ĐBQH Nguyễn Duy Hữu – tỉnh Đắk Lắk: Cần cân nhắc kỹ nội dung quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo

07/06/2017

Sáng 7/6, thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Hữu – tỉnh Đắk Lắk đề nghị xem xét, nghiên cứu kỹ hơn về các quy định tài sản đảm bảo trong dự thảo Nghị quyết.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Hữu – tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại phiên thảo luận     Ảnh: Đình Nam

Cho ý kiến cụ thể về quyền thu giữ tài sản đảm bảo được quy định tại Điều 7 dự thảo nghị quyết, đại biểu Quốc hội  Nguyễn Duy Hữu – tỉnh Đắk Lắk đề nghị Quốc hội cần cân nhắc thật kỹ các nội dung trong điều khoản này.

Đại biểu đưa ra phân tích, theo quy định của Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Như vậy, quyền sở hữu là quyền cơ bản của công dân, giao dịch đảm bảo là quan hệ dân sự được xác lập trên cơ sở bình đẳng, thỏa thuận giữa các bên. Theo quy định tại Điều 301 Bộ luật dân sự năm 2015 thì giao tài sản để xử lý thì người đang giữ tài sản có nghĩa vụ giao tài sản đảm bảo cho bên nhận để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 299 bộ luật này. Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận đảm bảo có quyền yêu cầu tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Bộ luật dân sự 2015 chỉ quy định giao tài sản bảo đảm để xử lý mà không quy định thu giữ tài sản bảo đảm để khẳng định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán xử lý nợ xấu không có quyền thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý.

Mặt khác, khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có thể dùng hai phương pháp bảo vệ là tự mình bảo vệ hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ. Trong trường hợp yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì được thực hiện theo quy định Điều 14 của Bộ luật dân sự 2015. Đó là trường hợp quyền dân sự bị vi phạm hoặc tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại tòa án hoặc tại trọng tài.

Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong những trường hợp luật định, quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính được xem xét tại Tòa án. Điều 4 Bộ luật dân sự năm 2015 đã xác định Bộ luật dân sự là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự, các luật khác điều chỉnh trong các lĩnh vực dân sự cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản tại Điều 3 của Bộ luật dân sự. Trường hợp luật khác có liên quan không có quy định hoặc có quy định nhưng trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 được áp dụng.

Việc quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo tại Điều 7 của dự thảo nghị quyết như trên mới chỉ thể hiện được việc bảo vệ quyền, lợi ích của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán xử lý nợ xấu mà không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của cá nhân và đặc biệt là của người thứ ba có liên quan đến tài sản đang đảm bảo, không phù hợp và trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Do đó, quy định này cần được nghiên cứu xem xét đến yếu tố đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Cũng liên quan đến tài sản đảm bảo, đại biểu Nguyễn Duy Hữu nêu cho rằng, quy định tại Điều 8 của dự thảo nghị quyết về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo cần phải được xem xét lại để phù hợp với các luật có liên quan. Đại biểu chỉ ra rằng, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn tại tòa án. Theo đó, việc xử lý tài sản đảm bảo thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 317 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 được tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn đảm bảo nhanh chóng, kịp thời tức là phải đầy đủ 4 điều kiện theo đúng quy định của pháp luật về dân sự. Nhưng dự thảo nghị quyết Khoản 1, Điều 8 chỉ quy định có 2 điều kiện để được áp dụng thủ tục rút gọn là chưa phù hợp với Bộ luật dân sự, trái với quy định tại Điều 317 Bộ luật dân sự năm 2015.

Mặc khác, tài sản đảm bảo thường là tài sản có giá trị khi xảy ra tranh chấp tòa án cần có thời gian để thẩm định giá, xác minh tài sản xem xét tại chỗ vì có những tài sản trong thời gian được đem đảm bảo đã có nhiều sự thay đổi. Ví dụ bố cho con một mảnh đất bên cạnh để làm một nhà, đến khi giao tài sản này hiện trạng khi đem tài sản đi đảm bảo đã khác, đã thay đổi nên không thể áp dụng thủ tục rút gọn do thời hạn của thủ tục rút gọn là rất ngắn. Do vậy, để tránh trùng lặp mâu thuẫn giữa các quy định của pháp luật khi giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo theo thủ tục rút gọn cần dẫn chiếu và áp dụng Điều 317 của Bộ luật tố tụng dân sự là đảm bảo và phù hợp.

Thực tế trong quá trình giải quyết, án liên quan đến các tài sản đảm bảo ở ngân hàng theo thống kê chính thức trong 5 năm liên tục, giải quyết án hòa giải thành trên thông thường từ 40% đến 47%, khi đã hòa giải thành thì thời gian rất ngắn. Chỉ những trường hợp tài sản có liên quan đến người thứ 3 hoặc phát sinh làm thay đổi hiện trạng của tài sản mới phải giải quyết theo trình tự này. Nếu theo trình tự tố tụng dân sự thời gian dài nhất để giải quyết một vụ án đối với ngân hàng là 8 tháng. Nếu theo kinh doanh thương mại thời gian dài nhất từ lúc chuẩn bị hồ sơ cho đến lúc xét xử là 5 tháng. Vì vậy, đại biểu cho rằng việc áp dụng pháp luật dân sự hiện tại để giải quyết những vụ án về vấn đề này vẫn đảm bảo được việc xử lý, đồng thời đảm bảo được an ninh và trật tự.

Hồ Hương

Các bài viết khác