Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM
Ngày 16/11/2017, Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ đã có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc – Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ ở lĩnh vực pháp chế, thanh tra, trong đó có nhận định về thực trạng của đội ngũ làm nhiệm vụ trên.
Toàn bộ nội dung câu hỏi chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM như sau:
Đề nghị Bộ trưởng có đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ ở các lĩnh vực sau:
- Công tác pháp chế của Bộ, trong đó có nhận định về năng lực đội ngũ làm nhiệm vụ pháp chế tại Bộ?
- Công tác thanh tra của Bộ, trong đó có nhận định về năng lực đội ngũ làm nhiệm vụ thanh tra của Bộ?
- Hiện nay, Bộ đã bố trí đủ lực lượng làm công tác pháp chế và thanh tra của Bộ hay chưa?
Sau khi nghiên cứu nội dung chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ xin được trả lời như sau:
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân
- Đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Nội vụ về công tác pháp chế của Bộ Nội vụ, trong đó có nhận định về năng lực đội ngũ làm nhiệm vụ pháp chế tại Bộ Nội vụ
Căn cứ Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ, các tổ chức pháp chế của Bộ Nội vụ đang thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Công tác xây dựng pháp luật;
- Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật;
- Công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật;
- Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và kiểm tra việc thực hiện;
- Công tác theo dõi, đánh giá việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật;
- Công tác hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật;
- Công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật;
- Hướng dẫn nghiệp vụ công tác pháp chế.
Để chủ động thực hiện công tác pháp chế, hàng năm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đều ban hành Kế hoạch công tác pháp chế, trong đó bao gồm công tác xây dựng pháp luật, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật... Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ và sự phối hợp của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ, nên chất lượng công tác pháp chế ngày càng được nâng cao. Cụ thể:
- Việc phối hợp với các tổ chức, công chức làm công tác pháp chế các đơn vị trực thuộc Bộ được thực hiện thường xuyên. Công tác pháp chế hàng năm đều được lãnh đạo Bộ quan tâm, chỉ đạo, ban hành kế hoạch cụ thể, trong đó có phân công trách nhiệm của Vụ Pháp chế và các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ. Các tổ chức, công chức pháp chế các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ có trách nhiệm tham mưu giúp lãnh đạo đơn vị tổ chức thực hiện kế hoạch công tác pháp chế đã được lãnh đạo Bộ phê duyệt.
- Trong công tác xây dựng pháp luật, việc lập chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật đã đi vào nền nếp. Các tổ chức, công chức làm công tác pháp chế ở các đơn vị trực thuộc đã phối hợp tốt với tổ chức, đơn vị có liên quan lập chương trình xây dụng pháp luật theo lĩnh vực chuyên môn và gửi Vụ Pháp chế tổng hợp.
- Công tác rà soát, pháp điển, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật đã và đang được triển khai thực hiện nghiêm túc và từng bước phát huy hiệu quả. Hàng năm, trên cơ sở kết quả rà soát của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ, các tổ chức, công chức làm công tác pháp chế thực hiện việc rà soát lại trước khi phối hợp với Vụ Pháp chế tham mưu, giúp lãnh đạo Bộ báo cáo kết quả rà soát văn bản.
- Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực nội vụ được giao cho Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các tổ chức, công chức làm công tác pháp chế của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ thực hiện. Hàng năm, Vụ Pháp chế đều phối hợp với tổ chức pháp chế các đơn vị trực thuộc tổ chức kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương ban hành. Việc phân công kiểm tra dựa trên chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị và do Vụ Pháp chế chủ trì, tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ kết quả kiểm tra. Bên cạnh đó, tổ chức pháp chế của Bộ Nội vụ luôn có sự phối hợp tốt với Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật) trong việc kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.
- Công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã đi vào nền nếp. Các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, có tính thời sự hoặc liên quan trực tiếp đến hoạt động công vụ, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ đều được Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với tổ chức pháp chế các đơn vị trực thuộc và các đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến trực tiếp đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Nội vụ. Việc phổ biến pháp luật còn được thực hiện thông qua trang thông tin điện tử của Bộ Nội vụ.
- Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật đang từng bước được triển khai thực hiện. Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện. Theo đó, Vụ Pháp chế được giao chủ trì, phối hợp với tổ chức pháp chế các đơn vị trực thuộc và các đơn vị chuyên môn xây dựng kế hoạch công tác, có kết hợp chặt chẽ với công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
- Công tác tham mưu các vấn đề pháp lý của các tổ chức pháp chế thuộc Bộ Nội vụ đã có nhiều thay đổi tích cực. Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, một số văn bản hành chính, chỉ đạo, điều hành do các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ dự thảo phải có ý kiến tham gia của tổ chức pháp chế. Điều này cho thấy vị trí, vai trò của tổ chức pháp chế đang từng bước được nâng cao.
- Công tác hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ công tác pháp chế đã được Vụ Pháp chế thực hiện tốt, có hiệu quả. Kỹ năng, nghiệp vụ công tác soạn thảo, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính... được Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với tổ chức pháp chế các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, do kinh phí có hạn nên việc hướng dẫn chuyên môn chủ yếu mới thực hiện đối với các cán bộ, công chức tại Bộ Nội vụ. Đối với công chức ngành nội vụ tại địa phương nói chung và công chức làm công tác pháp chế nói riêng, việc hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ chưa được thực hiện thường xuyên, chưa đáp ứng yêu cầu của các đơn vị.
- Các công tác pháp chế khác như: bồi thường nhà nước, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tham gia tố tụng... cũng đã được triển khai tại Vụ Pháp chế. Tuy nhiên, do thực tiễn ít hoặc chưa phát sinh vụ việc có liên quan đến các nội dung nêu trên nên đến nay chưa phát hiện có khó khăn, vướng mắc.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, dự kiến Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2018.
Trong những năm qua, tổ chức pháp chế của Bộ đã trực tiếp chủ trì, tham mưu đề xuất xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Thi đua khen thưởng... các văn bản hướng dẫn thi hành. Tổ chức pháp chế đã tham gia với các cơ quan, đơn vị của Quốc hội, các bộ, ngành trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tham gia nhiều hội đồng thẩm định, tư vấn thẩm định luật, nghị định và trực tiếp thực hiện thẩm định các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Công tác kiểm tra, rà soát, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển quy phạm pháp luật... được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
- Đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Nội vụ về công tác thanh tra của Bộ Nội vụ, trong đó có nhận định về năng lực đội ngũ làm nhiêm vu thanh tra của Bô Nôi vụ, trong đó có nhận định về năng lực đội ngũ làm nhiệm vụ thanh tra của Bộ Nội vụ
Trong những năm qua, Bộ Nội vụ luôn quan tâm, chỉ đạo tập trung, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra về công tác tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng, tôn giáo và văn thư lưu trữ, trong đó đặc biệt là công tác tổ chức cán bộ. Cụ thể hàng năm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã chỉ đạo Thanh tra Bộ phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ và các Vụ chức năng tham mưu, đề xuất xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, tập trung vào các nội dung được Chính phủ, dự luận xã hội và thông tin đại chúng quan tâm như tuyển dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, tôn giáo..v.v. Bên cạnh việc thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, Bộ Nội vụ đã chủ động, kịp thời thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng và kết quả xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân.
Để tăng cường hơn nữa số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra trong công tác tổ chức cán bộ, ngày 20/4/2017 Bộ Nội vụ đã có Tờ trình số 2138/TTr- BNV đề xuất Thủ tướng Chính phủ tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác cán bộ. Ngày 15/5/2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 4951/VPCP- TCCV thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức cán bộ, trước mắt tập trung vào việc thực hiện các quy định về bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý, tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và thanh tra, kiểm tra tối thiểu 30% các đơn vị thuộc, trực thuộc trong năm 2017; tiếp nhận, xác minh các thông tin được phương tiện thông tin đại chúng và công dân phản ánh; xử lý vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền.
Qua thanh tra, kiểm tra, bên cạnh những nội dung đã được thực hiện theo quy định, Bộ Nội vụ đã phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế, sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, khen thưởng và tôn giáo tại các bộ, ngành, địa phương. Qua đó, Bộ Nội vụ đã kiến nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế và sai phạm.
- Về bố trí lực lượng làm công tác pháp chế và thanh tra của Bộ Nội vụ
- Về bố trí đội ngũ công chức làm công tác pháp chế: Do các nhiệm vụ công tác pháp chế có mối liên quan chặt chẽ với nhau, nên công tác pháp chế được phân công cho tất cả các công chức của tổ chức pháp chế. Tổ chức pháp chế của Bộ Nội vụ không thành lập phòng trong Vụ theo từng nhóm chuyên môn nghiệp vụ. Do vậy, tùy theo tình hình yêu cầu nhiệm vụ hàng năm, kế hoạch công tác của Bộ và kế hoạch công tác pháp chế, các tổ chức pháp chế của Bộ Nội vụ có phân công công việc cụ thể cho các công chức làm công tác pháp chế theo năng lực, sở trường của từng công chức và trên cơ sở vị trí việc làm, ngạch công chức.
Số lượng công chức thực hiện công tác pháp chế của Bộ Nội vụ hiện tại là 21 người (Vụ Pháp chế thuộc Bộ Nội vụ 15 người; Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương 03 người; Ban Tôn giáo Chính phủ 03 người). Mặc dù số lượng công chức làm công tác pháp chế chưa đủ theo yêu cầu vị trí việc làm, nhưng về cơ bản, công tác pháp chế tại Bộ Nội vụ đã đáp ứng yêu cầu đề ra.
- Về bố trí đội ngũ công chức làm công tác thanh tra: số lượng công chức thực hiện công tác thanh tra của Bộ Nội vụ hiện tại là 26 người (Thanh tra Bộ 20 người; Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương 03 người và Ban Tôn giáo Chính phủ 03 người). So với khối lượng công việc và đối tượng thanh tra, số lượng công chức làm công tác thanh tra còn mỏng. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ đẩy mạnh phân cấp các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Do vậy, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần được tập trung, tăng cường hơn nữa. Để khắc phục tình trạng nêu trên, hiện tại, Bộ Nội vụ đang tiến hành rà soát, đánh giá tình hình sử dụng và nhu cầu bổ sung biên chế của các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ. Thông qua đó, trong thời gian tới, cùng với việc thực hiện tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ sẽ từng bước bổ sung biên chế để có đủ lực lượng thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra; đảm bảo cho Thanh tra Bộ Nội vụ và các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Toàn bộ văn bản trả lời chất vấn xin xem tại file đính kèm./.