ĐBQH PHẠM VĂN HÒA GÓP Ý VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT ĐẦU TƯ (SỬA ĐỔI)

28/05/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ đồng tình với Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), đồng thời góp ý trực tiếp về những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị giữ nguyên Phụ lục 1, 2, 3 của Luật Đầu tư và không giao cho Chính phủ quy định chi tiết và bổ sung quy định cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, trên cơ sở quy định danh mục sửa đổi, bổ sung cho phù hợp vì đây là những nội dung quan trọng liên quan đến quyền con người và quyền của công dân. Đồng thời quy định căn cứ vào thực tế của tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ mà Chính phủ rà soát các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung theo quy định, quy trình rút gọn.

Về việc cấm đầu tư dịch vụ đòi nợ, đại biểu bày tỏ thống nhất phương án không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ tại điểm h khoản 1 Điều 6 mà thực hiện theo luật hiện hành. Đại biểu cũng đề nghị đổi tên gọi là "kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ".

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng không thể ngành nào nhà nước quản lý khó là cấm kinh doanh mà nên tạo điều kiện cho dân, làm sao để nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật sẽ dễ dàng hơn. Thực tế cấm mà nhu cầu xã hội rất cần thì vẫn tồn tại và hiện nay có những trường hợp trá hình nên chúng ta rất khó quản lý. Tuy nhiên, phải quy định điều kiện chặt chẽ hơn, ràng buộc hơn, quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân có liên quan. Nếu thu hồi nợ theo kiểu xã hội đen, vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm minh. Có như thế mới sẽ hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phức tạp như hiện nay việc kinh doanh thu hồi nợ theo kiểu xã hội đen nữa.

Về ngành, nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư theo Điều 17, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có quy định chi tiết danh mục phải đảm bảo nguyên tắc thu hút đầu tư có chọn lọc, phù hợp quy hoạch, định hướng phát triển trên từng địa bàn, tránh áp dụng tràn lan. Vì ưu đãi đầu tư có thời hạn trên cơ sở kết quả dự án, ngành, nghề này luôn luôn có khả năng tạo ra giá trị cao, được ưu đãi sẽ thúc đẩy hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho người dân và nguồn thu ổn định cho ngân sách.

Theo đại biểu Phạm Hòa, việc bổ sung một số ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như dịch vụ điều tra, thám tử tư, vật liệu nổ hoặc các ngành hóa chất khác... sẽ không phù hợp vì các ngành này là nhu cầu thực tiễn của xã hội cần có và nếu người dân muốn sản xuất, kinh doanh, nếu sai phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật vì ngành, nghề này, không làm ảnh hưởng liên quan đến an ninh quốc gia.

Đại biểu cho rằng quy định về đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo Điều 22 đối với nhà đầu tư nước ngoài là rất cần thiết nhằm giúp cho nhà nước bước đầu lựa chọn dự án đầu tư thông qua việc xem xét năng lực của nhà đầu tư, lĩnh vực đầu tư, địa bàn đầu tư và nguồn lực để thực hiện các dự án. Cùng với đó lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo dự án quy định tại Điều 29 là điều cần và đủ nhằm chọn được những nhà đầu tư có năng lực trên các lĩnh vực để thực hiện các dự án đạt kết quả tốt, nhất là các trường hợp đấu giá, đấu thầu, đặc biệt là chỉ định thầu phải chọn lựa thận trọng, khách quan, nhà đầu tư có năng lực để dự án thực hiện cho tốt.

Cho rằng quy định thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư tại Điều 31 của Thủ tướng được nâng lên là 10.000 tỷ đồng và quy mô dân số là 15.000 dân là hợp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút, kêu gọi đầu tư các quy mô thấp hơn thuộc thẩm quyền của bộ, ngành và ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đại biểu phân tích thêm, quy định thẩm quyền rộng rãi hơn cho cấp dưới để phát huy vai trò, trách nhiệm trong thu hút đầu tư, tuy nhiên việc giao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đầu tư sân golf cũng nên có cân nhắc lại. Việc cấp thẩm quyền căn cứ vào đánh giá tác động môi trường sơ bộ đã chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư chỉ được chấp thuận chủ trương thực hiện dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Thời gian qua các dự án đầu tư trì trệ hoặc không thực hiện được là do không đồng bộ việc đánh giá tác động môi trường và mục đích đầu tư của dự án nên cần quy định cụ thể vấn đề này để nhà đầu tư thuận lợi, dễ dàng và cũng không đánh đổi môi trường để lấy dự án kinh tế.

Về Điều 44, thời gian hoạt động dự án cho thuê đất hoặc giao đất căn cứ vào Luật Đất đai. Trên cơ sở quy mô dự án, đơn xin giao đất, cho thuê đất không quá 50 năm, những trường hợp đặc biệt khác như dự thảo luật thời hạn cho thuê, giao đất tối đa là 75 năm là phù hợp, nhằm dễ dàng cho nhà đầu tư chuyển nhượng đất ổn định lâu dài, tin tưởng chính sách của Đảng và Nhà nước ta là không thay đổi.

Về đảm bảo thực hiện dự án đầu tư tại Điều 43, đại biểu đề nghị cân nhắc đối với các dự án có vốn đầu tư lớn nên xem xét giảm tỷ lệ mức ký quỹ có thể dưới 1% để đảm bảo thực hiện dự án và cũng là chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ.

Về chuyển nhượng dự án tại Điều 46, theo đại biểu Phạm Văn Hòa việc chuyển nhượng dự án là yêu cầu khách quan nếu được các bên tham gia thỏa thuận, đồng tình. Tuy nhiên cũng cần quy định khi nào thực hiện xong dự án thì mới được chuyển nhượng để tránh quy hoạch treo, dự án treo, bán dự án, v.v.. Do đó đại biểu để nghị phải rà soát kỹ để đảm bảo điều kiện chuyển nhượng không vì lợi ích nhóm hay bán dự án để hưởng chênh lệch giá, làm dự án chậm tiến độ. Đối với các trường hợp cho thuê đất hàng năm thì không được chuyển nhượng, trong các trường hợp nào, nếu các nhà đầu tư không thực hiện dự án thì Nhà nước thu hồi lại đất, làm thủ tục bàn giao cho nhà đầu tư khác. Nhà đầu tư được bán tài sản của mình thuộc sở hữu gắn liền với đất, trên cơ sở đó mới đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân./.

Bảo Yến

Các bài viết khác