Đai biểu Trần Ngọc Vinh - TP Hải Phòng: Về Tổng thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, tôi tán thành với dự thảo luật về thiết chế, lập chức danh Tổng thư ký Quốc hội đồng thời là người đứng đầu Văn phòng Quốc hội, nhằm đảm bảo thống nhất trong chỉ đạo, điều hành hoạt động của cơ quan tham mưu giúp việc cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Chức danh này không có vị thế giống như Tổng thư ký Ủy ban thường vụ Quốc hội theo Hiến pháp năm 1959 và Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước theo Hiến pháp năm 1980. Vì vậy, Tổng thư ký Quốc hội không nhất thiết bảo bầu trong số đại biểu Quốc hội mà nên để Quốc hội phê chuẩn chức danh này như phê chuẩn một công chức thực hiện nhiệm vụ, chức năng đứng đầu bộ máy giúp việc của Quốc hội là phù hợp.
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám - Kon Tum: tôi tán thành với việc thiết lập chức danh Tổng thư ký Quốc hội như quy định ở dự thảo. Nó đáp ứng yêu cầu hoạt động của Quốc hội, của lãnh đạo Quốc hội và phù hợp với thông lệ quốc tế. Chức danh Tổng thư ký gắn liền với thiết chế Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký đồng thời là Chánh Văn phòng Quốc hội, giúp việc cho Chánh Văn phòng Quốc hội có Phó Văn phòng Quốc hội, giúp việc cho Tổng thư ký có Ban thư ký. Ban thư ký là một tập thể do vậy không thể thay mặt Tổng thư ký trong trường hợp Tổng thư ký vắng mặt hoặc vì lý do sức khỏe mà vắng mặt lâu dài. Bởi vậy, đề nghị xem xét, quy định có Phó Tổng thư ký trong số Ban thư ký giúp việc cho Tổng thư ký.
Đồng thời, đề nghị xem xét lại quy định Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính. Bởi nếu là cơ quan hành chính thì có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì không có văn bản quy phạm pháp luật của Văn phòng Quốc hội. Nếu vậy thì Văn phòng Quốc hội nên quy định là cơ quan tham mưu, tổng hợp, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, và đại biểu Quốc hội. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.
Đại biểu Lê Đắc Lâm - Bình Định: đồng ý với dự thảo nên có chức danh Tổng thư ký của Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Tuy nhiên, để chức danh này hoạt động ổn định lâu dài, có tính chuyên nghiệp thì có thể không theo nhiệm kỳ. Đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, làm rõ hơn vị trí, vai trò Tổng thư ký Quốc hội cho phù hợp với mô hình tổ chức Quốc hội của nước ta cũng như kinh nghiệm của Quốc tế. Mặt khác, Tổng thư ký Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cân nhắc thêm có thể Tổng thư Ký Quốc hội không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội, theo đó không nhất thiết phải bầu trong số đại biểu Quốc hội. Luật tổ chức Quốc hội cũng đã xác định Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính thì người đứng đầu cơ quan hành chính không nhất thiết là đại biểu Quốc hội cũng là cơ quan hành chính thì người đứng đầu cơ quan hành chính không nhất thiết là đại biểu Quốc hội cũng phù hợp.