ĐBQH TRẦN VĂN MÃO – NGHỆ AN: CẦN QUY ĐỊNH RÕ TRÁCH NHIỆM THẨM ĐỊNH CỦA BỘ QUỐC PHÒNG ĐỐI VỚI CHIẾN LƯỢC QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH, DỰ ÁN

25/05/2018

Chiều 22/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi). Phát biểu tại Hội trường, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Mão - Nghệ An cho rằng, Ban soạn thảo cần nghiên cứu để quy định rõ trách nhiệm thẩm định của Bộ Quốc phòng đối với chiến lược quy hoạch, kế hoạch, dự án.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Mão - Nghệ An phát biểu tại Hội trường

Cơ bản thống nhất với nội dung của Luật Quốc phòng (sửa đổi), đồng thời theo gợi ý của Chủ tọa phiên họp, đại biểu tham gia góp ý vào dự thảo một số điều của Luật Quốc phòng (sửa đổi) như sau:

Thứ nhất, về kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội tại Điều 16. Đây là nội dung được bổ sung khá nhiều, việc bổ sung, sửa đổi như dự thảo luật cũng phù hợp với thực tiễn của công cuộc hội nhập và xây dựng đất nước. Đại biểu Trần Văn Mão cơ bản thống nhất với quy định kết hợp xã hội với kinh tế, xã hội với quốc phòng có sự gắn kết điều hành các hoạt động của Nhà nước để góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian qua nội dung này đã bộc lộ nhiều vấn đề cần quan tâm, đó là việc pháp luật đất đai không cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài đã thuê đất để thực hiện kinh doanh, nhưng dư luận vẫn cho rằng tình trạng người nước ngoài mua hoặc thuê đất sinh sống ven biển tại địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước, thậm chí có những vị trí nhạy cảm về quốc phòng, an ninh đã gây một số hệ lụy nguy hiểm, nhân dân lo ngại. Vậy, đối với các dự án này, quy trình, quy hoạch, kế hoạch thực hiện xét về mặt thẩm định an ninh, quốc phòng đã đúng quy định hay chưa? Vấn đề kết hợp quốc phòng phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc như thế nào? Theo đại biểu, đây là những vấn đề đang còn băn khoăn cần phải tiếp tục bổ sung, sửa đổi cho cụ thể, chặt chẽ để bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Từ thực tiễn này, đại biểu thống nhất với việc bổ sung các quy định tại Điều 16 dự thảo luật. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu để quy định rõ trách nhiệm thẩm định của Bộ Quốc phòng đối với chiến lược quy hoạch, kế hoạch, dự án ở mức độ nào. Đồng thời dự thảo luật cần phải quy định rạch ròi những nội dung, phạm vi hoạt động phục vụ mục đích quốc phòng và nội dung, phạm vi làm kinh tế đơn thuần. Trong hoạt động làm kinh tế đơn thuần thì quân đội cũng phải chấp hành pháp luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Hoạt động kinh tế của quân đội được ưu tiên đúng nội dung gắn với lợi thế của quân đội, gắn với quốc phòng và an ninh.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường chiều 22/5

Thứ hai, dự thảo luật có nhiều nội dung liên quan Hiến pháp và nhiều văn bản khác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh được quy định tại Chương III, do đó đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại để bảo đảm chặt chẽ, thống nhất. Việc luật hóa, thể chế hóa quy định của Hiến pháp, chủ trương, đường lối của Đảng phải bám sát, thể hiện đầy đủ, tránh quy định chung chung, thiếu cụ thể. Nội dung cần sửa đổi, bổ sung phải được đánh giá kỹ lưỡng tác động, có phương án sửa đổi, bổ sung bảo đảm toàn diện trong dự án luật.

Thứ ba, về tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm, những quy định tại chương này liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân được quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013. Cụ thể, quyền con người, quyền công dân chỉ bị hạn chế theo quy định pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe cộng động, đạo đức xã hội. Do vậy, khi soạn thảo quy định liên quan nội dung trong chương này cần bảo đảm phù hợp các quy định của Hiến pháp.

Vân Ngọc

Các bài viết khác