Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Vân - tỉnh Điện Biên: Cần có chế tài đủ mạnh để răn đe các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm

05/06/2017

Sáng 5/6, thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, đại biểu Quốc hội Quàng Thị Vân - tỉnh Điện Biên cho rằng tình trạng mất an toàn thực phẩm trở thành vấn đề rất lớn, gây bức xúc, lo lắng cho toàn xã hội, do vậy cần phải có chế tài đủ mạnh để đảm bảo tính răn đe các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.

Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Vân - Điện Biên phát biểu trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3       Ảnh: Đình Nam

Phát biểu ý kiến cụ thể về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, đại biểu Quàng Thị Vân cho rằng thực trạng phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hiện nay còn chồng chéo, đan xen giữa Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và tương ứng ở các địa phương với 3 cơ quan là Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương phân công. Công tác phối hợp thực hiện giữa các ban, ngành còn nhiều hạn chế, chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đại biểu cho biết, thực tế Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm có khoảng 27 thành viên, đa số đều hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm nên hiệu quả không cao, chưa có sự thống nhất, có sản phẩm phải chịu sự quản lý của 2, 3 bộ, ngành. Bên cạnh đó, các văn bản được ban hành với số lượng lớn, nhưng chưa được hệ thống hóa nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng thực hiện.

Đại biểu nêu rõ, hệ thống các cơ quan kiểm nghiệm an toàn thực phẩm nước ta hiện nay chưa đáp ứng được về điều kiện, cơ sở hạ tầng, thậm chí ở các tỉnh còn chưa có phòng kiểm nghiệm, thử nghiệm; tuyến huyện, tuyến xã còn chưa có những công cụ kỹ thuật phục vụ quản lý. Đại biểu cho biết, thực tế hiện nay, quá trình kiểm nghiệm an toàn thực phẩm còn mất nhiều thời gian, chi phí cao do phải gửi mẫu đến các trung tâm kiểm nghiệm, trong khi đó nguồn kinh phí phục vụ công tác quản lý nhà nước, kinh phí cho việc lấy mẫu còn quá ít, chưa đáp ứng được yêu cầu. Ở tuyến cơ sở hầu như các xã, phường, thị trấn chưa được đầu tư kinh phí cho hoạt động kiểm soát an toàn thực phẩm. Việc quản lý an toàn thực phẩm chủ yếu thông qua việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và cam kết của người sản xuất, kinh doanh. Việc áp dụng khoa học công nghệ trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm còn hạn chế. Do đó, việc đưa ra cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm cho cộng đồng, người dân chưa kịp thời.

Bên cạnh đó, ý thức của người sản xuất về an toàn thực phẩm chưa cao, còn chạy theo lợi nhuận. Trong khi đó công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm chủ yếu là nhắc nhở, xử lý hành chính, chưa cương quyết, thiếu tính răn đe. Do vậy, xuất phát từ những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

Một là đề nghị nghiên cứu xây dựng mô hình cơ quan quản lý chuyên trách về an toàn thực phẩm trực thuộc Chính phủ theo hướng gộp 3 cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của ba Bộ hiện nay để tránh chồng chéo khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hiện nay.

Hai là cần tiếp tục tăng cường cơ chế chính sách ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác, các chủ nông dân có khả năng đảm nhận và tham gia sản xuất kinh doanh với quy mô lớn, sản xuất hàng hóa theo hướng công nghệ cao và đảm bảo an toàn sinh học. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt đề án tái cơ cấu, sản xuất nông nghiệp theo mô hình chuỗi giá trị thực phẩm.

Ba là tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, phòng kiểm nghiệm, thử nghiệm, phương tiện kĩ thuật cho các tuyến nhằm nâng cao năng lực phục vụ quản lý, đồng thời tăng cường đào tạo và bổ sung đội ngũ cán bộ làm công tác theo hướng quản lý an toàn thực phẩm ở tuyến huyện, tuyến xã để đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Bốn là tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao ý thức của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh cũng như người tiêu dùng. Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và có chế tài đủ mạnh để đảm bảo tính răn đe các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.

Thu Phương lược ghi

Các bài viết khác