Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng – tỉnh Bến Tre: Việc cân nhắc quy định phạm vi bồi thường nhằm bảo đảm quyền con người phù hợp với Hiến pháp và các luật có liên quan

25/11/2016

Chiều 11/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV, các đại biểu làm việc tai Hội trường, thảo luận về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng– tỉnh Bến Tre cho rằng, việc cân nhắc quy định phạm vi bồi thường nhằm bảo đảm quyền con người phù hợp với Hiến pháp và các luật có liên quan.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại hội trường                                                         Ảnh: Đình Nam

Về phạm vi trách nhiệm bồi thường nhà nước, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tán thành với nhiều nội dung dự thảo cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Đại biểu cho rằng, việc cân nhắc quy định phạm vi bồi thường nhằm bảo đảm quyền con người phù hợp với Hiến pháp và các luật có liên quan.

Theo nguyên lý chung, nếu việc gây thiệt hại được xác định một cách hợp pháp bằng các cam kết ghi rõ trong hợp đồng thì việc bồi thường được giải quyết theo cam kết đó, trên cơ sở các quy định của Bộ luật dân sự, Luật thương mại và các luật có liên quan. Trong trường hợp chưa có hợp đồng thì giải quyết theo các quy định về bồi thường thiệt hại trên cơ sở các quy định tại Chương XXI của Bộ luật dân sự.

Theo đại biểu, dự thảo luật chủ yếu thể hiện tinh thần các điều 619, 620 của Bộ luật dân sự mà chưa thể hiện được tinh thần của các Điều 623, 624, 625, 626, 627 của Bộ luật dân sự. Do đó, cần phải xác định rõ ở đây không phải là mở rộng phạm vi mà là xác định rõ quản lý hành chính, tố tụng thi hành án và các trường hợp khác. Ví dụ các vấn đề thuộc về giai đoạn tiền tố tụng trường hợp cơ quan nhà nước tổ chức các sự kiện hoặc các dịch vụ công dẫn đến thiệt hại của người dân, đồng thời cần có sự giải thích đầy đủ, rõ ràng của các nước nêu trên, đặc biệt làm rõ nội hàm quản lý hành chính.

Trên thực tế, có người dân thiệt mạng hoặc tàn tật vì công tác quản lý đô thị yếu kém, ví dụ người đi đường ban đêm bị sập hố ga, trẻ em bị nước cuốn vào cống thoát nước chết, cây đổ đè chết người ở đô thị, trong những trường đó không có quyết định hành chính hay quyết định tư pháp hay hoạt động của người thi hành công vụ nhưng điều đó vẫn thuộc trách nhiệm quản lý của nhà nước. Do đó, nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại của công dân trừ trường hợp người thiệt hại có lỗi hoặc do người khác gây ra. Nếu chỉ gói gọn trong lĩnh vực thi hành công vụ mới bồi thường là chưa thể hiện hết trách nhiệm của nhà nước đối với người dân.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét một số trách nhiệm trong một số trường hợp khác, như trường hợp người bị kết án oan đi tù ,con cái không có người nuôi dưỡng, giáo dục chu đáo dẫn đến những hậu quả tệ nạn xã hội, gia đình tan nát, trường hợp người bị xử lý hành chính hoặc tố tụng thi hành án trái pháp luật vì quá uất ức tủi nhục mà tự tử hoặc người thân thích của họ vì thế mà quyên sinh, hoặc trường hợp bị bắt giam kết án oan bị chết dẫn đến phá sản doanh nghiệp bị thiệt hại kinh tế người lao động bị mất việc làm v.v... những trường hợp này dường như chưa được xác định trong danh mục thiệt hại về bồi thường.

Vân Ngọc lược ghi

Các bài viết khác