Nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản còn lớn và chưa được quan tâm đúng mức

15/06/2016

Sáng 15/6, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 49, Quốc hội đã nghe Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 và Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014. Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 của Chính phủ cho thấy, bội chi ngân sách nhà nước là 260.145 tỷ đồng, bằng 6,61% GDP, tăng 36.145 tỷ đồng so với dự toán, trong đó tăng chi từ vốn ngoài nước 36.952 tỷ đồng, tiết kiệm chi nguồn trong nước 807 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp                            Ảnh: Đình Nam

Theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2014 là 1.130.609 tỷ đồng, trong đó, thu theo dự toán được Quốc hội quyết định là 877.697 tỷ đồng, tăng 12,1% (94.997 tỷ đồng) so với dự toán. Ngược lại, quyết toán chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2014 là 1.350.272 tỷ đồng, trong đó chi theo dự toán được Quốc hội quyết định là 1.114.767 tỷ đồng, tăng 10,7% (108.067 tỷ đồng) so với dự toán.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tính đến 31/12/2014, so với GDP thực tế, dư nợ Chính phủ bằng 46,4%, dư nợ ngoài nước của quốc gia bằng 38,3%, nợ công bằng 58,0%. Năm 2014, về chi trả nợ và viện trợ, Chính phủ dự toán 120.000 tỷ đồng, quyết toán 131.940 tỷ đồng, tăng 11.940 tỷ đồng so với dự toán. Số tăng chủ yếu do ngân sách địa phương trả nợ khoản huy động vốn trong nước 12.392 tỷ đồng, ngân sách Trung ương trả nợ 118.750 tỷ đồng, theo đúng dự toán Quốc hội quyết định.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách về quyết toán ngân sách năm 2014 cho thấy, chi ngân sách nhà nước tuy đã cơ bản tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi ngân sách nhà nước; công tác quản lý, điều hành chi ngân sách nhà nước đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quán triệt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi theo quy định của pháp luật, nhưng vẫn còn một số khoản chi của một số địa phương xây dựng dự toán chưa thực sự căn cứ vào nhiệm vụ thực tế, giao dự toán chi đầu tư phát triển không phù hợp với danh mục dự kiến kế hoạch vốn, bố trí vốn cho một số dự án chưa đủ điều kiện, sai nội dung nguồn vốn đầu tư, xây dựng và giao kế hoạch vốn đầu tư ngoài nước chưa phù hợp nên khi thực hiện nhiều khoản chi vượt dự toán hoặc không đạt so với dự toán, thừa nguồn kinh phí nhưng ngược lại có nhiệm vụ chi cần thiết lại thiếu hoặc không có nguồn kinh phí, giải ngân nguồn vốn ODA tăng cao, gây mất cân đối ngân sách nhà nước.

Đáng chú ý, việc chi đầu tư xây dựng cơ bản còn hạn chế, sai phạm trong các khâu của quá trình đầu tư vẫn xảy ra nhưng chậm được khắc phục, xử lý chưa kiên quyết, còn để xảy ra thất thoát, lãng phí. Hầu hết các dự án đầu tư được thanh tra, kiểm toán đều phát hiện có sai phạm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải còn cho biết, tình trạng chấp hành chưa nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật về đấu thầu diễn ra khá phổ biến trong tất cả các khâu từ chuẩn bị đầu tư, quá trình đầu tư đến hoàn thành quyết toán đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, việc xử lý sai phạm còn chưa nghiêm, áp dụng chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên tính răn đe chưa cao, tái phạm với mức độ lớn.

Báo cáo của Ủy ban Tài chính- Ngân sách cũng phát hiện, nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản còn lớn và chưa được quan tâm đúng mức từ trung ương đến không ít địa phương. Đến nay, Chính phủ chưa tổng hợp và báo cáo đầy đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản. Vì vậy, chưa có cơ sở để đánh giá.

Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhận thấy, trong 8 lĩnh vực chi thường xuyên, có 4 lĩnh vực không đạt dự toán (quốc phòng, an ninh; giáo dục, đào tạo và dạy nghề; chi dự nghiệp khoa học, công nghệ; chi lương hưu và bảo đảm xã hội). Một số khoản chi quan trọng trong dự toán được Quốc hội quyết định mặc dù đã có tiến bộ nhưng nhiều năm thực hiện vẫn không đạt dự toán như: chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề bằng 99,8% dự toán; chi sự nghiệp khoa học, công nghệ bằng 91,5% dự toán, cần sớm được khắc phục.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá báo cáo của Chính phủ năm nay đã có nhiều đổi mới, không còn nặng về liệt kê kết quả đạt được, mà nói thẳng vào thực tế, những điểm nổi cộm cần tháo gỡ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách đã chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong Báo cáo Quyết toán ngân sách nhà nước 2014 của Chính phủ, trong đó có những con số chưa rõ ràng về nợ đọng, chuyển nguồn… Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, những con số này rất cần được bổ sung đầy đủ, minh bạch, đặc biệt chi ngân sách nhà nước có giới hạn, không du di, không thể nếu như thế này, nếu như thế kia, mọi việc đều phải đúng hiến pháp, đúng luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định, công tác quản lý ngân sách nhà nước năm 2014 mặc dù đã có nhiều tiến bộ so với các năm trước, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, sai phạm ở các cấp khác nhau. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự toán chi phải có giới hạn, siết chặt kỷ luật thu, chi; không có chuyện hạch toán chi đến đâu, ngân sách chi đến đấy. Đặc biệt, đối với những khoản chi vượt dự toán, Chính phủ phải có báo cáo để Quốc hội xem xét. Do đó, đề nghị loại khỏi quyết toán chi ngân sách nhà nước năm 2014 số tiền 10.782,7 tỷ đồng vượt dự toán.

Đề cập tới vấn đề sử dụng ODA, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ, theo báo cáo của Chính phủ, nguồn vay ODA thực hiện giải ngân năm 2014 đạt hơn 5,6 tỷ USD, trong đó khoảng hơn 40% được đưa vào ngân sách nhà nước chi đầu tư phát triển, tăng rất nhiều so với dự toán.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Cơ quan Kiểm toán cần có báo cáo tóm tắt và báo cáo đầy đủ đánh giá chặt chẽ hơn, thể hiện rõ chính kiến là cơ quan thẩm định về tính hợp pháp của quyết toán; đồng thời, đề nghị Ủy ban Tài chính- Ngân sách hoàn thiện báo cáo thẩm tra chính thức về vấn đề này.

Nguyễn Phương