Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành phương án sử dụng 5.460 tỷ đồng nguồn lực của Ngân sách Trung ương năm 2015

15/06/2016

Chiều 15/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, 100% các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết đã tán thành phương án sử dụng 5.460 tỷ đồng nguồn lực của Ngân sách Trung ương năm 2015. Đồng thời đề nghị trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của nhà nước tại một số doanh nghiệp năm 2015 chưa sử dụng tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV sắp tới.

Trước đó, thay mặt Chính phủ trình bày “Tờ trình về phương án sử dụng nguồn kinh phí còn lại, tiết kiệm chi Ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2015 và nguồn 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của nhà nước tại một số doanh nghiệp năm 2015 chưa sử dụng”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đến hết năm 2015 đã cơ bản thực hiện xong các nhiệm vụ chi theo dự toán được duyệt đầu năm, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi đã ban hành.

Tổng nguồn lực của NSTW đến hết năm 2015 là 15.460 tỷ đồng, trong đó: Nguồn kinh phí còn lại và tiết kiệm chi NSTW năm 2015 là 5.460 tỷ đồng; Tiền bán cổ phần sở hữu nhà nước tại một số doanh nghiệp mà Quốc hội đã cho phép để xử lý cân đối NSTW năm 2015 là 10.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng                                                                      Ảnh: Đình Nam

Về phương án sử dụng nguồn kinh phí còn lại và tiết kiệm chi NSTW năm 2015, Tờ trình của Chính phủ kiến nghị, dự kiến phân bổ sử dụng 5.460 tỷ đồng như sau: Thứ nhất, bù đắp số hụt thu cân đối NSTW năm 2015 là 2.144 tỷ đồng. Thứ hai, thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị quyết số 14/2011/QH13 ngày 10/11/2011 của Quốc hội về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2012 là 1.128 tỷ đồng. Thứ ba, bổ sung kinh phí chi cải cách tiền lương là 2.100 tỷ đồng.

Về phương án sử dụng nguồn 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu nhà nước tại một số doanh nghiệp năm 2015, kiến nghị phân bổ như sau: Thứ nhất, thực hiện hiện điều chỉnh chuẩn nghèo là 4.000 tỷ đồng. Thứ hai, tăng chi đầu tư phát triển là 6.000 tỷ đồng gồm bổ sung vốn đối ứng các dự án ODA trọng điểm, cấp bách là 4.000 tỷ đồng, trong đó ưu tiên chủ yếu cho các dự án của Bộ Giao thông Vận tải quản lý; Bổ sung vốn đầu tư các dự án khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long là 2.000 tỷ đồng.

Thay mặt Ủy ban Tài Chính- Ngân sách trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, căn cứ vào tình hình thực tế, nhiệm vụ cấp bách phát sinh và căn cứ lý do khách quan dẫn đến việc điều chỉnh nhiệm vụ thu, chi của một số bộ, ngành địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành, Ủy ban Tài chính- Ngân sách trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung 10.000 tỷ đồng vào dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2016 để bố trí cho các nhiệm vụ cấp bách và ban hành Nghị quyết về vấn đề này, đồng thời đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV.

Ủy ban Tài chính- Ngân sách cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giao Chính phủ khẩn trương bổ sung danh mục dự án giao thông dự kiến bổ sung vốn đối ứng ODA và dự án khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, làm căn cứ để ban hành Nghị quyết.

Thảo luận tại phiên họp, đa số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao các giải pháp quản lý, điều hành Ngân sách Nhà nước của Chính phủ, những nỗ lực của các cấp, các ngành đã thể hiện rõ nét ở kết quả thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, tiết kiệm dự phòng, cắt giảm các nguồn chưa sử dụng, đặc biệt là 10.000 tỷ đồng đã được Quốc hội cho phép nhưng chưa phải sử dụng đến.

100% thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết cũng tán thành với các phương án sử dụng 5.460 tỷ đồng nguồn kinh phí còn lại và tiết kiệm chi NSTW năm 2015. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ thêm một số nội dung trong phương án sử dụng nguồn 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu nhà nước tại một số doanh nghiệp năm 2015 chưa sử dụng; đề nghị xem xét thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với vấn đề quyết định phương án sử dụng nguồn vốn này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, Tờ trình của Chính phủ phải làm rõ phương án sử dụng nguồn 10.000 tỷ đồng theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội. Đối với việc thực hiện điều chỉnh chuẩn nghèo cần tập trung hoàn thành mục tiêu xây dựng nhà ở đối với những người có công với cách mạng; tập trung phân bổ nguồn vốn để đầu tư xử lý, khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc quyết định phương án sử dụng 5.460 tỷ đồng nguồn kinh phí còn lại và tiết kiệm chi NSTW năm 2015 thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đối với phương án sử dụng nguồn 10.000 tỷ đồng, Chính phủ cần bổ sung, hoàn thiện lại Tờ trình để trình ra Quốc hội xem xét, quyết định.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Tài chính- Ngân sách tiếp thu ý kiến của các đại biểu, bổ sung, hoàn thiện Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc sử dụng nguồn vốn 5.460 tỷ trước khi ký ban hành. Đối với nguồn 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của nhà nước tại một số doanh nghiệp năm 2015 chưa sử dụng, đề nghị điều chỉnh lại Tờ trình và Báo cáo thẩm tra để trình ra Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV.

Quang Minh