ĐBQH NGUYỄN THỊ XUÂN CHẤT VẤN THỦ TƯỚNG VỀ TỔ CHỨC HỘI NGHỊ “GIẢI CỨU” VÙNG TÂY NGUYÊN

25/04/2020

Chất vấn Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đề nghị Thủ tướng, Chính phủ sớm tổ chức hội nghị “giải cứu” cho vùng Tây Nguyên như đối với các vùng khác trong cả nước.

 

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Xuân, để đất nước có thể phát triển nhanh, bền vững, Thủ tướng và Chính phủ luôn kêu gọi sự kết nối, liên kết vùng. Thời gian qua Chính phủ đã tổ chức 04 hội nghị về liên kết vùng tại vùng Bắc Bộ, Miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng Sông Cửu Long để tập trung bàn về cơ chế chính sách thúc đẩy liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng này.

Đối với vùng Tây Nguyên hiện nay, tiềm năng thì rất lớn nhưng sự kết nối với các vùng khác còn rất khó khăn, không có đường sắt, đường biển, không có đường cao tốc. Đường bộ kết nối với các vùng khác thì bị xuống cấp, vận chuyển hàng hóa hết sức khó khăn, không thu hút được đầu tư dẫn đến kinh tế - xã hội khó phát triển. Vì vậy, đề nghị Thủ tướng cho biết bao giờ Thủ tướng và Chính phủ tổ chức hội nghị “giải cứu” cho vùng Tây Nguyên như đối với các vùng khác trong cả nước. Chính quyền và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên luôn mong mỏi, kỳ vọng việc tổ chức hội nghị này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk

Trả lời chất vấn ĐBQH Nguyễn Thị Xuân, Thủ tướng Chính phủ cho biết, triển khai kết luận số 12-KL/TW ngày 24 tháng 10 năm 2011 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/01/2002 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020; đồng thời nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với an ninh, quốc phòng, phát huy tiềm năng và nguồn lực của các địa phương của Vùng, trong giai đoạn 20162020, Thủ tướng Chính phủ đã giao tổng kế hoạch vốn đầu tư công đối với các địa phương vùng Tây Nguyên là 56.360 tỷ đồng, gấp 1,44 lần so với giai đoạn 2011-2015. Tỷ lệ này cao hơn bình quân cả nước và cao hơn 03 vùng Miền núi phía Bắc, vùng Miền Trung và Vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương chiếm tới 44% cơ cấu đầu tư của Vùng nhà, vậy cho thấy vùng Tây Nguyên đã được tập trung nguồn lực đầu tư cao so với các vùng trong cả nước và so với giai đoạn 2011-2015. Nguồn vốn đầu tư này đã hỗ trợ các địa phương trong vùng Tây nguyên phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung hỗ trợ đầu tư tại những địa bàn khó khăn, vùng dân tộc và thiểu số, hỗ trợ thực hiện công tác định canh định cư và các lĩnh vực nổi cộm của Vùng như: phát triển nông nghiệp nông thôn, tưới tiêu, giao thông kết nối thôn bản, các lĩnh vực về văn hóa xã hội trên địa bàn.

Về kết nối và liên kết Vùng Tây Nguyên, hiện nay 3/5 địa phương vùng Tây Nguyên đã có sân bay kết nối đến các trung tâm phát triển các vùng trong cả nước, các địa phương còn lại cũng có khoảng cách đến các sân bay chỉ từ 5080 km. Về kết nối giao thông, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương liên quan triển khai đồng loạt việc đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên từ năm 2014 và đến nay đã hoàn thành nối liền 5 tỉnh Tây Nguyên với Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung và Vùng kinh tế trọng điểm miền Nam. Bên cạnh đó, Vùng Tây Nguyên cũng đã được đầu tư các tuyến giao thông trục ngang kết nối với các trung tâm phát triển phía Đông như Quốc lộ 20 nối Đồng Nai với Lâm Đồng (kết nối giữa vùng Đông Nam bộ với Lâm Đồng và các địa phương khác trong vùng Tây Nguyên; Quốc lộ 28 qua thủy điện Đồng Nai 3,4 thuộc địa bàn 02 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông, đã hoàn thành từ năm 2015; Quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi với Kon Tum cơ bản hoàn thành một số đoạn quan trọng; Quốc lộ 19 nối Cảng Quy Nhơn (Bình Định) với cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai); Quốc lộ 25 nối Phú Yên với Gia Lai cũng đã được đầu tư một số đoạn; Quốc lộ 26 nối Khánh Hòa với Đắk Lắk đã được triển khai một số đoạn theo hình thức hợp đồng BOT.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn các ĐBQH

Ngoài ra, thông qua nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương và vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới, một số công trình giao thông kết nối vùng đã được triển khai thực hiện như 360 cầu dân sinh sử dụng nguồn vốn Ngân hàng Thế giới; Cầu, đường hai đầu cầu Đắk Bla mới và vuốt nối với các đường hiện hữu thuộc dự án tuyến tránh Tp. Kon Tum; Nâng cao độ và mở rộng tuyến tránh thuỷ điện Plei Krông trên đường Hồ Chí Minh đoạn Tân Cảnh - Kon Tum; Đường Hồ Chí Minh tuyến tránh thị trấn Chư Sê, tỉnh Gia Lai; Đường Hồ Chí Minh tuyến tránh thị trấn Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk, Đường Hồ Chí Minh tuyến tránh Tp. Pleiku; Đường Hồ Chí Minh tuyến tránh thị xã Buôn Hồ...

Triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng quy hoạch quốc gia và quy hoạch các vùng trong cả nước thời kỳ 2021-2030, và đang xem xét Báo cáo nghiên cứu phân vùng phục vụ quy hoạch thời kỳ 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để từ đó xây dựng các giải pháp, chính sách và tạo sự liên kết về quy hoạch giữa các vùng nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của từng vùng và từng địa phương trong vùng.

Trong giai đoạn 2021-2025, để tiếp tục quan tâm đầu tư cho vùng Tây nguyên, nhất là cơ sở hạ tầng kết nối trong giai đoạn tiếp theo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho các địa phương trong vùng tập trung xử lý những vấn đề khó khăn trong phát triển của Vùng, trong đó ưu tiên cho đầu tư cơ sở hạ tầng về giao thông cho vùng.

Về tổ chức một Hội nghị về liên kết Vùng tại Tây Nguyên như ý kiến của Đại biểu, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định vào thời gian thích hợp./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác