ĐBQH PHÙNG ĐỨC TIẾN: SÁT NHẬP CÁC ĐƠN VỊ THÚ Y, BẢO VỆ THỰC VẬT GÂY KHÓ KHĂN TRONG PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH

11/05/2020

Theo ĐBQH Phùng Đức Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam), do sáp nhập các đơn vị thú y, bảo vệ thực vật thành các Trung tâm dịch vụ ở các địa phương gây quá nhiều khó khăn trong phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đặc biệt đối với dịch tả lợn châu Phi, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả phòng chống dịch.

 

ĐBQH Phùng Đức Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam)

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Phùng Đức Tiến phản ánh: Sáng ngày 07/11/2019, Bộ trưởng báo cáo trước Quốc hội trong phiên chất vấn Bộ trưởng về nội dung các đơn vị hành chính ở các địa phương sáp nhập vẫn được triển khai, còn các đơn vị chuyên môn tạm dừng lại. Tuy nhiên, sau Chỉ thị 34 ngày 20/5/2012 của Ban Bí thư về phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, một số tỉnh vẫn sáp nhập các đơn vị thú y, bảo vệ thực vật vào thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, như vậy phải xử lý thế nào?

Trong thời gian qua, do sáp nhập các đơn vị thú y, bảo vệ thực vật thành các Trung tâm dịch vụ ở các địa phương gây quá nhiều khó khăn trong phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đặc biệt đối với dịch tả lợn châu Phi (không có người theo dõi dịch bệnh, không có người tiêm vắc xin, không có người phun thuốc sát trùng, thiếu cán bộ chuyên môn...) ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả phòng chống dịch.

ĐBQH Phùng Đức Tiến đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết việc triển khai Chỉ thị 34 ngày 20/5/2018 của Ban Bí thư, Nghị quyết 42 ngày 18/6/2019 của Chính phủ về việc kiện toàn củng cố hệ thống thú y các cấp từ Trung ương theo đúng quy định của Luật thú y, tăng cường năng lực thú y các cấp đủ sức thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới như thế nào?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân 

Trả lời chất vấn ĐBQH Phùng Đức Tiến, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội (ngày 07/11/2019), Bộ trưởng Bộ Nội vụ có báo cáo việc tạm dừng sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (là các cơ quan hành chính) để xin ý kiến cấp có thẩm quyền sau khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Đối với các trạm thú y, bảo vệ thực vật, trung tâm dịch vụ thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn ở cấp huyện là những đơn vị sự nghiệp công lập, theo đó việc sắp xếp được thực hiện theo yêu cầu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 19-NQ/TW), trong đó có chỉ đạo: Về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Sắp xếp lại, giảm mạnh đầu mối và nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp. Hợp nhất trạm chăn nuôi và thú y, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông, khuyến ngư cấp huyện thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện và chuyển một số chức năng, nhiệm vụ về quản lý nhà nước ở các đơn vị này về phòng nông nghiệp (hoặc phòng kinh tế) cấp huyện. Sáp nhập các cơ quan tương ứng ở cấp tỉnh, đưa chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan này về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Căn cứ Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 08/NQ-CP), trong đó có nhiệm vụ: Các địa phương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương nhằm giảm mạnh đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, trong đó xác định chỉ tiêu giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập cho từng năm theo nguyên tắc: một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định, thực hiện chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ nêu trên và căn cứ vào yêu cầu quản lý, các địa phương đã triển khai thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (trong đó có việc sắp xếp, hợp nhất trạm chăn nuôi và thú y, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông, khuyên ngư,... cấp huyện thành trung tâm dịch nông nghiệp) là có căn cứ.

Theo đó, trong quá trình các địa phương thực hiện chủ trương sáp nhập nêu trên, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, đánh giá, phát hiện những vướng mắc, bất cập, đề xuất các giải pháp và phối hợp với Bộ Nội vụ trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, củng cố kiện toàn về tổ chức bộ máy, biên chế và số lượng người làm việc của hệ thống thú y các cấp từ Trung ương đến địa phương, tăng cường năng lực thú y, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng chống dịch, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư, Luật Thú y và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 08/NQ-CP và Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18/6/2019./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác