Theo dự thảo Kế hoạch tiếp công dân phục vụ Kỳ họp thứ Tám, Ban Dân nguyện sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với QH, các cơ quan của QH, cơ quan thuộc UBTVQH, Đoàn ĐBQH, ĐBQH, tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương. Phối hợp với Tổng Thư ký QH cung cấp thông tin đến các Đoàn ĐBQH, ĐBQH về những trường hợp khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết hết thẩm quyền, đúng pháp luật nhưng vẫn tiếp tục gửi đơn khiếu nại, tố cáo kéo dài đến nhiều ĐBQH. Tổng hợp báo cáo tình hình tiếp công dân phục vụ Kỳ họp với lãnh đạo QH, Tổng thư ký QH vào thời gian giữa Kỳ họp, khi kết thúc Kỳ họp và trong trường hợp đột xuất.
Quang cảnh hội nghị
Thanh tra Chính phủ chỉ đạo Ban Tiếp công dân Trung ương tăng cường phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan trong việc tiếp công dân, xử lý đơn, thư trong thời gian diễn ra Kỳ họp. Kịp thời thông báo cho các địa phương có vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp; có đối tượng khiếu nại, tố cáo chây ỳ, thường xuyên tụ tập tại trụ sở các cơ quan ở Trung ương trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp thì mời Tổ công tác của địa phương và đại diện cơ quan thường trực tiếp công dân có liên quan cùng tiếp; đồng thời đề xuất biện pháp xử lý vụ việc…
Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, Ban Công tác đại biểu và các Đoàn ĐBQH phân công một cá nhân làm đầu mối liên hệ, phối hợp với Ban Dân nguyện để tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương trong thời gian diễn ra Kỳ họp khi có đề nghị của Ban Dân nguyện và sự đồng ý của Chủ tịch QH.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo; tổ chức và tiếp công dân, đối ngoại để giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc đông người. Đối với những trường hợp công dân cố tình lưu trú tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, khi có yêu cầu của Chủ tịch QH hoặc đề nghị của Ban Dân nguyện thì lãnh đạo địa phương đó phải có trách nhiệm tiếp và đưa công dân về để xem xét, giải quyết.
Về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, VPQH phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự khi công dân tập trung đông người tại khu vực làm việc của QH, các cơ quan của QH, cơ quan thuộc UBTVQH, nơi ở của các ĐBQH, Đoàn ĐBQH. Công an TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh bảo đảm an ninh, trật tự, không để xảy ra tình trạng lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để tập trung đông người, gây mất trật tự công cộng…
Các đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo Kế hoạch tiếp công dân phục vụ Kỳ họp thứ Tám; cho rằng, Kế hoạch sẽ giúp tổ chức tiếp công dân có hiệu quả trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ Tám và khi có yêu cầu đột xuất, góp phần hạn chế các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, tập trung tại Hà Nôi và TP Hồ Chí Minh trong thời gian diễn ra kỳ họp. Nhiều ý kiến đề nghị cần tăng cường sự phối hợp giữa Ban Dân nguyện với các cơ quan của QH, các bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tiếp công dân. Tăng cường trao đổi thông tin, dự báo tình hình để chủ động phòng ngừa, xử lý các tình huống phức tạp; phục vụ kịp thời khi lãnh đạo có yêu cầu tiếp công dân cũng như phục vụ các cơ quan, ĐBQH tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong thời gian diễn ra Kỳ họp...