ĐBQH Đinh Thị Phương Lan - Quảng Ngãi phát biểu ý kiến.
Từng bước hoàn chỉnh thị trường tài chính, xây dựng khuôn khổ pháp lý, nâng cao chất lượng hệ thống giám sát thị trường tài chính ở Việt Nam, đặc biệt đối với ba cấu phần quan trọng trong hệ thống gồm có: tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm. Xây dựng hệ thống giám sát tài chính chuyên nghiệp, hiệu quả tiến đến giám sát tập đoàn tài chính, tập đoàn kinh tế chứ không dừng lại ở doanh nghiệp tài chính và doanh nghiệp riêng lẻ.
Về một số vấn đề cụ thể, tôi đề nghị cần xem xét thêm:
Thứ nhất, về nguyên tắc đầu tư quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Điều 5, đề nghị bổ sung nguyên tắc không được đầu tư ngoài ngành, nghề được giao để tránh tình trạng đầu tư tràn lan ngoài ngành và những ngành nghề đó thuộc lĩnh vực như trong dự thảo. Đó là cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, phục vụ quốc phòng, an ninh, ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.
Thứ hai, về phạm vi vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp tại Điều 10, đề nghị bổ sung vào Khoản 1 quy định đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc ít người. Hiện nay số doanh nghiệp thuộc nhóm này rất ít. Với chức năng của mình, Nhà nước cần thành lập những doanh nghiệp tham gia giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng và không vì mục tiêu lợi nhuận.
Thứ ba, về đầu tư ra ngoài ngành tại Điều 28, tôi đề nghị quy định việc đầu tư ra bên ngoài doanh nghiệp cũng phải trong phạm vi lĩnh vực ngành quy định tại Khoản 1, Điều 10 nhằm đảm bảo quản lý, sử dụng vốn nhà nước đúng mục đích ban đầu thành lập doanh nghiệp. Việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp đã được dự thảo luật quy định chặt chẽ. Đề nghị khi đầu tư từ doanh nghiệp ra ngoài ngành thì cũng được quy định chặt chẽ, tránh việc khi sử dụng gián tiếp nguồn vốn không đúng mục đích ban đầu.
Thứ tư, về tiền lương, thù lao, tiền thưởng người quản lý doanh nghiệp quy định tại Điều 33. Nội dung này còn khá chung chung khi dự thảo chỉ quy định tiền thưởng hàng năm của người quản lý doanh nghiệp được trích từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp. Mức thưởng được xác định trên cơ sở của hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; mức hoàn thành nhiệm vụ xếp loại quản lý doanh nghiệp. Riêng hai nội dung này tôi quy định trích lợi nhuận từ sau thuế trên cơ sở hiệu quả hoạt động còn khá chung chung, tôi đề nghị quy định cụ thể để tránh trường hợp có sự chênh lệch quá lớn thu nhập giữa người quản lý và các đối tượng còn lại trong doanh nghiệp, vì nguồn vốn sử dụng trong doanh nghiệp là vốn nhà nước.
Thứ năm, về nguyên tắc phân phối lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp, Điều 34, đề nghị phải xác định cụ thể tỷ lệ trích lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi của người lao động, quỹ thưởng cho người quản lý doanh nghiệp và tỷ lệ tối thiểu lợi nhuận nộp vào ngân sách để Nhà nước tạo nguồn lực tái đầu tư phát triển xã hội và đảm bảo thu hồi vốn đầu tư nhà nước, duy trì nguồn thu vào ngân sách Nhà nước.