ĐBQH CAO ĐÌNH THƯỞNG: TĂNG CƯỜNG CHO VAY TÍN CHẤP CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG ĐỂ HẠN CHẾ TÍN DỤNG ĐEN

29/05/2020

Trong phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) tại đợt 1 Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Cao Đình Thưởng – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đã góp ý về một số nội dung cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo Luật trước khi Quốc hội thông qua.

Đại biểu Cao Đình Thưởng – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

Phát biểu từ điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ góp ý về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), đại biểu Cao Đình Thưởng bày tỏ ủng hộ phương án cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Đại biểu phân tích: hiện nay các tổ chức, cá nhân đăng ký dịch vụ đòi nợ không nhiều, chỉ có hơn 200 doanh nghiệp, chưa đóng góp gì nhiều cho nhà nước và xã hội. Hoạt động biến tướng theo hình thức tín dụng đen cho vay nặng lãi. Như vậy, đến thời điểm này xét cho cùng thì các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ phần lớn là bóng hợp pháp cho các hoạt động xã hội đen, tín dụng đen cư trú. trong khi nhà nước cấm các hoạt động này.

Trong thời gian qua, đồng loạt trên cả nước công an đã triệt phá nhiều ổ nhóm tín dụng đen, cho vay nặng lãi đã chứng minh điều đó. Như vậy, không thể công nhận tính hợp pháp của một hoạt động được sinh ra từ một hoạt động không hợp pháp, không được pháp luật công nhận.

Đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng nếu không cấm hoạt động kinh doanh đòi nợ thuê vô hình trung sẽ khuyến khích cho hành vi bạo lực, xúc phạm đến danh dự, sức khỏe, thậm chí cả tính mạng con người, làm mất trật tự trị an xã hội, tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng đen và hoạt động cho vay nặng lãi phát triển. Khi đó hệ lụy để lại sẽ rất lớn, liệu cơ quan chức năng có thẩm quyền có đủ lực lượng để kiểm soát vấn đề trên.

Đại biểu cũng đặt vấn đề, nếu chấp nhận kinh doanh đòi nợ thuê trong trường hợp tổ chức, cá nhân đòi nợ thuê không thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, để xảy ra tranh chấp, kiện tụng với người bị đòi nợ thì cơ quan nhà nước nào đứng ra giải quyết? Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp như thế nào? Nếu việc tranh chấp, kiện tụng đó tiếp tục giao cho Tòa án thì tại sao không giao cho Tòa án giải quyết tranh chấp ngay từ đầu, giữa chủ nợ cho vay tài sản và người đi vay tài sản đang thực hiện như Bộ luật Dân sự hiện hành. Do đó, chỉ đòi nợ qua Tòa án mới là đúng pháp luật.

Theo đại biểu Cao Đình Thưởng, việc giao một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ không chắc chắn đảm bảo sự hiệu quả như mong muốn mà có khi làm cho tình hình phức tạp thêm bởi cách ứng xử đòi nợ theo kiểu “luật rừng”. Để giải quyết căn cơ tình trạng trên, thay vì công nhận hoạt động kinh doanh đòi nợ thuê nên đổi mới hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, tăng cường cho vay tín chấp, rút ngắn thủ tục thẩm định đối với người dân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, gia đình có người mắc bệnh hiểm nghèo, v.v.. Mặt khác, tăng nặng chế tài xử phạt đối với những đối tượng lợi dụng sự ưu việt của chính sách để trục lợi cá nhân, vay nợ tràn lan gây ra nợ xấu.

Ngoài ra, góp ý về một số vấn đề cụ thể, đại biểu Cao Đình Thưởng đề nghị xem xét giảm thời gian thực hiện trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xuống còn 30 ngày làm việc, để tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm đưa dự án và triển khai thực hiện. Cụ thể, rút ngắn thời hạn thực hiện tại mục 3 Điều 37 xuống còn 10 ngày làm việc. Đại biểu cho rằng, đây là khoảng thời gian đảm bảo để các cơ quan chức năng thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Mặt khác, cũng nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức và thể hiện hiệu quả của việc cải cách hành chính, nhất là khi Việt Nam chúng ta đang trong thời kỳ thực hiện công nghệ 4.0 cũng như đón đầu làn sóng FDI dịch chuyển vào Việt Nam dự đoán trong thời gian tới.

Về chuyển nhượng dự án đầu tư, quy định tại Điều 47 của dự thảo luật, đại biểu cho biết thực tế hiện nay nhiều dự án sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư không triển khai thực hiện dự án mà lại thực hiện thủ tục chuyển nhượng dự án cho các nhà đầu tư khác. Do vậy, để tránh hiện tượng dự án treo và đảm bảo quy định tại Điều 189 Luật Đất đai, đề nghị bổ sung các điều kiện chuyển nhượng dự án chặt chẽ hơn; không đồng ý chuyển nhượng những dự án chưa thực hiện xong các thủ tục về đất đai, xây dựng cơ bản.

Về thời gian tạm ngừng hoạt động của dự án đầu tư quy định tại Điều 49 của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị bổ sung thời gian nhà đầu tư được tạm ngừng hoạt động, tránh để dự án treo, đồng thời đề nghị làm rõ thời gian tạm ngừng hoạt động có tính vào tiến độ thực hiện dự án hay không, vì đây sẽ là căn cứ để gia hạn tiến độ thực hiện dự án.

Đại biểu cũng lưu ý Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để khắc phục những chồng chéo về pháp luật khi ban hành Luật Đầu tư (sửa đổi), bảo đảm tính đồng bộ, tương thích giữa Luật Đầu tư với các luật khác có liên quan./.

Bảo Yến

Các bài viết khác