Toàn cảnh buổi làm việc
Theo Báo cáo của Bộ Tư Pháp, trong năm 2019, Bộ Tư pháp đã tiếp được 394 lượt công dân đến khiếu nại. Trong đó có 294 lượt công dân đến khiếu nại thuộc thẩm quyền của Bộ 9 ( Chiếm 72%), 100 lượt công dân đến khiếu nại không thuộc thẩm quyền ( chiếm 28%). Do với cùng kỳ năm 2018, số lượt công dân đến Bộ Tư pháp khiếu nại, tố cáo tăng 130 lượt công dân. Trong đó, số lượt công dân được hướng dẫn, giải thích trực tiếp: 75 lượt; Số lượng có văn bản hướng dẫn: 182 lượt; Số lượt có nhận đơn, thư: 137 lượt.
Trong năm 2019, Bộ Tư pháp đã và đang giải quyết 20 vụ việc. Trong đó có 04 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 1, lần 2 của Bộ trưởng. Kết quả: Đã giải quyết xong, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại 03 vụ việc; đang giải quyết: 01 vụ việc; Đang giải quyết: 01 vụ việc; 16 vụ việc thanh tra độ xuất phục vụ công tác quản lý của Bộ Tư pháp.
Mặc dù công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của Bộ Tư pháp đã thực hiện trong năm 2019 đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Vẫn còn xảy ra tính trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài; một số vụ việc các cấp vẫn chưa giải quyết được dứt điểm theo đúng thời hạn yêu cầu.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Văn Đương phát biểu tại buổi làm việc
Sau khi nghe báo cáo, với tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương, các thành viên Đoàn công tác tiến hành trao đổi, thảo luận, đồng thời đề nghị Bộ Tư pháp làm rõ một số vấn đề như: Việc bảng biểu tại phòng tiếp công dân chưa đúng theo quy định; Quy trình cần thiết kế rõ ràng, cũng như sổ tiếp công dân chưa đúng theo biểu mẫu của Thanh tra Chính phủ ban hành; Cần tăng cường hơn công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời ngăn chặn những trường hợp thi hành án và kê biên tài sản trái pháp luật; Hàng năm, Bộ Tư pháp cần có những danh mục thống kê các bản án không thể thi hành để làm cơ sở kiến nghị với tòa án các cấp; Trong báo cáo cần nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong các văn bản pháp luật hiện hành cũng như đề nghị Bộ Tư pháp làm rõ vai trò của Ban Chỉ đạo thi hành án tại địa phương trong công tác thi hành án. Đặc biệt là các giải pháp mà Bộ sẽ triển khai để khắc phục những yêu kém, tồn đọng trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo trong thời gian tới.
Ngoài ra, tại buổi giám sát, Đoàn giám sát đã đề cập tới 05 vụ việc cụ thể liên quan tới công tác thi hành án mà công dân đã gửi tới Ban Dân nguyện cũng như các cơ quan của Quốc hội trong thời gian qua.
Tại buổi làm việc, Bộ Tư pháp đã tiếp thu, giải trình những vấn đề Đoàn giám sát đã đề cập. Cùng với đó, Bộ cũng đã báo cáo tiến độ giải quyết một số vụ việc cụ thể.
Trưởng Ban Dân Nguyện - Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Thanh Hải phát biểu kết luận buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Thanh Hải đã đánh giá cao kết quả tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo mà Bộ đã triển khai trong thời gian qua. Trưởng Đoàn giám sát cũng kiến nghị Bộ Tư pháp cần thực hiện nghiêm lịch tiếp công dân, đặc biệt là người đứng đầu. Cần quan tâm hơn tới chất lượng ghi chép trong sổ tiếp công dân, đặc biệt cần tuân thủ theo biểu mẫu của Thanh tra Chính phủ đã ban hành. Cần lắp thêm camera tại phòng tiếp công dân cũng như truyền dữ liệu ra bên ngoài để người dân có thể theo dõi được.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, đề nghị Bộ quan tâm tới việc phân loại đơn thư, kiến nghị, phản ánh để có hướng giải quyết thỏa đáng đối với Công dân.
Đối với 05 vụ việc cụ thể, Trưởng đoàn Giám sát Nguyễn Thanh Hải kiến nghị Bộ Tư pháp cung cấp thêm cho Đoàn Giám sát toàn bộ hồ sơ vụ việc cũng như tiếp tục rà soát lại quy trình giải quyết và có thông báo kết luận giải quyết gửi tới công dân. Đồng thời xem xét trách nhiệm những cá nhân, tổ chức mắc sai phạm trong công tác thi hành án mà công dân đã tố cáo đối với nhữn vụ việc đã xác minh được sai phạm.
Đoàn Giám sát kiểm tra thực tế tại Phòng Tiếp công dân của Bộ Tư pháp
Trước buổi làm việc, Đoàn công tác của Ban Dân nguyện đã đi kiểm tra, khảo sát thực tế Phòng Tiếp công dân của Bộ Tư pháp.