ĐBQH NGUYỄN ANH TRÍ CHẤT VẤN BỘ Y TẾ VỀ TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH VÀ SỰ CỐ Y KHOA

31/03/2020

Đặt câu hỏi chất vấn cho Bộ Y tế, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đề nghị Bộ Y tế giải trình rõ trách nhiệm của mình trước tình hình dịch sốt xuất huyết, chân tay miệng lan rộng, diễn biến phức tạp, còn xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng, vi phạm trong quản lý dược, mất an toàn thực phẩm, ngộ độc đông người.

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho biết, trong báo cáo của Chính phủ, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại Quốc hội, sáng ngày 23/10/2017, có đoạn: ”Dịch sốt xuất huyết, chân tay miệng lan rộng, diễn biến phức tạp. Còn xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng, vi phạm trong quản lý dược, mất an toàn thực phẩm, ngộ độc đông người” (Trang 7). Đại biểu đề nghị Bộ Y tế giải trình về trách của mình như thế nào trong những hạn chế trên.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội về trách nhiệm của Bộ Y tế trước tình hình dịch sốt xuất huyết, chân tay miệng lan rộng, diễn biến phức tạp, còn xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng, vi phạm trong quản lý dược, mất an toàn thực phẩm, ngộ độc đông người, Bộ Y tế cho biết: Trong năm 2017 bệnh sốt xuất huyết Dengue vẫn là vấn đề y tế công cộng nan giải trên toàn cầu và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là một trong những bệnh do véc tơ truyền quan trọng nhất.

Việt Nam là quốc gia nhiệt đới, nóng ẩm, mưa nhiều, rất thuận lợi cho tác nhân bệnh truyền nhiễm bao gồm cả bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng lưu hành rộng và bùng phát như các quốc gia khác trong khu vực.

Trong năm 2017, tình hình sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương do một số nguyên nhân sau: sau nhiều năm không có dịch nên hệ thống miễn dịch trong cộng đồng bị suy giảm; thời tiết năm nay mùa hè đến sớm, năm 2017 là năm nhuận với 2 tháng 6, khu vực miền Bắc có mùa nóng kéo dài, nhiệt độ trung bình cao, mưa nắng thất thường, thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhất là dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, Lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, tham mưu, chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết tại Hà Nội và trên cả nước chính xác, hiệu quả.

Ngay khi dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Công điện chỉ đạo Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.

Về công tác truyền thông, Bộ Y tế đã thường xuyên chủ động cung cấp thông tin sớm cho các cơ quan thông tấn, báo chí để định hướng thông tin trong phòng chống dịch bệnh; hàng tuần tổ chức các buổi gặp mặt báo chí, cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh tới người dân.

Về triển khai các biện pháp giảm mắc, Bộ Y tế cũng đã tăng cường giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu và cộng đồng; phát hiện sớm ổ dịch, xử lý ổ dịch ngay lập tức, đẩy mạnh các hoạt động giám sát, xử lý ổ dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng tại từng xã, phường; nâng cao năng lực các phòng xét nghiệm.

Liên quan đến vấn đề tai biến y khoa, Bộ Y tế lý giải, bệnh viện là một môi trường nguy cơ cao, nơi các sai sót có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào từ khâu chuẩn đóa cho đến điều trị. Có thể khẳng định rằng ở bất cứ công đoạn nào của mọi quy trình khám bệnh, chữa bệnh đều chứa đựng các nguy cơ tiềm tàng cho người bệnh. Hơn thế nữa, bệnh viện là nơi các thầy thuốc thường xuyên bị áp lực công việc do tình trạng quá tải và áp lực về tâm lý, vì vậy, sự cố y khoa không mong muốn là điều khó tránh.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã thực hiện xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật dựa trên các cấu phần của Chương trình bảo đảm an toàn người bệnh.

Trong thời gian tới, để tiếp tục tăng cường công tác an toàn người bệnh, Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật như: Thông tư hướng dẫn quản lý xử lý sự cố y khoa trong các cơ sở khám, chữa bệnh; bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bảo đảm an toàn phẫu thuật; bổ sung, sửa đổi một số quy chế chuyên môn trong quy chế bệnh viện.

Đối với các cơ sở y tế công lập, hàng năm, Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh/thành phố tổ chức nhiều Đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các bệnh viện trực thuộc về việc triển khai công tác khám, chữa bệnh.

Đối với các cơ sở y tế tư nhân, từ đầu năm đến nay, Bộ Y tế tổ chức nhiều đoàn thanh tra tại địa phương, đơn vị về công tác quản lý nhà nước về hành nghề y tư nhân, xã hội hóa y tế.

Về vấn đề ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã giám sát và phát hiện tình trạng ô nhiễm thực phẩm trên các loại thực phẩm. Hoạt động giám sát đã phát hiện khá nhiều các vi phạm gây ô nhiễm thực phẩm nhưng nhìn chung quy mô hành hưởng thường khu trú.

Về giải pháp quản lý an toàn thực phẩm trong thời gian tới, Bộ Y tế cho biết Bộ sẽ đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông, đặc biệt là truyền thông thay đổi hành vi. Bên cạnh việc phê phán những tồn tại, yếu kém cần dành thời lượng thích hợp để biểu dương các điển hình tiên tiến.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt tăng cường xử phạt vi phạm ở tuyến cơ sở, công khai tên, địa chỉ, sản phẩm, cơ sở vi phạm để tăng tính răn đe. Công bố trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định để người dân biết để lựa chọn thực phẩm an toàn; tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng./.

Thu Phương

Các bài viết khác