ĐBQH ĐỖ THỊ LAN CHẤT VẤN BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ GIẢI PHÁP BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG

30/03/2020

Gửi văn bản chất vấn Bộ Công thương, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Công thương nêu rõ những giải pháp cụ thể trong thời gian tới để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, và làm tốt trách nhiệm quản lý nhà nước của mình.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Đặt câu hỏi chất vấn cho Bộ Công thương, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết, Bộ trưởng Bộ Công thương đã thực hiện trách nhiệm về quản lý nhà nước về quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng quy hoạch, kế hoạch… trong thời gian qua như thế nào?

Đại biểu đề nghị, Bộ trưởng nêu rõ giải pháp cụ thể trong thời gian tới để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, làm tốt trách nhiệm quản lý nhà nước.

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh về những giải pháp cụ thể trong thời gian tới để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, và làm tốt trách nhiệm quản lý nhà nước của mình, Bộ Công thương cho biết: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 17 tháng 11 năm 2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2011. Trong thời gian vừa qua (2011-2016), Bộ Công thương đã tổ chức triển khai thực hiện ở kết quả thực hiện một số nhóm nội dung chính. Cụ thể:

Bộ Công thương đã chủ trì phối hợp trong việc xây dựng và ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn để làm cơ sở triển khai thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bao gồm 4 Nghị định, 4 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 1 Thông tư của Bộ Công thương, 1 thông tư liên tịch giữa Bộ Công thương và Bộ Nội vụ, 1 chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công thương.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp tổ chức gần 150 hoạt động, khuyến khích các tổ chức cá nhân có liên quan thực hiện hàng chục ngàn hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật và chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng và toàn xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đã tiếp nhận và giải quyết trên 4000 yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng; hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương tiếp nhận và  giải quyết hàng chục ngàn yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng; tiếp nhận và rà soát gần 2400 bộ hồ sơ hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, góp phần đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực thi các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tập trung vào triển khai thực hiện theo các nhóm nội dung chính như sau:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật. Cụ thể, Bộ Công thương sẽ tổ chức đánh giá, rà soát Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn thi hành để xây dựng hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật có liên quan cho phù hợp với tình hình thực tiễn, trong đó chú trọng tới các quy định làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ hoạt động của các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ hai, hoàn thiện về tổ chức hệ thống cơ quan quản lý nhà nước. Bộ Công thương mở rộng và hoàn thiện bộ máy về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Bộ Công thương để nâng cao hiệu quả hoạt động về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới.

Thứ ba, nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi. Bộ Công thương sẽ thực hiện các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức cá nhân có liên quan khác.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến. Bộ Công thương sẽ thường xuyên, chủ động và chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các hoạt động giám sát thị trường, thanh tra, kiểm tra và nhanh chóng, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Kết hợp xử lý vi phạm và tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao hiệu quả, ảnh hưởng của hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Thứ năm, hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động cho các tổ chức xã hội.

Thứ sáu, tập trung triển khai có hiệu quả Quyết định số 1997/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2016-2020./.

Thu Phương

Các bài viết khác