ĐBQH HỨA THỊ HÀ – TUYÊN QUANG: ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ NGHIÊN CỨU MIỄN GIẢM HỌC PHÍ VỚI TRẺ EM MẦM NON 5 TUỔI VÀ HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ

14/06/2018

Chiều 11/6, thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, đại biểu Quốc hội Hứa Thị Hà - Tuyên Quang đề nghị Chính phủ nghiên cứu đề xuất chính sách miễn giảm học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi và học sinh trung học cơ sở để tất cả con em chúng ta đều có cơ hội học tập bình đẳng.

Đại biểu Quốc hội Hứa Thị Hà - Tuyên Quang cho ý kiến về về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục

Trong dự thảo sửa đổi, tại khoản 3 Điều 89 có quy định về việc học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học và sau khi tốt nghiệp nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định thì sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm. Về vấn đề này, theo như trong Tờ trình của Chính phủ lý giải thì số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành sư phạm còn nhiều. Có tình trạng đi làm trái ngành, trái nghề gây lãng phí lớn nguồn nhân lực. Vì vậy, dự thảo không quy định việc miễn học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm mà thay bằng chính sách vay tín dụng.

Theo đại biểu, có một số lượng lớn học sinh, sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng không có cơ hội được tuyển dụng vào ngành giáo dục chứ không phải họ không có nguyện vọng. Vì vậy, đại biểu nghĩ điều quan trọng ở đây là cần tổ chức công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành giáo dục. Làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, còn việc thay đổi chính sách như vậy chưa giải quyết được gốc của vấn đề. Ngoài ra, việc thay đổi chính sách này có thể đẩy cao áp lực trong tuyển dụng vào ngành giáo dục và có thể làm nảy sinh tiêu cực vì việc tuyển sinh còn quyết định đến vấn đề phải hoàn trả khoản vay tín dụng sư phạm hay không. Hơn nữa, việc thay đổi này có thể làm giảm sức hấp dẫn, khó thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục trong thời gian tới.

Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình các ý kiến Đại biểu Quốc hội

Thứ hai, cũng liên quan đến vấn đề giáo viên, trong Điều 77 quy định trình độ chuẩn của nhà giáo, cụ thể tại điểm b khoản 1 quy định: Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc bằng tốt nghiệp đại học và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở. Như vậy, người có bằng tốt nghiệp đại học không thuộc ngành sư phạm sau khoảng 2 tháng là có thể có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để đủ tiêu chuẩn giảng dạy ở cấp trung học cơ sở. Đại biểu cho rằng đây có thể là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng quy hoạch nhân lực ngành giáo dục. Hơn nữa, theo quan điểm giáo dục mới trong dự thảo luật khoản 1 Điều 26 quy định: Giáo dục phổ thông được chia thành giai đoạn giáo dục căn bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp tiểu học và trung học cơ sở. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp trung học phổ thông. Như vậy, cấp trung học cơ sở là giai đoạn giáo dục cơ bản, người thầy ngoài dạy kiến thức chuyên môn cần có tác phong và nghiệp vụ sư phạm được đào tạo bài bản. Do đó, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ "hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm". Như vậy, điểm b là: "Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở".

Về tiêu chuẩn đối với giáo viên cấp trung học phổ thông quy định tại điểm c khoản 1 Điều 77 trong Luật Giáo dục hiện hành là có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc bằng tốt nghiệp đại học, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học phổ thông. Theo đại biểu, cấp trung học phổ thông là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Hơn nữa, số lượng giáo viên ở cấp học này ít hơn rất nhiều so với số lượng giáo viên cấp tiểu học và trung học cơ sở. Nên có thể ưu tiên để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục. Tuy nhiên, để hạn chế sự ảnh hưởng đến quy hoạch nhân lực ngành giáo dục và thể hiện rõ quan điểm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, do đó đại biểu đề nghị thay đổi như sau: Thay đổi cụm từ "có bằng tốt nghiệp đại học và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm" thành có "bằng thạc sỹ và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm". Như vậy, điểm c khoản 1 Điều 77 sẽ thành: Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc có bằng thạc sỹ và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học phổ thông.

Thứ ba, trong khoản 1 Điều 29 dự thảo, về vấn đề chương trình giáo dục phổ thông sách giáo khoa có quy định: Chương trình giáo dục phổ thông phải được tổ chức thực hiện trước khi ban hành. Nhưng trong dự thảo luật chưa quy định rõ việc tổ chức thực nghiệm được thực hiện như thế nào. Hơn nữa, ngoài việc tổ chức thực nghiệm trước khi ban hành thì trước khi kết thúc một chu kỳ thực hiện chương trình sau mỗi năm cần phân tích đánh giá và điều chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, để bao quát vấn đề, đề nghị Ban soạn thảo xem xét xây dựng thêm điều luật riêng về tổ chức thí điểm thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục để tổ chức được bài bản, hiệu quả tránh gây hoang mang xáo trộn trong xã hội.

Thứ tư là việc miễn học phí góp phần nâng cao chỉ số giáo dục đó là số năm đi học kỳ vọng và số năm đi học trung bình. Hai chỉ số này của Việt Nam còn hạn chế làm hạn chế chất lượng nguồn nhân lực, điều kiện tiên quyết để Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập thành công, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Việc học sinh trung học cơ sở công lập không phải nộp học phí góp phần quan trọng nâng cao số học sinh hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở đúng độ tuổi, nâng cao số năm đi học kỳ vòng và số năm đi học trung bình, góp phần nâng cao chỉ số phát triển con người Việt Nam. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu đề xuất chính sách miễn giảm học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi và học sinh trung học cơ sở để tất cả con em chúng ta đều có cơ hội học tập bình đẳng.

Vân Ngọc

Các bài viết khác