Nâng cao trách nhiệm của cơ quan và cán bộ thi hành công vụ trong trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

20/09/2016

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, sáng 20/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình dự thảo Luật                                                           Ảnh: Đình Nam

Thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Dự thảo luật gồm 9 chương, 84 điều, so với Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, dự thảo Luật đã sửa đổi 47/67 điều, bỏ 20 điều và quy định mới 37 điều. Dự thảo gồm các nội dung chính như: nguyên tắc bồi thường nhà nước và các trường hợp Nhà nước không bồi thường; phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; thu gọn một bước số lượng cơ quan giải quyết bồi thường, quy định cụ thể việc xác định cơ quan gây thiệt hại; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả…

Việc sửa đổi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đồng bộ, thống nhất với văn bản pháp luật hiện hành; thiết lập cơ chế pháp lý minh bạch, khả thi để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Thông qua đó, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền công vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành luật theo Tờ trình của Chính phủ.

Rà soát quy định trong Dự thảo luật để thống nhất với các luật khác

Điều 1 của dự thảo Luật quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra cho cá nhân, tổ chức trong 3 lĩnh vực: quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Từ Điều 19 đến Điều 23 quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước có trách nhiệm bồi thường trong các lĩnh vực cụ thể về quản lý hành chính, tố tụng (tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính) và thi hành án (thi hành án hình sự, thi hành án dân sự).

Theo báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị cân nhắc các quy định này của dự thảo Luật cho phù hợp với Hiến pháp và thống nhất với một số luật khác. Dự thảo Luật quy định việc bồi thường chỉ trong ba lĩnh vực, đồng thời liệt kê các trường hợp cụ thể trong từng lĩnh vực mà không có điều khoản mở dẫn đến cách hiểu chỉ những trường hợp quy định trong Luật mới được giải quyết bồi thường. Trong khi đó, một số luật hiện hành như Luật tiếp cận thông tin, Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, Luật tố cáo,… lại có quy định dẫn chiếu trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về Luật này. Đối chiếu với quy định tại khoản 12 Điều 13 Luật hiện hành về phạm vi trách nhiệm bồi thường nhà nước trong quản lý hành chính cũng có quy định “các trường hợp được bồi thường khác do pháp luật quy định”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Ban soạn thảo rà soát, đối chiếu với Bộ luật tố tụng hình sự bởi trong đó có nhiều quyết định được dẫn chiếu đưa vào dự án Luật này như các quyết định về tố tụng dẫn đến quyết định loại nào thì được bồi thường, quyết định đình chỉ, quyết định miễn trách nhiệm hình sự và các loại quyết định khác liên quan… Ngoài ra, còn có những hành vi liên quan đến tố tụng hình sự cần rà soát lại như: trường hợp bồi thường khi không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm, hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được tội phạm.

Theo Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, cần có quy định rõ hơn về hợp tác quốc tế trong việc trách nhiệm bồi thường của nhà nước; xem xét đối tượng điều chỉnh đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài khi chưa được đề cập trong dự án Luật; cân nhắc việc mở rộng các lĩnh vực trong bồi thường của nhà nước để cân đối nguồn lực tài chính cũng như các mục đích khác.

Đề nghị không tách bạch cơ quan giải quyết bồi thường với cơ quan ra quyết định bồi thường

So với Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009, mô hình cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước trong dự án Luật có sự thay đổi cơ bản. Cụ thể, theo Tờ trình của Chính phủ, sẽ tách bạch giữa cơ quan giải quyết bồi thường và cơ quan ra quyết định bồi thường. Trường hợp người yêu cầu bồi thường khởi kiện quyết định bồi thường ra Tòa án thì đại diện cơ quan ra quyết định bồi thường tham gia tố tụng tại Tòa án. Như vậy, sẽ có 3 cơ quan liên quan đến việc giải quyết bồi thường là cơ quan gây thiệt hại, cơ quan giải quyết bồi thường và cơ quan ra quyết định bồi thường.

Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật nêu rõ, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban đề nghị giữ mô hình cơ quan giải quyết bồi thường như Luật hiện hành, đồng thời bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan cấp trên trong việc hướng dẫn tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết bồi thường.

Về cơ quan ra quyết định giải quyết bồi thường, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị không tách bạch cơ quan giải quyết bồi thường với cơ quan ra quyết định bồi thường như phương án Chính phủ xin ý kiến. Bởi vì, việc tách bạch hai cơ quan này dẫn đến sự bất hợp lý là cơ quan không trực tiếp giải quyết vụ việc lại ra quyết định giải quyết và có thể thành bị đơn trước tòa. Quy định như vậy làm phức tạp hơn quy trình giải quyết bồi thường, không phù hợp với tinh thần cải cách thủ tục hành chính, gây tốn kém thêm thời gian, tiền của Nhà nước và người được bồi thường, dễ nảy sinh tâm lý ỷ lại và không rõ trách nhiệm nếu xảy ra sai phạm.

Đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích, vướng mắc không phải ở mô hình tổ chức mà ở thủ tục, quá trình bồi thường nhà nước. Vì vậy, việc sửa đổi mô hình là không cần thiết, dễ nảy sinh thêm bộ máy tổ chức. Do đó, sửa đổi luật cần dựa trên tổng kết thi hành luật trong 6 năm qua, nếu có bất cập, hạn chế gì thì sửa vướng mắc, bất cập, hạn chế đó.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, mục đích của bồi thường nhà nước không chỉ là bồi thường cho người thiệt hại mà còn nâng cao trách nhiệm của cơ quan và cán bộ công chức thi hành công vụ. Do đó, đặt câu hỏi việc: nếu cơ quan trực tiếp quản lý tổ chức gây thiệt hại mà không trực tiếp giải quyết bồi thường thì liệu có đạt được quan điểm đó không? Việc giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bồi thường các đối tượng thuộc cấp tỉnh, huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện bồi thường cho các cơ quan cấp xã thì liệu có phát sinh những thủ tục chuyển hồ sơ trung gian không? Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị không thay đổi mô hình, giữ nguyên như quy định trong luật hiện hành.

+Theo chương trình, chiều nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Vân Ngọc