ĐBQH VÕ THỊ NHƯ HOA GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT (SỬA ĐỔI)

22/05/2020

Góp ý với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại kỳ họp thứ 9, ngày 22/5, đại biểu Võ Thị Như Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, bày tỏ một số nội dung.

 

1. Về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Đại biểu cho rằng, Dự thảo đề xuất bổ sung quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tại Điều 6 là hoàn toàn phù hợp. Hiện nay, cơ chế phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được quy định tại Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội – Chính phủ - Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên quy định tại các văn bản này vẫn chưa đầy đủ để triển khai có hiệu quả trên thực tế.

Đại biểu Võ Thị Như Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng 

Mặt khác, phản biện xã hội là một thủ tục bắt buộc trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên cần thiết phải có quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, để đảm bảo tính khả thi của quy định này và hiệu quả của hoạt động phản biện xã hội, đại biểu Như Hoa đề nghị lưu ý thêm một số vấn đề sau đây:

Về đối tượng văn bản phải lấy ý kiến phản biện: khoản 1 Điều 33 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định “Đối tượng phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là dự thảo văn bản của cơ quan nhà nước cùng cấp có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Tuy nhiên, việc xác định đối tượng phản biện là văn bản có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đánh của Nhân dân thì quá rộng và còn quá chung chung. Bởi vì đa số văn bản quy phạm pháp luật đều tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Do đó, cần quy định cụ thể thế nào là có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân để cơ quan chủ trì soạn thảo xác định được văn bản nào phải lấy ý kiến phản biện xã hội.

Về chủ thể đề nghị phản biện xã hội: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không quy định việc phản biện xã hội xuất phát từ đề nghị của cơ quan chủ trì soạn thảo hay là từ yêu cầu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tại dự thảo Luật này chưa có quy định về chủ thể yêu cầu thực hiện việc phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tại điểm d khoản 2 Điều 2 Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN quy định căn cứ để thực hiện phản biện xã hội đó là “Đề nghị của cơ quan nhà nước cùng cấp có dự thảo văn bản” nhưng không thể hiện rõ cơ quan nhà nước trong trường hợp này là cơ quan nào (HĐND, UBND hay cơ quan chuyên môn của UBND…) nên cần thiết phải quy định rõ trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để có cơ sở pháp lý cụ thể, rõ ràng để các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện.

Trong trường hợp này, việc lấy ý kiến phản biện xã hội được thực hiện trong giai đoạn lấy ý kiến đối với dự thảo văn bản (theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) nên cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản là đơn vị chủ động trong việc đề xuất ban hành văn bản, chủ động trong việc nắm bắt nội dung quy định của văn bản. Do đó, đại biểu đề xuất giao cơ quan chủ trì soạn thảo căn cứ vào nội dung của văn bản để xem xét, quyết định việc đề nghị lấy ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi dự thảo văn bản thuộc trường hợp phải lấy ý kiến phản biện xã hội.

Bên cạnh đó, đại biểu Như Hoa cũng cho rằng, khi đã quy định phản biện xã hội là yêu cầu bắt buộc thì phải cơ chế để bắt buộc cơ quan soạn thảo phải thực hiện, theo đó đề nghị bổ sung quy định cơ quan thẩm định không thẩm định đối với văn bản thuộc trường hợp phải lấy ý kiến phản biện xã hội nhưng cơ quan soạn thảo chưa thực hiện thủ tục phản biện xã hội. Đây chính là cơ chế ràng buộc việc thực hiện nghiêm túc quy định về phản biện xã hội.

Về thời hạn phản biện xã hội: việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo tính kịp thời, do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về thời hạn thực hiện phản biện xã hội để đảm bảo tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, cần quy định rõ trong thời hạn bao lâu thì Mặt trận Tổ quốc phải hoàn thành việc phản biện xã hội để trả lời cho đơn vị soạn thảo.

2. Đối với quy định về thủ tục hành chính trong dự thảo Luật.

Khoản 4 Điều 14 được sửa đổi theo hướng bổ sung quy định cho phép ban hành thủ tục hành chính trong trường hợp cần thiết phải quy định thủ tục hành chính trong Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật này. Điều này có nghĩa là HĐND cấp tỉnh có thể quy định thủ tục hành chính trong trường hợp ban hành Nghị quyết theo khoản 4 Điều 27 của Luật này và phải quy định ngay trong Nghị quyết của HĐND. Đại biểu cho rằng, việc cho phép ban hành thủ tục hành chính trong trường hợp này là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn vì để triển khai thực hiện các chính sách của HĐND cấp tỉnh đòi hỏi phải có thủ tục hành chính. Tuy nhiên, việc chỉ cho phép HĐND cấp tỉnh quy định và phải được quy định trong Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh lại chưa thực sự phù hợp. Bởi vì, HĐND cấp tỉnh chủ yếu quyết định các chủ trương, chính sách, còn việc triển khai do UBND cấp tỉnh thực hiện. Do đó, việc giao HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định về thủ tục hành chính là chưa thực sự phù hợp, khó đảm bảo việc đánh giá sát với thực tế của Đại biểu HĐND. Mặt khác, các thủ tục hành chính cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với sự thay đổi của xã hội, đặc biệt là để cải cách thủ tục hành chính. Trong khi đó, HĐND cấp tỉnh họp mỗi năm hai kỳ nên việc điều chỉnh sẽ rất bị động và không đảm bảo tính kịp thời.

Trong trường hợp này, đại biểu đề nghị nghiên cứu cho phép HĐND cấp tỉnh có thể giao lại cho UBND cấp tỉnh quy định thủ tục hành chính khi ban hanh văn bản để quy định cụ thể, tổ chức thực hiện Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh. Theo đó, đại biểu đề nghị điều chỉnh nội dung khoản 4 Điều 14 thành “hoặc trường hợp cần thiết phải quy định thủ tục hành chính để thực hiện nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật này”. Quy định này vừa giải quyết được vướng mắc từ thực tế trong việc triển khai cơ chế, chính sách trong Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh nhưng vẫn đảm bảo cơ chế kiểm soát, hạn chế việc ban hành thủ tục hành chính bởi suy cho cùng thì việc giao HĐND hay giao UBND cấp tỉnh ban hành đều không ảnh hưởng mà quan trọng vẫn kiểm soát được là thủ tục hành chính chỉ được ban hành đề triển khai Nghị quyết đặc thù của HĐND cấp tỉnh.

3. Liên quan đến đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh.

Theo dự thảo, Điều 111 được sửa đổi theo hướng quy định việc thực hiện quy định từ Điều 112 đến 116 (quy trình chính sách) trước khi trình Thường trực HĐND chỉ áp dụng đối với văn bản quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật này. Theo đó, đối với văn bản quy định tại khoản 2, 3 Điều 27 không còn phải thực hiện quy trình chính sách như trước đây. Đại biểu cho rằng, việc điều chỉnh này là phù hợp với thực tế xây dựng, ban hành văn bản tại địa phương.

Tuy nhiên, điểm c khoản 2 Điều 121 sửa đổi quy định hồ sơ đề nghị thẩm định bao gồm “báo cáo đánh giá tác động của chính sách đối với quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Luật này”, có nghĩa là Nghị quyết quy định nội dung khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Luật này vẫn phải thực hiện việc đánh giá tác động của chính sách theo khoản 2 Điều 112 của Luật. Như vậy, quy định này sẽ mâu thuẫn với quy định tại khoản 3 Điều 111 được sửa đổi, đó là việc thực hiện các điều từ 112 đến 116 chỉ áp dụng đối với Nghị quyết quy định tại khoản 4 Điều 27 Luật này. Hay nói cách khác, đối với Nghị quyết quy định nội dung tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Luật này thì không phải thực hiện quy trình chính sách nhưng vẫn phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động của chính sách theo Điều 122 của Luật này.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát để đảm bảo tính thống nhất trong các quy định nêu trên../.

Hoàng Yến - Lê Quang