BAN DÂN NGUYỆN: NIỀM TIN VÀ KỲ VỌNG

01/02/2019

Là cơ quan được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao nhiệm vụ giám sát việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo, Ban Dân nguyện đã nỗ lực không ngừng, góp phần quan trọng thúc đẩy các cơ quan của Chính phủ làm tốt hơn công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhân dịp năm mới, cùng nhìn lại những dấu ấn mà Ban Dân nguyện đã đạt được trong năm 2018 cũng như những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2019.

 

Ban Dân nguyện tổ chức tổng kết hoạt động công tác năm 2018

Năm 2018 chứng kiến nhiều sự đổi mới rất quan trọng, trở thành điểm nhấn đáng nhớ trong lịch sử hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Các kỳ họp được tổ chức sôi nổi, đổi mới, tập trung trí tuệ để đưa ra nhiều quyết định quan trọng của đất nước được cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao. Ban Dân nguyện đã để lại những dấu ấn đậm nét trong sự thành công to lớn đó của Quốc hội.

Trong năm 2018, dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Quốc hội, đặc biệt là của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách Đỗ Bá Tỵ, sự đoàn kết thống nhất của tập thể lãnh đạo Ban Dân nguyện, sự lỗ lực, cố gắng trong công tác tham mưu của tập thể cán bộ, công chức Vụ Dân nguyện; sự phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy Ban, các Đoàn ĐBQH, đặc biệt là các Bộ ngành hữu quan, Ban Dân nguyện đã hoàn thành toàn bộ chương trình kế hoạch công tác năm 2018 với nhiều đổi mới, sáng tạo, được lãnh đạo Quốc hội, các địa phương, các Bộ ngành, đặc biệt là cử tri ghi nhận, đánh giá cao.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương thông qua cáo cáo trước Hội nghị tổng kết 2018

Cũng trong năm 2018, Ban Dân nguyện đã nghiêm túc tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ là đại diện cho các cơ quan của Quốc hội trực tiếp tiếp công dân thường xuyên và tiếp công dân phục vụ các Hội nghị Trung ương và kỳ họp Quốc hội thứ 5, thứ 6. Trong đó, Ban đã trực tiếp tiếp 1.167 lượt người về 1.037 vụ việc, trong đó có 37 đoàn đông người.

Nhìn chung, năm 2018, tình hình công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với các cơ quan của Quốc hội giảm so với năm 2017 (giảm 18,42% số lượt và giảm 12,8 số vụ việc, nhưng số đoàn đông người tăng lên 48% với cùng kỳ). Các vụ việc được tiếp nhận qua tiếp công dân, đã được Ban Dân nguyện tổ chức nghiên cứu, xem xét, phân loại xử lý và đã có văn bản chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền đối với 187/1.037 vụ việc; 404/1.037 văn bản gửi tới công dân để hướng dẫn để hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại; đối với 446/1.037 vụ việc còn lại, đã giải thích, vận động công dân rút đơn do không có cơ sở hoặc giải thích để công dân chờ kết quả giải quyết. Trong quá trình đôn đốc, đến nay Ban Dân nguyện đã nhận được 38/187 văn bản trả lời của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết (đạt 20,32%).

Ban Dân nguyện tiếp nhận và xử lý 18.715 đơn (tăng 38,77% so với năm 2017). Trong tổng số đơn thư công dân gửi đến Quốc hội, có 11.377 đơn thuộc lĩnh vực hành chính (chiếm 60,79%), 7.338 đơn thuộc lĩnh vực tư pháp (chiếm 39,21%).  Qua nghiên cứu, thu thập thêm tài liệu, phân tích, đánh giá, Ban Dân nguyện đã chuyển 318/1.239 đơn của công dân đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay đã nhận được 136/318 công văn trả lời  đạt tỉ lệ 42,77%).

Ban Dân nguyện đã làm việc với các cơ quan chức năng có liên quan, qua đó đã rà xoát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các địa phương đối với 58 vụ việc cụ thể và có kiến nghị bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của công dân đối với từng vụ việc, trong đó; 32/58 vụ việc Đoàn giám sát nhất trí về kết quả giải quyết (chiếm 55,2%); 25/58 vụ việc (chiếm 43,1%) Đoàn giám sát chưa nhất trí với kết quả giải quyết và đã kiến nghị địa phương rà xoát, kiểm tra, xem xét lại.

Những thành quả đã đạt được trong năm 2018 với nhiều đổi mới, sáng tạo, được lãnh đạo Quốc hội, các địa phương, các Bộ, ngành, các đại biểu Quốc hội ghi nhận và được cử tri đánh giá cao.

Cử tri đánh giá cao hoạt động của Ban Dân nguyện

Theo cử tri Lê Thu Thủy - Tp. Hà Nội, Ban Dân nguyện đã chú ý lắng nghe, giải quyết được đơn khiếu nại của người dân, tuy nhiên do khối lượng đơn thu khiếu nại quá nhiều cho nên còn một số vụ việc chưa đc giải quyết; hi vọng trong thời gian tới, Ban Dân nguyện sẽ làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình, tạo nên những bước đột phá, làm tốt hơn nữa để đưa tiếng nói của người dân đến những cơ quan có chức năng, giải quyết đúng người đúng việc một cách ổn thỏa. xây dựng đất nước ta đạt đúng ý nguyện của người dân về một đất nước công bằng, dân chủ, văn minh.

Cử tri Nguyễn Thu Yến- Tp. Hà Nội đánh giá Ban Dân nguyện đã thể hiện sự nhiệt tình trong việc tiếp công dân cũng như tiếp nhận các đơn thư khiếu nại; do số lượng đơ thư nhiều, bao quát nhiều lĩnh vực với các nội dung khác nhau nên không thể giải quyết được triệt để. Tuy nhiên trong thời gian qua ban Dân nguyện đã nỗ lực giải quyết một cách tối đa đơn thư kiếu nại của người dân. Cử tri hi vọng trong năm 2019, Ban Dân nguyện sẽ làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình, xứng đáng là nơi tin tưởng, gửi gắm những tâm tư nguyện vọng của cử tri.

Đại biểu Quốc hội Mai sĩ Diến -  Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nhận xét: Những ý kiến, kiến nghị của cử tri được tổng hợp qua Mặt trận Tổ quốc, các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng như ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được Ban Dân nguyện tổng hợp một cách đầy đủ, trách nhiệm và chuyển đến các các bộ, ngành có liên quan; đồng thời Ban Dân nguyện đã giám sát việc trả lời những kiến nghị chính đáng của cử tri cũng như của đại biểu Quốc hội. Đại biểu cũng đánh giá cao báo cáo của Ban Dân nguyện gửi đến các đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp; cho rằng đây chính là sự thể hiện đổi mới và tinh thần trách nhiệm cao cùa Ban Dân nguyện trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ban Dân nguyện đã hoàn thành rất tốt chức năng, nhiệm vụ cuả mình trong năm 2018 vừa qua

Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định, qua các kỳ họp Quốc hội, hoạt động của Ban Dân nguyện đã có nhiều đổi mới; việc tiếp thu ý kiến của người dân được thông qua nhiều kênh khác nhau từ thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đơn thư của người dân trực tiếp gửi tới Quốc hội và đại biểu Quốc hội…Báo cáo của Ban Dân nguyện trình bày tại kỳ họp Quốc hội thể hiện một cách đầy đủ, công phu, phản ánh hết đề xuất kiến nghị của người dân; những tồn tại hạn chế của cơ quan công quyền. Thông qua phản ánh của người dân, Ban Dân nguyện đã hoàn thành rất tốt chức năng, nhiệm vụ cuả mình trong năm 2018 vừa qua.

PGS.TS Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp khẳng định, kể từ ngày hoạt động đến nay, đặc biệt trog năm 2018, Ban Dân nguyện đã làm được rất nhiều việc, thực hiện đúng vai trò, nhiệm vụ như đã được quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ. Cụ thể Ban Dân nguyện đã tiếp nhận được rất nhiều đơn thư, kiến nghị của cử tri; Ban Dân nguyện đã cùng với các Ủy ban của Quốc hội đã giải quyết các vụ việc có liên quan ở các địa phương hoặc kiến nghị của cử tri về một số vấn đề. Ban Dân nguyện cũng thường xuyên đi thực tế tại các địa phương, các địa bàn có điểm nóng để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để phản ánh kịp thời tới Quốc hội. Trong năm 2018, Ban Dân nguyện đã hòan thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng tầm với nhiệm vụ đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật.

Để làm rõ hơn những đánh giá, nhận xét, phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Dân nguyện.

Phòng viên Truyền hình QHVN trao đổi với Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải

Phóng viên: Thưa bà, là một trong những cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà có thể thông tin về những kết quả hoạt động nổi bật của Ban Dân nguyện trong năm vừa qua để cử tri cả nước được biết?

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải: Trong năm 2018 vừa qua, Ban Dân nguyện đã thực hiện trách nhiệm Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao trong việc giám sát việc giải quyết các kiến nghị của công dân. Các kiến nghị của cử tri cũng như các khiếu nại, tố cáo được Ban Dân nguyện chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; đồng thời phối hợp đôn đốc, giám sát, theo dõi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết này nên tỷ lệ giải quyết đạt rất cao. Khoảng 3.000 kiến nghị của cử tri thông qua các đợt tiếp xúc cử tri đã được ban Dân nguyện chuyển tới các Bộ, ngành, các cơ quan chức năng ở Trung ương. 100% các cơ quan này đã có văn bản trả lời và câu trả lời được công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Quốc hội. Qua đó người dân có thể giám sát về chất lượng cũng như là mức độ giải quyết. Bước đầu kết quả giải quyết đã được người dân ủng hộ; tỷ lệ vụ khiếu nại tố cáo kéo dài gửi tới các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch, Phó chủ tịch Quốc hội được các cơ quan địa phương xem xét lại cũng đạt khá cao, khoảng 50%.

Phóng viên: Qua các đợt giám sát trong năm 2018 về việc tiếp công dân và khiếu nại, tố cáo, thì điều gì khiến bà cảm thấy vẫn còn trăn trở?

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải: Địa phương và các cơ quan có thẩm quyền rất tích cực trong công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, đông người, kéo dài; đặc biệt là sự chỉ đạo của cấp Ủy đối với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết ở địa phương. Tuy nhiên, điều khiến Ban Dân nguyện trăn trở đó là việc tiếp công dân định kỳ trong thời gian vừa qua ở một số cấp, đặc biệt là cơ sở cũng chưa được như mong muốn, như quy định của pháp luật. Hi vọng các cơ quan có thẩm quyền cần thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác tiếp công dân đều đặn thường xuyên hơn nữa để nâng cao hiệu quả của công tác này.

Phóng viên: Trong quá trình tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, vụ việc nào để lại nhiều ấn tượng nhất, thưa bà?

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải: Vụ việc ấn tượng nhất là vụ việc liên quan đến giải quyết chính sách cho người có công. Cụ thể, một Mẹ Việt Nam anh hùng chưa được công nhận. Khi xem xét hồ sơ, Ban Dân nguyện nhận thấy hồ sơ đã đầy đủ, tuy nhiên sự phối hợp giữa các bên liên quan cũng chưa nhịp nhàng. Khi Ban Dân nguyện xuống làm việc tại tỉnh thì có mời đại diện của một số bộ, ngành. Tại buổi làm việc, các bộ ngành đã đôn đốc địa phương đảm bảo sư phối hợp chặt chẽ để công nhận cho mẹ Việt Nam anh hùng trước ngày 27/7, điều này thể hiện sự chủ động, hiệu quả để giải quyết chính sách cho người có công  một cách tốt nhất.

Phóng viên: Thưa bà, trong các báo cáo về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo vừa qua, Ban Dân nguyện đã công khai một số Bộ, ngành chưa trả lời kiến nghị của cử tri. Chính điều này đã tạo cho cử tri đánh giá rất cao hoạt động của Ban Dân nguyện. Vậy theo bà, động thái này có tác động như nào đến các cơ quan chức năng thuộc Chính phủ?

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải hi vọng hoạt động cuả Ban Dân nguyện ngày càng đáp ứng được nguyện vọng của cử tri cả nước

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải: Có thể thấy rằng, Ban Dân nguyện khi khen điều gì đó thì cũng có địa chỉ và khi chỉ ra ra tồn tại, hạn chế thì cũng rõ ràng địa chỉ. Cử tri các tỉnh/ thành phố có kiến nghị được trả lời cũng như chưa được trả lời đã nêu trong báo cáo của Ban Dân nguyện cũng cảm thấy phẩn khời và cho rằng Quốc hội đã đi sát với nguyện vọng của người dân, qua đó có tác động tích cực từ hai phía: người dân và cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vụ việc. Việc chỉ ra một số bộ, ngành còn tồn tại hạn chế trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri có tác dụng to lớn vào kết quả giải quyết của các bộ, ngành đó trong những kỳ sau.

Phóng viên: Trong năm 2019, Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm gì để đáp ứng được kỳ vọng của người dân trong việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo, thưa bà?

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải: Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao trong việc giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân gửi đến Quốc hội là nhiệm vụ trọng tâm số 1; giám sát những khiếu nại, tố cáo kéo dài, phức tạp, gửi tới lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội là trọng tâm số 2. Ngoài ra, Ban Dân nguyện sẽ có các đợt đi giám sát cụ thể tại các địa phương. Ban Dân nguyện cũng đặt những kiến nghị của cử tri vào những trọng tâm như tham nhũng vặt, giáo dục, an toàn giao thông…

Phóng viên: Nhân dịp đầu năm mới, bà có điều gì muốn nhắn gửi đến cử tri và nhân dân cả nước?

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải: Ban Dân nguyện bày tỏ lòng biết ơn, sự ủng hộ, động viên của đồng bào và cử tri cả nước đối với những công việc của Ban và cá nhân Trưởng Ban đã thực hiện; mong muốn trong thời gian tới, nhân dân cả nước tiếp tục theo dõi, ủng hộ và đóng góp cho các hoạt động của Ban Dân nguyện ngày càng tốt hơn nữa, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri cả nước như niềm tin mà cử tri đã trao gửi vào Ban Dân nguyện.

Phóng viên: Thay mặt Ban Biên tập, xin được chúc bà cùng thành viên Ban Dân nguyện sức khoẻ và thành công. Xin trân trọng cảm ơn bà!

 

 

 

Trần Tiến - Hồ Hương