Theo dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, thông qua kết quả theo dõi, đôn đốc các cơ quan trong giải quyết, trả lời phản ánh, kiến nghị của cử tri của Ban Dân nguyện và nhận xét đánh giá về kết quả trả lời kiến nghị của cử tri của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho thấy, về cơ bản các cơ quan, Bộ, ngành đều nghiêm túc, trách nhiệm trong tiếp thu các kiến nghị mà cử tri nêu; hầu hết các nội dung trả lời đều rõ ràng, giải trình ngắn gọn, dễ hiểu đúng trọng tâm vấn đề mà cử tri nêu. Ngoài ra, một số Bộ, ngành còn thông tin thêm về việc áp dụng các quy định của pháp luật có liên quan và kế hoạch triển khai thực hiện trong thời gian tới để khắc phục những vấn đề mà cử tri bức xúc kiến nghị.là hiện tượng trả lời chung chung, “lạc đề”, không đúng vấn đề mà cử tri nêu hay các nhầm lẫn, sơ suất trong các văn bản trả lời kiến nghị gửi tới cử tri cũng đã được khắc phục nhiều.
Toàn cảnh phiên họp
Bên cạnh những kết quả đạt được, Dự thảo báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6. Cụ thể, đối với các cơ quan của Quốc hội, chất lượng tổng hợp, xử lý kiến nghị cử tri của nhiều Đoàn ĐBQH vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Do đó có một số kiến nghị đã được các bộ, ngành trả lời rõ ràng, đầy đủ tại nhiều kỳ họp Quốc hội, hoặc đã được pháp luật quy định nhưng vẫn tiếp tục đặt vấn đề yêu cầu các bộ, ngành giải đáp, hướng dẫn, có đoàn còn kiến nghị sửa đổi văn bản đã hết hiệu lực thi hành; kiến nghị còn chung chung, như kiến nghị về sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật nhưng không nêu nội dung phải sửa đổi, bổ sung ở chương, điều khoản nào? Kiến nghị thuộc thẩm quyền địa phương giải quyết nhưng vẫn tổng hợp để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết...
Đối với Chính phủ, các bộ, ngành, mặc dù công tác trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri đều được các Đoàn ĐBQH khẳng định là đã được nâng cao về chất lượng và cơ bản đảm bảo quy định về thời gian, tuy nhiên một số Đoàn ĐBQH vẫn tiếp tục có đánh giá, nhận xét cho rằng nhiều văn bản trả lời cử tri chỉ thiên về trích dẫn các quy định đã có của pháp luật; một số văn bản trả lời cung cấp thông tin, giải trình các vấn đề mà cử tri nêu còn rất chung chung, thiếu thuyết phục, không nhận trách nhiệm của các Bộ, ngành mình trong công tác quản lý hoặc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực mà cử tri kiến nghị; một số văn bản trả lời mang tính trì hoãn việc giải quyết, nhiều kiến nghị liên quan đến việc đầu tư vốn cho các công trình thường được trả lời ”theo kế hoạch” nên không rõ khi nào kế hoạch được thực hiện ... Bên cạnh đó, một số kiến nghị thuộc phạm vi trách nhiệm giải quyết của nhiều ngành nhưng chưa có sự phối hợp chặt chẽ nên kết quả giải quyết không đạt chất lượng, thời gian cử tri chờ đợi kéo dài... Đặc biệt một số nội dung đã có văn bản trả lời, tuy nhiên sau đó các Bộ, ngành không quan tâm đến việc đôn đốc, tổ chức thực hiện hoặc tiếp tục để xảy ra các trường hợp tương tự. Do đó, mặc dù đã được Đoàn ĐBQH tỉnh thông báo, trả lời nhưng cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị nhiều lần qua nhiều kỳ họp như các phản ánh, kiến nghị về chế độ, chính sách, một số quy định về thu phí, lệ phí, quy định về đất đai, tài nguyên, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, chính sách cho nạn nhân chất độc màu da cam, xử lý vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, công khai minh bạch trong thu phí tại các trạm BOT; tiêu cực xảy ra trong ngành giáo dục: bạo lực học đường, dậy thêm học thêm, thi cử; quản lý lễ hội, mê tín dị đoan; trục lợi bảo hiểm xã hội;...
Dự thảo báo cáo cũng cho biết, qua giám sát, khảo sát và làm việc với một số cơ quan có thẩm quyền giải quyết cho thấy công tác giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 còn nổi lên một số vấn đề như sau: một số quyền lợi chính đáng của người dân đã được quy định rõ trong các văn bản pháp luật nhưng chưa được tổ chức triển khai thống nhất trên phạm vi toàn quốc, chưa được thường xuyên thanh tra, kiểm tra nên ảnh hưởng đến quyền lợi của một bộ phận người dân ở các vùng miền, địa phương khác nhau; một số văn bản trả lời cử tri không đúng với nội dung mà cử tri cử tri nêu; nhiều kiến nghị của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ trước chưa được triển khai thực hiện; một số kiến nghị của cử tri, mặc dù đã được các Bộ, ngành triển khai nhiều biện pháp để thực hiện, tuy nhiên còn chưa hiệu quả, chuyển biến chậm nên kết quả đạt được chưa đáp ứng mong muốn của cử tri; việc trả lời chậm, nhầm lẫn, sai sót trong các văn bản trả lời cử tri của một số Bộ ngành tuy đã được khắc phục nhiều so với thời gian trước nhưng vẫn còn xảy ra
Đại diện các Bộ, ngành phát biểu ý kiến
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu tham dự đánh giá cao báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV của Ban Dân nguyện; tuy nhiên một số đại biểu đề nghị Ban Dân nguyện rà soát lại kỹ lưỡng các số liệu, các mốc thời gian của báo cáo một cách kỹ càng để đảm bảo tính thống nhất và tính chính xác trước khi gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH.
Một số đại biểu cũng đề nghị nâng cao chất lượng tổng hợp nghiên cứu kiến nghị của cử tri đảm bảo phản ánh đúng, trúng và rõ ràng các vấn đề mà của tri quan tâm, chuyển đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, khắc phục tình trạng kiến nghị thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước ở địa phương nhưng Đoàn ĐBQH vẫn chuyển kiến nghị đến cơ quan Trung ương để yêu cầu trả lời, giải quyết.
Ngoài ra, có đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo một số Bộ, ngành tập trung thực hiện giải quyết một số vấn đề, nhóm vấn đề cụ thể mà cử tri đặc biệt quan tâm, đã kiến nghị liên tục qua nhiều kỳ họp, trong đó có một số vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục như dạy thêm, học thêm, bạo lực học đường, trách nhiệm giám sát việc cung cấp thực phẩm vào trường học… và lĩnh vực giao thông như tai nạn giao thông tăng cao, đặc biệt gần các kỳ nghỉ, cần minh bạch tại các trạm thu phí.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu kết luận hội nghị
Kết luận hội nghị, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trân trọng cảm ơn những ý kiến góp ý quý báu, tâm huyết, xác đáng của các đại biểu tham dự. Trưởng Ban Nguyễn Thanh Hải nêu rõ, Ban Dân nguyện sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý này một cách nghiêm túc để chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện báo cáo để gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, các ĐBQH./.