tuyến cơ sở như:
- Tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Bộ Y tế xây dựng và ban hành Thông tư số 18/2014/TT-BYT ngày 02/6/2014 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó hướng dẫn thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với bác sỹ, điều dưỡng, hộ sinh từ tuyến Trung ương xuống tỉnh, tỉnh xuống huyện, huyện xuống xã, từ vùng không khó khăn đến vùng khó khăn.
- Bộ Y tế đã thực hiện tốt đề án 1816, bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới qua đó tăng cường được đội ngũ cán bộ chuyên môn tay nghề giỏi tại tuyến cơ sở để cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng, gần dân hơn, hiệu quả hơn. Nhiều địa phương đã tổ chức các đội y tế lưu động, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa.
- Phát triển và duy trì hiệu quả hoạt động của mạng lưới bệnh viện vệ tinh bao gồm 17 bệnh viện hạt nhân và 75 bệnh viện vệ tinh là các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện thuộc các chuyên khoa quá tải.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố theo thẩm quyền, có trách nhiệm xây dựng, ban hành kế hoạch và thực hiện việc luân phiên công tác có thời hạn đối với cán bộ y tế thực hiện nghĩa vụ xã hội ở vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn và cơ sở y tế nông thôn đáp ứng được nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
2. Về chính sách ưu đãi nhằm thu hút các bác sỹ, cán bộ y tế có chuyên môn cao về làm việc lâu dài tại các Trạm Y tế xã
Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 phê duyệt chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong đó quy định rõ chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 về số bác sĩ/vạn dân là 9,0; tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ hoạt động là 90%. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn có trách nhiệm triển khai các nội dung trong chiến lược, bố trí đủ số lượng bác sĩ làm việc theo tỷ lệ dân.
Viên chức làm việc tại Trạm Y tế xã được xếp hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Y tế và được đào tạo chuẩn hóa theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định tại các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành Y tế; việc tổ chức đào tạo chuẩn hóa chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức cụ thể đối với các tỉnh, thành phố là do Ủy ban nhân dân, Sở Y tế các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo quy định.
Viên chức tại trạm y tế xã được hưởng các chế độ chính sách như đối với các viên chức chuyên ngành y tế khác. Về chế độ tiền lương, được hưởng theo thang bảng lương quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ. Về phụ cấp ưu đãi nghề hưởng mức 40% theo quy định tại Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Về phụ cấp thường trực được hưởng mức 25.000 đồng/người/phiên trực và hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người/phiên trực và phụ cấp chống dịch nếu có khi dịch bệnh xảy ra thực hiện theo quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề mức 70% và các chế độ khác theo quy định tại Nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30/7/2009 của Chính phủ.
Ngày 06/9/2018, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8476/VPCP-KTTH về việc triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW trong đó nêu: “Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến như sau: Từ nay đến khi ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, không xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách tiền lương hiện hành”.
Bộ Y tế sẽ tiếp thu ý kiến đề nghị, nghiên cứu đề xuất sửa đổi chế độ chính sách đối với viên chức ngành Y tế theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.
3. Về nguồn nhân lực y tế tỉnh Yên Bái
Tính đến ngày 31/12/2018 toàn ngành Y tế tỉnh Yên Bái có 3.079 cán bộ; trong đó có 720 bác sỹ (đạt tỷ lệ 8,84 bác sỹ/vạn dân); dược sỹ đại học có 94 cán bộ (đạt tỷ lệ 1,15 dược sỹ đại học/vạn dân); tổng số xã có bác sỹ làm việc: 135 xã, đạt tỷ lệ 75%, trung bình mỗi trạm Y tế có 05 cán bộ Y tế.
Trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Hệ thống tổ chức bộ máy của ngành Y tế tỉnh Yên Bái đã được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả, từ 43 đơn vị đầu mối trực thuộc xuống còn lại 21 đầu mối (giảm 22 đầu mối) và giảm 343 biên chế.
Tuy nhiên ngành Y tế tỉnh Yên Bái luôn quan tâm dành số lượng biên chế nhất định để tuyển dụng bác sỹ và duy trì đủ số lượng cán bộ làm công tác thuộc lĩnh vực Y tế dự phòng và y tế cơ sở, trung bình mỗi năm ngành Y tế tiếp nhận, tuyển dụng 60 bác sỹ về tỉnh công tác.
Tháng 11/2018 Sở Y tế tỉnh Yên Bái đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nhu cầu tuyển dụng viên chức của ngành trong đó dự kiến sẽ thực hiện quy trình tuyển dụng 63 bác sỹ vào đầu năm 2019.
Câu 20. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị:Đề nghị xem xét giải quyết cho lãnh đạo ngành y tế được hưởng phụ cấp thâm niên như đối với cán bộ, nhân viên y tế trực tiếp và thường xuyên làm việc trong ngành y tế.
Trả lời:
Ngày 06/9/2018, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8476/VPCP-KTTH về việc triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW trong đó nêu: “Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến như sau: Từ nay đến khi ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, không xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách tiền lương hiện hành”.
Bộ Y tế ghi nhận và sẽ tham gia ý kiến với các cấp có thẩm quyền về chính sách hỗ trợ cho cán bộ y tế theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Câu 21. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Đề nghị tăng thêm mức trợ cấp cho đối tượng cộng tác viên y tế xã, đồng thời trợ cấp lại cho cộng tác viên hoạt động tại Trạm y tế phường, thị trấn và hỗ trợ mua BHYT cho các đối tượng này.
Trả lời:
1. Về kiến nghị trợ cấp cho cộng tác viên y tế xã
Ngày 06/9/2018, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8476/VPCP-KTTH về việc triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW trong đó nêu: “Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến như sau: Từ nay đến khi ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, không xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách tiền lương hiện hành”.
Bộ Y tế ghi nhận và sẽ tham gia ý kiến với các cấp có thẩm quyền về mức trợ cấp cho đối tượng cộng tác viên y tế xã, đồng thời trợ cấp lại cho cộng tác viên hoạt động tại Trạm y tế phường, thị trấn khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.
2. Về đề nghị hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho đối tượng cộng tác viên y tế xã
Bộ Y tế tiếp thu ý kiến đề nghị của cử tri trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trình cấp có thểm quyền xem xét, quyết định.
Câu 22. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Cử tri đề nghị chương trình đào tạo đội ngũ y, bác sĩ cần chú trọng đến tính chuyên môn cao, đảm bảo vật chất cho nhiệm vụ đào tạo, xây dựng đội ngũ ngành y có chất lượng cao, phù hợp sự phát triển khoa học công nghệ nhanh chóng như hiện nay, không nên đào tạo Bác sỹ qua chương trình chuyên tu, tại chức.
Trả lời:
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực y tế, Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai một số giải pháp:
- Đề xuất và dự thảo nội dung, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 111/2017/NĐ-CP ngày 05/10/2017 quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe và đã triển khai việc các cơ sở thực hành (bệnh viện) phải công bố số lượng người học theo từng ngành có thể tham gia thực hành.
- Khuyến cáo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc sử dụng nhân lực y tế, đề xuất hạn chế dần và tiến tới không đào tạo bác sỹ hệ liên thông.
- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định chỉ tiêu dựa trên năng lực chuyên môn hiện có, khả năng đào tạo, đặc biệt là số giảng viên chuyên ngành tại cơ sở đào tạo nhân lực y tế.
- Xây dựng Thông tư hướng dẫn đối với người đăng ký thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, xác định lộ trình để đề nghị các cơ quan có thẩm quyền và Quốc hội xem xét, chỉnh sửa, bổ sung Luật khám bệnh, chữa bệnh trong đó có quy định về kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề theo thông lệ quốc tế.
- Xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung Thông tư hướng dẫn về đào tạo sau đại học ngành y tế.
- Triển khai xây dựng và áp dụng chuẩn năng lực Bác sỹ đa khoa, bác sỹ Răng Hàm Mặt, Điều dưỡng, Hộ sinh và các nghề nghiệp khác. Các chuẩn năng lực này là cơ sở để các trường xây dựng chương trình đào tạo và để Bộ Y tế đánh giá người mới tốt nghiệp.
- Xây dựng và phát triển mạng lưới đào tạo liên tục nhân lực y tế. Quy định số giờ đào tạo liên tục mà các cán bộ y tế phải đảm bảo để duy trì chứng chỉ hành nghề.
- Tăng cường quản lý chất lượng đào tạo liên tục thông qua kiểm định chất lượng và giám sát.
Câu 23. Cử tri tỉnh Ninh Bình kiến nghị:Cử tri phản ánh bác sĩ, y sỹ, điều dưỡng viên sau khi ra trường phải qua thời gian thực hành tại bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh là 18 tháng đối với bác sỹ, 12 tháng đối với y sĩ, 9 tháng đối với điều dưỡng, kỹ thuật viên trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề là không hợp lý vì trong nhà trường cũng đã có thời gian thực hành. Cử tri đề nghị xem xét, giảm bớt thời gian thực hành cho các đối tượng nêu trên cho phù hợp.
Trả lời:
Do đặc thù của nghề chữa bệnh, cứu người, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của người bệnh, nên các bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng ngoài đòi hỏi phải có đạo đức và tinh thần trách nhiệm còn cần phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiêp cao. Để đạt được các tiêu chuẩn trên, họ cần phải trải qua một quá trình đào liên tục đủ lâu để đủ điều kiện cho việc hành nghề.
Với chương trình đào tạo y khoa hiện nay, sinh viên chỉ học 6 năm là tốt nghiệp, được cấp bằng tốt nghiệp bác sỹ đa khoa. Mặc dù trong quá trình đào tạo, sinh viên y khoa đã được thực hành tại một số cơ sở khám chữa bệnh, nhưng với lượng thời gian như vậy là không đủ để đào tạo được một bác sỹ có trình độ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh hiện nay. Thực tế, nhiều sinh viên y khoa khi ra trường chưa có đủ kỹ năng thực hành và điều kiện hành nghề. Trong buổi thảo luận về Kinh tế - xã hội ngày 27/10 tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị Luật Giáo dục đại học phải có cơ chế đào tạo riêng cho ngành y tế.
Hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng đề án đổi mới đào tạo ngành y, trong đó có chương trình đào tạo bác sỹ, nhân viên y tế. Nhiều chuyên gia cho rằng các bác sỹ mới tốt nghiệp cần phải được đào tạo thêm về thực hành từ 18 tháng trở lên mới có khả năng thực hiện nhiệm vụ của một bác sĩ đa khoa và được cấp chứng chỉ hành nghề. Theo các chuyên gia y tế, việc đào tạo để trở thành bác sĩ chuyên khoa cần thời gian dài hơn nhưng trung bình là 3 năm. Đây cũng là cách thức đào tạo chung trên thế giới. Như vậy, để đảm bảo chất lượng thì tối thiểu cần 9 năm để đào tạo ra một bác sĩ chuyên khoa, chưa kể các chuyên khoa sâu phải mất thời gian đào tạo lâu hơn. Chất lượng đào tạo y khoa ở nước ta hiện nay không đồng đều giữa các cơ sở đào tạo và chưa thể đáp ứng được yêu cầu về chất lượng khám chữa bệnh. Việc đào tạo trên bao gồm cả thực hành và lý thuyết. Đối với các nhân viên y tế khác làm việc trong lĩnh vực lâm sàng cũng cần có thời gian đào tạo đủ để họ có tay nghề vững vàng trước khi hành nghề.
Ở nhiều nước trên thế giới, để trở thành một bác sỹ, sinh viên ngành y thường trải qua quá trình đào tạo dài hạn và gian khổ. Chẳng hạn, để trở thành bác sĩ ở Mỹ, sinh viên phải mất 11-14 năm đào tạo để có thể chính thức hành nghề. Chương trình đào tạo bác sĩ y khoa ở Mỹ gồm ba giai đoạn: Đại học (4 năm), trường y (4 năm) và chuyên khoa (3-7 năm) tùy vào từng chuyên ngành. Sinh viên ở Pháp phải mất ít nhất tám năm để trở thành một bác sỹ thông thường và 11 năm để trở thành bác sỹ phẫu thuật, đồng thời liên tục phải trải qua các kỳ kiểm tra gắt gao. Quá trình học tập để trở thành bác sĩ ở Pháp trải qua ba giai đoạn: Giai đoạn cơ bản (PCEM) kéo dài hai năm; giai đoạn chuyên ngành (DCEM) kéo dài bốn năm; giai đoạn 3 sinh viên có hai sự lựa chọn, một là bác sĩ y khoa thông thường (2 năm), hai là chuyên gia y tế (4-5 năm). Chương trình đào tạo bác sĩ y khoa tại Australia chia làm ba bậc. Ở bậc thấp nhất đào tạo cử nhân kéo dài 5-6 năm, bốn năm học kiến thức khoa học căn bản và một năm thực hành, đi sâu vào chuyên ngành. Tiếp đó là chương trình đào tạo sau Đại học (4 năm) và cuối cùng đi thực tập và đào tạo nội trú tại bệnh viện khoảng 2-3 năm. Ở Singapore, chương trình đào tạo cử nhân ngành y thường chỉ mất khoảng 4-6 năm (tùy chuyên ngành) nhưng để trở thành bác sĩ thành thục hành nghề thì phải mất thêm khoảng 3 năm. Quá trình học tập để trở thành bác sĩ ở Singapore trải qua ba giai đoạn: 6 năm đại học, một năm định hướng, 2 năm sau đại học.
Tại Thông báo số 13/TB-VPCP ngày 08/01/2019 về việc thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Trưởng ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục đã yêu cầu “Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu quy trình đào tạo nhân lực y tế đạt chuẩn quốc tế, quản lý chứng chỉ hành nghề y tế theo xu hướng quốc tế. Chính vì vậy, thời gian đào tạo ngành y chắc chắn sẽ cần điều chỉnh theo hướng tăng về thời lượng, nhất là về thực hành.
Câu 24. Cử tri tỉnh Thái Bình kiến nghị: Cử tri tiếp tục đề nghị phải tăng cường công tác quản lý Nhà nước để kiểm soát chặt chẽ chất lượng, giá cả dược phẩm trên thị trường.
Trả lời:
Với chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, Bộ Y tế đã và đang thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng, giá thuốc:
I. Các biện pháp tăng cường kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc bao gồm:
1.1. Tăng cường công tác tiền kiểm và hậu kiểm về chất lượng thuốc:
a. Công tác tiền kiểm:
- Thực hiện kiểm tra 100% lô thuốc nhập khẩu của các cơ sở sản xuất thuộc danh mục các nhà sản xuất thuốc nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng theo quy định của Luật Dược và Thông tư số 11/2018/TT-BYT, đảm bảo chỉ được đưa ra lưu thông, phân phối các lô thuốc đã có kết quả kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn chất lượng.
- Thực hiện đánh giá 100% hồ sơ nhà máy sản xuất thuốc nước ngoài khi đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam theo quy định tại Luật Dược và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP; tăng cường kiểm tra thực tế tại cơ sở để đảm bảo chất lượng thuốc cung cấp vào thị trường.
- Tổ chức kiểm tra việc tuân thủ GMP các cơ sở sản xuất trong nước, cơ sở sản xuất nước ngoài (Ấn Độ, Hàn Quốc).
b. Công tác hậu kiểm:
- Thường xuyên định kỳ đánh giá việc duy trì đáp ứng tiêu chuẩn Thực hành tốt của các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, phân phối thuốc, các cơ quan quản lý dược. Đồng thời, trên cơ sở đánh giá nguy cơ Bộ Y tế đã tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện các cơ sở không bảo đảm duy trì đáp ứng tiêu chuẩn GPs.
- Hệ thống kiểm nghiệm thuốc trên toàn quốc tiếp tục được đầu tư bổ sung nhân lực, trang thiết bị kiểm nghiệm… nâng cao năng lực kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành. Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Kiểm nghiệm thuốc Tp. Hồ Chí Minh đã được WHO đánh giá và công nhận, 9 Trung tâm kiểm nghiệm đạt GLP và 46 TTKN đạt ISO/IEC 17025. Trong năm 2018, Hệ thống kiểm nghiệm đã triển khai hoạt động lấy trên 32 nghìn mẫu để kiểm tra chất lượng, kiểm tra giám sát chất lượng thuốc sản xuất, nhập khẩu, lưu hành, sử dụng.
c. Các kết quả đạt được:
- Nhờ việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm cũng như áp dụng những biện pháp cứng rắn và có hiệu quả, chất lượng thuốc tại Việt Nam được duy trì và bảo đảm. Tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng được đánh giá là ở mức độ thấp khi so sánh với kết quả khảo sát của WHO được công bố tháng 11/2017 (qua khảo sát lấy mẫu tại 88 nước với khoảng 50.000 mẫu lấy cho thấy: khoảng 10% mẫu ở các nước có thu nhập kém và thu nhập thấp là thuốc giả, thuốc kém chất lượng).
- Tính trên số mẫu thuốc lấy để kiểm tra chất lượng, tỷ lệ thuốc kém chất lượng của Việt Nam chiếm khoảng 2 % và có xu hướng giảm, từ năm 2013 đến 2017 lần lượt là: 2,54%, 2,38%, 2,00%, 1,98% và 1,59%. Theo số liệu sơ bộ năm 2018, tỷ lệ thuốc kém chất lượng giảm xuống khoảng 1,6%.
- Tỷ lệ thuốc giả khoảng dưới 0,1% từ năm 2012 đến nay.
- Số lượng thuốc kém chất lượng phát hiện qua hoạt động tiền kiểm một số năm như sau: năm 2014 phát hiện 70 lô không đạt chất lượng, năm 2015 phát hiện 06 lô, năm 2016 chỉ phát hiện 02 lô, năm 2017 phát hiện 01 lô;và năm 2018 các lô thuốc tiền kiểm đều đạt chất lượng trong 2100 lô thuốc của 42 cơ sở sản xuất nước ngoài.
1.2. Các giải pháp tăng cường công tác kiểm soát chất lượng thuốc trong thời gian tới:
- Tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định của Luật Dược và các văn bản hướng dẫn luật.
- Sửa đổi, bổ sung Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo hướng tăng nặng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực dược nhằm kiểm soát chất lượng thuốc.
Tiếp tục triển khai phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin quản lý và kết nối liên thông các nhà thuốc trên toàn quốc; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu ngành dược quốc gia đảm bảo truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, giá mua vào/bán ra của các loại thuốc tại các cơ sở cung ứng thuốc theo Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Triển khai xây dựng và thực hiện các Đề án:
+ Quy hoạch hệ thống kiểm nghiệm, kiểm định về dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, trang thiết bị y tế theo quy định tại khoản 5 Điều 104 của Luật dược về quy hoạch hệ thống kiểm nghiệm của Nhà nước, Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược VN giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
+ Triển khai Đề án kết nối thông tin trong hệ thống kiểm nghiệm nhằm cập nhật, chia sẻ thông tin về tình hình lấy mẫu, kết quả kiểm tra chất lượng nhằm xử lý triệt để thuốc không đạt chất lượng và tránh lãng phí chi phí kiểm nghiệm.
+ Tiếp tục và mở rộng đề án ứng dụng công nghệ thông tin kết nối thông tin các nhà thuốc cho toàn bộ hệ thống bán lẻ.
II. Đối với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá thuốc cả khâu tiền kiểm và hậu kiểm:
2.1. Triển khai quy định quản lý giá thuốc tại Luật dược năm 2016 và Luật giá năm 2012, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường hiệu quả của công tác quản lý giá thuốc, cụ thể:
- Trong năm 2018, Bộ Y tế đã tổ chức đấu thầu thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của bệnh nhân nội trú do nguồn ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế, nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế công lập. Việc đấu thầu thuốc trong thời gian qua đã bảo đảm công khai, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính trong công tác đấu thầu thuốc, ưu tiên sử dụng thuốc trong nước có chất lượng, giá hợp lý và tiết kiệm chi phí tiền thuốc cho quỹ Bảo hiểm y tế và người dân. Theo thống kê kết quả trúng thầu của các Sở Y tế, bệnh viện và viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, trị giá tiền mua thuốc đã tiết giảm được 35,5% so với quy định cũ.
- Triển khai đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia theo quy định của Luật đấu thầu năm 2013 và Luật dược năm 2016. Năm 2017, Bộ Y tế đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho 21 mặt hàng thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia sử dụng cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh năm 2018 và năm 2019 với tổng trị giá là 2.269 tỷ đồng và giảm 477 tỷ đồng (giảm 17,4%) so với tổng trị giá tính theo giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trước. Hiện nay, Bộ Y tế đang mở rộng tiến hành triển khai đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia năm 2018 sử dụng cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh năm 2019 và năm 2020 với 22 hoạt chất, tương ứng với 152 mặt hàng thuốc với tổng giá trị gói thầu là 10.250 tỷ đồng.
- Đối với thuốc biệt dược gốc, thuốc còn bảo hộ và những thuốc có nguy cơ độc quyền có 1-2 cơ sở sản xuất, thực hiện cơ chế quản lý giá thuốc bằng hình thức đàm phán giá thuốc theo quy định Luật đấu thầu năm 2013 và Luật dược năm 2016. Năm 2018, Hội đồng đàm phán giá thuốc - Bộ Y tế triển khai đàm phán giá đối với 04 biệt dược gốc sử dụng cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh năm 2019 và năm 2020 đã giảm 551 tỷ đồng (giảm 18,55% so với giá trúng thầu hiện tại).
- Đối với thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của bệnh nhân ngoại trú, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 đã sửa đổi quy định thống nhất mức thặng số bán lẻ của nhà thuốc trong khuôn viên bệnh viện công lập (2%-15%) tùy theo giá trị thuốc mua vào tính theo đơn vị đóng gói nhỏ nhất và quản lý danh mục thuốc, giá mua vào tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập theo danh mục, giá trúng thầu của chính cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và của các cơ sở y tế tuyến tỉnh trở lên.
- Đối với thuốc lưu hành trên thị trường, hiện trên cả nước có khoảng trên 63 nghìn cơ sở bán lẻ thuốc cạnh tranh mạnh mẽ theo cơ chế thị trường, các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc phải thực hiện công khai minh bạch giá thuốc bằng hình thức kê khai, niêm yết giá tại nơi bán thuốc theo quy định tại Luật dược. Giá bán buôn thuốc được công khai, minh bạch thông qua quy định về kê khai, kê khai lại và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược (https://dav.gov.vn/). Hệ thống thanh tra y tế tổ chức các đoàn thanh tra theo kế hoạch và đột xuất việc thực hiện các quy định về quản lý giá thuốc và các cơ sở vi phạm bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
2.2. Tiếp tục phát huy các kết quả của công tác quản lý giá thuốc, đấu thầu thuốc, để tăng cường hiệu quả quản lý chặt chẽ thị trường thuốc và thực hiện mục tiêu giảm giá theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đang tiếp tục triển khai các giải pháp sau:
- Sửa đổi các quy định về đấu thầu mua thuốc, trong đó tập trung vào quy định về phân chia gói thầu, nhóm thuốc theo tiêu chí kỹ thuật của thuốc nhằm: (1) Lựa chọn các thuốc chất lượng tốt phục vụ điều trị; (2) Kiểm soát chất lượng thuốc thông qua phân chia nhóm thuốc theo tiêu chí kỹ thuật; (3) Tăng cường ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước có chất lượng.
- Mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia để tiếp tục phát huy hiệu quả giảm giá thuốc trong công tác đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia.
- Bộ Y tế sẽ mở rộng danh mục đàm phán giá đối với thuốc biệt dược gốc đã có nhiều thuốc generic tương tự thay thế để tăng cường hiệu quả cơ chế đàm phán giá thuốc,
- Chỉ đạo, tổ chức triển khai quy định về quản lý danh mục và giá thuốc mua vào tại cơ sở bán lẻ thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
- Tiến tới nối mạng toàn quốc các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc.
- Tiếp tục thực hiện việc công khai, minh bạch về giá thuốc kê khai, kê khai lại và giá thuốc trúng thầu, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý giá thuốc, đấu thầu thuốc để xử lý nghiêm các vi phạm nếu phát hiện.
Câu 25. Cử tri các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Ninh, TP Hải Phòng kiến nghị: Hiện nay tình trạng sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc, trong đó có cả thuốc kháng sinh, thuốc chữa bệnh ung thư giả, máy móc trang thiết bị kém chất lượng; hồ sơ bệnh án giả, chạy hồ sơ bệnh nhân tâm thần... vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây bức xúc trong nhân dân. Cử tri đề nghị Bộ Y tế xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị để xảy ra vi phạm, tiêu cực; tăng cường chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc, đồng thời có những giải pháp cụ thể giải quyết dứt điểm tình trạng trên.
Trả lời:
I. Đối với việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc
1.1. Tăng cường công tác tiền kiểm và hậu kiểm về chất lượng thuốc:
a. Công tác tiền kiểm:
- Thực hiện kiểm tra 100% lô thuốc nhập khẩu của các cơ sở sản xuất thuộc danh mục các nhà sản xuất thuốc nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng theo quy định của Luật Dược và Thông tư số 11/2018/TT-BYT, đảm bảo chỉ được đưa ra lưu thông, phân phối các lô thuốc đã có kết quả kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn chất lượng.
- Thực hiện đánh giá 100% hồ sơ nhà máy sản xuất thuốc nước ngoài khi đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam theo quy định tại Luật Dược và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP; tăng cường kiểm tra thực tế tại cơ sở để đảm bảo chất lượng thuốc cung cấp vào thị trường.
- Tổ chức kiểm tra việc tuân thủ GMP các cơ sở sản xuất trong nước, cơ sở sản xuất nước ngoài (Ấn Độ, Hàn Quốc).
b. Công tác hậu kiểm:
- Thường xuyên định kỳ đánh giá việc duy trì đáp ứng tiêu chuẩn Thực hành tốt của các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, phân phối thuốc, các cơ quan quản lý dược. Đồng thời, trên cơ sở đánh giá nguy cơ Bộ Y tế đã tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện các cơ sở không bảo đảm duy trì đáp ứng tiêu chuẩn GPs.
- Hệ thống kiểm nghiệm thuốc trên toàn quốc tiếp tục được đầu tư bổ sung nhân lực, trang thiết bị kiểm nghiệm… nâng cao năng lực kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành. Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Viện Kiểm nghiệm thuốc Tp. Hồ Chí Minh đã được WHO đánh giá và công nhận, 9 Trung tâm kiểm nghiệm đạt GLP và 46 Trung tâm kiểm nghiệm đạt ISO/IEC 17025. Trong năm 2018, Hệ thống kiểm nghiệm đã triển khai hoạt động lấy trên 32 nghìn mẫu để kiểm tra chất lượng, kiểm tra giám sát chất lượng thuốc sản xuất, nhập khẩu, lưu hành, sử dụng.
c. Các kết quả đạt được:
- Nhờ việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm cũng như áp dụng những biện pháp cứng rắn và có hiệu quả, chất lượng thuốc tại Việt Nam được duy trì và bảo đảm. Tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng được đánh giá là ở mức độ thấp khi so sánh với kết quả khảo sát của WHO được công bố tháng 11/2017 (qua khảo sát lấy mẫu tại 88 nước với khoảng 50.000 mẫu lấy cho thấy: khoảng 10% mẫu ở các nước có thu nhập kém và thu nhập thấp là thuốc giả, thuốc kém chất lượng).
- Tính trên số mẫu thuốc lấy để kiểm tra chất lượng, tỷ lệ thuốc kém chất lượng của Việt Nam chiếm khoảng 2 % và có xu hướng giảm, từ năm 2013 đến 2017 lần lượt là: 2,54%, 2,38%, 2,00%, 1,98% và 1,59%.Theo số liệu sơ bộ năm 2018, tỷ lệ thuốc kém chất lượng giảm xuống khoảng 1,6%.
- Tỷ lệ thuốc giả khoảng dưới 0,1% từ năm 2012 đến nay.
- Số lượng thuốc kém chất lượng phát hiện qua hoạt động tiền kiểm một số năm như sau: năm 2014 phát hiện 70 lô không đạt chất lượng, năm 2015 phát hiện 06 lô, năm 2016 chỉ phát hiện 02 lô, năm 2017 phát hiện 01 lô;và năm 2018 các lô thuốc tiền kiểm đều đạt chất lượng trong 2100 lô thuốc của 42 cơ sở sản xuất nước ngoài.
1.2. Các giải pháp tăng cường công tác kiểm soát chất lượng thuốc trong thời gian tới:
- Tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định của Luật Dược và các văn bản hướng dẫn luật.
- Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo hướng tăng nặng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực dược nhằm kiểm soát chất lượng thuốc.
Tiếp tục triển khai phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin quản lý và kết nối liên thông các nhà thuốc trên toàn quốc; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu ngành dược quốc gia đảm bảo truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, giá mua vào/bán ra của các loại thuốc tại các cơ sở cung ứng thuốc theo Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.- Triển khai xây dựng và thực hiện các Đề án:
+ Quy hoạch hệ thống kiểm nghiệm, kiểm định về dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, trang thiết bị y tế theo quy định tại khoản 5 Điều 104 của Luật dược về quy hoạch hệ thống kiểm nghiệm của Nhà nước, Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược VN giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
+ Triển khai Đề án kết nối thông tin trong hệ thống kiểm nghiệm nhằm cập nhật, chia sẻ thông tin về tình hình lấy mẫu, kết quả kiểm tra chất lượng nhằm xử lý triệt để thuốc không đạt chất lượng và tránh lãng phí chi phí kiểm nghiệm.
+ Tiếp tục và mở rộng đề án ứng dụng công nghệ thông tin kết nối thông tin các nhà thuốc cho toàn bộ hệ thống bán lẻ.
II. Các giải pháp để tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc:
1. Bộ Y tế đã triển khai hàng loạt các giải pháp để kiểm tra, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh thuốc, cụ thể như sau:
1.1. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật:
Bên cạnh các mức xử lý vi phạm hành chính quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013, ngày 08/5/2017 Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật dược. Quy định mới bổ sung các mức xử lý hành chính nhằm ngăn chặn nguy cơ tái phạm như: ngừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc từ 01 năm đến 02 năm; ngừng cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc từ 01 năm đến 02 năm của cơ sở nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc đối với các cơ sở có thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu không dựa trên cơ sở nghiên cứu hoặc sản xuất thực tế của cơ sở sản xuất hoặc trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc đã được phê duyệt là tài liệu giả mạo.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã có các quy định, giải pháp sau: (i) xây dựng, cập nhật tiêu chuẩn quốc gia về thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc để Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và công bố theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; (ii) ban hành, cập nhật Dược điển Việt Nam trong đó quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc; (iii) quy định việc áp dụng Dược điển nước ngoài tại Việt Nam.
1.2. Nâng cao hiệu quả công tác tiền kiểm
Triển khai thực hiện Luật dược năm 2016 và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP, thủ tục cấp Giấy phép lưu hành thuốc tại Việt Nam đối với thuốc sản xuất tại nước ngoài đã bổ sung quy định việc đánh giá đáp ứng thực hành tốt (GMP) của cơ sở sản xuất thuốc tại nước ngoài ngoài việc đánh giá trên hồ sơ. Việc đánh giá thực hành tốt (GMP) của cơ sở sản xuất thuốc tại nước ngoài tương đồng với quy định của các nước.
Bộ Y tế đã đề xuất sửa đổi và bổ sung các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là tại Luật dược 2016 và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP, cụ thể: (i) bổ sung quy định đánh giá việc đáp ứng Thực hành tốt sản xuất của100% cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại nước ngoài trước khi cấp phép lưu hành tại Việt Nam; (ii) sửa đổi quy định về hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc và điều kiện để cơ sở được cung cấp thuốc nhập khẩu vào Việt Nam nhằm tăng cường quản lý nguồn gốc thuốc nhập khẩu; (iii) cập nhật và hoàn thiện các quy trình xét duyệt hồ sơ nhập khẩu thuốc; (iv) quy định cụ thể các trường hợp bắt buộc tiền kiểm trước khi lưu hành.
Nghị định 54/2017/NĐ-CP cũng quy định cụ thể yêu cầu về Hợp pháp hóa lãnh sự đối với Giấy chứng nhận sản phẩm dược và yêu cầu trên bộ nhãn và tờ hướng dẫn sử dụng của thuốc đang lưu hành tại nước ngoài phải có xác nhận của cơ quan quản lý dược của nước mà thuốc đó đang lưu hành.
1.3. Tăng cường công tác hậu kiểm
Tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dược phải kiểm soát đặc biệt, cơ sở kinh doanh các loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc bị thu hồi do không đảm bảo chất lượng trong quá trình lưu hành.
Đặc biệt, Bộ Y tế đang triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020 nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ hành nghề dược.
Để tăng cường công tác quản lý, Bộ Y tế đã thường xuyên tổ chức tập huấn cán bộ, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho chuyên gia thuộc tổ thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc, nhưmời chuyên gia của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp tập huấn về công tác hợp pháp hóa lãnh sự; mời chuyên gia thuộc các Trường đại học Y, dược, Viện kiểm nghiệm, Viện kiểm định tập huấn, cập nhật kiến thức chuyên môn…
2. Công tác thanh tra, xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc, đảm bảo chất lượng thuốc:
2.1. Tình hình thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tất cả các thuốc lưu thông phân phối trên thị trường đều phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và được Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành. Tất cả các hoạt động trong ngành dược đều thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên bắt buộc kiểm tra cấp phép trước khi hoạt động. Các doanh nghiệp Dược để được sản xuất thuốc phải đầu tư xây dựng nhà xưởng, thiết bị, con người hệ thống và phải được kiểm tra cấp phép cũng như chịu sự thanh tra kiểm tra thường xuyên.
Các hoạt động sản xuất/kinh doanh thuốc cũng như việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc đều được giám sát chặt chẽ ở cả khâu tiền kiểm và hậu kiểm.
- Tiền kiểm: Thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường phải được Bộ Y tế thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc bao gồm từ nguyên liệu, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, độ ổn định và dữ liệu lâm sàng. Nhà sản xuất phải đáp ứng điều kiện sản xuất (tuân thủ GMP) và phải tuân thủ đúng hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt trong quá trình sản xuất và phải kiểm tra chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn đã được đăng ký trước khi đưa thuốc ra thị trường.
- Hậu kiểm: Khi đưa thuốc lưu hành trên thị trường, cơ sở sản xuất/nhập khẩu phải tự giám sát và chịu trách nhiệm đối với chất lượng thuốc do cơ sở mình sản xuất, báo cáo cơ quan quản lý khi phát hiện các dấu hiệu có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng và chịu sự lấy mẫu, giám sát của cơ quan quản lý.
Hằng năm, các hệ thống kiểm nghiệm (gồm: Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế và 63 Trung tâm trong đó có 45 đơn vị đạt tiêu chuẩn ISO IEC/17025, 10 đơn vị đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc GLP) đã lấy khoảng 40.000 mẫu thuốc trên thị trường để giám sát chất lượng, kịp thời phát hiện và xử lý thuốc vi phạm chất lượng. (Năm 2015 đã lấy 38.627 mẫu, năm 2016 đã lấy 37.219, năm 2017 đã lấy 36.362) tỷ lệ thuốc kém chất lượng các năm gần đây khoảng 2,0-3,0% và tỷ lệ thuốc giả dưới 1,0%.
2.2. Các giải pháp cụ thể tăng cường thanh tra, kiểm tra để quản lý chặt chẽ chất lượng thuốc:
Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành có liên quan, các tổ chức hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dược cũng như của người dân đã triển khai hàng loạt các giải pháp đồng bộ, các chiến dịch nhằm phát hiện và kịp thời xử lý các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng.
Ngoài việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Trung ương, Bộ Y tế cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo 389 thuộc Bộ Y tế do Lãnh đạo Bộ làm trưởng Ban gồm các Vụ/Cục liên quan nhằm tăng cường công tác phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng là thuốc, thực phẩm, trang thiết bị y tế,… Thường xuyên tiến hành tiếp nhận thông tin, kiểm tra thường xuyên và đột xuất, xác nhận các thông tin từ các kênh thông tin và xử lý, xử phạt nghiêm nếu phát hiện vi phạm.
Từ ngày 01/01/2018 - 30/11/2018, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) đã xử phạt 41 cơ sở vi phạm hành chính trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm. Tổng số tiền phạt là 1.956.000.000 (một tỉ chín trăm năm mươi sáu triệu đồng). Ngoài ra, Bộ Y tế đã tước giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc có thời hạn đối với 02 cơ sở sản xuất thuốc; đã ban hành các công văn ngừng tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuốc nguyên liệu làm thuốc đối với 07 đơn vị; ngừng tiếp nhận hồ sơ cấp phép nhập khẩu, ngừng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc đối với 04 đơn vị; chuyển hồ sơ 01 trường hợp vi phạm sang C46 – Bộ Công an điều tra, giải quyết theo thẩm quyền.Bộ Y tế đã có công văn gửi 63 Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị thông báo về 08 trường hợp thuốc giả, thuốc nghi ngờ giả và chuyển hồ sơ 01 trường hợp sang cơ quan công an để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Để tăng cường hiệu quả của công tác quản lý thuốc kém chất lượng và ngăn chặn sản xuất, buôn bán thuốc giả, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp sau:
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp về chất lượng thuốc và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời, nghiêm khắc các cơ sở, cá nhân có hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc, mua bán không có hoá đơn chứng từ, không tuân thủ đầy đủ các quy chế chuyên môn.
- Hoàn thiện và nâng cao năng lực quản lý của hệ thống kiểm nghiệm với việc nâng cấp 03 Viện Kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế, 07 Trung tâm kiểm nghiệm thuốc đạt tiêu chuẩn GLP, 35 Trung tâm kiểm nghiệm thuốc đạt ISO 17025 và có kế hoạch xây dựng 05 Trung tâm kiểm nghiệm thuốc khu vực và triển khai thành lập lực lượng kiểm soát viên chất lượng thuốc.
- Tiếp tục triển khai quản lý chất lượng thuốc toàn diện với việc triển khai đồng bộ các nguyên tắc tiêu chuẩn GPs trong hệ thống sản xuất kinh doanh dược theo định hướng hòa nhập quốc tế, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc và nguyên liệu làm thuốc. Tăng cường phối hợp liên ngành giữa Y tế, Công An, Hải Quan, Quản lý Thị trường, Y tế, Thanh tra các cấp, Uỷ ban nhân dân các cấp, …và các tổ chức quốc tế, các cơ quan quản lý dược các nước để giải quyết tận gốc vấn đề thuốc giả, phòng chống thuốc kém chất lượng, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc.
- Phối hợp với Cơ quan truyền thông thông tin kịp thời cho người dân về thuốc giả, thuốc kém chất lượng và khuyến khích các cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu áp dụng các giải pháp công nghệ cao trong sản xuất, phân phối thuốc để giảm nguy cơ bị làm giả.
- Để tăng cường giám sát chất lượng thuốc, Bộ Y tế yêu cầu hệ thống kiểm nghiệm lấy mẫu kiểm tra 100% lô thuốc đối với các nhà sản xuất có thuốc vi phạm chất lượng.
- Pháp quy hóa công nghệ thông tin trong hoạt động phân phối thuốc.
- Công khai minh bạch thuốc, cơ sở sản xuất vi phạm chất lượng: Bộ Y tế đã công khai, công bố danh mục các thuốc vi phạm chất lượng và danh sách các cơ sở có thuốc vi phạm chất lượng trên Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược (https://dav.gov.vn/).
Câu 26. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Đề nghị không áp dụng hình thức đấu thầu tất cả các loại vaccine đối với các đơn vị dự phòng vì có một số vaccine chỉ có một công ty độc quyền cung cấp, mà việc thực hiện thủ tục đấu thầu mất rất nhiều thời gian và vướng mắc một số bất cập khác, nên gây ra trường hợp thiếu vaccine cục bộ tại các đơn vị dự phòng.
Trả lời:
Theo quy định tại điểm g Khoản 1 Điều 1 Luật đấu thầu năm 2013, việc “Mua thuốc, vật tư y tế sử dụng vốn nhà nước; nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập” thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu 2013, vì vậy việc mua vắc xin sử dụng tại cơ sở tiêm dịch vụ phải thực hiện đấu thầu. Tuy nhiên, để bảo đảm cung ứng thuốc, tạo thuận lợi cho các đơn vị tiêm phòng mua vắc xin, đảm bảo vắc xin phục vụ hoạt động tiêm chủng, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 11/2016/TT-BYT ngày 11/5/2016 quy định đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế công lập. Theo quy định của Thông tư cho phép cơ sở tiêm dịch vụ ngoài việc tổ chức đấu thầu có thể áp dụng kết quả trúng thầu của các cơ sở y tế khác.
Câu 27. Cử tri TP. Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri phản ánh, hiện nay giá thuốc tây giữa các tỉnh, vùng, miền, khu vực có sự chênh lệch khá lớn về cùng một loại thuốc. Cử tri đề nghị Bộ Y tế cho biết nguyên nhân của tình trạng này và giải pháp khắc phục. Theo cử tri, Bộ Y tế cần nghiên cứu có giải pháp đảm bảo theo hướng, cùng một loại thuốc thì có giá bán như nhau trên địa bàn cả nước.
Trả lời:
Đối với thuốc lưu hành trên thị trường, hiện trên cả nước có khoảng trên 63 nghìn cơ sở bán lẻ thuốc cạnh tranh mạnh mẽ theo cơ chế thị trường, các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc phải thực hiện công khai minh bạch giá thuốc bằng hình thức kê khai, niêm yết giá tại nơi bán thuốc theo quy định tại Luật dược. Giá bán buôn thuốc được công khai, minh bạch thông qua quy định về kê khai, kê khai lại và công bố công khai trên trang thông tin điện tử. Hệ thống thanh tra y tế tổ chức các đoàn thanh tra theo kế hoạch và đột xuất việc thực hiện các quy định về quản lý giá thuốc và các cơ sở vi phạm bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Ngoài ra, do các đơn vị tổ chức đấu thầu vào thời điểm khác nhau, điều kiện giao hàng, khoảng cách địa lý, số lượng mua sắm khác nhau… nên có một số trường hợp giá thuốc trúng thầu khác nhau giữa các cơ sở y tế hoặc giữa các địa phương. Tuy nhiên mức chênh lệch này không lớn và đã được Bộ Y tế kiểm soát chặt chẽ qua việc quy định giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu đều phải tham khảo giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trước và giá thuốc trúng thầu đã qua cạnh tranh trong đấu thầu. Để khắc phục việc chênh lệch giá thuốc trúng thầu, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất và bổ sung hình thức đàm phán giá, đấu thầu tập trung cấp quốc gia đối với mặt hàng thuốc vào Luật Đấu thầu năm 2013. Hiện Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia đối với 05 hoạt chất thuộc Thông tư số 09/2016/TT-BYT ngày 05/5/2016 ban hành Danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho 21 mặt hàng thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia với tổng trị giá là 2.269 tỷ đồng, giảm 477 tỷ đồng (tương ứng 17,4%) so với tổng trị giá tính theo giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu (giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu được xây dựng căn cứ giá trúng thầu thấp nhất trong vòng 12 tháng trước). Hiện nay, Bộ Y tế đang mở rộng tiến hành triển khai đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia năm 2018 sử dụng cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh năm 2019 và năm 2020 với 22 hoạt chất, tương ứng với 152 mặt hàng thuốc với tổng giá trị gói thầu là 10.250 tỷ đồng.
Năm 2018, Hội đồng đàm phán giá thuốc- Bộ Y tế cũng đã triển khai đàm phán giá đối với 04 biệt dược gốc sử dụng cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh năm 2019 và năm 2020 đã giảm 551 tỷ đồng (giảm 18,55% so với giá trúng thầu hiện tại). Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục mở rộng danh mục thuốc đàm phán giá và danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia do Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thực hiện.
Câu 28. Cử tri tỉnh Ninh Bình kiến nghị: Cử tri ngành y tế phản ánh thuốc là mặt hàng đặc biệt nên cần phải có quy định riêng, đặc thù đối với việc đấu thầu thuốc, để các cơ sở khám chữa bệnh có thể có nguồn thuốc sử dụng ngay, kịp thời đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của nhân dân. Đề nghị Nhà nước có quy định riêng về đấu thầu thuốc chữa bệnh.
Trả lời:
Tại Luật đấu thầu đã có Chương riêng quy định về đấu thầu thuốc. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 11/2016/TT-BYT ngày 11/05/2016 quy định việc đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế công lập, trong đó đã có các nội dung đặc thù cho mặt hàng thuốc và các hình thức mua sắm phù hợp với quy định tại Luật đấu thầu giúp các đơn vị có thể kịp thời mua thuốc phục vụ công tác điều trị như mua sắm trực tiếp, chỉ định thầu, chỉ định thầu rút gọn.
Câu 29. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Việc công bố giá thuốc kê khai, kê khai lại của Cục Quản lý Dược hiện nay chưa kịp thời, chưa đầy đủ làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về giá thuốc, đặc biệt các thuốc thanh toán Bảo hiểm Y tế tại các cơ sở điều trị. Kiến nghị Bộ Y tế cần cập nhật kịp thời và chính xác giá kê khai, kê khai lại để các đơn vị tổ chức đấu thầu tham khảo và kiểm tra giá khi tổ chức đấu thầu riêng lẻ; cần xây dựng thặng số giá bán buôn, bán lẻ thuốc tối đa thống nhất, hợp lý từ Cục Quản lý Dược.
Trả lời:
Để tạo sự thông thoáng, thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế, trong đó đã thay đổi cơ chế quản lý giá thuốc từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Các cơ sở kinh doanh dược được bán thuốc kể từ ngày cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đặt gia công, cơ sở nhập khẩu thuốc đó nộp hồ sơ kê khai, kê khai lại giá thuốc và bán không được cao hơn giá kê khai, kê khai lại do chính cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đặt gia công, cơ sở nhập khẩu thuốc đó đã kê khai, kê khai lại. Sau 7 ngày kể từ khi nhận được bản kê khai của doanh nghiệp, Bộ Y tế sẽ công bố giá thuốc kê khai, kê khai lại; thông tin bổ sung, thay đổi của thuốc trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Trong thời hạn lưu hành của thuốc, Cơ quan quản lý nhà nước căn cứ nguyên tắc tiêu chí quy định tại Nghị định để rà soát các nội dung: rà soát về ngày thực hiện mức giá kê khai, kê khai lại, phát hiện hồ sơ kê khai không chính xác, yêu cầu bằng văn bản đối với doanh nghiệp để phục vụ công tác bình ổn giá, quản lý nhà nước về giá, kiểm tra thanh tra theo quy định của pháp luật.
Hiện nay Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) đang hoàn thiện để triển khai dịch vụ công cấp độ 4 đối với hoạt động kê khai, kê khai lại giá thuốc sẽ giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua việc kê khai giá trực tuyến.
Câu 30. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Tình trạng mua bán thuốc lòng vòng, qua nhiều tầng nấc trung gian, không hóa đơn, chứng từ vẫn còn tồn tại do các biện pháp xử phạt chưa đủ sức răn đe. Các cơ sở bán lẻ vẫn được quản lý giá, với quy định cơ sở kinh doanh tự định giá bán lẻ, phải niêm yết và bán không cao hơn giá niêm yết, giá để cho thị trường tự điều tiết cũng gây ra tình trạng giá thuốc chênh lệch bất hợp lý. Do dó, kiến nghị cần sớm đưa ra hình thức quản lý giá cụ thể với các cơ sở bán lẻ thuốc; có các biện pháp khuyến khích chuỗi nhà thuốc GPP phát triển làm lực lượng chủ đạo tác động thị trường, bớt tầng nấc trung gian, có giá hợp lý thống nhất trong toàn hệ thống.
Trả lời:
Triển khai quy định quản lý giá thuốc tại Luật dược năm 2016 và Luật giá năm 2012, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường hiệu quả của công tác quản lý giá thuốc, cụ thể:
- Đối với thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của bệnh nhân nội trú do nguồn ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế, nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế công lập quản lý thông qua đấu thầu. Việc đấu thầu thuốc trong thời gian qua đã bảo đảm công khai, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính trong công tác đấu thầu thuốc, ưu tiên sử dụng thuốc trong nước có chất lượng, giá hợp lý và tăng cường hiệu quả kinh tế của công tác đấu thầu và tiết kiệm chi phí tiền thuốc cho quỹ Bảo hiểm y tế và người dân. Theo thống kê kết quả trúng thầu của các Sở Y tế, bệnh viện và viện có giường bệnh trực thuộc Bộ năm 2018, trị giá tiền mua thuốc đã tiết giảm được 35,5% so với quy định cũ.
- Việc triển khai đấu thầu thuốc tập trung và đàm phán giá cấp quốc gia đã giúp hạn chế tối đa việc chênh lệch giá, mua bán lòng vòng trong cung ứng thuốc cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập thông qua đấu thầu:
+ Triển khai đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia theo quy định Luật đấu thầu năm 2013 và Luật dược năm 2016. Năm 2017, Bộ Y tế đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho 21 mặt hàng thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia sử dụng cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh năm 2018 - 2019 với tổng trị giá là 2.269 tỷ đồng và giảm 477 tỷ đồng (giảm 17,4%) so với tổng trị giá tính theo giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trước. Hiện, Bộ Y tế đang mở rộng tiến hành triển khai đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia năm 2018 sử dụng cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh năm 2019 - 2020 với 22 hoạt chất, tương ứng với 152 mặt hàng thuốc với tổng giá trị gói thầu là 10.250 tỷ đồng.
+ Đối với thuốc biệt dược gốc, thuốc còn bảo hộ và những thuốc có nguy cơ độc quyền có 1-2 cơ sở sản xuất, thực hiện cơ chế quản lý giá thuốc bằng hình thức đàm phán giá thuốc theo quy định Luật đấu thầu năm 2013 và Luật dược năm 2016. Năm 2018, Hội đồng đàm phán giá thuốc- Bộ Y tế triển khai đàm phán giá đối với 04 biệt dược gốc sử dụng cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh năm 2019 - 2020 đã giảm 551 tỷ đồng (giảm 18,55% so với giá trúng thầu hiện tại).
- Đối với thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của bệnh nhân ngoại trú, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8/5/2017 và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 đã sửa đổi quy định thống nhất mức thặng số bán lẻ của nhà thuốc trong khuôn viên bệnh viện công lập (2%-15%) tùy theo giá trị thuốc mua vào tính theo đơn vị đóng gói nhỏ nhất và quản lý danh mục thuốc, giá mua vào tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập theo danh mục, giá trúng thầu của chính cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và của các cơ sở y tế tuyến tỉnh trở lên.
- Đối với thuốc lưu hành trên thị trường, hiện trên cả nước có khoảng trên 63 nghìn cơ sở bán lẻ thuốc cạnh tranh mạnh mẽ theo cơ chế thị trường, các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc phải thực hiện công khai minh bạch giá thuốc bằng hình thức kê khai, niêm yết giá tại nơi bán thuốc theo quy định tại Luật dược. Giá bán buôn thuốc được công khai, minh bạch thông qua quy định về kê khai, kê khai lại và công bố công khai trên trang thông tin điện tử. Hệ thống thanh tra y tế tổ chức các đoàn thanh tra theo kế hoạch và đột xuất việc thực hiện các quy định về quản lý giá thuốc và các cơ sở vi phạm bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Theo quy định tại Thông tư số 11/2016/TT-BYT ngày 11/05/2016 của Bộ Y tế quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập, nhà thầu có tổ chức chuỗi Nhà thuốc/Trung tâm phân phối thuốc được điểm ưu tiên so với nhà thầu không tổ chức chuỗi Nhà thuốc/Trung tâm phân phối thuốc. Đây là biện pháp khuyến khích chuỗi nhà thuốc phát triển làm lực lượng chủ đạo tác động thị trường, bớt tầng nấc trung gian, có giá hợp lý thống nhất trong toàn hệ thống.
Câu 31. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Cần có quy định cụ thể, chặt chẽ hơn việc cấp giấy phép nhập khẩu thuốc, cấp số đăng ký thuốc, đặc biệt quy trình cấp số đăng ký thuốc, tránh trường hợp các thuốc có hồ sơ đăng ký giả mạo được phép lưu thông trên thị trường, gây ảnh hưởng đến công tác đấu thầu cũng như ảnh hưởng không tốt đối với dư luận xã hội và đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Trả lời:
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai hàng loạt các giải pháp để kiểm tra, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh thuốc, cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cụ thể như sau:
1. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Bên cạnh các mức xử lý vi phạm hành chính quy định hiện hành tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP, Nghị định 54/2017/NĐ-CP đã quy định thêm các mức xử lý hành chính nhằm ngăn chặn nguy cơ tái phạm như ngừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc từ 01 năm đến 02 năm; ngừng cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc từ 01 năm đến 02 năm của cơ sở nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc đối với các cơ sở có thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu không dựa trên cơ sở nghiên cứu hoặc sản xuất thực tế của cơ sở sản xuất hoặc trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc đã được phê duyệt là tài liệu giả mạo.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã có hàng loạt các quy định, giải pháp sau: (i) xây dựng, cập nhật tiêu chuẩn quốc gia về thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc để Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và công bố theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; (ii) ban hành, cập nhật Dược điển Việt Nam trong đó quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc; (iii) quy định việc áp dụng Dược điển nước ngoài tại Việt Nam.
2. Nâng cao hiệu quả công tác tiền kiểm
Triển khai thực hiện Luật dược 2016 và Nghị định 54/2017/NĐ-CP, trong thủ tục cấp Giấy phép lưu hành thuốc tại Việt Nam đối với thuốc sản xuất tại nước ngoài, không chỉ đánh giá trên hồ sơ mà đã bổ sung quy định việc đánh giá đáp ứng thực hành tốt (GMP) của cơ sở sản xuất thuốc tại nước ngoài. Việc đánh giá thực hành tốt (GMP) của cơ sở sản xuất thuốc tại nước ngoài tương đồng với quy định của các nước.
Bộ Y tế đã đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là tại Luật dược 2016 và Nghị định số 54/2017/NNĐ-CP, cụ thể: (i) bổ sung quy định đánh giá việc đáp ứng Thực hành tốt sản xuất của 100% cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại nước ngoài trước khi cấp phép lưu hành tại Việt Nam; (ii) sửa đổi quy định về hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc và điều kiện để cơ sở được cung cấp thuốc nhập khẩu vào Việt Nam nhằm tăng cường quản lý nguồn gốc thuốc nhập khẩu; (iii) cập nhật và hoàn thiện các quy trình xét duyệt hồ sơ nhập khẩu thuốc; (iv) quy định cụ thể các trường hợp bắt buộc tiền kiểm trước khi lưu hành.
Nghị định 54/2017/NĐ-CP cũng quy định cụ thể yêu cầu về Hợp pháp hóa lãnh sự đối với Giấy chứng nhận sản phẩm dược và yêu cầu trên bộ nhãn và tờ hướng dẫn sử dụng của thuốc đang lưu hành tại nước ngoài phải có xác nhận của cơ quan quản lý dược của nước mà thuốc đó đang lưu hành.
3. Tăng cường công tác hậu kiểm
Tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dược phải kiểm soát đặc biệt, cơ sở kinh doanh các loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc bị thu hồi do không đảm bảo chất lượng trong quá trình lưu hành. Đặc biệt, Bộ Y tế đang triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020 nhằm ngày càng quản lý chặt chẽ trong hành nghề dược.
Để tăng cường công tác quản lý, Bộ Y tế đã thường xuyên tổ chức tập huấn cán bộ, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho chuyên gia thuộc tổ thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc, như mời chuyên gia của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp tập huấn về công tác hợp pháp hóa lãnh sự; mời chuyên gia thuộc các Trường đại học Y, dược, Viện kiểm nghiệm, Viện kiểm định tập huấn, cập nhật kiến thức chuyên môn…
4. Hoàn thiện quy trình cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc
Hoạt động cấp phép giấy đăng ký lưu hành thuốc được thực hiện theo quy định của Luật dược 2016, Nghị định 54/2017/NĐ-CP, Nghị định 155/2018/NĐ-CP và các thông tư liên quan. Hồ sơ đăng ký thuốc có 2 phần chính:
- Hồ sơ hành chính;
- Hồ sơ kỹ thuật;
Ngoài ra, đối với thuốc mới lần đầu đăng ký lưu hành tại Việt Nam có yêu cầu hồ sơ lâm sàng; một số hoạt chất và dạng bào chế của thuốc generic có yêu cầu báo cáo nghiên cứu tương đương sinh học. Quy định về hồ sơ kỹ thuật Việt Nam thực hiện đầy đủ yêu cầu về hội nhập theo các hướng dẫn chung của ASEAN.
Các hồ sơ đăng ký thuốc được xử lý theo một quy trình chặt chẽ,đảm bảo thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả điều trị khi được cấp phép lưu hành. Hồ sơ được gần 300 chuyên gia có kiến thức, kinh nghiệm từ các trường đại học, viện kiểm nghiệm thuốc, viện kiểm định vắc xin, sinh phẩm phía Bắc, phía Nam thẩm định độc lập. Các chuyên gia được chia thành các tiểu ban phù hợp với kiến thức chuyên môn và thẩm định đầy đủ nội dung về hồ sơ hành chính, hướng dẫn sử dụng thuốc, tiêu chuẩn chất lượng thuốc, quy trình sản xuất thuốc, hồ sơ nghiên cứu lâm sàng và nghiên cứu tương đương sinh học. Sau khi các chuyên gia thẩm định hồ sơ sẽ được “Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế” xem xét cụ thể. Hội đồng bao gồm các chuyên gia đầu ngành của ngành dược để tư vấn cho Bộ Y tế trong hoạt động cấp phép lưu hành thuốc.
Hoạt động cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc được hoàn thiện theo hướng cải cách hành chính nhưng phải chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc, không để các thuốc có hồ sơ đăng ký giả mạo được phép lưu thông trên thị trường:
- Quy định rõ các tài liệu pháp lý của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài phải được chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định.
- Quy định thẩm quyền người ký trên tài liệu đăng ký thuốc phải do Giám đốc cơ sở đăng ký thuốc hoặc người được Giám đốc cơ sở đăng ký thuốc ủy quyền trực tiếp ký và đóng dấu, không chấp nhận chữ ký dấu.
- Quy định rõ cơ sở đăng ký thuốc của nước ngoài đứng tên đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc phải thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam (điểm b khoản 3 Điều 54 Luật Dược 2016).
- Bổ sung quy định đánh giá cơ sở sản xuất thuốc tại nước ngoài trước khi cấp giấy đăng ký lưu hành theo các hình thức: thẩm định hồ sơ; công nhận, thừa nhận lẫn nhau về kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về dược; kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất (điểm a, b, c khoản 5 Điều 54 Luật Dược 2016); Quy định cụ thể việc đánh giá cơ sở sản xuất thuốc tại nước ngoài áp dụng cả với thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành và đã có giấy đăng ký lưu hành(Điều 95 Nghị Định 54).
- Bộ Y tế đang xây dựng văn bản hướng dẫn Luật Dược 2016, trong đó bổ sung quy định về việc xác minh tính xác thực của các thông tin trên giấy tờ pháp lý, trong đó thực hiện xác minh CPP đối với tất cả các hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, xác minh giấy phép sản xuất, kinh doanh dược của cơ sở đăng ký nước ngoài lần đầu đăng ký thuốc tại Việt Nam.
Có thể nói, hoạt động cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đã được quy định đầy đủ trong các văn bản quy phạm pháp luật, có tính đồng bộ, hội nhập cao, theo quy trình chặt chẽ, được thẩm định, cấp phép bảo đảm tính pháp lý, tính khoa học nhằm đạt được mục tiêu thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả.
Câu 32. Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: Đề nghị mở rộng danh mục đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc phục vụ KCB để thống nhất giá thuốc trên toàn quốc và giảm chi phí; sửa đổi các thông tư ban hành danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT theo hướng tinh gọn, lựa chọn thuốc thực sự có bằng chứng về hiệu quả điều trị, tính an toàn.
Trả lời:
Năm 2017, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia (Bộ Y tế) đã tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia đối với 05 hoạt chất thuộc Thông tư số 09/2016/TT-BYT. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho 21 mặt hàng thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia với tổng trị giá là 2.269 tỷ đồng, giảm 477 tỷ đồng (tương ứng 17,4%) so với tổng trị giá tính theo giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu (giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu được xây dựng căn cứ giá trúng thầu thấp nhất trong vòng 12 tháng trước).
Năm 2018, Bộ Y tế đã triển khai đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia sử dụng cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh năm 2019 - 2020 với 22 hoạt chất, tương ứng với 152 mặt hàng thuốc với tổng giá trị gói thầu là 10.250 tỷ đồng.Hội đồng đàm phán giá thuốc- Bộ Y tế cũng đã triển khai đàm phán giá đối với 04 biệt dược gốc sử dụng cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh năm 2019 và năm 2020 đã giảm 551 tỷ đồng (giảm 18,55% so với giá trúng thầu hiện tại).
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xem xét, đánh giá rút kinh nghiệm để tiếp tục mở rộng danh mục thuốc đàm phán giá và danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia để phát huy các hiệu quả đạt được.
Câu 33. Cử tri tỉnh Thái Bình kiến nghị: Cử tri đề nghị tăng cường nguồn lực để nâng số giường theo tỷ lệ dân cư, giảm tải áp lực cho các bệnh viện trung ương và tuyến tỉnh. Đồng thời ngành Y tế đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm phiền hà cho người dân đến khám, chữa bệnh tại các bệnh viện vì thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn rườm rà, phức tạp, mất rất nhiều thời gian của nhân dân khi đi khám bệnh.
Trả lời:
1. Về việc tăng cường nguồn lực để nâng số giường theo tỷ lệ dân cư, giảm tải áp lực cho các bệnh viện trung ương và tuyến tỉnh
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 ban hành Đề án Giảm quá tải bệnh viện, Bộ Y tế đã tích cực triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm giảm quá tải bệnh viện. Đến nay, đã đạt được những kết quả bước đầu, hầu hết các mục tiêu của Đề án đã được thực hiện và đạt được theo tiến độ; tình trạng quá tải bệnh viện đang từng bước được giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Sau 5 năm triển khai Đề án Giảm tải bệnh viện, nhiều bệnh viện đã được đầu tư, xây dựng, cải tạo và mở rộng, nhờ đó số giường bệnh đã không ngừng được tăng lên, cụ thể:
+ Đã xây dựng, cải tạo và mở rộng được nhiều bệnh viện, tăng tỷ lệ giường bệnh/vạn dân: Tăng tỷ lệ giường bệnh thực kê/ vạn dân năm 2012 là 24,7 giường bệnh/ vạn dân, năm 2015 là 31,4 giường/vạn dân và đến tháng 12 năm 2016 là 32,7 giường bệnh trên một vạn dân (đạt chỉ tiêu đề ra tại Quyết định số 30/2008/QĐ-TTg ngày 22/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ).
+ Theo kết quả khảo sát năm 2017 tại 723 bệnh viện trên toàn quốc cho thấy, số giường bệnh kế hoạch tăng thêm sau 5 năm triển khai Đề án Giảm quá tải bệnh viện là 29.524 giường (Tuyến Trung ương tăng 4980 giường, tuyến tỉnh thành phố tăng 11.279 giường; tuyến quận, huyện tăng 13.265 giường); giường bệnh thực kê là 56.501 giường (Tuyến Trung ương tăng 8822 giường, tuyến tỉnh thành phố tăng 24.290 giường; tuyến quận, huyện tăng 23.325 giường).
2. Về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm phiền hà cho người dân đến khám bệnh, chữa bệnh
Để tạo thuận lợi cho người bệnh đến khám chữa bệnh, các Bệnh viện đã tiến hành sắp xếp tổ chức một cách hợp lý các phòng nhận bệnh, phòng thu phí, phòng phát thuốc, phòng khám, các phòng thực hiện cận lâm sàng theo tuần tự và logic hệ thống một cửa theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tăng thêm bàn khám, nhân lực để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh trong giờ hành chính và những ngày cao điểm; bố trí cán bộ, nhân viên luôn túc trực, tận tình hướng dẫn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; bố trí khu chờ có đủ ghế ngồi, điều hòa nhiệt độ, quạt mát… phục vụ chu đáo bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; bố trí các khoa khám bệnh bắt đầu làm việc sớm hơn giờ quy định của Nhà nước để tiếp đón và phục vụ bệnh nhân chu đáo. Bộ Y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh, giám định và thanh toán chi phí bảo hiểm y tế nhằm rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân, giúp cho việc thanh toán chi phí được chính xác, kịp thời.
Theo báo cáo thu được từ gần 800 bệnh viện, kết quả sau 5 năm (2013-2018) thực hiện Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 về việc ban hành hướng dẫn quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện cho thấy hiện 94% bệnh viện có bàn/quầy tiếp đón hướng dẫn, 90% bệnh viện có vẽ sơ đồ hướng dẫn đến các khoa phòng, 93% bệnh viện thực hiện tăng cường nhân lực cho khoa khám bệnh; 93% bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám, chữa bệnh; 49% làm việc sớm hơn giờ quy định, 43% bệnh viện bỏ các khâu nộp tạm ứng tiền khám bệnh, 33% bệnh viện bỏ các khâu thanh toán phí cận lâm sàng. Trung bình giảm thời gian khám bệnh/ 1 lượt khám so vói trước cải tiến giảm so với thời gian quy định là 48,5 phút, trong đó Khám lâm sàng đơn thuần trung bình (thời gian chờ khám bệnh) giảm so với thời gian quy định 53,5 phút, Khám lâm sàng có làm thêm 01 kỹ thuật xét nghiệm/chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng (thời gian chờ kết quả cận lâm sàng) giảm so với thời gian quy định 54,5 phút, Khám lâm sàng có làm thêm 02 kỹ thuật phối hợp cả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh hoặc xét nghiệm và thăm dò chức năng (thời gian chờ kết quả cận lâm sàng) giảm so với thời gian quy định là 33,8 phút.
Câu 34. Cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: Việc thực hiện cơ chế khoán quỹ theo phương thức định suất cho các cơ sở y tế đăng ký khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế ban đầu đã gây khó khăn về kinh phí hoạt động cho các đơn vị. Đề nghị Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam bỏ khoán quỹ đối với các cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu cho phù hợp với thực tiễn; Tăng cường công tác phối hợp trong việc quản lý nguồn quỹ bảo hiểm y tế để nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân tham bảo hiểm y tế; Có sự điều phối và bổ sung kịp thời quỹ khám, chữa bệnh cho Bảo hiểm Xã hội các địa phương thanh toán kịp thời số vượt trần, vượt quỹ, đảm bảo nguồn tài chính hoạt động cho các bệnh viện.
Trả lời:
1. Kiến nghị bỏ khoán quỹ đối với các cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu
Theo quy định Điều 31 về phân bổ và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế, không quy định giao quỹ cụ thể đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong đó bao gồm cả thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo phương thức định suất cho các cơ sở y tế đăng ký khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế ban đầu.
Tuy nhiên, phương thức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo định suất vẫn được quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP. Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng Thông tư thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo định suất để đảm bảo phù hợp với thực tế và đảm bảo nguyên tắc đã được quy định tại Điều 25 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
2. Kiến nghị tăng cường công tác phối hợp trong việc quản lý nguồn quỹ bảo hiểm y tế
Theo quy định tại điều 9 Luật bảo hiểm y tế, tổ chức bảo hiểm y tế có chức năng thực hiện chế độ chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế. Như vậy, quỹ bảo hiểm y tế do cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý.
Ngoài ra, việc kiểm soát sử dụng quỹ bảo hiểm y tế còn được thực hiện theo chức năng quản lý nhà nước của các Bộ Tài chính, Bộ Y tế hoặc chức năng thanh tra, kiểm tra của các Bộ, ngành, Kiểm toán Nhà nước, UBND các tỉnh, thành phố theo thẩm quyền. Để việc quản lý sử dụng quỹ đạt hiệu quả, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm y tế tại bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, các cơ sở khám chữa bệnh nhằm đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Luật bảo hiểm y tế về quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.
3. Kiến nghị điều phối và bổ sung kịp thời quỹ khám, chữa bệnh cho Bảo hiểm Xã hội các địa phương thanh toán kịp thời số vượt trần, vượt quỹ, đảm bảo nguồn tài chính hoạt động cho các bệnh viện
Quỹ bảo hiểm y tế được cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý tập trung, thống nhất, và có sự phân cấp quản lý cho bảo hiểm xã hội các tỉnh theo số thu bảo hiểm y tế tại địa phương. Căn cứ số thu bảo hiểm y tế của tỉnh, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện phân bổ quỹ khám chữa bệnhbảo hiểm y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn và thực hiện điều tiết quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong tỉnh. Trường hợp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số thu bảo hiểm y tế dành cho khám bệnh, chữa bệnh nhỏ hơn số chi khám bệnh, chữa bệnh trong năm, sau khi thẩm định quyết toán, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm bổ sung toàn bộ phần kinh phí chênh lệch này từ nguồn quỹ dự phòng.
Tuy nhiên, với việc thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá viện phí, chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng gia tăng, trong khi mức đóng bảo hiểm y tế chưa thay đổi, điều này dẫn tới tình trạng các cơ sở khám chữa bệnh vượt quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với số lượng lớn dẫn tới vượt quỹ khám chữa bệnh của tỉnh mà cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh không thể điều tiết ngay cho cơ sở khám chữa bệnh mà phải chờ cơ quan bảo hiểm xã hội thẩm định quyết toán xong mới điều tiết từ quỹ dự phòng (thường là tháng 10 năm sau) . Điều này gây ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Theo đó, Nghị định đã bỏ quy định giao quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh dựa trên thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, do đó sẽ không còn tình trạng vượt quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Chi phí dùng cho khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ được tính toán dựa trên chi phí khám chữa bệnhbảo hiểm y tế năm trước của cơ sở khám chữa bệnh cộng với các chi phí phát sinh của năm hiện thời. Quy định này sẽ giúp các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo kinh phí cho công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại đơn vị mình.
Câu 35. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Hiện nay, theo quy định tại Điều 5 của Thông tư số 182/2009/TT-BTC, ngày 14/9/2009 của Bộ Tài chính về việc Hướng dẫn nội dung và mức chi cho công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện, thì người tham gia hiến máu tình nguyện trong trường hợp cấp bách cần truyền máu cấp cứu hoặc chữa bệnh tại các bệnh viện tư nhân thì không được hoàn máu (chỉ được hoàn máu ở các cơ sở y tế công lập). Đề nghị Bộ Y tế xem xét, có cơ chế hoàn máu cho người hiến máu tình nguyện khi chữa bệnh tại các Bệnh viện tư nhân để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia hiến máu nhân đạo.
Trả lời:
Ngày 14/9/2009, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 182/2009/TT-BTC hướng dẫn nội dung và mức chi cho công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện, trong đó tại Điều 5 quy định “Người hiến máu tình nguyện trong trường hợp phải truyền máu tại các cơ sở y tế công lập, được miễn trả tiền máu, thành phần máu tối đa bằng số lượng máu, thành phần máu đã hiến theo giấy Chứng nhận hiến máu tình nguyện. Trường hợp người bệnh tham gia bảo hiểm y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm thanh toán khoản kinh phí này cho cơ sở y tế công lập; trường hợp người bệnh chưa tham gia bảo hiểm y tế thì ngân sách nhà nước cấp cho các cơ sở y tế công lập khoản chi này theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành”.
Theo đó các cơ sở y tế công lập (không phân biệt đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên, đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên) được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí tương ứng với số lượng máu đã truyền cho người hiến máu tình nguyện không tham gia bảo hiểm y tế, tối đa không quá số lượng máu mà người hiến máu tình nguyện đã hiến theo Giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tổng hợp kinh phí tương ứng với số lượng máu đã truyền cho người hiến máu tình nguyện không tham gia bảo hiểm y tế gửi cơ quan chủ quản cấp trên thẩm định, tổng hợp, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để được bố trí dự toán theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện này.
Đối với các cơ sở y tế tư nhân, bệnh viện có trách nhiệm tổng hợp kinh phí tương ứng với số lượng máu đã truyền cho người hiến máu tình nguyện không tham gia bảo hiểm y tế (tối đa không quá số lượng máu mà người hiến máu tình nguyện đã hiến theo Giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện) gửi cơ quan quản lý thẩm định và tổng hợp gửi Sở Tài chính/Bộ tài chính bố trí dự toán theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước.
Câu 36. Cử tri tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hà Nam, Long An, Bắc Ninh kiến nghị: Cử tri phản ánh trình độ chuyên môn và y đức của một bộ phận y bác sĩ chưa đảm bảo, còn để xảy ra nhiều sai sót trong quá trình điều trị cho bệnh nhân gây bức xúc trong Nhân dân (đặc biệt ở các bệnh viện công, bệnh viện tuyến trên). Đề nghị có biện pháp khắc phục tình trạng này để người dân được an tâm hơn trong quá trình chăm sóc sức khỏe, cũng như việc tích cực tham gia Bảo hiểm y tế toàn dân.
Trả lời:
Để nâng cao trình độ chuyên môn và y đức cho cán bộ y tế, hạn chế tối đa việc xảy ra sai sót trong quá trình điều trị, Bộ Y tế đã triển khai rất nhiều giải pháp, cụ thể như:
1. Về chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ y tế
Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành các tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với bác sỹ, bác sỹ y học dự phòng, y sỹ (Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BYT-BNV), mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp y tế công cộng (Thông tư 11/2015/TTLT-BYT-BNV), mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật (Thông tư 26/2015/TTLT-BYT-BNV), mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dược (Thông tư 27/2015/TTLT-BYT-BNV), mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dinh dưỡng (Thông tư 28/2015/TTLT-BYT-BNV). Dựa trên các tiêu chuẩn nghề nghiệp này, các đơn vị xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, sử dụng và quản lý các viên chức theo chuẩn chức danh nghề nghiệp từ đó nâng cao năng lực và hoàn thiện chuyên ,ôn nghiệp vụ của cán bộ y tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư số 22/2013/TT-BYT ngày 09/8/2013 hướng dẫn việc đào tạo liên tục cho cán bộ y tế. Trong đó quy định rất cụ thể:
+ Cán bộ y tế làm việc trong các cơ sở y tế phải có nghĩa vụ tham gia các khóa đào tạo liên tục nhằm đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhiệm.
+ Việc thực hiện nghĩa vụ đào tạo liên tục là một trong những tiêu chí để thủ trưởng đơn vị đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và quá trình phát triển nghề nghiệp của cán bộ y tế.
+ Cán bộ y tế là người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không thực hiện đủ nghĩa vụ đào tạo trong 2 năm liên tiếp theo quy định tại Thông tư này còn bị thu hồi chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
- Triển khai thực hiện Nghị định số 111/2017/NĐ-CP ngày 05/10/2017 của Chính phủ quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe.
Ngoài ra, Bộ cũng tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy trình chuyên môn, kỹ thuật, hướng dẫn pòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Thông tư số 43/2018/TT-BYT ngày 26/12/2018).
2. Để nâng cao đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ y tế, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, như: Quy định về 12 điều y đức, Thông tư số 07/2014/TT-BYT quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế; đặc biệt, ngày 04/6/2015, Quyết định số 2151/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.
Để làm tốt công tác này, Bộ Y tế đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt Quy tắc ứng xử, “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, trong đó quan tâm tập huấn về kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho tất cả các đối tượng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
3. Các giải pháp khác
- Tăng cường cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện quy trình ISO, công khai, minh bạch về viện phí, giá cả các dịch vụ để người dân được biết, được kiểm tra, giám sát.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất (theo hình thức “vi hành”), kiểm tra chéo giữa các đơn vị theo các tiêu chí đã thống nhất, xây dựng, chỉnh sửa bộ công cụ đánh giá kết quả “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.
- Tiếp tục duy trì hoạt động đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Nghiêm túc trong việc xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp của các viên chức y tế. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ thoái hóa, biến chất, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp. Năm 2018 Tổng đài trực đường dây nóng của Bộ Y tế 1900-9095 đã tiếp nhận tổng số 65.702 cuộc gọi đến đường dây nóng, trong đó 11.336 cuộc gọi phản ánh đúng phạm vi (17,25%), ngành Y tế đã xử lý: Cắt thi đua 91 trường hợp, điều chuyển sang bộ phận khác 18, khiển trách 171 trường hợp, xử lý kỷ luật 07 trường hợp, nghỉ việc 04 trường hợp, cải tiến quy trình khám chữa bệnh 590 trường hợp, cải thiện cơ sở vật chất 259 trường hợp, khen thưởng 126 trường hợp. Hầu hết các ý kiến của người dân đều được chuyển đến các cơ quan chức năng để trả lời theo đúng thẩm quyền và kịp thời. Nhiều ý kiến của người dân được lãnh đạo các cơ sở y tế trực tiếp giải thích cặn kẽ, chu đáo,...
Câu 37. Cử tri tỉnh Hà Nam kiến nghị: Cử tri đề nghị Bộ Y tế cần tăng cường công tác thanh kiểm tra đối với công tác khám, chữa bệnh và trách nhiệm của đội ngũ y bác sỹ tại các tuyến khám chữa bệnh ở cơ sở: Bệnh viện tỉnh, huyện…
Trả lời:
Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra hoạt động hành nghề của người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Bên cạnh đó, Chính quyền địa phương và y tế cơ sở có trách nhiệm tuyên truyền phổ biến và hướng dẫn thực hiện Luật khám bệnh, chữa bệnh, các văn bản hướng dẫn thực hiện. Sở Y tế và phòng y tế các quận huyên phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban ngành tăng cường công tác quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn, thường xuyên kiểm tra, thanh tra, nhắc nhở để đảm bảo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện đúng các quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn, các quy chế chuyên môn, kịp thời phát hiện các vi phạm, có biện pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định.
Hàng năm, Bộ Y tế thành lập các Đoàn kiểm tra tất cả bệnh viện đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ (Ví dụ: Quyết định số 6328/QĐ-BYT ngày 18/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành nội dung kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2018). Đối với các Sở Y tế, định kỳ cuối năm trên 1.400 bệnh viện được các Sở Y tế tiến hành kiểm tra đánh giá công tác khám, chữa bệnh, chất lượng bệnh viện. Ngoài ra, định kỳ 6 tháng/lần, nhiều Sở Y tế tiến hành thành lập các Đoàn kiểm tra đối với các đơn vị trực thuộc.
Ngoài hình thức nêu trên, việc kiểm tra bệnh viện đã được Bộ Y tế công bố, gắn điểm chất lượng bệnh viện với việc bình xét thi đua, khen thưởng; Tổ chức kiểm tra đột xuất khi có vụ việc (phản ánh của báo chí, phản ánh của người bệnh qua đường dây nóng), kiểm tra chuyên đề (Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, điều dưỡng, phục hồi chức năng, công tác khám, chữa bệnh).
Câu 38. Cử tri tỉnh Vĩnh Long kiến nghị: Nhiều cử tri phản ánh, việc khám bệnh bảo hiểm y tế không làm việc vào các ngày thứ bảy, chủ nhật là chưa hợp lý đặc biệt là những người làm cán bộ - công chức - viên chức và công nhân…. Đề nghị sớm chấn chỉnh lại để người dân không bị thiệt thòi khi có nhu cầu khám, chữa bệnh.
Trả lời:
Hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh đều phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về lao động và thời gian lao động, do vậy nên các cơ sở y tế quyết định có hoặc không tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngoài giờ phải dựa trên khả năng cung cấp dịch vụ của cơ sở y tế và quy định của Luật Lao động.
Nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của người dân vào các ngày nghỉ, ngày lễ, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã phối hợp ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện hoạt động này như sau:
- Đối với các cơ sở y tế có tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ, ngày lễ: Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 02/7/2015 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính quy định: Trường hợp cơ sở y tế có tổ chức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ, ngày lễ phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm xã hội để bổ sung vào hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh trước khi thực hiện. Người có thẻ bảo hiểm y tế đến khám bệnh, chữa bệnh được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế. Cơ sở y tế có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, phải công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng của người bệnh tham gia bảo hiểm y tế và phải thông báo trước cho người bệnh, người bệnh phải tự chi trả phần chi phí ngoài phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế (nếu có)”.
- Đối với các cơ sở khám chữa bệnh không tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ, ngày lễ: Các trường hợp cấp cứu vào ngày nghỉ, ngày lễ thì quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế không thay đổi so với các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6 và chi phí khám chữa bệnh sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán theo các quy định về mức hưởng bảo hiểm y tế.
Hiện nay, theo các quy định về đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu, người dân có thể tìm hiểu, đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở có thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ, ngày lễ. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người dân nên đi khám chữa bệnh càng sớm càng tốt nhằm nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, không nên chờ đến ngày nghỉ mới đi khám. Mặt khác, việc bảo đảm đủ nhân lực để tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày lễ, ngày nghỉ còn rất khó khăn,nhất là cơ sở khám chữa bệnh vùng sâu vùng xa.
Câu 39. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Cần điều chỉnh tăng số lượt khám từ 40 lượt/bàn khám lên 50 lượt/bàn khám; điều chỉnh tăng tiền công khám từ 20.000 đồng/lượt hiện nay lên 25.000 đồng/lượt.
Trả lời:
Thực hiện theo quy định của Luật giá, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 17/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá, Thông tư số 25/2014/TT-BTC ngày 17/12/2014 của Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa dịch vụ, Bộ Y tế phải ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật để làm cơ sở xây dựng và ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nói chung và giá khám bệnh nói riêng.
Do giá khám bệnh bảo hiểm y tế ban hành phải thống nhất giữa các hạng bệnh viện trong toàn quốc nên phải có một định mức chung để xây dựng và ban hành giá khám bệnh bảo hiểm y tế. Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát số liệu của một số bệnh viện đại diện cho các vùng, miền, các tuyến chuyên môn kỹ thuật để tính ra số lượt khám trung bình/bàn khám. Có những bệnh viện là 50-55 lượt khám/bàn khám nhưng cũng có nhiều bệnh viện chỉ có 25-30 lượt khám/bàn khám, do đó khi ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BYT ngày 30/5/2018 (sửa đổi Thông tư số 37/2015/TTLT-BYT-BTC) Bộ Y tế đã tính toán lại và quy định giá khám bệnh cho các hạng bệnh viện theo định mức 45 lượt khám/bàn khám và giá khám cho các Bệnh viện hạng III trở lên từ 26.200 đồng lên 33.100 đồng, riêng các Bệnh viện hạng IV và trạm y tế xã là 23.300 đồng. Từ 15/12/2018, giá khám bệnh được quy định theo Thông tư số 39/2018/TT-BYT (thay thế Thông tư só 15/2018/TT-BYT) cho các Bệnh viện hạng III trở lên từ 29.000 đồng lên 37.000 đồng, riêng các Bệnh viện hạng IV và trạm y tế xã là 26.000 đồng (do giá được điều chỉnh theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng/người/tháng).
Trong Thông tư số 15 và Thông tư số 39 nêu trên có quy định số lượt khám bệnh tối đa của một bàn khám chỉ 65 lượt; nếu quá số lượt này trong vòng 1 quý thì sẽ không được bảo hiểm y tế thanh toán tiền khám bệnh. Việc quy định này là để các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giải pháp tăng cường bàn khám để nâng cao chất lượng khám bệnh.
Câu 40. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Theo Nghị định số 67/2007/BTC quy định cơ sở y tế khám, chữa bệnh được trích thu 35% sau khi trừ tất cả các khoản chi, đề nghị xem xét cho cơ sở y tế khám, chữa bệnh được trích 15% để cải cách tiền lương và 20% còn lại đưa vào quỹ phát triển cơ sở khám, chữa bệnh.
Trả lời:
Hàng năm, khi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, Bộ Tài chính đều có Thông tư hướng dẫn việc xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định của Chính phủ. Như năm 2018, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 68/2018/TT-BTC ngày 06/8/2018 hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 và điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số 88/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 của Chính phủ. Trong Thông tư đã quy định việc xác định tỷ lệ trích từ nguồn thu để thực hiện cải cách tiền lương do Hội đồng nhân dân của địa phương quy định.
Câu 41. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Về luật BHYT:
- Tại khoản 2, Điều 11 quy định về “Điều khoản chuyển tiếp”, quy định hiện nay rất khó quản lý và kiểm soát chi phí khám chữa bệnh, đồng thời không khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế liên tục.
- Tại Điều 5 nên quy định các phương thức thanh toán cụ thể theo từng loại hình khám chữa bệnh phù hợp với khả năng chi trả của quỹ, đảm bảo kiểm soát chi phí khám chữa bệnh. Ví vụ: thanh toán theo định suất (ngoại trú); thanh toán theo chẩn đoán (nội trú).
Trả lời:
Bộ Y tế cảm ơn sự quan tâm của cử tri đối với công tác y tế nói chung và lĩnh vực bảo hiểm y tế nói riêng. Để có thể giải quyết kiến nghị của cử tri, Bộ Y tế trân trọng đề nghị cử tri dẫn chứng rõ hơn về văn bản, nội dung văn bản và kiến nghị cụ thể, vì "Điều khoản chuyển tiếp" của Luật Bảo hiểm Y tế là Điều 50 và Quy định về phương thức chi trả tại Luật Bảo hiểm y tế là Điều 30.
Câu 42. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Về định mức lượt khám/bàn khám/ngày và định mức chụp Siêu âm, X-quang CT, MRI đối với các bệnh viện: Thông tư 15/2018/TT-BYT ngày 30/5/2018 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, định mức thanh toán tiền khám bệnh: 65 lượt khám/01 ngày làm việc 8 giờ/01 bàn khám; định mức thanh toán đối với các dịch vụ kỹ thuật (số ca/01 máy/01 ngày làm việc 8 giờ): chụp X-quang là 58 ca , CT Scanner là 29 ca, MRI là 19 ca, siêu âm chẩn đoán là 48 ca, nội soi Tai Mũi Họng đã gây khó khăn cho các bệnh viện được Bộ Y tế giao là tuyến cuối chuyên môn kỹ thuật vì các bệnh viện này có số lượt bệnh nhân từ các tỉnh đến khám chữa bệnh chiếm từ 40%-60%.
Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân từ các tỉnh đến khám chữa bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh chiếm bình quân 50%, do đó kiến nghị Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét: đối với 19 bệnh viện được Bộ Y tế giao là tuyến cuối nếu vượt định mức 65 lượt khám/bàn khám/ngày và định mức chụp Siêu âm, Xquang CT, MRI giao Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh giải quyết. Tương tự một số các bệnh viện quận, huyện đã tăng số lượt khám cũng giao Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh giải quyết nhằm khuyến khích tuyến y tế cơ sở phát triển và để thực hiện giảm tải tuyến trên.
Trả lời:
Thực hiện theo quy định của Luật giá, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 17/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá, Thông tư số 25/TT-BTC ngày 17/12/2014 của Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa dịch vụ: Bộ Y tế phải ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật để làm cơ sở xây dựng và ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Do phải ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thống nhất giữa các hạng bệnh viện trong toàn quốc nên phải có một định mức chung để xây dựng và ban hành mức giá khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát số liệu của một số bệnh viện đại diện cho các vùng, miền, các tuyến chuyên môn kỹ thuật để tính ra số lượt khám trung bình/bàn khám, số lượt Siêu âm, chụp Xquang, CT, MRI thực hiện trong 01 ngày làm việc 08 giờ để tính ra định mức trung bình tiến tiến và tính giá dịch vụ kỹ thuật, đây không phải định mức bắt buộc mọi dịch vụ kỹ thuật phải thực hiện như nhau và cũng không phải là định mức tối đa không được vượt quá.
Để bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh, thực hiện Quyết định 92/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp giảm quá tải, nâng cao chất lượng bệnh viện, Bộ Y tế đã quy định trong Thông tư số 15 và Thông tư số 39 về số lượt khám bệnh tối đa của một bàn khám chỉ 65 lượt, định mức thanh toán đối với một số dịch vụ kỹ thuật có khả năng dễ lạm dụng như siêu âm, chụp Xquang, CT, MRI … Việc quy định này là để các cơ sở khám bệnh chữa bệnh có giải pháp tăng cường bàn khám nâng cao chất lượng khám bệnh. Trường hợp nếu vượt quá định mức tính giá, các Bệnh viện được cơ quan bảo hiểm y tế thanh toán theo mức giá không có chi phí tiền lương và được quy định mức giá thanh toán theo tỷ lệ % của mức giá quy định cho từng dịch vụ.
Bộ Y tế chia sẻ vất vả trong công tác quá tải của 19 bệnh viện được giao là tuyến cuối. Tuy nhiên, các bệnh viện cần phải có giải pháp giảm tải đồng thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Câu 43. Cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị: Cử tri kiến nghị Bộ Y tế xem xét cho phép Phòng Khám đa khoa khu vực tuyến huyện (nằm trên khu vực địa bàn của 3 xã, thị trấn) được lưu bệnh để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân có nhu cầu điều trị bệnh tại phòng khám đa khoa khu vực tuyến huyện.
Trả lời:
Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc quản lý của Bộ Y tế, trong đó tại Khoản 12, Điều 45b đã quy định về việc điều trị nội trú của Phòng khám đa khoa khu vực:
“Phòng khám đa khoa khu vực có điều trị nội trú chỉ áp dụng đối với các phòng khám đa khoa khu vực có điều trị nội trú đã được thành lập và hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực, tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Sở Y tế cho phép bằng văn bản”.
Câu 44. Cử tri tỉnh Ninh Bình kiến nghị: Hiện nay, do công tác mua sắm tập trung nên chưa đảm bảo tính kịp thời phục vụ yêu cầu khám chữa bệnh. Cử tri đề nghị không quy định mua sắm tập trung đối với một số thiết bị y tế tại các bệnh viện.
Trả lời:
Hiện tại Bộ Y tế chưa thực hiện đấu thầu tập trung đối với thiết bị y tế tại các bệnh viện, tuy nhiên tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ có đề nghị Bộ Y tế mở rộng phạm vi, danh mục đấu thầu tập trung thuốc, thiết bị và vật tư y tế.
Theo Luật Đấu thầu và các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu hiện nay, việc đấu thầu là để lựa chọn nhà thầu, số lượng được xác định cụ thể nên đối với đấu thầu tập trung, đàm phán giá thuốc, thiết bị và vật tư y tế sẽ chỉ có một số ít nhà thầu trúng thầu cung cấp trong thời gian thực hiện thoả thuận khung từ 1-3 năm cho các cơ sở y tế trong cả nước, vì vậy có thể dẫn đến việc chưa đảm bảo tính kịp thời phục vụ yêu cầu khám chữa bệnh. Mặt khác các nhà thầu khác không trúng thầu, nhất là các nhà thầu sản xuất trong nước, sẽ khó khăn trong việc tìm thị trường tiêu thụ, dẫn đến khả năng không nhập khẩu hoặc sản xuất mặt hàng đó nữa, làm thị trường trở nên độc quyền và hậu quả là các lần đấu thầu tiếp theo sẽ khó có giá cạnh tranh.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đã dự thảo văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất được thực hiện thí điểm phương thức đấu thầu tập trung, đàm phán giá thuốc, thiết bị và vật tư y tế để lấy giá tham chiếu (giá tối đa), các cơ sở y tế được chủ động mua theo giá tham chiếu hoặc tổ chức đấu thầu để mua không vượt giá tham chiếu, số lượng mua do cơ sở y tế chủ động quyết định trên cơ sở nhu cầu sử dụng thuốc của đơn vị, phù hợp với việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị sự nghiệp công lập.
Câu 45. Cử tri tỉnh Ninh Thuận, Thái Bình, Bình Thuận, Cần Thơ, Long An, Hà Nam kiến nghị: Nhiều ý kiến cử tri tiếp tục phản ánh về tình trạng sử dụng tràn lan các hóa chất độc hại trong sản xuất, bảo quản và chế biến thực phẩm, gây tổn hại đến sức khoẻ và tính mạng của Nhân dân. Cử tri đề nghị thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý, sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất, bảo quản và chế biến thực phẩm. Đồng thời cần tăng mức chế tài xử phạt các hành vi vi phạm để tăng tính răn đe.
Trả lời:
Theo quy định pháp luật hiện hành, nhà sản xuất thực phẩm được phép sử dụng một số loại phụ gia trong sản xuất, bảo quản và chế biến thực phẩm. Đây là những phụ gia an toàn cho sức khỏe con người và do Bộ Y tế quy định. Để tăng cường việc quản lý về vấn đề này, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm và Thông tư số 08/2015/TT-BYT ngày 11/5/2015 sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 27/2012/TT-BYT (văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BYT ngày 15/6/2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm). Các Thông tư này đã quy định rõ Danh mục phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm; giới hạn tối đa đối với các chất phụ gia trong các sản phẩm thực phẩm; cũng như yêu cầu về quản lý đối với phụ gia thực phẩm. Các hành vi cấm trong sử dụng phụ gia thực phẩm bao gồm: (1) Sử dụng phụ gia thực phẩm không có trong danh mục chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng; (2) Sử dụng phụ gia thực phẩm quá giới hạn cho phép, không đúng đối tượng thực phẩm được quy định; (3) Sử dụng phụ gia thực phẩm không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định; (4) Sử dụng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc quá thời hạn sử dụng.
Về tình hình sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, kết quả thanh tra, kiểm tra của Bộ Y tế và các địa phương trong thời gian qua cho thấy, về cơ bản, các phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm lưu hành, sử dụng đã được các tổ chức, cá nhân thực hiện theo đúng quy định; sử dụng phụ gia thực phẩm có trong danh mục được phép sử dụng, trong giới hạn cho phép và đúng đối tượng thực phẩm. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng phát hiện một số ít cơ sở sử dụng phụ gia thực phẩm không bảo đảm chất lượng, ngoài danh mục được phép sử dụng, hoặc quá giới hạn cho phép. Các cơ sở này đã bị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc.
Để xử lý triệt để các vấn đề nêu trên, trong thời gian tới Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện thể chế nhằm tăng cường quản lý phụ gia thực phẩm; tuyên truyền chính sách pháp luật về quản lý phụ gia thực phẩm, trong đó nhấn mạnh chế tài xử lý hình sự liên quan vi phạm về sử dụng phụ gia thực phẩm quy định tại Điều 317 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực từ 01/01/2018 đối với những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm như: nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng… gây hậu quả làm chết người; gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gây tổn hại cho sức khỏe... tùy tính chất mức độ vi phạm có thể sẽ bị phạt tù đến 20 năm.
Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (hiệu lực từ ngày 20 tháng 10 năm 2018) thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP. Quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm răn đe hơn, chỉ quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức cảnh cáo, tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm; quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm; xử phạt bổ sung như buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc thu hồi thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.
Câu 46. Cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: Hiện nay, công tác xử phạt đối với các hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm mới chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm. Đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm mất vệ sinh an toàn thực phẩm có tính chất nghiêm trọng bằng pháp luật hình sự để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa.
Trả lời:
Tại Điều 317 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực từ 01/01/2018 đã bổ sung những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm như: nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng… gây hậu quả làm chết người; gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gây tổn hại cho sức khỏe... tùy tính chất mức độ vi phạm có thể sẽ bị phạt tù đến 20 năm.
Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (hiệu lực từ ngày 20 tháng 10 năm 2018) thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP. Quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có tính răn đe mạnh hơn, không quy định hình thức cảnh cáo, tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm; quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm; xử phạt bổ sung như buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc thu hồi thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.
Để tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 về thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại Huyện, Quận, Thị xã, Thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyên, quận, thị xã, thành phố của 09 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai. Kết quả thí điểm sẽ là cơ sở để xem xét đề nghị Quốc hội sửa đổi các luật liên quan để áp dụng cho cả nước.
Câu 47. Cử tri tỉnh Vĩnh Long kiến nghị: Cử tri đề nghị cần có biện pháp kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức nhập khẩu thực phẩm bẩn để bảo vệ an toàn cho người sử dụng.
Trả lời:
Luật an toàn thực phẩm đã quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm; thực phẩm phải được quản lý tất cả quá trình từ nuôi trồng, sơ chế, chế biến, vận chuyển, bảo quản, sản xuất, kinh doanh… tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trong thời gian qua, các đơn vị chức năng thuộc các Bộ, ngành và địa phương đã xử lý nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, tuy còn tình trạng vi phạm về chất lượng nhưng tình hình cơ bản đã có chuyển biến.
Xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, chế tài về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã cơ bản đầy đủ, đối với một số hành vi vi phạm, Cục An toàn thực phẩm đã tham mưu cho Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (hiệu lực từ ngày 20 tháng 10 năm 2018) thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP. Quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm răn đe hơn, chỉ quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức cảnh cáo, tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm; quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm; xử phạt bổ sung như buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc thu hồi thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.
Đặc biệt tại Điều 317 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực từ 01/01/2018 đối với những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm như nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng…gây hậu quả làm chết người; gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, Gây tổn hại cho sức khỏe... tùy tính chất mức độ vi phạm có thể sẽ bị phạt tù đến 20 năm.
Trong thời gian tới Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng nghiên cứu các giải pháp nhằm tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm cho nhân dân, tăng cường thanh tra, kiểm tra hậu kiểm đột xuất theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ chỉ đạo các Bộ: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác hậu kiểm theo Kế hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời, Bộ Y tế cùng với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ có những giải pháp về mô hình quản lý an toàn thực phẩm, trước mắt sẽ thí điểm và mở rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận huyện xã phường của 09 tỉnh/thành phố theo Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 kết quả thí điểm sẽ là cơ sở để xem xét đề nghị Quốc hội sửa đổi các luật liên quan để áp dụng cho cả nước.
Câu 48. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri tiếp tục đề nghị các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân có liên quan đến việc mua bán, sản xuất các loại thực phẩm bẩn, độc hại để bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Trả lời:
1. Về tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kiểm soát, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm
Theo Điều 41 Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ, các Bộ quản lý ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của mình có tránh nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó có hoạt động kiểm tra, kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm. Về phần mình, Bộ Y tế luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương triển khai các giải pháp nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn thực phẩm trong năm 2018, như:
- Ban hành văn bản hướng dẫn tăng cường giám sát, phòng chống và xử lý kịp thời các vụ ngộ độc thực phẩm theo đặc điểm, theo mùa, theo địa bàn và theo đối tượng có nguy cơ (Công văn phòng chống ngộ độc thực phẩm trong Tết nguyên đán và lễ hội Xuân, công văn phòng chống ngộ độc thực phẩm mùa Hè, công văn bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa bão lũ, công văn phòng chống ngộ độc thực phẩm dịp Tết trung thu, công văn tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc rượu, nấm độc, công văn phòng chống ngộ độc thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học...). Ban hành các văn bản hướng dẫn điều tra, xử lý đối với các vụ ngộ độc thực phẩm có quy mô lớn (trên 30 người mắc) và các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tử vong.
- Ban hành các văn bản hướng dẫn giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, cảnh báo cho cộng đồng và dự phòng ngộ độc thực phẩm đối với thực phẩm được sản xuất, kinh doanh trong phạm vi toàn quốc. Giám sát chặt chẽ các thông tin cảnh báo về ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và sự cố về an toàn thực phẩm để xác minh, xử lý kịp thời, góp phần trong kiểm soát về ngộ độc thực phẩm trong toàn quốc.
- Tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra hậu kiểm đối với sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo kế hoạch, theo chuyên đề để phát hiện sớm và xử lý nghiêm các vi phạm.
- Tăng cường thông tin truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo đúng quy định.
- Triển khai 19 đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm trong năm 2018 theo kế hoạch và 21 đoàn kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của công tác quản lý; đã xử phạt vi phạm hành chính 113 cơ sở với 170 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt 6,086 tỷ đồng. So với năm 2017, số cơ sở xử phạt tăng hơn 2 lần, số tiền xử phạt tăng hơn 3 lần. Cùng với phạt tiền, tạm dừng lưu thông 76 lô sản phẩm vi phạm; thu hồi 56 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, 08 Giấy xác nhận nội dung quảng cáo và 09 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; chuyển Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử 23 trường hợp; chuyển cơ quan điều tra 10 vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả.
2. Về xử lý các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm
Điều 317 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực từ 01/01/2018, đã bổ sung những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý theo pháp luật, bao gồm: nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng… gây hậu quả làm chết người; gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gây tổn hại cho sức khỏe... tùy tính chất mức độ vi phạm có thể sẽ bị phạt tù đến 20 năm.
Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực từ ngày 20 tháng 10 năm 2018) thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP. Mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã được quy định cao hơn so với trước, chỉ quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức cảnh cáo, tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm; quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm; xử phạt bổ sung như buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc thu hồi thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.
Câu 49. Cử tri tỉnh Lạng Sơn kiến nghị: Đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn kinh phí mua sắm trang thiết bị y tế thực hiện đề án Bệnh viện vệ tinh cho Bệnh viện đa khoa tỉnh với tổng kinh phí 32,1 tỷ đồng.
Trả lời:
Thực hiện Chương trình hỗ trợ chính sách ngành y tế giai đoạn 2 do Liên Minh Châu Âu (EU) viện trợ không hoàn lại, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế, kế hoạch sử dụng khoản viện trợ không hoàn lại hỗ trợ ngân sách ngành y tế do EU viện trợ giai đoạn 2. Trong đó, năm 2019 tỉnh Lạng Sơn được giao là 10.000 triệu đồng trong dự toán ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để hỗ trợ thực hiện Dự án bệnh viện vệ tinh để hỗ trợ mua trang thiết bị cho bệnh viện đa khoa tỉnh thực hiện các dịch vụ, kỹ thuật y tế mà các bệnh viện hạt nhân chuyển giao. Ngoài nguồn hỗ trợ trên, Bộ Y tế cũng đề nghị cử tri có ý kiến đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm đầu tư ngân sách địa phương để nâng cấp về cơ sở vật chất cho Bệnh viện đa khoa tỉnh.
Câu 50. Cử tri tỉnh Lạng Sơn kiến nghị: Trong giai đoạn 2017 - 2020 tỉnh Lạng Sơn cần đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo 104 trạm y tế xã mới đạt mục tiêu theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng chính phủ; tổng nhu cầu kinh phí 243,5 tỷ đồng; trong đó dự kiến bố trí từ nguồn vốn chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 98,5 tỷ đồng, nhu cầu còn thiếu 145 tỷ đồng. Đề nghị Bộ Y tế bố trí kinh phí đầu tư xây dựng công trình cho các trạm y tế xã đã xuống cấp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Trả lời:
Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Y tế đã xây dựng Chương trình hành động số 1379/CTr-BYT ngày 19/12/2017 triển khai thực hiện Đề án Xây dựng và Phát triển mạng lưới y tế cơ sở (giai đoạn 2018 – 2020) và Hướng dẫn số 1383/HD-BYT ngày 19/12/2017 triển khai Mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã giai đoạn 2018 – 2020.
Theo phân cấp quản lý của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật: Ngân sách địa phương có nhiệm vụ chi cho các cơ sở y tế do địa phương quản lý; Ngân sách trung ương chỉ mang tính chất hỗ trợ.
Để có nguồn tài chính thực hiện Quyết định 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng và các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện thí điểm nêu trên, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương ưu tiên ngân sách địa phương, sử dụng một phần ngân sách giảm cấp cho các bệnh viện (do thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế nên giảm được ngân sách chi thường xuyên cấp cho các bệnh viện) để tăng chi cho y tế công cộng, phòng bệnh và y tế cơ sở.
Thực hiện Chương trình hỗ trợ chính sách ngành y tế giai đoạn 2 do Liên Minh Châu Âu (EU) viện trợ không hoàn lại; Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế, kế hoạch sử dụng khoản viện trợ không hoàn lại hỗ trợ ngân sách ngành y tế do EU viện trợ giai đoạn 2, trong đó tỉnh Lạng Sơn được bố trí là 35.000 triệu đồng (đã giao trong năm 2018) để đầu tư xây mới 10 trạm y tế xã đạt mục tiêu theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng chính phủ.
Ngoài ra, Bộ Y tế đang tiếp tục làm việc với Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á và đang đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện một số dự án vay vốn để đầu tư cho y tế cơ sở, đồng thời huy động nguồn viện trợ không hoàn lại của EU, đề nghị các tỉnh ưu tiên vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững để đầu tư các trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, góp phần làm tăng số xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã.
Câu 51. Cử tri tỉnh Đồng Tháp, Hà Nam, Long An, Bắc Ninh kiến nghị: Cử tri tiếp tục phản ảnh tình trạng quá tải tại các bệnh viện, nhất là tuyến trên. Cử tri đề nghị Bộ Y tế sớm có giải pháp đồng bộ, hiệu quả để chấn chỉnh tình trạng trên (như: ưu tiên đầu tư xây dựng bệnh viện, phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, đầu tư, nâng cao năng lực về khám, chữa bệnh cho tuyến y tế cơ sở,…).
Trả lời:
Về vấn đề giảm quá tải bệnh viện, thực hiện Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Giảm quá tải bệnh viện, Bộ Y tế đã tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp đề ra của Đề án bao gồm:
(1) Đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng bệnh viện để tăng thêm giường bệnh cho các chuyên khoa ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi;
(2) Thành lập và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh;
(3) Thí điểm xây dựng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình;
(4) Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới trạm y tế xã trong cả nước; tăng cường đầu tư, xây dựng để các trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia theo quy định, gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới;
(5) Đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng;
(6) Tăng cường công tác quản lý và nâng cao toàn diện chất lượng bệnh viện;
(7) Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách;
(8) Thông tin, truyền thông.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã tích cực tổ chức triển khai, chỉ đạo, xây dựng văn bản, chính sách hỗ trợ thực hiện giảm quá tải bệnh viện. Đến nay, sau 05 năm thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm tải bệnh viện đã đạt được những kết quả bước đầu, hầu hết các mục tiêu của Đề án đã được thực hiện và đạt được theo tiến độ; tình trạng quá tải bệnh viện đang từng bước được giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, cụ thể là:
Một số kết quả triển khai thực hiện Đề án giảm quá tải Bệnh viện sau 5 năm triển khai Đề án Giảm tải bệnh viện:
1. Giảm quá tải cả ở khu vực ngoại trú và nội trú
- Xây dựng, cải tạo và mở rộng được nhiều bệnh viện:
Theo kết quả khảo sát năm 2017 tại 723 bệnh viện trên toàn quốc cho thấy, tỷ lệ các khoa lâm sàng được cải tại là 43.3% (2700 khoa), khoa cận lâm sàng là 48,1% (977 khoa). Tỷ lệ khoa lâm sàng được nâng cấp là 38,5% (1039 khoa), khoa cận lâm sàng là 17,8% (362 khoa);
Số giường bệnh kế hoạch tăng thêm sau 5 năm triển khai Đề án Giảm quá tải bệnh viện là 29.524 giường (Tuyến Trung ương tăng 4980 giường, tuyến tỉnh thành phố tăng 11.279 giường; tuyến quận, huyện tăng 13.265 giường); giường bệnh thực kê là 56.501 giường (Tuyến Trung ương tăng 8822 giường, tuyến tỉnh/thành phố tăng 24.290 giường; tuyến quận, huyện tăng 23.325 giường).
- Tình trạng quá tải khu vực điều trị nội trú đang từng bước được khống chế. 37/39 bệnh viện tuyến Trung ương đã ký cam kết không để người bệnh nằm ghép trong thời gian 24 giờ hoặc 48 giờ kể từ khi nhập viện. Tình trạng nằm ghép tại các bệnh viện đã giảm nhiều.
- Giảm công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện tuyến Trung ương, tăng công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện tuyến huyện: 63% số bệnh viện tuyến trung ương đang có xu hướng giảm công suất sử dụng giường bệnh, 25% số bệnh viện tuyến huyện có xu hướng tăng công suất sử dụng giường bệnh.
- Giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ tuyến dưới lên tuyến trên: Phát triển và duy trì hiệu quả hoạt động của mạng lưới bệnh viện vệ tinh bao gồm 17 bệnh viện hạt nhân và 75 bệnh viện vệ tinh là các bệnh viện tuyến tỉnh. Duy trì tích cực công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên luân chuyển cán bộ. Đã tổ chức 386 lớp đào tạo, chuyển giao cho 7.051 cán bộ được 791 kỹ thuật từ bệnh viện hạt nhân cho bệnh viện vệ tinh, làm tỷ lệ chuyển tuyến giảm từ 73-99% theo các chuyên khoa, cụ thể: Tim mạch giảm tới 98,5%; Ung thư giảm tới 97%; Ngoại khoa giảm tới 98,5%; Sản khoa giảm tới 99%; Nhi khoa giảm tới 73% so với trước khi triển khai mô hình bệnh viện vệ tinh.
2. Tăng cường năng lực cho y tế cơ sở để làm tốt nhiêm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm các trường hợp chuyển tuyến không cần thiết
a. Thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới
Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho y tế cơ sở. Như vậy, bên cạnh việc thực hiện Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26/5/2008 của Bộ Y tế về việc cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ Bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, các cán bộ y tế tuyến trên phải thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn để giúp đỡ tuyến dưới. Bộ Y tế còn triển khai chính sách khuyến khích bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác có thời hạn ở bệnh viện thuộc các vùng miền núi, vùng khó khăn, góp phần nâng cao năng lực của các cơ sở y tế tuyến dưới.
b. Phát triển mạnh mạng lưới bệnh viện vệ tinh
Sau hơn 5 năm thực hiện, đến nay việc xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh đã đạt được một số kết quả như:
- Số lượng bệnh viện hạt nhân, bệnh viện vệ tinh tham gia đề án không ngừng tăng lên: Đến nay đã có 23 bệnh viện hạt nhân (14 bệnh viện trực thuộc Trung ương, 8 bệnh viện thuộc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, 01 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội) và 119 bệnh viện vệ tinh tại 63 tỉnh, thành phố trong đó 100% bệnh viện đa khoa tỉnh là bệnh viện vệ tinh, ngoài ra có một số bệnh viện tuyến huyện ở vùng sâu, vùng xa cũng tham gia Đề án.
- Đã đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, gói kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh: Các bệnh viện hạt nhân đã khảo sát nhu cầu khám, chữa bệnh của các bệnh viện vệ tinh, tập trung vào các nhóm bệnh chuyển tuyến nhiều, các nhóm bệnh cần điều trị tại chỗ, hạn chế vận chuyển như cấp cứu tim mạch, cấp cứu sản khoa, chấn thương sọ não…Các bệnh viện hạt nhân và vệ tinh thống nhất các kỹ thuật để chuyển giao và cách thức chuyển giao các kỹ thuật này.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Đề án: Thiết lập được hệ thống công nghệ thông tin và kết nối giữa Bệnh viện hạt nhân với bệnh viện vệ tinh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (Telemedicine) trong hoạt động Đề án. Đảm bảo 100% các bệnh viện vệ tinh thường xuyên kết nối đào tạo, hội thảo, tư vấn khám bệnh, hội chẩn từ xa với Bệnh viện hạt nhân.
- Tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất của bệnh viện vệ tinh để phục vụ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật: Các Bệnh viện hạt nhân đã được trang bị máy mô phỏng và nhiều thiết bị khác để phục vụ việc đào tạo cho các kíp kỹ thuật bệnh viện vệ tinh. Bệnh viện vệ tinh được trang bị máy, trang thiết bị để phục vụ việc tiếp nhận kỹ thuật, đầu tư cơ sở vật chất, phòng ốc.
- Đã tạo được sự thay đổi nhận thức trong cán bộ y tế về hoạt động của mô hình bệnh viện vệ tinh trong nâng cao năng lực cho y tế cơ sở thông qua công tác truyền thông: Tổ chức truyền thông về năng lực, khả năng cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các bệnh viện vệ tinh, thuyết phục người dân tuân thủ các quy định khám bệnh, chữa bệnh theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế. Tuyên truyền hình ảnh, hoạt động của đề án bệnh viện vệ tinh và các hoạt động đào tạo và chuyển giao kỹ thuật.
c. Phát triển hệ thống phòng khám y học gia đình.
Bộ Y tế xây dựng Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình giai đoạn 2013-2020”. Ngày 22/3/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 935/QĐ-BYT phê duyệt Đề án. Một năm sau, ngày 22/5/2016 Bộ Y tế Thông tư số 16/2016/TT-BYT hướng dẫn thí điểm về bác sỹ gia đình và phòng khám bác sỹ gia đình. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng hướng dẫn các tỉnh, thành phố thí điểm trong hình thành, triển khai hoạt động bác sỹ gia đình trên địa bàn.
Số lượng phòng khám bác sỹ gia đình: Theo số liệu thu được từ nghiên cứu của Viện Chiến lược Bộ Y tế, đến hết tháng 12/2017, đã có 14 tỉnh, thành phố tham gia Đề án thành lập 340 phòng khám bác sỹ gia đình với nhiều mô hình khác nhau. Trong số 340 phòng khám bác sỹ gia đình đã được thành lập, có 297 phòng khám bác sỹ gia đình công lập và 43 phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân, kết quả thu được ban đầu như sau:
Lập hồ sơ quản lý sức khỏe: Trong giai đoạn 2013 – 2017, các phòng khám bác sỹ gia đình đã tổ chức lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho 81.765 người bệnh, trong đó 86,7% người bệnh tại các phòng khám bác sỹ gia đình thuộc khối bệnh viện quận, huyện. Chỉ có 12,8% người bệnh được lập hồ sơ quản lý tại các trạm y tế.
Thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh: Theo kết quả điều tra, tính đến hết năm 2017, các phòng khám bác sỹ gia đìnhtại các tỉnh/thành phố đã thực hiện được 1.166.214 lượt khám bệnh, chữa bệnh; 4.285 lượt khám, chữa bệnh cấp cứu; 13.429 ca thủ thuật; chuyển tuyến 35.708 ca và khám bệnh tại nhà 6.804 ca.
d. Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2018 -2020”.
Đây là để án thí điểm áp dụng cho 26 trạm y tế của 8 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người dân của các xã này được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến y tế cơ sở.
e. Đầu tư cơ sở vật chất cho tuyến cơ sở
Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Y tế đã xây dựng Chương trình hành động số 1379/CTr-BYT ngày 19/12/2017 triển khai thực hiện Đề án Xây dựng và Phát triển mạng lưới y tế cơ sở (giai đoạn 2018 – 2020) và Hướng dẫn số 1383/HD-BYT ngày 19/12/2017 triển khai Mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã giai đoạn 2018 – 2020theo nguyên lý y học gia đình. Phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình ở các nơi có điều kiện, đã có 240 phòng khám bác sỹ gia đình tại 7 tỉnh/TP[2]. Một số địa phương như Hà Nội, Hà Tĩnh … đã thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân cho khoảng 80% dân số. Xây dựng và triển khai hệ thống kết nối y tế từ xa (telemedicine) của 26 trạm y tế xã điểm với các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến trên, Sở Y tế và Bộ Y tế.
Đề nghị các địa phương xây dựng Đề án của tỉnh trình HĐND và UBND phê duyệt để làm cơ sở đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và triển khai các hoạt động tại tuyến YTCS theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, đầu tư các trạm y tế xã thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Tuy nhiên, Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các các nhà tài trợ để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng một số dự án ODA vay vốn WB, ADB đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực cho y tế cơ sở. Hoàn thành phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và đàm phán đối với 2 dự án vay vốn ADB: “Phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2” với số vốn 110,6 triệu USD và “Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn” với số vốn 93,5 triệu USD. Đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án, đang hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với Dự án vay vốn WB “Đổi mới cung ứng dịch vụ y tế” với số vốn 110 triệu USD.
Ngoài ra, để có nguồn tài chính thực hiện Quyết định 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng và các Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện thí điểm nêu trên, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương ưu tiên ngân sách địa phương, sử dụng một phần ngân sách giảm cấp cho các bệnh viện (do thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế nên giảm được ngân sách chi thường xuyên cấp cho các bệnh viện) để tăng chi cho y tế công cộng, phòng bệnh và y tế cơ sở.
3. Một số khó khăn, tồn tại
- Tình trạng quá tải nhìn chung có giảm, tuy nhiên, số lượt điều trị nội trú và ngày điều trị trung bình tại tuyến tỉnh, tuyến huyện lại có xu hướng gia tăng; tình trạng quá tải ở tuyến Trung ương vẫn còn diễn ra ở một vài bệnh viện lớn, nguyên nhân do: nhiều bệnh nhẹ có thể điều trị tại tuyến dưới nhưng người dân vẫn muốn lên tuyến trên gây nên tình trạng quá tải; Số người tham gia bảo hiểm y tế gia tăng nhanh, tần suất sử dụng dịch vụ y tế có xu hướng tăng qua các năm (trung bình 2 lượt khám chữa bệnh/thẻ/năm); Cơ sở vật chất, nhân lực y tế không theo kịp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe; Cơ chế tài chính bệnh viện thay đổi, phí dịch vụ khám chữa bệnh đang thay dần nguồn cấp ngân sách nhà nước cấp cho bệnh viện (phí dịch vụ bao gồm chi lương, phụ cấp,...), bệnh viện có xu hướng giảm tuyển dụng bổ sung nhân lực...
- Bộ Y tế chỉ đạo tránh nằm ghép nên các bệnh viện buộc phải tận dụng không gian còn trống kê thêm giường bệnh để người bệnh không phải nằm ghép (trong thời gian qua có nhiều bệnh viện phải kê thêm giường bệnh ngoài hành lang, hội trường, dồn phòng làm việc của nhân viên,…). Do chỉ tiêu biên chế và giường kế hoạch là cơ sở để giao và phân bổ kinh phí. Một số tỉnh có ý kiến số lượng giường kế hoạch phải được đưa vào và phê duyệt trong kế hoạch 5 năm của tỉnh. Vì vậy việc giao bổ sung giường kế hoạch nhiều khi còn phải thông qua Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
- Việc cơ cấu giá tiền lương, phụ cấp và giá ngày giường bệnh đã dẫn đến tại một số bệnh viện ở một số địa phương có tình trạng kéo dài ngày điều trị nội trú, chỉ định vào điều nội trú không cần thiết.
Câu 52. Cử tri tỉnh Hà Nam kiến nghị: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Nam đang triển khai xây dựng Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức. Đề nghị khẩn trương hoàn thiện 2 bệnh viện trên để phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.
Trả lời:
Bộ Y tế đã và đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức. Đến nay các hạng mục xây dựng bệnh viện đã cơ bản hoàn thiện. Ngày 21/10/2018, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ khánh thành Khoa Khám bệnh thuộc Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đưa vào sử dụng Khoa khám bệnh phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Câu 53. Cử tri tỉnh Hà Nam kiến nghị: Đề nghị tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến huyện, xây dựng thêm các bệnh viện khu vực để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; đồng thời thực hiện việc luân chuyển bác sỹ có tay nghề cao ở những bệnh viện Trung ương về làm việc ở những bệnh viện địa phương và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, khuyến khích các bác sỹ về công tác tại trạm y tế xã.
Trả lời:
1. Kiến nghị đầu tư cơ sở vật chất cho y tế cơ sở
Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Y tế đã xây dựng Chương trình hành động số 1379/CTr-BYT ngày 19/12/2017 triển khai thực hiện Đề án Xây dựng và Phát triển mạng lưới y tế cơ sở (giai đoạn 2018 – 2020) và Hướng dẫn số 1383/HD-BYT ngày 19/12/2017 triển khai Mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã giai đoạn 2018 – 2020theo nguyên lý y học gia đình. Phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình ở các nơi có điều kiện, đã có 240 phòng khám bác sỹ gia đình tại 7 tỉnh/TP[3]. Một số địa phương như Hà Nội, Hà Tĩnh … đã thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân cho khoảng 80% dân số. Xây dựng và triển khai hệ thống kết nối y tế từ xa (telemedicine) của 26 trạm y tế xã điểm với các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến trên, Sở Y tế và Bộ Y tế.
Đề nghị các địa phương xây dựng Đề án trình HĐND và UBND tỉnh phê duyệt để làm cơ sở đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và triển khai các hoạt động tại tuyến YTCS theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, đầu tư các trạm y tế xã thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Tuy nhiên, Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các các nhà tài trợ để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng một số dự án ODA vay vốn WB, ADB đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực cho y tế cơ sở. Hoàn thành phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và đàm phán đối với 2 dự án vay vốn ADB: “Phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2” với số vốn 110,6 triệu USD và “Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn” với số vốn 93,5 triệu USD. Đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án, đang hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với Dự án vay vốn WB “Đổi mới cung ứng dịch vụ y tế” với số vốn 110 triệu USD.
Ngoài ra, để có nguồn tài chính thực hiện Quyết định 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng và các Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện thí điểm nêu trên, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương ưu tiên ngân sách địa phương, sử dụng một phần ngân sách giảm cấp cho các bệnh viện (do thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế nên giảm được ngân sách chi thường xuyên cấp cho các bệnh viện) để tăng chi cho y tế công cộng, phòng bệnh và y tế cơ sở.
2. Kiến nghị nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến huyện, luân chuyển cán bộ y tế
a. Thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới
Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho y tế cơ sở. Như vậy, bên cạnh việc thực hiện Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26/5/2008 của Bộ Y tế về việc cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ Bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, các cán bộ y tế tuyến trên phải thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn để giúp đỡ tuyến dưới. Bộ Y tế còn triển khai chính sách khuyến khích bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác có thời hạn ở bệnh viện thuộc các vùng miền núi, vùng khó khăn, góp phần nâng cao năng lực của các cơ sở y tế tuyến dưới.
b. Phát triển mạnh mạng lưới bệnh viện vệ tinh
Sau hơn 5 năm thực hiện, đến nay việc xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh đã đạt được một số kết quả như:
- Số lượng bệnh viện hạt nhân, bệnh viện vệ tinh tham gia đề án không ngừng tăng lên: Đến nay đã có 23 bệnh viện hạt nhân (14 bệnh viện trực thuộc Trung ương, 8 bệnh viện thuộc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, 01 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội) và 119 bệnh viện vệ tinh tại 63 tỉnh, thành phố trong đó 100% bệnh viện đa khoa tỉnh là bệnh viện vệ tinh, ngoài ra có một số bệnh viện tuyến huyện ở vùng sâu, vùng xa cũng tham gia Đề án.
- Đã đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, gói kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh: Các bệnh viện hạt nhân đã khảo sát nhu cầu khám, chữa bệnh của các bệnh viện vệ tinh, tập trung vào các nhóm bệnh chuyển tuyến nhiều, các nhóm bệnh cần điều trị tại chỗ, hạn chế vận chuyển như cấp cứu tim mạch, cấp cứu sản khoa, chấn thương sọ não…Các bệnh viện hạt nhân và vệ tinh thống nhất các kỹ thuật để chuyển giao và cách thức chuyển giao các kỹ thuật này.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Đề án: Thiết lập được hệ thống công nghệ thông tin và kết nối giữa Bệnh viện hạt nhân với bệnh viện vệ tinh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (Telemedicine) trong hoạt động Đề án. Đảm bảo 100% các bệnh viện vệ tinh thường xuyên kết nối đào tạo, hội thảo, tư vấn khám bệnh, hội chẩn từ xa với Bệnh viện hạt nhân.
- Tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất của bệnh viện vệ tinh để phục vụ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật: Các Bệnh viện hạt nhân đã được trang bị máy mô phỏng và nhiều thiết bị khác để phục vụ việc đào tạo cho các kíp kỹ thuật bệnh viện vệ tinh. Bệnh viện vệ tinh được trang bị máy, trang thiết bị để phục vụ việc tiếp nhận kỹ thuật, đầu tư cơ sở vật chất, phòng ốc.
- Đã tạo được sự thay đổi nhận thức trong cán bộ y tế về hoạt động của mô hình bệnh viện vệ tinh trong nâng cao năng lực cho y tế cơ sở thông qua công tác truyền thông: Tổ chức truyền thông về năng lực, khả năng cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các bệnh viện vệ tinh, thuyết phục người dân tuân thủ các quy định khám bệnh, chữa bệnh theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế. Tuyên truyền hình ảnh, hoạt động của đề án bệnh viện vệ tinh và các hoạt động đào tạo và chuyển giao kỹ thuật.
c. Phát triển hệ thống phòng khám y học gia đình.
Bộ Y tế xây dựng Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình giai đoạn 2013-2020”. Ngày 22/3/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 935/QĐ-BYT phê duyệt Đề án. Một năm sau, ngày 22/5/2016 Bộ Y tế Thông tư số 16/2016/TT-BYT hướng dẫn thí điểm về bác sỹ gia đình và phòng khám bác sỹ gia đình. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng hướng dẫn các tỉnh, thành phố thí điểm trong hình thành, triển khai hoạt động bác sỹ gia đình trên địa bàn.
Số lượng phòng khám bác sỹ gia đình: Theo số liệu thu được từ nghiên cứu của Viện Chiến lược Bộ Y tế, đến hết tháng 12/2017, đã có 14 tỉnh, thành phố tham gia Đề án thành lập 340 phòng khám bác sỹ gia đình với nhiều mô hình khác nhau. Trong số 340 phòng khám bác sỹ gia đình đã được thành lập, có 297 phòng khám bác sỹ gia đình công lập và 43 phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân, kết quả thu được ban đầu như sau:
Lập hồ sơ quản lý sức khỏe: Trong giai đoạn 2013 – 2017, các phòng khám bác sỹ gia đình đã tổ chức lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho 81.765 người bệnh, trong đó 86,7% người bệnh tại các phòng khám bác sỹ gia đình thuộc khối bệnh viện quận, huyện. Chỉ có 12,8% người bệnh được lập hồ sơ quản lý tại các trạm y tế.
Thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh: Theo kết quả điều tra, tính đến hết năm 2017, các phòng khám bác sỹ gia đình tại các tỉnh/thành phố đã thực hiện được 1.166.214 lượt khám bệnh, chữa bệnh; 4.285 lượt khám, chữa bệnh cấp cứu; 13.429 ca thủ thuật; chuyển tuyến 35.708 ca và khám bệnh tại nhà 6.804 ca.
d. Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2018 -2020”.
Đây là để án thí điểm áp dụng cho 26 trạm y tế của 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người dân của các xã này được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến y tế cơ sở.
Câu 54. Cử tri tỉnh Thái Bình kiến nghị: Đề nghị ngành Y tế có giải pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh tình trạng ‘‘bôi trơn’’ trong công tác khám, chữa bệnh; việc phản ánh của nhân dân lên đường dây nóng của Bộ Y tế còn chưa được trả lời; còn nhiều vấn đề bất cập trong việc kê đơn thuốc, chỉ định cửa hàng thuốc; chất lượng thuốc bảo hiểm y tế chưa đáp ứng, bệnh nhân phải mua thêm thuốc ngoài để điều trị.
Trả lời:
1. Về việc chấn chỉnh, xử lý nghiêm tình trạng “bôi trơn” trong khám chữa bệnh
Công tác chính trị, tư tưởng và giáo dục y đức luôn được Bộ Y tế quan tâm, triển khai thực hiện. Ngoài thực hiện tốt những lời giáo huấn của các bậc tiền bối và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã ban hành 12 Điều Y đức, Thông tư số 07/2014/TT-BYT ngày 25/02/2014 quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế. Đặc biệt, ngày 04/6/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2151/KH-BYT về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.
Trong Thông tư số 07/2014/TT-BYT đã quy định rất cụ thể những việc viên chức y tế không được làm, cụ thể:
- Điểm c, Khoản 2, Điều 5 quy định: Viên chức y tế không được làm những việc sau: Có thái độ, gợi ý nhận tiền, quà biếu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Điểm c, Khoản 5, Điều 6 quy định: Những việc không được làm trong ứng xử của công chức, viên chức y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Lạm dụng nghề nghiệp để thu lợi trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh.
Về triển khai thực hiện, Bộ Y tế đã ban hành nhiều kế hoạch, biện pháp tổ chức thực hiện như:
- Thủ trưởng các cơ sở khám chữa bệnh ban hành Quy chế thi đua, khen thưởng và quy chế xử lý vi phạm tại đơn vị.
- Tổ chức ký cam kết giữa viên chức với khoa phòng, khoa phòng với bệnh viện, bệnh viện với cơ quan quản lý…; trong đó cam kết không nhận tiền, quà biếu của người bệnh, gia đình người bệnh dưới bất cứ hình thức nào trong quá trình khám, chữa bệnh.
- Khen thưởng kịp thời những tấm gương điển hình tiên tiến, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm Quy tắc ứng xử và các nội dung đã cam kết qua kiểm tra, giám sát, qua phản ánh trực tiếp của người dân cũng như trên hệ thống thông tin đại chúng, qua đường dây nóng…
- Ngoài ra các đơn vị còn thực hiện nhiều hình thức khác như: Lắp đặt camera giám sát tại các vị trí nhạy cảm, tuyên truyền, tập huấn quy tắc ứng xử, sử dụng công nghệ thông tin, công khai minh mạch quá trình, quy trình khám bệnh, chữa bệnh …
Để tiếp tục triển khai, thực hiện tốt nội dung này, đề nghị người dân tích cực tham gia giám sát, phản đối những hành vi “bôi trơn” cán bộ y tế trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh.
2. Về ý kiến phản ánh của nhân dân lên đường dây nóng của Bộ Y tế còn chưa được trả lời
Nhằm tăng cường hiệu quả tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân trong lĩnh vực khám chữa bệnh, ngày 07/11/2013, Bộ Y tế phối hợp với Tổng Công ty viễn thông quân đội Viettel đã chọn số điện thoại 0973.306.306 làm số điện thoại đường dây nóng của ngành Y tế. Ngày 01/5/2014, số điện thoại đường dây nóng ngành Y tế được đổi thành 1900-9095 để người dân dễ nhớ, dễ gọi. Số điện thoại đường dây nóng của ngành Y tế đã được triển khai trên toàn quốc và dán công khai tại những nơi người dân dễ thấy, dễ quan sát như nơi đón tiếp, tại các khoa, phòng, khoa khám bệnh, buồng bệnh, khoa điều trị…trong các bệnh viện.
Khi người dân phản ánh gọi đến số 1900-9095 sẽ được điện thoại viên Tổng đài tiếp nhận, phân loại và chuyển trực tiếp đến đơn vị cấp 1 (Bệnh viện) là đơn vị người dân phản ánh trực tiếp để xử lý, nếu người dân chưa hài lòng và tiếp tục gọi điện phản ánh thì ý kiến phản ánh sẽ được chuyển tiếp đến cấp 2 (Sở Y tế) để xử lý, rồi tiếp tục chuyển tiếp đến cấp 3 (Bộ Y tế) xử lý. Tất cả các cuộc gọi phản ánh của người dân đều được ghi âm và cập nhật trên Hệ thống phần mềm theo dõi tiến độ xử lý. Có thể nói tất cả các cuộc gọi phản ánh đúng phạm vi (phản ánh tình trạng An ninh trật tự bệnh viện; Cơ sở vật chất bệnh viện; Quy trình chuyên môn; Viện phí, chế độ bảo hiểm; Thái độ ứng xử nhân viên y tế; Khen ngợi cá nhân, tập thể; Hiện tượng tiêu cực) đều được xử lý và phản hồi lại người dân phản ánh. Các cuộc gọi không đúng phạm vi (Hỏi danh bạ điện thoại; Hỏi tư vấn sức khỏe…) đều được nhân viên tổng đài giải thích cho người dân.
Theo số liệu thống kê cuộc gọi phản ánh đến đường dây nóng ngành Y tế qua các năm: Năm 2018 có 65.702 cuộc gọi đến đường dây nóng ngành Y tế, riêng trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 106 phản ánh: 03 phản ánh tình trạng an ninh trật tự bệnh viện; 37 phản ánh về cơ sở vật chất bệnh viên; 36 phản ánh về quy trình chuyên môn; 10 phản ánh về viện phí, chế độ bảo hiểm y tế; 17 phản ánh về thái độ ứng xử nhân viên y tế; 01 phản ánh khen ngợi; 02 phản ánh không đúng phạm vi. Trong đó 100 phản ánh đã được xử lý; 06 phản ánh đang xử lý: 05 phản ánh về cơ sở vật chất cần có thời gian và kinh phí để xử lý; 01 phản ánh về chế độ bảo hiểm y tế tại bệnh viện tâm thần tỉnh Thái Bình …
Nhằm tiếp tục chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ của thầy thuốc, nhân viên y tế, kịp thời giải quyết những tình huống cấp cứu khẩn cấp, bảo đảm chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, ngày 22/11/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế ra Chỉ thị số 09/CT-BYT về tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thông qua đường dây nóng. Từ ngày 01/7/2016, Bộ Y tế đã triển khai phần mềm Hệ thống theo dõi việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của người dân qua Đường dây nóng ngành y tế (tổng đài 19009095). Qua đó theo dõi và đôn đốc các đơn vị trả lời, xử lý đúng hạn các ý kiến phản ánh của người dân gọi dến Đường dây nóng.
Có thể thấy, việc triển khai đường dây nóng của ngành Y tế thời gian qua đã giúp các đơn vị quản lý nhà nước của Bộ Y tế có được kênh thông tin hữu hiệu và nhanh nhất. Từ đó, Bộ Y tế, Lãnh đạo các cơ sở y tế có cơ sở để đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc của đơn vị, kịp thời đưa ra những giải pháp để khắc phục những tồn tại, khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Về ý kiến “phản ánh của nhân dân lên đường dây nóng của Bộ Y tế còn chưa được giải quyết”, Bộ Y tế đề nghị cử tri cung cấp thêm nội dung phản ánh và đối tượng, đơn vị phản ánh để Bộ xem xét, xử lý theo quy định.
3. Về thuốc bảo hiểm y tế
Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, với mức đóng bảo hiểm y tế như hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức hưởng bảo hiểm y tế khá cao. Danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế cũng liên tục được điều chỉnh theo hướng mở rộng.
Về danh mục thuốc tân dược: Ngày 30/10/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30/2018/TT-BYT ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ, chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế thay thế Thông tư số 40/2014/TT-BYT. Danh mục thuốc gồm 1.030 thuốc, 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu với đầy đủ các chuyên khoa ban hành kèm theo Thông tư số 30/2018/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 sẽ đáp ứng được cơ bản nhu cầu điều trị, bảo đảm được quyền lợi cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, đồng thời phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới có một danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế như hiện nay.
Về danh mục thuốc y học cổ truyền: Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 05/2015/TT-BYT ngày 17/11/2015 vềdanh mục vị thuốc, chế phẩm thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế, hiện có 229 chế phẩm – tăng 102 chế phẩm, và 349 vị thuốc – tăng 49 vị thuốc so với Thông tư số 12/2010/TT-BYT ngày 29/4/2010, được áp dụng cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện có khoa y học cổ truyền, kể cả trạm y tế xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định. Như vậy, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc với giá rẻ hay đắt, thuốc nội hay thuốc ngoại. Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám chữa bệnh và khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế, cơ sở khám chữa bệnh xây dựng danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị để mua sắm lựa chọn thuốc thành phẩm phù hợp.
Với mục tiêu đáp ứng ngày càng đầy đủ, chất lượng hơn về nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, theo định kỳ 2 năm/lần, Bộ Y tế đều tiến hành rà soát, sửa đổi và bổ sung Danh mục thuốc với quy trình chặt chẽ khoa học, đặc biệt ứng dụng xây dựng Danh mục dựa trên bằng chứng (xem xét ứng dụng đánh giá chi phí-hiệu quả và tác động ngân sách khi xây dựng Danh mục thuốc), từ đó sẽ xây dựng Danh mục bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế đồng thời phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế.
Câu 55. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Đề nghị xem xét chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT đủ cho các đơn vị kịp thời để có điều kiện hoạt động tốt hơn. Đặc biệt là để sớm trả tiền thuốc cho các công ty mà đơn vị đã nợ quá hạn trả, đồng thời tạo điều kiện cho đơn vị nâng cao công tác điều trị cho bệnh nhân, có chính sách hợp lý nhằm tạo điều kiện để thu hút các bác sĩ về tuyến huyện.
Trả lời:
1. Vấn đề chi trả chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Qua kết quả kiểm tra, giám sát việc thực hiện bảo hiểm y tế cho thấy về cơ bản cơ quan bảo hiểm xã hội đã thực hiện tương đối đầy đủ quy định về tạm ứng thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh cho các cơ sở y tế. Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn còn tình trạng nợ đọng chi phí khám chữa bệnh chưa được thanh toán kịp thời và nguyên nhân chủ yếu của những khó khăn vướng mắc này là do thời gian xử lý cho phép thanh toán chi phí vượt quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, vượt tổng mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đa tuyến đến theo quy định tại Điều 32, Khoản 1, điểm d Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế số 46/2014/QH13 là sau ngày 01 tháng 10 năm sau đã gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho cơ sở khám chữa bệnh để chi trả các khoản chi phí khám chữa bệnh.
Để giải quyết khó khăn vướng mắc này, Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm đã không quy định giao quỹ khám chữa bệnh cho các cơ sở khám chữa bệnh và những chi phí phát sinh do nguyên nhân khách quan đã được thanh toán ngay trong kỳ quyết toán.
2. Về chính sách ưu đãi nhằm thu hút các bác sỹ, cán bộ y tế có chuyên môn cao về làm việc lâu dài tại các Trạm Y tế xã
Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong đó quy định rõ chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 về số bác sĩ/vạn dân là 9,0; tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ hoạt động là 90%. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn có trách nhiệm triển khai các nội dung trong chiến lược, bố trí đủ số lượng bác sĩ làm việc theo tỷ lệ dân.
Viên chức làm việc tại Trạm Y tế xã được xếp hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế và được đào tạo chuẩn hóa theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định tại các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành y tế; việc tổ chức đào tạo chuẩn hóa chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức cụ thể đối với các tỉnh, thành phố là do Ủy ban nhân dân, Sở Y tế các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo quy định.
Viên chức làm việc tại trạm y tế xã được hưởng các chế độ chính sách như đối với các viên chức chuyên ngành y tế khác. Về chế độ tiền lương, được hưởng theo thang bảng lương quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ. Về phụ cấp ưu đãi nghề hưởng mức 40% theo quy định tại Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Về phụ cấp thường trực được hưởng mức 25.000 đồng/người/phiên trực và hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người/phiên trực và phụ cấp chống dịch nếu có khi dịch bệnh xảy ra thực hiện theo quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề mức 70% và các chế độ khác theo quy định tại Nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30/7/2009 của Chính phủ.
Ngày 06/9/2018, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8476/VPCP-KTTH về việc triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW trong đó nêu: “Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến như sau: Từ nay đến khi ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, không xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách tiền lương hiện hành”.
Bộ Y tế sẽ tiếp thu ý kiến đề nghị, nghiên cứu đề xuất sửa đổi chế độ chính sách đối với viên chức ngành y tế theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Câu 56. Cử tri TP. Hà Nội kiến nghị: Đề nghị quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng Khoa lão khoa (Khoa dành cho người cao tuổi) tại các bệnh viện.
Trả lời:
Việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi đã được ngành Y tế quan tâm, chú trọng từ những năm trước thông qua việc xây dựng được mạng lưới các cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Theo Khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi quy định: Các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa (trừ bệnh viện chuyên khoa Nhi), bệnh viện y học cổ truyền có quy mô từ 50 giường bệnh kế hoạch trở lên phải bố trí giường bệnh điều trị nội trú và tổ chức buồng khám bệnh riêng cho người cao tuổi tại khoa khám bệnh. Đồng thời căn cứ vào nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người cao tuổi, khuyến khích các bệnh viện thành lập khoa Lão khoa khi có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực.
Để đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, ngày 30/12/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 7618/QĐ-BYT phê duyệt Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025, Bộ Y tế phấn đấu đến năm 2025. Trong đó đã đặt ra các mục tiêu cụ thể cần đạt được đến năm 2025, và một trong những mục tiêu đó là “Khuyến khích thành lập mới bệnh viện lão khoa tại các thành phố trực thuộc Trung ương”.
Câu 57. Cử tri tỉnh An Giangkiến nghị: Cử tri tiếp tục phản ánh tình trạng quá tải của các bệnh viện hiện nay còn phổ biến, thuốc chữa bệnh cấp theo bảo hiểm y tế còn ở mức hạn chế nhất là tuyến cơ sở; một số bệnh viện tuyến dưới cố tình giữ bệnh nhân, không kịp thời chuyển bệnh nhân lên tuyến trên gây bức xúc cho người nhà bệnh nhân; hay vấn đề thủ tục chuyển viện, giấy chuyển viện từ huyện lên tuyến trên; trong ứng xử, thái độ đối với bệnh nhân khám BHYT phân biệt với bệnh nhân khám, chữa bệnh dịch vụ. Mặc khác, cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại về tuyến cơ sở, tăng cường đội ngũ cán bộ y bác sỹ có năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp ở tuyến trên về công tác ở tuyến dưới để hạn chế tình trạng quá tải ở tuyến trên và làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trả lời:
1. Về vấn đề giảm quá tải bệnh viện
Sau 05 năm thực hiện Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Giảm quá tải bệnh viện, so với năm 2012, tình trạng nằm ghép ở bệnh viện tuyến Trung ương đã giảm từ 58% xuống còn 16,7%, tuyến tỉnh giảm từ 47% xuống còn 11,4%. Đã có, 37/39 bệnh viện tuyến trung ương và nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cam kết không để người bệnh nằm ghép từ 2 người trở lên sau từ 24- 48 giờ nhập viện. Việc triển khai toàn diện các giải pháp nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến dưới, phát triển hiệu quả mạng lưới bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, thực hiện nghĩa vụ luân phiên về tuyến dưới làm việc đối với cán bộ y tế,... đã giúp các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thực hiện được nhiều kỹ thuật cao trong điều trị bệnh, góp phần giảm tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng cơ sở hạ tầng bệnh viện để tăng thêm số giường bệnh. Một số kết quả cụ thể:
1.1. Giảm quá tải ở khu vực ngoại trú và nội trú
Theo kết quả khảo sát năm 2017 tại 723 bệnh viện trên toàn quốc cho thấy, tỷ lệ các khoa lâm sàng được cải tạo là 43.3% (2700 khoa), khoa cận lâm sàng là 48,1% (977 khoa). Tỷ lệ khoa lâm sàng được nâng cấp là 38,5% (1039 khoa), khoa cận lâm sàng là 17,8% (362 khoa);
Số giường bệnh kế hoạch tăng thêm sau 5 năm triển khai Đề án Giảm quá tải bệnh viện là 29.524 giường (Tuyến Trung ương tăng 4980 giường, tuyến tỉnh thành phố tăng 11.279 giường; tuyến quận, huyện tăng 13.265 giường); giường bệnh thực kê là 56.501 giường (Tuyến Trung ương tăng 8822 giường, tuyến tỉnh thành phố tăng 24.290 giường; tuyến quận, huyện tăng 23.325 giường).
Tình trạng quá tải khu vực điều trị nội trú đang từng bước được khống chế. 37/39 bệnh viện tuyến Trung ương đã ký cam kết không để người bệnh nằm ghép trong thời gian 24 giờ hoặc 48 giờ kể từ khi nhập viện. Tình trạng nằm ghép tại các bệnh viện đã giảm nhiều.
1.2. Đã tăng công suất sử dụng giường bệnh ở các bệnh viện tuyến huyện và giảm công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện tuyến Trung ương: 63% số bệnh viện tuyến Trung ương đang có xu hướng giảm công suất sử dụng giường bệnh, 25% số bệnh viện tuyến huyện có xu hướng tăng công suất sử dụng giường bệnh.
1.3. Giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ tuyến dưới lên tuyến trên: Tiếp tục phát triển và duy trì hiệu quả hoạt động của mạng lưới bệnh viện vệ tinh bao gồm 17 bệnh viện hạt nhân và 75 bệnh viện vệ tinh là các bệnh viện tuyến tỉnh. Duy trì tích cực công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên luân chuyển cán bộ. Đã tổ chức 386 lớp đào tạo, chuyển giao cho 7.051 cán bộ được 791 kỹ thuật từ bệnh viện hạt nhân cho bệnh viện vệ tinh, làm tỷ lệ chuyển tuyến giảm từ 73-99% theo các chuyên khoa, cụ thể: Tim mạch giảm tới 98,5%; Ung thư giảm tới 97%; Ngoại khoa giảm tới 98,5%; Sản khoa giảm tới 99%; Nhi khoa giảm tới 73% so với trước khi triển khai mô hình bệnh viện vệ tinh.
2. Vấn đề thuốc, vật tư y tế theo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế
Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, với mức đóng bảo hiểm y tế như hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức hưởng bảo hiểm y tế khá cao. Danh mục thuốc, vật tư y tế thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế cũng liên tục được điều chỉnh theo hướng mở rộng.
Về danh mục thuốc tân dược: Ngày 30/10/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30/2018/TT-BYT ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ, chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tếthay thế Thông tư số 40/2014/TT-BYT. Danh mục thuốc gồm 1.030 thuốc, 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu với đầy đủ các chuyên khoa ban hành kèm theo Thông tư số 30/2018/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 sẽ đáp ứng được cơ bản nhu cầu điều trị, bảo đảm được quyền lợi cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, đồng thời phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới có một danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế như hiện nay.
Về danh mục thuốc y học cổ truyền, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 05/2015/TT-BYT ngày 17/11/2015 về danh mục vị thuốc, chế phẩm thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế, hiện có 229 chế phẩm – tăng 102 chế phẩm, và 349 vị thuốc – tăng 49 vị thuốc so với Thông tư 12/2010/TT-BYT ngày 29/4/2010, được áp dụng cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện có khoa y học cổ truyền, kể cả trạm y tế xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định. Như vậy, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc với giá rẻ hay đắt, thuốc nội hay thuốc ngoại. Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám chữa bệnh và khả nãng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế, cõ sở khám chữa bệnh xây dựng danh mục thuốc sử dụng tại ðõn vị ðể mua sắm lựa chọn thuốc thành phẩm phù hợp.
Với mục tiêu đáp ứng ngày càng đầy đủ, chất lượng hơn về nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, theo định kỳ 2 năm/lần, Bộ Y tế đều tiến hành rà soát, sửa đổi và bổ sung Danh mục thuốc với quy trình chặt chẽ khoa học, đặc biệt ứng dụng xây dựng Danh mục dựa trên bằng chứng (xem xét ứng dụng đánh giá chi phí-hiệu quả và tác động ngân sách khi xây dựng Danh mục thuốc), từ đó sẽ xây dựng Danh mục bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế đồng thời phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế.
Về danh mục vật tư y tế, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 04/2017/TT-BYT ngày 14/4/2017 ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với vật tư y tế và phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (thay thế Thông tư số 27/2013/TT-BYT ). Danh mục này cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong quá trình khám chữa bệnh của người dân tại các cơ sở y tế.
3. Về ý kiến tuyến dưới giữ bệnh nhân
3.1. Đối với việc chuyển tuyến, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản quy định cụ thể như:
- Quy chế bệnh viện ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/9/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Thông tư số 37/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và một số văn bản liên quan khác.
Tại Điều 5, Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14/4/2014 quy định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt hoặc bệnh phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt nhưng do điều kiện khách quan, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị;
b) Căn cứ vào danh mục kỹ thuật đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt, nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới được chuyển lên tuyến cao hơn;
c) Trước khi chuyển tuyến, người bệnh phải được hội chẩn và có chỉ định chuyển tuyến (trừ phòng khám và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến 4).
Như vậy, theo Điểm a, Điều 5 Thông tư số 14/2014/TT-BYT việc quyết định người bệnh được chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên khi:
- Bệnh được chẩn đoán ngoài danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt.
- Bệnh được bác sỹ trực tiếp điều trị nhận định vượt khả năng chuyên môn của cơ sở y tế. Tuy nhiên, việc nhận định diễn biến của bệnh có đủ điều kiện để chuyển tuyến hay không có lại phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, trình độ chuyên môn, khả năng tiên lượng bệnh của từng bác sỹ đối với tình trạng bệnh cụ thể mỗi người bệnh. Thực tế có trường hợp do không tiên lượng được mức độ của bệnh, cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới cho rằng cần phải theo dõi tiến triển của bệnh xem có vượt quá khả năng điều trị của mình hay không, dẫn tới việc giữ người bệnh tại tuyến dưới quá lâu, chậm chuyển lên tuyến trên.
Ví dụ: Một trẻ dưới 5 tuổi đến cơ sở y tế với chẩn đoán viêm phổi trẻ em/ ỉa chảy đơn thuần, bệnh này nằm trong khả năng điều trị của tuyến dưới; nhưng sau một thời gian điều trị bệnh có thể biến chứng suy hô hấp đột ngột/suy kiệt mà không tiên lượng được. Để xác định cơ sở y tế giữ người bệnh tại tuyến dưới quá lâu, chậm chuyển lên tuyến trên là khó. Qua các nghiên cứu, các bằng chứng cũng như các báo cáo của các bệnh viện gửi về Bộ Y tế chưa ghi nhận được hiện tượng giữ người bệnh nêu trên. Thực tế, không cơ sở y tế nào muốn giữ những bệnh nhân vượt quá khả năng điều trị của mình vì nguy cơ tai biến có thể xảy ra.
Theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các bệnh viện được phép triển khai và thanh toán bảo hiểm y tế cho các dịch vụ kỹ thuật phê duyệt bởi các cấp có thẩm quyền (Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt danh mục kỹ thuật thực hiện ở Bệnh viện trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế phê duyệt danh mục kỹ thuật thực hiện ở Bệnh viện trực thuộc Sở). Nếu trong phạm vi danh mục kỹ thuật đã được phê duyệt mà bệnh viện chuyển người bệnh lên tuyến trên thì sẽ bị trừ vào Quỹ bảo hiểm y tế của bệnh viện, ảnh hưởng tới nguồn thu của bệnh viện. Chính điều này có thể nảy sinh hiện tượng giữ người bệnh để không giảm nguồn thu của bệnh viện.
3.2. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế có một số giải pháp như:
(1) Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về vấn đề chuyển tuyến đối với các cơ sở khám chữa bệnh.
(2) Nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ thuật của các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới:
- Đẩy mạnh việc triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, khoa vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật cao (không phân biệt bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân); coi đây là một trong những giải pháp căn bản để đào tạo đội ngũ cán bộ y tế chất lượng cao cho tuyến dưới, đồng thời phát huy hết hiệu quả, hiệu suất của các bệnh viện hiện có.
- Đẩy mạnh triển khai đánh giá chất lượng bệnh viện (không phân biệt bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân) theo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, tiến tới phân loại chất lượng bệnh viện, gắn mức chi trả dịch vụ y tế tương đương với mức chất lượng của bệnh viện.
- Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ các Đề án: Công nhận kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở y tế; Nâng cao toàn diện chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho các tuyến.
- Tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở.
(3) Thay đổi cơ chế thanh quyết toán bảo hiểm y tế
- Hiện nay Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế theo đó tiến tới áp dụng hiệu quả các phương thức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được cho phép tại Luật bảo hiểm y tế bao gồm:
+ Thanh toán theo định suất là thanh toán theo định mức chi phí khám bệnh, chữa bệnh và mức đóng tính trên mỗi thẻ bảo hiểm y tế được đăng ký tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một khoảng thời gian nhất định;
+ Thanh toán theo giá dịch vụ là thanh toán dựa trên chi phí của thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế được sử dụng cho người bệnh;
+ Thanh toán theo trường hợp bệnh là thanh toán theo chi phí khám bệnh, chữa bệnh được xác định trước cho từng trường hợp theo chẩn đoán.
4. Kiến nghị đầu tư cơ sở vật chất cho tuyến cơ sở
Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Y tế đã xây dựng Chương trình hành động số 1379/CTr-BYT ngày 19/12/2017 triển khai thực hiện Đề án Xây dựng và Phát triển mạng lưới y tế cơ sở (giai đoạn 2018 – 2020) và Hướng dẫn số 1383/HD-BYT ngày 19/12/2017 triển khai Mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã giai đoạn 2018 – 2020 theo nguyên lý y học gia đình. Phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình ở các nơi có điều kiện, đã có 240 phòng khám bác sỹ gia đình tại 7 tỉnh/TP[4]. Một số địa phương như Hà Nội, Hà Tĩnh … đã thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân cho khoảng 80% dân số. Xây dựng và triển khai hệ thống kết nối y tế từ xa (telemedicine) của 26 trạm y tế xã điểm với các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến trên, Sở Y tế và Bộ Y tế.
Đề nghị các địa phương xây dựng Đề án của tỉnh trình HĐND và UBND phê duyệt để làm cơ sở đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và triển khai các hoạt động tại tuyến YTCS theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, đầu tư các trạm y tế xã thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Tuy nhiên, Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các các nhà tài trợ để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng một số dự án ODA vay vốn WB, ADB đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực cho y tế cơ sở. Hoàn thành phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và đàm phán đối với 2 dự án vay vốn ADB: “Phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2” với số vốn 110,6 triệu USD và “Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn” với số vốn 93,5 triệu USD. Đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án, đang hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với Dự án vay vốn WB “Đổi mới cung ứng dịch vụ y tế” với số vốn 110 triệu USD.
Ngoài ra, để có nguồn tài chính thực hiện Quyết định 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng và các Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện thí điểm nêu trên, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương ưu tiên ngân sách địa phương, sử dụng một phần ngân sách giảm cấp cho các bệnh viện (do thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế nên giảm được ngân sách chi thường xuyên cấp cho các bệnh viện) để tăng chi cho y tế công cộng, phòng bệnh và y tế cơ sở.
5. Kiến nghị tăng cường nhân lực y tế cho tuyến cơ sở
Ngày 20/02/2013, Bộ Y tế đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và ngày 26/5/2008 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1816/QĐ-BYT về việc cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ Bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố theo thẩm quyền, có trách nhiệm xây dựng, ban hành kế hoạch và thực hiện việc luân phiên công tác có thời hạn đối với cán bộ y tế thực hiện nghĩa vụ xã hội ở vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn và cơ sở y tế nông thôn đáp ứng được nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Đến hết năm 2018, đã có khoảng 90% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, 95% trạm y tế xã có bác y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh, 99,7% xã có cơ sở trạm (0,3% phải nhờ cơ sở khác), 99% thôn, bản, ấp có nhân viên y tế hoạt động, 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.
Số lượng các dịch vụ thực hiện theo phân tuyến kỹ thuật của Trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã ngày càng tăng, một số đơn vị đã thực hiện được một số kỹ thuật của tuyến trên. Trên 70% người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại y tế cơ sở. Gần 90% trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh BHYT. Số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại y tế cơ sở chiếm khoảng 70% (xã khoảng 20%, huyện khoảng 50%).
Ban hành Kế hoạch tăng cường thực hiện điều trị, quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn giai đoạn 2018-2020. Tổ chức các lớp đào tạo nâng cao chất lượng chăm sóc, quản lý sức khỏe nhân dân và các bệnh mạn tính, không lây nhiễm tại y tế xã, phường. Triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản tại tuyến y tế cơ sở.
Câu 58. Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị: Cử tri kiến nghị: Thời gian gần đây, thực hiện chủ trương bảo hiểm y tế toàn dân, ngành y tế cũng đã có sự quan tâm đầu tư cho công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nhằm thu hút người dân tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, cử tri nhận thấy mức đầu tư vẫn chưa rõ rệt, chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, cơ sở vật chất của y tế cơ sở nhiều nơi vẫn còn thiếu thốn, thuốc trị bệnh chưa đảm bảo chất lượng. Đề nghị ngành y tế và ngành bảo hiểm xã hội quan tâm đầu tư nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, giúp cho người dân tin tưởng và tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế.
Trả lời:
Trong những năm vừa qua, bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách địa phương, Bộ Y tế đã tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đã được phê duyệt một số Chương trình, Đề án, dự án đầu tư từ các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA,... (Đề án 47, Đề án 930, Đề án Y tế cơ sở theo Quyết định số 2348, Đề án 362, Đề án 317, chương trình mục tiêu quốc gia y tế dân số, Đề án 125, các dự án ODA hỗ trợ y tế địa phương,..) nhằm tăng cường năng lực cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế từ tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện, nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho cả hệ thống dần dần đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Từ năm 2006 đến nay,, Nhà nước đã đầu tư hơn 56.000 tỷ đồng từ trái phiếu chính phủ và gần 400 triệu USD từ viện trợ ODA xây dựng, nâng cấp, mở rộng 766 bệnh viện từ bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, trung ương và hơn 2.000 trạm y tế xã, trên 114 phòng khám đa khoa khu vực.
Theo phân cấp quản lý của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật thì Ngân sách địa phương có nhiệm vụ chi đầu tư cho các cơ sở y tế do địa phương quản lý; Ngân sách trung ương chỉ mang tính chất hỗ trợ. Vì vậy, việc đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở y tế đều đã được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của địa phương theo đề nghị của Sở Y tế.
Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế tiếp tục báo cáo Chính phủ, Quốc hội kế hoạch đầu tư, nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị cho y tế từ các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA, các nguồn vốn hợp pháp khác (xã hội hoá, hợp tác công tư,...) nhằm mục tiêu giảm tải, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của toàn hệ thống.
Ngoài các nguồn vốn trên, trong điều kiện ngân sách cho y tế còn nhiều khó khăn nên Chính phủ đã cho phép các cơ sở y tế được liên doanh, liên kết, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư theo hình thức xã hội hóa theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP, Nghị định 43/2006/NĐ-CP, Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ.
Về cơ chế tài chính, thực hiện chủ trương cải cách tài chính công của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế đã trình Chính phủ điều chỉnh giá khám, chữa bệnh nhằm tính đúng tính đủ chi phí, tạo được nguồn thu phục vụ tái đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh. Các địa phương có thể sử dụng một phần ngân sách nhà nước hàng năm dự kiến giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập làm nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình kết cấu các khoản chi trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để chi đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để nâng cao chất lượng điều trị.
Tuy nhiên, do nhu cầu đầu tư còn rất lớn, nên rất cần sự quan tâm của các cấp Ủy đảng, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các địa phương trong việc tăng cường đầu tư cho y tế địa phương để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được với dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao ngay tại địa phương, dần từng bước xóa bỏ tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên. Bộ Y tế cũng đề nghị các vị Đại biểu Quốc hội, các cử tri có ý kiến để Quốc hội tiếp tục tăng đầu tư cho y tế.
Câu 59. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Về giá dịch vụ khám chữa bệnh: Giá thu dịch vụ khám chữa bệnh đã được kết cấu chi phí trực tiếp (thuốc, vật tư; điện, nước, chất thải, vệ sinh môi trường; và tiền lương) vẫn chưa được kết cấu chi phí khấu hao, chi phí quản lý, chi phí công nghệ thông tin, chi phí bảo hiểm, tiền lương đang tính theo mức lương cơ sở 1.150.000 đồng chưa tính theo mức 1.390.000 đồng. Do đó, kiến nghị điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng lên 1.390.000 đồng vào giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Trả lời:
Ngày 30/11/2018, Bộ Y tế đã ban hành 02 Thông tư về giá dịch vụ y tế là:
- Thông tư 37/2018/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp. (thay thế Thông tư 02/TT-BYT ngày 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 và Thông tư số 44/2017/ TT-BYT ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung Thông tư 02)
- Thông tư 39/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp (thay thế Thông tư 15/TT-BYT ngày 30/5/2018)
Mức giá quy định tại 2 Thông tư này đã điều chỉnh mức lương cơ sở tính vào giá dịch vụ từ 1.150.000 đồng (theo quy định tại Nghị định số 47/2016/NĐ-CP) sang mức lương cơ sở 1.390.000 đồng (theo quy định tại Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018).
Câu 60. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Về định mức mua sắm trang thiết bị y tế: theo Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lư, sử dụng máy móc thiết bị của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp thì các bệnh viện khi mua sắm máy móc, thiết bị chuyên dùng phải được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tiêu chuẩn, định mức để làm cơ sở trang bị, cụ thể: về thẩm quyền ban hành hoặc phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế: “Tại Mục b Khoản 2, Điều 8 Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg quy định: Căn cứ quy định chi tiết hướng dẫn của Bộ Y tế, các bộ, cơ quan trung ương ban hành hoặc phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp, ban hành hoặc phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo tại đơn vị.”
Kiến nghị Bộ Y tế và Bộ Tài chính cho phép các bệnh viện tự chủ chi thường xuyên và đầu tư, các bệnh viện tự chủ chi thường xuyên được tự quyết định định mức mua sắm trang thiết bị chuyên dùng nhằm tạo điều kiện cho các bệnh viện được chủ động mua sắm khi có nhu cầu cần thiết, cấp bách (có dịch bệnh, bệnh nhân tăng, phát triển kỹ thuật mới, hư hỏng đột xuất) vì trang thiết bị y tế liên quan đến tính mạng và sức khỏe người bệnh.
Trả lời:
Đối với kiến nghị của cử tri, Bộ Y tế đã đưa nội dung này và hướng xử lý theo kiến nghị của cử tri vào dự thảo Nghị định Quy định cơ chế tự chủ của đơn đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế - dân số để thay thế Nghị định số 85/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
Hiện nay dự thảo Nghị định đã được trình Chính phủ để ban hành theo thẩm quyền.
Câu 61. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Về sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết: các cơ sở y tế công lập được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết (cho thuê bãi xe, căn tin, bách hóa, nhà kho, nhà tang lễ, khám chữa bệnh theo yêu cầu, trang thiết bị …) thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 56, khoản 1 Điều 57, khoản 1 Điều 58 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì phải nộp tiền thuê đất tương ứng với thời gian sử dụng, tỷ lệ diện tích nhà, công trình sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Tại bệnh viện các khu khám, chữa bệnh theo yêu cầu, bãi xe, căn tin đều phải nộp tiền thuê đất và chi phí này người bệnh phải gánh chịu thêm. Do đó, kiến nghị Bộ Y tế và Bộ Tài chính cho phép các bệnh viện thực hiện các hoạt động phụ trợ như bãi xe, căn tin, bách hóa không phải đóng tiền thuê đất.
Trả lời:
Về việc nộp tiền thuê đất tương ứng với diện tích và thời gian thực hiện kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, Bệnh viện thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về đất đai và tài sản công và được tính vào chi phí thực hiện dịch vụ. Nội dung này đã quy định trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Trường hợp các Bệnh viện xin miễn không phải nộp tiền thuê đất đối với các khu khám, chữa bệnh theo yêu cầu, bãi xe, căng tin đề nghị xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, việc này không thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.
Câu 62. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Về giao dự toán chi bảo hiểm y tế: từ năm 2018 việc giao dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các đơn vị có ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được thực hiện theo Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 2/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2018. Tại bệnh viện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, số lượt khám chữa bệnh 09 tháng đầu năm 2018 tăng cao so với cùng kỳ, hầu hết là bệnh nhân nặng cần can thiệp điều trị đặc hiệu, như vậy số lượt bênh nhân tăng nhưng dự toán chi bảo hiểm y tế không tăng sẽ dẫn đến vượt quỹ, vượt trần. Các bệnh viện rất khó khăn trong tìm giải pháp, nhất là không thể từ chối tiếp nhận bệnh nhân và không thể không can thiệp điều trị cho người bệnh. Do đó, kiến nghị khi giao dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các đơn vị thì phần vượt quỹ, vượt trần của các bệnh viện phải được ngân sách cấp bổ sung.
Trả lời:
Thực hiện Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 02/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2018 cho các địa phương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có công văn số 804/BHXH-CSYT ngày 13/3/2018 gửi Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn thực hiện dự toán chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2018. Trong quá trình thực hiện, Bộ Y tế nhận được ý kiến của một số địa phương và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc giao dự toán chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2018 chưa phù hợp với thực tế nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại địa phương. Tuy nhiên, tại Quyết định 17/QĐ-TTg, Thủ tướng chính phủ giao Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm: Trường hợp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế lớn hơn dự toán chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được giao tại Quyết định này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổng hợp và nêu rõ nguyên nhân, báo cáo Hội đồng Quản lý quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Do vậy, ngày 04/9/2018, Bộ Y tế đã có công văn số 5156/BYT-BH đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo tình hình thực hiện và sử dụng dự toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2018.
Ngày 17/10/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 146/NĐ-CP về việc Quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế. Trong đó, tại Khoản 4 Điều 24 của Nghị định đã hướng dẫn tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hằng năm được tính bằng tổng chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của năm trước liền kề tại cơ sở đã được cơ quan Bảo hiểm xã hội thẩm định, quyết toán cộng với hệ số biến động về giá thuốc, hóa chất, vật tư y tế và các chi phí phát sinh (đặc biệt trong năm 2018 có chi phí phát sinh do tăng tiền lương).
Câu 63. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính nghiên cứu hợp nhất các các văn bản hướng dẫn Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BYT-BTC (quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc) và Thông tư 15/TT-BYT ngày 30/5/2018 (quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp) nhằm tạo điều kiện thuận lợi khi áp dụng; sớm thực hiện đồng bộ chi phí khám chữa bệnh giữa người có thẻ bảo hiểm y tế và người chưa có thẻ để thu hút người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Trả lời:
1. Kiến nghị hợp nhất các Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC và Thông tư số 15/TT-BYT ngày 30/5/2018
Khi triển khai thực hiện Thông tư số 37/2015/TT-BYT-BTC (gọi tắt là Thông tư số 37) ngày 29/10/2015 quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, do cần phải có hướng dẫn cụ thể một số trường hợp nên Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành 03 công văn hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Thông tư số 37 (Công văn số 824/BYT-KH-TC ngày 16/02/2016;Công văn số 1044/BYT-KH-TC ngày 29/02/2016 và Công văn số 7117/BYT-KH-TC ngày 27/9/2016).
Ngày 30 tháng 6 năm 2018, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giám thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp. Tại Điều 11 của Thông tư về Điều khoản thi hành có quy định rõ: Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 7 năm 2018; Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29 tháng 10 năm 2015 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và các văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư này hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2018.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính, ngày 30 tháng 11 năm 2018, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Thông tư số 39/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp. Tại Điều 11 của Thông tư về Điều khoản thi hành cí quy định rõ: Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 01 năm 2019. Riêng mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo mức lương cơ sở quy định tại Nghị định số 72/2018/NĐ-CP của Chính phủ nêu trên tại Phụ lục I, II, III của Thông tư này được áp dụng kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2018; Thông tư số 15/2018/TT-BYT ngày 30 tháng 5 năm 2018 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một số trường hợp sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Như vậy, sau ngày 15 tháng 01 năm 2019 trên toàn quốc chỉ thực hiện Thông tư số 39/2018/TT-BYT.
2. Kiến nghị sớm thực hiện đồng bộ chi phí khám chữa bệnh giữa người có thẻ bảo hiểm y tế và người chưa có thẻ
Ngày 30/11/2018, Bộ Y tế đã ban hành 02 Thông tư quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng/người/tháng:
- Thông tư số 37/2018/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế, hiệu lực thi hành của Thông tư từ ngày 15/01/2019, nhưng mức giá cụ thể và thời gian được áp dụng cụ thể thể đối với các cơ sở y tế thuộc địa phương quản lý sẽ do Hội đồng nhân dân của địa phương đó quyết định.
- Thông tư số 39/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, mức giá được áp dụng thống nhất trên toàn quốc từ 15/12/2018.
Mức giá tối đa của Thông tư số 37 bằng mức giá của Thông tư số 39.
Do thẩm quyền ban hành mức thu của đối tượng người có thẻ bảo hiểm y tế và không có thẻ bảo hiểm y tế là khác nhau nên tại thời điểm này, mức giá giữa 02 đối tượng là khác nhau. Việc đồng bộ chi phí khám chữa bệnh giữa người có thẻ bảo hiểm y tế và người chưa có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế của địa phương sẽ thuộc trách nhiệm của Hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố trong việc quyết định mức giá và thời điểm thực hiện Thông tư số 37/2018/TT-BYT đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế.
Câu 64. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri phản ánh tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra phổ biến nhưng không bị xử phạt, Luật phòng, chống tác hại thuốc lá đã có hiệu lực nhưng chưa được nghiêm túc thực hiện. Đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Trả lời:
1. Vấn đề xử lý các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống tác hại của thuốc lá
Sau khi Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế được ban hành, trong đó có lĩnh vực Phòng chống tác hại của thuốc lá, hằng năm, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá đều hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức các lớp tập huấn phổ biến Luật, nghị định và nâng cao năng lực cho thanh tra y tế, thanh tra các bộ và các chiến sỹ công an về xử lý vi phạm về Phòng chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, thời gian qua việc nhắc nhở, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính mới tập trung từng đợt, tại một số tỉnh, thành phố lớn tại khu vực công cộng như: khách sạn, nhà hàng, bến tàu xe,...việc nhắc nhở, kiểm tra chưa được thường xuyên, liên tục. Năm 2018, Quỹ hỗ trợ Ban Chỉ đạo Phòng chống tác hại của thuốc lá Bộ Công an, Thanh tra Y tế, Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng,... kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt vi phạm việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá tại 1.212 đơn vị. Số tiền xử phạt hành chính về Phòng chống tác hại của thuốc lá cho đến nay khoảng 556.000.000 đồng.
2. Một số khó khăn, vướng mắc
Việc kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về Phòng chống tác hại của thuốc lá cũng gặp một số khó khăn như:
- Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định các chức danh có thẩm quyền xử phạt như: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, tuy nhiên, hiện nay lãnh đạo các cấp chính quyền chưa quan tâm, đôn đốc, kiểm tra, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCTH của thuốc lá. Hằng năm, Bộ Y tế đều gửi công văn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc tuân thủ quy định cấm hút thuốc, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành hoặc lồng ghép việc kiểm tra tình hình thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá trong các đoàn kiểm tra liên ngành trên địa bàn quản lý và xử phạt nghiêm hành vi vi phạm quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
- Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá không được hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng chức năng đi xử phạt, mà lấy từ nguồn ngân sách của các Bộ, ngành. Từ năm 2015 đến nay, kinh phí hỗ trợ cho công tác thanh tra, xử phạt dựa vào nguồn hỗ trợ có hạn của các tổ chức quốc tế.
3. Các giải pháp trong thời gian tới
Để tăng cường công tác kiểm tra xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Phòng chống tác hại của của thuốc lá, thời gian tới Bộ Y tế tiếp tục xây dựng kế hoạch phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nội dung sau:
- Tăng cường phối hợp Bộ Công an và công an các tỉnh, thành phố thông qua lực lượng nòng cốt là cảnh sát khu vực, cảnh sát môi trường và cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội để tăng cường kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị địa phương, khách sạn, nhà hàng và các nơi công cộng trong nhà khác.
- Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về Phòng chống tác hại của thuốc lá, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tổ chức, địa phương theo quy đinh tại Điều 5 Luật Phòng chống tác hại của của thuốc lá.
- Đề xuất đưa nội dung thí điểm phạt “nguội” thông qua việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
- Xây dựng ứng dụng phần mềm trên điện thoại di động để mọi người phản ánh các hành vi vi phạm tại các địa điểm công cộng thông qua ứng dụng này. Bộ Y tế sẽ tổng hợp báo cáo tình trạng vi phạm tại các địa điểm công cộng để gửi các cơ quan chức năng tại địa phương nơi xảy ra vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Tăng cường lồng ghép kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm của bộ, ngành, địa phương; kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị , địa phương trong việc tổ chức triển khai Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá theo quy định tại Điều 5 Luật Phòng chống tác hại của của thuốc lá.
Câu 65. Cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị: Cử tri cho rằng việc vận động mua bảo hiểm y tế gặp nhiều khó khăn, bởi vì việc khám chữa bệnh của ngành y tế còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của người dân. Vì vậy, cử tri kiến nghị Bộ Y tế cần quan tâm hõn nữa ðầu tý cõ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực ở các tuyến y tế cõ sở ðể từng býớc nâng cao chất lýợng công tác khám chữa bệnh cho nhân dân tạo ðộng lực cho nhân dân tiến ðến tham gia bảo hiểm y tế toàn dân có hiệu quả.
Trả lời:
1. Kiến nghị tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho y tế cơ sở
Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Y tế đã xây dựng Chương trình hành động số 1379/CTr-BYT ngày 19/12/2017 triển khai thực hiện Đề án Xây dựng và Phát triển mạng lưới y tế cơ sở (giai đoạn 2018 – 2020) và Hướng dẫn số 1383/HD-BYT ngày 19/12/2017 triển khai Mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã giai đoạn 2018 – 2020theo nguyên lý y học gia đình. Phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình ở các nơi có điều kiện, đã có 240 phòng khám bác sỹ gia đình tại 7 tỉnh/TP[5]. Một số địa phương như Hà Nội, Hà Tĩnh … đã thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân cho khoảng 80% dân số. Xây dựng và triển khai hệ thống kết nối y tế từ xa (telemedicine) của 26 trạm y tế xã điểm với các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến trên, Sở Y tế và Bộ Y tế.
Đề nghị các địa phương xây dựng Đề án của tỉnh trình HĐND và UBND phê duyệt để làm cơ sở đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và triển khai các hoạt động tại tuyến YTCS theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, đầu tư các trạm y tế xã thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Tuy nhiên, Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các các nhà tài trợ để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng một số dự án ODA vay vốn WB, ADB đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực cho y tế cơ sở. Hoàn thành phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và đàm phán đối với 2 dự án vay vốn ADB: “Phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2” với số vốn 110,6 triệu USD và “Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn” với số vốn 93,5 triệu USD. Đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án, đang hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với Dự án vay vốn WB “Đổi mới cung ứng dịch vụ y tế” với số vốn 110 triệu USD.
Ngoài ra, để có nguồn tài chính thực hiện Quyết định 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng và các Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện thí điểm nêu trên, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương ưu tiên ngân sách địa phương, sử dụng một phần ngân sách giảm cấp cho các bệnh viện (do thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế nên giảm được ngân sách chi thường xuyên cấp cho các bệnh viện) để tăng chi cho y tế công cộng, phòng bệnh và y tế cơ sở
2. Kiến nghị về tăng cường nhân lực cho y tế tuyến cơ sở
2.1. Vấn đề đào tạo cán bộ y tế tuyến cơ sở
- Đào tạo nhân lực tại chỗ: Đối với các tỉnh còn khó khăn về nhân lực đề nghị tiếp tục tăng cường công tác đào tạo cán bộ y - dược hệ chính quy, đào tạo hệ cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo bác sỹ hệ liên thông với quy mô hợp lý cho đối tượng là người địa phương, sau khi tốt nghiệp trở về công tác tại địa phương nhằm giúp các tỉnh tháo gỡ khó khăn về nhân lực. Giảm dần quy mô đào tạo cử tuyển khi đã có đủ cán bộ.
- Đào tạo liên tục (hỗ trợ của các dự án, đề án: 1816, bệnh viện vệ tinh, bệnh viện hạt nhân…). Cán bộ y tế cơ sở đã được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật kiến thức mới góp phần nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở để có thể thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm tình trạng vượt tuyến không cần thiết.
- Thực hiện Dự án thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác vùng khó khăn, 62 huyện nghèo: Để có nguồn nhân lực y tế chất lượng phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân được tốt, tiến tới mọi người dân được bình đẳng trong việc thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 585/QĐ-BYT phê duyệt Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” nhằm thu hút bác sỹ trẻ mới ra trường tình nguyện về công tác tại các vùng khó khăn.
Cho đến nay đã tiến hành đào tạo 15 khóa Bác sỹ chuyên khoa cấp I (354 bác sỹ) theo nhu cầu của các địa phương, trong đó đã tiến hành bàn giao 28 bác sỹ trẻ tình nguyện về các huyện nghèo. Riêng Yên Bái, đến nay đã và đang tiến hành đào tạo 08 bác sỹ trẻ, trong đó đã bàn giao 01 bác sỹ về công tác tại huyện Trạm Tấu.
2.2. Vấn đề luân chuyển cán bộ y tế về tuyến cơ sở
Bộ Y tế đã triển khai một số giải pháp để luân chuyển cán bộ y tế về công tác, phục vụ nhân dân tại tuyến cơ sở như:
- Tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Bộ Y tế xây dựng và ban hành Thông tư 18/2014/TT-BYT ngày 02/6/2014 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó hướng dẫn thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với bác sỹ, điều dưỡng, hộ sinh từ tuyến Trung ương xuống tỉnh, tỉnh xuống huyện, huyện xuống xã, từ vùng không khó khăn đến vùng khó khăn.
- Bộ Y tế đã thực hiện tốt đề án 1816, bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới qua đó tăng cường được đội ngũ cán bộ chuyên môn tay nghề giỏi tại tuyến cơ sở để cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng, gần dân hơn, hiệu quả hơn. Nhiều địa phương đã tổ chức các đội y tế lưu động, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa.
- Phát triển và duy trì hiệu quả hoạt động của mạng lưới bệnh viện vệ tinh bao gồm 17 bệnh viện hạt nhân và 75 bệnh viện vệ tinh là các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện thuộc các chuyên khoa quá tải.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố theo thẩm quyền, có trách nhiệm xây dựng, ban hành kế hoạch và thực hiện việc luân phiên công tác có thời hạn đối với cán bộ y tế thực hiện nghĩa vụ xã hội ở vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn và cơ sở y tế nông thôn đáp ứng được nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
2.3. Về chính sách ưu đãi nhằm thu hút các bác sỹ, cán bộ y tế có chuyên môn cao về làm việc lâu dài tại các Trạm Y tế xã
Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 phê duyệt chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong đó quy định rõ chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 về số bác sĩ/vạn dân là 9,0; tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ hoạt động là 90%. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn có trách nhiệm triển khai các nội dung trong chiến lược, bố trí đủ số lượng bác sĩ làm việc theo tỷ lệ dân.
Viên chức làm việc tại Trạm Y tế xã được xếp hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế và được đào tạo chuẩn hóa theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định tại các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành y tế; việc tổ chức đào tạo chuẩn hóa chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức cụ thể đối với các tỉnh, thành phố là do Ủy ban nhân dân, Sở Y tế các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo quy định.
Viên chức tại trạm y tế xã được hưởng các chế độ chính sách như đối với các viên chức chuyên ngành y tế khác. Về chế độ tiền lương, được hưởng theo thang bảng lương quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ. Về phụ cấp ưu đãi nghề hưởng mức 40% theo quy định tại Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Về phụ cấp thường trực được hưởng mức 25.000 đồng/người/phiên trực và hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người/phiên trực và phụ cấp chống dịch nếu có khi dịch bệnh xảy ra thực hiện theo quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề mức 70% và các chế độ khác theo quy định tại Nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30/7/2009 của Chính phủ.
Ngày 06/9/2018, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8476/VPCP-KTTH về việc triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW trong đó nêu: “Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến như sau: Từ nay đến khi ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, không xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách tiền lương hiện hành”.
Bộ Y tế sẽ tiếp thu ý kiến đề nghị, nghiên cứu đề xuất sửa đổi chế độ chính sách đối với viên chức ngành y tế theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Câu 66. Cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị: Đề nghị Bộ Y tế có ý kiến đối với các bệnh viện công lập và bệnh viện dân lập trong cả nước phải ưu tiên cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân; vì hiện nay việc cấp cứu ban đầu ở các bệnh viện luôn yêu cầu bệnh nhân phải nộp tiền trước mới điều trị tích cực.
Trả lời:
Ngày 29/3/2016, Bộ Y tế có Chỉ thị số 06/CT-BYT về việc tăng cường bảo đảm chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi thực hiện điều chỉnh, thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, trong đó tại Điều 5 mục II. có yêu cầu Giám đốc các bệnh viện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thu tiền tạm ứng đối với người bệnh bảo hiểm y tế khi khám bệnh, không thu thêm các chi phí đã kết cấu trong giá của dịch vụ, trừ các chi phí chưa tính vào giá dịch vụ và phần đồng chi trả của người bệnh có bảo hiểm y tế theo quy định hoặc phần chênh lệch giữa giá thanh toán với cơ quan Bảo hiểm Xã hội và giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu”.
Còn đối với các trường hợp cấp cứu thì trong Quy chế bệnh viện, Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và nhiều văn bản liên quan khác đều yêu cầu các cơ sở y tế phải ‘Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng, người từ đủ 80 tuổi trở lên, người có công với cách mạng, phụ nữ có thai’ – trích Điều 3. Nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh Luật khám bệnh, chữa bệnh.
Câu 67. Cử tri tỉnh Đắk Lắk kiến nghị: Cử tri hoan nghênh Quốc hội đã đưa dự án Luật về luật phòng chống tác hại của rượu bia để thảo luận và thông qua vì đây dự án có ý nghĩa rất quan trọng nhằm giảm tác hại và các tệ nạn từ rượu, bia. Cử tri đề nghị Quốc hội nghiên cứu việc xây dựng chế tài xử lý, kiểm soát tốt việc sản xuất, mua bán rượu, đặc biệt là rượu nấu thủ công, rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, qua đó sẽ góp phần làm giảm tác hại của rượu bia khi sử dụng.
Trả lời:
Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6. Dự án Luật hiện nay đang được chỉnh lý trên cơ sở ý kiến góp ý của Đại biểu Quốc hội và ý kiến thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Trong dự thảo dự án Luật đã quy định cụ thể các điều luật về chế tài xử lý, kiểm soát việc sản xuất, mua bán rượu, đặc biệt là rượu nấu thủ công, rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, thể hiện ở 06 Điều như sau:
- Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm:
- Điều 14. Nguyên tắc quản lý, thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh rượu
- Điều 15. Điều kiện kinh doanh rượu
- Điều 17. Biện pháp tăng cường quản lý đối với sản xuất, mua bán rượu thủ công.
- Điều 22. Phòng ngừa và xử lý rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu, bia nhập lậu.
- Điều 30. Xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Bộ Y tế xin cung cấp thông tin để cử tri được biết.
Câu 68. Cử tri tỉnh Đắk Lắk kiến nghị: Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, khung giá dịch vụ y tế tăng so với trước đây do đã bao gồm các khoản chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù, lương, tuy nhiên chưa tăng mức đóng, mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế, dẫn đến tình trạng vượt trần, vượt quỹ bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế. Nhằm hạn chế tình trạng trên, đề nghị nâng mức đóng, mệnh giá bảo hiểm y tế, đồng thời tăng mức chi ngân sách nhà nước để hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho một số đối tượng chính sách, tăng chi cho công tác y tế dự phòng và kiểm soát chặt chẽ việc chi cho người bệnh để từ đó cân đối được tài chính của các cơ sở y tế và đảm bảo lộ trình lộ trình tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính tại các cơ sở y tế công lập.
Trả lời:
1. Kiến nghị tăng mức đóng, mệnh giá bảo hiểm y tế
Mức đóng bảo hiểm y tế hiện nay được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội (sau đây gọi chung là tiền lương tháng), tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương cơ sở.
Mức đóng bảo hiểm y tế được Luật bảo hiểm y tế hiện hành quy định tối đa không quá 6% của mức tiền lương, tiền lương hưu, trợ cấp, lương cơ sở và hiện nay được Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 (trước đây là Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2017) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế quy định là 4,5%. Mức đóng này được quy định căn cứ vào thu nhập của các thành phần trong xã hội, đảm bảo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, khả năng đóng góp của người dân và cân đối quỹ bảo hiểm y tế. Bởi theo Luật Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm y tế bắt buộc thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế.
Việc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế được Chính phủ quy định. Trong từng giai đoạn nhất định, căn cứ vào sự thay đổi của các chính sách, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu, tính toán, đề xuất với Chỉnh phủ thay đổi mức đóng, mức hưởng bảo hiểm y tế cho phù hợp trình các cấp có thẩm quyền quyết định nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và khả năng cân đối của quỹ bảo hiểm y tế.
2. Kiến nghị tăng chi ngân sách nhà nước để hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho một số đối tượng chính sách
Hiện nay, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, người sinh sống ở vùng kinh tế xã hộ iđặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng, những người thuộc diện chính sách xã hội đã được Ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế. Mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng cho các đối tượng bằng 4,5% mức lương cơ sở.
Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công, từ năm 2017, Bộ Tài chính đã có Thông tư hướng dẫn các địa phương có thể sử dụng một phần ngân sách nhà nước hàng năm dự kiến giảm chi tiền lương và hoạt động thường xuyên của các bệnh viện để thực hiện các nội dung cấp bách của ngành y tế trong đó có mua và hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng theo quy định của Luật bảo hiểm y tế (như nâng mức hỗ trợ mua bảo hiểm y tếcho người cận nghèo; nâng mức hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức số trung bình) và dành nguồn để thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách tham gia sử dụng dịch vụ y tế công lập.
Bộ Y tế cũng đề nghị cử tri có ý kiến để Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các tỉnh ưu tiên dành nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn hợp pháp khác để mua và hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách xã hội thực hiện đúng chủ trương chỉ đạo của Chính phủ.
3. Kiến nghị tăng chi cho công tác y tế dự phòng
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 18/2008/QH12 ngày 03/6/2008 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có quy định “Tăng tỷ lệ chi ngân sách hằng năm cho sự nghiệp y tế, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước. Dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng”.
Theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, Ủy ban nhân dâncấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành định mức phân bổ ngân sách địa phương chi sự nghiệp y tế, trong đó có chi cho y tế dự phòng. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa bảo đảm 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng.
Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công, Bộ Tài chính đã có Thông tư 326/2016/TT-BTC ngày 23/12/2016 quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017 và Thông tư số 132/2017/TT-BTC ngày 15/12/2017 quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018, trong đó hướng dẫn các địa phương được sử dụng phần ngân sách nhà nước hàng năm dự kiến giảm chi tiền lương và hoạt động thường xuyên của các bệnh viện để mua và hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng theo quy định của Luật bảo hiểm y tế; thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách tham gia sử dụng dịch vụ y tế công lập; tạo nguồn cải cách tiền lương; tăng chi cho y tế dự phòng; tăng chi đầu tư, mua sắm cho một số nội dung cấp bách khác của ngành y tế.
Bộ Y tế đề nghị cử tri có ý kiến để Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh ưu tiên dành nguồn ngân sách Nhà nước để thực hiện tăng chi cho y tế dự phòng theo đúng chủ trương chỉ đạo của Chính phủ.
Câu 69. Cử tri TP. Cần Thơ kiến nghị: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động khám, chữa bệnh, nhất là thủ tục chuyển viện đối với bệnh hiểm nghèo, nhằm tạo thuận lợi cho người bệnh và gia đình, đảm bảo chất lượng công tác khám chữa bệnh.
Trả lời:
1. Quy định về chuyển viện hiện hành
Theo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014, Thông tư 40/2015/TT-BYT ngày 16 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, các trường hợp chuyển viện trái tuyến có thể được hưởng 40% chi phí khám, chữa bệnh và hưởng 100% nếu chuyển tuyến đúng quy định.
Đối với các bệnh hiểm nghèo như ung thư, suy tim, HIV, để tạo thuận lợi cho người bệnh và gia đình, đảm bảo chất lượng công tác khám chữa bệnh, người bệnh có thể sử dụng giấy chuyển tuyến trong 1 năm dương lịch.
2. Các biện pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tập trung tăng cường công tác quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ bệnh viện của các tuyến, tiếp tục nâng cao y đức, tinh thần thái độ chăm sóc người bệnh. Với một số những hoạt động cụ thể như sau:
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định 1313/QĐ-BYT. Tiếp tục ban hành các văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện cải tiến quy trình khám bệnh.
- Thống nhất với bảo hiểm xã hội để cấp thẻ bảo hiểm y tế có mã hóa (mã vạch) số thẻ thay vì số thẻ viết số sẽ dễ nhầm lẫn khi sao chép, để giảm yêu cầu phải phô tô thẻ bảo hiểm y tế để đối chứng. Bãi bỏ quy định phô tô giấy chuyển viện ở tuyến dưới khi người bệnh bảo hiểm y tế phải chuyển lên tuyến trên, hoặc những yêu cầu bất hợp lý khi yêu cầu lấy giấy xác nhận từ cơ sở khám chữa bệnh ban đầu đối với người bệnh bảo hiểm y tế được cơ sở khám chữa bệnh ban đầu chuyển lên tuyến trên và tuyến trên tiếp tục chuyển tuyến trên tiếp theo.
- Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhằm hạn chế tối đa các thủ tục không cần thiết để giảm bớt phiền hà cho người bệnh. Đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan đến bảo hiểm y tế: chuyển viện, tạm ứng, thanh quyết toán bảo hiểm y tế. Tiếp tục xây dựng chi tiết quy trình nhận, trả kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, thủ tục vào viện, chuyển viện, ra viện, thanh toán viện phí, bảo hiểm y tế.
- Sửa đổi các biểu mẫu hồ sơ bệnh án, mẫu phiếu đang được áp dụng tại khoa khám bệnh, các khoa lâm sàng, cận lâm sàng để giảm bớt gánh nặng về ghi chép của nhân viên y tế.
- Tập trung rà soát, xây dựng quy trình chuẩn trong việc tiếp nhận, xử lý người bệnh cấp cứu và quản lý người bệnh phẫu thuật trước, trong và sau mổ… theo phương thức cải tiến hiện đang áp dụng đối với quy trình khám bệnh.
- Tiếp tục giám sát việc trích kinh phí khám bệnh để cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng của Khoa khám bệnh tạo môi trường cảnh quan sạch sẽ, thoáng mát và thuận tiện cho người bệnh khi ngồi chờ khám bệnh.
- Tăng cường đầu tư thiết bị và nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai các hoạt động khám bệnh theo Quyết định 1313/QĐ- BYT của Bộ Y tế.
- Tiếp tục triển khai và thực hiện tốt công tác y đức và quy tắc ứng xử trong toàn thể cán bộ viên chức bệnh viện, không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và sự hài lòng của bệnh nhân đối với Bệnh viện.
- Tiếp tục cải tiến quy trình khám bệnh: Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử.
- Nghiên cứu rà soát giảm thủ tục hành chính trong các quy trình điều trị tại bệnh viện; quy trình đón tiếp người bệnh vào viện (Khoa KB, cấp cứu, khoa sản...); quy trình ra viện; quy trình tiếp nhận và xử lý ý kiến/đơn thư khiếu nại của người bệnh; quy trình đề nghị sao chép hồ sơ bệnh án; quy trình cấp giấy chứng thương; quy trình cấp giấy chứng sinh; quy trình cho mượn hồ sơ bệnh án phục vụ chứng thương, nghiên cứu khoa học…
Câu 70. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Đề nghị Bộ Y tế cho phép tiếp tục được hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn (bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, kỹ thuật viên...) đối với đơn vị chưa tuyển dụng hết số lượng người làm việc được giao và những đơn vị sự nghiệp tăng giường bệnh nhưng không được giao số lượng người làm việc; tiếp tục cho đối tượng hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT- BYT-BNV-BTC ngày 19/01/2012 của Bộ Y tế - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 56/2011/NĐ-CP.
Trả lời:
Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 10/5/2018 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2018, tại Khoản 7 về quản lý và sử dụng viên chức, hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập các ngành y tế, giáo dục đã quy định “Đối với trường hợp tuyển dụng thừa viên chức so với chỉ tiêu được giao, địa phương phải đánh giá, rà soát lại, thực hiện điều chuyển, sắp xếp trong địa bàn huyện, tỉnh. Nếu không thể bố trí được thì giải quyết tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 về chính sách tinh giản biên chế. Đối với trường hợp ký hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ, nếu còn chỉ tiêu biên chế thì thực hiện tuyển dụng vào viên chức, trong đó ưu tiên các trường hợp đã ký hợp đồng lâu năm, có năng lực, phù hợp với vị trí cần tuyển dụng. Sau khi đã tuyển dụng đủ số chỉ tiêu được giao vẫn dôi dư thì phải thực hiện chấm dứt hợp đồng”.
Cũng về vấn đề này, ngày 04/01/2017 Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 30/VPCP-TCCV gửi Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ tại các cơ quan thuộc bộ, ngành, địa phương chỉ đạo “thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý biên chế công chức, viên chức. Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc ký kết hợp đồng lao động không đúng quy định thời gian qua. Đối với những công việc không nhất thiết phải tuyển dụng vào biên chế, thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định 68/2000/NĐ-CP”. Các đối tượng này không thuộc đối tượng áp dụng chi trả phụ cấp ưu đãi nghề quy định tại Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập và Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 19/01/2012 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính.
Câu 71. Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Cử tri đề nghị hỗ trợ phụ cấp hàng tháng cho cộng tác viên dân số KHHGĐ thôn bản như Chương trình mục tiêu quốc gia trước đây để động viên họ yên tâm hoạt động.
Trả lời:
Ngày 31/7/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1125 QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 đã quy định nội dung chi thù lao cho cộng tác viên dân số thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Thông tư số 123/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 đã hướng dẫn chi tiết nội dung này, vì vậy kinh phí chi trả cho cộng tác viên dân số kể từ tháng 8 năm 2017 sẽ do ngân sách địa phương thực hiện.
Câu 72. Cử tri tỉnh Bình Định kiến nghị: Đề nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong mùa mưa bão, lũ lụt ở khu vực Miền Trung; phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh để tạo sự yên tâm cho người dân. Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kiểm soát, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trả lời:
1. Về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh
Hàng năm, trung bình nước ta hứng chịu hơn 10 cơn bão lớn nhỏ. Mưa bão, lũ lụt gây ra nhiều hậu quả rất nặng nề cho đời sống xã hội, một trong số đó là sức khỏe, bệnh tật của người dân và nguy cơ bùng phát về dịch bệnh truyền nhiễm. Tại các vùng bị ảnh hưởng của bão lũ, ngập lụt người dân sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ ảnh hưởng về sức khỏe đó là ô nhiễm môi trường, thiếu nước sạch, thiếu lương thực, thực phẩm và đặc biệt là mắc các bệnh truyền nhiễm và nguy cơ bùng phát dịch gồm có bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do véc tơ truyền, bệnh ngoài da.
Để chủ động phòng ngừa và ngăn chặn các dịch bệnh bùng phát trong và sau mưa, bão, ngập lụt, Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và chỉ đạo quyết liệt, kịp thời các đơn vị y tế từ Trung ương đến địa phương thực hiện các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ và phòng phòng chống dịch bệnh. Cụ thể:
1) Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh trong tình huống khẩn cấp, thiên tai. Phương án ứng phó về y tế và công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm cung cấp nước sạch, hướng dẫn và hỗ trợ cộng đồng xử lý nguồn nước sinh hoạt bảo đảm an toàn và vệ sinh môi trường khi có mưa bão, lũ lụt xảy theo phương châm 4 tại chỗ;
2) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác;
3) Triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa bão và ngập lụt, xử lý rác và xác động vật, phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ để phòng tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm;
4) Tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm tại các vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ, ngập lụt, thu dung và điều trị bệnh nhân tại các tuyến đảm bảo gảm thiểu nguy cơ tử vong;
5) Đảm bảo việc dự trù cơ số thuốc, hóa chất và cấp phát kịp thời khi có mưa bão, ngập lụt xảy ra. Tổ chức các đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn việc ứng phó, khác phục hậu quả và phòng chống dịch bệnh tại khu vực bị ảnh hưởng.
2. Việc quản lý chất lượng thuốc và phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng
2.1. Tăng cường công tác tiền kiểm và hậu kiểm về chất lượng thuốc thông qua việc thực hiện:
a. Công tác tiền kiểm:
- Thực hiện kiểm tra 100% lô thuốc nhập khẩu của các cơ sở sản xuất thuộc danh mục các nhà sản xuất thuốc nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng theo quy định của Luật Dược và Thông tư số 11/2018/TT-BYT, đảm bảo chỉ được đưa ra lưu thông, phân phối các lô thuốc đã có kết quả kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn chất lượng.
- Thực hiện đánh giá 100% hồ sơ nhà máy sản xuất thuốc nước ngoài khi đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam theo quy định tại Luật Dược và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP; tăng cường kiểm tra thực tế tại cơ sở để đảm bảo chất lượng thuốc cung cấp vào thị trường.
- Tổ chức kiểm tra việc tuân thủ GMP các cơ sở sản xuất trong nước, cơ sở sản xuất nước ngoài (Ấn Độ, Hàn Quốc).
b. Công tác hậu kiểm:
- Thường xuyên định kỳ đánh giá việc duy trì đáp ứng tiêu chuẩn Thực hành tốt của các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, phân phối thuốc, các cơ quan quản lý dược. Đồng thời, trên cơ sở đánh giá nguy cơ Bộ Y tế đã tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện các cơ sở không bảo đảm duy trì đáp ứng tiêu chuẩn GPs.
- Hệ thống kiểm nghiệm thuốc trên toàn quốc tiếp tục được đầu tư bổ sung nhân lực, trang thiết bị kiểm nghiệm… nâng cao năng lực kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành. Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Tp. Hồ Chí Minh đã được WHO đánh giá và công nhận, 9 Trung tâm kiểm nghiệm đạt GLP và 46 TTKN đạt ISO/IEC 17025. Trong năm 2018, Hệ thống kiểm nghiệm đã triển khai hoạt động lấy trên 32 nghìn mẫu để kiểm tra chất lượng, kiểm tra giám sát chất lượng thuốc sản xuất, nhập khẩu, lưu hành, sử dụng. .
2.2. Các giải pháp tăng cường công tác kiểm soát chất lượng thuốc và phòng chống thuốc giả:
- Sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan đến công tác quản lý chất lượng thuốc: Luật Dược, Nghị định hướng dẫn Luật Dược và các Thông tư, văn bản liên quan.
- Tiếp tục thực hiện công tác tiêu chuẩn hóa, đã ban hành Dược điển Việt Nam làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc.
- Tăng cường thực hiện công tác chỉ đạo, tiền kiểm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh dược: Công khai minh bạch danh mục các nhà sản xuất thuốc nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng, thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ từ khâu nhập khẩu, triển khai đánh giá sự phù hợp, bao gồm hoạt động đánh giá đáp ứng thực hành tốt, triển khai kiểm tra đột xuất việc tuân thủ GMP các cơ sở sản xuất trong nước…
- Tăng cường hoạt động hậu kiểm: Chỉ đạo hệ thống kiểm nghiệm thuốc nhà nước lấy mẫu kiểm tra giám sát chất lượng thuốc trên thị trường theo đúng kế hoạch hằng năm. Triển khai thực hiện việc thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất có thuốc vi phạm chất lượng.
- Xử phạt vi phạm hành chính: Đối với các trường hợp vi phạm chất lượng thuốc được phát hiện, đã tiến hành xử phạt nghiêm mang tính răn đe, trường hợp phát hiện thuốc giả đã thông báo và phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm kinh tế để tiến hành điều tra, truy tìm nguồn gốc và xử lý. Xử phạt nặng các cơ sở vi phạm kèm theo hình thức bổ sung: tước giấy phép hoạt động, ngừng hoạt động nhập khẩu, rút số đăng ký của các cơ sở vi phạm.
- Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng, các tổ chức đơn vị chuyên trách (Hải quan, Công an, Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân các cấp, ...): Bộ Y tế cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo 389 thuộc Bộ Y tế do Lãnh đạo Bộ làm Trưởng ban, thành phần gồm các Vụ/Cục liên quan, hoạt động tích cực nhằm tăng cường công tác phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng là thuốc.
- Tăng cường công tác truyền thông:Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, thiết lập các đường dây nóng cung cấp thông tin liên quan đến thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc. Thường xuyên cập nhật danh sách các nhà máy có thuốc vi phạm chất lượng, các thuốc vi phạm chất lượng, thuốc thu hồi, thuốc giả lên website của Cục.
- Hợp tác quốc tế và chia sẻ thông tin: Thường xuyên tham gia các Dự án, tổ chức hoạt động trong khu vực (chia sẻ thông tin), toàn cầu liên quan đến phòng chống thuốc giả. Phối hợp chặt chẽ với các nước có chung đường biên giới, các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông trong công tác phòng chống thuốc giả.
3. Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kiểm soát, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm
Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương triển khai các giải pháp nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn thực phẩm:
- Ban hành văn bản hướng dẫn tăng cường giám sát, phòng chống và xử lý kịp thời các vụ ngộ độc thực phẩm theo đặc điểm, theo mùa, theo địa bàn và theo đối tượng có nguy cơ (Công văn phòng chống ngộ độc thực phẩm trong Tết nguyên đán và lễ hội Xuân, công văn phòng chống ngộ độc thực phẩm mùa Hè, công văn bảo đảm an toàn thực phẩm, pḥng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa bão lũ, công văn phòng chống ngộ độc thực phẩm dịp Tết trung thu, công văn tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc rượu, nấm độc, công văn phòng chống ngộ độc thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học...). Ban hành các văn bản hướng dẫn điều tra, xử lý đối với các vụ ngộ độc thực phẩm có quy mô lớn (trên 30 người mắc) và các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tử vong.
- Ban hành các văn bản hướng dẫn giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, cảnh báo cho cộng đồng và dự phòng ngộ độc thực phẩm đối với thực phẩm được sản xuất, kinh doanh trong phạm vi toàn quốc. Giám sát chặt chẽ các thông tin cảnh báo về ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và sự cố về an toàn thực phẩm để xác minh, xử lý kịp thời, góp phần trong kiểm soát về ngộ độc thực phẩm trong toàn quốc.
- Tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra hậu kiểm đối với sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo kế hoạch, theo chuyên đề để phát hiện sớm và xử lý nghiêm các vi phạm.
- Tăng cường thông tin truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo đúng quy định.
- Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Trong năm 2018, Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm, Thanh tra Bộ) đã triển khai 19 đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm theo kế hoạch và 21 đoàn kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của công tác quản lý; đã xử phạt vi phạm hành chính 113 cơ sở với 170 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt 6,086 tỷ đồng. So với năm 2017, số cơ sở xử phạt tăng hơn 2 lần, số tiền xử phạt tăng hơn 3 lần. Cùng với phạt tiền, tạm dừng lưu thông 76 lô sản phẩm vi phạm; thu hồi 56 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, 08 Giấy xác nhận nội dung quảng cáo và 09 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; chuyển Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử 23 trường hợp; chuyển cơ quan điều tra 10 vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả.
Câu 73. Cử tri tỉnh Ninh Bình kiến nghị: Cử tri đề nghị Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, điều chỉnh danh mục các bệnh tật có liên quan của Thông tư liên tịch số 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 18/11/2013 để cho phù hợp với tình hình thực tế (Ninh Bình).
Trả lời:
Ngày 30/6/2016, Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH về “Hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ”. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2016, thay thế Thông tư số 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 18 tháng 11 năm 2013 của Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu trên.
Tại Điều 7 của Thông tư số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH đã quy định 17 nhóm bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học. Hiện tại Bộ Y tế đang giao các nhà khoa học thu thập bằng chứng khoa học và thực tiễn để bổ sung danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học.
Câu 74. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Kiến nghị cần quy định rõ hơn các bệnh hiểm nghèo, hiện nay việc giải quyết trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo hoặc suy giảm khả năng lao động 81% quy định chưa rõ ràng, khó xác định. Ví dụ trong số các bệnh hiểm nghèo nguy hiểm đến tính mạng đủ điều kiện giải quyết trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần nhưng cơ quan bảo hiểm xã hội rất khó xác định đối với bệnh lao, bệnh bại liệt vì không có cơ sở để kết luận trường hợp nào thì được coi là lao nặng, trường hợp liệt nào thì được coi là bại liệt (TP Hồ Chí Minh).
Trả lời:
Hiện đã có quy định về các bệnh được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, Hội đồng Giám định y khoa các cấp có nhiệm vụ xác định tình trạng trên của đối tượng, cơ quan bảo hiểm xã hội không có nhiệm vụ xác định tình trạng trên. Ngày 29 tháng 12 năm 2017 Bộ Y tế ban hành Thông tư số 56/2017/TT-BYT quy định chi tiết thi hành Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.
Tại Điều 4 của Thông tư quy định về Bệnh được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần như sau
“Các bệnh được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần gồm:
1. Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS đồng thời không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
2. Các bệnh, tật ngoài các bệnh quy định tại khoản 1 Điều này có mức suy giảm khả năng lao động hoặc mức độ khuyết tật từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn”.
Câu 75. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế cho phù hợp với thực tiễn, cụ thể:
- Kiến nghị Bộ Y tế sớm đề xuất sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế; ban hành quy định về xếp hạng bệnh viện tư nhân. Đồng thời xem xét, ủy quyền cho Sở Y tế để tăng tính phân cấp, tạo điều kiện pháp lý cho các tỉnh, thành phố giải quyết một số vướng mắc nhanh hơn cho các cơ sở khám chữa bệnh nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
- Kiến nghị Bộ Y tế cần sớm sửa đổi bổ sung và cập nhật thường xuyên danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật… để đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế;
- Cử tri tiếp tục phản ảnh sự bất cập trong quy định bắt buộc mua bảo hiểm y tế cả hộ gây khó khăn cho các hộ không có điều kiện để mua bảo hiểm y tế cho cả hộ. Cử tri đề nghị nhanh chóng thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân; quan tâm nâng cải thiện chất lượng khám chữa bệnh mua bảo hiểm y tế để người dân yên tâm khi đi khám chữa bệnh.
Trả lời:
1. Kiến nghị sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế
Ngày 17/10/2018 Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số Điều của Luật bảo hiểm y tế, thay thế Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014. Nghị định 146 đã sửa đổi nhiều quy định nhằm mở rộng hơn nữa quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
2. Kiến nghị ban hành quy định về xếp hạng bệnh viện tư nhân
Ngày 29/12/2017, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Quyết định số 6062/QĐ-BYT về Tiêu chí phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và xếp hạng tương đương đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.
Căn cứ vào Tiêu chí này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (Bộ Y tế hoặc Sở Y tế) quyết định bằng văn bản tuyến chuyên môn kỹ thuật và xếp hạng tương đương cho phù hợp đối với từng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.
3. Kiến nghị ủy quyền cho Sở Y tế giải quyết các vướng mắc trong thực hiện bảo hiểm y tế
Theo quy định tại Điều 5 của Luật bảo hiểm y tế thì Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế, Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế, Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế tại địa phương. Như vậy, cơ sở pháp lý để Ủy ban nhân dân các cấp giải quyết các vướng mắc là Luật bảo hiểm y tế.
Ở cấp tỉnh, Luật bảo hiểm y tế quy định: Sở Y tế là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh/thành phố. Vì vậy, khi có vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh thì Sở Y tế là cơ quan có trách nhiệm tổng hợp, giải quyết. Trường hợp vượt quá khả năng giải quyết thì báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố, Bộ Y tế để giải quyết.
4. Kiến nghị cần sớm sửa đổi bổ sung và cập nhật thường xuyên danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật:
Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, với mức đóng bảo hiểm y tế như hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức hưởng bảo hiểm y tế khá cao. Danh mục thuốc, vật tư y tế thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế cũng liên tục được điều chỉnh theo hướng mở rộng.
Về danh mục thuốc tân dược: Ngày 30/10/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30/2018/TT-BYT ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ, chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tếthay thế Thông tư số 40/2014/TT-BYT. Danh mục thuốc gồm 1.030 thuốc, 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu với đầy đủ các chuyên khoa ban hành kèm theo Thông tư số 30/2018/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 sẽ đáp ứng được cơ bản nhu cầu điều trị, bảo đảm được quyền lợi cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, đồng thời phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới có một danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế như hiện nay.
Về danh mục thuốc y học cổ truyền, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 05/2015/TT-BYT ngày 17/11/2015 vềdanh mục vị thuốc, chế phẩm thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế, hiện có 229 chế phẩm – tăng 102 chế phẩm, và 349 vị thuốc – tăng 49 vị thuốc so với Thông tư 12/2010/TT-BYT ngày 29/4/2010, được áp dụng cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện có khoa y học cổ truyền, kể cả trạm y tế xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định. Như vậy, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc với giá rẻ hay đắt, thuốc nội hay thuốc ngoại. Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám chữa bệnh và khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế, cơ sở khám chữa bệnh xây dựng danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị để mua sắm lựa chọn thuốc thành phẩm phù hợp.
Với mục tiêu đáp ứng ngày càng đầy đủ, chất lượng hơn về nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, theo định kỳ 2 năm/lần, Bộ Y tế đều tiến hành rà soát, sửa đổi và bổ sung Danh mục thuốc với quy trình chặt chẽ khoa học, đặc biệt ứng dụng xây dựng Danh mục dựa trên bằng chứng (xem xét ứng dụng đánh giá chi phí-hiệu quả và tác động ngân sách khi xây dựng Danh mục thuốc), từ đó sẽ xây dựng Danh mục bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế đồng thời phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế.
Về danh mục vật tư y tế, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 04/2017/TT-BYT ngày 14/4/2017 ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với vật tư y tế và phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (thay thế Thông tư số 27/2013/TT-BYT ). Danh mục này cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong quá trình khám chữa bệnh của người dân tại các cơ sở y tế.
5. Kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong việc tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình
Để tháo gỡ khó khăn trong việc tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, tại Khoản 7 Điều 9 Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ đã quy định: “Đối với đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình: Định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, người đại diện hộ gia đình hoặc thành viên hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế nộp tiền đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại điều 10 của Nghị định này cho cơ quan bảo hiểm xã hội”.
6. Kiến nghị cải thiện chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để người dân yên tâm khi đi khám chữa bệnh.
Bộ Y tế đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia và hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm y tế. Cụ thể là ngành y tế cả nước đã và đang tiếp tục từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng y tế, mở rộng, đầu tư trang thiết bị vật tư y tế, tiếp tục tập trung vào giải quyết vấn đề quá tải bệnh viện, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chất lượng cao, áp dụng tiến bộ của y học thế giới vào Việt Nam, tiếp tục đầu tư cải thiện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh từ y tế tuyến cơ sở đến y tế tuyến trung ương, nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật khám, chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới cơ chế tài chính, thanh toán chi phí đối với hầu hết các dịch vụ kỹ thuật cao, có chi phí lớn… từng bước đáp ứng sự hài lòng của người tham gia bảo hiểm y tế.
Câu 76. Cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị: Đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành quy định về điều trị nội trú bảo hiểm y tế cho các Đơn nguyên điều trị. Đồng thời hướng dẫn việc chuyển đổi các PKĐKKV thành các Đơn nguyên điều trị của bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện. Thực tế các bệnh nhân cần điều trị nội trú vẫn phải chuyển lên BVĐK huyện, thành phố để điều trị. Vấn đề trên đã gây tình trạng quá tại các BVĐK tuyến huyện và gây khó khăn cho bệnh nhân.
Trả lời:
Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc quản lý của Bộ Y tế, trong đó tại Khoản 12, Điều 45b đã quy định về việc điều trị nội trú của Phòng khám đa khoa khu vực:
“Phòng khám đa khoa khu vực có điều trị nội trú chỉ áp dụng đối với các phòng khám đa khoa khu vực có điều trị nội trú đã được thành lập và hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực, tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Sở Y tế cho phép bằng văn bản”.
Câu 77. Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: Đề nghị sớm ban hành hướng dẫn triển khai bệnh án điện tử, chữ ký số và lưu trữ kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh trên phần mềm; hướng dẫn sử dụng liên thông kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh trong khám chữa bệnh giữa các cơ sở KCB góp phần cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian KCB, quản lý chặt chẽ chi phí và giảm chi phí BHYT. Cho phép tỉnh Quảng Ninh triển khai thí điểm để Bộ Y tế đánh giá rút kinh nghiệm cho việc ban hành hướng dẫn, triển khai nhân rộng.
Trả lời:
1. Về việc sớm ban hành bệnh án điện tử, chữ ký số và lưu trữ kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh trên phần mềm
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 quy định về hồ sơ bệnh án điện tử đã bao gồm các nội dung quy định về bệnh án điện tử, chữ ký số, cho phép việc thay thế in phim chụp y tế bằng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh, cho phép thay thế in kết quả giấy bằng hệ thống quản lý thông tin xét nghiệm. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng các quy định: đạt tối thiểu mức 6 về ứng dụng công nghệ thông tin của Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 về ban hành Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Thông tư quy định về hồ sơ bệnh án điện tử thì chính thức triển khai bệnh án điện tử mà không cần triển khai thí điểm.
2. Về việc hướng dẫn sử dụng liên thông kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh trong khám chữa bệnh giữa các cơ sở KCB góp phần cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian KCB, quản lý chặt chẽ chi phí và giảm chi phí BHYT
2.1. Đối với việc liên thông kết quả xét nghiệm
Thực hiện Quyết định số 316/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016 -2025, Bộ Y tế đã xây dựng Bộ tiêu chuẩn đánh giá mức chất lượng xét nghiệm làm căn cứ liên thông kết quả xét nghiệm (Quyết định số 2429/QĐ-BYT ngày 12/6/2017 về việc ban hành Tiêu chí đánh giá mức chất lượng xét nghiệm y học để đánh giá mức chất lượng của các phòng xét nghiệm); Ban hành Quyết định số 3148/QĐ-BYT ngày 07/7/2017 về việc Ban hành danh mục xét nghiệm áp dụng để liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm; Ban hành sổ tay hướng dẫn đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm; Tại Quyết định số 6328/QĐ-BYT ngày 18/10/2018 về việc ban hành nội dung kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế năm 2018 đã đưa Tiêu chí xét nghiệm (Ban hành tại Quyết định số 2429/QĐ-BYT ngày 12/6/2017) vào nội dung đánh giá hằng năm của các bệnh viện trên toàn quốc, qua đó giúp đẩy nhanh lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm, cụ thể nhý sau:
- Việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm dựa trên tiêu chí đánh giá mức chất lượng xét nghiệm của các phòng xét nghiệm, không phân biệt cơ sở y tế nhà nước, cơ sở y tế tư nhân, bảo đảm thực hiện lộ trình sau:
+ Chậm nhất đến năm 2018 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và tương đương.
+ Chậm nhất đến năm 2020 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm có cùng mức chất lượng xét nghiệm trong phạm vi quản lý thuộc mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
+ Đến năm 2025 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm trên phạm vi toàn quốc”.
- Bộ Y tế đã xây dựng Hướng dẫn xây dựng quy trình chuẩn trong quản lý chất lượng xét nghiệm, qua đó các quy trình xét nghiệm tại các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh đang dần được chuẩn hóa trên toàn quốc; Hướng dẫn đánh giá Bộ Tiêu chí đánh giá mức chất lượng xét nghiệm y học và tiến hành đào tạo các đánh giá viên.
2.2. Đối với việc liên thông kết quả chẩn đoán hình ảnh: Hiện Bộ Y tế đang tiếp tục nghiên cứu để xây dựng văn bản hướng dẫn.
Câu 78. Cử tri tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị: Đề nghị Bộ Y tế ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế.
Trả lời:
Thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế - dân số để thay thế Nghị định số 85/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Nội dung dự thảo của Nghị định đã đưa các quy định cụ thể cần hướng dẫn Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ. Do đó khi Nghị định tự chủ mới ban hành, các nội dung nào cần Thông tư hướng dẫn, Bộ Y tế sẽ xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể theo thẩm quyền.
Câu 79. Cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: Đề nghị ban hành nghị định quy định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập để thay thế Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ.
Trả lời:
Thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế - dân số để thay thế Nghị định số 85/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Bộ Y tế đã hoàn thiện và trình Chính phủ tại Tờ trình số 1343/TTr-BYT ngày 06/12/2018.
Câu 80. Cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: Tại Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới quy định một trong những tiêu chí để huyện đạt chuẩn nông thôn mới là trung tâm y tế huyện đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn đánh giá trung tâm y tế huyện đạt chuẩn quốc gia. Đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể tiêu chuẩn đánh giá trung tâm y tế huyện đạt chuẩn quốc gia.
Trả lời:
Ngày 25/10/2016, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 37/2016/TT-BYT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, quy định Trung tâm Y tế huyện có chức năng cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác theo quy định của pháp luật.
Cho đến nay, theo báo cáo chưa đầy đủ có 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế. Vì vậy, Bộ Y tế chưa có đủ cơ sở hướng dẫn để đánh giá Tiêu chí trung tâm y tế huyện đạt chuẩn quốc gia. Trước mắt, Bộ Y tế đã đề nghị các tỉnh xem xét để áp dụng các tiêu chí đánh giá hiện hành cho Bệnh viện huyện và Trung tâm y tế dự phòng huyện (trước đây). Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang áp dụng Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, trong đó điểm trung bình để đánh giá chất lượng Bệnh viện tuyến huyện hiện nay là 3/5 điểm.
Câu 81. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành văn bản hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế cấp huyện đa chức năng khi sáp nhập Trung tâm Dân số - KHHGĐ vào Trung tâm Y tế cấp huyện, vì hiện nay chưa có văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm y tế đa chức năng khi thực hiện việc kiện toàn hệ thống y tế tại địa phương theo Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII.
Trả lời:
Hiện nay Chính phủ đang nghiên cứu xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 04/4/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh,thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Sau khi 02 Nghị định nêu trên được ban hành, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng, bổ sung, sửa đổi các văn bản liên quan về hệ thống y tế ở địa phương và phối hợp với các địa phương xây dựng, hoàn chỉnh các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền, trong đó có văn bản hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế huyện đa chức năng theo Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII.
Giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế đã có hướng dẫn và đề nghị địa phương kiện toàn Trung tâm Y tế huyện đa chức năng trên cơ sở các văn bản đã được ban hành như:
(1) Thông tư số 37/2017/TT-BYT ngày 25/10/2016 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương;
(2) Những nhiệm vụ về lĩnh vực dân số ở tuyến huyện theo Thông tư số 05/2008/TT-BYT ngày 14/5/2008 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy Dân số - Kế hoạch hóa gia đình ở địa phương;
(3) Các văn bản khác liên quan của Bộ Y tế bảo đảm theo thẩm quyền và phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.
Câu 82. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư hướng dẫn xếp hạng Bệnh viện thay thế Thông tư số 23/2005/TT-BYT hiện nay không còn phù hợp; sửa đổi Thông tư số 37/2016/TT-BYT ngày 25/10/2016 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố thuốc tỉnh; hướng dẫn cụ thể việc phân cấp quản lý y tế cơ sở (tuyến huyện, xã) theo tinh thần Nghị quyết TW6; ban hành Thông tư hướng dẫn về “Điều kiện cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuôc cổ truyền” cho phù hợp với địa phương.
Trả lời:
1. Về việc ban hành Thông tư xếp hạng bệnh viện thay thế Thông tư số 23/2005/TT-BYT
Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 23/2005/TT-BYT ngày 25/8/2005 về hướng dẫn xếp hạng bệnh viện. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Chính phủ đề nghị hủy bỏ Quyết định số 181/2005/QĐ-TTg ngày 19/7/2005 quy định về phân loại, xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập. Hiện chưa có văn bản hướng dẫn chính thức của Chính phủ về vấn đề này để làm cơ sở cho các bộ, ngành xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn xếp hạng bệnh viện cho phù hợp với thực tiễn sau khi có văn bản hướng dẫn chính thức của Chính phủ.
2. Về việc sửa đổi Thông tư số 37/2016/TT-BYT ngày 25/10/2016 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố thuốc tỉnh
Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 04/4/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh,thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Sau khi các Nghị định nêu trên được ban hành, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, bổ sung, sửa đổi các văn bản liên quan về hệ thống y tế ở địa phương và phối hợp với các địa phương xây dựng, hoàn chỉnh các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền, trong đó có văn bản hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế huyện đa chức năng theo Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII.
Giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế đã có hướng dẫn và đề nghị địa phương kiện toàn Trung tâm Y tế huyện đa chức năng trên cơ sở các văn bản đã được ban hành như:
(1) Thông tư số 37/2017/TT-BYT ngày 25/10/2016 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương;
(2) Những nhiệm vụ về lĩnh vực dân số ở tuyến huyện theo Thông tư số 05/2008/TT-BYT ngày 14/5/2008 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy Dân số - Kế hoạch hóa gia đình ở địa phương;
(3) Các văn bản khác liên quan của Bộ Y tế bảo đảm theo thẩm quyền và phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.
3. Về việc hướng dẫn cụ thể việc phân cấp quản lý y tế cơ sở (tuyến huyện, xã) theo tinh thần Nghị quyết TW6
Theo Điểm g Khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dâncấp huyện, Trung tâm Y tế là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Sở Y tế, được thực hiện thống nhất trên địa bàn cấp huyện, thực hiện chức năng về y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng; các Phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh khu vực (nếu có) và trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện là đơn vị y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện.
Tổ chức y tế xã, phường, thị trấn là đơn vị y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, được thành lập theo đơn vị hành chính (Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 117/2014/NĐ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ quy định về y tế xã, phường, thị trấn).
Ngày 26/3/2018, Bộ Y tế đã có Công văn số 1619/BYT-TCCB gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiện toàn hệ thống y tế ở địa phương theo Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII: (i) Đối với Trung tâm Y tế huyện: Trên cơ sở Thông tư số 37/2017/TT-BYT ngày 25/10/2016 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo xây dựng đề án kiện toàn và sớm quyết định phê duyệt theo thẩm quyền mô hình Trung tâm Y tế huyện đa chức năng, bao gồm y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, dân số và các nhiệm vụ khác của ngành Y tế; thống nhất tên gọi là “Trung tâm Y tếhuyện; (ii) Thực hiện quản lý theo ngành dọc: Trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực (nếu có) là đơn vị y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện; Trung tâm Y tế huyện trực thuộc Sở Y tế để bảo đảm phù hợp với các văn bản hướng dẫn, bảo đảm thống nhất với các địa phương khác, bảo đảm sự đồng bộ trong chuyên môn, sự hỗ trợ phù hợp giữa các tuyến, các địa phương trong dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành từ Trung ương tới địa phương trong phạm vi cả nước và đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương.
4. Về việc ban hành Thông tư hướng dẫn về “Điều kiện cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuôc cổ truyền” cho phù hợp với địa phương
Điều kiện của cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền đã được quy định cụ thể tại Khoản 5 Điều 31 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/05/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược, cụ thể như sau:
“- Người chịu trách nhiệm chuyên môn.
- Có địa điểm cố định, riêng biệt; được xây dựng chắc chắn; diện tích phù hợp với quy mô kinh doanh; bố trí ở nơi cao ráo, thoáng mát, an toàn, cách xa nguồn ô nhiễm, bảo đảm phòng chống cháy nổ.
- Phải có khu vực bảo quản và trang thiết bị bảo quản phù hợp với yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn.
- Thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền phải được bảo quản riêng biệt với dược liệu, vị thuốc cổ truyền.
- Dược liệu độc phải được bày bán (nếu có) và bảo quản tại khu vực riêng; trường hợp được bày bán và bảo quản trong cùng một khu vực với các dược liệu khác thì phải để riêng và ghi rõ “dược liệu độc” để tránh nhầm lẫn.
- Thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền kê đơn phải được bày bán (nếu có) và bảo quản tại khu vực riêng; trường hợp được bày bán và bảo quản trong cùng một khu vực với các thuốc không kê đơn thì phải để riêng và ghi rõ “Thuốc kê đơn” để tránh nhầm lẫn.
- Cơ sở chuyên bán lẻ thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền hoặc chuyên bán lẻ dược liệu thì chỉ cần có khu vực bảo quản tương ứng để bảo quản thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền hoặc để bảo quản dược liệu, vị thuốc cổ truyền.”
Ngoài ra, theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì đối với các quy định về điều kiện kinh doanh phải quy định tại Nghị định của Chính phủ, không được quy định tại Thông tư.
Câu 83. Cử tri TP. Hà Nội kiến nghị: Đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế theo hướng quy định người tham gia bảo hiểm y tế được lựa chọn bệnh viện khám chữa bệnh và đối tượng tham gia bảo hiểm y tế là học sinh, sinh viên được đóng theo diện hộ gia đình (TP Hà Nội).
Trả lời:
1. Kiến nghị người tham gia bảo hiểm y tế được lựa chọn bệnh viện khám chữa bệnh ban đầu là mục tiêu phấn đấu của Việt Nam trong tương lai
Theo quy định hiện hành của chính sách Bảo hiểm y tế, người tham gia bảo hiểm y tế lựa chọn một cơ sở y tế để đăng ký khám chữa bệnh ban đầu sao cho thuận lợi với nơi công tác hay nơi cư trú. Khi đi khám chữa bệnh đúng nơi đăng ký ban đầu sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm y tế. Trường hợp cần chuyển tuyến khi người bệnh mắc bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo, cơ sở y tế ban đầu sẽ chuyển người bệnh đến cơ sở khác để khám và điều trị phù hợp với tình trạng bệnh tật. Việc chuyển đúng tuyến sẽ giúp cho ngành Y tế hạn chế tình trạng quá tải ở các bệnh viện tỉnh, bệnh viện Trung ương, giúp các bệnh nhân không phải nằm ghép. Theo quy định tại Điều 22, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế thì từ ngày 01/01/2016 thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh. Theo đó người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh có mức hưởng theo đúng quy định của Luật mà không bị coi là trái tuyến. Từ ngày 01/01/2021, sẽ thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh cấp tỉnh trên toàn quốc.
2. Về kiến nghị học sinh, sinh viên được đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế quy định 05 Nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trong đó “học sinh, sinh viên”, thuộc Nhóm đối tượng 4, còn “hộ gia đình” thuộc Nhóm đối tượng 5. Luật Bảo hiểm y tế cũng quy định nếu một người đồng thời thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau thì sẽ tham gia bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các nhóm đối tượng được Luật Bảo hiểm y tế quy định. Như vậy, theo Luật thì học sinh, sinh viên là đối tượng bảo hiểm y tế của Nhóm 4, là Nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng, nên không thể tham gia bảo hiểm y tế theo Nhóm 5- Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Việc quy định này nhằm tránh trùng lặp đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (một người chỉ thuộc một Nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế nhất định), phản ánh chính xác được mức độ bao phủ bảo hiểm y tế. Để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế,
Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 hướng dẫn thực hiện Luật bảo hiểm y tế đã quy định học sinh, sinh viên được Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế. Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên cao hơn mức này nếu ngân sách Nhà nước, bao gồm cả ngân sách của địa phương, có khả năng đáp ứng. Với mức hỗ trợ này, mỗi học sinh, sinh viên đóng tối đa 43.785 đồng mỗi tháng (tương đương 525 420 đồng mỗi năm) tính trên nền mức lương cơ bản là 1.390.000 đồng/tháng, với mức đóng này, Nhà nước đã hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là 18.765 ðống/tháng (225.180 ðồng mỗi nãm cho một học sinh, sinh viên).
Trường hợp học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế theo Hộ gia đình thì chỉ được hưởng quyền lợi giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế theo quy định của Luật bảo hiểm y tế, mà không được hưởng các quyền lợi khác của học sinh, sinh viên khi tham gia bảo hiểm y tế theo quy định trên. Đối với bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, từ ngày 01 tháng 7 năm 2018, số tiền đóng bảo hiểm y tế mỗi năm của người thứ hai trong hộ là 525.420 đồng, bằng mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên; số tiền của người thứ ha là 450.360 đồng/năm, thấp hơn mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên là 75.060 đồng/năm; trường hợp nếu cả hộ gia đình có từ 04 người trở lên cùng tham gia bảo hiểm y tế thì mới có sự chênh lệch đáng kể về mức đóng bảo hiểm y tế so với mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên.
Ghi nhận ý kiến của cử tri về vấn đề này, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xem xét và đề xuất với Chính phủ để có sự điều chỉnh khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm y tế trong thời gian tiếp theo.
Câu 84. Cử tri tỉnh Bến Tre kiến nghị: Cử tri cho rằng hiện nay một số đối tượng tham gia BHYT do ngân sách nhà nước đóng như: người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ, thân nhân lực lượng vũ trang, cựu chiến binh,...Tuy nhiên, đối tượng này là cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp thì vẫn phải đóng BHYT bắt buộc là chưa thực sự phù hợp. Cử tri kiến nghị nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế theo hướng không bắt buộc cán bộ, công chức, viên chức là thân nhân lực lượng vũ trang phải mua BHYT của cán bộ, công chức, viên chức vì các đối tượng này đã hưởng BHYT dành cho thân nhân người có công với cách mạng, thân nhân lực lượng vũ trang.
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Luật bảo hiểm y tế: Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật bảo hiểm y tế thì đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật bảo hiểm y tế, cụ thể ở đây là nhóm đối tượng người lao động.
Đối với kiến nghị nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế theo hướng không bắt buộc cán bộ, công chức, viên chức là thân nhân lực lượng vũ trang phải mua bảo hiểm y tế của cán bộ, công chức, viên chức vì các đối tượng này đã hưởng bảo hiểm y tế dành cho thân nhân người có công với cách mạng, thân nhân lực lượng vũ trang, Bộ Y tế xin tiếp thu, tổng hợp để nghiên cứu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền khi tiến hành sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế.
Câu 85. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Đề nghị sửa đổi Nghị định số 54/NĐ-CP ngày 08/5/2017 nên cho phép Trạm y tế được trang bị tủ thuốc để thực hiện công tác sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân.
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 84 Luật dược số 105/2016/QH13, Trạm y tế xã là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép có cơ số thuốc để phục vụ cho nhu cầu cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh. Như vậy, theo quy định hiện hành các trạm y tế xã đã có thuốc phục vụ hoạt động cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 36 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP quy định những vùng chưa có đủ cơ sở bán lẻ thuốc để cung ứng thuốc cho người dân trên địa bàn, như: các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn,… được mở tủ thuốc tại Trạm y tế xã để tổ chức bán lẻ thuốc cho người dân trên địa bàn.
Câu 86. Cử tri tỉnh Hà Giang kiến nghị: Đề nghị sửa đổi Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 “Quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh”. Đề nghị bổ sung tên gọi, nhiệm vụ khám, chữa bệnh điều trị nội trú đối với Phòng khám đa khoa khu vực để đảm bảo tính thống nhất về tổ chức và thuận lợi trong việc khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế tại cơ sở.
Trả lời:
Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc quản lý của Bộ Y tế, trong đó tại Khoản 12, Điều 45b đã quy định về việc điều trị nội trú của Phòng khám đa khoa khu vực:
“Phòng khám đa khoa khu vực có điều trị nội trú chỉ áp dụng đối với các phòng khám đa khoa khu vực có điều trị nội trú đã được thành lập và hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực, tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Sở Y tế cho phép bằng văn bản”.
Câu 87. Cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị: Điều 32, Khoản 1, điểm d Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế số 46/2014/QH13 quy định: "Việc thẩm quyền quyết định quyết toán năm đối với quỹ bảo hiểm y tế và thanh toán số kinh phí chưa sử dụng hết (nếu có) đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải được thực hiện trước ngày 01 tháng 10 năm sau” điều này gây khó khăn trong công tác chi trả lương và thu nhập tăng thêm cho cán bộ, nhân viên. Đề nghị sửa Điểm d Khoản 2 Điều 32 của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT, quy định thời gian thẩm định quyết toán năm đối với quỹ BHYT và thanh toán số kinh phí chưa sử dụng hết (nếu có) cho phù hợp với thời gian quyết toán theo quy định của Điều 64 Luật Ngân sách nhà nước.
Trả lời:
Điều 64 của Luật Ngân sách quy định về xử lý, thu chi cuối năm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến thu, chi ngân sách thực hiện khóa sổ kế toán và lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước và thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách nhà nước kết thúc vào ngày 31 tháng 01 năm sau.
Điều 32, Khoản 1, điểm d Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế số 46/2014/QH13 quy định thời hạn và trình tự quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tuân thủ theo Điều 70 của Luật Ngân sách. Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam gửi Bộ Tài chính, Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo quyết toán chi phí hoạt động toàn ngành, trong đó bao gồm thu - chi quỹ bảo hiểm y tế trước ngày 01 tháng 10 năm sau.
Câu 88. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Kiến nghị Bộ Y tế cần sửa đổi thông tư về đấu thầu mua thuốc theo hướng phân chia nhỏ các nhóm kỹ thuật dựa trên nguyên tắc các thuốc có cùng tiêu chí chất lượng, kỹ thuật, công nghệ tương tự nhau mới được xếp cùng nhóm; chú ý đến nguồn gốc, chất lượng của nguyên liệu chứ không chỉ quan tâm đến chất lượng của thành phẩm. Cần phát huy hiệu quả của công tác đấu thầu thuốc tập trung bằng cách mở rộng danh mục và áp dụng hình thức đàm phán giá đặc biệt đối với gói thầu thuốc biệt dược gốc để công tác đấu thầu hướng đến mục tiêu: đấu thầu thuốc đúng quy định, chọn được thuốc có chất lượng và giá cả phù hợp, việc cung ứng và thanh toán thuận tiện, việc sử dụng thuốc đạt hiệu quả cả về chuyên môn và kinh tế y tế.
Trả lời:
1. Về việc phân chia nhỏ các nhóm kỹ thuật
Căn cứ các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành và phân loại quốc tế của ngành dược, việc phân loại chất lượng thuốc, hiệu quả điều trị của thuốc, chất lượng của nguyên liệu sản xuất thuốc, tiêu chuẩn của nhà máy sản xuất thuốc… đã được quy định rõ tại Thông tư số 11/2016/TT-BYT ngày 11/05/2016 của Bộ Y tế quy định việc đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế công lập, cụ thể:
- Tại Điều 5 - Phân chia gói thầu, nhóm thuốc :
“Thủ trưởng cơ sở y tế căn cứ vào nhu cầu sử dụng thuốc để quyết định việc phân chia các gói thầu. Có thể phân chia thành các gói thầu cơ bản như sau:
1. Gói thầu thuốc generic:
Gói thầu thuốc generic có thể có một hoặc nhiều thuốc generic, mỗi danh Mục thuốc generic phải được phân chia thành các nhóm, mỗi thuốc generic trong một nhóm thuốc là một phần của gói thầu. Việc phân chia các nhóm thuốc dựa trên tiêu chí kỹ thuật và tiêu chuẩn công nghệ được cấp phép như sau:
a) Phân chia các nhóm thuốc:
- Nhóm 1 gồm:
+ Thuốc sản xuất trên dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc PIC/s-GMP tại cơ sở sản xuất thuộc nước tham gia ICH và Australia;
+ Thuốc sản xuất trên dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn WHO-GMP do Bộ Y tế Việt Nam cấp giấy chứng nhận và được cơ quan quản lý quốc gia có thẩm quyền cấp phép lưu hành tại nước tham gia ICH hoặc Australia;
- Nhóm 2: Thuốc sản xuất trên dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc PIC/s-GMP nhưng không thuộc nước tham gia ICH và Australia;
- Nhóm 3: Thuốc sản xuất trên dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn WHO-GMP được Bộ Y tế Việt Nam cấp giấy chứng nhận;
- Nhóm 4: Thuốc có chứng minh tương đương sinh học do Bộ Y tế công bố;
- Nhóm 5: Thuốc không đáp ứng tiêu chí của các nhóm 1, 2, 3 và 4 quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này”.
- Tại Bảng đánh giá tiêu chuẩn kỹ thuật của Mẫu Hồ sơ mời thầu mua thuốc đã quy định rõ các tiêu chí chấm điểm cho các nhà máy đạt EU-GMP, PIC/s-GMP, WHO-GMP; thuốc có chứng minh tương đương sinh học; tiêu chí đánh giá về chất lượng thuốc, hạn dùng/tuổi thọ của thuốc; tiêu chí đánh giá về nguyên liệu sản xuất thuốc (nguyên liệu sản xuất tại các nước ICH, nguyên liệu được cấp chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn Châu Âu – CEP).
- Hiện nay Bộ Y tế đang chuẩn bị ban hành Thông tư thay thế Thông tư 11/2016/TT-BYT, trong đó tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu thầu mua thuốc, trong đó tập trung vào quy định về phân chia gói thầu, nhóm thuốc theo tiêu chí kỹ thuật, hiệu quả điều trị của thuốc nhằm: (1) Lựa chọn các thuốc chất lượng tốt phục vụ điều trị; (2) Kiểm soát chất lượng thuốc thông qua phân chia nhóm thuốc theo tiêu chí kỹ thuật; (3) Tăng cường ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước có chất lượng.
2. Về việc đấu thầu tập trung thuốc
Triển khai đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia theo quy định Luật đấu thầu năm 2013 và Luật dược năm 2016. Năm 2017, Bộ Y tế đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho 21 mặt hàng thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia sử dụng cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh năm 2018 và năm 2019 với tổng trị giá là 2.269 tỷ đồng và giảm 477 tỷ đồng (giảm 17,4%) so với tổng trị giá tính theo giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trước. Hiện Bộ Y tế đang triển khai mở rộng danh mục thuốc đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia với 22 hoạt chất, tương ứng với 152 mặt hàng thuốc với tổng giá trị gói thầu là 10.250 tỷ đồng. Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, đồng thời đánh giá các khó khăn, bất cập để rút kinh nghiệm, Bộ Y tế sẽ tiếp tục xem xét để mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia nhằm phát huy hiệu quả giảm giá thuốc và đảm bảo việc cung ứng cũng như phát triển sản xuất thuốc trong nước trong thời gian tới.
- Đối với thuốc biệt dược gốc, thuốc còn bảo hộ và những thuốc có nguy cơ độc quyền có 1-2 cơ sở sản xuất, thực hiện cơ chế quản lý giá thuốc bằng hình thức đàm phán giá thuốc theo quy định Luật đấu thầu năm 2013 và Luật dược năm 2016.Năm 2018, Hội đồng đàm phán giá thuốc- Bộ Y tế triển khai đàm phán giá đối với 04 biệt dược gốc sử dụng cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh năm 2019 và năm 2020 đã giảm 551 tỷ đồng (tương ứng với tiết kiệm được 18,55% trị giá trúng thầu so với giá trúng thầu hiện tại). Để tăng cường hiệu quả của cơ chế đàm phán giá thuốc, Bộ Y tế sẽ mở rộng danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá.
Câu 89. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế theo hướng bổ sung các hành vi vi phạm và nâng mức xử phạt cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Trả lời:
Bộ Y tế đã nhận được phản ảnh về các tồn tại, bất cập liên quan đến quy định về xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đang tiến hành sửa đổi Nghị định 176. Dự kiến Nghị định sửa đổi Nghị định 176/2013/NĐ-CP sẽ được Chính phủ thông qua vào tháng 9 năm 2019.
Câu 90. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Đề nghị áp dụng mức phạt hành chính cao nhất tại các Điều, khoản của Nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cụ thể tại các điều, khoản: Điều 5; Điều 22; Điều 24; khoản 1, 2 của Điều 26 (Trà Vinh).
Trả lời:
Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (hiệu lực từ ngày 20 tháng 10 năm 2018) thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP. Theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP, mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã được quy định cao hơn so với trước đây, không quy định hình thức cảnh cáo, tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm; quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm; xử phạt bổ sung như buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc thu hồi thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn. Ngoài ra, Điều 317 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực từ 01/01/2018 đã bổ sung những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm như: nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng… gây hậu quả làm chết người; gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gây tổn hại cho sức khỏe... tùy tính chất mức độ vi phạm có thể sẽ bị phạt tù đến 20 năm.
Câu 91. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Đề nghị thống nhất danh mục hóa chất cho phép/cấm sử dụng trong thực phẩm, quy định rõ mức giới hạn hóa chất cho phép sử dụng trên các loại thực phẩm (Long An).
Trả lời:
Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã phân cấp cho các Bộ ngành và địa phương quản lý về an toàn thực phẩm, trong đó có quản lý điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm. Thực hiện Nghị định 15/2018/NĐ-CP, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm, Thông tư số 08/2015/TT-BYT ngày 11/5/2015 sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 27/2012/TT-BYT (văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BYT ngày 15/6/2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm). Theo đó, đã quy định rõ Danh mục phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm; giới hạn tối đa đối với các chất phụ gia trong các sản phẩm thực phẩm; yêu cầu về quản lý đối với phụ gia thực phẩm. Các hành vi cấm: Sử dụng phụ gia thực phẩm không có trong danh mục chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng; Sử dụng phụ gia thực phẩm quá giới hạn cho phép, không đúng đối tượng thực phẩm; Sử dụng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc quá thời hạn sử dụng.
Kết quả kiểm tra tình hình sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trong thời gian qua cho thấy, về cơ bản, các tổ chức, cá nhân đã thực hiện đúng các quy định pháp luật về lưu hành và sử dụng các phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm có trong danh mục được phép sử dụng, trong giới hạn cho phép và đúng đối tượng thực phẩm. Tuy nhiên cũng có một số ít cơ sở sử dụng phụ gia thực phẩm không bảo đảm chất lượng, ngoài danh mục được phép sử dụng; quá giới hạn cho phép. Các cơ sở này đã bị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc.
Câu 92. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Bổ sung các hành vi vi phạm chưa được quy định và quy định mức phạt phù hợp tại Nghị định số 178/2013/NĐ-CP: hành vi “không thực hiện cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm” đối với các trường hợp phải thực hiện cam kết; hành vi “sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng không đúng đối tượng thực phẩm”: hành vi “không thực hiện xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm” cho phù hợp với thực tế quản lý”.
Trả lời:
Nghị định 178/2013/NĐ-CP đã được Chính phủ thay thế bằng Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (có hiệu lực từ ngày 20 tháng 10 năm 2018). Nghị định số 115/2018/NĐ-CP đã quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm cao hơn so với trước đây, chỉ quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức cảnh cáo, tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm; quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm; xử phạt bổ sung như buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc thu hồi thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.
Ngoài ra, Điều 317 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực từ 01/01/2018 đã bổ sung những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm như: nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng… gây hậu quả làm chết người; gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gây tổn hại cho sức khỏe... tùy tính chất mức độ vi phạm có thể sẽ bị phạt tù đến 20 năm.
Câu 93. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Đề nghị Bộ Y tế tham mưu triển khai kịp thời cơ chế thí điểm thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm tại cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP ngày 23/03/2018 của Chính phủ; quy định phân cấp hoặc giao cho UBND cấp huyện cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm tất cả các đối tượng theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Trả lời:
Bộ Y tế đã tham mưu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 về thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại Huyện, Quận, Thị xã, Thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố của 09 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng, TP. Đà Nẵng, TP. Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai. Kết quả thí điểm sẽ là cơ sở để xem xét đề nghị Quốc hội sửa đổi các Luật liên quan để áp dụng cho cả nước.
Theo Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Nghị định đã bãi bỏ một số Điều, Khoản liên quan đến đầu tư kinh doanh trong đó có việc người trực tiếp sản xuất, kinh doanh phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và được chủ cơ sở xác nhận và không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Câu 94. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri lo lắng trước tình hình dịch bệnh bùng phát hiện nay như dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng,…gây nguy hiểm đến tính mạng người dân. Cử tri đề nghị Bộ Y tế cần tăng cường hơn nữa công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh; thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Trả lời:
Trước tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn có diễn biến hết sức phức tạp, nhiều bệnh dịch nguy hiểm mới nổi và tái nổi gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân cũng như an ninh y tế toàn cầu như cúm A(H7N9), MERS-CoV, Ebola, dịch hạch; một số bệnh được khống chế đã gia tăng trở lại ở nhiều quốc gia trong khu vực như bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, bại liệt, sởi.
Tại Việt Nam, không ghi nhận sự xâm nhập của các bệnh nguy hiểm mới nổi, các bệnh dịch lưu hành như bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và các bệnh có vắc xin phòng bệnh vẫn được kiểm soát và khống chế, có số mắc và tử vong giảm theo hằng năm, tuy nhiên một số bệnh có số mắc gia tăng cục bộ vào các tháng cao điểm như sốt xuất huyết, tay chân miệng đã được can thiệp giải quyết kịp thời tránh được nguy cơ lan rộng và bùng phát thành dịch lớn.
Nhận thức sâu sắc về mức độ quan trọng và tác động ảnh hưởng của dịch bệnh truyền nhiễm đối với sức khỏe người dân và sự phát triển kinh tế xã hội, Bộ Y tế đã xác định đây là vấn đề được coi trọng hàng đầu và tập trung nguồn lực cho các hoạt động phòng, chống, ứng phó nhằm kiểm soát, ngăn chặn sự xâm nhập, gia tăng và bùng phát thành dịch, Bộ Y tế đã quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, cụ thể như sau:
1. Về công tác chỉ đạo:
- Triển khai thực hiện Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2018 và tổ chức các hội nghị phòng chống dịch bệnh từ đầu năm và vào các tháng cao điểm. Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đã chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, khống chế ổ dịch, hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong.
- Kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh gửi UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo ngành Y tế và các ngành liên quan tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh, trong đó tập trung công tác tuyên truyền, phòng chống các bệnh hay gặp trong mùa lễ hội, xuân hè, thu đông (bệnh cúm, sởi, sốt xuất huyết, các bệnh đường tiêu hóa ...); tăng cường công tác phòng chống bệnh xâm nhập, bệnh lưu hành, phòng chống bệnh sởi, rà soát, đánh giá, xác định đối tượng, độ tuổi, vùng nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh để tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung, tiêm vét vắc xin phòng bệnh.
- Để tăng cường chỉ đạo thực tế, Bộ Y tế đã tổ chức một số đoàn công tác làm việc với Ủy ban nhân dân, Sở Y tế các tỉnh/thành phố trọng điểm như Đồng Nai, Tây Ninh, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Tháp về công tác phòng chống dịch bệnh.
2. Về công tác giám sát các bệnh truyền nhiễm lưu hành thường xuyên trong nước
- Tăng cường giám sát các bệnh dịch, tập trung vào các dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi,… mở rộng giám sát trọng điểm, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm xác định trường hợp mắc bệnh, xử lý triệt để các ổ dịch, triển khai các hoạt động phòng dịch chủ động tại những nơi có nguy cơ cao.
- Xây dựng phương án, kịch bản ứng phó với các tình huống về dịch bệnh và các nguy cơ về y tế công cộng. Duy trì hoạt động đáp ứng khẩn cấp tại các tuyến, tổ chức đánh giá nguy cơ, tổ chức giám sát dịch bệnh truyền nhiễm dựa vào sự kiện (EBS) và thông báo cho các đơn vị liên quan. Tập huấn nâng cao năng lực về giám sát và xử lý dịch bệnh cho cán bộ y tế ở các tuyến để tham gia vào công tác phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch.
3. Về công tác điều trị
- Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường công tác điều trị bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết và sẵn sàng cung ứng thuốc phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và bệnh sởi. Chỉ đạo việc tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám bệnh, phân tuyến điều trị bệnh nhân, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân sởi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Để phòng chống bệnh sởi, Bộ Y tế đã triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi. Tổ chức chiến dịch tiêm Sởi - Rubella tại 33 huyện của 6 tỉnh là Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La trong tháng 8/2018 cho 261.331/264.462 trẻ từ 1-5 tuổi được tiêm vắc xin Sởi - Rubella, đạt tỷ lệ 96,15%. Triển khai tiêm vắc xin sởi tại 55 huyện thuộc 13 tỉnh nguy cơ cao được Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định số 5433/QĐ-BYT ngày 10/9/2018. Bộ Y tế tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao năm 2018 -2019, cho khoảng 4,2 triệu trẻ tại 418 huyện của 57 tỉnh, thành phố nguy cơ cao.
4. Về công tác tuyên truyền
- Bộ Y tế phối hợp với Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hà Nội tổ chức “Chiến dịch phòng, chống bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết năm 2018” nhằm huy động các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, từng gia đình, toàn xã hội chủ động tham gia và phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết.
- Tổ chức các buổi lễ phát động chiến dịch rửa tay xà pḥng, vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phòng chống bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác. Chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường phòng, chống tay chân miệng, sốt xuất huyết và hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết năm 2018.
Tổ chức truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng chống bệnh, các khuyến cáo về phòng chống bệnh mùa hè, các khuyến cáo đối với các bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi ... và các dịch bệnh truyền nhiễm hiện đang lưu hành và thường xuyên đăng tải các thông điệp phòng chống dịch trên website của Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc Bộ, các địa phương.
5. Về công tác hậu cần
- Đảm bảo cung cấp đủ vắc xin Sởi - Rubella cho 63 tỉnh, thành phố triển khai tiêm định kỳ hàng tháng, cũng như chiến dịch tiêm cho trẻ 1-4 tuổi tại các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao. Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc, sinh phẩm, kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư và chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, sự ủng hộ và phối hợp hiệu quả từ các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và đặc biệt là sự tham gia tích cực của mọi người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Để làm tốt công tác phòng chống dịch, ngoài nỗ lực của ngành Y tế cần có sự chủ động phối hợp của chính quyền các cấp và người dân. Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các cấp quan tâm đầu tư hơn nữa cho hoạt động phòng chống dịch được thực hiện hiệu quả trên địa bàn.
Câu 95. Cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị: Cử tri phản ánh, hoạt động khám chữa bệnh cho người có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) tuyến xã, tuyến huyện hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do các quy định, hướng dẫn của các cơ quan chủ quản thiếu thống nhất, ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm và cơ sở KCB; tiền lương và các khoản phụ cấp của cán bộ y tế không được chi trả kịp thời, đời sống gặp khó khăn. Cụ thể: Nghị định 146/NĐ-CP, ngày 17/10/2018 của Chính phủ và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2018. Tuy nhiên, chi phí KCB BHYT không được cơ quan BHXH thanh, quyết toán thực hiện theo các văn bản trước đó, cụ thể trên địa bàn tỉnh Lào Cai:
- Chí phí KCB BHYT tại tuyến xã vượt quỹ là: 4.611.394.847 đồng (Năm 2016, tuyến xã vượt quỹ 3.905.192.412 đồng; năm 2017, tuyến xã vượt: 706.202.435 đồng);
- Tiền giường điều trị nội trú tại Phòng khám Đa khoa khu vực (PKĐKKV) trên địa bàn tỉnh chưa được thanh, quyết toán: 13.457.640.000 đồng (Năm 2017: 12.646.965.000 đồng; Quý I/2018: 810.675.000 đồng);
- Năm 2017, các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh chưa được thanh, quyết toán chi phí vượt 130% công suất sử dụng giường bệnh, kinh phí: 12.405.691.549 đồng.
Đề nghị giải quyết các vướng mắc trên.
Câu 96. Cử tri tỉnh Lai Châu kiến nghị: Cử tri đề nghị nghiên cứu, sớm có phương án xem xét, giải quyết việc Bảo hiểm xã hội các tỉnh (trong đó có tỉnh Lai Châu) nợ tiền giường điều trị nội trú năm 2017 của các Phòng khám Đa khoa khu vực các huyện sau khi thực hiện văn bản chỉ đạo số 618/BYT-KCB, ngày 25/01/2018 của Bộ Y tế và văn bản số 486/BHXH-CSYT, ngày 09/02/2018 của BHXHVN về việc khám, chữa bệnh tại Phòng khám Đa khoa khu vực. Hiện tại, tỉnh Lai Châu còn 5.666.921.796đ tiền giường điều trị nội trú năm 2017 của các Phòng khám Đa khoa khu vực chưa được BHXH thanh toán.
Trả lời:
1. Về việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh
Tại Điểm a, Khoản 4, Điều 6 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 quy định “Tổng kinh phí khám bệnh, chữa bệnh tại Trạm y tế xã tối thiểu bằng 10% và tối đa không vượt quá 20% của quỹ khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tính trên số thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh tại Trạm y tế xã …). Đây là nguyên nhân gây khó khăn, vướng mắc trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến xã. Ngày 17 tháng 10 năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chinh phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luât bảo hiểm y tế, trong đó đã bãi bỏ quy định trên.
Về việc cơ quan Bảo hiểm xã hội chưa thanh toán số tiền chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến xã vượt quỹ (4.611.394.847 đồng) cho tỉnh Lào Cai, Bộ Y tế đã có công văn số 1267/BYT-BH ngày 11/3/2019 đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Lào Cai xem xét và sớm thanh toán cho Trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
2. Về việc thanh toán tiền giường điều trị nội trú tại Phòng khám Đa khoa khu vực (PKĐKKV)
Trong thời gian qua, Bộ Y tế nhận được ý kiến của một số Sở Y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phản ánh về vướng mắc liên quan đến thực hiện khám, chữa bệnh nội trú và thanh toán chi phí giường bệnh nội trú tại phòng khám đa khoa khu vực. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã có văn bản số 618/BYT-KCB ngày 25/02/2018 về việc khám chữa bệnh tại phòng khám đa khoa khu vực, trong đó hướng dẫn Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát và sắp xếp tổ chức, hoạt động của phòng khám đa khoa khu vực theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Việc Bảo hiểm xã hội chưa thanh toán chi phí giường bệnh cho phòng khám đa khoa khu vực là một trong các nội dung vướng mắc chung của các địa phương, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nhiều lần họp giải quyết nhưng chưa thống nhất. Ngày 01/2/2019 Bộ Y tế đã gửi văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo cụ thể hiện trạng nêu trên (công văn số 574/BYT-BH). Hiện tại Bộ Y tế đang tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trong thời gian sớm nhất.
Câu 97. Cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị: Cử tri huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ Y tế sớm cấp mã khám chữa bệnh cho 02 (hai) đơn nguyên điều trị Mường Hum và Trịnh Tường đã được cấp phép hoạt động (Giấy phép số 164/LCA-GPHĐ; Giấy phép số 165/LCA-GPHĐ, ngày 05/7/2018) và hướng dẫn chi tiết về phạm vi hoạt động của các đơn nguyên điều trị khám chữa bệnh mới được cấp phép.
Trả lời:
1. Về việc cấp mã cơ sở khám, chữa bệnh
Thực hiện Quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 42 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, ngày 30/1/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 384/QĐ-BYT về nguyên tắc cấp mã cơ sở y tế và ngày 01/2/2019 Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 115/KCB-QLCL&CĐT về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 384/QĐ-BYT ngày 01/02/2019. Theo đó, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp mã cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đóng trên địa bàn tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, trừ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Vì vậy, việc cấp mã cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho hai đơn nguyên mà cử tri đề nghị thuộc thẩm quyền của Sở Y tế Lào Cai. Đề nghị cử tri phản ánh kiến nghị này đến Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai để chỉ đạo Sở Y tế tỉnh thực hiện.
2. Việc hướng dẫn chi tiết về phạm vi hoạt động của các đơn nguyên điều trị khám chữa bệnh mới được cấp phép, trong đó có Mường Hum và Trịnh Tường
Ngày 26/2/2019, Sở Y tế Lào Cai đã ban hành Quyết định 122/QĐ-SYT về việc thu hồi giấy phép hoạt động đối với 18 đơn nguyên điều trị thuộc các bệnh viện đa khoa huyện, thành phố của Tỉnh Lào Cai (trong đó có 02 đơn nguyên điều trị Mường Hum và Trịnh Tường).
Sau khi có Quyết định thu hồi nêu trên, Sở Y tế Lào Cai sẽ tiến hành cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở dưới hình thức phòng khám đa khoa khu vực (sẽ được cấp mã theo Quyết định số 384/QĐ-BYT ngày 01/2/2019 về nguyên tắc cấp mã cơ sở y tế) và chức năng nhiệm vụ đã được quy định tại Thông tư 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và phòng y tế thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn và căn cứ trên chức năng, nhiệm vụđược giao, Sở Y tế chịu trách nhiệm chủ động phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xem xét, giải quyết vấn đề cụ thể cho từng Phòng khám đa khoa khu vực.
Câu 98. Cử tri tỉnh Phú Thọ kiến nghị: Đề nghị xem xét việc thực hiện chính sách thông tuyến đối với các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng quy định thực hiện công tác khám, chữa bệnh theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế như tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh và tuyến trung ương; tránh tình trạng người bệnh bỏ qua tuyến y tê cơ sở lên tuyến trên khám, chữa bệnh, gây tình trạng quá tải cho tuyến trên.
Trả lời:
Để tránh việc quá tải cho tuyến trên, Luật bảo hiểm y tế đã quy định cho thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện (tuyến y tế cơ sở) từ 01/01/2016.
Bộ Y tế sẽ tổ chức các đợt đánh giá về mặt tích cực và hạn chế của chính sách thông tuyến huyện, từ đó xây dựng giải pháp và có nhứng điều chỉnh, bổ sung thích hợp trong dự án sửa Luật bảo hiểm y tế để bảo đảm việc thông tuyến tỉnh theo Luật từ 01/01/2021 phù hợp cả về thực tiễn và chính sách, người bệnh yên tâm và tin tưởng chất lượng điều trị của các tuyến, nhất là tuyến y tế cơ sở.
Câu 99. Cử tri tỉnh Bến Tre kiến nghị: Cử tri phản ánh: Hiện nay, một số bệnh viện tuyến huyện và trạm y tế xã trong các ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày nghỉ lễ vẫn bố trí y bác sĩ trực, khi người bệnh có nhu cầu khám bệnh, bệnh viện, trạm y tế vẫn tiếp nhận khám bệnh. Tuy nhiên, người bệnh phải trả chi phí khám bệnh và phải mua thuốc mà không được thanh toán bằng bảo hiểm y tế (trừ trường hợp cấp cứu) ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Cử tri đề nghị xem xét trường hợp nếu bệnh viện, cơ sở y tế có đủ điều kiện bố trí được y, bác sĩ trực và tổ chức khám chữa bệnh vào ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày nghỉ lễ, nếu bệnh nhân có nhu cầu khám bệnh thì vẫn được thanh toán bảo hiểm y tế theo quy định.
Câu 100. Cử tri tỉnh Tiền Giang kiến nghị: Cử tri phản ánh: “Việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chỉ được thực hiện trong giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần gây khó khăn cho người bệnh. Một số nơi có tổ chức KCB BHYT ngày thứ 7 nhưng phải trả thêm phí.” Do đó, cử tri đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế để tổ chức thực hiện KCB BHYT cả ngày thứ 7 và Chủ nhật, nhất là ở những nơi có khu, cụm công nghiệp, nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện KCB BHYT khi có nhu cầu. Bởi, hầu hết các công nhân, người lao động đều phải làm việc 6 ngày/tuần, chỉ được nghỉ ngày chủ nhật. Hơn nữa, nếu trong ngày làm việc, mà họ xin nghỉ đi KCB thì mặc dù vẫn được giải quyết cho nghỉ, nhưng đa số các công ty đều hạ bậc chuyên cần và gây ảnh hưởng đến xếp loại của công nhân trong tháng đó. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiền lương hàng tháng thực nhận của họ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho công nhân khi có bệnh vẫn không sử dụng BHYT KCB mà đi khám bên ngoài, hiệu quả của chính sách BHYT hiện nay còn chưa cao.
Câu 101. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Cử tri tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế sớm triển khai thực hiện công tác hưởng bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh vào các ngày thứ bảy và chủ nhật, tạo điều kiện cho bà con nhân dân trong công tác khám chữa bệnh.
Trả lời :
Hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh đều phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về lao động và thời gian lao động, do vậy các cơ sở y tế quyết định có hoặc không tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngoài giờ phải dựa trên khả năng cung cấp dịch vụ của cơ sở y tế và quy định của Luật Lao động.
Nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của người dân vào các ngày nghỉ, ngày lễ, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã phối hợp ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện hoạt động này như sau:
- Đối với các cơ sở y tế có tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ, ngày lễ: Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 02/7/2015 của Bộ Y tế-Bộ Tài chính quy định: Trường hợp cơ sở y tế có tổ chức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ, ngày lễ phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm xã hội để bổ sung vào hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh trước khi thực hiện. Người có thẻ bảo hiểm y tế đến khám bệnh, chữa bệnh được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế. Cơ sở y tế có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, phải công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng của người bệnh tham gia bảo hiểm y tế và phải thông báo trước cho người bệnh, người bệnh phải tự chi trả phần chi phí ngoài phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế (nếu có)”.
- Đối với các cơ sở khám chữa bệnh không tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ, ngày lễ: Các trường hợp cấp cứu vào ngày nghỉ, ngày lễ thì quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế không thay đổi so với các ngày trong tuần (từ thứ 2 đến thứ 6) và chi phí khám chữa bệnh sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán theo các quy định về mức hưởng bảo hiểm y tế.
Hiện nay, theo các quy định về đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu, người dân có thể tìm hiểu, đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở có thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ, ngày lễ. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người dân nên đi khám chữa bệnh càng sớm càng tốt nhằm nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, không nên chờ đến ngày nghỉ mới đi khám. Mặt khác, việc bảo đảm đủ nhân lực để tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày lễ, ngày nghỉ còn rất khó khăn, nhất là cơ sở khám chữa bệnh vùng sâu vùng xa.
Câu 102. Cử tri tỉnh Bến Tre kiến nghị : Cử tri kiến nghị ngành Y tế quan tâm trang bị thêm các thiết bị y tế hiện đại cho các bệnh viện tuyến tỉnh, để giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương, có như vậy việc khám chữa bệnh mới đảm bảo chất lượng.
Trả lời:
Trong những năm vừa qua, bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách địa phương, Bộ Y tế đã tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số Chương trình, Đề án, dự án đầu tư từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước, Trái phiếu chính phủ, ODA,..., như Đề án 47, Đề án 930, Đề án Y tế cơ sở theo Quyết định số 2348, Đề án 362, Đề án 317, Chương trình mục tiêu quốc gia y tế dân số, Đề án 125, các dự án ODA hỗ trợ y tế địa phương,.. nhằm tăng cường năng lực cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế từ tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện, nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho cả hệ thống dần dần đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Từ năm 2006 đến nay,nhà nước đã đầu tư hơn 56.000 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ và gần 400 triệu USD từ viện trợ ODA để xây dựng, nâng cấp, mở rộng 766 bệnh viện từ bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, trung ương và hơn 2.000 trạm y tế xã, trên 114 phòng khám đa khoa khu vực.
Theo phân cấp quản lý của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật thì ngân sách địa phương có nhiệm vụ chi đầu tư cho các cơ sở y tế do địa phương quản lý; ngân sách Trung ương chỉ mang tính chất hỗ trợ. Vì vậy, việc đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở y tế đều đã được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của địa phương theo đề nghị của Sở Y tế.
Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế tiếp tục báo cáo Chính phủ, Quốc hội kế hoạch đầu tư, nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị cho y tế từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước, Trái phiếu chính phủ, ODA, các nguồn vốn hợp pháp khác (xã hội hoá, hợp tác công tư,...) nhằm mục tiêu giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của toàn hệ thống.
Ngoài các nguồn vốn trên, trong điều kiện ngân sách cho y tế còn nhiều khó khăn nên Chính phủ đã cho phép các cơ sở y tế được liên doanh, liên kết, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư theo hình thức xã hội hóa theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ.
Bộ Y tế cũng đã tích cực cải cách cơ chế tài chính. Thực hiện chủ trương cải cách tài chính công của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế đã trình Chính phủ điều chỉnh giá khám, chữa bệnh nhằm tính đúng tính đủ chi phí, tạo được nguồn thu phục vụ tái đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh. Các địa phương có thể sử dụng một phần ngân sách nhà nước hàng năm dự kiến giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập làm nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình kết cấu các khoản chi trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để chi đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để nâng cao chất lượng điều trị.
Tuy nhiên, do nhu cầu đầu tư còn rất lớn, nên rất cần sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các địa phương trong việc tăng cường đầu tư cho y tế địa phương để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được với dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao ngay tại địa phương, dần từng bước xóa bỏ tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên. Bộ Y tế cũng đề nghị các vị Đại biểu Quốc hội, các cử tri có ý kiến để Quốc hội tiếp tục tăng đầu tư cho y tế.
Câu 103. Cử tri TP. Hà Nội kiến nghị: Cử tri phản ánh hiện nay việc khám, chữa bệnh tại các Bệnh viện tuyến cơ sở còn khó khăn, thiếu trang thiết bị và đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao, người dân bị bệnh hiểm nghèo phải chuyển tuyến trên. (1) Đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ ngành chức năng tăng cường luân chuyển bác sĩ giỏi và (2) đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại về tuyến sơ sở để người bệnh được điều trị, góp phần khắc phục tình trạng các bệnh viện lớn bị quá tải.
Trả lời:
1. Về tăng cường luân chuyển Bác sỹ giỏi cho các bệnh viện tuyến cơ sở
- Nghị định số 117/2014/NĐ-CP đã quy định cán bộ y tế làm việc tại Trạm y tế là viên chức, do Trung tâm y tế huyện quản lý, được hưởng các chế độ chính sách đối với viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Giám đốc Trung tâm y tế huyện có thể điều động, luân chuyển viên chức công tác tại Trung tâm y tế huyện và các Trạm y tế xã đảm bảo hoạt động chuyên môn tại các các cơ sở y tế trên địa bàn huyện.
- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 về thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám chữa bệnh; Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư số 18/2014/TT-BYT hướng dẫn thực hiện Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg về chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh. Theo đó, bác sỹ, điều dưỡng, hộ sinh từ tuyến Trung ương xuống tỉnh, tỉnh xuống huyện, huyện xuống xã, từ vùng không khó khăn đến vùng khó khăn với thời gian tối thiểu 6 tháng và tối đa là 12 tháng. Bộ Y tế đã thực hiện tốt việc chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới theo đề án luân chuẩn cán bộ. Nhiều địa phương đã tổ chức các đội y tế lưu động, khám chữa bệnh và CSSK cho nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa.
- Bộ Y tế đã thực hiện tốt đề án 1816, bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới qua đó tăng cường được đội ngũ cán bộ chuyên môn tay nghề giỏi tại tuyến cơ sở để cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng, gần dân hơn, hiệu quả hơn. Nhiều địa phương đã tổ chức các đội y tế lưu động, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Thực hiện Dự án thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác vùng khó khăn, 62 huyện nghèo: Để có nguồn nhân lực y tế chất lượng phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân được tốt, tiến tới mọi người dân được bình đẳng trong việc thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 585/QĐ-BYT phê duyệt Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” nhằm thu hút bác sỹ trẻ mới ra trường tình nguyện về công tác tại các vùng khó khăn.Đến nay đã tuyển dụng và đào tạo chuyên khoa cấp I cho 354 Bác sỹ trẻ tình nguyện, trong đó có đã có nhiều bác sỹ trẻ đã tốt nghiệp và được cử về công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân các huyện khó khăn.
2. Đẩy mạnh đào tạo nhân lực tại chỗ dưới nhiều hình thức:
+ Đào tạo nhân lực tại chỗ: Đối với các tỉnh còn khó khăn về nhân lực đề nghị tiếp tục tăng cường công tác đào tạo cán bộ y - dược hệ chính quy, đào tạo hệ cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo bác sỹ hệ liên thông với quy mô hợp lý cho đối tượng là người địa phương, sau khi tốt nghiệp trở về công tác tại địa phương nhằm giúp các tỉnh tháo gỡ khó khăn về nhân lực. Giảm dần quy mô đào tạo cử tuyển khi đã có đủ cán bộ.
+ Đào tạo liên tục (hỗ trợ của các dự án, đề án: 1816, bệnh viện vệ tinh, bệnh viện hạt nhân…).Cán bộ y tế cơ sở đã được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật kiến thức mới góp phần nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở để có thể thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm tình trạng vượt tuyến không cần thiết.
3. Về Đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại về tuyến sơ sở
Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ các chính sách tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở. Đối với bệnh viện huyện: Thực hiện Nghị quyết số 73/2018/NQ-QH14 ngày 14/11/2018 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ và Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 23/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, trong đó có hướng dẫn đối với ngân sách của địa phương, phần kinh phí dành ra từ giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính (do thực hiện tinh giản biên chế và đổi mới, sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả) và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập (do thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập), được sử dụng theo nguyên tắc: dành 50% bổ sung nguồn cải cách tiền lương để thực hiện chi trả tiền lương tăng thêm do tăng mức lương cơ sở trong từng lĩnh vực chi tương ứng; dành 50% còn lại thực hiện chi trả các chính sách an sinh xã hội do địa phương ban hành và tăng chi cho nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực tương ứng. Việc quyết định chi cho từng nội dung do các địa phương quyết định theo đúng thẩm quyền quy định tại Luật Ngân sách nhà nước.
Bộ Y tế tiếp tục kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét đề nghị của các địa phương, bố trí vốn đầu tư cho một số bệnh viện /trung tâm y tế huyện mới chia tách, huyện miền núi, khó khăn chưa có cơ sở; đầu tư cho y tế cơ sở…
Ngày 05/12/2016 Bộ Y tế đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2348/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, để triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong Quyết định này, Bộ Y tế đã xây dựng Chương trình hành động số 1379/CTr-BYT ngày 19/12/2017 triển khai thực hiện Đề án Xây dựng và Phát triển mạng lưới y tế cơ sởgiai đoạn 2018–2020và Hướng dẫn số 1383/HD-BYT ngày 19/12/2017 triển khai Mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã giai đoạn 2018–2020. Đề nghị các địa phương xây dựng Đề án của tỉnh trình HĐND và UBND phê duyệt để làm cơ sở đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và triển khai các hoạt động tại tuyến y tế cơ sở theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, đầu tư các trạm y tế xã thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Tuy nhiên, Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các nhà tài trợ để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép được sử dụng các ngồn ODA để hỗ trợ cho y tế cơ sở ở một số tính khó khăn.
Để có nguồn tài chính thực hiện Quyết định số 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng và các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện thí điểm nêu trên, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương ưu tiên ngân sách địa phương, sử dụng một phần ngân sách giảm cấp cho các bệnh viện (do thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế nên giảm được ngân sách chi thường xuyên cấp cho các bệnh viện) để tăng chi cho y tế công cộng, phòng bệnh và y tế cơ sở.
Câu 104. Cử tri TP. Hà Nội kiến nghị: Cử tri phản ánh hiện nay y tế cơ sở còn nhiều khó khăn, bất cập chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu có cơ chế chính sách quan tâm (1) đầu tư cơ sở vật chất, (2) nhân lực, chế độ chính sách cho cán bộ y tế cơ sở để thu hút đội ngũ cán bộ y tế có trình độ về công tác tại các trạm y tế đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Trả lời:
- Về đầu tư cơ sở vật chất cho y tế cơ sở
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế xã, Bộ Y tế đã có Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014 ban hành Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020, trong đó có quy định phân loại trạm y tế xã chia thành 3 vùng để đầu tư cho phù hợp, không dàn trải, phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ở từng vùng miền, khu vực; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho các các trạm y tế xã ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo.
Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Y tế đã xây dựng Chương trình hành động số 1379/CTr-BYT ngày 19/12/2017 triển khai thực hiện Đề án Xây dựng và Phát triển mạng lưới y tế cơ sở (giai đoạn 2018 – 2020) và Hướng dẫn số 1383/HD-BYT ngày 19/12/2017 triển khai Mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã giai đoạn 2018 – 2020theo nguyên lý y học gia đình. Phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình ở các nơi có điều kiện, đã có 240 phòng khám bác sỹ gia đình tại 7 tỉnh/TP[6].Một số địa phương như Hà Nội, Hà Tĩnh… đã thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân cho khoảng 80% dân số. Xây dựng và triển khai hệ thống kết nối y tế từ xa (telemedicine) của 26 Trạm y tế xã điểm với các Trung tâm y tế, Bệnh viện tuyến trên, Sở Y tế và Bộ Y tế.
Đề nghị các địa phương xây dựng Đề án của tỉnh trình Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân phê duyệt để làm cơ sở đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và triển khai các hoạt động tại tuyến y tế cơ sở (YTCS) theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, đầu tư các trạm y tế xã thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Tuy nhiên, Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các các nhà tài trợ để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng một số dự án ODA vay vốn WB, ADB đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực cho y tế cơ sở. Hoàn thành phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và đàm phán đối với 2 dự án vay vốn ADB: “Phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2” với số vốn 110,6 triệu USD và “Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn” với số vốn 93,5 triệu USD. Đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án, đang hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với Dự án vay vốn WB “Đổi mới cung ứng dịch vụ y tế” với số vốn 110 triệu USD.
Ngoài ra, để có nguồn tài chính thực hiện Quyết định số 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng và các Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện thí điểm nêu trên, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương ưu tiên ngân sách địa phương, sử dụng một phần ngân sách giảm cấp cho các bệnh viện (do thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế nên giảm được ngân sách chi thường xuyên cấp cho các bệnh viện) để tăng chi cho y tế công cộng, phòng bệnh và y tế cơ sở.
Bộ Y tế đã và đang làm việc với Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á và đang tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện một số dự án vay vốn để đầu tư cho y tế cơ sở, huy động nguồn viện trợ không hoàn lại của EU, đề nghị các tỉnh ưu tiên vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới, CTMTQG giảm nghèo bền vững để đầu tư các trạm y tế xã đạt Tiêu chí quốc gia, góp phần làm tăng số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Riêng tỉnh Nghệ An, Bộ Y tế cũng đã có dự kiến đưa vào danh sách các tỉnh đầu tư từ Dự án:“Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn” sử dụng vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) giai đoạn 2019 - 2024.
- Về phát triển nguồn nhân lực nhân lực, cải thiện chế độ chính sách nhằm thu hút đội ngũ cán bộ có trình độ về công tác tại Trạm Y tế xã
Để thu hút nguồn nhân lực có trình độ, giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của tuyến y tế cơ sở, Bộ Y tế đã triển khai một số các nội dung cụ thể về phát triển nguồn nhân lực và chế độ chính sách đối với cán bộ y tế như:
2.1. Về nhân lực
- Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với các địa phương triển khai có hiệu quả các chính sách của Chính phủ về phát triển nhân lực y tế, đặc biệt là cho y tế cơ sở, như:
+ Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủvề việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Thông tư 10 hướng dẫn thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với bác sỹ, điều dưỡng, hộ sinh từ tuyến Trung ương xuống tỉnh, tỉnh xuống huyện, huyện xuống xã, từ vùng không khó khăn đến vùng khó khăn.
+ Nghị định số 117/2014/NĐ-CP quy định cán bộ y tế làm việc tại Trạm y tế là viên chức, do Trung tâm y tế huyện quản lý, được hưởng các chế độ chính sách đối với viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Giám đốc Trung tâm y tế huyện có thể điều động, luân chuyển viên chức công tác tại Trung tâm y tế huyện và các Trạm y tế xã đảm bảo hoạt động chuyên môn tại các các cơ sở y tế trên địa bàn huyện.
- Đề án 1816 về cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đề án xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh nhằm chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới qua đó tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên môn tay nghề giỏi tại tuyến cơ sở để cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng, gần dân hơn, hiệu quả hơn. Nhiều địa phương đã tổ chức các đội y tế lưu động, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa.
- Triển khai nhiều hình thức đào tạo nhân lực cho y tế cơ sở:
+ Đào tạo nhân lực tại chỗ: Đối với các tỉnh còn khó khăn về nhân lực, đề nghị tiếp tục tăng cường công tác đào tạo cán bộ y - dược hệ chính quy, đào tạo hệ cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo bác sỹ hệ liên thông với quy mô hợp lý cho đối tượng là người địa phương, sau khi tốt nghiệp trở về công tác tại địa phương nhằm giúp các tỉnh tháo gỡ khó khăn về nhân lực.Giảm dần quy mô đào tạo cử tuyển khi đã có đủ cán bộ.
+ Đào tạo liên tục (hỗ trợ của các dự án, đề án: 1816, bệnh viện vệ tinh, bệnh viện hạt nhân…).Cán bộ y tế cơ sở đã được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật kiến thức mới góp phần nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở để có thể thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm tình trạng vượt tuyến không cần thiết.
-Thực hiện Dự án thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác vùng khó khăn, 62 huyện nghèo: Để có nguồn nhân lực y tế chất lượng phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân được tốt, tiến tới mọi người dân được bình đẳng trong việc thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 585/QĐ-BYT phê duyệt Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” nhằm thu hút bác sỹ trẻ mới ra trường tình nguyện về công tác tại các vùng khó khăn. Cho đến nay đã tiến hành đào tạo 08 khóa Bác sỹ chuyên khoa cấp I (154 bác sỹ) theo nhu cầu của các địa phương, trong đó tốt nghiệp được 02 khóa và đã tiến hành bàn giao 14 bác sỹ trẻ tình nguyện về các huyện nghèo.
2.2. Về chế độ chính sách
Để thu hút cán bộ y tế về công tác tại tuyến cơ sở, đặc biệt là tuyến xã/phường, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã luôn chú trọng nghiên cứu, đề xuất các chế độ chính sách đặc thù của Ngành, bên cạnh việc được hưởng các chính sách như: Chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập với mức phụ cấp từ 20% đến 70% mức lương hiện hưởng (Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011); Chế độ phụ cấp độc hại đối với công chức, viên chức ngành y tế (Công văn số 6608 ngày 22/8/2005); Chế độ phụ cấp đặc thù của y tế: phụ cấp thường trực, phẫu thuật, chống dịch (Quyết định số 73/2012/QĐ-TTg); Chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg), cán bộ,viên chức y tế công tác tại tuyến y tế cơ sở hiện được hưởng các chế độ phụ cấp được quy định trong các văn bản sau:
- Nghị định số 64/2009/NĐ-CP quy định về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 22/3/2010 của liên Bộ Y tế, Nội vụ, Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 64/2009/NĐ-CP.
- Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản.
- Đối với y tế xã/phường, thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định một số vấn đề về tổ chức và chế độ chính sách đối với y tế cơ sở, trong đó quy định cán bộ trạm y tế xã, phường, thị trấn thuộc Trung tâm y tế tuyến huyện, viên chức của trạm y tế (trong đó có các bác sỹ) là viên chức của Trung tâm y tế.
- Bên cạnh đó, một số địa phương như tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi,..., đã chủ động ban hành những chính sách thu hút, đãi ngộ đối với đội ngũ bác sỹ về công tác tại trạm y tế xã, qua đó, đã thu hút được nhiều bác sỹ về công tác tại trạm y tế xã.
Trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu để có các giải pháp và xây dựng các chính sách nhằm tăng cường nhân lực có trình độ chuyên môn về công tác tại tuyến huyện, xã nhằm phát huy hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân:
- Tiếp tục thực hiện Nghị định số 64/2009/NĐ-CP.Tuy nhiên theo quy định của Nghị định chế độ phụ cấp thu hút chỉ được hưởng trong 5 năm do vậy đề nghị trình Chính phủ cho viên chức công tác ở vùng khó khăn tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút.
- Triển khai thực hiện Nghị định số117/2014/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm ổn định về tổ chức và nhân lực đối với Trạm y tế xã, phường, thị trấn.
- Đôn đốc, giám sát thực hiệnBộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo Quyết định số 4667/QĐ-BYT.
- Tăng cường đào tạo về quản lý, chuyên môn nghiệp vụ và đào tạo bác sĩ gia đình; tiếp tục thực hiện các hình thức đào tạo nhân lực đặc thù để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho y tế cơ sở ở các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn.
- Có chính sách ưu tiên về giáo dục, đào tạo tuyển dụng, và sử dụng nhân lực y tế cho vùng khó khăn, y tế các tuyến huyện, xã. Coi trọng hơn nữa công tác tuyển dụng và sử dụng nhân lực y tế.
- Tăng cường nhân lực y tế đảm bảo đủ nhân lực, duy trì và bổ sung bác sĩ về hoạt động tại trạm y tế xã. Nghiên cứu đề xuất để tiến tới quy định người hành nghề chuyên môn y tế phải có thời gian công tác nghĩa vụ tại tuyến huyện, tuyến xã.
- Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ và triển khai có hiệu quả các dự án viện trợ cho y tế cơ sở.
- Nghiên cứu xây dựng chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với công chức, viên chức ngành Y tế.
Với các giải pháp đồng bộ trên, thời gian tới y tế tuyến xã, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, sẽ từng bước được cải thiện, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
Câu 105. Cử tri tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị: Khoản 2, Điều 25, Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định: “Chứng chỉ hành nghề được cấp một lần và có giá trị trong phạm vi cả nước”. Đề nghị xem xét sửa theo hướng Chứng chỉ hành nghề được cấp có thời hạn 5 năm, để nâng cao hiệu quả quản lý khám chữa bệnh và phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Câu 106. Cử tri tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị: Điều 44, Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định: Giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh chữa bệnh được cấp 1 lần, nghĩa là cấp phép không có thời hạn. Đề nghị xem xét sửa đổi theo hướng cấp giấy phép hoạt động có thời hạn khoảng 5 năm để tránh trường hợp cơ sở khám bệnh chữa bệnh không còn đáp ứng các điều kiện nhưng vẫn được hoạt động.
Trả lời:
Hiện nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đang tiến hành xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Về các nội dung được nêu trong kiến nghị của cử tri, Bộ Y tế cũng đã tiếp thu ý kiến của các Sở Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề đưa nội dung cấp chứng chỉ hành nghề và Giấy phép hoạt động có thời hạn là 5 năm vào nội dung sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh và sẽ thực hiện khi Luật được Quốc hội thông qua. Các quy định này nhằm bảo đảm người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Câu 107. Cử tri tỉnh Đắk Lắk kiến nghị: Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều địa phương, gây bức xúc dư luận xã hội. Cử tri đề nghị có biện pháp quản lý hiệu quả hơn an toàn thực phẩm, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, nhất là tăng chế tài để xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trả lời:
Luật an toàn thực phẩm đã quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm; thực phẩm phải được quản lý tất cả quá trình từ nuôi trồng, sơ chế, chế biến, vận chuyển, bảo quản, sản xuất, kinh doanh… tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trong thời gian qua, các đơn vị chức năng thuộc các Bộ, ngành và địa phương đã xử lý nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, tuy còn tình trạng vi phạm về chất lượng nhưng tình hình cơ bản đã có chuyển biến.
Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, chế tài về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã cơ bản đầy đủ, đối với một số hành vi vi phạm.Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (hiệu lực từ ngày 20 tháng 10 năm 2018) thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP. Quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nặng hơn, chỉ quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức cảnh cáo, tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm; quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm; xử phạt bổ sung như buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc thu hồi thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.
Đặc biệt tại Điều 317 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực từ 01/01/2018 đối với những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm như nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng…gây hậu quả làm chết người; gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, Gây tổn hại cho sức khỏe... tùy tính chất mức độ vi phạm có thể sẽ bị phạt tù đến 20 năm.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng nghiên cứu các giải pháp nhằm tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng cường thanh tra, kiểm tra hậu kiểm đột xuất theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ chỉ đạo các Bộ: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác hậu kiểm theo Kế hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời, Bộ Y tế cùng với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có những giải pháp về mô hình quản lý an toàn thực phẩm, trước mắt sẽ thí điểm và mở rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận huyện xã phường của 09 tỉnh/thành phố theo Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 kết quả thí điểm sẽ là cơ sở để xem xét đề nghị Quốc hội sửa đổi các luật liên quan để áp dụng cho cả nước.
Câu 108. Cử tri tỉnh Ninh Bình kiến nghị: Hiện nay, tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, mất vệ sinh đang được bán tràn lan trên thị trường nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Cử tri tiếp tục đề nghị Nhà nước cần có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn tình trạng trên.
Trả lời:
Trong thời gian qua, việc bảo đảm an toàn sản xuất, kinh doanh thực phẩm, sử dụng các hóa chất, phụ gia thực phẩm đã và đang được quản lý đã có hiệu quả trên các lĩnh vực và trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện thực tế vẫn còn các vi phạm quy định pháp luật và gây khó khăn trong quản lý: thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc được bày bán với giá rẻ; sử dụng các hóa chất độc hại trong bảo quản thực phẩm; các loại rau, quả sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức hoặc chất không được phép sử dụng trong thực phẩm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do:(1)Một bộ phận người dân đời sống còn khó khăn vẫn chấp nhận sử dụng một số sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn; (2) Vì lợi nhuận một số tổ chức, cá nhân bất chấp các quy định của pháp luật lén lút đưa ra thị trường sản phẩm thực phẩm giả, kém chất lượng hoặc không đúng quy định; (3) Một số tổ chức, địa phương chưa nghiêm túc thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, thậm chí buông lỏng quản lý.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành triển khai một số giải pháp cụ thể:
- Trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 (thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã phân công rõ trách nhiệm quản lý của 3 Bộ gồm Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hướng các Bộ quản lý theo nhóm ngành hàng từ đầu đến cuối; tăng cường phân cấp quản lý an toàn thực phẩm về các cơ quan chức năng địa phương; tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm…
- Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm: Các cá nhân, tổ chức vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang thực hiện nhiệm vụ đầu mối dự thảo với quan điểm thay đổi mức phạt theo hướng nặng hơn, đặc biệt là rút giấy phép và công khai tên trên các phương tiện truyền thông. Đối với hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng được chuyển qua cơ quan điều tra để truy tố theo quy định tại Điều 317 Bộ Luật hình sự với các mức độ xử lý rất nghiêm khắc.
- Tham mưu trình Chính phủ đưa vào Nghị quyết về việc phân công công chức cấp xã theo dõi hoạt động An toàn thực phẩm để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả việc bảo đảm An toàn thực phẩm tại các xã phường tại Khoản 7 Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 10/10/2017 (Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2017). Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 và Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 để tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị từ trung ương đến địa phương trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
- Xây dựng kế hoạch, hướng dẫn địa phương, tổ chức triển khai các đoàn hậu kiểm về điều kiện an toàn thực phẩm đối với sản phẩm, quảng cáo thực phẩm tại các địa phương trọng điểm; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn thực phẩm trong Tháng hành động; kiểm tra theo chuyên đề, đột xuất…
- Tăng cường thông tin truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo đúng quy định.
- Tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, công khai các cơ sở vi phạm và rút giấy phép sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, để giảm tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm thời gian tới Bộ Y tế phối hợp cùng với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có những giải pháp về mô hình quản lý an toàn thực phẩm, trước mắt sẽ thí điểm và mở rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận/ huyện, xã/phường của 09 tỉnh/thành phố theo Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018, kết quả thí điểm sẽ là cơ sở để xem xét đề nghị Quốc hội sửa đổi các luật liên quan để áp dụng cho cả nước.
Câu 109. Cử tri tỉnh Bình Định kiến nghị: Cử tri cho rằng tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm thời gian qua vẫn xảy ra đáng lo ngại. Cử tri kiến nghị Bộ Y tế (1) chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm và công khai các vi phạm về an toàn thực phẩm. (2) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh toán bảo hiểm y tế và trong công tác quản lý khám chữa bệnh.
Trả lời:
1. Về tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kiểm soát, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm
Theo Điều 41 Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủquy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, các Bộ quản lý ngành trong phạm vi quản lý nhà nước được giao có tránh nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó có hoạt động kiểm tra, kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, Bộ Y tế luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương triển khai các giải pháp nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn thực phẩm trong năm 2018, cụ thể:
- Ban hành văn bản hướng dẫn tăng cường giám sát, phòng chống và xử lý kịp thời các vụ ngộ độc thực phẩm theo đặc điểm, theo mùa, theo địa bàn và theo đối tượng có nguy cơ (Công văn phòng chống ngộ độc thực phẩm trong Tết nguyên đán và lễ hội Xuân, công văn phòng chống ngộ độc thực phẩm mùa Hè, công văn bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa bão lũ, công văn phòng chống ngộ độc thực phẩm dịp Tết trung thu, công văn tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc rượu, nấm độc, công văn phòng chống ngộ độc thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học...). Ban hành các văn bản hướng dẫn điều tra, xử lý đối với các vụ ngộ độc thực phẩm có quy mô lớn (trên 30 người mắc) và các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tử vong.
- Ban hành các văn bản hướng dẫn giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, cảnh báo cho cộng đồng và dự phòng ngộ độc thực phẩm đối với thực phẩm được sản xuất, kinh doanh trong phạm vi toàn quốc. Giám sát chặt chẽ các thông tin cảnh báo về ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và sự cố về an toàn thực phẩm để xác minh, xử lý kịp thời, góp phần kiểm soát về ngộ độc thực phẩm trong toàn quốc.
- Tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra hậu kiểm đối với sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo kế hoạch, theo chuyên đề để phát hiện sớm và xử lý nghiêm các vi phạm.
- Tăng cường thông tin truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo đúng quy định.
- Triển khai 19 đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm trong năm 2018 theo kế hoạch và 21 đoàn kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của công tác quản lý; đã xử phạt vi phạm hành chính 113 cơ sở với 170 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt 6,086 tỷ đồng. So với năm 2017, số cơ sở xử phạt tăng hơn 2 lần, số tiền xử phạt tăng hơn 3 lần. Cùng với phạt tiền, tạm dừng lưu thông 76 lô sản phẩm vi phạm; thu hồi 56 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, 08 Giấy xác nhận nội dung quảng cáo và 09 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; chuyển Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử 23 trường hợp; chuyển cơ quan điều tra 10 vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả.
Về xử lý các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm
Điều 317 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực từ 01/01/2018, đã bổ sung những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý theo pháp luật, bao gồm: nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng… gây hậu quả làm chết người; gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gây tổn hại cho sức khỏe... tùy tính chất mức độ vi phạm có thể sẽ bị phạt tù đến 20 năm.
Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực từ ngày 20 tháng 10 năm 2018) thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP. Mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã được quy định cao hơn so với trước, chỉ quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức cảnh cáo, tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm; quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm; xử phạt bổ sung như buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc thu hồi thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh toán bảo hiểm y tế và trong công tác quản lý khám chữa bệnh
- Kết quả ứng dụng CNTT trong thanh toán BHYT: Thực hiện chỉ đạo của Chỉnh phủ, ngày 29/6/2016, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai công tác phát triển BHYT giai đoạn 2016–2020 và khai trương Cổng dữ liệu y tế tại địa chỉ http://congdulieuyte.vn và Hệ thống thông tin Giám định BHYT.Đến nay, có khoảng 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã kết nối, liên thông dữ liệu đến hệ thống giám định bảo hiểm y tế của cơ quan Bảo hiểm xã hội để thực hiện giám định tự động trên phần mềm. Đây là một cải cách lớn trong quy trình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế mà ngành Bảo hiểm xã hội và ngành Y tế nỗ lực triển khai.Bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế khi đến khám, chữa bệnh sẽ được kiểm tra trực tiếp với cơ sở dữ liệu thẻ do cơ quan bảo hiểm xã hội cấp, quản lý tránh được tình trạng lạm dụng thẻ, thẻ cắt giảm, hết hạn.Dữ liệu, thông tin liên quan đến khám, chữa bệnh được gửi ngay sau khi bệnh nhân ra viện lên Cổng thông tin của cơ quan Bảo hiểm xã hội và Bộ Y tế để có thể quản lý thông tuyến và thực hiện tạm ứng, thanh quyết toán dựa trên hệ thống thông tin giám định.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý khám chữa bệnh
Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)trong công tác quản lý khám chữa bệnh ở các đơn vị, địa phương đã có bước chuyển biến mạnh mẽ trong mấy năm gần đây. Tỷ lệ bao phủ hệ thống thông tin bệnh viện là 73%, trong đó bệnh viện Trung ương chiếm trên 90%, tuyến tỉnh chiếm 75%, tuyến huyện 70%, tư nhân chiếm 71%.
Hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh tại tất cả các Bệnh viện trực thuộc Bộ gồm: hạ tầng, quản lý điều hành, hệ thống thông tin bệnh viện - HIS, hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh PACS, hệ thống xét nghiệm – LIS, bệnh án điện tử - EMR, y tế từ xa – telemedicine.Hướng dẫn và thực hiện thẩm định chuyên môn kỹ thuật đối với các bệnh viện tham gia triển khai Đề án thí điểm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) tại bệnh viện (Quyết định số 4868/QĐ-BYT ngày 16/11/2015), với mục tiêu thí điểm ứng dụng hệ thống PACS trong quản lý và xử lý hình ảnh, đọc kết quả, trả kết quả chẩn đoán hình ảnh không sử dụng phim, trên cơ sở đó Bộ Y tế đánh giá chi phí hiệu quả để có thể áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Đến nay có 15 bệnh viện (Hữu Nghị, Đa khoa quốc tế Hải Phòng, Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh, Quận Thủ Đức, Nhân dân Gia Định, Đa khoa Thành phố Vinh, Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Thống Nhất, Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Đại học Y Hà Nội, Hữu Nghị Việt Tiệp Hải Phòng, Nhi Trung ương, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê – Phú Thọ) đã triển khai thành công PACS không sử dụng phim.
Câu 110. Cử tri tỉnh Bạc Liêu kiến nghị: Đề nghị cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra và xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm nhất là trước và sau tết nguyên đán năm 2019.
Trả lời:
1. Việc tăng cường triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm
Công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm hiện nay được thực hiện bởi các Bộ ngành và các địa phương, các đơn vị chức năng của các Bộ ngành và các địa phương từ Trung ương đến địa phương đến cấp xã, phường. Trong các cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành đều có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, Trung ương/tỉnh, thành phố/quận, huyện/ xã phường. Còn thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) mới thực hiện ở cấp Trung ương và cấp tỉnh/thành phố; còn cấp quận, huyện và xã, phường thực hiện kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ thẩm quyền quy định.
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, hàng năm Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) và các địa phương đều có kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành nhân dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Thanh tra kiểm tra trong dịp Tết trung thu, thanh tra, kiểm tra chuyên đề theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thanh tra, kiểm tra đột xuất. Theo báo cáo của các đoàn liên ngành Trung ương và 63 tỉnh/thành phố, tình hình vi phạm và xử lý vi phạm trong các đợt thanh tra, kiểm tra năm 2018 cho thấy cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 673.490 cơ sở, phát hiện 116.258 cơ sở vi phạm về ATTP chiếm 17,26%; đã xử lý 41.229 cơ sở (chiếm 35,46% số cơ sở vi phạm), trong đó phạt tiền 35.613 cơ sở với số tiền phạt: 82.565.278.934 đồng (riêng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã xử phạt vi phạm hành chính 113 cơ sở với 170 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt là 6.086.368.013 đồng. So với năm 2017, số cơ sở xử phạt năm 2018 tăng hơn 2 lần, số tiền xử phạt tăng hơn 3 lần).
Trong đợt thanh tra, kiểm tra Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, theo báo cáo của 06 Đoàn kiểm tra tuyến Trung ương và 63 địa phương cho thấy, số cơ sở được kiểm tra là 158.351 cơ sở, phát hiện 25.095 cơ sở vi phạm về ATTP chiếm 15,85%; đã xử lý 4.140 cơ sở (chiếm 16,5% số cơ sở vi phạm), trong đó phạt tiền 3.564 cơ sở với số tiền phạt: 10.273.649.500đồng.
2. Về chế tài xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm
Hiện nay, chế tài xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm cơ bản đầy đủ, đối với một số hành vi vi phạm, Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP (có hiệu lực từ ngày 20/10/2018) thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP. Quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về ATTP có tính răn đe hơn, chỉ quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức cảnh cáo, tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm; quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm; xử phạt bổ sung như buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc thu hồi thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.
Để giảm tình trạng vi phạm về ATTP trong thời gian tới cần phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm của chính quyền địa phương và người dân. Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành các văn bản và chính sách pháp luật liên quan đầy đủ. Cụ thể: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, trong đó chỉ đạo người đứng đầu các Bộ, ngành địa phương chịu trách nhiệm về ATTP; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về ATTP, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất. Thời gian tới Bộ Y tế cùng với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có những giải pháp về mô hình quản lý ATTP, trước mắt sẽ thí điểm và mở rộng thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận/huyện, xã/phường của 09 tỉnh/thành phố theo Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018, kết quả thí điểm sẽ là cơ sở để xem xét đề nghị Quốc hội sửa đổi các luật liên quan để áp dụng cho cả nước.
Câu 111. Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri đề nghị tăng cường công tác kiểm tra và xử lý thật nặng các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm giáo dục, nâng cao ý thức đối tượng vi phạm, để nhận thức tầm quan trọng việc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Trả lời:
Xem nội dung trả lời tại câu số 109 và câu số 110
Câu 112. Cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị: Những tháng cuối năm là thời điểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chuẩn bị nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng. Ngoài nỗi lo về giá cả, người tiêu dùng còn lo lắng về các loại thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng quá hạn sử dụng, thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, trong đó, đáng lo ngại là mặt hàng thực phẩm tươi sống, gia cầm, gia súc và sản phẩm của gia cầm, gia súc,... Ngoài ra, đây cũng là thời điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra các sự cố an toàn thực phẩm như: ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa sau bữa ăn… Cử tri đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, ngăn chặn lây lan dịch bệnh; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; tăng cường hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm đã được kiểm soát và chứng nhận an toàn thực phẩm; có chế tài xử lý thật mạnh, xử lý hình sự theo mức độ vi phạm, công khai kết quả xử lý đối với hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức không thực hiện tốt công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng, ổn định thị trường, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Trả lời:
1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phân công, nội dung quản lý nhà nước về công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, ngăn chặn lây lan dịch bệnh; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; tăng cường hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm đã được kiểm soát và chứng nhận an toàn thực phẩm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm thực hiện. Bộ Y tế kính đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi chuyển nội dung kiến nghị của cử tri để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời theo thẩm quyền.
2. Về chế tài xử lý thật mạnh, xử lý hình sự theo mức độ vi phạm, công khai kết quả xử lý đối với hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm
Hiện nay, chế tài xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm cơ bản đầy đủ, đối với một số hành vi vi phạm, Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/ 9/ 2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP (hiệu lực từ ngày 20/10/2018) thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP. Quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về ATTP có tính răn đe hơn, chỉ quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức cảnh cáo, tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm; quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm; xử phạt bổ sung như buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc thu hồi thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.
Để giảm tình trạng vi phạm về ATTP trong thời gian tới cần phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm của địa phương.Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành các văn bản và chính sách pháp luật liên quan đầy đủ. Cụ thể: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, trong đó chỉ đạo người đứng đầu các Bộ, ngành địa phương chịu trách nhiệm về ATTP; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về ATTP, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất. Thời gian tới Bộ Y tế cùng với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ có những giải pháp về mô hình quản lý ATTP, trước mắt sẽ thí điểm và mở rộng thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận/ huyện, xã/phường của 09 tỉnh/thành phố theo Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018, kết quả thí điểm sẽ là cơ sở để xem xét đề nghị Quốc hội sửa đổi các luật liên quan để áp dụng cho cả nước.
- Về việc xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức không thực hiện tốt công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm
Nhằm đề cao trách nhiệm, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, ngày 09/5/2016 Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Theo đó, các Bộ ngành chịu trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm và các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý an toàn thực phẩm. Qua kết quả theo dõi các Bộ ngành đã thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Câu 114. Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: Đề nghị giám sát, chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ những nhà sản xuất có uy tín, trách nhiệm, đảm bảo chất lượng hàng hóa Việt Nam trên thị trường.
Trả lời:
Trong thời gian qua, việc bảo đảm an toàn sản xuất, kinh doanh thực phẩm, sử dụng các hóa chất, phụ gia thực phẩm đã và đang được quản lý đã có hiệu quả trên các lĩnh vực và trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện thực tế vẫn còn các vi phạm quy định pháp luật và gây khó khăn trong quản lý: thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc được bày bán với giá rẻ; sử dụng các hóa chất độc hại trong bảo quản thực phẩm; các loại rau, quả sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức hoặc chất không được phép sử dụng trong thực phẩm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do:(1)Một bộ phận người dân đời sống còn khó khăn vẫn chấp nhận sử dụng một số sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn; (2) Vì lợi nhuận một số tổ chức, cá nhân bất chấp các quy định của pháp luật lén lút đưa ra thị trường sản phẩm thực phẩm giả, kém chất lượng hoặc không đúng quy định; (3) Một số tổ chức, địa phương chưa nghiêm túc thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, thậm chí buông lỏng quản lý.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành triển khai một số giải pháp cụ thể:
- Trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 (thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã phân công rõ trách nhiệm quản lý của 3 Bộ gồm Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hướng các Bộ quản lý theo nhóm ngành hàng từ đầu đến cuối; tăng cường phân cấp quản lý an toàn thực phẩm về các cơ quan chức năng địa phương; tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm…
- Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm: Các cá nhân, tổ chức vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang thực hiện nhiệm vụ đầu mối dự thảo với quan điểm thay đổi mức phạt theo hướng nặng hơn, đặc biệt là rút giấy phép và công khai tên trên các phương tiện truyền thông. Đối với hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng được chuyển qua cơ quan điều tra để truy tố theo quy định tại Điều 317 Bộ Luật hình sự với các mức độ xử lý rất nghiêm khắc.
- Tham mưu trình Chính phủ đưa vào Nghị quyết về việc phân công công chức cấp xã theo dõi hoạt động An toàn thực phẩm để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả việc bảo đảm An toàn thực phẩm tại các xã phường tại Khoản 7 Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 10/10/2017 (Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2017). Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 và Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 để tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị từ Trung ương đến địa phương trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
- Xây dựng kế hoạch, hướng dẫn địa phương, tổ chức triển khai các đoàn hậu kiểm về điều kiện an toàn thực phẩm đối với sản phẩm, quảng cáo thực phẩm tại các địa phương trọng điểm; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn thực phẩm trong Tháng hành động; kiểm tra theo chuyên đề, đột xuất…
- Tăng cường thông tin truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo đúng quy định.
- Tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, công khai các cơ sở vi phạm và rút giấy phép sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, để giảm tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm thời gian tới Bộ Y tế phối hợp cùng với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có những giải pháp về mô hình quản lý an toàn thực phẩm, trước mắt sẽ thí điểm và mở rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận/ huyện, xã/phường của 09 tỉnh/thành phố theo Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018, kết quả thí điểm sẽ là cơ sở để xem xét đề nghị Quốc hội sửa đổi các luật liên quan để áp dụng cho cả nước.
Câu 115. Cử tri tỉnh Hà Nam kiến nghị: Đề nghị xử lý nghiêm minh, tăng mức xử phạt với các trường hợp vi phạm các quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trả lời:
Xem nội dung trả lời tại câu số 109 và câu số 110
Câu 116. Cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị: Đề nghị xem xét chỉnh sửa khoản 4, 5 tại Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế theo hướng khuyến khích những hộ gia đình có con đang theo học tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân được lựa chọn mua Bảo hiểm y tế cho con theo nhóm đối tượng hộ gia đình hoặc nhóm đối tượng học sinh, sinh viên. Vì, theo quy định như hiện nay thì nhóm đối tượng học sinh, sinh viên không thuộc nhóm mua Bảo hiểm y tế hộ gia đình là chưa hợp lý, nếu mua theo hộ gia đình thì sẽ giảm bớt số tiền mua và sẽ khuyến khích nhiều hộ gia đình tham gia hơn.
Trả lời:
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế quy định 05 Nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trong đó “học sinh, sinh viên”, thuộc Nhóm đối tượng 4, còn “hộ gia đình” thuộc Nhóm đối tượng 5. Luật Bảo hiểm y tế cũng quy định nếu một người đồng thời thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau thì sẽ tham gia bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các nhóm đối tượng được Luật Bảo hiểm y tế quy định. Như vậy, theo Luật thì học sinh, sinh viên là đối tượng bảo hiểm y tế của Nhóm 4, là Nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng, nên không thể tham gia bảo hiểm y tế theo Nhóm 5- Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Việc quy định này nhằm tránh trùng lặp đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (một người chỉ thuộc một Nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế nhất định), phản ánh chính xác được mức độ bao phủ bảo hiểm y tế.Để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế,
Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 hướng dẫn thực hiện Luật bảo hiểm y tế đã quy định học sinh, sinh viên được Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế. Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên cao hơn mức này nếu ngân sách Nhà nước, bao gồm cả ngân sách của địa phương, có khả năng đáp ứng. Với mức hỗ trợ này, mỗi học sinh, sinh viên đóng tối đa 43.785 đồng mỗi tháng (tương đương 525 420 đồng mỗi năm) tính trên nền mức lương cơ bản là 1.390.000 đồng/tháng, với mức đóng này, Nhà nước đã hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là 18.765 đống/tháng (225.180 đồng mỗi năm cho một học sinh, sinh viên).
Trường hợp học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế theo Hộ gia đình thì chỉ được hưởng quyền lợi giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế theo quy định của Luật bảo hiểm y tế, mà không được hưởng các quyền lợi khác của học sinh, sinh viên khi tham gia bảo hiểm y tế theo quy định trên. Đối với bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, từ ngày 01 tháng 7 năm 2018, số tiền đóng bảo hiểm y tế mỗi năm của người thứ hai trong hộ là 525.420 đồng, bằng mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên; số tiền của người thứ hai là 450.360 đồng/năm, thấp hơn mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên là 75.060 đồng/năm; trường hợp nếu cả hộ gia đình có từ 04 người trở lên cùng tham gia bảo hiểm y tế thì mới có sự chênh lệch đáng kể về mức đóng bảo hiểm y tế so với mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên.
Ghi nhận ý kiến của cử tri về vấn đề này, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Namxem xét và đề xuất với Chính phủ để có sự điều chỉnh khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm y tế trong thời gian tiếp theo.
Câu 117. Cử tri tỉnh Điện Biên kiến nghị: Theo Chỉ thị 06/CT-BYT ngày 29/3/2016 của Bộ Y tế thì không thu tiền tạm ứng đối với bệnh nhân có bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, cử tri phản ánh thời gian qua khi vào bệnh viện khám hay nhập viện điều trị tại một số bệnh viện tuyến Trung ương, mức thu tạm ứng viện phí quá cao. Nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhất là đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi thì để đáp ứng số tiền đóng tạm ứng là quá khó khăn. Đề nghị Bộ Y tế quan tâm xem xét thực hiện mức tạm ứng phù hợp với đối tượng là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số để họ có điều kiện khám chữa bệnh tuyến Trung ương; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế về việc thực hiện Chỉ thị này.
Trả lời:
Tại Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn quy trình khám bệnh tại Khoa Khám bệnh và Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 29/3/2016 của Bộ Y tế về việc tăng cường bảo đảm chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi thực hiện điều chỉnh, thống nhất giá dịch vụ vụ khám bệnh, chữa bệnh thì đều quy định cho các bệnh viện không thu tiền tạm ứng đối với người bệnh.
Tại Quy chế bệnh viện, Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và nhiều văn bản liên quan khác đều yêu cầu các cơ sở y tế phải ‘Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng, người từ đủ 80 tuổi trở lên, người có công với cách mạng, phụ nữ có thai’ – trích Điều 3. Nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh Luật khám bệnh, chữa bệnh.
Tuy nhiên, theo ý kiến kiến nghị của cử tri tại một số bệnh viện vẫn có tình trạng thu tiền tạm ứng của người bệnh. Đây có thể là người bệnh vượt tuyến, trái tuyến, người bệnh có nguyện vọng khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu (theo quy định cụ thể của bệnh viện) hoặc người bệnh sử dụng những kỹ thuật, dịch vụ không thuộc danh mục chi trả của bảo hiểm y tế. Việc thu tiền tạm ứng có thể tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và mức độ bệnh của người bệnh có sự khác nhau giữa các bênh viện.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tổ chức Đoàn kiểm tra để tìm hiểu cụ thể về vấn đề nêu trên và sẽ có văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở các bệnh viện thu tiền tạm ứng của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế của các Bệnh viện trên toàn quốc, nếu phát hiện có các sai phạm sẽ có hình thức xử lý kịp thời.
Câu 118. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Cử tri kiến nghị Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác thông tuyến BHYT, nhằm tạo thuận lợi cho công tác khám, chữa bệnh của người dân trên cả nước.
Trả lời:
Luật bảo hiểm y tế quy định người tham gia bảo hiểm y tế được quyền khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã và tuyến huyện từ 01/01/2016 mà không phụ thuộc vào nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu (gọi tắt là thông tuyến huyện), thông tuyến tỉnh, thành phố từ 01/01/2021. Đánh giá 02 năm thực hiện thông tuyến huyện 2016 vừa qua đã cho thấy nhiều ưu điểm: thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ khám bệnh, chữa bệnh tăng cao, người dân hài lòng, không phải giấy chuyển tuyến từ xã lên huyện. Tuy nhiên, quy định nêu trên cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế: chưa quản lý tốt quỹ khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, chưa kiểm soát được số lần, số lượt người đi khám bệnh, chữa bệnh ngoài nơi đăng ký ban đầu, chất lượng dịch vụ chưa tăng tương ứng với số lượt, số lần khám bệnh, chữa bệnh đối với người tham gia bảo hiểm y tế.
Nhận diện được các vấn đề trên, Bộ Y tế đang tổng hợp tiếp thu ý kiến của các cử tri để báo cáo Chính phủ xem xét và quyết định lộ trình thông tuyến tỉnh, thành phố có thể sớm hơn trước năm 2021 để người tham gia bảo hiểm y tế có thể tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng. Tuy nhiên, để đạt được lộ trình thông tuyến tỉnh, thành phố trên toàn quốc sớm hơn, Bộ Y tế mong muốn sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các địa phương trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và quản lý quỹ tại từng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với yêu cầu thông tuyến trên toàn quốc.
Câu 119. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Cử tri đề nghị xem xét thông tuyến khám chữa bệnh BHYT liên tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong khám và điều trị bệnh. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục trong trường hợp bệnh nhân cấp cứu phải chuyển viện.
Trả lời:
Luật bảo hiểm y tế đã quy định: Từ 01/01/2021 người tham gia bảo hiểm y tế được quyền khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh, thành phố mà không phụ thuộc vào nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu (thông tuyến tỉnh, thành phố). Bộ Y tế xin thông tin lại để cử tri được biết.
Đối với kiến nghị đơn giản hóa các thủ tục trong trường hợp bệnh nhân cấp cứu phải chuyển viện:tại khoản 6 Điều 8 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế đã quy định: Trường hợp cấp cứu, người tham gia bảo hiểm y tế được đến khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở y tế nào và phải xuất trình các giấy tờ quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 2 hoặc Khoản 3 Điều này trước khi ra viện.
Câu 120. Cử tri tỉnh Phú Thọ kiến nghị: Cử tri tiếp tục phản ánh: Hiện nay bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đã và đang được đầu tư cơ sở vật chất theo hướng hiện đại; thái độ cán bộ, nhân viên y tê có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do mệnh giá bảo hiểm y tế của đa phần người dân đều thấp nên bệnh nhân đi khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế chỉ được cấp các loại thuốc thông thường; nhiều loại thuốc chất lượng cao đều năm ngoài danh mục thuốc được bảo hiểm chi trả. Cử tri đề nghị nghiên cứu điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tăng giá dịch vụ liên quan đến công tác phục vụ, trang bị máy móc thiết bị, cơ sở vật chất và giảm giá hoặc mở rộng tý lệ đảm bảo số lượng, chất lượng thuốc chữa bệnh; đông thời chỉ đạo ngành y tế quan tâm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế, tránh phân biệt đối xử giữa khám dịch vụ và khám bằng thẻ bảo hiểm y tế; quan tâm chỉ đạo việc đảm bảo thuốc điều trị cho bệnh nhân.
Trả lời:
1. Về ý kiến cho rằng “mệnh giá bảo hiểm y tế của đa phần người dân đều thấp nên bệnh nhân đi khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế chỉ được cấp các loại thuốc thông thường”
Cụm từ “mệnh giá bảo hiểm y tế” ở đây chắc là được sử dụng để nói về “mức đóng” bảo hiểm y tế. Bộ Y tế xin trả lời theo hướng này.
Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế quy định mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế cụ thể cho từng nhóm đối tượng; theo đó mức đóng thẻ bảo hiểm y tế hiện nay được quy định tối đa bằng 6% mức lương tối thiểu/tiền công hàng tháng/lương hưu/trợ cấp,... Với mức đóng này, người có thẻ bảo hiểm y tế được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh theo quy định hiện hành. Nhằm khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế, trong thời gian qua, Nhà nước đã mở rộng phạm vi và mức độ thụ hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, nhiều kỹ thuật cao, chi phí lớn đã được bảo hiểm y tế thanh toán, nhiều thuốc đặc trị, thuốc hiếm được dùng trong điều trị cũng nằm trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế thanh toán, cùng với đó là chính sách thông tuyến KCB BHYT.
Với mệnh giá (mức đóng) bảo hiểm y tế và sự hưởng lợi từ chính sách bảo hiểm y tế như hiện nay, nguy cơ thâm hụt quỹ là rất lớn. Đặc biệt trong thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới cơ chế tài chính, xóa bỏ bao cấp qua giá dịch vụ, thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ công, trong đó có dịch vụ y tế, chi phí khám chữa bệnh được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đã không ngừng được tăng lên, dẫn đến sự lo ngại về thâm hụt quỹ bảo hiểm y tế. Thực tế cho thấy, trong nhiều năm, từ năm 2009 đến năm 2015, quỹ BHYT luôn có kết dư. Từ năm 2016 đến nay, số thu BHYT luôn thấp hơn số chi BHYT. Đơn cử như năm 2016, số thu BHYT cho KCB ước là 64.242 tỷ đồng và số chi ước là 69.410 tỷ đồng (ước bội chi là 5.130 tỷ đồng). Nguyên nhân bội chi chủ yếu là do điều chỉnh giá dịch vụ y tế, sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong KCB, tăng cường chuyển giao kỹ thuật đối với tuyến dưới, mô hình bệnh tật thay đổi và một phần dochính sách thông tuyến. Đứng trước tình hình đó, nhiều Bộ, ngành đã có ý kiến đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế theo lộ trình. Do có số kết dư từ những năm trước được bổ sung vào quỹ dự phòng nên lũy kế đến hết năm 2016, quỹ BHYT dự phòng vẫn còn khoảng 49.000 tỷ đồng. Như vậy quỹ BHYT vẫn đảm bảo cân đối, đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân mà chưa cần phải điều chỉnh mức đóng BHYT trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, việc tính toán lại mức đóng bảo hiểm y tế cần được đề cập đến. Do đó, Bộ Y tế đã và đang triển khai khảo sát đánh giá việc điều chỉnh mức đóng để vừa bảo đảm qui định của luật bảo hiểm y tế (tối đa 6%), vừa bảo đảm khả năng tài chính để có thể tham gia được của các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, nhằm bảo đảm tăng nguồn thu, đáp ứng khả năng cân đối của quỹ bảo hiểm y tế trong chi phí KBCB bảo hiểm y tế. Bộ Y tế sẽ sớm trình Chính phủ cho phép điều chỉnh mức đóng, góp phần vào việc đáp ứng nhu cầu KBCB của người có thẻ bảo hiểm y tế ngày một tốt hơn. Có điều chắc chắn rằng, ngay cả khi mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh, thì người nghèo, thuộc diện chính sách, khó khăn,... vẫn sẽ được Nhà nước hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế.
2. Về danh mục thuốc bảo hiểm y tế
Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, với mức đóng bảo hiểm y tế như hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức hưởng bảo hiểm y tế khá cao. Danh mục thuốc, vật tư y tế thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế cũng liên tục được điều chỉnh theo hướng mở rộng.
Về danh mục thuốc tân dược: Ngày 30/10/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30/2018/TT-BYT ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ, chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tếthay thế Thông tư số 40/2014/TT-BYT. Danh mục thuốc gồm 1.030 thuốc, 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu với đầy đủ các chuyên khoa ban hành kèm theo Thông tư số 30/2018/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 sẽ đáp ứng được cơ bản nhu cầu điều trị, bảo đảm được quyền lợi cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, đồng thời phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới có một danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế như hiện nay.
Về danh mục thuốc y học cổ truyền, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 05/2015/TT-BYT ngày 17/11/2015 vềdanh mục vị thuốc, chế phẩm thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế, hiện có 229 chế phẩm – tăng 102 chế phẩm, và 349 vị thuốc - tăng 49 vị thuốc so với Thông tư 12/2010/TT-BYT ngày 29/4/2010, được áp dụng cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện có khoa y học cổ truyền, kể cả trạm y tế xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định. Như vậy, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc với giá rẻ hay đắt, thuốc nội hay thuốc ngoại. Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám chữa bệnh và khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế, cơ sở khám chữa bệnh xây dựng danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị để mua sắm lựa chọn thuốc thành phẩm phù hợp.
Với mục tiêu đáp ứng ngày càng đầy đủ, chất lượng hơn về nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, theo định kỳ 2 năm/lần, Bộ Y tế đều tiến hành rà soát, sửa đổi và bổ sung Danh mục thuốc với quy trình chặt chẽ khoa học, đặc biệt ứng dụng xây dựng Danh mục dựa trên bằng chứng (xem xét ứng dụng đánh giá chi phí-hiệu quả và tác động ngân sách khi xây dựng Danh mục thuốc), từ đó sẽ xây dựng Danh mục bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế đồng thời phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế.
3. Kiến nghị nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
Bộ Y tế khẳng định không có sự phân biệt về chất lượng khám chữa bệnh giữa những người khám chữa bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế, hoặc tự nguyện với người khám chữa bệnh có thẻ bảo hiểm y tế. Các bác sỹ căn cứ vào thực trạng bệnh tật của người bệnh để quyết định phác đồ điều trị cho bệnh nhân chứ không căn cứ vào việc người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế hay không. Thời gian qua, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, như:
3.1. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Để tạo thuận lợi cho người bệnh đến khám chữa bệnh, các Bệnh viện đã tiến hành sắp xếp tổ chức một cách hợp lý các phòng tiếp nhận bệnh nhân, phòng thu phí, phòng phát thuốc, phòng khám, các phòng thực hiện cận lâm sàng theo tuần tự và logic hệ thống một cửa theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tăng thêm bàn khám, nhân lực để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh trong giờ hành chính và những ngày cao điểm; bố trí cán bộ, nhân viên luôn túc trực, tận tình hướng dẫn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; bố trí khu chờ có đủ ghế ngồi, điều hòa nhiệt độ, quạt mát… phục vụ chu đáo bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; bố trí các khoa khám bệnh bắt đầu làm việc sớm hơn giờ quy định của Nhà nước để tiếp đón và phục vụ bệnh nhân chu đáo. Bộ Y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nhằm rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân, giúp cho việc thanh toán chi phí được nhanh chóng, kịp thời, chính xác.
Theo báo cáo thu được từ gần 800 bệnh viện, kết quả sau 5 năm (2013-2018) thực hiện Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 về việc ban hành hướng dẫn quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện cho thấy, hiện 94% bệnh viện có bàn/quầy tiếp đón hướng dẫn, 90% bệnh viện có vẽ sơ đồ hướng dẫn đến các khoa phòng, 93% bệnh viện thực hiện tăng cường nhân lực cho khoa khám bệnh; 93% bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám, chữa bệnh; 49% làm việc sớm hơn giờ quy định, 43% bệnh viện bỏ các khâu nộp tạm ứng tiền khám bệnh, 33% bệnh viện bỏ các khâu thanh toán phí cận lâm sàng. Trung bình giảm thời gian khám bệnh/1 lượt khám so với trước cải tiến giảm so với thời gian quy định là 48,5 phú, trong đó Khám lâm sàng đơn thuần trung bình (thời gian chờ khám bệnh) giảm so với thời gian quy định 53,5 phút, Khám lâm sàng có làm thêm 01 kỹ thuật xét nghiệm/chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng (thời gian chờ kết quả cận lâm sàng) giảm so với thời gian quy định 54,5 phút, Khám lâm sàng có làm thêm 02 kỹ thuật phối hợp cả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh hoặc xét nghiệm và thăm dò chức năng (thời gian chờ kết quả cận lâm sàng) giảm so với thời gian quy định là 33,8 phút.
3.2. Tập trung thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng bệnh viện
Triển khai Thông tư số 19/2013/TT-BYT ngày 12/7/2013 hướng dẫn quản lý chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện; Tiến hành nội kiểm, ngoại kiểm thường xuyên và cải tiến nâng cao chất lượng xét nghiệm thực hiện theo Thông tư số 01/2013/TT-BYT ngày 11/01/2013 hướng dẫn quản lý chất lượng xét nghiệm tại cơ sở khám chữa bệnh; Tổ chức hướng dẫn quy trình khám bệnh tại Khoa khám bệnh của bệnh viện theo Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế theo hướng áp dụng quy trình khám bệnh thuận tiện nhất, giảm phiền hà, giảm yêu cầu thủ tục với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế.
- Tiếp tục thực hiện đánh giá chất lượng Bệnh viện theo Bộ tiêu chí được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18/11/2016.
- Triển khai Quyết định số 4276/QĐ-BYT ngày 14/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia về nâng cao năng lực quản lý chất lượng khám chữa bệnh giai đoạn đến năm 2025, các Sở Y tế, bệnh viện và ban ngành cùng vào cuộc để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
3.3. Đổi mới quan điểm, tư duy của nhân viên y tế về người bệnh, quản lý chất lượng dịch vụ y tế
Chỉ đạo cán bộ, nhân viên y tế đổi mới quan điểm, tư duy về người bệnh và quản lý chất lượng, lấy "người bệnh làm trung tâm của hoạt động chăm sóc và điều trị", an toàn của người bệnh là số 1, quản lý và cải tiến chất lượng là nhiệm vụ mang tính "sống còn". Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 2151/QĐ-BYT về Kế hoạch Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
3.4. Đẩy mạnh triển khai các Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh
Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế của Bộ trưởng Bộ Y tế và thực hiện Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 29/3/2016 về việc tăng cường bảo đảm chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh khi thực hiện điều chỉnh, thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.
3.5. Tích cực nâng cao chất lượng hoạt động lâm sàng và thực hiện theo đúng các hướng dẫn quy trình kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh
Kể từ năm 2010 đến tháng 5/2018, Bộ Y tế đã ban hành 7.020 hướng dẫn quy trình kỹ thuật của 28 chuyên khoa và khoảng hơn 800 hướng dẫn chẩn đoán và điều trị. Các bệnh viện tích cực nâng cao chất lượng lâm sàng thông qua việc áp dụng, cập nhật, triển khai các hướng dẫn kỹ thuật và Thông tư chuyên môn như Thông tư số 07/2015/TT-BYT áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám chữa bệnh, Thông tư số 43/2013/TT-BYT quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và nhiều thông tư, văn bản khác như bệnh viện vệ tinh, công tác luân phiên cán bộ hỗ trợ tuyến dưới, tích cực chỉ đạo tuyến...
3.6. Xử lý kịp thời thông tin phản hồi của người dân về dịch vụ y tế
Các Bệnh viện nghiêm túc xử lý kịp thời các thông tin phản hồi của người dân thông qua các kênh thông tin báo chí, hòm thư góp ý, đường dây nóng và kể cả các trang mạng xã hội…Theo báo cáo tổng hợp về phản ánh của người dân qua đường dây nóng 1900-9095, trong năm 2018 đã có tổng số 65.702 cuộc gọi đến đường dây nóng Bộ Y tế, trong đó 12.476 cuộc gọi đúng phạm vi xử lý của đường dây nóng. Sau khi tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin, Lãnh đạo các đơn vị đã xử lý nghiêm khắc các cán bộ vi phạm trong quá trình phục vụ người bệnh, cụ thể: khiển trách 171 trường hợp; điều chuyển sang bộ phận khác 18 trường hợp, cho nghỉ việc 04 trường hợp, cắt thi đua 91 trường hợp tại các đơn vị vì đã có hành vi, thái độ không đúng mực trong quy trình thực hiện nhiệm vụ đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Bên cạnh đó các cơ sở y tế đã tiến hành cải thiện cơ sở vật chất 259 trường hợp, cải tiến quy trình khám chữa bệnh 590 trường hợp. Thông qua đường dây nóng, các cơ sở y tế cũng phát hiện và khen thưởng 126 trường hợpcán bộ y tế có thành tích, có thái độ, chuyên môn tốt.
3.7. Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ y tế và tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ trong điều trị
- Nhiều bệnh viện được xây mới, nâng cấp và mở rộng, nhiều trang thiết bị y tế đã được trang bị cho các cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm cả những thiết bị hiện đại, kỹ thuật cao như robot phẫu thuật, máy cộng hưởng từ, máy CT scanner, máy chụp mạch, PET/CT..., nhờ đó đã cải thiện đáng kể tình trạng giảm quá tải bệnh viện, giảm tình trạng nằm ghép của bệnh nhân, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị tại các cơ sở y tế công lập, ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
- Hiện nay các Bệnh viện đã thực hiện nghiêm túc việc đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ y tế nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người bệnh. Đồng thời, tích cực ứng dụng các kỹ thuật công nghệ mới trong điều trị, đặc biệt trong lĩnh vực ghép tạng, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, ung bướu, sản khoa,...
3.8. Tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016 - 2025
Thực hiện Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016 -2025, Bộ Y tế đã xây dựng Bộ tiêu chuẩn đánh giá mức chất lượng xét nghiệm làm căn cứ liên thông kết quả xét nghiệm (Quyết định số 2429/QĐ-BYT ngày 12/6/2017 về việc ban hành Tiêu chí đánh giá mức chất lượng xét nghiệm y học để đánh giá mức chất lượng của các phòng xét nghiệm); Ban hành Quyết định số 3148/QĐ-BYT ngày 07/7/2017 về việc Ban hành danh mục xét nghiệm áp dụng để liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm; Ban hành sổ tay hướng dẫn đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm; Tại Quyết định số 6328/QĐ-BYT ngày 18/10/2018 về việc ban hành nội dung kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế năm 2018 đã đưa Tiêu chí xét nghiệm (Ban hành tại Quyết định số 2429/QĐ-BYT ngày 12/6/2017) vào nội dung đánh giá hằng năm của các bệnh viện trên toàn quốc, qua đó giúp đẩy nhanh lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm, cụ thể như sau:
- Việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm dựa trên tiêu chí đánh giá mức chất lượng xét nghiệm của các phòng xét nghiệm, không phân biệt cơ sở y tế nhà nước, cơ sở y tế tư nhân, bảo đảm thực hiện lộ trình sau:
+ Chậm nhất đến năm 2018 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và tương đương. Đến nay các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và tương đương cơ bản đã triển khai liên thông một số kết quả xét nghiệm theo danh mục.
+ Chậm nhất đến năm 2020 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm có cùng mức chất lượng xét nghiệm trong phạm vi quản lý thuộc mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
+ Đến năm 2025 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm trên phạm vi toàn quốc”.
- Bộ Y tế đã xây dựng Hướng dẫn xây dựng quy trình chuẩn trong quản lý chất lượng xét nghiệm, qua đó các quy trình xét nghiệm tại các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh đang dần được chuẩn hóa trên toàn quốc; Hướng dẫn đánh giá Bộ Tiêu chí đánh giá mức chất lượng xét nghiệm y học và tiến hành đào tạo các đánh giá viên.
Câu 121. Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Cử tri đánh giá cao việc thực hiện chế độ bảo hiểm y tế cho người dân đã có nhiều đổi mới như mở rộng các đối tượng được tham gia cũng như trong việc thực hiện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, cử tri đề nghị cần nghiên cứu đưa ra nhiều mệnh giá bảo hiểm y tế để người dân lựa chọn nhằm đảm bảo công bằng, giảm tình trạng bội chi trong lĩnh vực bảo hiểm y tế cũng như tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm.
Trả lời:
Bộ Y tế xin tiếp thu kiến nghị của cử tri. Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp cùng Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương ương Đảng Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới với nội dung: “Đa dạng các gói bảo hiểm y tế. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa bảo hiểm y tế xã hội với bảo hiểm y tế thương mại. Nâng cao năng lực, chất lượng giám định bảo hiểm y tế bảo đảm khách quan, minh bạch. Thực hiện các giải pháp đồng bộ chống lạm dụng, trục lợi, bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm y tế và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở y tế”.
Câu 122. Cử tri tỉnh Bến Tre kiến nghị: Cử tri cho rằng việc quy định người có bảo hiểm y tế phải đăng ký nơi khám, chữa bệnh ban đầu và khám, chữa bệnh theo tuyến gây rất nhiều khó khăn cho người dân, vì phải thực hiện thủ tục chuyển viện mất rất nhiều thời gian. Cử tri đề nghị cho phép người tham gia bảo hiểm y tế được khám, chữa bệnh ở bất cứ các tuyến bệnh viện trong cả nước để đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, cử tri đề nghị Bộ Y tế bổ sung thêm danh mục thuốc được thanh toán bảo hiểm y tế để người tham gia bảo hiểm y tế giảm được chi phí mua thuốc chữa bệnh ngoài danh mục.
Trả lời:
Theo lộ trình quy định tại Luật bảo hiểm y tế, người tham gia bảo hiểm y tế được quyền khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã và tuyến huyện từ 01/01/2016 mà không phụ thuộc vào nơi đăng ký KCB ban đầu (được gọi là thông tuyến huyện), thông tuyến tỉnh, thành phố từ 01/01/2021. Việc xây dựng lộ trình thông tuyến nhằm bảo đảm việc giảm tải khám chữa bệnh cho các bệnh viện ở tuyến tỉnh, trung ương, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở.
Đối với danh mục thuốc bảo hiểm y tế: Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, với mức đóng bảo hiểm y tế như hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức hưởng bảo hiểm y tế khá cao. Danh mục thuốc, vật tư y tế thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế cũng liên tục được điều chỉnh theo hướng mở rộng.
Về danh mục thuốc tân dược: Ngày 30/10/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30/2018/TT-BYT ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ, chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tếthay thế Thông tư số 40/2014/TT-BYT. Danh mục thuốc gồm 1.030 thuốc, 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu với đầy đủ các chuyên khoa ban hành kèm theo Thông tư số 30/2018/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 sẽ đáp ứng được cơ bản nhu cầu điều trị, bảo đảm được quyền lợi cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, đồng thời phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới có một danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế như hiện nay.
Về danh mục thuốc y học cổ truyền, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 05/2015/TT-BYT ngày 17/11/2015 về danh mục vị thuốc, chế phẩm thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế, hiện có 229 chế phẩm – tăng 102 chế phẩm, và 349 vị thuốc – tăng 49 vị thuốc so với Thông tư 12/2010/TT-BYT ngày 29/4/2010, được áp dụng cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện có khoa y học cổ truyền, kể cả trạm y tế xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định. Như vậy, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc với giá rẻ hay đắt, thuốc nội hay thuốc ngoại. Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám chữa bệnh và khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế, cơ sở khám chữa bệnh xây dựng danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị để mua sắm lựa chọn thuốc thành phẩm phù hợp.
Với mục tiêu đáp ứng ngày càng đầy đủ, chất lượng hơn về nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, theo định kỳ 2 năm/lần, Bộ Y tế đều tiến hành rà soát, sửa đổi và bổ sung Danh mục thuốc với quy trình chặt chẽ khoa học, đặc biệt ứng dụng xây dựng Danh mục dựa trên bằng chứng (xem xét ứng dụng đánh giá chi phí - hiệu quả và tác động ngân sách khi xây dựng Danh mục thuốc), từ đó sẽ xây dựng Danh mục bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế đồng thời phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế.
Câu 123. Cử tri TP. Hà Nội kiến nghị: Cử tri phản ánh hiện nay việc khám, chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế, đặc biệt là với đối tượng người cao tuổi chưa đáp ứng được nhu cầu về chất lượng khám cũng như thuốc điều trị hiệu quả kém. Đề nghị quy định cụ thể và có những giải pháp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Câu 124. Cử tri TP. Cần Thơ kiến nghị: Đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam có giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, mở rộng danh mục thuốc và các dịch vụ được bảo hiểm y tế thanh toán; đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nhận thức được đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, tích cực tham gia mua bảo hiểm y tế.
Câu 125. Cử tri tỉnh Vĩnh Long kiến nghị: Cử tri đề nghị bổ sung thêm danh mục thuốc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, hiện nay nguồn thuốc này không đảm bảo điều trị được đối với các loại bệnh nặng.
Trả lời:
1. Kiến nghị nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nói chung
Thời gian qua, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp, như:
1.1. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Để tạo thuận lợi cho người bệnh đến khám chữa bệnh, các Bệnh viện đã tiến hành sắp xếp tổ chức một cách hợp lý các phòng nhận bệnh, phòng thu phí, phòng phát thuốc, phòng khám, các phòng thực hiện cận lâm sàng theo tuần tự và logic hệ thống một cửa theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tăng thêm bàn khám, nhân lực để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh trong giờ hành chính và những ngày cao điểm; bố trí cán bộ, nhân viên luôn túc trực, tận tình hướng dẫn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; bố trí khu chờ có đủ ghế ngồi, điều hòa nhiệt độ, quạt mát… phục vụ chu đáo bệnh nhân và người nhà bệnh nhân;
Bố trí các khoa khám bệnh bắt đầu làm việc sớm hơn giờ quy định của Nhà nước để tiếp đón và phục vụ bệnh nhân chu đáo.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh, giám định và thanh toán chi phí bảo hiểm y tế nhằm rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân, giúp cho việc thanh toán chi phí được chính xác, kịp thời.
Theo báo cáo thu được từ gần 800 bệnh viện, kết quả sau 5 năm (2013-2018) thực hiện Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 về việc ban hành hướng dẫn quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện cho thấy hiện 94% bệnh viện có bàn/quầy tiếp đón hướng dẫn, 90% bệnh viện có vẽ sơ đồ hướng dẫn đến các khoa phòng, 93% bệnh viện thực hiện tăng cường nhân lực cho khoa khám bệnh; 93% bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám, chữa bệnh; 49% làm việc sớm hơn giờ quy định, 43% bệnh viện bỏ các khâu nộp tạm ứng tiền khám bệnh, 33% bệnh viện bỏ các khâu thanh toán phí cận lâm sàng. Trung bình giảm thời gian khám bệnh/1 lượt khám so với trước cải tiến giảm so với thời gian quy định là 48,5 phút, trong đó Khám lâm sàng đơn thuần trung bình (thời gian chờ khám bệnh) giảm so với thời gian quy định 53,5 phút, Khám lâm sàng có làm thêm 01 kỹ thuật xét nghiệm/chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng (thời gian chờ kết quả cận lâm sàng) giảm so với thời gian quy định 54,5 phút, Khám lâm sàng có làm thêm 02 kỹ thuật phối hợp cả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh hoặc xét nghiệm và thăm dò chức năng (thời gian chờ kết quả cận lâm sàng) giảm so với thời gian quy định là 33,8 phút.
1.2. Tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng bệnh viện: Tiến hành nội kiểm, ngoại kiểm thường xuyên và cải tiến nâng cao chất lượng xét nghiệm thực hiện theo Thông tư số 01/2013/TT-BYT ngày 11/01/2013 hướng dẫn quản lý chất lượng xét nghiệm tại cơ sở khám chữa bệnh; Triển khai Thông tư số 19/2013/TT-BYT ngày 12/7/2013 hướng dẫn quản lý chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện; Tổ chức hướng dẫn quy trình khám bệnh tại Khoa khám bệnh của bệnh viện theo Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế theo hướng áp dụng quy trình khám bệnh thuận tiện nhất, giảm phiền hà, giảm yêu cầu thủ tục với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế.
- Triển khai Quyết định số 4276/QĐ-BYT ngày 14/10/2015 của Bộ Y tế phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia về nâng cao năng lực quản lý chất lượng khám chữa bệnh giai đoạn đến năm 2025, các Sở Y tế, bệnh viện và ban ngành cùng vào cuộc để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
- Tiếp tục thực hiện đánh giá chất lượng Bệnh viện theo Bộ tiêu chí được Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18/11/2016.
1.3. Tiếp tục đổi mới quan điểm, tư duy của nhân viên y tế về người bệnh, quản lý chất lượng dịch vụ y tế
Chỉ đạo cám bộ, nhân viên y tế đổi mới quan điểm, tư duy về người bệnh và quản lý chất lượng, lấy "người bệnh làm trung tâm của hoạt động chăm sóc và điều trị", an toàn của người bệnh là số 1, quản lý và cải tiến chất lượng là nhiệm vụ mang tính "sống còn". Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 2151/QĐ-BYT về Kế hoạch Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
1.4. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh
Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế của Bộ trưởng Bộ Y tế, và thực hiện Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 29/3/2016 về việc tăng cường bảo đảm chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh khi thực hiện điều chỉnh, thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.
1.5. Tích cực nâng cao chất lượng hoạt động lâm sàng và thực hiện theo đúng các hướng dẫn quy trình kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh
Kể từ năm 2010 đến tháng 5/2018, Bộ Y tế đã ban hành 7020 hướng dẫn quy trình kỹ thuật của 28 chuyên khoa và khoảng hơn 800 hướng dẫn chẩn đoán và điều trị. Các bệnh viện tích cực nâng cao chất lượng lâm sàng thông qua việc áp dụng, cập nhật, triển khai các hướng dẫn kỹ thuật và Thông tư chuyên môn như Thông tư số 07/2015/TT-BYT áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám chữa bệnh, Thông tư số 43/2013/TT-BYT quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và nhiều thông tư, văn bản khác như bệnh viện vệ tinh, công tác luân phiên cán bộ hỗ trợ tuyến dưới, tích cực chỉ đạo tuyến...
1.6. Xử lý kịp thời thông tin phản hồi của người dân về dịch vụ y tế
Các Bệnh viện nghiêm túc xử lý kịp thời các thông tin phản hồi của người dân thông qua các kênh thông tin báo chí, hòm thư góp ý, đường dây nóng và kể cả các trang mạng xã hội…Trong năm 2018 đã có tổng số 65.702 cuộc gọi đến đường dây nóng Bộ Y tế, trong đó 12.476 cuộc gọi đúng phạm vi xử lý của đường dây nóng. Sau khi tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin, Lãnh đạo các đơn vị đã xử lý nghiêm khắc các cán bộ vi phạm trong quá trình phục vụ người bệnh, cụ thể: khiển trách 171 trường hợp; điều chuyển sang bộ phận khác 18 trường hợp, cho nghỉ việc 04 trường hợp, cắt thi đua 91 trường hợp tại các đơn vị vì đã có hành vi, thái độ không đúng mực trong quy trình thực hiện nhiệm vụ đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Bên cạnh đó các cơ sở y tế đã tiến hành cải thiện cơ sở vật chất 259 trường hợp, cải tiến quy trình khám chữa bệnh 590 trường hợp. Thông qua đường dây nóng, các cơ sở y tế cũng phát hiện và khen thưởng 126 trường hợpcán bộ y tế có thành tích, có thái độ, chuyên môn tốt.
1.7. Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ y tế và tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ trong điều trị
- Nhiều bệnh viện được xây mới, được nâng cấp và mở rộng, nhiều trang thiết bị y tế đã được trang bị cho các cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm cả những thiết bị hiện đại, kỹ thuật cao như robot phẫu thuật, máy cộng hưởng từ, máy CT scanner, máy chụp mạch, PET/CT..., nhờ đó đã cải thiện đáng kể tình trạng giảm quá tải bệnh viện, giảm tình trạng nằm ghép của bệnh nhân, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị tại các cơ sở y tế công lập, ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
- Hiện nay các Bệnh viện đã thực hiện nghiêm túc việc đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ y tế nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người bệnh. Đồng thời, tích cực ứng dụng các kỹ thuật công nghệ mới trong điều trị, đặc biệt trong lĩnh vực ghép tạng, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, ung bướu, sản khoa,...
1.8. Tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016 - 2025
Thực hiện Quyết định số 316/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016 -2025, Bộ Y tế đã xây dựng Bộ tiêu chuẩn đánh giá mức chất lượng xét nghiệm làm căn cứ liên thông kết quả xét nghiệm (Quyết định số 2429/QĐ-BYT ngày 12/6/2017 về việc ban hành Tiêu chí đánh giá mức chất lượng xét nghiệm y học để đánh giá mức chất lượng của các phòng xét nghiệm); Ban hành Quyết định số 3148/QĐ-BYT ngày 07/7/2017 về việc Ban hành danh mục xét nghiệm áp dụng để liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm; Ban hành sổ tay hướng dẫn đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm; Tại Quyết định số 6328/QĐ-BYT ngày 18/10/2018 về việc ban hành nội dung kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế năm 2018 đã đưa Tiêu chí xét nghiệm (Ban hành tại Quyết định số 2429/QĐ-BYT ngày 12/6/2017) vào nội dung đánh giá hằng năm của các bệnh viện trên toàn quốc, qua đó giúp đẩy nhanh lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm, cụ thể như sau:
- Việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm dựa trên tiêu chí đánh giá mức chất lượng xét nghiệm của các phòng xét nghiệm, không phân biệt cơ sở y tế nhà nước, cơ sở y tế tư nhân, bảo đảm thực hiện lộ trình sau:
+ Chậm nhất đến năm 2018 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và tương đương. Đến nay các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và tương đương cơ bản đã triển khai liên thông một số kết quả xét nghiệm theo danh mục.
+ Chậm nhất đến năm 2020 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm có cùng mức chất lượng xét nghiệm trong phạm vi quản lý thuộc mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
+ Đến năm 2025 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm trên phạm vi toàn quốc”.
- Bộ Y tế đã xây dựng Hướng dẫn xây dựng quy trình chuẩn trong quản lý chất lượng xét nghiệm, qua đó các quy trình xét nghiệm tại các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh đang dần được chuẩn hóa trên toàn quốc; Hướng dẫn đánh giá Bộ Tiêu chí đánh giá mức chất lượng xét nghiệm y học và tiến hành đào tạo các đánh giá viên.
2. Đối với thuốc bảo hiểm y tế
Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, với mức đóng bảo hiểm y tế như hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức hưởng bảo hiểm y tế khá cao. Danh mục thuốc, vật tư y tế thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế cũng liên tục được điều chỉnh theo hướng mở rộng.
Về danh mục thuốc tân dược: Ngày 30/10/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30/2018/TT-BYT ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ, chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế thay thế Thông tư số 40/2014/TT-BYT. Danh mục thuốc gồm 1.030 thuốc, 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu với đầy đủ các chuyên khoa ban hành kèm theo Thông tư số 30/2018/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 sẽ đáp ứng được cơ bản nhu cầu điều trị, bảo đảm được quyền lợi cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, đồng thời phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới có một danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế như hiện nay.
Về danh mục thuốc y học cổ truyền, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 05/2015/TT-BYT ngày 17/11/2015 về danh mục vị thuốc, chế phẩm thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế, hiện có 229 chế phẩm – tăng 102 chế phẩm, và 349 vị thuốc – tăng 49 vị thuốc so với Thông tư 12/2010/TT-BYT ngày 29/4/2010, được áp dụng cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện có khoa y học cổ truyền, kể cả trạm y tế xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định. Như vậy, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc với giá rẻ hay đắt, thuốc nội hay thuốc ngoại. Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám chữa bệnh và khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế, cơ sở khám chữa bệnh xây dựng danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị để mua sắm lựa chọn thuốc thành phẩm phù hợp.
Với mục tiêu đáp ứng ngày càng đầy đủ, chất lượng hơn về nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, theo định kỳ 2 năm/lần, Bộ Y tế đều tiến hành rà soát, sửa đổi và bổ sung Danh mục thuốc với quy trình chặt chẽ khoa học, đặc biệt ứng dụng xây dựng Danh mục dựa trên bằng chứng (xem xét ứng dụng đánh giá chi phí-hiệu quả và tác động ngân sách khi xây dựng Danh mục thuốc), từ đó sẽ xây dựng Danh mục bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế đồng thời phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế.
3. Kiến nghị đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nhận thức được đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, tích cực tham gia mua bảo hiểm y tế
Để triển khai thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế và thực hiện thành công mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân mà Quốc hội, Chính phủ đã giao, hằng năm Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động truyền thông, tuyên truyền về chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế tới mọi tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức khác nhau như:
- Tổ chức các hội nghị phổ biến chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế cho các cơ quan, đoàn thể liên quan tới thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, tổ chức các lớp tập huấn về chính sách và truyền thông về chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế cho đội ngũ cán bộ sở y tế, các cơ sở y tế các tuyến, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe các tỉnh/thành phố.
- Xây dựng và thực hiện chương trình phối hợp tuyên truyền với các ban, ngành Trung ương như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương … để phối hợp tuyên truyền, giải thích chính sách bảo hiểm y tế và vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế.
- Thực hiện đăng các tin, bài, phóng sự về các quy định của chính sách, pháp luật BHYT, lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu trực tuyến về bảo hiểm y tế hộ gia đình, quyền lợi và nghĩa vụ của người tham gia bảo hiểm y tế, thủ tục tham gia bảo hiểm y tế; tổ chức các buổi đối thoại chính sách với cộng đồng dân cư tại nhiều tỉnh/thành phố.
Ngoài ra, trong chương trình công tác hằng năm, Sở Y tế các tỉnh/thành phố và hệ thống các Cơ quan bảo hiểm xã hội từ Trung ương tới cấp tỉnh, huyện đều phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương thực hiện các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế tới mọi tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, để tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế, trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm y tế và các quy định mới của chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, nhằm giúp các cấp ủy, đảng, chính quyền các cấp và mọi tầng lớp nhân dân hiểu và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật bảo hiểm y tế, góp phần thực hiện thành công lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.
Theo chức năng, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phân công thì Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong tổ chức tuyên truyền để mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai công tác này. Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với bảo hiểm xã hội địa phương thực hiện truyền thông về bảo hiểm y tế trong công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe nhân dân, chú ý đến những đối tượng cụ thể và hình thức phù hợp với điều kiện tiếp cận thông tin của nhân dân vùng sâu, vùng xa.
Câu 127. Cử tri tỉnh Bắc Giang kiến nghị: Cử tri đề nghị xem xét, chuyển nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên được mua Bảo hiểm y tế theo Hộ gia đình. Vì theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế thì đối tượng học sinh, sinh viên được nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng Bảo hiểm y tế; Nhưng nếu các đối tượng này mua Bảo hiểm y tế cùng Hộ gia đình thì mức hỗ trợ có thể là 40 hoặc 50 %. Như vậy sẽ giảm bớt chi phí tham gia Bảo hiểm y tế cho các học sinh, sinh viên.
Trả lời:
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế quy định 05 Nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trong đó “học sinh, sinh viên”, thuộc Nhóm đối tượng 4, còn “hộ gia đình” thuộc Nhóm đối tượng 5. Luật Bảo hiểm y tế cũng quy định nếu một người đồng thời thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau thì sẽ tham gia bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các nhóm đối tượng được Luật Bảo hiểm y tế quy định. Như vậy, theo Luật thì học sinh, sinh viên là đối tượng bảo hiểm y tế của Nhóm 4, là Nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng, nên không thể tham gia bảo hiểm y tế theo Nhóm 5- Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Việc quy định này nhằm tránh trùng lặp đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (một người chỉ thuộc một Nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế nhất định), phản ánh chính xác được mức độ bao phủ bảo hiểm y tế. Để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế.
Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 hướng dẫn thực hiện Luật bảo hiểm y tế đã quy định học sinh, sinh viên được Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế. Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên cao hơn mức này nếu ngân sách Nhà nước, bao gồm cả ngân sách của địa phương, có khả năng đáp ứng. Với mức hỗ trợ này, mỗi học sinh, sinh viên đóng tối đa 43.785 đồng mỗi tháng (tương đương 525 420 đồng mỗi năm) tính trên nền mức lương cơ bản là 1.390.000 đồng/tháng, với mức đóng này, Nhà nước đã hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là 18.765 đống/tháng (225.180 đồng mỗi năm cho một học sinh, sinh viên).
Trường hợp học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế theo Hộ gia đình thì chỉ được hưởng quyền lợi giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế theo quy định của Luật bảo hiểm y tế, mà không được hưởng các quyền lợi khác của học sinh, sinh viên khi tham gia bảo hiểm y tế theo quy định trên. Đối với bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, từ ngày 01 tháng 7 năm 2018, số tiền đóng bảo hiểm y tế mỗi năm của người thứ hai trong hộ là 525.420 đồng, bằng mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên; số tiền của người thứ ha là 450.360 đồng/năm, thấp hơn mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên là 75.060 đồng/năm; trường hợp nếu cả hộ gia đình có từ 04 người trở lên cùng tham gia bảo hiểm y tế thì mới có sự chênh lệch đáng kể về mức đóng bảo hiểm y tế so với mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên.
Ghi nhận ý kiến của cử tri về vấn đề này, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Namxem xét và đề xuất với Chính phủ để có sự điều chỉnh khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm y tế trong thời gian tiếp theo.
Câu 128. Cử tri tỉnh Ninh Bình kiến nghị: Cử tri phản ánh tình trạng thuốc chữa bệnh giả, kém chất lượng, không đủ hàm lượng, sửa hạn dùng đang được bày bán trên thị trường là mối nguy hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người dân. Cử tri đề nghị các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ thuốc chữa bệnh và xử lý dứt điểm tình tình trạng này.
Câu 129. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Cử tri tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế phối hợp các ngành chức năng, thanh tra, kiểm tra và quản lý chặt chẽ tình trạng sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng và không rõ nguồn gốc.
Trả lời:
I. Đối với việc kiểm soát chất lượng thuốc
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai một loạt các giải pháp để tăng cường kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc và đã đạt được kết quả tốt.Tổ chức Y tế thế giới đã đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát tốt chất lượng thuốc, tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng thấp so với nhiều nước. Những giải pháp đã và đang được thực hiện gồm:
1.1. Tăng cường công tác tiền kiểm và hậu kiểm về chất lượng thuốc:
a. Công tác tiền kiểm:
- Thực hiện kiểm tra 100% lô thuốc nhập khẩu của các cơ sở sản xuất thuộc danh mục các nhà sản xuất thuốc nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng theo quy định của Luật Dược và Thông tư số 11/2018/TT-BYT, đảm bảo chỉ được đưa ra lưu thông, phân phối các lô thuốc đã có kết quả kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn chất lượng.
- Thực hiện đánh giá 100% hồ sơ nhà máy sản xuất thuốc nước ngoài khi đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam theo quy định tại Luật Dược và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP; tăng cường kiểm tra thực tế tại cơ sở để đảm bảo chất lượng thuốc cung cấp vào thị trường.
- Tổ chức kiểm tra việc tuân thủ GMP các cơ sở sản xuất trong nước, cơ sở sản xuất nước ngoài (Ấn Độ, Hàn Quốc).
b. Công tác hậu kiểm:
- Thường xuyên đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng tiêu chuẩn Thực hành tốt của các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, phân phối thuốc, các cơ quan quản lý dược. Đồng thời, trên cơ sở đánh giá nguy cơ Bộ Y tế đã tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện các cơ sở không bảo đảm duy trì đáp ứng tiêu chuẩn GPs.
- Hệ thống kiểm nghiệm thuốc trên toàn quốc tiếp tục được đầu tư bổ sung nhân lực, trang thiết bị kiểm nghiệm… nâng cao năng lực kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành. Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Viện Kiểm nghiệm thuốc Tp. Hồ Chí Minh đã được WHO đánh giá và công nhận, 9 Trung tâm kiểm nghiệm đạt GLP và 46 Trung tâm kiểm nghiệm đạt ISO/IEC 17025. Trong năm 2018, Hệ thống kiểm nghiệm đã triển khai hoạt động lấy trên 32 nghìn mẫu để kiểm tra chất lượng, kiểm tra giám sát chất lượng thuốc sản xuất, nhập khẩu, lưu hành, sử dụng.
c. Các kết quả đạt được:
- Nhờ việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm cũng như áp dụng những biện pháp cứng rắn và có hiệu quả, chất lượng thuốc tại Việt Nam được duy trì và bảo đảm. Tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng được đánh giá là ở mức độ thấp khi so sánh với kết quả khảo sát của WHO được công bố tháng 11/2017 (qua khảo sát lấy mẫu tại 88 nước với khoảng 50.000 mẫu lấy cho thấy: khoảng 10% mẫu ở các nước có thu nhập kém và thu nhập thấp là thuốc giả, thuốc kém chất lượng).
- Tính trên số mẫu thuốc lấy để kiểm tra chất lượng, tỷ lệ thuốc kém chất lượng của Việt Nam chiếm khoảng 2 % và có xu hướng giảm, từ năm 2013 đến 2017 lần lượt là: 2,54%, 2,38%, 2,00%, 1,98% và 1,59%.Theo số liệu sơ bộ năm 2018, tỷ lệ thuốc kém chất lượng giảm xuống khoảng 1,6%.
- Tỷ lệ thuốc giả khoảng dưới 0,1% từ năm 2012 đến nay.
- Số lượng thuốc kém chất lượng phát hiện qua hoạt động tiền kiểm một số năm như sau: năm 2014 phát hiện 70 lô không đạt chất lượng, năm 2015 phát hiện 06 lô, năm 2016 chỉ phát hiện 02 lô, năm 2017 phát hiện 01 lô;và năm 2018 các lô thuốc tiền kiểm đều đạt chất lượng trong 2100 lô thuốc của 42 cơ sở sản xuất nước ngoài.
1.2. Các giải pháp tăng cường công tác kiểm soát chất lượng thuốc trong thời gian tới:
- Tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định của Luật Dược và các văn bản hướng dẫn luật.
- Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo hướng tăng nặng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực dược nhằm kiểm soát chất lượng thuốc.
Tiếp tục triển khai phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin quản lý và kết nối liên thông các nhà thuốc trên toàn quốc; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu ngành dược quốc gia đảm bảo truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, giá mua vào/bán ra của các loại thuốc tại các cơ sở cung ứng thuốc theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 23/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
- Triển khai xây dựng và thực hiện các Đề án:
+ Quy hoạch hệ thống kiểm nghiệm, kiểm định về dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, trang thiết bị y tế theo quy định tại khoản 5 Điều 104 của Luật dược về quy hoạch hệ thống kiểm nghiệm của Nhà nước, Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược VN giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Bộ Y tế đã quy định chuẩn dữ liệu kết nối liên thông với các phần mềm quản lý trong chuỗi cung ứng thuốc đồng thời thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu ngành dược quốc gia đảm bảo truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, giá mua vào/bán ra của các loại thuốc tại các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc
+ Triển khai Đề án kết nối thông tin trong hệ thống kiểm nghiệm nhằm cập nhật, chia sẻ thông tin về tình hình lấy mẫu, kết quả kiểm tra chất lượng nhằm xử lý triệt để thuốc không đạt chất lượng và tránh lãng phí chi phí kiểm nghiệm.
+ Tiếp tục và mở rộng đề án ứng dụng công nghệ thông tin kết nối thông tin các nhà thuốc cho toàn bộ hệ thống bán lẻ.
II. Các giải pháp để tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc:
1. Bộ Y tế đã triển khai hàng loạt các giải pháp để kiểm tra, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh thuốc, cụ thể như sau:
1.1. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật:
Bên cạnh các mức xử lý vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013, ngày 08/5/2017 Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật dược.Quy định mới bổ sungcác mức xử lý hành chính nhằm ngăn chặn nguy cơ tái phạm như: ngừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc từ 01 năm đến 02 năm; ngừng cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc từ 01 năm đến 02 năm của cơ sở nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc đối với các cơ sở có thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu không dựa trên cơ sở nghiên cứu hoặc sản xuất thực tế của cơ sở sản xuất hoặc trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc đã được phê duyệt là tài liệu giả mạo.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã có các quy định, giải pháp sau: (i) xây dựng, cập nhật tiêu chuẩn quốc gia về thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc để Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và công bố theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; (ii) ban hành, cập nhật Dược điển Việt Nam trong đó quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc; (iii) quy định việc áp dụng Dược điển nước ngoài tại Việt Nam.
1.2. Nâng cao hiệu quả công tác tiền kiểm
Triển khai thực hiện Luật dược năm 2016 và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP, thủ tục cấp Giấy phép lưu hành thuốc tại Việt Nam đối với thuốc sản xuất tại nước ngoài đã bổ sung quy định việc đánh giá đáp ứng thực hành tốt (GMP) của cơ sở sản xuất thuốc tại nước ngoài ngoài việc đánh giá trên hồ sơ.Việc đánh giá thực hành tốt (GMP) của cơ sở sản xuất thuốc tại nước ngoài tương đồng với quy định của các nước.
Bộ Y tế đã đề xuất sửa đổi và bổ sung các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là tại Luật dược 2016 và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP, cụ thể: (i) bổ sung quy định đánh giá việc đáp ứng Thực hành tốt sản xuất của100% cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại nước ngoài trước khi cấp phép lưu hành tại Việt Nam; (ii) sửa đổi quy định về hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc và điều kiện để cơ sở được cung cấp thuốc nhập khẩu vào Việt Nam nhằm tăng cường quản lý nguồn gốc thuốc nhập khẩu; (iii) cập nhật và hoàn thiện các quy trình xét duyệt hồ sơ nhập khẩu thuốc; (iv) quy định cụ thể các trường hợp bắt buộc tiền kiểm trước khi lưu hành.
Nghị định số 54/2017/NĐ-CP cũng quy định cụ thể yêu cầu về Hợp pháp hóa lãnh sự đối với Giấy chứng nhận sản phẩm dược và yêu cầu trên bộ nhãn và tờ hướng dẫn sử dụng của thuốc đang lưu hành tại nước ngoài phải có xác nhận của cơ quan quản lý dược của nước mà thuốc đó đang lưu hành.
1.3. Tăng cường công tác hậu kiểm
Tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dược phải kiểm soát đặc biệt, cơ sở kinh doanh các loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc bị thu hồi do không đảm bảo chất lượng trong quá trình lưu hành.
Đặc biệt, Bộ Y tế đang triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020 nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ hành nghề dược.
Để tăng cường công tác quản lý, Bộ Y tế đã thường xuyên tổ chức tập huấn cán bộ, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho chuyên gia thuộc tổ thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc, nhưmời chuyên gia của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp tập huấn về công tác hợp pháp hóa lãnh sự; mời chuyên gia thuộc các Trường Đại học Y, dược, Viện kiểm nghiệm, Viện kiểm định tập huấn, cập nhật kiến thức chuyên môn…
2. Công tác thanh tra, xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc, đảm bảo chất lượng thuốc:
2.1. Tình hình thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tất cả các thuốc lưu thông phân phối trên thị trường đều phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và được Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành.Tất cả các hoạt động trong ngành dược đều thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên bắt buộc kiểm tra cấp phép trước khi hoạt động.Các doanh nghiệp Dược để được sản xuất thuốc phải đầu tư xây dựng nhà xưởng, thiết bị, con người hệ thống và phải được kiểm tra cấp phép cũng như chịu sự thanh tra, kiểm tra thường xuyên.
Các hoạt động sản xuất/kinh doanh thuốc cũng như việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc đều được giám sát chặt chẽ ở cả khâu tiền kiểm và hậu kiểm.
- Tiền kiểm: Thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường phải được Bộ Y tế thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc bao gồm từ nguyên liệu, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, độ ổn định và dữ liệu lâm sàng.Nhà sản xuất phải đáp ứng điều kiện sản xuất (tuân thủ GMP) và phải tuân thủ đúng hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt trong quá trình sản xuất và phải kiểm tra chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn đã được đăng ký trước khi đưa thuốc ra thị trường.
- Hậu kiểm: Khi đưa thuốc lưu hành trên thị trường, cơ sở sản xuất/nhập khẩu phải tự giám sát và chịu trách nhiệm đối với chất lượng thuốc do cơ sở mình sản xuất, báo cáo cơ quan quản lý khi phát hiện các dấu hiệu có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng và chịu sự lấy mẫu, giám sát của cơ quan quản lý.
Hằng năm, các hệ thống kiểm nghiệm (gồm: Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế và 63 Trung tâm trong đó có 45 đơn vị đạt tiêu chuẩn ISO IEC/17025, 10 đơn vị đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc GLP) đã lấy khoảng 40.000 mẫu thuốc trên thị trường để giám sát chất lượng, kịp thời phát hiện và xử lý thuốc vi phạm chất lượng. (Năm 2015 đã lấy 38.627 mẫu, năm 2016 đã lấy 37.219, năm 2017 đã lấy 36.362) tỷ lệ thuốc kém chất lượng các năm gần đây khoảng 2,0-3,0% và tỷ lệ thuốc giả dưới 1,0%.
2.2. Các giải pháp cụ thể tăng cường thanh tra, kiểm tra để quản lý chặt chẽ chất lượng thuốc:
Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành có liên quan, các tổ chức hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dược cũng như của người dân đã triển khai hàng loạt các giải pháp đồng bộ, các chiến dịch nhằm phát hiện và kịp thời xử lý các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng.
Ngoài việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Trung ương, Bộ Y tế cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo 389 thuộc Bộ Y tế do Lãnh đạo Bộ làm trưởng Ban gồm các Vụ/Cục liên quan nhằm tăng cường công tác phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng là thuốc, thực phẩm, trang thiết bị y tế,… Thường xuyên tiến hành tiếp nhận thông tin, kiểm tra thường xuyên và đột xuất, xác nhận các thông tin từ các kênh thông tin và xử lý, xử phạt nghiêm nếu phát hiện vi phạm.
Từ ngày 01/01/2018 - 30/11/2018, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) đã xử phạt 41 cơ sở vi phạm hành chính trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm. Tổng số tiền phạt là 1.956.000.000 (Một tỷ chín trăm năm mươi sáu triệu đồng).Ngoài ra, Bộ Y tế đã tước giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc có thời hạn đối với 02 cơ sở sản xuất thuốc; đã ban hành các công văn ngừng tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuốc nguyên liệu làm thuốc đối với 07 đơn vị; ngừng tiếp nhận hồ sơ cấp phép nhập khẩu, ngừng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc đối với 04 đơn vị; chuyển hồ sơ 01 trường hợp vi phạm sang C46 – Bộ Công an điều tra, giải quyết theo thẩm quyền.Bộ Y tế đã có công văn gửi 63 Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị thông báo về 08 trường hợp thuốc giả, thuốc nghi ngờ giả và chuyển hồ sơ 01 trường hợp sang cơ quan công an để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Để tăng cường hiệu quả của công tác quản lý thuốc kém chất lượng và ngăn chặn sản xuất, buôn bán thuốc giả, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp sau:
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp về chất lượng thuốc và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời, nghiêm khắc các cơ sở, cá nhân có hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc, mua bán không có hoá đơn chứng từ, không tuân thủ đầy đủ các quy chế chuyên môn.
- Hoàn thiện và nâng cao năng lực quản lý của hệ thống kiểm nghiệm với việc nâng cấp 03 Viện Kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế, 07 Trung tâm kiểm nghiệm thuốc đạt tiêu chuẩn GLP, 35 Trung tâm kiểm nghiệm thuốc đạt ISO 17025 và có kế hoạch xây dựng 05 Trung tâm kiểm nghiệm thuốc khu vực và triển khai thành lập lực lượng kiểm soát viên chất lượng thuốc.
- Tiếp tục triển khai quản lý chất lượng thuốc toàn diện với việc triển khai đồng bộ các nguyên tắc tiêu chuẩn GPs trong hệ thống sản xuất kinh doanh dược theo định hướng hòa nhập quốc tế, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc và nguyên liệu làm thuốc. Tăng cường phối hợp liên ngành giữa Y tế, Công An, Hải Quan, Quản lý Thị trường, Y tế, Thanh tra các cấp, Uỷ ban nhân dân các cấp, …và các tổ chức quốc tế, các cơ quan quản lý dược các nước để giải quyết tận gốc vấn đề thuốc giả, phòng chống thuốc kém chất lượng, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc.
- Phối hợp với Cơ quan truyền thông thông tin kịp thời cho người dân về thuốc giả, thuốc kém chất lượng và khuyến khích các cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu áp dụng các giải pháp công nghệ cao trong sản xuất, phân phối thuốc để giảm nguy cơ bị làm giả.
- Để tăng cường giám sát chất lượng thuốc, Bộ Y tế yêu cầu hệ thống kiểm nghiệm lấy mẫu kiểm tra 100% lô thuốc đối với các nhà sản xuất có thuốc vi phạm chất lượng.
- Pháp quy hóa công nghệ thông tin trong hoạt động phân phối thuốc.
- Công khai minh bạch thuốc, cơ sở sản xuất vi phạm chất lượng: Bộ Y tế đã công khai, công bố danh mục các thuốc vi phạm chất lượng và danh sách các cơ sở có thuốc vi phạm chất lượng trên Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược (https://dav.gov.vn/).
Câu 130. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ tăng cường thanh, kiểm tra công tác đấu thầu thuốc bảo hiểm y tế nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc phục vụ nhu cầu của nhân dân với chất lượng tốt.
Trả lời:
1. Về công tác đấu thầu thuốc bảo hiểm y tế
Việc đấu thầu thuốc trong thời gian qua đã được bổ sung, sửa đổi tăng cường tính công khai, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính trong công tác đấu thầu thuốc, ưu tiên sử dụng thuốc trong nước có chất lượng, giá hợp lý và tăng cường hiệu quả kinh tế của công tác đấu thầu và tiết kiệm chi phí tiền thuốc cho quỹ Bảo hiểm y tế và người dân. Theo thống kê kết quả trúng thầu của các Sở Y tế, bệnh viện và viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, trị giá tiền mua thuốc đã tiết giảm được 35,5% so với quy định cũ.
- Quản lý thông qua đấu thầu đối với thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của bệnh nhân nội trú do nguồn ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế, nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế công lập.
- Quản lý giá thuốc bằng hình thức đàm phán giá thuốc đối với thuốc biệt dược gốc, thuốc còn bảo hộ và những thuốc có nguy cơ độc quyền có 1-2 cơ sở sản xuất đối với thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của bệnh nhân ngoại trú tại cơ sở bán lẻ nằm trong cơ sở khám bệnh và chữa bệnh.
- Quản lý giá bằng thặng số bán lẻ tối đa với mức thặng số (2-15%) tùy thuộc giá trị thuốc mua vào theo đơn vị đóng gói nhỏ nhất và theo phân loại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Quản lý giá thuốc theo nguyên tắc cạnh tranh về giá trên cơ sở công khai minh bạch giá thuốc bằng hình thức kê khai, niêm yết giá đối với thuốc lưu hành trên thị trường.
- Về tăng cường thanh, kiểm tra công tác đấu thầu thuốc bảo hiểm y tế
Năm 2018, Bộ Y tế cũng đã phối hợp với các địa phương triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc, hàng hóa, dịch vụ tại các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và các cơ sở y tế của một số tỉnh/thành phố. Ngoài ra, thực hiện quy chế tự giám sát các đơn vị cũng tự thành lập các đoàn tự kiểm tra hoặc giao nhiệm vụ cho Ban thanh tra nhân dân giám sát hoạt động đấu thầu của đơn vị mình.Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã giải đáp những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị khi triển khai đấu thầu, mua sắm kịp thời, không bị tồn đọng.
Tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, việc cấp thuốc bảo hiểm y tếđược thực hiện rất chặt chẽ theo các nguyên tắc thuốc sử dụng phải được mua sắm theo đúng quy định về đấu thầu mua thuốc, theo đúng kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có hóa đơn chứng từ hợp lệ, không để tình trạng thiếu thuốc phục vụ nhu cầu của nhân dân đặc biệt là bệnh nhân bảo hiểm.
Câu 131. Cử tri Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri tiếp tục bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng hàng giả, hàng nhái kém chất lượng tràn lan trên thị trường trong thời gian qua, đặc biệt là thuốc giả và thực phẩm. Vấn đề này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe của người dân. Trong khi đó, các chế tài xử lý vi phạm hiện nay chưa đảm bảo tính răn đe, chủ yếu là xử lý hành chính với mức phạt rất thấp. Cử tri đề nghị chỉ đạo tăng cường mạnh mẽ hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, xử lý thật nghiêm khắc các hành vi vi phạm thông qua các chế tài hình sự.
Trả lời:
1. Tăng cường thực hiện công tác chỉ đạo, tiền kiểm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh dược
- Công khai minh bạch danh mục các nhà sản xuất thuốc nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng và ban hành chủ trương và thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ từ khâu nhập khẩu: yêu cầu phải kiểm tra 100% lô thuốc nhập khẩu của các đơn vị sản xuất thuốc nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng (Công văn số 13719/QLD-CL ngày 23/8/2013).
- Triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả hoạt động đánh giá sự phù hợp, bao gồm hoạt động đánh giá đáp ứng thực hành tốt, hoạt động thẩm định hồ sơ cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, hồ sơ xuất nhập khẩu thuốc, hồ sơ chứng minh tương đương sinh học của thuốc.
- Triển khai kiểm tra đột xuất việc tuân thủ GMP các cơ sở sản xuất trong nước: kiểm tra GMP, điều kiện sản xuất tại một số cơ sở sản xuất nước ngoài (chủ yếu là Ấn Độ, Hàn Quốc).
- Thời gian tới triển khai đánh giá 100% hồ sơ nhà máy sản xuất thuốc nước ngoài khi đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam, tăng cường kiểm tra thực tế tại cơ sở để đảm bảo chất lượng thuốc cung cấp vào thị trường.
Tăng cường hoạt động hậu kiểm
- Chỉ đạo Hệ thống kiểm nghiệm thuốc nhà nước lấy mẫu kiểm tra giám sát chất lượng thuốc trên thị trường theo đúng kế hoạch hằng năm. Ngoài ra, chỉ đạo hệ thống kiểm nghiệm kết hợp phương thức lấy mẫu ngẫu nhiên và lấy chọn lọc để kịp thời phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng (Công văn số 8121/QLD-CL ngày 29/5/2013).
- Đã triển khai thực hiện việc thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất có thuốc vi phạm chất lượng.
Xử phạt vi phạm hành chính
- Đối với các trường hợp vi phạm chất lượng thuốc được phát hiện, đã tiến hành xử phạt nghiêm mang tính răn đe, trường hợp phát hiện thuốc giả đã thông báo và phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm kinh tế để tiến hành điều tra, truy tìm nguồn gốc và xử lý.
- Xử phạt nặng các cơ sở vi phạm kèm theo hình thức bổ sung: Tước giấy phép hoạt động, ngừng hoạt động nhập khẩu, rút số đăng ký của các cơ sở vi phạm.
Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng, các tổ chức đơn vị chuyên trách (Hải quan, Công an, Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân các cấp, ...): Bộ Y tế cũng đã thành lập Ban chỉ đạo 389 thuộc Bộ Y tế do lãnh đạo Bộ làm trưởng ban gồm các Vụ/Cục liên quan, hoạt động tích cực nhằm tăng cường công tác phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng là thuốc.
Tăng cường công tác truyền thông: Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, thiết lập các đường dây nóng cung cấp thông tin liên quan đến thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc. Thường xuyên cập nhật danh sách các nhà máy có thuốc vi phạm chất lượng, các thuốc vi phạm chất lượng, thuốc thu hồi, thuốc giả lên website của Cục.
Hợp tác quốc tế và chia sẻ thông tin: Thường xuyên tham gia các Dự án, tổ chức hoạt động trong khu vực (chia sẻ thông tin), toàn cầu liên quan đến phòng chống thuốc giả. Phối hợp chặt chẽ với các nước có chung đường biên giới, các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông trong công tác phòng chống thuốc giả.
Các giải pháp trong thời gian tới
Các đề xuất nhằm tăng cường hiệu quả của công tác quản lý chất lượng, giám sát thị trường, phòng chống sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc kém chất lượng:
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm
- Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 176/2013/NĐ- CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.
- Hoàn thiện và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật dược và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP (các Thông tư về đăng ký thuốc…).
Triển khai thực hiện các quy định tại các văn bản quy phạm đã được ba hành
- Triển khai việc xây dựng quy hoạch hệ thống kiểm nghiệm nhà nước theo quy định tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP và Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam (Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10/01/2014).
- Nâng cao năng lực thử nghiệm của hệ thống kiểm nghiệm, tăng số lượng hoạt chất có khả năng kiểm nghiệm được. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa hai Trung tâm đánh giá tương đương sinh học, xây dựng 03 Trung tâm đánh giá BA/BE khu vực tại Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Đông Nam bộ.
- Xây dựng các chính sách khuyến khích để kêu gọi các tổ chức/cá nhân đầu tư cácTrung tâm BA/BE, nâng cao năng lực thử nghiệm BE, có lộ trình để bổ sung danh mục hoạt chất phải đánh giá BE.
- Rà soát, sửa đổi và trình Lãnh đạo Bộ ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ các Trung tâm kiểm nghiệm tuyến tỉnh làm cơ sở để tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các Trung tâm Kiểm nghiệm. Rà soát lại năng lực thực tế, xây dựng kế hoạch để thực hiện lộ trình triển khai GLP theo Nghị định số 54/2017/NĐ-CP.
Công tác giám sát chất lượng thuốc
- Triển khai đề án kết nối thông tin trong hệ thống kiểm nghiệm nhằm cập nhật, chia sẻ thông tin về tình hình lấy mẫu, kết quả kiểm tra chất lượng nhằm xử lý triệt để thuốc không đạt chất lượng và tránh lãng phí chi phí kiểm nghiệm của việc lấy mẫu trùng lặp (mẫu đã bị xử lý).
- Triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả hoạt động đánh giá sự phù hợp, bao gồm hoạt động đánh giá đáp ứng thực hành tốt, hoạt động thẩm định hồ sơ cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, hồ sơ xuất nhập khẩu thuốc, hồ sơ chứng minh tương đương sinh học của thuốc.
- Tiếp tục và mở rộng đề án ứng dụng công nghệ thông tin kết nối thông tin các nhà thuốc trong năm 2018, mở rộng áp dụng cho toàn bộ hệ thống bán lẻ trong các năm tiếp theo.
Phối hợp, chia sẻ thông tin tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc
- Hoàn thiện và nâng cao năng lực quản lý của hệ thống các cơ quan quản lý dược: Thành lập kiểm soát viên chất lượng, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng trong ngành Y tế và các cơ quan liên quan, giữa Trung ương với địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch thanh kiểm tra về chất lượng thuốc.
- Tăng cường chức năng của các tổ chức đơn vị chuyên trách: Xác lập cơ chế phối hợp, tiếp nhận và trao đổi thông tin liên ngành với Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an), Tổng Cục Hải quan xây dựng các thỏa thuận về phối hợp đấu tranh chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc.
- Xây dựng và triển khai kế hoạch thanh kiểm tra, thành lập các đoàn công tác do cơ quan Trung ương (như Cục Quản lý Dược, Thanh tra Bộ) làm đầu mối, phối hợp với các Sở Y tế, Ban chỉ đạo 389 địa phương, chú trọng những địa bàn thuộc các tỉnh giáp biên, các thành phố lớn nhằm ngăn chặn việc nhập lậu, lưu hành thuốc bất hợp pháp; phòng, chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ và xử lý kịp thời, nghiêm khắc các cơ sở, cá nhân có hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc.
2. Về việc xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm:
Tại Điều 317 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực từ 01/01/2018 đã bổ sung những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm gây hậu quả làm chết người; gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gây tổn hại cho sức khỏe... tùy tính chất mức độ vi phạm có thể sẽ bị phạt tù đến 20 năm.
Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (hiệu lực từ ngày 20 tháng 10 năm 2018) thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP. Quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có tính răn đe mạnh hơn, không quy định hình thức cảnh cáo, tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm; quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm; xử phạt bổ sung như buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc thu hồi thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.
Để tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 về thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại huyên, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyên, quận, thị xã, thành phố của 09 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai. Kết quả thí điểm sẽ là cơ sở để xem xét đề nghị Quốc hội sửa đổi các luật liên quan để áp dụng cho cả nước.
3. Về việc xử lý các trường hợp buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc hết hạn
Hành vi buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc hết hạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến người sử dụng thuốc. Vì vậy, bên cạnh việc xử lý vi phạm hành chính, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã đề xuất xử lý hình sự đối với các hành vi trên. Theo đó, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh đã được quy định tại Điều 194 Luật Hình sự 2015 và khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hình sự 2015, cụ thể:
- Người phạm tội bị phạt tù và còn có thể bị phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định có thời hạn hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
- Pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt tiền hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn hoặc cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn có thời hạn.
Câu 132. Cử tri tỉnh Kiên Giang kiến nghị: Cử tri phản ánh, theo Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT- BYT-BLĐTBXH-BCA, ngày 09/7/2015 giữa Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an quy định thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định tình trạng người nghiện ma túy lại chưa quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quản lý đối tượng sử dụng ma túy được đưa đi xác định tình trạng nghiện, chưa bảo đảm tính pháp lý trong việc lưu giữ người để theo dõi, chẩn đoán, xác định tình trạng nghiện ma túy. Việc này gây khó khăn trong thực hiện. Đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể về nội dung này.
Trả lời:
Tại Điều 4. Thủ tục đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy, Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT- BYT-BLĐTBXH-BCA quy định: “Công an xã, phường, thị trấn hoặc công an cấp huyện, cấp tỉnh có văn bản đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy gửi ngành Y tế”. Theo quy định này, các cơ sở y tế được giao nhiệm vụ sẽ tiến hành các Quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy khi có đề nghị của ngành Công an. Như vậy, ngành Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn trong việc xác định tình trạng nghiện ma túy, còn ngành Công an là đơn vị chịu trách nhiệm trong việc quản lý đối tượng sử dụng ma túy.
Để tháo gỡ, giải đáp các khó khăn trong quản lý đối tượng sử dụng ma túy được đưa đi xác định tình trạng nghiện, cũng như vấn đề bảo đảm tính pháp lý trong việc lưu giữ người để theo dõi, chẩn đoán, xác định tình trạng nghiện ma túy, đề nghị cử tri gửi kiến nghị tới Bộ Công an để có được trả lời chi tiết theo thẩm quyền.
Câu 133. Cử tri tỉnh Quảng Nam kiến nghị: Đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu có giải pháp, chế tài đủ mạnh để Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đi vào cuộc sống (Hiện nay, tỷ lệ người hút thuốc lá, tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng ngày càng gia tăng nhưng chưa được các cơ quan chức năng xử lý theo quy định).
Trả lời:
1. Về tỷ lệ người hút thuốc lá, tình trạng người hút thuốc lá nơi công cộng và xử lý vi phạm:
Sau khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực (01/5/2013), các Bộ, Ban, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện. Theo Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015 (GATS 2015) cho thấy tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 45,3%, giảm 2,1% so với điều tra GATS 2010 (47,4%), tỷ lệ tính chung cho cả 2 giới nam và nữ là giảm từ 23,8% xuống còn 22,5%, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể ở hầu hết các địa đỉam, tại gia đình giảm từ 73,1% xuống còn 59,9%, tại nơi làm việc giảm từ 55,9% xuống còn 42,6%, tại trường học giảm từ 22,3% xuống còn 16,1%, trên phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống còn 19,4%. Như vậy, tỷ lệ người hút thuốc lá, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động tại nơi công cộng mà nguyên nhân là do hút thuốc nơi công cộng có giảm so với thời điểm khi chưa ban hành Luật.
Tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng không còn phổ biến như trước khi ban hành Luật, người dân cũng có ý thức hơn về hành vi hút thuốc nơi công cộng. Việc xử phạt hành vi vi phạm đối với người hút thuốc nơi công cộng đã được tăng cường triển khai so với trước khi ban hành Luật. Từ năm 2015 đến nay, các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 3.740 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 706.600.000 đồng. Các lực lượng chức năng đã thường xuyên thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử phạt đối với các cơ sở là địa điểm công cộng về việc thực hiện treo biển cấm hút thuốc, tổ chức nơi dành riêng cho người hút thuốc nên tình trạng người hút thuốc lá nơi công cộng cũng giảm đáng kể.
Sau khi Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế được ban hành, trong đó có lĩnh vực Phòng chống tác hại của thuốc lá, hằng năm, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá đều hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức các lớp tập huấn phổ biến Luật, nghị định và nâng cao năng lực cho thanh tra y tế, thanh tra các bộ và các chiến sỹ công an về xử lý vi phạm về Phòng chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, thời gian qua việc nhắc nhở, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính mới tập trung từng đợt, tại một số tỉnh, thành phố lớn tại khu vực công cộng như: khách sạn, nhà hàng, bến tàu xe,...việc nhắc nhở, kiểm tra chưa được thường xuyên, liên tục. Năm 2018, Quỹ hỗ trợ Ban Chỉ đạo Phòng chống tác hại của thuốc lá Bộ Công an, Thanh tra Y tế, Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng,...
2. Một số khó khăn, vướng mắc
Việc kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về Phòng chống tác hại của thuốc lá cũng gặp một số khó khăn như:
- Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định các chức danh có thẩm quyền xử phạt như: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, tuy nhiên, hiện nay lãnh đạo các cấp chính quyền chưa quan tâm, đôn đốc, kiểm tra, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCTH của thuốc lá. Hằng năm, Bộ Y tế đều gửi công văn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc tuân thủ quy định cấm hút thuốc, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành hoặc lồng ghép việc kiểm tra tình hình thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá trong các đoàn kiểm tra liên ngành trên địa bàn quản lý và xử phạt nghiêm hành vi vi phạm quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
- Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá không được hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng chức năng đi xử phạt, mà lấy từ nguồn ngân sách của các Bộ, ngành. Từ năm 2015 đến nay, kinh phí hỗ trợ cho công tác thanh tra, xử phạt dựa vào nguồn hỗ trợ có hạn của các tổ chức quốc tế.
3. Các giải pháp trong thời gian tới
Để tăng cường công tác kiểm tra xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Phòng chống tác hại của của thuốc lá, thời gian tới Bộ Y tế tiếp tục xây dựng kế hoạch phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nội dung sau:
- Tăng cường phối hợp Bộ Công an và công an các tỉnh, thành phố thông qua lực lượng nòng cốt là cảnh sát khu vực, cảnh sát môi trường và cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội để tăng cường kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị địa phương, khách sạn, nhà hàng và các nơi công cộng trong nhà khác.
- Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về Phòng chống tác hại của thuốc lá, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tổ chức, địa phương theo quy đinh tại Điều 5 Luật Phòng chống tác hại của của thuốc lá.
- Đề xuất đưa nội dung thí điểm phạt “nguội” thông qua việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
- Xây dựng ứng dụng phần mềm trên điện thoại di động để mọi người phản ánh các hành vi vi phạm tại các địa điểm công cộng thông qua ứng dụng này. Bộ Y tế sẽ tổng hợp báo cáo tình trạng vi phạm tại các địa điểm công cộng để gửi các cơ quan chức năng tại địa phương nơi xảy ra vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Tăng cường lồng ghép kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm của bộ, ngành, địa phương; kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị , địa phương trong việc tổ chức triển khai Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá theo quy định tại Điều 5 Luật Phòng chống tác hại của của thuốc lá.
Câu 134. Cử tri tỉnh Quảng Bình kiến nghị: Cử tri phản ánh, hiện nay tại các thôn, bản đang bố trí 01 cán bộ y tế phụ trách việc khám, chữa bệnh cho người dân nhưng hiệu quả không cao; trên thực tế, người dân khi ốm đau thường đến Trạm Y tế hoặc các Trung tâm y tế lớn mà không qua cán bộ y tế thôn, bản phụ trách nên gần như những cán bộ này không có việc làm, trong khi đó hằng năm nhà nước phải chi trả một nguồn kinh phí khá lớn cho đội ngũ này. Hiện nay Đảng, Nhà nước đang thực hiện chủ trương tinh giản bộ máy ngày càng gọn, nhẹ nhằm giảm nguồn chi ngân sách; vì vậy, đề nghị Bộ Y tế xem xét, điều chỉnh; quy định lại cho phù hợp, có thể bỏ cán bộ y tế thôn bản, hoặc chỉ bố trí cán bộ y tế thôn, bản đối với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Trả lời:
Nhân viên y tế thôn, bản có vai trò rất quan trọng trong hệ thống y tế. Nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản đã được quy định tại Điều 4, Thông tư số 07/2013/TT-BYT ngày 08/3/2013 của Bộ Y tế, bao gồm 9 nhiệm vụ sau:a) Tuyên truyền, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng; b) Tham gia thực hiện các hoạt động chuyên môn về y tế tại cộng đồng; c) Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình; d) Sơ cứu ban đầu và chăm sóc bệnh thông thường; đ) Tham gia thực hiện các chương trình y tế tại thôn, bản; e) Vận động, hướng dẫn nhân dân nuôi trồng và sử dụng thuốc nam tại gia đình để phòng và chữa một số chứng bệnh thông thường; g) Tham gia giao ban định kỳ với trạm y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Trạm Y tế xã); tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn do cơ quan y tế cấp trên tổ chức để nâng cao trình độ; h) Quản lý và sử dụng hiệu quả Túi y tế thôn, bản; i) Thực hiện ghi chép, báo cáo kịp thời, đầy đủ theo hướng dẫn của trạm y tế xã.
Trong những năm qua, đội ngũ y tế thôn bản đã thực hiện đúng 9 chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của Bộ Y tế. Đội ngũ này chính là cánh tay nối dài để ngành Y tế thực hiện công tác truyền thông, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngay tại cộng đồng. Sự tận tâm của y tế thôn bản đã giúp cho việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế như: Phòng chống sốt rét; phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em;… được thực hiện có hiệu quả.Thực tế cho thấy, cống hiến và thời gian nhân viên y tế thôn, bản dành cho công việc cũng không phải là ít, thế nhưng thu nhập của họ chưa tương xứng. Ở vùng miền núi khó khăn, mức lương của họ là 630.000 đồng/người/tháng, còn ở đồng bằng chỉ 315.000 đồng/người/tháng. Định mức phụ cấp như hiện nay quá thấp so với mặt bằng chung, không đủ để trang trải cuộc sống cho đội ngũ này. Đây chính là lý do khiến những năm gần đây, nhiều nhân viên y tế thôn bản không còn mặn mà với công việc này.
Việc duy trì mạng lưới cán bộ y tế thôn bản rất cần thiết. Để làm được điều này cần phải có nhiều thay đổi căn bản để giải quyết gốc rễ của vấn đề. Trong đó tăng mức phụ cấp hàng tháng và kinh phí hỗ trợ đào tạo kỹ năng là cần thiết. Theo đó, Sở Y tế các địa phương cần phối hợp với chính quyền địa phương để từng bước thực hiện việc lồng ghép nhân viên y tế thôn bản kiêm nhiệm thêm một số công việc tại thôn bản như: cô đỡ thôn bản, cộng tác viên dân số hoặc một số công việc ở ban dân chính thôn…, vừa tạo điều kiện để nhân viên y tế thôn bản có thêm thu nhập vừa hỗ trợ cho công tác.Bên cạnh đó, cần bố trí kinh phí, hỗ trợ công tác đào tạo mới, đào tạo liên tục để đáp ứng kịp thời nhu cầu của các đơn vị, có nguồn nhân lực để thay thế, bổ sung cũng như tạo điều kiện cho nhân viên y tế thôn bản được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức mới và học hỏi kinh nghiệm nhằm góp phần phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Câu 135. Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Cử tri phản ảnh tình trạng quá tải ở các bệnh viện nhất là tuyến Trung ương vẫn không giảm. Cử tri đề nghị cần tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh, xây dựng thêm các bệnh viện khu vực để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, thực hiện việc luân chuyển định kỳ những bác sĩ có tay nghề cao ở các bệnh viện tuyến trung ương về địa phương để đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.
Trả lời:
- Đầu tư cơ sở vật chất cho các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh
Theo phân cấp quản lý của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật thì Ngân sách địa phương có nhiệm vụ chi đầu tư cho các cơ sở y tế do địa phương quản lý; ngân sách Trung ương chỉ mang tính chất hỗ trợ. Vì vậy, việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các cơ sở y tế của địa phương thuộc trách nhiệm của ngân sách địa phương.
Trước tình hình ngân sách địa phương có khó khăn, thực hiện chủ chương đột phá trong đầu tư cho y tế theo Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị, bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách địa phương, Bộ Y tế đã tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đã được phê duyệt một số Chương trình, Đề án, dự án đầu tư cho y tế từ các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA,... (Đề án 47 đầu tư cho y tế tuyến huyện từ trái phiếu Chính phủ, Đề án 930 đầu tư cho một số bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện phong, lao, tâm thần, ung bướu, Quyết định số 125/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng mới 05 bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối đặt tại thành phố Hồ Chí Minh và một số dự án ODA hỗ trợ y tế địa phương,..) nhằm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các cơ sở y tế. Tổng hợp chưa đầy đủ, từ năm 2006 đến nay Nhà nước đã đầu tư hơn 56.000 tỷ đồng từ trái phiếu chính phủ và gần 400 triệu USD từ viện trợ ODA xây dựng, nâng cấp, mở rộng 766 bệnh viện từ bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, trung ương và hơn 2.000 trạm y tế xã, trên 114 phòng khám đa khoa khu vực, đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng cho 05 Bệnh viện trung ương tuyến cuối.
Giai đoạn 2016-2020, ngoài ngân sách đầu tư cho y tế từ địa phương, Quốc hội, Chính phủ đã quyết định đầu tư từ trái phiếu Chính phủ cho một số bệnh viện tỉnh, bệnh viện Trung ương, phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế Dân số theo Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017, Chương trình hỗ trợ đầu tư y tế địa phương theo Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 25/8/2017, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Ngoài các nguồn vốn trên, Chính phủ đã cho phép các cơ sở y tế được liên doanh, liên kết, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư theo hình thức xã hội hóa theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ; đầu tư theo hình thức PPP và khuyến khích tư nhânđầu tư các cơ sở y tế có chất lượng cao phục vụ nhân dân.
2. Chính sách luân chuyển cán bộ có tay nghề cao về địa phương
Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho y tế cơ sở. Thực hiện quy định này, các cán bộ y tế tuyến trên phải thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn để giúp đỡ tuyến dướinhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Thực hiện Dự án thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác vùng khó khăn, 62 huyện nghèo: Để có nguồn nhân lực y tế chất lượng phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân được tốt, tiến tới mọi người dân được bình đẳng trong việc thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 585/QĐ-BYT phê duyệt Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” nhằm thu hút bác sỹ trẻ mới ra trường tình nguyện về công tác tại các vùng khó khăn. Cho đến nay đã tiến hành đào tạo 15 khóa Bác sỹ chuyên khoa cấp I (354 bác sỹ) theo nhu cầu của các địa phương, trong đó đã tiến hành bàn giao 28 bác sỹ trẻ tình nguyện về các huyện nghèo.
Ngày 22/5/2016 Bộ Y tế ban hành Thông tư số 16/2016/TT-BYT hướng dẫn thí điểm về BSGĐ và phòng khám BSGĐ. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng hướng dẫn các tỉnh/thành phố thí điểm hình thành, triển khai hoạt động BSGĐ trên địa bàn. Sau thời gian triển khai, công tác bác sỹ gia đình đã đạt được một số kết quả như:
- Số lượng phòng khám BSGĐ: Theo số liệu thu được từ nghiên cứu của Viện Chiến lược Bộ Y tế, đến hết tháng 12/2017, đã có 14 tỉnh, thành phố tham gia Đề án thành lập 340 phòng khám BSGĐ với nhiều mô hình khác nhau. Trong số 340 phòng khámBSGĐ đã được thành lập, có 297 phòng khám BSGĐ công lập và 43 phòng khám BSGĐ tư nhân.
- Lập hồ sơ quản lý sức khỏe: Trong giai đoạn 2013 – 2017, các phòng khám BSGĐ đã tổ chức lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho 81.765 người bệnh, trong đó 86,7% người bệnh tại các phòng khám BSGĐ thuộc khối bệnh viện quận, huyện. Chỉ có 12,8% người bệnh được lập hồ sơ quản lý tại các trạm y tế.
- Thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh: Theo kết quả điều tra, tính đến hết năm 2017, các phòng khám BSGĐ tại các tỉnh/thành phố đã thực hiện được 1.166.214 lượt khám bệnh, chữa bệnh; 4.285 lượt khám, chữa bệnh cấp cứu; 13.429 ca thủ thuật; chuyển tuyến 35.708 ca và khám bệnh tại nhà 6.804 ca.
Năm 2018, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án: “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối của Tp Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2018 -2020”. Đây là để án thí điểm áp dụng cho 26 trạm y tế của 8 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, người dân của các xã này được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến y tế cơ sở.
Câu 136. Cử tri tỉnh Bến Tre kiến nghị: Cử tri cho rằng Công ty VN Pharma bán thuốc chống ung thư giả, thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người. Sự việc xảy ra đã lâu nhưng đến nay chưa có kết quả xử lý thỏa đáng gây bức xúc trong nhân dân. Đề nghị cơ quan chức năng sớm xem xét giải quyết vụ việc, đưa ra mức xử lý nghiêm đối với những cá nhân vi phạm, để đảm bảo công bằng cho những bệnh nhân đã sử dụng các loại thuốc trên.
Trả lời:
Trước hết, có thể khẳng định rằng trong vụ việc của Công ty Cổ phần VNPharma, Bộ Y tế đã thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước của mình.Trong toàn bộ quá trình điều tra, xét xử, Bộ Y tế đã luôn tích cực và chủ động cung cấp hồ sơ, tài liệu, thông tin cho các cơ quan chức năng.Như vậy, chính sự kiểm soát chặt chẽ và kịp thời của các chuyên gia thuộc Bộ Y tế mà sự việc được phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra bất kỳ hậu quả nào.
Cơ quan điều tra hiện đang tiến hành điều tra lại vụ án theo kháng nghị của Tòa án cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án này. Ngoài ra, Tổng Thanh tra Chính phủ đã có các Quyết định số 2333/QĐ-TTg ngày 15/9/2017 và Quyết định số 2333/QĐ-TTg ngày 06/8/2018 để thành lập Đoàn thanh tra liên quan đến vụ án này.Kết quả điều tra, thanh tra sẽ được thông tin tới cử tri theo quy định.
Câu 137. Cử tri tỉnh Bắc Giang kiến nghị: Cử tri đề nghị có quy định ưu đãi đối với Mẹ Việt Nam anh hùng khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Tránh tình trạng như hiện nay, có Mẹ Việt Nam anh hùng đi khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai vẫn phải nằm cáng, trong khi giường ưu tiên còn nhiều.
Trả lời:
Ngày 26/4/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố; Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế và Y tế ngành thực hiện chính sách ưu tiên cho người cao tuổi khi khám bệnh, chữa bệnh (Công văn số 2413/BYT-KCB), trong đó lưu ý những nội dung:
- Người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên được ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh trước, trừ các trường hợp cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng.
- Bố trí giường nằm phù hợp khi người cao tuổi điều trị nội trú.
Như vậy, người cao tuổi nói chung và bà mẹ Việt Nam Anh hùng nói riêng đều được các cơ sở y tế quan tâm ưu tiên khi đi khám chữa bệnh.
Đối với phản ánh của cử tri, Bộ Y tế xin ghi nhận.Tuy nhiên để kiểm tra, xử lý kiến nghị của cử tri, Bộ Y tế trân trọng đề nghị cử tri cung cấp thêm các thông tin cụ thể để kiểm tra, làm rõ và chấn chỉnh nếu có hiện tượng như cử tri phản ánh.
Câu 138. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Cử tri phản ánh khám Bảo hiểm y tế ở các Bệnh viện, Trạm y tế, quy trình khám lâm sàng rất nhanh, chưa thỏa mãn nhu cầu cần tư vấn của người dân. Bên cạnh đó, việc quy định mỗi Bác sĩ khám bệnh không quá 65 bệnh nhân/ngày, là chưa phù hợp sẽ gây bức xúc cho bệnh nhân khi có nhu cầu khám, chữa bệnh. Cử tri cho rằng, những giải pháp mà Bộ Y tế đưa ra để nâng cao chất lượng y tế, cũng như giảm tải bệnh viện là chưa xử lý hiệu quả, thiếu tính đồng bộ.
Trả lời:
1. Về việc khám lâm sàng cho người bệnh
Nhận thức được việc khám lâm sàng nhanh sẽ không được thỏa mãn nhu cầu cần tư vấn của người dân cũng như đảm bảo được chất lượng khám, chữa bệnh lâm sàng, ngày 22 tháng 4 năm 2013 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1313/QĐ-BYT Hướng dẫn quy trình khám bệnh tại Khoa Khám bệnh với quyđịnh“Đến năm 2015, trung bình mỗi buồng khám phấn đấu tối đa chỉ khám 50 người bệnh/8giờ và đến năm 2020 chỉ khám 35 người bệnh/8 giờ”.
Trong trường hợp số lượng người bệnh tăng đột biến do các nguyên nhân khác nhau thì phấn đấu tối đa mỗibuồng khám không tăng quá 30% chỉ tiêu trên. Tại khoản 6, Điều 5 Thông tư số 15/2018/TT-BYT ngày 30/05/2018 quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh có quy định “Các cơ sở y tế phải điều phối, bố trí nhân lực, số bàn khám theo yêu cầu để bảo đảm chất lượng khám bệnh. Đối với các bàn khám trên 65 lượt khám/01 ngày: cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ thanh toán bằng 50% mức giá khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám đó. Trong thời gian tối đa 01 quý, cơ sở y tế vẫn còn có bàn khám trên 65 lượt/ngày thì cơ quan bảo hiểm xã hội không thanh toán tiền khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám đó”.
2. Về việc quy định mỗi Bác sĩ khám bệnh không quá 65 bệnh nhân/ngày
Theo khảo sát của Bộ Y tế, hiện nay, số lượng người đến khám bệnh tại các cơ sở y tế rất đông và không đồng đều. Tại một số bệnh viện, lượng khám chỉ đông và quá tải vào đầu tuần, sau đó cuối tuần thì rất vắng dẫn đến tình trạng số lượt khám/bàn khám/ngày không đồng đều.
Bộ Y tế đang tiến hành các giải pháp để khắc phục tình trạng quá tải, sắp xếp lịch khám hợp lý cho từng đối tượng bệnh nhân. Theo đó, với các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, khám định kỳ thì không nhất thiết phải đến khám vào buổi sáng, có thể đến buổi chiều để tránh tình trạng quá tải.
Để thuận tiện sắp xếp lịch khám bệnh, tránh quá tải bàn khám tại bệnh viện, hiện nay nhiều bệnh viện đã áp dụng công nghệ trong đặt lịch khám qua điện thoại, qua mạng như: Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bệnh viện Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh)... Tuy nhiên cách làm này cũng chưa phổ biến và phần lớn người dân vẫn chưa có thói quen thực hiện.
Thời gian tới Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường tuyên truyền rộng hơn để người dân biết những bệnh viện đã áp dụng việc đặt lịch khám trước và để hình thành thói quen sử dụng rộng rãi.
Câu 139. Cử tri tỉnh Tuyên Quang kiến nghị: Đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các ngành liên quan điều chỉnh các văn bản cho hợp lý với điều kiện thực tế hiện nay, để các cơ sở giáo dục được tiếp cận nguồn kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế. Lý do vướng mắc về tiêu chí về nhân viên y tế học đường quy định trong các văn bản (Quy định tại tại điểm a, Khoản 2, Điều 8 Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của liên Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Văn bản số 3524/BHXH-TCKT ngày 14/9/2016 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về việc trích, chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu “yêu cầu cán bộ y tế phải có mặt thường xuyên tại nhà trường”).
Trả lời:
Hiện nay, việc trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học và nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu thực hiện theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo đó chỉ có các quy định nhà trường đáp ứng các điều kiện để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh sinh viên về: Phòng y tế, Nhân viên y tế, ký hợp đồng chăm sóc sức khỏe ban đầu với Trạm y tế, các Phòng khám đa khoa...; Tỷ lệ trích chuyển kinh phí, các nội dung chi…; Nhân viên y tế (trình độ từ trung cấp y trở lên) phải thường xuyên cặp nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, được đào tạo, tập huấn...; Tham mưu cho nhà trường để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh sinh viên…; và không có quy định "nhân viên y tế phải có mặt thường xuyên tại nhà trường"....
Quy định này là hoàn toàn phù hợp với điều kiện của từng trường học có sử dụng nhân viên y tế hiện nay. Trong điều kiện nhiều nơi không có biên chế, nhân viên y tế còn làm việc kiêm nhiệm, có nơi còn ký hợp đồng chăm sóc sức khỏe ban đầu với Trạm y tế xã hoặc Phòng khám đa khoa...thì việc nhân viên y tế túc trực thường xuyên tại nhà trường là rất khó thực hiện. Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội nơi nào tự đặt ra quy định này mới đáp ứng được việc trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu là trái với quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.Để kiểm tra, xử lý kiến nghị của cử tri, Bộ Y tế trân trọng đề nghị cử tri cung cấp thêm các thông tin cụ thể để kiểm tra, làm rõ và chấn chỉnh nếu có hiện tượng như cử tri phản ánh.
Câu 140. Cử tri tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị: Điều 7, Quy chế xét cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền ban hành kèm theo Quyết định số 39/2007/QĐ-BYT ngày 12/11/2007 của Bộ Y tế quy định hồ sơ xét cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền bao gồm 7 loại giấy tờ, trong đó có “Văn bản xác nhận được quyền thừa kế bài thuốc đó theo quy định của pháp luật hiện hành,được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận) hoặc công chứng, chứng thực” (Khoản 5, Điều 7). Tuy nhiên, không rõ theo quy định của pháp luật hiện hành là quy định nào? Theo Bộ Luật dân sự năm 2015 và các Bộ Luật dân sự trước cũng không có quy định về quyền thừa kế bài thuốc gia truyền; thực tế, đa số cá nhân để lại bài thuốc gia truyền cho con cháu đều qua lời nói, không có văn bản. Đề nghị Bộ Y tế xem xét sửa đổi quy định trên cho cụ thể và phù hợp thực tế.
Trả lời:
Ngày 12/11/2007 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 39/2007/QĐ-BYT Quy chế xét cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền ban hành. Tại Điều 7 có quy định Hồ sơ xét cấp “Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền” bao gồm 7 loại giấy tờ (1) Đơn đề nghị, (2) Sơ yếu lý lịch, (3) Bản giải trình, (4) Tư liệu chứng minh bài thuốc (5) Văn bản xác nhận, (6) Giấy khám sức khỏe, (7) Hai ảnh.
Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 45b Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế có quy định về Hồ sơ cấp mới giấy chứng nhận người sở hữu bài thuốc gia truyền và phương pháp chữa bệnh gia truyền bao gồm 4 loại giấy tờ sau: (1) Đơn đề nghị, (2) Bản thuyết minh, (3) Giấy chứng nhận sức khỏe, (4) Hai ảnh...
Như vậy, theo quy định hiện hành thì hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền không còn yêu cầu nộp văn bản xác nhận được quyền thừa kế bài thuốc gia truyền.
Câu 141. Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: Đề nghị Bộ Y tế quan tâm phối hợp với các ngành, địa phương phát triển mạnh hơn sản xuất, chế biến dược liệu trong nước; phát triển công nghiệp dược, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về các loài dược liệu quý hiếm có giá trị ở nhiều nơi trong đó có tỉnh Quảng Ninh để phục vụ chữa bệnh cho nhân dân, xuất khẩu thuốc và góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Trả lời:
Trong nhiều năm qua Bộ Y tế đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm phối hợp với các ngành, địa phương phát triển mạnh hơn sản xuất, chế biến dược liệu trong nước; phát triển mạnh công nghiệp dược, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế về các loài dược liệu quý hiếm có giá trị ở nhiều nơi trong đó có Quảng Ninh để phục vụ chữa bệnh cho nhân dân, xuất khẩu và góp phần phát triển kinh tế xã hội. Bộ Y tế cũng đã ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý trong lĩnh vực dược liệu, dược cổ truyền sau khi Luật Dược 2016 được ban hành để thực hiện và triển khai các nội dung trên, cụ thể:
- Thông tư số 30/2017/TT-BYT quy định về phương pháp chung chế biến các vị thuốc cổ truyền
- Thông tư số 42/2017/TT-BYT Danh mục thuốc cổ truyền độc, dược liệu có độc tính sử dụng làm thuốc tại Việt Nam
- Thông tư số 43/2017/TT-BYT quy định tỷ lệ hao hụt đối với vị thuốc cổ truyền và việc thanh toán chi phí hao hụt tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Thông tư số 13/2018/TT-BYT Quy định quản lý chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền;
- Thông tư số 19/2018/TT-BYT ban hành danh mục thuốc thiết yếu.
- Thông tư số 21/2018/TT-BYT quy định về đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu.
- Thông tư số 35/2018/TT-BYT quy định về thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) (bao gồm cả dược liêu, thuốc cổ truyền).
- Thông tư số 36/2018/TT-BYT quy định về Thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP) (bao gồm cả dược liệu, thuốc cổ truyền).
- Quyết định số 4702/QĐ-BYT ngày 18/10/2017 của Bộ Y tế về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện theo Thông báo 220/TB-VPCP ngày 12/5/2017 của Văn phòng Chính Phủ về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ tại Hội nghị toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam;
- Quyết định số 2056/QĐ - BYT ngày 25/5/2016 về ban hành kế hoạch triển khai Quyết định số 1976/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của ngành Y tế, trong đó đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thực hiện các nhiệm vụ trong tâm sau: Xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển dược liệu; Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; Tăng cường năng lực y dược cổ truyền phục vụ công tác phát triển dược liệu; Tăng cường truyền thông quảng bá cho dược liệu trong nước; Xây dựng và phát triển các đề án, dự án. Bộ Y tế đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh để xây dựng và phát triển Vườn Quốc gia Yên Tử nhằm bảo tồn và duy trì hoạt động bảo tồn, phát triển dược liệu quý và chủ động thực hiện nuôi trồng dược liệu, nhằm phát huy thế mạnh về các dược liệu sẵn có của địa phương.Bộ Y tế đã làm việc với Sở Y tế Quảng Ninh và đơn vị nuôi trồng, kinh doanh, sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền về công tác phát triển dược liệu, thuốc cổ truyền và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc cổ truyền. Theo đó, các lực lượng quản lý thị trường cần đẩy mạnh việc kiểm tra nhập khẩu dược liệu qua đường tiểu ngạch tại biên giới để góp phần đẩy mạnh tiêu thụ dược liệu sản xuất trong nước.
Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai kế hoạch tổ chức Hội chợ Dược liệu và các sản phẩm của y dược cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất với chủ đề Nam dược trị Nam nhân sẽ tổ chức vào cuối tháng 3/2019. Đây là điểm nhấn trong các hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm dược liệu và các sản phẩm về y dược cổ truyền của các doanh nghiệp nuôi trồng, khai thác, chế biến, kinh doanh dược liệu, các cơ sở sản xuất thuốc cổ truyền, các bệnh viện y học cổ truyền , Hội đông y các tỉnh/thành phố, đồng thời tạo ra một điểm mua sắm dược liệu, thuốc y học cổ truyền tin cậy phục vụ nhu cầu mua sắm và chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Câu 142. Cử tri TP. Hà Nội kiến nghị: Cử tri đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định xử lý các vi phạm đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ; quy định xử lý các cơ sở kinh doanh thuốc không thực hiện kết nối phần mềm liên thông cơ sở cung ứng thuốc và nâng mức xử phạt cơ sở kinh doanh thuốc không phép, quy định cụ thể mức xử phạt cơ sở khám chữa bệnh phù hợp với từng loại hình vào Nghị định số 176/NĐ-CP ngày 14/11/2013.
Trả lời:
Về các quy định xử lý các vi phạm đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ và cơ sở kinh doanh thuốc, hiện nay Bộ Y tế đang tham mưu trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó bổ sung mức xử phạt các cơ sở khám chữa bệnh (có các cơ sở thẩm mỹ) vi phạm các quy định hành chính về khám chữa bệnh và các cơ sở kinh doanh thuốc vi phạm nhằm tăng tính răn đe.
Để đảm bảo chất lượng thuốc điều trị, ngày 22/01/2018Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 02/2018/TT-BYT Quy định về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc đã quy định: Cơ sở bán lẻ thuốc (đối với nhà thuốc và tủ thuốc trạm y tế xã từ ngày 01/01/2019, quầy thuốc từ ngày 01/01/2020) phải có thiết bị và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối mạng, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra. Có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu. Tại Thông tư số 03/2018/TT-BYT ngày 09/02/2018 của Bộ Y tế Quy định về thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc quy định: Cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải có máy tính kết nối internet và thực hiện quản lý hoạt động phân phối thuốc bằng phần mềm vi tính. Có cơ chế chuyển thông tin về việc phân phối thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà sản xuất với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu.
Hiện Bộ Y tế đang triển khai sửa đổi Nghị định số 176/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế để trình Chính phủ, trong đó đã đưa hành vi không thực hiện kết nối phần mềm liên thông cơ sở cung ứng thuốc sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Đối với hành vi kinh doanh thuốc khi chưa có đầy đủ giấy phép của cơ quan quản lý sẽ bị nâng mức xử phạt.
Câu 143. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Việc căn cứ vào các loại bệnh ung thư, tiểu đường để xác định người nhiễm chất độc màu da cam là chưa chính xác. Vì vậy, cử tri đề nghị nên xem xét lại quy định để điều chỉnh cho phù hợp.
Trả lời:
Ngày 30/6/2016, Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH về “Hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ”. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2016, thay thế Thông tư số 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 18 tháng 11 năm 2013 của Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu trên.Tại Điều 7 của Thông tư số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH đã quy định 17 nhóm bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học.
Hiện tại Bộ Y tế giao các nhà khoa học tiếp tục thu thập bằng chứng khoa học và thực tiễn để bổ sung danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế xem xét phê duyệt. Đến nay, các nhà khoa học của Bộ Y tế mới chỉ xác định 17 nhóm bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học (17 nhóm bệnh, tật, dị dạng, dị tật này không phải do chất độc hóa học (CĐHH) gây nên, mà chỉ xác định có liên quan với CĐHH). Mặt khác việc xác định mắc các bệnh này cũng rất khó khăn, tốn kém, dễ lạm dụng. Hiện nay các nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam cũng chưa xác định được bệnh, tật nào do dioxin gây ra, mà chỉ xác định một số bệnh, tật có liên quan.
Để giải quyết kiến nghị của cử tri và nhiều ý kiến kiến nghị của người tham gia kháng chiến, Bộ Y tế đề nghị cử tri đề xuất với Quốc hội, Chính phủ cần sửa đổi quy định điều kiện xác định người tham gia khang chiến tại Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13, cụ thể tại Điều 26 cần được sửa đổi, bổ sung như sau:“Điều 26: Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là người được cơ quan có thẩm quyền công nhận đã tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ tháng 8 năm 1961 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học".
[1]TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, Tiền Giang, Khánh Hòa, Thái Nguyên.
[2]TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, Tiền Giang, Khánh Hòa, Thái Nguyên.
[3]TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, Tiền Giang, Khánh Hòa, Thái Nguyên.
[4]TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, Tiền Giang, Khánh Hòa, Thái Nguyên.
[5]TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, Tiền Giang, Khánh Hòa, Thái Nguyên.
[6]TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, Tiền Giang, Khánh Hòa, Thái Nguyên.