ĐBQH NGUYỄN MAI BỘ: CÂN NHẮC TÊN GỌI CỦA DỰ THẢO LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM

19/05/2020

Dự án Luật Biên phòng Việt Nam dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đề nghị tiếp tục hoàn thiện một số nội dụng tại dự thảo, trong đó đề nghị đặt tên của Luật là “Luật Bộ đội biên phòng” .

Cân nhắc kỹ tên gọi của dự thảo Luật biên phòng Việt Nam 

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ đề nghị tên gọi của Luật phải bao quát nội dung của Luật. Xuất phát từ khái niệm “Biên phòng là công cuộc xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG), khu vực biên giới (KVBG) bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt” thì nội dung của Luật Biên phòng Việt Nam phải quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG.

Việc quy định những vấn đề về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG trong Dự thảo Luật này phải thỏa mãn yêu cầu của khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành văn bản QPPL là “không được quy định lại những nội dung đã được quy định trong văn bản QPPL khác (Luật Biên giới quốc gia); trường hợp cần sửa đổi nội dung của luật đã ban hành thì phải có điều khoản sửa đổi trong luật mới (khoản 2 Điều 12 Luật ban hành văn bản QPPL). Tuy nhiên, với khái niệm “Biên phòng” nêu trên, phạm vi điều chỉnh của Luật Biên phòng Việt Nam lại trùng với phạm vi điều chỉnh của Luật Biên giới Quốc gia (là quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG và KVBG).

Mặt khác, trong số 7 chương với 34 điều thì: nội dung “xây dựng BGQG, KVBG lại không được đề cập tới; có tới 2/6 chương và 16/34 điều luật quy định trực tiếp liên quan đến vị trí, chức năng, nhiệm vụ của BĐBP và chế độ chính sách đối với bộ đội biên phòng. Mặc dù, tên gọi của Luật đã được đặt ra trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (Dự thảo Luật) và đã có 6 bộ (Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và 1 tỉnh (Thanh Hóa) đề nghị đặt tên là “Luật Bộ đội biên phòng” với những lập luận thuyết phục. Tuy nhiên, để giữ nguyên tên dự thảo Luật, thì “Dự thảo luật đã được chỉnh sửa theo hướng quy định về bộ đội biên phòng ít hơn so với quy định chung về biên phòng theo hướng giảm số điều khoản quy định về Lực lượng biên phòng và kết cấu riêng 1 chương (Chương 5) quy định về Lực lượng biên phòng để bảo đảm hàm lượng chủ yếu tập chung cho các quy định về biên phòng, phù hợp, thống nhất với tên gọi của Luật”.

Tuy nhiên, thực trạng Dự thảo Luật lại không như giải trình, bởi lẽ trong Dự thảo Luật được trình để thẩm tra, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội có 2 chương (chứ không phải 1 chương) và 16/34 điều quy định về bộ đội biên phòng. Mặt khác, về phương pháp luận, nếu để đạt được mục đích giữ nguyên tên gọi của Luật mà phải giảm số điều khoản quy định về Lực lượng biên phòng thì lại không đạt được mục đích và quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật này là “Thể chế đầy đủ quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về xây dựng lực lượng bộ đội biên phòng”.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

Đại biểu cũng cho rằng, vấn đề có liên quan trực tiếp đến tên dự thảo Luật là “phạm vị điều chỉnh”. Theo quy định tại Điều 1 dự thảo Luật Biên phòng, “Luật này quy định chính sách, nguyên tắc, lực lượng nòng cốt, chuyên trách, biện pháp thi hành nhiệm vụ biên phòng, nền biên phòng toàn dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về biên phòng”. Quy định này có một số bất cập sau:

 Một là, “Luật này quy định chính sách, nguyên tắc...” nhưng nội dung Dự thảo Luật không rõ là chính sách, nguyên tắc gì, mặc dù Điều 3 Dự thảo Luật quy định về “Chính sách của Nhà nước về biên phòng”, Điều 6 quy định về “Nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng và một chương (Chương 5) quy định về “Bảo đảm và chế độ, chính sách về biên phòng”.

Hai là, với khẳng định “Luật này quy định... lực lượng nòng cốt, chuyên trách, biện pháp thi hành nhiệm vụ biên phòng, nền biên phòng toàn dân” thì đó là quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của bộ đội biên phòng. Bởi lẽ, theo quy định của Luật BGQG, “Bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, phối hợp với các lực lượng Công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ BGQG, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, nếu giữ nguyên tên dự thảo “Luật Biên phòng Việt Nam” thì phải bổ sung rất nhiều nội dung liên quan đến “xây dựng BGQG, KVBG” và “chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng thực thi pháp luật ở biên giới”. Trong khi quy định về “xây dựng BGQG, KVBG” đã được quy định từ Điều 25 đến Điều 30 Luật Biên giới quốc gia; quy định về “chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng thực thi pháp luật ở biên giới” đã được quy định trong các văn bản QPPL về từng lực lượng (Luật Công an nhân dân, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Hải quan, Kiểm ngư, Kiểm lâm…). Điều này là không khả thi, nếu có làm thì sẽ dẫn tới sự chồng chéo giữa các văn bản QPPL. Đại biểu đề nghị đặt tên của Luật là “Luật Bộ đội biên phòng” và sửa quy định của Điều 1 “Phạm vi điều chỉnh” theo hướng “Luật này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của bộ đội biên phòng; chế độ, chính sách đối với bộ đội bien phòng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”./.

Lê Anh