ĐBQH MAI THỊ PHƯƠNG HOA: ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ CUNG CẤP THÊM SỐ LIỆU THỰC TẾ VỀ DỊCH VỤ ĐÒI NỢ THUÊ ĐỂ CÂN NHẮC CẤM HAY KHÔNG CẤM DỊCH VỤ NÀY

29/05/2020

Trao đổi về việc có quy định cấm hay không cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) tại đợt 1 Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Mai Thị Phương Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đề nghị cơ quan soạn thảo cung cấp thêm số liệu thực tế về hoạt động của các cơ sở dịch vụ đòi nợ thuê để có thêm cơ sở, cân nhắc nên để hay nên cấm loại hình dịch vụ này.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định 

Trao đổi về việc có quy định cấm hay không cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đại biểu Mai Thị Phương Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho biết, theo báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật nêu 2 phương án về vấn đề này. Phương án 1 giữ như quy định của dự thảo luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, đó là cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Phương án 2 không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ như luật hiện hành. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án 1 của dự thảo luật và đưa ra phân tích.

Đại biểu nêu rõ, trong cuộc sống khi chúng ta đi thuê dịch vụ là do không có thời gian tự làm được công việc hoặc do công việc phức tạp đòi hỏi người phải có kỹ năng thực hiện nhanh hơn, tốt hơn nên phải đi thuê dịch vụ. Hoặc có trường hợp xét thấy đi thuê dịch vụ thì có lợi hơn là tự làm và những dịch vụ này đương nhiên phải hợp pháp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay bản chất sâu xa của dịch vụ đòi nợ thuê thì hoàn toàn khác. Gần như trong nhiều trường hợp, chủ nợ đã yêu cầu con nợ trả tiền nhưng con nợ không có tiền hoặc có tiền nhưng không chịu trả thì chủ nợ mới nhờ đến dịch vụ đòi nợ thuê. Thông thường chủ nợ thường nghĩ đến và hướng tới đó là hành vi bạo lực hoặc đe dọa dùng bạo lực để đòi tiền.

Mặc dù Nghị định số 96 của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đã quy định, cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi thực hiện đòi nợ không được sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực và không được sử dụng phương tiện làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ gồm các hoạt động dịch vụ đòi nợ tiền, tài sản hợp pháp cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân theo hợp đồng ủy quyền. Dịch vụ đòi nợ, nếu hiểu đúng và làm theo đúng pháp luật thì việc đòi nợ chỉ gồm việc liên hệ với con nợ, nhắc nhở việc trả tiền, nếu không trả nợ thì khởi kiện ra Tòa án và khi Tòa án ra phán quyết thì đề nghị cơ quan thi hành án có thẩm quyền cho thi hành và nếu có dấu hiệu phạm tội hình sự thì trình báo cơ quan điều tra. Đối với khoản nợ của doanh nghiệp thì có thể đệ đơn yêu cầu phá sản. Tuy nhiên thực tế lại không như vậy.

Theo báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ, tính đến hết tháng 8/2019 thì cả nước có 29 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương có hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ với 217 doanh nghiệp đăng ký, trong đó tập trung chủ yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh là 84 doanh nghiệp, Hà Nội là 62 doanh nghiệp. Báo cáo chỉ rõ quá trình kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã không tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như quy định pháp luật có liên quan khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, dẫn đến phát sinh nhiều hệ quả tiêu cực đối với xã hội. Những vi phạm phổ biến là bên đòi nợ thu giữ, phá hoại tài sản trái pháp luật hoặc có hành vi đe dọa, trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ. Nhiều nơi xuất hiện biến tướng hình thành băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay lãi nặng, tín dụng đen gây mất trật tự an toàn xã hội.

Báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019 cũng đã nêu tội phạm có tổ chức vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là hoạt động núp bóng doanh nghiệp tín dụng đen, cầm đồ, siết nợ, đòi nợ thuê gắn với hành vi cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng ở đây không còn là việc không quản được thì cấm, mà là quan hệ pháp luật được xác lập trong giao dịch đòi nợ thuê như đang diễn ra trên thực tế hiện nay thực chất là mối quan hệ sai trái, không đúng với bản chất của việc đòi nợ hợp pháp mà pháp luật đã quy định. Một quan hệ pháp luật đã bị bóp méo làm cho bị biến tướng bởi những đối tượng tham gia giao dịch.

Qua tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia pháp lý, đại biểu cho rằng sẽ là thuyết phục hơn nếu tại kỳ họp này cơ quan soạn thảo cung cấp thêm những thông tin về việc có bao nhiêu cơ sở dịch vụ đòi nợ thuê hoạt động đúng pháp luật. Mức thuế đóng góp của các công ty loại này là bao nhiêu? Có bao nhiêu vụ phạm tội do những hành vi đòi nợ thuê gây ra? Bao nhiêu vụ tạt chất bẩn vào nhà con nợ? Bao nhiêu đơn thư trình báo về việc bị đe dọa tính mạng hay tấn công liên quan đến dịch vụ đòi nợ thuê? Nếu có được những số liệu này sẽ giúp có thêm cơ sở để có thể cân nhắc nên để hay nên cấm loại hình dịch vụ này.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cũng cho biết thêm, về mặt pháp luật, việc đòi nợ làm hành vi pháp lý liên quan đến quyền và nghĩa vụ về tiền hoặc tài sản, về số tiền gốc về số tiền lãi, về thời điểm thanh toán, về tài sản thế chấp, v.v.. Trên thực tế người được cho là con nợ chưa chắc là con nợ và người được cho là chủ nợ cũng chưa chắc đã phải là chủ nợ. Những việc này chỉ có thể làm rõ và xác định một cách rõ ràng khi được giải quyết tại Tòa án và tất nhiên với điều kiện là hệ thống Tòa án cần phải được đổi mới hơn nữa để việc giải quyết tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại được giải quyết có hiệu quả và nhanh chóng, đúng pháp luật.

Nếu vội vàng cho phép các bên tranh chấp được xác lập, sở hữu về tiền và tài sản thông qua hoạt động đòi nợ bất hợp pháp thì trong nhiều trường hợp sẽ lại làm phát sinh tranh chấp mới và vô hình chung đã dung túng cho hoạt động vi phạm pháp luật.

Từ những phân tích trên, đại biểu bày tỏ nhất trí với phương án 1 là cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ và có quy định chuyển tiếp đối với giao dịch cung cấp dịch vụ đòi nợ phát sinh trước ngày luật này có hiệu lực thi hành.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh, nếu một chính sách qua thời gian thực hiện thấy không còn phù hợp với thực tế thì tại sao không thay đổi để làm cho những chính sách mới được ban hành tốt hơn, minh bạch hơn và làm cho xã hội được bình yên hơn./.

Bảo Yến

Các bài viết khác