ĐBQH HUỲNH CAO NHẤT CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ ĐẦU RA CHO NGÀNH SẢN XUẤT NHANG

29/04/2020

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Đại biểu Huỳnh Cao Nhất, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương tăng cường tiếp xúc thương mại, đàm phán song phương với Chính phủ Ấn Độ nói riêng và các nước trong khu vực nói chung nhằm tạo đầu ra cho ngành sản xuất nhang.

 

Theo ĐBQH Huỳnh Cao Nhất, thông qua các cuộc tiếp xúc, cử tri phản ánh tình trạng xuất khẩu hương nhang sang Ấn Độ bị đình trệ do Chính phủ Ấn Độ điều chỉnh chính sách nhập khẩu đối với mặt hàng hương nhang và các chế phẩm khác vào thị trường này. Cử tri đề nghị Chính phủ tăng cường tiếp xúc thương mại, đàm phán song phương với Chính phủ Ấn Độ nói riêng và các nước trong khu vực nói chung nhằm tạo đầu ra cho ngành sản xuất nhang.

 Đại biểu Huỳnh Cao Nhất, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định

Trả lời chất vấn ĐBQH Huỳnh Cao Nhất, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay việc sản xuất và xuất khẩu hương nhang sang Ấn Độ cũng như người lao động sản xuất hương nhang tại các địa phương gặp bị tác động bởi chính sách hạn chế nhập khẩu hương nhang của Ấn Độ.

Cụ thể, hương nhang xuất khẩu của Việt Nam có đặc thù riêng về độ dài, loại phối hương, tăm hương, bột hương, mùi hương. Các loại hương này chỉ có thể xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ mà không có thị trường thay thế; Lao động sản xuất hương nhang tại các địa phương chủ yếu là người già, người tàn tật, phụ nữ... Hơn 100 doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa, 2,5 vạn lao động có nguy cơ mất việc; Lượng tồn kho của các doanh nghiệp khoảng 300 container hương nhang mặc dù đã ký hợp đồng với đối tác Ấn Độ trước 31/8/2019 (thời điểm biện pháp hạn chế nhập khẩu có hiệu lực).

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng hiểu, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp và đã quan tâm, vào cuộc để để tìm cách tháo gỡ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn các ĐBQH

Các biện pháp đã được triển khai như: Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã gửi công thư cho Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ đề nghị chấp nhận thông quan cho các hợp đồng hương nhang ký trước 31/8/2019; phản đối và đề nghị Ân Độ dỡ bỏ biện pháp hạn chế nhập khẩu. Lãnh đạo Bộ Công Thương đã gặp Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, gặp song phương với Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ để đề nghị: (i) Cho 14 công hàng đã đến cảng tại Ấn Độ được thông quan, cho phép thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày 31/8/2019 (300 công); (ii) Yêu cầu gỡ bỏ biện pháp hạn chế nhập khẩu hương nhang của Ấn Độ. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ đã tiếp xúc và làm việc với nhiều cấp của các cơ quan chức năng liên quan của Ấn Độ để tìm cách tháo gỡ khó khăn.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã làm việc, trao đổi với Thủ tướng Ấn Độ bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Bangkok (Thái Lan) về vấn đề này.

Hiện nay, Bộ Công Thương vẫn đang phối hợp, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hương nhang tìm cách thúc đẩy tác động từ cả phía các nhà nhập khẩu của Ấn Độ đối với Chính phủ Ấn Độ nhằm hạn chế ảnh hưởng của biện pháp chính sách của Ấn Độ.

Với sự đấu tranh tích cực và kiên trì, đã có một số kết quả nhất định như: Phía Ấn Độ đã chấp nhận cho 14 công hàng bị kẹt tại cảng Ấn Độ được thông quan. Ngày 25/10/2015, Bộ Công Thương Ấn Độ đã khẳng định các hoạt động liên quan đến xuất/nhập khẩu hương nhang được thực hiện trước ngày 31/8/2019 sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc điều chỉnh chính sách nhập khẩu của Ấn Độ. Bộ Công Thương đã gửi Phía Ấn Độ công thư kèm theo danh sách các công ty và hợp đồng hương nhang đã ký trước ngày 31/8/2019 để đề nghị phía Ấn Độ khẩn trương cho phép việc xuất/nhập khẩu theo các hợp đồng này.

Mặc dù đã đạt được những kết quả ban đầu, tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, các kết quả chưa được như kỳ vọng, hàng tồn kho vẫn chưa xuất được.

Tới đây, Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện các biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân: (i) Theo dõi sát sao để tiếp tục thúc đẩy Ấn Độ nhanh chóng cho phép nhập khẩu các công hàng tồn kho theo hợp đồng đã ký trước 31/8/2019; (ii) Phối hợp với các địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp đa dạng hóa chủng loại sản phẩm để tránh phụ thuộc vào một thị trường; (iii) Hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức lại để có sự thống nhất, tránh cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến phá giá, tạo cớ cho các nước áp dụng rào cản thương mại đối với hàng hòa của Việt Nam./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác