Phiên họp nhằm thực hiện nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội liên tục cập nhật nội dung phiên họp:
14h02: Vụ trưởng Vụ Dân nguyện Nguyễn Ngọc Hùng tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu:
Phát biểu mở đầu phiên họp, Vụ trưởng Vụ Dân nguyện Nguyễn Ngọc Hùng cho biết, thực hiện nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, qua nghiên cứu kết quả trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tư và Kỳ họp bất thường lần thứ hai, để làm rõ một số nội dung cụ thể, Dân nguyện tổ chức phiên họp giải trình, cung cấp thông tin thuộc thẩm quyền giải quyết của một số Bộ, ngành Trung ương để thảo luận, trao đổi làm rõ các nội dung liên quan.
Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình chủ trì phiên họp.
Về phía Lãnh đạo Ban Dân nguyện có Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lê Thị Nguyệt, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công…
Cùng dự phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Về phía các Bộ, ngành tham gia giải trình có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy; Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi; Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cùng đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Tiếp đó Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình phát biểu khai mạc Phiên họp.
14h05: Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình phát biểu khai mạc phiên giải trình
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 22/5 tới, thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ trách nhiệm của Ban Dân nguyện thực hiện giám sát việc trả lời, giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri. Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ qua giám sát, ghi nhận đến nay cơ bản tập hợp tương đối đầy đủ văn bản trả lời nhưng vẫn còn một số bộ ngành, địa phương chưa có ý kiến trả lời đầy đủ.
Do đó, Ban Dân nguyện tổ chức buổi làm việc để trao đổi làm rõ các nội dung giải quyết ý kiến kiến nghị cử tri trong đó tập trung vào 7 nội dung liên quan đến Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông vận tải, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng chính phủ.
14h10: Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo giải trình
Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận được 11 kiến nghị của cử tri và đã trả lời đầy đủ. Với 2 ý kiến cử tri đang được đề nghị làm rõ, đại diện Bảo hiểm xã hội cho biết, chủ sử dụng lao động thực hiện đóng bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc, quy định.Thời điểm trước năm 2006, chúng ta mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm trên cả nước sang cả chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, đến năm 2006, khi ban hành Luật Bảo hiểm xã hội, nguyên tắc là phải có hợp đồng lao động, có tiền lương thì mới đóng. Điều này dẫn đến bất cập đối với các trường hợp hộ kinh doanh gia đình.
Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, do khác biệt trong quy định về pháp luật liên quan đến bảo hiểm xã hội qua các thời kỳ, nên dễ dẫn đến một số bất cập trong một số trường hợp. Có những trường hợp từ 2006 trở về trước đã đóng bảo hiểm, nhưng đến nay không thể rà soát để chi trả. Cũng chưa xác định được cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết vấn đề này.
Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, các bước xác định trách nhiệm, kiểm điểm kỷ luật nếu có sai phạm đã được thực hiện, tuy nhiên giải pháp chưa được thực hiện. Ngành Bảo hiểm xã hội cùng UBND các tỉnh đã có kiến nghị lên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để giải quyết.
14h20: Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi
Giải trình kiến nghị của cử tri liên quan đến đóng bảo hiểm xã hội đối với chủ hộ kinh doanh cá thể, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, theo quy định hiện hành (nghị định của Chính phủ; Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014) đều không quy định chủ hộ kinh doanh cá thể thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, cơ quan bảo hiểm xã hội ở nhiều địa phương vẫn tiến hành thu, đến khi chủ hộ kinh doanh cá thể đề nghị thanh toán thì không có căn cứ để thực hiện.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2016, cả nước có trên 4.000 chủ hộ kinh doanh cá thể đóng bảo hiểm xã hội; đến nay vẫn chưa có con số thống kê chính xác. Trên cơ sở ý kiến của cử tri tỉnh Tuyên Quang, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã gửi 4 văn bản trả lời về vấn đề này.
Về giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho rằng, do đây là quy định pháp luật, để giải quyết vướng mắc này đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định. Ngoài ra, trong quá trình sửa Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan đề xuất xử lý vướng mắc này.
14h25: Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình điều hành nội dung phiên họp
Phát biểu điều hành phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, đối với nội dung này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cần có trách nhiệm nêu ra ý kiến của mình. Tiếp theo, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình mời đại diện Ủy ban Xã hội phát biểu ý kiến.
14h26: Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Trần Thị Thanh Lam phát biểu
Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Trần Thị Thanh Lam cho biết, về nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến đóng bảo hiểm xã hội đối với chủ hộ kinh doanh cá thể, Chính phủ đang tiến hành sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, do đó đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu Chính phủ, có báo cáo đánh giá tác động về vấn đề này, trình Quốc hội để Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.
14h27: Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu phát biểu làm rõ nội dung liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội
Làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, đối tượng là người lao động đã được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, Luật lại có quy định, người lao động phải giao kết bằng hợp đồng lao động, có tiền lương. ..
Hiện nay, người lao động bị ràng buộc bởi điều kiện đó nên việc người lao động được tham gia vào hệ thống an sinh là rất khó. Đây là một vấn đề rất quan trọng, tới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ kiến nghị sửa luật về nội dung này.
14h34: Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu phát biểu
Tham gia đóng góp ý kiến giải trình, cung cấp thông tin việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho biết, theo quan điểm Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trình bày, trong vấn đề này đang có vướng mắc về pháp lý, và để giải quyết phải bắt đầu tháo gỡ từ phương diện pháp lý.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, trước hết cần xem xét vấn đề xuất phát từ quy định trong luật hay trong Nghị định. Qua rà soát, nghiên cứu văn bản luật, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng vướng mắc không phải ở luật, mà ở các văn bản quy định chi tiết. Đồng thời, đại biểu cho rằng cần xác định rõ văn bản quy phạm pháp luật nào đang gây khó khăn, cơ quan có thẩm quyền cần có đề xuất cụ thể.
Theo đại biểu, trong Kỳ họp thứ 5 sắp tới, Nghị quyết Kỳ họp cần có nội dung giao Chính phủ nghiên cứu, rà soát, xem xét các quy định của pháp luật về vấn đề này để có phương án sửa đổi phù hợp với điều kiện thực tế, tháo gỡ những vướng mắc thời gian qua.
14h36: Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lê Thị Nguyệt: Đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có đề xuất giải pháp xử lý quyền lợi cho chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Về vấn đề giải quyết việc chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa được tính thời gian đóng để hưởng chế độ, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lê Thị Nguyệt cho biết thực tế Luật Bảo hiểm xã hội đã nhiều lần sửa đổi và mở rộng đối tượng với mục tiêu vận động người dân tăng tỉ lệ tham gia bảo hiểm xã hội.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lê Thị Nguyệt cho rằng vướng mắc đối với đối tượng chủ hộ kinh doanh cá thể là ở nghị định hướng dẫn. Thực tế trước đó Chính phủ đã có Nghị quyết số 101 điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như xã đội phó, công an xã, nhân viên đại lý bảo hiểm. Như vậy thực tế có những đối tượng khác đã được xem xét giải quyết về bảo hiểm xã hội bắt buộc và được xử lý theo Nghị quyết của Chính phủ.
14h41: Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình phát biểu
Đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam có văn bản báo cáo thực trạng việc chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng BHXH bắt buộc nhưng chưa được tính thời gian để hưởng chế độ BHXH, có đề xuất giải pháp để Ban Dân nguyện có cơ sở báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Liên quan đến kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Giang “ hiện nay công trình xây dựng trụ sở làm việc của BHXH huyện Tân Yên do BHXH Việt Nam làm chủ đầu tư vẫn chưa được triển khai tiếp, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Đề nghị BHXH Việt Nam giải quyết”, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề nghị BHXH Việt Nam giải trình, làm rõ nội dung kiến nghị này.
14h46: Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu thông tin về ý kiến của cử tri tỉnh Bắc Giang.
Giải trình kiến nghị của cử tri liên quan đến xây dựng công trình trụ sở Bảo hiểm xã hội Việt Nam huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, công trình này được tiến hành đấu thầu cách đây hơn 10 năm nhưng do nhà thầu phá sản, mất khả năng thực hiện nên Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phải thanh lý hợp đồng theo quy định và phải tiến hành đấu thầu lại.
Công trình này được xây dựng đúng với quy hoạch nhưng đến năm 2020 huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang điều chỉnh quy hoạch, yêu cầu lùi 4,5 mét theo quy hoạch mới. Hơn nữa, do chủ thầu cũ nợ tiền vật liệu của người dân nên mới có tình trạng khiếu nại, khiếu kiện.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu khẳng định, ngày 15/4 vừa qua, cán bộ của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã xuống kiểm tra công trình đã quay lại thi công theo quy hoạch mới; cam kết đến 30/9/2023 đưa công trình vào sử dụng và đến thời điểm này không còn khiếu kiện của cử tri, người dân.
14h51: Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình
Phát biểu điều hành phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cần có văn bản giải trình cụ thể với cử tri và làm rõ hơn hướng, giải pháp khắc phục đối với những vấn đề liên quan gửi cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang và Ban Dân nguyện.
Về nội dung thứ 2, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình mời Bộ Giao thông vận tải phát biểu ý kiến.
14h52: Đại diện Bộ Giao thông và vận tải phát biểu
Giải trình ý kiến của cử tri Quảng Ngãi liên quan đến việc sửa chữa, hoàn trả lại các tuyến đường dân sinh trong quá trình thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, dự án gồm 23 tuyến đường gom, đến nay đã giải quyết được 19 tuyến. Đó là nỗ lực, cố gắng của các nhà thầu. Năm 2018, dừng phân bổ bố trí vốn nguồn nước ngoài cho các dự án, đây là nguyên nhân khách quan dẫn đến chậm trễ.
Ngoài ra, do có vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật nên việc thực hiện vẫn chưa đạt được tiến độ như đã đề ra. Đại diện Bộ Giao thông vận tải mong Ban Dân nguyện ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan trong triển khai thực hiện xây dựng, sửa chữa, hoàn trả tuyến đường, đồng thời cũng cho biết Bộ sẽ có văn bản giải trình đầy đủ về giải pháp khắc phục vấn đề này.
14h57: Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình điều hành nội dung Phiên họp
Phát biểu tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, liên quan đến kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai, Hà Tĩnh về hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với Quỹ Phòng, chống thiên tai. Vấn đề này liên quan đến Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 78/2021/NĐ-CP đã giao Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn cơ chế tài chính của Quỹ. Tuy nhiên, đến nay Bộ Tài chính chưa ban hành hướng dẫn do có vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của bộ máy quản lý quỹ.
Để có cơ sở cho Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn cần có quyết định quy định tổ chức, hoạt động của Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương và chỉ đạo thực hiện các nội dung, quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quỹ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa ban hành quy định này.
Do đó, Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị hai Bộ có ý kiến giải trình về vấn đề này, và đưa ra các giải pháp giải quyết kiến nghị của cử tri.
14h59: Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng báo cáo, giải trình một số nội dung liên quan
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết thực hiện khoản 2 Điều 24 Nghị định số 24/2021/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 90 để hướng dẫn chế độ kế toán cho các quỹ trong đó có Quỹ Phòng chống thiên tai.
Tuy nhiên đối với Quỹ Phòng chống thiên tai, mô hình quỹ tổ chức theo mô hình công ty nhưng lại sử dụng bộ máy cán bộ công chứ, do đó, vướng Luật Cán bộ công chức và Luật Phòng chống tham nhũng. Từ thực tiễn vướng mắc này, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết thêm, mô hình tổ chức các quỹ tài chính ngoài ngân sách thường có 2 mô hình. Theo đó, mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn áp dụng với quỹ tín dụng quay vòng; đối với những quỹ có tính chất tương tự như Quỹ Phòng chống thiên tai áp dụng theo mô hình đơn vị sự nghiệp thì sẽ xử lý được vướng mắc hiện nay.
15h01: Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải trình liên quan đến Quỹ phòng chống thiên tai
Giải trình, cung cấp thông tin việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, Chánh văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Văn Thành cho biết, Bộ Tài chính đã phối hợp rất chặt chẽ và tích cực với Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây dựng Thông tư hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính của Quỹ phòng, chống thiên tai.
Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đang được tích cực thẩm định, xin ý kiến các cơ quan có liên quan để sớm có hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính để Quỹ hoạt động đúng mục đích, có hiệu quả.
Về việc nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng năm 2021 chưa được chi trả tiền khoán chăm sóc, bảo vệ rừng năm 2021, Chánh Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện đang vướng mắc ở kinh phí cho công tác bảo vệ, phát triển rừng cho các xã thuộc khu vực 2, khu vực 3, nằm trong Tiểu dự án 1- Phát triển nông, lâm nghiệp bền vững gắn vớ bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập của người dân. Đại diện Bộ Nông nghiệp đề nghị cần có chỉ đạo Ủy ban Dân tộc phối hợp tham gia giải quyết vấn đề này.
15h07: Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình:
Tại Phiên giải trình, cung cấp thông tin về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 và kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề nghị Bộ Nông nghiệp và Nông thôn có văn bản chính thức gửi Ban Dân nguyện nói rõ thời gian lấy ý kiến của tỉnh Quảng Ngãi về quản lý Quỹ phòng chống thiên tai và các giải pháp bảo vệ rừng.
15h08: Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng phát biểu
Liên quan đến Quỹ Phòng chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, những kiến nghị này là về Quỹ Phòng chống thiên tai của địa phương.
Đối với kinh phí bảo vệ rừng Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban Dân tộc có đề xuất gửi Bộ Tài chính để có cơ sở phân bổ kinh phí.
15h11: Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo làm rõ vấn đề về kinh phí khoán bảo vệ rừng.
Giải trình thêm nội dung kiến nghị về kinh phí khoán bảo vệ rừng, đại diẹn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kinh phí khoán bảo vệ rừng năm 2021 nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan tổng hợp chỉ tiêu các địa phương nhưng đến tháng 10/2021 mới được phê duyệt kinh phí nên không kịp ngân sách năm 2021. Để xử lý vướng mắc này, Bộ đã kiến nghị Chính phủ, sau đó Văn phòng Chính phủ có văn bản giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng phối hợp xử lý vướng mắc.
15h13: Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa
Giải trình tại phiên họp về kiến nghị của cử tri tỉnh Ninh Thuận về một số sai sót của Nghị định số 08 Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát và phát hiện vấn đề này để tiến hành quá trình sửa đổi.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, sai sót mà cử tri phản ánh là có nhưng đó chỉ là lỗi kỹ thuật do quá trình rà soát chưa hết, nhưng chưa gây ảnh hưởng gì trong thực tế. Bộ cũng đã nhận thức được vấn đề này và chủ động xử lý.
15h16: Đại diện Bộ Tư pháp phát biểu
Tham gia ý kiến về một số sai sót tại Nghị đinh số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Đại diện Bộ Tư pháp cho biết, sai sót này là về lỗi kỹ thuật, không đáng có, cần hạn chế xảy ra.
Bộ Tư pháp đã rà soát lại hồ sơ, quy trình thẩm định. Về trách nhiệm thẩm định, đây là Nghị định có số lượng điều và các phụ lục rất lớn, việc thẩm định của Bộ Tư pháp cũng được thực hiện kỹ lưỡng, đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Trong văn bản thẩm định, Bộ Tư pháp đã có yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát kỹ các phụ lục, bảng biểu. Hiện nay, chưa có vấn đề thực tiễn nào nảy sinh từ lỗi kỹ thuật này. Đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, sau khi làm rõ trách nhiệm các bên, cần khẩn trương khắc phục, xử lý kịp thời.
15h21: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục phát biểu
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, tại Điều 48 Nghị định 08 bị thừa khoản 6, Điều 14 thừa khoản 4. Do đó, đại biểu thừa nhận sai sót như trên có ảnh hưởng đến nội dung của Nghị định. Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm rà soát khâu cuối cùng nhưng không phát hiện ra, trách nhiệm chính thuộc về cơ quan chủ trì soạn thảo. Do đó, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục cho rằng cần sớm sửa đổi Nghị định này để đảm bảo tính thực thi của pháp luật...
Bên cạnh đó, Báo cáo của Ban Dân nguyện đã liệt kê hơn 2.400 kiến nghị của cử tri đối với các cơ quan của Chính phủ. Trong đó, đối với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có 335 kiến nghị, Văn phòng Chính phủ đã gom lại có 289 kiến nghị trực tiếp và đã được giải quyết. Tổng số kiến nghị đã giải quyết xong là 21/289, kiến nghị giải quyết một phần là 251, đang giải quyết là 17/289 kiến nghị. Qua đó, cho thấy phù hợp với báo cáo của Ban Dân nguyện.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, đây là sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan của Chính phủ. Đồng thời nêu rõ, sẽ lĩnh hội đầy đủ các kiến nghị của Ban Dân nguyện đối với Chính phủ và sẽ báo cáo với Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng như Thủ tướng Chính phủ để tiếp thu ý kiến của Ban Dân nguyện, hoàn thiện báo cáo gửi Quốc hội tại Kỳ họp sắp tới về việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
15h26: Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu vấn đề giải trình về việc cử tri thành phố Hồ Chí Minh phản ánh về việc Luật Công nghệ cao được ban hành từ năm 2008 đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, Luật Công nghệ cao được Quốc hội khoá XII thông qua vào ngày 13/11/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009. Mặc dù Chính phủ, Bộ, ngành đã ban hành một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật nhưng chưa đầy đủ. Một số quy định trong Luật chưa được triển khai thực hiện do chưa có văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Công nghệ cao vẫn chưa được ban hành.
Bên cạnh đó, một số chính sách ưu đãi quan trọng nhằm phát triển công nghệ cao vẫn chưa được hướng dẫn thi hành như: việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia; kế hoạch và biện pháp thực hiện đào tạo nhân lực công nghệ cao; điều kiện, thủ tục xác nhận cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao được hưởng ưu đãi, hỗ trợ và kế hoạch đầu tư xây dựng một số cơ sở dào tao nhân lực công nghệ cao đạt tiêu chuẩn quốc tế; cơ chế, chính sách cụ thể thu hút, sử dụng nhân lực công nghệ cao…
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề nghị đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo làm rõ.
15h28: Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng báo cáo, giải trình
Giải trình vấn đề cử tri kiến nghị nêu về việc chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Luật Công nghệ cao năm 2008, đại diện Bộ Khoa học, Công nghệ cho biết, trước khi ban hành Luật, năm 2003 Chính phủ đã ban hành Nghị định 99 về Quy chế Khu công nghệ cao, trong đó quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể liên quan đến chính sách về công nghệ cao.
Khi ban hành Luật Công nghệ cao năm 2008, Bộ Khoa học công nghệ nhận thấy các quy định tại Nghị định 99 vẫn có giá trị áp dụng, không lạc hậu, nếu ban hành nghị định hướng dẫn thi hành luật sẽ dẫn tới trùng lắp. Vì vậy. Bộ Khoa học, Công nghệ đã báo cáo Thủ tướng và được sự đồng ý không ban hành nghị định chi tiết hướng dẫn thi hành luật.
Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ cũng cho biết, qua tổng hợp từ khi Luật Công nghệ cao năm 2008 được ban hành, Chính phủ đã ban hành 3 nghị định hướng dẫn; Thủ tướng Chính phủ ban hành 31 quyết định - đây là những văn bản quan trọng nhằm quy hoạch khu công nghệ cao của cả nước (ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam); các chính sách ưu đãi đầu tư vào khu công nghệ cao tạo; tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao để được ưu đãi…
Về quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, do còn một số vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nên Bộ đã có văn bản đề nghị và Chính phủ đã đồng ý chưa ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, ban hành quy chế hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao. Thời gian tới, Bộ Khoa học, Công nghệ sẽ thông tin đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nội dung này để cử tri hiểu rõ.
15h37: Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình
Phát biểu điều hành phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ bổ sung đầy đủ hơn văn bản của các bộ ngành có liên quan cũng như văn bản của Chính phủ về vấn đề này vào Báo cáo cho thật rõ ràng.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, theo giải trình của đồng chí Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Công nghệ cao bắt buộc phải có Nghị định hướng dẫn. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Nghị định hướng dẫn các khu công nghệ cao. Tuy nhiên, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho rằng, nó không thể thay thế được Nghị định chung.
Về vấn đề này, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề nghị đại diện Bộ Tư pháp và các đại biểu tham dự phát biểu ý kiến làm rõ thêm về vấn đề này.
15h45: Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu
Liên quan đến cử tri phản ánh về việc Luật Công nghệ cao chưa có văn bản hướng dẫn thi hành, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ làm rõ lý do chưa ban hành văn bản hướng dẫn, kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Công nghệ cao.
15h49: Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công:
Tại Phiên giải trình, cung cấp thông tin về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 và kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho biết thêm thông tin liên quan đến cử tri phản ánh về việc Luật Công nghệ cao chưa có văn bản hướng dẫn thi hành.
Theo đó, Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các Bộ ngành, cơ quan hữu quan cần đưa ra giải pháp cụ thể, có lộ trình về giải pháp hướng dẫn thi hành Luật Công nghệ cao; khắc phục những tồn tại cũng như nâng cao trách nhiệm của các cơ quan đối với việc thực thi Luật Công nghệ cao.
Liên quan đến Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường có sự rà soát một cách khoa học, tạo được động lực cho các địa phương trong công tác bảo vệ môi trường hiệu quả.
Đối với những đề của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông liên quan đến Quỹ Phòng chống thiên tai, Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho rằng, cần nhắc thêm vai trò của Bộ Nội vụ trong việc thúc đẩy triển khai Quỹ này một cách hiệu quả vào thực tiễn.
15h58: Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Minh Nam phát biểu
Tham gia đóng góp ý kiến về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Minh Nam đề nghị các văn bản báo cáo của các cơ quan hữu quan cần được gửi tới Ban Dân nguyện sớm theo đúng yêu cầu, đồng thời phải đảm bảo căn cứ chính trị pháp lý rõ ràng, nêu giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề đặt ra.
Về việc đóng bảo hiểm xã hội của hộ gia đình kinh doanh cá thể, đại biểu Lê Minh Nam đề nghị cơ quan hữu quan cần rà soát số liệu, dữ liệu, con người, giá trị, đồng thời cần đánh giá kỹ phạm vi, tác động, ảnh hưởng thực tế, từ đó cần chủ động có giải pháp thiết thực, cụ thể theo đúng thẩm quyền. Những vấn đề nào Bảo hiểm xã hội có thể giải quyết thì cần thực hiện khẩn trương, mạnh mẽ, với vấn đề cần cấp có thẩm quyền cao hơn thì cũng cần nghiên cứu để triển khai theo đúng quy định của pháp luật.
Trong giải quyết vấn đề này, đại biểu Lê Minh Nam cho rằng cần giải quyết sớm và dứt điểm, đảm bảo hài hòa quyền lợi của người dân và của nhà nước cũng như các bên liên quan, giải quyết thỏa đáng cho những người nêu kiến nghị, đồng thời đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.
Về các vấn đề liên quan đến văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Luật Công nghệ cao, đại biểu đề nghị các cơ quan cần tích cực rà soát các văn bản pháp luật ban hành để hạn chế những vướng mắc, hay ý kiến kiến nghị của cử tri.
16h06: Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu phát biểu
Chia sẻ ý kiến của cử tri Tp.Hồ Chí Minh về thực hiện Luật Công nghệ cao, đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị Bộ Khoa học, Công nghệ làm rõ vướng mắc trong thực tế khi chưa ban hành Nghị định hướng dẫn như thế nào. Bởi theo quy định của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, khi Luật Công nghệ cao được ban hành, các nghị định được ban hành trước đó sẽ hết hiệu lực thi hành. Vì vậy, đề nghị Bộ Khoa học, Công nghệ làm rõ vấn đề này.
16h09: Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng giải trình
Giải trình về vấn đề Luật Công nghệ cao, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nêu rõ, nếu luật ra đời mà không có văn bản hướng dẫn thi hành thì rất khó để luật đi vào cuộc sống.
Với lĩnh vực công nghệ cao, chúng ta có Nghị định 99 năm 2003 là một Nghị định không đầu quy định về lĩnh vực này từ trước khi có luật, với nội dung mới mẻ, cập nhật nhiều kinh nghiệm quốc tế lúc đó. Sau khi Luật Công nghệ cao năm 2005 được ban hành, cơ quan soạn thảo đã xin ý kiến các cơ quan, bộ ngành có liên quan lúc đó để tiếp tục thực hiện Nghị định không đầu có nội dung mới mẻ, cập nhật này cùng với Luật Công nghệ cao để điều chỉnh lĩnh vực công nghệ cao.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, thời gian sắp tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ sửa đổi thay thế Nghị định này.
16h14: Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình kết luận Phiên họp
Phát biểu kết luận phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình ghi nhận các nội dung giải trình và các báo cáo bổ sung của các cơ quan hữu quan nhằm đưa ra các giải pháp và kiến nghị để giải quyết những ý kiến, kiến nghị của cử tri. Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là nhằm đưa ra được những giải pháp khắc phục những khó khăn mà cử tri nêu ra.
Có khó khăn, vướng mắc người dân mới kiến nghị nên các giải pháp nhanh, kịp thời, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống là điều tốt nhất, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cũng ghi nhận các kiến nghị của đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan đến nội dung báo cáo của Ban Dân nguyện và cho biết sẽ tổng hợp đầy đủ, xem xét cân nhắc tùy theo nội dung cụ thể để hoàn thiện báo cáo. Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề nghị các cơ quan gửi báo cáo về Ban Dân nguyện chậm nhất là ngày 25/4.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình một lần nữa nhấn mạnh vấn đề đặt ra là cộng đồng trách nhiệm, làm sao giải quyết được hài hòa các vấn đề vì mục tiêu phục vụ Nhân dân, giải quyết công việc trôi chảy và càng hiệu quả càng tốt, tất cả vì công việc chung.