PHIÊN HỌP THỨ 2 ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TỐ CÁO

08/03/2022

Sáng 08/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”, Đoàn giám sát tổ chức Phiên họp lần thứ 2.

 

Toàn cảnh Phiên họp

Cùng dự Phiên họp có Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm-Phó trưởng đoàn Giám sát, cùng các thành viên Đoàn giám sát.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, phiên họp nhằm cho ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát sơ bộ về chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” và dự kiến đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 3. Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các thành viên đoàn giám sát làm rõ một số nhận định, cho ý kiến trực tiếp vào dự thảo Báo cáo để Tổ biên tập tổng hợp báo cáo UBTVQH.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công báo cáo tại Phiên họp

Theo ông Hoàng Anh Công, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn giám sát, tính đến ngày 3/3/2022, Đoàn giám sát đã nhận được toàn bộ báo cáo của các cơ quan thuộc đối tượng giám sát. Qua nghiên cứu bước đầu cho thấy, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân đặc biệt quan tâm.

Theo Phó Trưởng Ban Dân nguyện, trên cơ sở các văn bản, đường lối chủ trương của Đảng về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo; các quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo đã được Chính phủ Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, các bộ ngành thể chế hóa. Tuy nhiên, việc ban hành văn bản hướng dẫn của các cơ quan còn chậm, chưa kịp thời. Vẫn còn một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn và chưa đảm bảo tính thống nhất hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể. Công tác triển khai, tổ chức thực hiện các quy định của Luật đã được các cơ quan tổ chức đầy đủ, đúng yêu cầu. Tuy nhiên, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ gửi Đoàn giám sát, so với giai đoạn 2011-2016, số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng. Số lượt đoàn đông người tăng nhưng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước giảm. Tình trạng công dân khiếu kiện vượt cấp, gửi đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền còn diễn ra khá phổ biến.

Bên cạnh các nguyên khách quan, do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận người khiếu nại còn hạn chế; nhiều vụ việc đã giải quyết đúng nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại kéo dài. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều hạn chế, yếu kém, nhất là khâu công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và doanh nghiệp. Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo quy định pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng ở một số địa phương còn hạn chế, bất cập...

Thường trực Đoàn giám sát cũng dự kiến về việc thành lập 2 Đoàn giám sát tại 5 tỉnh, thành phố là các địa phương có công dân khiếu nại đông người phức tạp, có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp. Tại đây, Đoàn giám sát sẽ làm việc với các cơ quan và xem xét, có ý kiến về vụ việc cụ thể. Bên cạnh đó, Đoàn giám sát sẽ làm việc với các bộ ngành Trung ương về 1 số lĩnh vực quản lý nhà nước tiềm ẩn, phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo.

Thành viên Đoàn giám sát phát biểu ý kiến

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, Báo cáo cần nểu rõ những nguyên nhân chủ quan, chủ yếu mà các vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa giải quyết hoặc chỉ giải quyết được một phần; đánh giá được nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh khiếu nại tố cáo. Trong quá trình giám sát, cần lựa chọn các vụ việc điển hình, kéo dài để tiến hành giám sát; xem xét việc ban hành các văn bản chỉ đạo của Bộ ngành địa phương và yêu cầu cơ quan Nhà nước chỉ rõ trách nhiệm cụ thể và đề xuất hướng giải quyết.

Một số ý kiến khác cho rằng, Báo cáo cũng cần đánh giá bước đầu về hệ thống văn bản pháp luật để nêu được những bất cập và có kiến nghị sau giám sát, trong đó chỉ rõ văn bản nào chậm, chậm như thế nào. Một số ý kiến khác lại cho rằng, cần nghiên cứu chỉ ra được những nội dung nào chưa được quy định trong Luật và các văn bản hướng dẫn, những quy định nào không còn hiệu lực hoặc chậm hướng dẫn. Báo cáo cũng cần nêu rõ kiến nghị của Đoàn giám sát trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội kết luận nội dung Phiên họp 

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, về cơ bản, Đoàn giám sát thống nhất với nội dung Báo cáo về Kết quả bước đầu về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”. Trưởng Đoàn giám sát cũng đánh giá cao các ý kiến phát biểu thảo luận sâu sắc cả về bố cục và nội dung Báo cáo để chuẩn bị nội dung báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tiến hành giám sát; đồng thời đề nghị Thường trực Đoàn giám sát, Tổ giúp việc tiếp thu tối đa, nghiêm túc các ý kiến thành viên.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cần lưu ý việc kết cấu Báo cáo theo bố cục cho hợp lý.

Thứ nhất là về Kết quả triển khai kế hoạch của Đoàn giám sát, Phần này cần đánh giá cả về số lượng và chất lượng báo cáo mà các các Bộ ngành gửi về Đoàn giám sát.

“Có bao nhiêu báo cáo, của Bộ ngành nào, Bộ ngành nào chưa báo cáo? Trong đó lưu ý, Đoàn đã yêu cầu có báo cáo Bổ sung đối với những đơn vị, địa phương nào, những ai đã làm, ai chưa làm? Chất lượng Báo cáo bổ sung so với Báo cáo ban đầu như thế nào, so với Đề cương như thế nào”? Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Thứ hai là về tình hình tiếp công dân và giải quyết khiếu tại tố cáo qua nghiên cứu bước đầu, Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh, “những gì đã chín” thì đưa vào Báo cáo để có một bức tranh khá rõ, trong đó nêu cả hướng kiến nghị sửa luật, bao gồm cả các luật chung về tiếp công dân, khiếu nại tố cáo và các luật chuyên ngành. “Kiến nghị phải rõ khoản mấy, điều gì, luật nào? Dự kiến kiến nghị với Chính phủ, địa phương nội dung gì?”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm.

Thứ ba là về Kế hoạch tiếp theo, nội dung này sẽ gồm việc dự kiến các bộ ngành, địa phương Đoàn sẽ tiến hành giám sát để báo cáo UBTVQH cho chủ trương và các vụ việc cụ thể để Đoàn sẽ giám sát kỹ hơn.

Thứ 4, là những nội dung cần kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị Thường trực Đoàn giám sát, Tổ giúp việc sớm hoàn chỉnh hồ sơ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 3 tới đây./.

Khắc Phục

Các bài viết khác