GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: "NGHIỆN GAME ONLINE" ĐỂ LẠI NHIỀU HỆ LỤY NGHIÊM TRỌNG

22/06/2020

Dư luận cả nước vẫn chưa hết bàng hoàng sau cái chết thương tâm của cháu bé 5 tuổi tại Nghệ An. Điều đáng nói, nghi can gây ra cái chết của cháu bé, lại là nạn nhân của game online. Vậy chứng “nghiện game online” đã và đang gây ra hệ lụy gì? Giải pháp nào để thoát khỏi những cám dỗ từ game online? Xung quanh vấn đề này, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã phỏng vấn Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

 

Phóng viên: Đại biểu có đánh giá như thế nào về thực trạng “nghiện game online” hiện nay?

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Hiện nay, nghiện game online đặc biệt ở lứa tuổi học đường ngày càng gia tăng và đang là một vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm. Theo Báo cáo điều tra quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam, có đến 38% trẻ vị thành niên sử dụng thời gian rảnh rỗi vào việc chơi game. Rất nhiều trường hợp trẻ nghiện game online bị đắm chìm trong thế giới ảo, không còn phân biệt đâu là thực, đâu là ảo. Do sự lôi cuốn mạnh mẽ khi nghiện game online nên mọi chế độ sinh hoạt của các em bị đảo lộn, quên ăn, quên ngủ, quên cả chuyện học, đầu óc luôn ám ảnh những nhân vật trong game. Vì vậy, khi đã nghiện game online thì trẻ rất khó kiềm chế, từ bỏ. Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý game online vẫn còn rất lỏng lẻo. Thực trạng trẻ nghiện game ngày càng tăng một phần cũng do nhiều phụ huynh ít quan tâm đến con cái, thiếu kiến thức cũng như không lường hết hậu quả nghiêm trọng của loại hình giải trí này.

Phóng viên: Vậy, việc “nghiện game online ” đã và đang gây ra những hệ lụy gì, thưa đại biểu?

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Nghiện “game online” đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân người chơi, gia đình và xã hội. Hậu quả nặng nề nhất mà trẻ nghiện game phải gánh chịu có thể kể đến là rối loạn về tâm lý. Thậm chí, để có tiền chơi game, một số cá nhân còn có hành vi trộm cắp, cướp giật tài sản thậm chí tước đoạt tính mạng của người khác. Trên thực tế cũng đã xảy ra nhiều vụ việc thương tâm từ “nghiện game online”. Đáng buồn, những tác hại tiêu cực từ việc nghiện game online đã và đang làm ảnh hưởng tới các giá trị đạo đức, văn hóa, của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay. Ngoài ra, việc trẻ nghiện game còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất như: rối loạn giấc ngủ. đau nửa đầu; dễ bị rối loạn tâm sinh lý, ...

Phóng viên: Trước những hệ lụy nghiêm trọng từ việc “nghiện game online” thì đâu là giải pháp cho vấn đề này, thưa đại biểu?

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Để thay đổi một thói quen "nghiện chơi game online" không hề dễ dàng, điều này cần sự hỗ trợ nhiệt tình từ gia đình và cả xã hội. Vì vậy, nhận diện, phòng ngừa nghiện game online của học sinh cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, ở gia đình các bậc phụ huynh phải thường xuyên kiểm soát thời gian rảnh rỗi của trẻ, hạn chế tối đa việc cho trẻ chơi game. Tại nhà trường, giáo viên phải thường xuyên giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng sử dụng intenet hiệu quả, nhất là phòng ngừa nghiện game online đồng thời, giáo viên và cha mẹ học sinh cần nhận diện sớm, phát hiện các biểu hiện nguy cơ nghiện game online của học sinh.

Ngoài ra, để trẻ tránh “nghiện game online”, cũng cần tăng cường những trò chơi vận động. Tại các địa phương nên ưu tiên, quan tâm tổ chức các sân chơi lành mạnh để thu hút thanh thiếu niên tham gia.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần có biện pháp mạnh để buộc nhà phát hành tuân thủ các quy định về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ game online. Cần có chế tài, xử lý thích đáng vi phạm và có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát chặt game lậu vào thị trường Việt Nam.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh