Nhiều chủ thể biên soạn sách giáo khoa sẽ dẫn đến tình trạng thương mại hóa, tác động trực tiếp đến môi trường giáo dục

15/11/2014

Để có một bộ sách giáo khoa có chất lượng cần huy động chính những đội ngũ nhà giáo giỏi, có kinh nghiệm từ các trường phổ thông và đại học, các chuyên gia giỏi thuộc các Hội nghề nghiệp biên soạn và chịu trách nhiệm trước Nhà nước.

Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông trình QH tại Kỳ họp lần này, về cơ bản, tôi tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8, Khóa XI. Với mục tiêu của đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là nhằm tạo ra sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục, thực hiện mục tiêu của đổi mới giáo dục là chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh; từ nền giáo dục nặng về dạy chữ, ứng thí sang nền giáo dục thực học, thực nghiệp, góp phần quan trọng phát triển con người có năng lực và phẩm chất tốt.

Tuy nhiên, Đề án còn một số vấn đề cần hoàn thiện:

Trước hết, cần thống nhất cách tiếp cận về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Việc đổi mới phải nằm trong tổng thể các giải pháp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trong đó bao gồm: đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đổi mới phương pháp dạy học cùng với việc đổi mới đào tạo giáo viên; đổi mới quản lý giáo dục; đổi mới về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học... Trong các nội dung cần đổi mới của giáo dục và đào tạo thì vấn đề quan trọng nhất là đổi mới phương pháp giảng dạy. Đây là một trong những nội dung có tính căn bản, cốt lõi cần phải đổi mới của giáo dục phổ thông. Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa là tiền đề cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhưng có chương trình khoa học và hợp lý, có các bộ sách giáo khoa có chất lượng tốt là chưa đủ, mà phương pháp giảng dạy phù hợp là yếu tố quyết định. Điều này lại quyết định ở đội ngũ giáo viên phổ thông.

Làm thế nào để nước ta có được đội ngũ giáo viên có phương pháp giảng dạy mới tương ứng với chương trình, sách giáo khoa mới, có khả năng lôi cuốn học sinh vào phương thức đào tạo mới, tạo ra hiệu quả như kỳ vọng của Đề án trong khi, đội ngũ giáo viên của nước ta từ trước đến nay được đào tạo theo từng môn chuyên biệt như sử, địa, hóa, sinh và chưa đào tạo các môn tích hợp? Theo Đề án thì dự kiến chương trình mới sẽ tích hợp các môn khoa học xã hội và các môn khoa học tự nhiên. Phương pháp dạy tích hợp là phương pháp hoàn toàn mới. Vì vậy, việc đào tạo lại, tập huấn, đào tạo mới giáo viên theo chương trình mới là một việc rất nặng nề. Tuy nhiên, Đề án lại chưa chỉ rõ lộ trình, kế hoạch, giải pháp, phương hướng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để phù hợp với yêu cầu của chương trình mới, sách giáo khoa mới.

Tôi đề nghị, Đề án cần phải bổ sung, làm rõ hơn các giải pháp về đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, đào tạo phương pháp giảng dạy mới phù hợp với chương trình, sách giáo khoa mới cho đội ngũ giáo viên cả nước để có thể đáp ứng được yêu cầu của đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Đây là công việc rất lớn, đòi hỏi phải có thời gian, lộ trình, và đầu tư lượng kinh phí lớn. Đề án cũng phải làm rõ hơn các giải pháp về đầu tư, đổi mới trang thiết bị, thiết bị dạy học để có thể đáp ứng được sự đổi mới về chương trình và sách giáo khoa mới.

Thứ hai là, cần nhận thức rõ hơn về những thách thức khi thực hiện Đề án, như:

Một là, làm thế nào để thẩm định một cách khách quan, chuẩn xác, kịp thời các bộ sách giáo khoa do nhiều chủ thể tham gia biên soạn, để có những bộ sách có chất lượng tốt, phù hợp với yêu cầu đổi mới? Việc tồn tại nhiều bộ sách giáo khoa là một thách thức cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho các cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo cũng như gây bối rối cho nhà trường, học sinh và phụ huynh. Việc nhiều bộ sách giáo khoa cùng lúc tồn tại sẽ gây áp lực lớn cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc thẩm định, phê duyệt nội dung sách giáo khoa. Trong khi hiện nay đang có tình trạng, một số sách tham khảo của học sinh phổ thông có nội dung không phù hợp, cá biệt có một số sách có nội dung phản cảm với văn hóa, thuần phong mỹ tục mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không thể kiểm soát hết được. Vì vậy, nếu tồn tại nhiều bộ sách giáo khoa với số lượng sách tham khảo tràn lan thì việc kiểm soát nội dung, hình thức sẽ càng quá tải đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hai là, làm thế nào để giải quyết những vấn đề đặt ra khi có sự tham gia, cạnh tranh của nhiều nhà xuất bản, nhiều chủ thể trong việc biên soạn sách giáo khoa sẽ đẩy mạnh tính thương mại hóa của sách giáo khoa? Sách giáo khoa là một loại hàng hóa đặc biệt, được sử dụng một cách rộng rãi cho hàng chục triệu học sinh. Vì vậy sẽ hình thành một thị trường sôi động, thu hút nhiều chủ thể tham gia với sự hấp dẫn từ lợi nhuận in và bán sách. Từ đó, có thể dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng tới môi trường giáo dục. Sự thương mại hóa sách giáo khoa còn dẫn tới việc học sinh nghèo, học sinh ở vùng khó khăn, miền núi khó có điều kiện tiếp cận được những bộ sách giáo khoa có chất lượng tốt và phù hợp nếu như thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước.

Ba là, làm thế nào để giúp cho các nhà trường quyết định một cách chuẩn xác trong việc lựa chọn sách giáo khoa cho công tác giảng dạy? Trong bối cảnh, có nhiều bộ sách giáo khoa, nhiều lớp học, nhiều bộ môn thì một nhà trường sẽ phải lựa chọn rất nhiều bộ sách giáo khoa, có thể là những bộ hoàn chỉnh, nhưng cũng có thể là sự tích hợp của nhiều bộ sách giáo khoa, nhiều sách giáo khoa. Đây là thách thức không nhỏ đối với lãnh đạo và từng giáo viên trong nhà trường. Để sự quyết định và lựa chọn bộ sách giáo khoa nào cho phù hợp, rất cần có sự hướng dẫn, hỗ trợ của cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp (sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục) đối với các nhà trường, nhất là ở cấp tiểu học, các trường ở những vùng xa, vùng khó khăn. Vì vậy, tôi đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có quy định thật rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và giao quyền tự quyết, cũng như nâng cao tính chịu trách nhiệm của ban giám hiệu nhà trường và mỗi giáo viên. Việc lựa chọn mức độ trong khung chương trình và lựa chọn sử dụng bộ sách giáo khoa phổ thông nào giao cho cấp sở không nên để cấp các phòng và các trường phổ thông lựa chọn.

Bốn là, về định hướng nội dung và phương pháp biên soạn cho sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đây là vấn đề hết sức quan trọng. Kiến thức phổ thông là sự phát hiện, phát triển, tổng kết tri thức của nhân loại và của dân tộc. Đổi mới chương trình, biên soạn sách giáo khoa phổ thông không phải là đổi mới tri thức mà là đổi mới cách tiếp cận tri thức. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung xây dựng một chương trình chuẩn cho toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông, có tính khoa học và thực tiễn cao. Theo đó, cần phân định rõ chương trình, xác định các tiêu chí kiến thức cơ bản mức tối thiểu cần phải đạt được tới đâu; đồng thời xác định rõ những nguyên tắc, chuẩn mực cần có khi biên soạn sách giáo khoa bảo đảm tính khoa học, tính chính xác về tri thức, tính phù hợp với phương pháp giảng dạy và khả năng tiếp thu của học sinh... Trên cơ sở đó, các tổ chức, cá nhân sẽ tiến hành biên soạn sách giáo khoa bám sát vào yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Khi thẩm định sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khuyến khích viết các nội dung kiến thức theo hướng mở, không nên đưa vào sách giáo khoa những thông tin, số liệu thống kê quá cụ thể về các lĩnh vực ở những thời điểm đã qua hoặc hiện tại. Chi tiết này sẽ góp phần khắc phục sự lạc hậu của sách giáo khoa so với thực tế xã hội.

Một thách thức rất lớn nữa là chế độ đãi ngộ với đội ngũ giáo viên hiện nay đang không bảo đảm để giáo viên yên tâm với nghề. Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng góp phần vào sự thành công của Đề án. Bên cạnh đó, Đề án cũng cần nêu ra những biện pháp cụ thể để tinh giản, sàng lọc đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đề xuất thêm những vị trí nghề nghiệp chuyên biệt để phù hợp với yêu cầu giáo dục toàn diện hiện nay.

Thứ ba là, về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa

Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên chủ trì việc xây dựng khung chương trình và tổ chức việc thẩm định các bộ sách giáo khoa; nếu trực tiếp tham gia vào việc viết sách giáo khoa, có thể Bộ sẽ vô tình tạo một định hướng cứng, hạn chế sự phong phú, đa dạng và sáng tạo của các chủ thể khác tham gia viết sách. Khi có một khung chương trình chuẩn mực với các mức độ khác nhau, khi có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau sẽ tạo được nhiều cơ hội cho các trường, các địa phương lựa chọn mức độ chương trình và bộ sách giáo khoa phù hợp với thực tế.

Tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên trực tiếp biên soạn sách giáo khoa mà tập trung vào việc chỉ đạo biên soạn và thẩm định chất lượng sách. Để có một bộ sách giáo khoa có chất lượng cần huy động chính những đội ngũ nhà giáo giỏi, có kinh nghiệm từ các trường phổ thông và đại học, các chuyên gia giỏi thuộc các hội nghề nghiệp biên soạn và chịu trách nhiệm trước Nhà nước. Qua nhiều lần biên soạn sách giáo khoa, nước ta đang có bộ sách giáo khoa tương đối tốt, nhiều nội dung vẫn còn phù hợp. Vấn đề là phải xuất phát từ yêu cầu về đổi mới phương pháp giảng dạy, để tiếp tục cải tiến, đổi mới biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở kế thừa các bộ sách giáo khoa cũ, có sự học tập, tiếp thu từ kinh nghiệm quốc tế.

Phạm Xuân Thăng
ĐBQH tỉnh Hải Dương

(Theo Đại biểu nhân dân)