ĐBQH ĐẶNG NGỌC NGHĨA CHẤT VẤN VỀ SỰ CỐ HỆ THỐNG CẤP NƯỚC SÔNG ĐÀ

29/04/2020

Trước sự cố nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải vào những ngày đầu tháng 10/2019 ảnh hưởng đến chất lượng nước sinh hoạt của nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố Hà Nội, đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Nghĩa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên –Huế đã có phiếu chất vấn gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị làm rõ vấn đề này cũng như giải pháp bảo đảm an toàn sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.

Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Nghĩa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên –Huế 

Sau khi nhận được chất vấn của đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Nghĩa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên –Huế về sự cố hệ thống cấp nước sông Đà tại Phiếu chất vấn số 188/GS-PCCV, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trước thực trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt từ sự cố đổ dầu thải xuống suối Trầm, suối Cun, suối Bằng, kênh dẫn nước vào hồ Đầm Bài, rồi lan đến hồ Đầm Bài, là hồ chứa nước cung cấp cho Nhà máy nước sạch sông Đà, bên cạnh việc chỉ đạo triển khai hàng loạt hoạt động khắc phục, các cơ quan nhà nước đã tích cực vào cuộc, thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí và người dân về vụ việc; công bố chất lượng nước sinh hoạt do Công ty cung cấp cho người dân khu vực Tây Nam Hà Nội biết; yêu cầu Công ty ngừng ngay việc cấp nước không an toàn cho người dân, khẩn trương khắc phục hậu quả; tổ chức khởi tố vụ án theo quy định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện việc kiểm tra, xác minh, thực hiện các biện pháp nhằm nhanh chóng khắc phục sự cố, bảo đảm việc cấp nước an toàn cho người dân... Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương rà soát, kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước để bảo đảm đủ nguồn nước sạch, an toàn phục vụ nhân dân.

Liên quan đến vấn đề an toàn sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, vấn đề an toàn sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch cho mục đích sinh hoạt, việc quản lý chất lượng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt được Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng đối với cấp nước đô thị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với cấp nước nông thôn và Bộ Y tế thống nhất quản lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn và kiểm tra, giám sát chất lượng nước cấp cho ăn uống và sinh hoạt của người dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao trách nhiệm quản lý nguồn nước sông, suối.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Để quản lý bảo vệ các nguồn nước cho các mục đích sử dụng khác nhau theo chức năng nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy định cụ thể nhằm hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, đồng thời triển khai thực hiện các quy định nhằm bảo vệ các nguồn nước. Việc bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt được quy định tại Điều 32 Luật Tài nguyên nước, theo đó các tổ chức, cá nhân khai thác nước để cấp nước cho sinh hoạt phải thường xuyên quan trắc, theo dõi chất lượng nguồn nước sinh hoạt, đảm bảo chất lượng nguồn nước do mình khai thác và có phương án khai thác nguồn nước khác để thay thế trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt đang khai thác.

Để bảo vệ nguồn nước nói chung, nguồn nước sinh hoạt nói riêng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, ban hành nhiều văn bản như: Nghị định số 43/2015/NĐCP quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước; Thông tư số 24/2016/TTBTNMT ngày 09/9/2016 quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt nhằm quy định cụ thể phạm vi bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho từng vùng, miền khác nhau; Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT ngày 07/11/2017 quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhằm giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân, theo đó, chất lượng nguồn nước là một trong những yêu cầu bắt buộc phải giám sát trong quá trình khai thác.

Đồng thời, Bộ quản lý việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân thông qua công cụ Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, theo đó, các giấy phép cấp cho các công trình khai thác, sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt có quy định rõ việc quan trắc, giám sát chất lượng nguồn nước trước khi vào hệ thống công trình để đảm bảo chất lượng nguồn nước đầu vào cấp cho công trình cấp nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 của Bộ Y tế về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, theo đó quy định rõ việc kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch cho mục đích cấp nước sinh hoạt,

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, để phòng, tránh các sự cố tương tự đã xảy ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục rà. soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, trong đó bổ sung và cụ thể hóa quy định về ứng phó sự cố tràn dầu trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng và các tỉnh, thành phố có liên quan kiểm tra hoạt động của các Nhà máy nước sạch trong cả nước để đảm bảo nguồn nước sạch, an toàn phục vụ nhân dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 94034/VPCP-CN ngày 15/10/2019 của Văn phòng Chính phủ; phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi, giám sát việc khắc phục, xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường do vụ việc gây ra.

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các địa phương rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về quản lý tài nguyên nước, hoạt động cung cấp và tiêu thụ nước sạch, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tổ chức có liên quan trong việc đảm bảo an toàn, an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt./.

Bảo Yến

Các bài viết khác