GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN LINH HOẠT TRIỂN KHAI GÓI HỖ TRỢ CHO CÁC ĐỐI TƯỢNG DO ĐỊA PHƯƠNG THAY ĐỔI ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH

15/05/2020

Để giải quyết những khó khăn, bất cập khi thực hiện gói hỗ trợ gần 62.000 tỷ đồng, Đại biểu Đỗ Thị Lan-Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội, khẳng định: Các tỉnh, thành cần cân đối ngân sách của địa phương mình và linh hoạt hỗ trợ đối với các đối tượng phát sinh là hộ nghèo, cận nghèo do thay đổi địa giới hành chính.

 

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19 gây ra, Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 15/QĐ-TTg về việc thực hiện gói hỗ trợ gần 62.000 tỷ đồng cho 6 nhóm đối tượng bị tác động của dịch bệnh. Đến nay, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã và đang triển khai gói hỗ trợ tới các đối tượng. Tuy nhiên, một số địa phương cho biết vẫn còn có những khó khăn, bất cập phát sinh khi triển khai thực hiện gói hỗ trợ và đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan một số giải pháp khắc phục.

Những khó khăn, vướng mắc từ các địa phương khi triển khai thực hiện gói hỗ trợ

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai và giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội cho biết: Sở đã có văn bản gửi lên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc quy định hộ nghèo được hưởng hỗ trợ. Theo đó, tại Điều 10 của Quyết định quy định đối tượng được hỗ trợ là: “Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đến ngày 31/12/2019 của địa phương được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận theo chuẩn nghèo quốc gia quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg. Tuy nhiên, quy định này chưa cụ thể, vì có nhiều cách hiểu khác nhau. Tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg quy định chuẩn nghèo của giai đoạn 2016-2020, việc quy định “người trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đến ngày 31/12/2019 của địa phương” có thể hiểu là danh sách hộ nghèo, cận nghèo của năm 2019, không phải danh sách người thuộc hộ nghèo, cận nghèo để thực hiện chính sách năm 2020. Vì vậy, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có văn bản hướng dẫn cụ thể: “Người thuộc hộ nghèo, cận nghèo trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo rà soát cuối năm 2019, tính đến ngày 31/12/2019....” để có căn cứ chính xác hỗ trợ đúng đối tượng.


Tại Hội nghị trực tuyến triển khai và giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 vừa được tổ chức, các địa phương đã bày tỏ khó khăn, bất cập phát sinh khi triển khai thực hiện gói hỗ trợ gần 62.000 tỷ đồng.

Là tỉnh có số lượng đối tượng thuộc diện được hỗ trợ lớn, trong điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn chỉ đáp ứng được một phần hỗ trợ, 3 nhóm đối tượng đã có số liệu. Do đó, UBND tỉnh Nghệ An kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Nghệ An được hưởng chính sách: ngân sách Trung ương hỗ trợ 11 huyện, thị xã miền Tây Nghệ An được hưởng 70% mức thực chi để thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, như chính sách của Nghị quyết số 42 đối với các tỉnh miền núi, Tây nguyên. Đối với các huyện, thành phố và thị xã còn lại của tỉnh thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 42 (theo đề nghị của UBND tỉnh Nghệ An tại Công văn số 2222/UBND-VX ngày 14/4/2020) và cân đối ngân sách giúp tỉnh thực hiện đảm bảo theo chế độ hỗ trợ Nghị quyết 42 cho các đối tượng.

Ngoài ra, ông Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan có chức năng quan tâm để có chính sách hỗ trợ lao động, trước hết là lao động Việt Nam đã về nước thời gian qua có việc làm, nhất là sau khi dịch bệnh bị đẩy lùi; cần có cơ chế trong việc kết nối các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Việt Nam với các doanh nghiệp dịch vụ lao động của Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia để hợp tác cung ứng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần hạn chế tình trạng lao động đi làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài, tiềm ẩn nhiều rủi ro (đối tượng lao động Nghệ An đã về nước khoảng 20.000 người) và có chính sách hỗ trợ cho đối tượng này được vay vốn... để giúp lao động có việc làm mới trong nước.

Ông Đoàn Hồng Vũ cũng kiến nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng nghiên cứu áp dụng thủ tục nhập cảnh theo hình thức đặc biệt cho các chuyên gia trong các dự án đầu tư nước ngoài; có chính sách tạo điều kiện cho các đối tượng người lao động nước ngoài là lãnh đạo chủ chốt, chuyên gia của các doanh nghiệp được sớm trở lại Việt Nam để làm việc, giúp cho các doanh nghiệp này hoạt động trở lại có hiệu quả.

Ông Huỳnh Ngọc Anh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông nêu quan điểm: Quy định cụ thể các tiêu chí, điều kiện, thủ tục, hồ sơ và trình tự thực hiện hỗ trợ đối với từng nhóm đối tượng; đặc biệt cần quy định về thời gian hỗ trợ khác nhau, như: Đối với 03 nhóm đối tượng thuộc diện ưu đãi và yếu thế (người có công; bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo) cần đồng thời chi trả hỗ trợ 01 lần 03 tháng để đảm bảo kịp thời khắc phục khó khăn, góp phần lan tỏa tình yêu thương trong cộng đồng cùng chung tay phòng, chống dịch Covid-19, thể hiện đúng ý nghĩa kịp thời của gói hỗ trợ an sinh xã hội này. Đối với các nhóm còn lại trước mắt chỉ hỗ trợ 01 tháng (tháng 4/2020), vì hiện nay tình hình dịch bệnh đã có chiều hướng tích cực theo từng nhóm địa phương (có nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp). Do đó, cần tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương để quy định về thời gian hỗ trợ cụ thể (từ 1-3 tháng) đảm bảo tối đa không quá 03 tháng.

Nhằm tránh việc trùng đối tượng, ông Đoàn Hồng Vũ cho rằng, cần quy định thời gian chi hỗ trợ đồng thời một lúc các nhóm đối tượng để các địa phương thuận tiện trong việc rà soát danh sách kịp thời loại trừ trùng đối tượng; tăng cường vai trò trách nhiệm của các cấp cơ sở tại địa phương. Để việc hỗ trợ bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, tham nhũng, tiêu cực cần sự vào cuộc của toàn xã hội; đặc biệt là vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể; các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin kịp thời về điều kiện, đối tượng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước tới người dân và doanh nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả, đạt được mục tiêu, ý nghĩa của Nghị quyết số 42/NQ-CP.

Rà soát kỹ các đối tượng được thụ hưởng

Trước băn khoăn, đề xuất của các địa phương, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung lưu ý các địa phương không cấp hỗ trợ cho tất cả những lao động ngừng việc hoặc hoãn hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp mà trên tinh thần doanh nghiệp, người lao động và nhà nước cùng tham gia chia sẻ, chỉ hỗ trợ cho những doanh nghiệp có khó khăn tài chính, không đủ khả năng tài chính để trả lương cho người lao động.


 Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Các hộ kinh doanh ngừng kinh doanh theo yêu cầu của các cấp có thẩm quyền ở đây là UBND cấp tỉnh, theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ thì trong thời gian ngừng kinh doanh sẽ hỗ trợ mức 1 triệu đồng/tháng. Chỉ hỗ trợ cho các hộ kinh doanh có kê khai thuế về doanh thu, và mức doanh thu dưới 100 triệu đồng/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thực tế, có thể làm tròn, trên 15 ngày có thể làm tròn thành 1 tháng.

Trường hợp cho doanh nghiệp vay để trả lương, đối với doanh nghiệp do khó khăn, không có khả năng chi trả, ngân hàng chính sách với gói hỗ trợ sẽ cho vay không thế chấp, với mức vay là 50% mức tiền lương tối thiểu chung của vùng, 1 người lao động ngừng việc 1 tháng, mức vay tối đa là 3 tháng và thời gian để trả nợ là 12 tháng và mức lãi suất 0%. Trường hợp này, chỉ cho vay để trả lương cho người lao động bị ngừng việc.

Điều kiện để vay là doanh nghiệp phải trả trước 1/2 mức lương tối thiểu vùng cho người lao động rồi và phần cho vay sẽ chi nốt 1/2 mức lương tối thiểu vùng. Tất cả các mức hỗ trợ đều chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của người lao động, chứ không chuyển về doanh nghiệp. Doanh nghiệp lập danh sách và thông tin đầy đủ của người lao động, ngân hàng chính sách sẽ giải ngân trực tiếp vào tài khoản của người lao động nhằm tránh nguồn tiền bị dùng sai mục đích.  

Đối với nhóm lao động tự do, phải có điều kiện cư trú hợp pháp, là tạm trú hoặc thường trú. Tuy nhiên, có trường hợp là 1 người lao động tự do tạm trú ở 1 nơi, và thường trú ở 1 nơi, quy định cho phép người lao động nhận trợ cấp ở 1 trong 2 nơi. Người lao động trong vùng dịch đã về quê cư trú, có thể nhận trợ cấp ở quê, còn nếu vẫn đang ở thành phố thì nhận ở thành phố. Để tránh hưởng 2 lần thì cần có xác nhận của nơi thường trú hoặc nơi tạm trú xác nhận không nhận ở nơi kia. Các cấp xã, cấp phường cần làm thủ tục một cách linh hoạt, lưu ý ở đây chỉ xác nhận là không nhận, nơi cấp hỗ trợ sẽ xác minh kỹ hơn.

Góp ý vào việc giải quyết hỗ trợ đối với những đối tượng phát sinh, Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Trong quá trình triển khai gói hỗ trợ, nhóm đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo thì các địa phương có danh sách cụ thể nên việc chi trả tiền hỗ trợ thực hiện được ngay.


Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Tuy nhiên, các địa phương gặp khó khăn trong việc thực hiện chi trả tiền hỗ trợ là nhóm lao động tự do và doanh nghiệp có mức thu nhập giảm do bị tác động của đại dịch Covid-19. Vì vậy, để triển khai thực hiện tốt gói hỗ trợ, các địa phương cần nắm chắc tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện và số lượng lao động tự do, doanh nghiệp nào có mức thu nhập giảm sút sâu. Việc làm này cũng là để không trùng lắp, không chồng chéo và không để đối tượng được thụ hưởng 2 lần, không để lọt danh sách người được thụ hưởng.

Nhằm giúp các địa phương triển khai gói hỗ trợ đến đúng đối tượng, các Bộ ngành, đoàn thể ở từng địa phương phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát sự di chuyển, làm việc của người dân ở địa phương, lao động đến các nơi làm việc cũng như thu nhập, sự tác động của đại dịch Covid-19 tới doanh nghiệp.

Cần linh hoạt hỗ trợ các đối tượng phát sinh là hộ nghèo, cận nghèo do địa phương thay đổi địa giới hành chính

Gói hỗ trợ gần 62.000 tỷ đồng đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với các đối tượng chịu tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, để giúp các địa phương chi trả tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng được thụ hưởng, không bị trục lợi cũng như tháo gỡ những khó khăn, bất cập phát sinh thì cần có thêm những giải pháp hữu hiệu và kịp thời hơn. Để rộng đường dư luận, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan- Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn để xã hội của Quốc hội.

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội

Phóng viên: Thưa Đại biểu, hiện nay, các địa phương đang triển khai thực hiện gói hỗ trợ gần 62.000 tỷ đồng tới các đối tượng được thụ hưởng. Qua tiếp xúc với cử tri và tổng hợp ý kiến, đề xuất ở các địa phương, đại biểu nhận thấy những vấn đề nào là nổi cộm, khó khăn nhất trong việc triển khai gói hỗ trợ này?

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội: Chính phủ đã thực hiện gói hỗ trợ gần 62.000 tỷ đồng đối với 6 đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây ra. Đây là sự quan tâm của Chính phủ rất kịp thời đối với người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống và duy trì sản xuất, kinh doanh.

Từ khi Chính phủ thực hiện dự thảo các Nghị quyết, các địa phương đã nắm bắt thông tin, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng chuẩn bị lập danh sách của các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, có công với cách mạng, lao động tự do... để đến khi có Nghị quyết hỗ trợ thì việc triển khai được kịp thời, khẩn trương. Về phía các ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại cũng nhanh chóng thực hiện trách nhiệm, vai trò của mình trong việc triển khai Nghị quyết của Chính phủ. Vì vậy, cho đến nay, nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Ninh, số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ tương đối lớn. Điều này cũng góp phần tháo gỡ khó khăn cho chính doanh nghiệp và ổn định nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gói hỗ trợ gần 62.000 tỷ đồng vẫn còn có những bất cập. Ví dụ như thực tế hiện nay, còn có ngân hàng thương mại lo lắng khi cho doanh nghiệp vay nhưng khó có khả năng chi trả; doanh nghiệp khó có khả năng hoạt động tiếp tục nên việc cho vay còn cầm chừng. Mặt khác, khi đại dịch Covid-19 diễn ra, đối tượng là giáo viên giảng dạy ở các trường ngoài công lập có thu nhập thấp ở một số địa phương lại gặp khó khăn trong cuộc sống thì cũng cần giải pháp để tháo gỡ và quan tâm hơn đối với họ.

Ngoài ra, theo quy định, các đối tượng nghèo và cận nghèo được chốt theo danh sách đến ngày 31/12/2019. Vừa qua, một số địa phương thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về sắp xếp, hợp nhất các đơn vị hành chính thì có trường hợp người dân ở huyện nghèo sáp nhập vào thành phố; xã nghèo, thôn nghèo sáp nhập vào thị trấn. Ở thành phố lấy tiêu chí chuẩn nghèo ở mức độ cao hơn mức chuẩn nghèo ở huyện, xã. Tuy nhiên, khi thực hiện Nghị quyết 88 từ ngày 1/1/2020, những hộ dân ở các huyện, xã khi sáp nhập vào thành phố theo thời gian này lại trở thành hộ nghèo nhưng không được hưởng chính sách hỗ trợ vì đã thoát khỏi diện hộ nghèo ở thời điểm 31/12/2019. Đây là vướng mắc ở nhiều địa phương nên cần có sự tháo gỡ để người dân thuộc diện phát sinh như trên được hưởng hỗ trợ.

Phóng viên: Đối với những đối tượng đề cập như trên, đại biểu có đề xuất đưa ra giải pháp hỗ trợ cụ thể như thế nào?

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội: Để gói hỗ trợ đến đúng doanh nghiệp, hộ kinh doanh thị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, các ngân hàng thương mại phải có động thái tích cực hơn để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với lãi suất phù hợp, lãi suất thấp nhất. Ngoài ra, các ngân hàng cần có giải pháp giảm tải thủ tục hành chính để những đối tượng này được tiếp cận kịp thời với gói hỗ trợ nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh.

Đối với người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo phát sinh khi địa phương có sự thay đổi về địa giới hành chính, giáo viên giảng dạy ở các trường ngoài công lập, các địa phương cần có sự cân đối ngân sách ở địa phương mình, linh hoạt để có phương thức hỗ trợ bổ sung sao cho người dân không bị thiệt thòi.

Ngoài ngân sách của Chính phủ, những tỉnh, thành có ngân sách phát triển thì dễ dàng hỗ trợ thêm cho các đối tượng thụ hưởng hơn những địa phương có ngân sách eo hẹp, khó khăn. Chính vì vậy, Chính phủ và các Bộ ngành cần có sự đánh giá tác động, rà soát kỹ nguồn ngân sách của Nhà nước để đảm bảo công bằng cho các đối tượng được thụ hưởng ở các địa phương.

Phóng viên: Xin đại biểu cho biết quan điểm cá nhân về triển khai gói hỗ trợ đến đúng đối tượng được thụ hưởng và không bị trục lợi?

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội: Để gói hỗ trợ đến đúng đối tượng và không bị trục lợi, các địa phương cần có sự phổ biến rộng rãi, công khai minh bạch các chính sách, đối tượng được thụ hưởng với số tiền là bao nhiêu để người dân có thể tự giám sát việc thực hiện gói hỗ trợ.

Ngoài ra, các cơ quan giám sát như đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng nhân dân cần nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện gói hỗ trợ của Chính phủ. Nếu cá nhân, đơn vị nào thực hiện sai, trục lợi tiền hỗ trợ thì cương quyết áp dụng chế tài xử lý nghiêm.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan

Các bài viết khác