ĐBQH TRIỆU THỊ THU PHƯƠNG: KHÔNG ĐƯỢC CHỦ QUAN TRONG PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19

16/04/2020

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn chưa có ca nhiễm Covid-19 nào được ghi nhận nhưng không vì thế mà tỉnh chủ quan, lơ là vì nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát.

Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có thư gửi các đại biểu Quốc hội Việt Nam đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm của mình để sát cánh cùng nhân dân, chính quyền, tổ chức Đảng đoàn thể các cấp trong cuộc chiến đấu phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn chưa có ca nhiễm nào được ghi nhận nhưng không vì thế mà tỉnh chủ quan, lơ là vì nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát. Để hiểu hơn về thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và công tác phòng chống dịch bệnh tại tỉnh Bắc Kạn, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn Đại biểu Triệu Thị Thu Phương - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn.


Đại biểu Triệu Thị Thu Phương - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn.

Phóng viên: Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có thư gửi các đại biểu Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm của mình để sát cánh cùng nhân dân, chính quyền, tổ chức Đảng đoàn thể các cấp trong cuộc chiến đấu phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Xin đại biểu cho biết quan điểm về trọng trách, nhiệm vụ này như thế nào?

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương - Đoàn Đại biểu tỉnh Bắc Kạn: Thực hiện thư của Chủ tịch Quốc hội gửi các đại biểu Quốc hội, bản thân tôi nhận thấy đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Với trách nhiệm của mình, tôi và các đại biểu Quốc hội trong Đoàn cũng đã và đang thực hiện nghiêm túc các nội dung trong Thư của Chủ tịch Quốc hội và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; cùng với các cấp, ngành trong tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến cử tri và nhân dân trên địa bàn thực hiện tốt việc cách ly xã hội nhằm ngăn ngừa dịch lây lan; đồng thời thông tin các biện pháp phòng, chống dịch của cơ quan chức năng để vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định của Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Là thủ trưởng một cơ quan thuộc UBND tỉnh, tôi đã thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở cán bộ, công chức và người lao động chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch; tăng cường làm việc online và trao đổi qua mạng để không làm ảnh hưởng đến công việc chung của đơn vị; chủ động hoãn tổ chức các hoạt động phải tập trung đông người...

Phóng viên: Đại biểu có thể cho biết tình hình chủ động phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn triển khai tới người dân thực hiện đến nay như thế nào? 

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương - Đoàn Đại biểu tỉnh Bắc Kạn: Ngay từ khi dịch bệnh mới xuất hiện, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đã chủ động đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến toàn bộ hoạt động chung của tỉnh, đồng thời thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch theo chức năng, nhiệm vụ của Đoàn. Đó là thay đổi hình thức góp ý các dự án luật từ góp ý trực tiếp sang góp ý bằng văn bản; tạm dừng các cuộc khảo sát, giám sát, hội nghị tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực; thực hiện hoãn, hủy các cuộc họp trực tiếp, chuyển sang góp ý bằng văn bản và họp trực tuyến...

Phóng viên: Trong thư của Chủ tịch Quốc hội gửi có yêu cầu các đại biểu Quốc hội phát huy vai trò là người đại biểu của nhân dân, kịp thời động viên cử tri và nhân dân tích cực hưởng ứng, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời phản ánh tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của cử tri để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp trong quá trình chống dịch Covid-19. Xin đại biểu cho biết những tâm tư, nguyện vọng và khó khăn cần được chia sẻ của người dân và doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn như thế nào?

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương - Đoàn Đại biểu tỉnh Bắc Kạn: Việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhất là việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là rất cần thiết để đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, việc thực hiện giãn cách xã hội đã có tác động trực tiếp đến đời sống, kinh tế, xã hội của người dân trên địa bàn tỉnh, ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, y tế, giáo dục, giao thông... Điều này cũng dẫn đến những thay đổi lớn trong thói quen và hành vi tiêu dùng hàng ngày. Một số những khó khăn chủ yếu của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay gồm: Khó khăn trong nguyên liệu sản xuất; các hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô; dịch vụ kinh doanh, vận chuyển công cộng  xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng và xe du lịch; các hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, lữ hành…

Nhiều cơ sở y tế đã tăng ca làm việc để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, sàng lọc, tổ chức cách ly, giám sát và điều trị bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, nếu dịch kéo dài, sẽ gây ra áp lực lớn, khó khăn trong việc bảo đảm tính liên tục các hoạt động của hệ thống y tế dự phòng, thiếu nhân lực điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, việc tổ chức cách ly và xử lý môi trường với số lượng lớn, thời gian ngắn.

Khó khăn hiện nay ở các cơ sở y tế còn thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, đồ bảo hộ thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch, công tác khám bệnh, chữa bệnh. Nếu xảy ra tình trạng số người mắc nhiều sẽ ảnh hướng lớn đến công tác khám bệnh, chữa bệnh và có nguy cơ lây nhiễm đối với đội ngũ cán bộ y tế.

Phóng viên: Ngoài lời kêu gọi của Chủ tịch Quốc hội và những giải pháp mà Chính phủ đã đưa ra, đại biểu có thể cho biết những hiến kế của mình để chung tay cùng cả nước trong việc phòng, chống dịch dịch bệnh Covid-19 hiệu quả hơn?

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương - Đoàn Đại biểu tỉnh Bắc Kạn: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn chưa có ca nhiễm nào được ghi nhận nhưng không vì đó mà tỉnh chủ quan, lơ là vì nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát. Do vậy theo tôi, cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Thứ nhất: Tiếp tục thực hiện tốt việc cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai: Rà soát triệt để các trường hợp đi về từ các vùng có dịch để có biện pháp cách ly, xử lý kịp thời.

Thứ ba: Đẩy mạnh việc xét nghiệm sàng lọc, nhất là các trường hợp đã tiếp xúc, nghi tiếp xúc với các bệnh nhân dương tính.

Thứ tư: Đầu tư trang thiết bị y tế, hóa chất, sinh phẩm, phòng hộ cá nhân, nâng cao khả năng xét nghiệm.

Thứ năm: Triển khai tốt việc cách ly xã hội, hạn chế tối đa việc đi lại. Nếu người dân khi cần thiết phải ra ngoài thì thực hiện tốt các biện pháp khuyến khích của ngành y tế như: đeo khẩu trang, giãn cách tối thiểu 2m, rửa tay bằng sà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn…

Thứ sáu: Các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch với nhiều biện pháp; tạo các kênh tuyên truyền bằng các nhóm nhỏ tới các thôn, bản, tổ dân phố với phương châm “rà từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để đưa các quy định đến được với các hộ dân; thông tin rộng rãi các số điện  thoại, địa chỉ để các cơ quan chức năng tiếp nhận kịp thời các thông tin người dân, cử tri phản ánh khi có người vi phạm để kịp thời tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý.

Qua đây, tôi mong rằng cử tri cả nước nói chung và cử tri tỉnh Bắc Kạn nói riêng sẽ luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, mong muốn mỗi người dân hãy nêu cao tinh thần chủ động, tự giác thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch mà Chính phủ đề ra để góp phần cùng cả nước chiến thắng đại dịch này và mang lại cuộc sống yên vui cho mỗi chúng ta.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan