ĐBQH CAO THỊ GIANG – QUẢNG BÌNH: NÂNG CHUẨN CỦA GIÁO VIÊN TIỂU HỌC LÊN TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC

14/06/2018

Chiều 11/6, thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, đại biểu Quốc hội Cao Thị Giang - Quảng Bình đồng tình với quy định nâng chuẩn của giáo viên tiểu học lên trình độ đại học như điều 77 dự thảo luật.

Đại biểu Quốc hội Cao Thị Giang - Quảng Bình phát biểu tại phiên họp

Đại biểu Cao Thị Giang cơ bản đồng tình với việc sửa đổi Luật Giáo dục nhằm thể chế hóa Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Để luật được hoàn thiện, đại biểu tham gia góp ý một số nội dung như sau:

Thứ nhất, tại Điều 53 Hội đồng trường, Đại Hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị thì tại khoản 2 Điều 53 quy định đại Hội đồng cổ đông được thành lập ở trường tư thục có từ 2 cổ đông trở lên, trừ các cơ sở hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, theo đại biểu là chưa hợp lý vì với tính chất là đơn vị đại diện của tất cả các cổ đông, đại Hội đồng cổ đông được xem là bộ phận có quyền lực nhất trong trường đại học tư thục với thẩm quyền quyết định các vấn đề quan trọng nhất của trường, trong đó không chỉ có việc quyết định phân chia lợi nhuận mà còn đưa ra các quyết sách quan trọng khác liên quan đến sự phát triển của nhà trường. Theo đó, để đảm bảo tính hợp lý, đại biểu đề nghị sửa đổi quy định cơ cấu tổ chức của tổ chức đại học tư thục như nhau, không phân biệt mục đích lợi nhuận hay không.

Thứ hai, tại điểm b và c khoản 1 Điều 58 về nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường có quy định "nhà trường có quyền hạn xác nhận hoặc cấp văn bằng, tổ chức tuyển dụng giáo viên". Đề nghị cần quy định rõ hơn trường nào, cấp nào mới được cấp văn bằng, chứng chỉ, trường nào được tuyển dụng. Hiện nay các trường như mầm non, tiểu học, trung học cơ sở hay trung học phổ thông không được xác nhận hoặc cấp văn bằng, không được tuyển dụng trực tiếp giáo viên, nhân viên.

Thứ ba, tại Điều 77 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo, đại biểu đồng tình với dự thảo luật nâng chuẩn của giáo viên tiểu học lên trình độ đại học. Nhưng để luật có tính khả thi trong thực tiễn đề nghị cần quy định rõ thời hạn áp dụng bắt đầu từ năm nào để các giáo viên chưa đạt chuẩn có thời gian hoàn thiện bằng cấp đáp ứng yêu cầu. Cũng theo dự thảo luật quy định có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở. đại biểu đề nghị sửa đổi theo hướng chỉ nên quy định có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở, vì những học sinh từ đầu đã không chọn ngành sư phạm nghĩa là không thích công việc này, họ sẽ không yêu nghề, để tránh tình trạng hiện nay một bộ phận giáo viên có thái độ, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của học sinh. Hơn nữa, hiện nay các trường đại học sư phạm đào tạo đáp ứng đủ, thậm chí còn thừa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì nội dung thảo luận

Thứ tư, về chính sách đối với người được cử đi học theo chế độ cử tuyển, tại Điều 90. Chính sách cử tuyển là một chủ trương, chính sách của Đảng nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, chính sách này đã bộc lộ những bất cập và hạn chế. Cụ thể như sau: Một là chất lượng đào tạo thấp, nhiều người phải bỏ học giữa chừng vì không theo kịp chương trình. Thứ hai, đào tạo không theo nhu cầu của địa phương, dẫn đến tốt nghiệp không bố trí được việc làm, chỉ tiêu cử tuyển hàng năm chỉ tập trung vào một số ngành nghề như y tế và giáo dục, còn các ngành khác tuy được giao chỉ tiêu nhưng số lượng còn hạn chế.

Thực tế hiện nay đang tồn tại một nghịch lý là phần lớn sinh viên cử tuyền sau khi tốt nghiệp ra trường không có việc làm, trong khi vùng miền núi, dân tộc lại đang thiếu cán bộ có trình độ. Do đó, đề nghị xác định lại mục tiêu của chính sách và điều chỉnh chính sách cử tuyển một cách toàn diện, không chỉ ở nội dung phân công hay ưu tiên tuyển dụng, bảo đảm việc cử tuyển đúng mục đích, hiệu quả.

Thứ năm, Điều 90 quy định về trách nhiệm của gia đình trong việc cùng gia đình và nhà trường nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Tuy nhiên, trên thực tế một bộ phận phụ huynh thiếu quan tâm, còn buông lỏng trong công tác quản lý, giáo dục con em mình ở nhà, thậm chí còn phó mặc cho nhà trường và giáo viên. Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn trách nhiệm của gia đình trong việc đôn đốc, nhắc nhở con em mình trong vấn đề học tập ở nhà. Vì ngoài thời gian học trên lớp thì phần lớn thời gian các em tự học ở nhà. Hơn nữa, giáo dục là một hoạt động mang tính xã hội cao, muốn thực hiện mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ cần phải coi trọng cả giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

Cuối cùng, đối với chính sách lương cho nhà giáo, nhà quản lý giáo dục. Nếu theo như dự thảo luật thì còn quy định chung chung, chưa thể hiện rõ sự đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo, chưa bám sát Nghị quyết 29 của Đảng và xác định lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp, tùy theo tiêu chuẩn, công việc, theo vùng. Quan điểm này cũng đã được đặt ra từ Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung này cho rõ hơn vào dự thảo luật.

Vân Ngọc

Các bài viết khác