Lần đầu tiên, nền kinh tế phục hồi rõ nét và khá toàn diện nhưng thách thức vẫn rất lớn

22/10/2014

Dành trọn một ngày thảo luận tại Tổ về tình hình KT-XH và ngân sách năm 2014, kế hoạch năm 2015, đa số ĐBQH nhất trí cho rằng, lần đầu tiên, sau nhiều năm suy giảm, nền kinh tế đã phục hồi rõ nét và khá toàn diện. Dẫu vậy, những khó khăn, thách thức lớn vẫn đang ở phía trước. Tái cơ cấu kinh tế nhanh hơn, thực chất hơn; tập trung mọi điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển; nâng cao năng suất lao động; chấp nhận nới lỏng tỷ lệ lạm phát ở mức độ hợp lý hơn để kích cầu nền kinh tế… là những giải pháp được các ĐBQH đề nghị cần tập trung thực hiện trong năm 2015 để tạo đà phát triển tốt hơn cho nền kinh tế trong thời gian tới.

ĐBQH Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình): Chiều hướng đi lên của nền kinh tế rõ và đều

Tôi rất đồng tình với báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình KT-XH năm 2014. Các báo cáo đã đánh giá khá toàn diện các mặt được, chưa được và nêu được nhiều vấn đề.

Nếu nhìn vào năm 2014 với những tác động của cả tình hình trong nước và thế giới, những vấn đề bức xúc mà chúng ta đang phải xử lý, đặc biệt là những yếu kém, hạn chế tồn tại nhiều năm thì năm 2014, nền kinh tế đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu rất tốt. Tình hình phục hồi khá toàn diện, thể hiện ở các số liệu mà Báo cáo của Chính phủ đã đưa ra. Chiều hướng đi lên của nền kinh tế khá rõ rệt, phục hồi rõ hơn, toàn diện hơn cả kinh tế, xã hội, sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu. Đặc biệt, việc kiểm soát lạm phát, sức mua... đã bắt đầu đi vào giải quyết dài hạn, cải cách cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải cách thể chế. Đó là những kết quả mà theo tôi, chúng ta vừa giải quyết được những vấn đề bức xúc trước mắt vừa bắt đầu đi vào dài hạn, giải quyết các yếu tố bền vững. Từ năm 2011- 2013, nền kinh tế của chúng ta rất khó khăn, chững lại. Đến năm 2014 là năm đầu tiên sau cả một giai đoạn khó khăn, nền kinh tế có chiều hướng đi lên rõ và đều.

Tuy nhiên, nếu đặt năm 2014 trong mục tiêu dài hạn của kế hoạch 5 năm thì năm nay, tình hình KT – XH vẫn bộc lộ những vấn đề rất lớn. Kết quả thực hiện các mục tiêu về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý và tái cơ cấu nền kinh tế thì cũng chưa hẳn đã đáp ứng được yêu cầu, hoặc có mục tiêu đã đạt được nhưng có cái bị kéo lại lớn hơn. Cụ thể là: về kiềm chế lạm phát, năm nay tương đối tốt, khả năng dưới mức dự báo, khoảng 4 - 4,5% là có cố gắng. Nhưng lại trong tình trạng nền kinh tế chưa vượt lên được, tổng cầu yếu, khả năng tăng trưởng hạn chế thì lạm phát khó mà tăng được. Có khi chúng ta lạm phát một chút mà tăng trưởng tăng lên thì xu hướng sẽ tốt hơn. Lạm phát thấp quá thì tốc độ tăng trưởng không tăng lên được vì tổng cầu yếu quá, sức mua yếu quá. 

Về tái cơ cấu nền kinh tế. Đây là vấn đề được đặt ra như một mục tiêu mang tính đột phá để đưa nền kinh tế thoát khỏi giai đoạn trì trệ, phát triển mạnh mẽ hơn, toàn diện và bền vững hơn. Nhưng tái cơ cấu nền kinh tế của chúng ta được tiến hành chậm chạp. Mặc dù đã có Đề án tổng thể và các đề án chi tiết nhưng quả thực hành động rất chậm, đến bây giờ, kết quả cũng chưa rõ dù các chỉ tiêu cụ thể của tái cơ cấu đang có xu hướng tốt lên, ví dụ, cổ phần hóa, kết quả thực hiện năm 2014 là một bước tiến so với các năm trước. Nhìn tổng thể, việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đã tiến lên được một bước nhưng chậm, chưa rõ hình hài những vấn đề cần phải giải quyết để bảo đảm phát triển bền vững. Ví dụ tái cơ cấu tập đoàn và tổng công ty nhà nước đến nay còn chưa rõ mô hình, chưa có đột phá để tạo động lực cho các năm sau. Hay nợ công, chúng ta chống được dàn trải, giải quyết được tình trạng tạm ứng, dây dưa nhưng nợ công đang tăng lên, bám sát sàn an toàn... Đó là những vấn đề cần phải suy nghĩ và có biện pháp xử lý hiệu quả hơn. Mục tiêu của tái cấu trúc nền kinh tế là chuyển nền kinh tế từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển chiều sâu, từ tốc độ sang hiệu quả... nhưng thực tế lại chưa tạo ra được những chuyển biến mạnh mẽ. Việc sắp xếp các ngân hàng cũng thế. Chúng ta có công lớn là đã giải quyết được những ngân hàng yếu kém, tránh được đổ vỡ hệ thống ngân hàng nhưng toàn bộ hệ thống ngân hàng đi vào chất lượng, khả năng cạnh tranh và bảo đảm khả năng hội nhập hay chưa thì vẫn còn một khoảng cách. Nói cách khác, chúng ta mới giải quyết được vấn đề giữ ổn định nền kinh tế, làm cho nền kinh tế khỏi bục ra, khỏi đổ vỡ, khỏi chìm xuống chứ tạo yếu tố để phát triển đột phá trong thời gian tới thì chưa rõ.

ĐBQH Lê Minh Thông (Thanh Hóa): Làm rất nhiều việc để tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhưng năng suất lao động vẫn thấp thì đó vẫn là sự đầu tư lãng phí

Tôi đồng tình với những nhận định, đánh giá của Chính phủ về tình hình KT – XH năm 2014. Với dự kiến 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết của QH, tôi đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ, sự năng động, quyết đoán, ứng phó kịp thời với những tình huống KT-XH, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế của chúng ta phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức từ bên ngoài. Kết quả nổi bật nhất là tăng trưởng kinh tế dương, xã hội ổn định, an ninh chính trị được giữ vững...

Tuy nhiên, tôi đề nghị Chính phủ làm rõ và báo cáo QH một số vấn đề sau:

Thứ nhất, về kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện 3 đột phá chiến lược. Báo cáo của Chính phủ nêu rất nhiều con số ấn tượng về cổ phần hóa nhưng vấn đề đặt ra là, hiệu ứng của việc cổ phần hóa như thế nào thì chưa có một đánh giá cụ thể nào. Ví dụ, chúng ta cổ phần hóa rất nhiều như vậy thì tổng vốn thu về được bao nhiêu và tác động đến hoạt động của doanh nghiệp như thế nào? – tôi chưa thấy có thước đo nào cả. Một doanh nghiệp nhà nước sau khi được cổ phần hóa thì làm ăn thế nào? Vốn cổ phần đó được sử dụng như thế nào? Chúng ta mới nói con số được cổ phần là bao nhiêu doanh nghiệp thôi chứ chưa thấy có sự phân tích. Tức là, chúng ta mới nói cái bề ngoài chứ chưa thực sự đi vào phân tích kết quả bên trong. Hay việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, báo cáo của Chính phủ cũng đưa ra một số phân tích về quá trình thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước nhưng lượng vốn sau khi thoái vốn được sử dụng như thế nào, đưa vào đâu và hiệu quả của thoái vốn như thế nào? – tôi cũng chưa thấy phân tích. Khi chúng ta xử lý các căn bệnh của nền kinh tế thì phải đánh giá được thực chất căn bệnh đã được xử lý đến đâu và mang lại hiệu ứng sức khỏe cho nền kinh tế như thế nào. Trong Báo cáo của Chính phủ, kể cả Kỳ họp trước và Kỳ họp này, đều chưa rõ, mới chỉ dừng lại ở các con số còn hiệu quả thực sự như thế nào thì hầu như chưa rõ.

Thứ hai, một vấn đề rất đáng suy nghĩ nhưng dường như Chính phủ chưa thực sự chú trọng là năng suất lao động. Theo kết quả đánh giá năng suất lao động của một số nước thì chúng ta vinh dự đứng gần cuối. Cốt lõi của vấn đề là năng suất lao động đến đâu, anh đầu tư thế nào và dẫn đến năng suất như thế nào? Tôi đề nghị, Chính phủ cần xem xét một cách nghiêm túc chỉ số này. Vì sao năng suất lao động của chúng ta lại thấp đến như vậy? Phải chỉ cho rõ nguyên nhân để nâng cao năng suất lao động lên. Anh có thể làm rất nhiều việc để tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đầu tư rất nhiều nhưng năng suất lao động vẫn thấp thì đó là sự đầu tư rất lãng phí. Một đồng vốn bỏ ra phải đem lại hiệu quả như thế nào? Rất tiếc, trong Báo cáo của Chính phủ lần này không làm rõ được những vấn đề như vậy, vẫn đi theo mô – tuýp cũ, báo cáo theo từng lĩnh vực nhưng những căn bệnh rất nặng của nền kinh tế lại chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng mức. Đã đến lúc, chúng ta phải nghiêm túc đánh giá vấn đề năng suất lao động của quốc gia, xem những yếu tố nào cấu thành năng suất lao động đang có vấn đề để tính toán, khắc phục cho hiệu quả.

ĐBQH Phạm Xuân Thăng (Hải Dương): Minh bạch hóa hơn nữa các thông tin về nợ công

Luật Quản lý nợ công quy định QH có năm nhiệm vụ, quyền hạn để giám sát cũng như quyết định về nợ công, bao gồm: một là, quyết định các chỉ tiêu an toàn về nợ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; hai là, quyết định mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công trong từng giai đoạn năm năm nhằm bảo đảm chỉ tiêu an toàn về nợ; ba là, quyết định tổng mức, cơ cấu vay và trả nợ hàng năm của Chính phủ gắn với dự toán ngân sách nhà nước; bốn là, quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án, công trình quan trọng quốc gia từ nguồn vốn vay của Chính phủ; năm là, giám sát việc huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công. Tôi đề nghị, Chính phủ báo cáo QH, làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến nợ công. Phải minh bạch hóa hơn nữa các thông tin về nợ công. Hàng năm, Chính phủ cần báo cáo chi tiết với QH về nợ công.

Hiện nay, các con số về nợ công được công bố trên các phương tiện thông tin, báo chí, từ kết quả nghiên cứu của các Viện nghiên cứu về đầu tư so với con số trong Báo cáo của Chính phủ là rất khác nhau. Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đã nêu, nếu tính đúng, tính đủ nợ công của chúng ta là sát ngưỡng 65%. Khi tính nợ công thì có tính cả nợ của các doanh nghiệp nhà nước vào không? Thực tế, nợ doanh nghiệp nhà nước tính đến cuối năm 2012 là 52,5% GDP. Nếu cộng cả con số này vào để tính nợ công thì năm 2013 nợ công của nước rất lớn, không phải trên 63% như báo cáo Chính phủ đã nêu. Hay nợ xây dựng cơ bản, thực chất là nợ ngân sách thì có được coi là nợ công không? Trong khái niệm về nợ công, những khoản nợ nêu trên không đưa vào, tuy nhiên về bản chất thì nó là nợ ngân sách nhà nước, nợ quốc gia và nếu tính đúng, tính đủ thì cũng là nợ công.

Về việc trả nợ công, hiện nay ngưỡng trả nợ công của chúng ta đã vượt ngưỡng QH cho phép là 25%. Đây là tín hiệu cho thấy mức độ báo động về nghĩa vụ trả nợ công. Như vậy, hàng năm chúng ta phải dành ngân sách khá lớn và từ đó phải giảm bớt chi đầu tư phát triển để trả nợ công. Như vậy, trong công tác điều hành kinh tế vĩ mô, thách thức đặt ra cho Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương về xử lý nợ công như thế nào? Vấn đề này còn liên quan đến việc điều tiết khoản vượt thu năm nay, theo định hướng của chúng ta là dành một phần để trả nợ, đảo nợ và vay nợ tiếp. Tôi đề nghị Chính phủ có báo cáo giải trình QH về vấn đề nợ công, biện pháp sử dụng các khoản vay hiệu quả và lộ trình trả nợ; đánh giá tác động của nợ công đối với nền kinh tế.

Về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vấn đề này có liên quan tới nợ công. Nợ của doanh nghiệp nhà nước có hai loại là nợ được Chính phủ bảo lãnh thì được tính vào nợ công và nợ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh nhưng khi không thanh toán được và trở thành nợ xấu thì trên thực tế Chính phủ đã dành một phần ngân sách để bù đắp khoản nợ xấu này cho một số doanh nghiệp. Vì vậy, về bản chất đây cũng là nợ công. Nếu thúc đẩy nhanh việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì sẽ làm giảm gánh nặng ngân sách và nợ công. Tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện nay còn rất chậm. Theo thống kê, chúng ta còn 453 doanh nghiệp nhà nước cần thực hiện cổ phần hóa. Tháng 3.2014, Chính phủ đã có Nghị quyết số 19 về việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên trên thực tế, tốc độ thực hiện rất chậm, dẫn tới làm phình nợ công. Biện pháp từ nay đến cuối năm cũng như trong những năm tới là cần phải đẩy mạnh hơn nữa cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tôi thấy báo cáo về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong Báo cáo của Chính phủ không rõ. Đề nghị sang năm, Chính phủ cần có phụ lục về những doanh nghiệp nào đã cổ phần hóa và những doanh nghiệp nào chưa, để có sự chỉ đạo quyết liệt hơn. 

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh): Quan điểm phải xác định rõ và hết sức thận trọng hiện nay là, nền kinh tế của chúng ta có nên mở nữa không hay là nên dừng lại?

Kinh tế thế giới hiện nay có dấu hiệu phục hồi nhưng phục hồi cũng rất chậm chạp, chưa rõ nét. Mặt khác, tình hình thế giới cũng xuất hiện nhiều yếu tố phức tạp và diễn biến khó lường, đe dọa đến sự phát triển kinh tế trên toàn cầu. Trong khi đó, nền kinh tế của chúng ta có độ mở khá cao nên mức độ tác động của những diễn biến phức tạp trên thế giới đối với chúng ta sẽ khó khăn hơn. Do đó, một trong những quan điểm hiện nay cần phải được xác định rõ và phải hết sức thận trọng là, nền kinh tế của chúng ta có nên mở nữa không hay là nên dừng lại? Vì theo dự kiến năm 2015, chỉ tiêu xuất khẩu tiếp tục là 148 tỷ USD, nhập khẩu là 146,5 tỷ USD. Như vậy, kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 294 tỷ USD trên GDP khoảng 200 tỷ USD thì độ mở của nền kinh tế sẽ tiếp tục rất lớn. Và như vậy, trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều bất an như hiện nay thì nền kinh tế của chúng ta cũng sẽ khó phát triển bền vững được.

Nếu nhìn về trung hạn từ năm 2011 đến nay, năm nay, tình hình kinh tế có dấu hiệu phục hồi rõ hơn: năm 2012, tăng trưởng GDP là 5,25%, năm 2013 là 5,42% và năm 2014 ước thực hiện là 5,8%. Tuy nhiên, so với tiềm năng, so với tài nguyên thiên nhiên, so với dân số 90 triệu người cần cù và thông minh và so với điều kiện của một đất nước ổn định về chính trị, xã hội thì tốc độ tăng trưởng 4 năm qua chỉ đạt khoảng 5,7% là dưới tiềm năng. 4 năm vừa qua, chúng ta đã hy sinh mục tiêu tăng trưởng để ưu tiên cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Nhưng hiện nay, nền kinh tế đã chuyển sang một trạng thái rất mới. Việc đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5% trong 3 năm qua đã góp phần làm tăng uy tín của Việt Nam. Vì vậy, năm 2015, Chính phủ đề ra là mục tiêu GDP tăng trưởng 6,2%, tôi rất đồng tình, nhưng đề nghị, chúng ta cải thiện tốt hơn nữa, có thể đạt tới 6,5% vì chúng ta còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, tôi không tán thành chỉ tiêu tổng vốn đầu tư xã hội chỉ có 30% GDP. Theo tôi, đây là con số không khả thi. Vì chỉ số icor của chúng ta suốt thời gian vừa qua, thời điểm tốt nhất cũng là 5,5. Tôi đề nghị phải có chính sách tăng tổng vốn đầu tư xã hội. Tôi đồng tình con số lạm phạm 5% trong năm 2015 nhưng có thể bao một khoản là từ 5% đến 6%, đây là mức lạm phát rất tốt hỗ trợ tăng trưởng. Nghiên cứu tình hình KT-XH của chúng ta suốt 30 năm qua cho thấy, mức lạm phát trong khung từ 5% đến 7% là hợp lý để kích thích tăng trưởng kinh tế.

(Theo Đại biểu Nhân dân)

Các bài viết khác