ĐBQH TRẦN THỊ QUỐC KHÁNH CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ SEN VÀ DỆT VẢI TỪ TƠ SEN

11/05/2020

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội) đề nghị Bộ Công Thương quan tâm hỗ trợ thúc đẩy phát triển làng nghề sen và dệt vải từ tơ sen. Bên cạnh đó cần thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến thương mại các sản phẩm từ tơ sen Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, trong các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội những năm gần đây đều nêu rõ vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề và thiếu nguyên liệu cho ngành dệt may và phải nhập từ nước ngoài. Từ năm 2017 đến nay, ngành dệt may có thêm một sản phẩm mới là dệt vải từ tơ sen, trên cơ sở học tập kinh nghiệm từ Myanmar góp phần phát huy sức sáng tạo trong nhân dân, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc và bước đầu tháo gỡ khó khăn cho ngành dệt may.

Tuy nhiên, vạn sự khởi đầu nan. ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng có quan tâm hỗ trợ thúc đẩy phát triển làng nghề sen và dệt vải từ tơ sen hay không? Bộ trưởng cần phải làm gì để thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến thương mại các sản phẩm từ tơ sen Việt Nam tới Myanmar và các nước trong khu vực và trên thế giới?

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội)

Trả lời chất vấn ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, về việc phát triển làng nghề sen và dệt vải từ tơ sen: Bộ Công Thương ủng hộ chủ trương đổi mới sáng tạo và phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ nhằm tạo ra sản phẩm mới có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, tham gia cung ứng hiệu quả vào các chuỗi sản xuất.

Hiện nay, Bộ Công Thương được Chính phủ giao quản lý Chương trình khuyến công quốc gia (KCQG), trong khuôn khổ Chương trình này có thể hỗ trợ trực tiếp một phần kinh phí cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tại các làng nghệ thông qua các hoạt động hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, đào tạo nghề, truyền nghề theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp để tạo việc làm và nâng cao tay nghề cho người lao động.

Bộ Công Thương đang chỉ đạo hệ thống tổ chức khuyến công cả nước tăng cường khảo sát, xây dựng các đề án nhóm, đề án điểm theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu phù hợp với tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, hướng đến sự phát triển bền vững của công nghiệp nông thôn.

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, cơ sở CNNT trong lĩnh vực dệt vải từ tơ sen có thể quan tâm, tìm hiểu về Chương trình KCQG thông qua các kênh truyền thông của Đài THVN, website của Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương trực thuộc Bộ, đặc biệt có thể liên hệ với các Trung tâm khuyến công thuộc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố để được tư vấn điều kiện, tiêu chuẩn tham gia Chương trình, xây dựng dự án, đề án đúng quy định hiện hành của chính sách khuyến công và gửi về Bộ Công Thương (thông qua Cục Công Thương địa phương) để tổ chức thẩm định, xem xét hỗ trợ theo quy định.

Riêng đối với vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, thời gian tới, Bộ Công Thương trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao, sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để rà soát, xem xét, giải quyết.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn ĐBQH

Về việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến thương mại các sản phẩm từ tơ sen Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hàng năm, trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại (XTTM) theo Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và Quyết định số 12/2013/QĐTTg ngày 26 tháng 02 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình Thương hiệu Quốc gia, Bộ Công Thương phê duyệt thực hiện một số đề án XTTM nhằm hỗ trợ XTTM và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm mới có tiềm năng xuất khẩu.

Đối với sản phẩm dệt vải từ tơ sen Việt Nam, là một sản phẩm mới góp phần phát huy sức sáng tạo trong nhân dân, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, giải quyết đầu ra cho nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương và tạo việc làm trong thời gian nông nhàn cho nông dân ở khu vực nông thôn. Để phát triển bền vững sản phẩm dệt vải từ tơ sen Việt Nam, trước mắt, ngành dệt may cần có kế hoạch phát triển sản xuất sản phẩm đảm bảo đủ tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm từ tơ sen nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bộ Công Thương sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào các hoạt động XTTM, phát triển thương hiệu trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về XTTM và Chương trình Thương hiệu Quốc gia cũng như các hoạt động XTTM khác do Bộ Công Thương chủ trì nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh để tiêu thụ trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường quốc tế, trước mắt là ưu tiên tập trung vào thị trường Myanmar.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ cũng như hỗ trợ các Hiệp hội ngành hàng/làng nghề tăng cường trao đổi hợp tác quốc tế với Myanmar, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp dệt vải từ tơ sen tham gia các Hội chợ, triển lãm chuyên ngành dệt may trong nước và quốc tế để quảng bá giới thiệu các sản phẩm từ tơ sen./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác