ĐBQH TÔN NGỌC HẠNH CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VỀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CÂY CAO SU

29/04/2020

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường về chiến lược phát triển đối với cây điều, cây cao su, cây tiêu, trong thời gian tới.

 

Nỗi lo được mùa, mất giá

Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp Bình Phước liên tục gặt hái được nhiều kết quả khả quan với những bước chuyển mình tích cực, trên các mặt trận, góp phần quan trong đổi mới kinh tế địa phương, nâng cao đời sống người dân… Tuy nhiên, nỗi lo mất mùa, mất giá vẫn luôn canh cánh đối với lãnh đạo và nông dân Bình Phước.

Trái điều chín đến kỳ thu hoạch

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 của Cục Thống kê tỉnh, toàn tỉnh Bình Phước hiện có 137.368 ha cây điều, sản lượng niên vụ năm 2019 đạt 140.688 tấn, tăng 11,89% so cùng kỳ năm 2018. Hiện nay, người trồng điều trên địa bàn tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch điều năm 2020.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh và ghi nhận thực tế của Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bình Phước tại một số vườn điều trên địa bàn huyện Phú Riềng vào ngày 10/2/2020, đến thời điểm hiện tại, cây điều ít bị ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh năm nay cũng hạn chế, nên năng suất dự báo sẽ cao hơn năm trước. Hiện tại, giá hạt điều tươi (mới thu hái tại vườn) được các đại lý, thương lái thu mua với giá dao động trên dưới 28.000 đồng/kg (tùy địa phương). Với giá thu mua đầu mùa như hiện nay, theo nông dân trồng điều là thấp hơn 10.000 - 12.000 đồng/kg so với đầu mùa năm 2019.

Vụ điều mới năm 2020, Bình Phước dự kiến đạt sản lượng 200 ngàn tấn, năng suất bình quân 1,5 tấn/ha. Đây là mùa vụ đạt năng suất tốt nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, nhiều nhà nông đang lo lắng trước giá thu mua thấp bởi ảnh hưởng từ thị trường tiêu thụ do dịch Covid-19. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành điều Bình Phước đạt 61,7 triệu USD với sản lượng đạt 9.500 tấn, giảm 23,1% so với năm 2019. Dịch  Covid-19 đã ảnh hưởng đến thị trường các mặt hàng nông sản chủ lực tại Bình Phước. Riêng đối với ngành điều, hơn 1 tháng qua rất nhiều cơ sở chế biến xuất khẩu hạt điều đã giảm mạnh đơn đặt hàng.

Nông dân chăm sóc vườn điều

Theo tính toán của các nhà chuyên môn, vụ điều mới năm 2020 đạt bình quân 1,5 tấn/ha chỉ cho thu nhập trên 40 triệu đồng/năm. Nhiều nhà nông cho rằng, mỗi ha đất nông nghiệp tạo ra nguồn thu như vậy là khó khăn trong thời buổi hiện nay.

Cây điều là cây công nghiệp chủ lực của vùng đất đỏ Bình Phước, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, Bình Phước có hơn 173.300 ha điều; trong đó, diện tích điều cho thu hoạch niên vụ năm 2020 là hơn 135.000 ha. Tỉnh có hơn 1.400 cơ sở chế biến hạt điều; trong đó có 170 cơ sở chế biến sâu. Năm 2019, Bình Phước đạt kim ngạch xuất khẩu hạt điều nhân hơn 770 triệu USD với sản lượng đạt 98.000 tấn hạt điều nhân.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Chia sẻ với Bình Phước về mặt hàng cây điều, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Bình Phước là địa phương có diện tích cây điều lớn nhất trong toàn quốc. Theo thống kê, Bình Phước có 180.000 trên tổng số 320.000ha. 72.000 hộ nông dân đang làm cây điều và cây điều này năm nay là năm thứ 3. Năm 2015 là chúng ta bị trật hạng. Năm 2016 mưa nhiều bị mất mùa vào khi đậu hoa.

Cây điều hiện nay, năng suất của Việt Nam so với thế giới gần gấp đôi nhưng hiệu quả lại không cao. Bởi vì, đối với cây điều năng suất chỉ vào khoảng 1,5 tấn đã là cao. Trong khi đó, 1,5 tấn điều giá chỉ có 48.000 đồng/kg mặc dù là cao nhưng so với cây trồng khác lại không hiệu quả. Đây là khó khăn chung đối với cây điều nên rất được chia sẻ.

Nói về trách nhiệm, Bộ trưởng cho biết, lãnh đạo tỉnh Bình Phước cũng rất quan tâm. Riêng năm 2017, Bộ NN&PTNT vào làm việc với tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước trực tiếp đã quyết định một quyết sách dùng 42 tỷ để hỗ trợ nông dân cho phân bón, cho chăm sóc, cho vật tư nhưng trước tình hình này đúng là chúng ta phải tái cơ cấu lại.

“Bộ Nông nghiệp đã bàn với các tỉnh có một đề án tổng thể. Tôi nói phân tích riêng về cây điều một chút bởi vì lý do nó đang là một trong những cây mà ngành điều chúng ta, nếu như không bàn kỹ chỗ này thì nguy cơ ảnh hưởng đến ngành chiếm 3,4 cho đến 4 tỷ đô la xuất khẩu hằng năm…” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Theo Bộ trưởng, hiện đang có bốn nút thắt:

Một là, nguyên liệu chúng ta phải nhập tới 70%. Đó là một bất cập. Một cây duy nhất mà Việt Nam lại phải nhập khẩu nguyên liệu. Chúng ta phải trả lời được bài toán;

Thứ hai, năng suất cây điều mặc dù so với thế giới gấp đôi, nhưng so với cây trồng khác và so với yêu cầu người nông dân chúng ta còn phải trách nhiệm nâng lên nữa, chứ nếu không cây điều sẽ không còn chỗ đứng ở Bình Phước và ở các tỉnh Đông Nam Bộ cũng như một số tỉnh ở Tây Nguyên;

Thứ ba, riêng ngành điều Việt Nam có tự hào là khâu chế biến đi đầu trên thế giới về số lượng. Chúng ta hiện nay có 486 nhà máy chế biến, dẫn đầu thế giới về số lượng nhưng ra chuỗi giá trị rất sâu thì chúng ta chỉ có 20% nhà máy. Chỗ này chúng ta phải tập trung lại để cho giá trị dài hơn chứ không phải chỉ ra được hạt điều rang khô để đóng gói xuất khẩu trên thế giới như hiện nay.

Thứ tư, tận dụng các phế liệu khác từ quả cây điều, cây điều có một đặc điểm là khối lượng sinh khối của quả điều lại lớn hơn rất nhiều so với lượng hạt. Vỏ hạt điều khi bóc ra cũng tận dụng rất nhiều sản phẩm. Đây là 4 điểm mà trong giải pháp đề án về hạt điều Bộ Nông nghiệp đã ban hành đề án này, đang tập trung cùng hiệp hội ngành điều, đang tập trung cùng các tỉnh thời gian tới chúng ta sẽ làm.

“Tôi tin tưởng với sự tập trung, quyết tâm chung và sự đồng hành của các cơ quan nhà nước, cụ thể của Bộ Nông nghiệp, Bộ Khoa học, Bộ Công Thương cùng với các địa phương, đặc biệt là các tỉnh Đông Nam Bộ và số tỉnh Tây Nguyên cùng với hơn 400 doanh nghiệp cùng với hiệp hội, cùng với bà con nông dân thì chúng ta sẽ từng bước một khắc phục được những tồn tại trong ngành điều nói riêng và những cây công nghiệp khác như chúng tôi vừa nói thì chúng tôi cũng đã nhìn ra được từng cây, từng đối tượng ngành hàng nhưng điểm yếu gì để trong chương trình tái cơ cấu chúng ta từng bước khắc phục” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Chiến lược phát triển đối với cây điều, cây cao su, cây tiêu

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước

Phóng viên: Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp thứ 6 QH khóa 14, đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Xin đại biểu cho biết cụ thể nội dung đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Cử tri Bình Phước rất phấn khởi vì nhóm nông sản chủ lực của tỉnh như cao su, hạt tiêu, hạt điều trong top nhóm xuất khẩu đạt 1 tỷ USD. Tuy nhiên, tỉnh có diện tích lớn cả nước nhưng nhiều cử tri vẫn rất lo lắng, băn khoăn trước tình trạng giá cả xuất khẩu thấp, có nhiều biến động và liên tục rớt giá nhiều năm qua. Hiện nay đang chịu tác động, ảnh hưởng của yếu tố thời tiết và sâu bệnh tràn lan, dẫn đến người dân chặt phát cục bộ và có thể chuyển đổi cây trồng tràn lan, ảnh hưởng lớn đến quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu trong tương lai. Đề nghị Bộ trưởng cho biết khuyến cáo của ngành đối với cử tri Bình Phước và cả nước trong định hướng chiến lược phát triển đối với cây cao su, cây tiêu, cây điều trong thời gian tới.

Phóng viên: Xuất phát từ thực trạng nào, đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chiến lược phát triển đối với cây cao su, cây tiêu và cây điều?

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Tôi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển về định hướng chiến lược phát triển đối với cây cao su, cây tiêu, cây điều trong thời gian tới vì xuất phát từ những lý do sau:

Thứ nhất, xuất phát từ khiến nghị của nhiều cử tri tại địa phương. Cử tri đặt vấn đề: Bình Phước được coi là thủ phủ của cao su; cao su được ví như vàng trắng. Tuy nhiên, nhiều năm nay liên tiếp bị xuống giá thấp. Vì vậy, cử tri mong muốn làm sao có thị trường bán sản phẩm ổn định; có nhà máy chế biến chuyên sâu.

Thứ hai, xuất phát từ thực tế Bình Phước là tỉnh nông nghiệp. Do đó, mong muốn Bộ trưởng có cái nhìn tổng thể chung cho cả nước. Trong đó, có quan tâm đến tỉnh Bình Phước  và hỗ trợ cho Bình Phước vượt qua khó khăn làm tốt nguyện vọng cử tri đặt ra cho đại biểu và Trưởng ngành.

Phóng viên: Sau khi đại biểu chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trả lời trực tiếp tại hội trường. Đại biểu có đồng tình với nội dung Bộ trưởng trả lời?

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Tôi cơ bản đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng. Tuy nhiên, do thời gian trên hội trường có hạn, Bộ trưởng không thể trình bày được nhiều hay đề xuất nhiều phương án mà chỉ nêu lên những vấn đề mấu chốt cần giải quyết và định hướng cơ bản thời gian tới. Ngoài ra, những vấn đề tôi chất vấn cũng cần phải có thời gian mới giải quyết được. Đây là vấn đề mang tính dài hơi bằng những giải pháp cụ thể.

Thực tế, thời gian qua Bộ trưởng rất quan tâm đến Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung trong lĩnh vực nông nghiệp. Bộ trưởng đã  đến thăm Bình Phước và làm việc cụ thể với các ngành của Bình Phước để có hướng chỉ đạo cụ thể cho định hướng phát triển vùng nguyên liệu của tỉnh Bình Phước. Vì vậy, tôi chờ đợi và kỳ vọng vào những giải pháp của Bộ trưởng sẽ sớm đem lại hiệu quả trên thực tế.

Phóng viên:  Qua tiếp xúc cử tri, cũng như thực tiễn giám sát tại địa phương, đại biểu có đề xuất giải pháp nào để phát triển cây công nghiệp ở Việt Nam theo hướng bền vững, gia tăng giá trị?

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Theo quan điểm cá nhân, tôi đề nghị phải định hướng phát triển vùng nguyên liệu đối với Bình Phước với 3 cây chủ lực (cây cao su, cây tiêu, cây điều). Với những thách thức lớn như vậy cần xác định vùng nguyên liệu quốc gia và có sự quan tâm đặc biệt. Mong muốn của bản thân tôi và cử tri là nâng cao chất lượng sản phẩm, xuất khẩu không dừng lại là xuất khẩu thô mà phải có chế biến để nâng cao giá trị xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng cần có khuyến cáo và định hướng kịp thời cho người nông dân, tránh tâm lý chạy theo xu thế thị trường giá lên thì trồng giá xuống lại chặt, không tạo được giá trị bền vững.

 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Bình Phước có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn và màu mỡ, khí hậu ôn hòa, là tỉnh có thế mạnh rất lớn về nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, chiến lược phát triển đối với cây cao su, cây tiêu và cây điều sẽ có tác động rất lớn đến sự phát triển chung của địa phương./.

Lê Anh

Các bài viết khác