ĐBQH Đỗ Văn Vẻ - Thái Bình: Đề nghị mở rộng thêm đối tượng được sở hữu nhà tại Việt Nam

24/10/2014

Tôi cơ bản nhất trí với dự án Luật nhà ở (sửa đổi), tôi xin được đóng góp một số nội dung sau:

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Vẻ - Thái Bình phát biểu ý kiến

Một, về các hành vi bị nghiêm cấm tại Khoản 11, Điều 6 quy định một số hành vi bị cấm là: "Sử dụng nhà ở riêng lẻ vào các mục đích kinh doanh vật liệu gây cháy nổ, kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, sinh hoạt của khu dân cư, không tuân thủ các quy định của luật về điều kiện kinh doanh hoặc không được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép". Tôi đề nghị bỏ đoạn "hoặc không được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép" vì hành vi bị cấm quy định tại khoản này là "vào các mục đích kinh doanh", vì vậy chỉ cần "không tuân thủ các quy định của luật về điều kiện kinh doanh" là đủ. Nếu quy định như dự thảo tức là có những hoạt động kinh doanh không thuộc diện kinh doanh có điều kiện nhưng lại phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép. Đó là quy định có thể dẫn đến tùy tiện đặt ra những điều kiện kinh doanh vô lý.

Hai, về đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, Điều 7 dự thảo quy định các đối tượng được sở hữu nhà tại Việt Nam gồm:

Một, tổ chức hộ gia đình, cá nhân trong nước.

Hai, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Ba, tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định tại Điều 159 của luật này. Khoản 1, Điều 159 quy định đối tượng là tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, bao gồm Mục a, b, c với phạm vi hẹp. Tôi đề nghị mở rộng thêm đối tượng được sở hữu nhà tại Việt Nam, gồm cá nhân, tổ chức nước ngoài theo Nghị quyết 19/2008 QH12 ngày 3/6/2008 của Quốc hội khóa XII về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam.

Lý do Nghị quyết 19/2008 QH12 đã đi vào cuộc sống được 6 năm, dù còn rất ít nhưng đã có 200 trường hợp được mua và sở hữu nhà ở theo nghị quyết này và chưa có tác động tiêu cực gì phát sinh. Việc cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới trong nhiều năm qua. Cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở Việt Nam là biện pháp quan trọng để xuất khẩu tại chỗ đối với nhà ở thương mại, nhà ở cao cấp; thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản và thu hút nhiều hơn ngoại tệ cho nền kinh tế.

Về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở, Điều 12 dự thảo luật quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở. Những quy định tại Điều 12 là đúng nhưng chưa đủ, để nghị cần bổ sung quy định xử lý khoảng trống khi người mua nhà đã thanh toán hết tiền, người đổi nhà đã thực hiện xong việc đổi nhà nhưng giấy tờ về chuyển quyền sở hữu nhà, chuyển quyền sử dụng đất gắn liền với nhà chưa hoàn thành thì như thế nào? Vì khi đó người bán nhà ở thế nắm đằng chuôi khi giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất họ vẫn nắm giữ, người mua nhà không thể tự mình đi làm thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất. Tôi đề nghị có thể quy định thêm trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày đã nhận được đến 90% số tiền bán nhà từ người mua, hoặc thời hạn nhận nhà trong trường hợp đổi nhà, người bán nhà và các bên đổi nhà phải hoàn thành thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà, chuyển quyền sử dụng đất. Quá thời hạn nêu trên, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất mà người bán vẫn nắm giữ sẽ không còn giá trị pháp lý. Người mua nhà có quyền nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với căn nhà đã mua.

Bốn, về Quỹ phát triển nhà ở xã hội, Điều 74 dự thảo luật quy định về Quỹ phát triển nhà ở xã hội và đưa ra hai phương án như sau. Phương án 1: Không thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội. Phương án 2: Thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội với những quy định trong dự thảo từ Mục 1 đến Mục 7, Điều 74. Đề nghị theo Phương án 1, tức là không thành lập quỹ này, vì những lý do sau:

Thứ nhất, dự thảo luật đã quy định và nhà nước đã có những chính sách ưu đãi cho việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở công vụ, vì vậy không cần thiết phải thành lập quỹ này.

Thứ hai, quy định về nguồn vốn để thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội là không khả thi, vì không có lý do gì để trích tiền ngân sách nhà nước, tiền thuế do nhân dân đóng góp và góp vốn vào Quỹ phát triển nhà ở xã hội chỉ để phục vụ cho một nhóm trong cộng đồng dân cư. Nguồn vốn từ phát hành trái phiếu là không khả thi, vì với nguyên tắc không vì mục tiêu lợi nhuận, quỹ sẽ không có khả năng trả lãi trái phiếu. Việc phát hành công trái để thành lập quỹ là không thể thực hiện được, bởi công trái quốc gia được phát hành phục vụ những dự án lớn của nhà nước. Nguồn vốn đóng góp tiết kiệm của người có nhu cầu mua, thuê mua của nhà ở xã hội cũng không thể trở thành hiện thực, vì những người có tiền sẽ không đóng góp tiết kiệm vào quỹ, mà sẽ thực hiện việc thuê mua nhà ở.

Thứ ba, quy định cơ chế tài chính để chế độ lao động tiền lương, tiền thưởng, thù lao của cán bộ làm việc trong Quỹ phát triển nhà ở xã hội được áp dụng như đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu là không đúng. Bởi Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu là doanh nghiệp, quỹ không phải là một doanh nghiệp.

Thứ tư, Quỹ phát triển nhà ở xã hội sẽ là một quỹ tài chính ngoài ngân sách. Đến nay ở nước ta đã có hơn 50 quỹ tài chính ngoài ngân sách hoạt động. Hiệu quả của những quỹ này như thế nào là vấn đề chưa được công khai, minh bạch và khung pháp luật cho hoạt động của những quỹ này còn rất nhiều vấn đề cần bàn. Do đó, không nên tiếp tục cho ra đời những quỹ tài chính ngoài ngân sách.

Thứ năm, về công trình nhà ở có giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử. Tiết b, Khoản 1, Điều 79 quy định về công trình nhà ở có giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử như sau: Nhà ở không thuộc diện quy định tại Điểm a khoản này nhưng thuộc danh mục được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng quy hoạch kiến trúc và văn hóa cấp tỉnh. Quy định như trên sẽ dẫn đến lạm phát các công trình nhà ở có giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và gây khó khăn cho đời sống của nhân dân. Ví dụ, hiện nay có khá nhiều nhà ở của nhân dân được xếp vào loại nhà ở phố cổ, không được sửa chữa, cải tạo, mặc dù đã xuống cấp. Tôi đề nghị bổ sung thêm một điều về tiêu chí xác định công trình nhà ở có giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử nhằm hoàn thiện dự luật.

Cổng thông tin điện tử