ĐBQH CẦM THỊ MẪN GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG (SỬA ĐỔI)

22/06/2020

Góp ý vào dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Cầm Thị Mẫn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nhiệm vụ của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.

 

Đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa 

Theo đại biểu Cầm Thị Mẫn, xét về mặt tổng thể so với Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hiện hành, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới phù hợp với yêu cầu thực tế của người lao động của doanh nghiệp với mục đích tạo việc làm, nâng cao tay nghề và thu nhập cho người lao động. Đồng thời, bảo đảm quyền và lợi ích các bên, đặc biệt là quyền và lợi ích của người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới. Góp ý vào nội dung cụ thể của của dự thảo luật, đại biểu cho rằng một số quy định cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện.

Về phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1. Đại biểu cho biết, qua giám sát và lấy ý kiến ở các địa phương, doanh nghiệp và người lao động đều tán thành sự thay đổi phạm vi điều chỉnh so với luật hiện hành từ “hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” thành “chính sách về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Đại biểu cho rằng, đây là sự thay đổi có tính chất bao trùm các chính sách nhưng cần thể hiện rõ trong dự thảo luật về các nội dung chính sách để bao quát, đầy đủ phạm vi điều chỉnh dự án luật.

Về đối tượng áp dụng, dự án luật đã bổ sung đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế (Điều 5). Tuy nhiên, đại biểu đề nghị phải làm rõ thêm việc bổ sung này có phù hợp với chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực dịch vụ công và có làm phát sinh bộ máy đơn vị sự nghiệp công cũng như việc sử dụng vốn ngoài ngân sách như thế nào? Đồng thời, việc bảo vệ quyền lợi của người lao động được quy định như thế nào trong dự thảo luật trong trường hợp đơn vị sự nghiệp bị giải thể hoặc không còn chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cơ quan nào sẽ giải quyết quyền lợi cho người lao động trong trường hợp này?

Về chính sách đối với người lao động sau khi về nước tại khoản 6, Điều 4 và Điều 61, 62, 63. Theo đại biểu Cần Thị Mẫn đây là quy định mới tuy nhiên dự thảo luật chưa quy định đầy đủ, toàn diện. Cụ thể: chưa làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương; người lao động theo nhóm nội dung chính sách hỗ trợ tái hòa nhập cho người lao động khi về nước là các nội dung nào? Nguồn hình thành chức năng kết nối cung cầu lao động và nguồn lực, cách thức khuyến khích, h ỗ trợ khởi nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chính sách cung cấp dịch vụ, tư vấn tâm lý, pháp lý đối với một số trường hợp đặc biệt như bị bạo lực, bị xâm hại, bị lừa đảo, bị bóc lột sức lao động khi lao động ở nước ngoài.

Vì vậy, đại biểu  đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cụ thể các chính sách này theo hướng quy định chi tiết trong luật hoặc quy định nguyên tắc, tiêu chí để văn bản dưới luật hướng dẫn, để kịp thời đảm bảo sự bình đẳng về quyền lợi của người lao động, cả nam và nữ sau khi về nước.

Đối với quy định về đăng ký hợp đồng cung ứng lao động tại Điều 22. Đại biểu cho biết, khi lấy ý kiến của các doanh nghiệp, dịch vụ đều phản ánh tình trạng xử lý việc đăng ký hợp đồng cung ứng của doanh nghiệp rất chậm so với quy định của luật, dẫn đến không đảm bảo tiến độ thực hiện hợp đồng ký kết đối với đối tác nước ngoài, gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu, chuyển từ cơ chế đăng ký sang cơ chế báo cáo. Đồng thời, tăng cường công tác hậu kiểm và xử lý hành vi vi phạm nghiêm minh.

Ngoài ra, về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước quy định tại Điều 68, 69 và Điều 70. Từ thực tiễn giải cứu lao động tại Lybia trước đây, đại biểu Cầm Thị Mẫn ủng hộ việc tiếp tục duy trì Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Quỹ này do doanh nghiệp, người lao động đóng góp nên các nội dung chi cần hướng đến mục tiêu chính là phục vụ doanh nghiệp, người lao động. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung nhiệm vụ của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước là hỗ trợ trường hợp lao động phải về nước trước thời hạn, không do lỗi của người lao động. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ sự phù hợp với tinh thần các Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 56 ngày 24/11/2017 của Quốc hội khóa XIV giám sát về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả khi dự thảo luật tại khoản 2 Điều 60 có sự thay đổi về tính chất và địa vị pháp lý của quỹ so với luật hiện hành.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn nhấn mạnh, quy định phải bảo đảm không trùng lặp với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước; đảm bảo tính khả thi, công bằng, công khai, minh bạch của quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước và hướng đến tìm kiếm thị trường hiệu quả./.

Trọng Quỳnh