ĐBQH NGUYỄN TẠO CHẤT VẤN THỦ TƯỚNG VỀ GIẢI PHÁP GIÚP THÚC ĐẨY ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

27/03/2020

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khoá XIV, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã chất vấn Thủ tướng về những giải pháp của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp bền vững.

Cụ thể, ĐBQH Nguyễn Tạo cho biết, theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017, Chính phủ đã chỉ đạo: "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ lực là các ngân hàng thương mại nhà nước, dành ít nhất 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suât phù hợp (thấp hơn lãi suất thị trường); chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT để triển khai chương trình tín dụng này”. Tuy nhiên, tới 15/9/2017, tổng dư nợ cho vay này chỉ đạt gần 32.339 tỷ đồng, việc tiếp cận nguồn vốn vẫn hết sức khó khăn. Kính đề nghị Thủ tướng cho biết các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp bền vững.

Từ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT và các bộ ngành có liên quan xem xét quy định hướng dẫn địa phương trong việc cấp chứng nhận quyền sở hữu là nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới... trên đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm cơ sở để các hộ dân, doanh nghiệp thế chấp vay vốn phát triển sản xuất; nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Kính đề nghị Thủ tướng cho biết nội dung chỉ đạo này đã được thực hiện đến đâu; Chính phủ có những giải pháp gì để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên.

Đến năm 2016, các tỉnh Tây Nguyên còn hơn 9.500 hộ dân di cư tự do (trong tổng 23.566 hộ) đang sinh sống phân tán, chưa có dự án để sắp xếp ổn định. Riêng Lâm Đồng, dự kiến số hộ cần bố trí sắp xếp là gần 3.000 hộ. Ở một số khu vực khác có hơn 100 hộ di cư tự do, 500-600 nhân khẩu sinh sống, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, chưa dược công nhận để định canh, định cư; chưa dược hưởng bất kỳ chính sách, chế độ y tế, giáo dục, an sinh xã hội;... Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết giải pháp để giải quyết tình trạng này, giúp bà con dân tộc thiểu số di cư tự do ổn định cuộc sống, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số.

ĐBQH Nguyễn Tạo chất vấn Thủ tướng Chính phủ về vay vốn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ổn định dân di cư tự do

Trả lời chất vấn ĐBQH Nguyễn Tạo, Thủ tướng Chính phủ cho biết, sau khi ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7/3/2017, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong ngân hàng để các ngân hàng có căn cứ triển khai Chương trình cho vay khuyến khích phát triển. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại tăng cường hoạt động tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng nông nghiệp công nghệ cao", tổ chức Hội nghị giải đáp vướng mắc về nội dung tiêu chí công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp, nông nghiệp sạch cho các ngân hàng thương mại.

Dự kiến trong Quý II, 2018, Thủ tướng sẽ ký Quyết định thay thế QĐ số 69/2010/QĐ-TTg ngày 03/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó sẽ cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết và tăng cường phân cấp cho địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đàu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhanh chóng tiếp cận vay vốn của Chương trình.

Bên cạnh Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên tập trung nguồn vốn cho vay lĩnh vực này, đồng thời quy định lãi suất cho vay ngắn, trung và dài hạn thấp hơn 0,5% - 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thương mại cùng kỳ hạn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn ĐBQH

Để tháo gỡ khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản trên đất, tại Nghị quyết 30/NQ- CP ngày 07/03/2017, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyê và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tư pháp nghiên cứu, sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đăng ký giao dịch bảo đảm vốn vay ngân hàng. Ngày 29/9/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT quy định chi tiết Nghị định 01/2017/NĐ-CP, hướng dẫn việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp trên đất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Để các quy định này được thực thi hiệu quả trong thực tiễn, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản. Chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn Ngân hàng thương mại trong việc khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển ngân hàng, nông thôn theo hướng mở rộng đối tượng quy định về việc tổ chức tín dụng được nhận tài sản hình thành từ vốn vay cảu dự án, sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của khách hàng.

Về vấn đề di cư cự do, Thủ tướng cho biết, để đảm bảo ổn định và hạn chế tình trạng dân di cư tự do tại các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các ban bộ ngành, cơ quan liên quan tổ chức họp bàn về thực trạng và giải pháp nhằm ổn định tình trạng dân di cư tự do tại các vùng nói trên. (Công văn số 880/VPCP-NN ngày 03/02/2017 của Văn phòng Chính phủ).

Về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1776/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 – 2015 và định hướng đến năm 2020. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành, địa phương có liên quan để những biện pháp, hoạt động góp phần ổn định đời sống dân cư; Bộ Tài chính đề xuất phương án bổ sung vốn cho các dự án di dân thiên tai cấp bách và di dân tự do năm 2016, 2017./.

Trọng Quỳnh