ĐBQH NGUYỄN VĂN LỢI: CHẤT VẤN NHNN VỀ VIỆC NGÂN HÀNG TỪ CHỐI TRÍCH TÀI KHOẢN CỦA DOANH NGHIỆP ĐỂ NỘP THUẾ

30/03/2020

Ngày 11/12/2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã trả lời chất của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Lợi, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước về việc nông dân khó khăn khi dùng quyền sử dụng đất thế chấp ngân hàng vay vốn và việc ngân hàng từ chối trích tài khoản của doanh nghiệp để nộp thuế.

Theo đó, Đại biểu Nguyễn Văn Lợi có văn bản số 1443/TTKQH-GS ngày 20/11/2017, chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng về việc nông dân khó khăn khi dùng quyền sử dụng đất thế chấp ngân hàng vay vốn; và việc ngân hàng từ chối trích tài khoản của doanh nghiệp để nộp thuế.

Trước ý kiến chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Lợi, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước,Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết:

1. Về việc nông dân khó khăn khi dùng quyền sử dụng đất thể chấp ngân hàng vay vốn.

1.1. Các quy định của pháp luật về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất:

- Khoản 3, Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau: a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;...”.

- Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định: Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

Đồng thời, tại Khoản 1, Điều 64 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 01/2017/NĐ-CP) quy định: Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình phải được người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự ký tên.

Như vậy, quy định về điều kiện thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, việc công chứng, chứng thực hợp đồng thế chấp đã được quy định tại Luật Đất đai 2013, Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Đây là các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội và Chính phủ do Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối soạn thảo.

1.2. Về phía NHNN:

Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ban hanhf hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó quy định khách hàng được vay vốn từ 50 triệu đồng đến 3 tỷ đồng không cần thế chấp tài sản đảm bảo và chỉ phải nộp cho tổ chức tín dụng cho vay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp do Ủy ban nhân dân xã xác nhận.

Đồng thời, cá nhân, hộ gia đình khi thế chấp tài sản để vay vốn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP không phải nộp các lệ phí: Lệ phí chứng thực hợp đồng thể chấp tài sản tại cơ quan thực hiện chứng thực hợp đồng; Lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm.

Bên cạnh đó, tại Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai 2003 số 25/BC-NHNN ngày 24/3/2011 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (khi tổng kết và xây dựng Luật đất đai 2013), Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị bỏ quy định bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng thế chấp quyền sử dụng vì việc quy định bắt buộc thực hiện cả thủ tục công chứng, chứng thực và đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất là không phù hợp với chủ trương cải cách hành chính của nhà nước, gây phiền hà, làm tăng chi phí tiền bạc, thời gian cho tổ chức, cá nhân liên quan,... Tuy nhiên, Luật Đất đai 2013 được Quốc hội thông qua đã quy định hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất phải công chứng, chứng thực. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có ý kiến về nội dung này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013.

2. Về việc ngân hàng từ chối trích tài khoản của doanh nghiệp để nộp thuế

2.1. Về quyền và nghĩa vụ của ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản

Theo quy định hiện hành (Thông tư 23/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước), ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản thanh toán có trách nhiệm thực hiện lệnh chuyển tiền của chủ tài khoản để thực hiện các lệnh thanh toán hợp pháp, hợp lệ (bao gồm cả lệnh chuyển tiền để nộp thuế), trừ các trường hợp sau: (i) Khi khách hàng không thực hiện đầy đủ các yêu cầu về thủ tục thanh toán hoặc (ii) Lệnh thanh toán không hợp lệ, không khớp đúng với các yếu tố đã đăng ký trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán hoặc (iii) Không phù hợp với các thỏa thuận giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; hoặc (iv) Tài khoản thanh toán không có đủ số dư hoặc vượt hạn mức thấu chi để thực hiện lệnh thanh toán; hoặc (v) Khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc có bằng chứng về việc giao dịch thanh toán nhằm rửa tiền, tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền; hoặc (vi) Tài khoản thanh toán đang bị tạm khóa, bị phong tỏa toàn bộ hoặc tài khoản thanh toán đang bị đóng, tài khoản thanh toán bị tạm khóa hoặc phong tỏa một phần mà phần không bị tạm khóa, phong tỏa không có đủ số dư (trừ trường hợp được thấu chi) hoặc (vii) Vượt hạn mức thấu chi để thực hiện các lệnh thanh toán.

Ngoài ra, ngân hàng có quyền chủ động trích số tiền trên tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng trong các trường hợp sau: (i) Để thu các khoản nợ đến hạn, quá hạn, tiền lãi và các chi phí phát sinh trong quá trình quản lý tài khoản và cung ứng các dịch vụ thanh toán theo thỏa thuận trước bằng văn bản với khách hàng phù hợp quy định của pháp luật; (ii) Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc cưỡng chế thi hành quyết định về xử phạt vi phạm hành chính, quyết định thi hành án, quyết định thu thuế hoặc thực hiện các nghĩa vụ thanh toán khác theo quy định của pháp luật; (iii) Để điều chỉnh các khoản mục bị hạch toán sai, hạch toán không đúng bản chất hoặc không phù hợp với nội dung sử dụng của tài khoản thanh toán theo quy định của pháp luật và thông báo cho chủ tài khoản biết; (iv) Khi phát hiện đã ghi Có nhầm vào tài khoản của khách hàng hoặc theo yêu cầu hủy lệnh chuyển Có của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền phát hiện thấy có sai sót so với lệnh thanh toán của người chuyển tiền; (v) Để chi trả các khoản thanh toán thường xuyên, định kỳ theo thỏa thuận giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

2.2. Về quyền ưu tiên thu nợ của ngân hàng từ số tiền trên tài khoản thanh toán

Theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng thì số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuê, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm. Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14, Ngân hàng được quyền ưu tiên thu nợ đối với số tiền trên tài khoản thanh toán của khách hàng nếu số tiền này là tiền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại ngân hàng.

2.3. Về nghĩa vụ của ngân hàng thực hiện lệnh cưỡng chế thuế (phong tỏa, khấu trừ tài khoản):

Theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Thông tư số 215/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế thì trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại TCTD là một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. Theo đó, khi nhận được quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, TCTD có trách nhiệm trích số tiền ghi trong quyết định cưỡng chế từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế và chuyển sang tài khoản ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước, thông báo bằng văn bản cho người ra quyết định cưỡng chế và đối tượng bị cưỡng chế biết. Trong thời hạn quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế có hiệu lực, nếu trong tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế còn số dư mà TCTD không thực hiện việc trích tiền của đối tượng bị cưỡng chế để nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế thì TCTD bị xử phạt vi phạm hành chính.

Như vậy, trừ trường hợp lệnh thanh toán của doanh nghiệp không hợp pháp, hợp lệ như đã nêu tại điểm 1 và tài khoản tiền gửi của doanh nghiệp đang là tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu của TCTD theo quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 như đã nêu tại điểm 2 thì ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản có trách nhiệm thực hiện lệnh chuyển tiền theo yêu cầu của chủ tài khoản và có trách nhiệm trích từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thuế để chuyển sang tài khoản ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước số tiền theo quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế của cơ quan thuế. Nếu TCTD thực hiện không đúng các quy định hiện hành sẽ tùy hành vi vi phạm mà có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Luật Quản lý thuế và pháp luật có liên quan.

Nghĩa Đức

Các bài viết khác