Khen thưởng tổ chức, cá nhân làm tốt và xử lý nghiêm minh sai phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

15/06/2016

Sáng 15/6, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 49, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo tình hình thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015.

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công liên quan đến mua sắm tài sản nhà nước, đặc biệt là mua sắm xe ô tô công. Mua sắm đối với xe ô tô chuyên dùng chỉ thực hiện trong định mức được duyệt; không thực hiện mua xe ô tô phục vụ chức danh và xe ô tô phục vụ công tác chung, trừ mua xe cho đơn vị mới thành lập và do các nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến không còn xe phục vụ công tác; tổ chức thực hiện thí điểm việc mua sắm hàng hóa được tập trung ở 3 đầu mối gồm: mua sắm tập trung tại Bộ Tài chính; mua sắm tập trung tại Bộ Y tế và mua sắm tập trung tại các Bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh.

Đề cập đến việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, năm 2015 cả nước đã thực hiện báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý nhà đất đối với 154.679 cơ sở nhà đất (tăng 1.400 cơ sở so với năm 2014) với tổng diện tích đất khoảng 3.006 triệu m2 và diện tích nhà 139,4 triệu m2.

Đối với quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, nhìn chung, công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngày càng đi vào thực chất, việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã bám sát và tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Thông qua việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã rà soát lại quỹ đất gắn với nhu cầu sử dụng, từ đó phát hiện được những trường hợp sử dụng đất chưa hợp lý, lãng phí để có biện pháp bố trí sắp xếp lại cho phù hợp, góp phần quan trọng trong việc quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả hơn, đồng thời khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí.

Ngoài ra, việc thực hiện các chính sách tài chính theo Luật Đất đai năm 2013 đã thu được nhiều kết quả, số thu từ đất tăng trưởng qua các năm. Năm 2015, tổng số tiền thu về nhà, đất đạt 83.530 tỷ đồng, tăng 36.940 tỷ đồng so với dự toán, góp phần bổ sung nguồn lực tài chính quan trọng cho ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội; đồng thời hạn chế tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực tài chính đất đai.

Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015 đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao và đạt được những kết quả nhất định. Các biện pháp, giải pháp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm đã đi vào trọng tâm, trọng điểm gắn với bối cảnh và tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội trong năm, góp phần tích cực vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Các Bộ, ngành, địa phương đã xác định công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm là một nhiệm vụ trọng tâm, là tiêu chí đánh giá kết quả công tác hằng năm của đơn vị; công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường nhằm phát hiện kịp thời những biểu hiện gây lãng phí hoặc vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm.

Trình bày báo cáo thẩm tra Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải đánh giá, kết quả thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015 có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác quản lý, sử dụng vốn, kinh phí và tài sản nhà nước có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực; từng bước khắc phục những yếu kém trong quản lý đầu tư xây dựng, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công...

Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước có lúc, có nơi còn để xảy ra lãng phí, kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Bộ máy nhà nước còn cồng kềnh không chỉ gây kém hiệu quả mà còn là gánh nặng của chi ngân sách nhà nước. Nhiều dự án có dấu hiệu lãng phí lớn cũng được đề cập cụ thể trong báo cáo…

Việc khai thác tài nguyên, nhất là tài nguyên không tái tạo còn lãng phí, không theo quy hoạch, hiệu quả chưa cao còn xảy ra khá phổ biến ở một số địa phương. Việc khai thác, chặt phá rừng trái phép vẫn diễn ra, thiệt hại do cháy rừng có giảm hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn lớn gây lãng phí. Việc đào tạo tràn lan, quá nhiều tiến sĩ, thạc sĩ ở một số cơ sở đào tạo, cơ cấu đào tạo bất hợp lý chậm được khắc phục. Việc sử dụng lao động không đúng chuyên môn đào tạo còn khá phổ biến, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn xảy ra.

Còn biểu hiện lãng phí trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội, ý thức tiết kiệm chưa thực sự được nâng cao: tâm lý tiêu dùng của một bộ phận nhân dân còn thực dụng, phô trương, hình thức, tiêu dùng vượt quá mức thu nhập bình quân, sính hàng ngoại như: ô tô, xe máy, điện thoại di động, mỹ phẩm và lương thực, thực phẩm, rượu, bia. Còn tình trạng tổ chức cưới xin linh đình, gây lãng phí và tạo dư luận lớn trong xã hội...

Qua dư luận và ý kiến của cử tri, vẫn còn có một số dự án sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước lãng phí, hiệu quả kém như: đường sắt cao tốc Cát Linh- Hà Đông thi công chậm chạp so với mục tiêu ban đầu, chi phí xây dựng đội lên cao so với dự toán, gây lãng phí tiền, tài sản nhà nước, an toàn lao động trong thi công không được nhà thầu bảo đảm dẫn đến nhiều vụ tai nạn gây thiệt hại về người và tài sản trong thời gian qua; Bảo tàng Hà Nội qua gần 5 năm đi vào hoạt động hiệu quả sử dụng rất thấp; Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỷ đồng vẫn “đắp chiếu” sau gần 10 năm thực hiện; ký túc xá sinh viên tại Hà Nội và một số tỉnh thành không có sinh viên sử dụng...

Hơn nữa, việc xử lý thông tin lãng phí của một số địa phương, đơn vị chưa được thực hiện nghiêm chỉnh theo quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt chưa làm rõ và xử lý trách nhiệm cá nhân để xảy ra lãng phí theo quy định của pháp luật.

Tại buổi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, báo cáo của Chính phủ đã vẽ được một bức tranh tổng quát về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2015, tuy nhiên cần có thêm những minh chứng cụ thể, rõ ràng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, để làm tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, báo cáo nhất thiết cần phải bổ sung danh mục cụ thể về các tổ chức, cá nhân làm tốt để biểu dương, khen thưởng kịp thời, cũng như các tổ chức, cá nhân có sai phạm, gây thất thoát, lãng phí để có hình thức xử lý thật nghiêm minh, đặc biệt là đối với trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị đó. Đáng chú ý, vừa qua dư luận có nêu một số đơn vị gây lãng phí như Nhà máy tơ sợi Đình Vũ; Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên; Nhà máy Đạm Ninh Bình... Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp kiến nghị, Chính phủ báo cáo cụ thể về những dự án này, trách nhiệm của người đầu tư, người đứng đầu chịu trách nhiệm tại các đơn vị trên hiện đã luân chuyển công tác đi đâu, làm gì khi để xảy ra dấu hiệu lãng phí nhiều tại các dự án trên?

Góp ý tại buổi họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, báo cáo cần tập trung vào những vấn đề nổi cộm gây lãng phí mà dư luận xã hội đang quan tâm. Cần làm rõ hơn thực trạng, phân tích rõ hơn về nguyên nhân tại sao dẫn đến lãng phí như vậy và giải pháp thế nào.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đối với những trường hợp về lãng phí, báo cáo cần phải chỉ rõ địa chỉ, cung cấp số liệu cụ thể, tránh việc chỉ nêu chung chung là “một số địa phương”, “một số nơi”... dẫn đến chưa thấy rõ được trách nhiệm.

Nhấn mạnh về vấn đề cán bộ nhà nước sử dụng xe công, tài sản công đang được cử tri, dư luận quan tâm, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đề nghị báo cáo công khai hóa về tiêu chuẩn định mức sử dụng xe công đối với cán bộ, công chức để nhân dân và người trong cơ quan tổ chức giám sát.

Cùng nêu ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Thanh Hải cho rằng, cử tri và nhân dân rất quan tâm đến vấn đề sử dụng sai nguyên tắc, trên định mức với những tài sản như xe công và các mức chi tiêu trong hoạt động công vụ. Tuy nhiên, cũng có cơ quan sử dụng tài sản công vụ dưới định mức nên báo cáo cần đề cập. Điển hình, đến 50% cán bộ công tác ở Quốc hội có chế độ xe công nhưng sử dụng xe dưới định mức được hưởng. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thanh Hải, việc này cũng nên đưa vào báo cáo, không phải mang tính chất khen thưởng nhưng nó tạo ra bức tranh đầy đủ để Quốc hội và cử tri có cái nhìn, đánh giá toàn diện hơn.

Nguyễn Phương