Đại biểu Bùi Thanh Tùng phát biểu
Cho ý kiến tại Phiên thảo luận, đại biểu Bùi Thanh Tùng bày tỏ sự đồng tình với việc chuyển đổi từ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường hiện hành thành sửa đổi toàn diện Luật. Đồng thời đánh giá cao nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ, Ban soạn thảo luật trong một thời gian ngắn đã trình Quốc hội một dự thảo luật khá đồ sộ với 171 trang gồm cả Phụ lục và 186 điều.
Đại biểu cho rằng, Dự thảo lần này đã hệ thống hóa được một cách khá toàn diện các đối tượng, lĩnh vực, khía cạnh của công tác bảo vệ môi trường. Nhiều điều khoản trong dự thảo luật đã đề cập pháp lý hóa được các chính sách, giải pháp để tháo gỡ những bất cập, vướng mắc hiện nay trong công tác này. Rút gọn các thủ tục hành chính trong các quy trình quản lý môi trường hiện hành. Ban soạn thảo cũng đã có cách tiếp cận mới, mạnh dạn đưa thêm nhiều phạm trù mới đáp ứng yêu cầu công tác quản lý và mục tiêu phát triển bền vững như các công cụ kinh tế cho bảo vệ môi trường, kiểm toán môi trường, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, ngành kinh tế - môi trường, công nghiệp môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu như giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, định giá carbon và phát triển hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải carbon, bảo vệ tầng ozone, v.v.. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường được tập trung quan tâm như một bộ công cụ hỗ trợ cho công tác quản lý môi trường, vai trò của các bên liên quan, trong đó có hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường cũng được nhấn mạnh, làm rõ hơn.
Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu tham gia một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, về trình tự, thủ tục trình dự án luật. Hồ sơ trình Quốc hội có 2 tờ trình, 2 dự thảo luật. Tờ trình số 125 của Chính phủ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường kèm theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Tờ trình số 252 về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) kèm theo dự thảo luật sửa đổi. Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chỉ thẩm tra dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều. Như vậy, hồ sơ trình Quốc hội chưa hoàn toàn đầy đủ theo quy định tại khoản 1 Điều 63 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đề nghị cần thẩm tra bổ sung đối với dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) kèm theo Tờ trình số 252 của Chính phủ.
Thứ hai, về phạm vi điều chỉnh được quy định tại Điều 1, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “doanh nghiệp” vào sau cụm từ “cơ quan, tổ chức” và viết lại thành “luật này quy định về hoạt động bảo vệ môi trường, quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trong hoạt động bảo vệ môi trường”. Bởi trong thực tế, các doanh nghiệp là một đối tượng chịu tác động rất quan trọng của luật, cần phải được định danh rõ. Tương tự như vậy, đối với Điều 2 về đối tượng áp dụng.
Thứ ba, tại Điều 7 quy định chung về bảo vệ môi trường nước mặt. Tại khoản 1 Điều 7 quy định bảo vệ môi trường nước mặt là một nội dung của quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, các lĩnh vực bảo vệ môi trường khác như bảo vệ môi trường nước dưới đất tại Điều 10, bảo vệ môi trường nước biển tại Điều 11, bảo vệ môi trường không khí tại Điều 12, Bảo vệ môi trường đất tại Điều 15 lại không được coi như một nội dung của các quy hoạch như đã nêu ở trên. Đề nghị Ban soạn thảo giải trình làm rõ vấn đề này.
Khoản 2 Điều 7, khoản 3 Điều 8, mục b khoản 8 Điều 8, mục đ khoản 1 Điều 9 đều đề cập sức chịu tải và đánh giá sức chịu tải của môi trường nước mặt. Trong khi đó, đối với các thành phần môi trường khác cũng rất quan trọng trong kiểm soát ô nhiễm, như môi trường không khí, môi trường nước dưới đất, môi trường đất trong dự thảo luật không hề đề cập yếu tố này. Đề nghị cần được làm rõ.
Thứ tư, về các nội dung liên quan đến đánh giá tác động môi trường. Dự thảo luật lần này đã chuyển từ việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường thành phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường như tại Điều 43 và Điều 44 nhằm nâng cao trách nhiệm của Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đồng thời trao cho chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm với việc tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo nghiên cứu khả thi theo đúng quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định tại Điều 44. Điều này giúp rút ngắn thủ tục và thời gian trong quy trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, việc quy định thẩm quyền của các bộ quản lý xây dựng chuyên ngành trong thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường tại khoản 3 Điều 42 và kiểm tra thực hiện các nội dung yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện dự án tại khoản 3 Điều 45 không thống nhất với các quy định về phân công chức năng quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về môi trường của các bộ, ngành nêu trên tại các Điều 179, Điều 182 trong dự thảo luật. Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu.
Thứ năm, về các nội dung liên quan đến giấy phép môi trường. Dự thảo luật tiếp cận theo hướng tích hợp tất cả các quy trình, thủ tục xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, giấy phép, giấy cấp phép xả thải, cấp đăng ký chủ nguồn thải trong luật hiện hành vào một quy trình để giảm bớt thời gian và thủ tục hành chính. Về cơ bản, đây là một cách tiếp cận tích cực. Tuy nhiên, đại biểu nêu một số điểm cần phải được nghiên cứu thấu đáo để đảm bảo tính thực tế và khả thi trong việc tích hợp này. Cụ thể, kết cấu và nội dung của Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường được quy định tại Điều 47 trong dự thảo luật khá phức tạp và có nhiều nội dung trùng lắp với báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Điều 41, như vậy sẽ thêm thủ tục. Thời điểm xem xét cấp giấy phép môi trường tại Điều 48 là trước khi dự án đầu tư vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải hoặc trước khi cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản như giấy phép khai thác khoáng sản, kế hoạch phát triển mỏ, báo cáo nghiên cứu khả thi quyết định đầu tư dự án tại các điểm a, b, c, d khoản 8 Điều 43 hoặc giấy phép xây dựng tại điểm b khoản 2 Điều 46 là chưa thống nhất với Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, chưa logic và khó khả thi trong thực tế.
Đối với việc tích hợp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi vào giấy phép môi trường cần được cân nhắc kỹ, bởi quản lý môi trường cho các công trình thủy lợi là một khâu trong một quy trình quản lý thống nhất, rất đặc thù đã được quy định tại Luật Thủy lợi năm 2017 vừa mới được Quốc hội thông qua không lâu, khi thực hiện không có vướng mắc, trong đó quản lý xả nước thải từ khâu cấp phép đến khâu kiểm tra, thanh tra, giám sát gắn chặt với công tác quản lý số lượng, chất lượng nước trong hệ thống thủy lợi, các biện pháp quản lý an toàn công trình thủy lợi, tách một khâu cấp phép xả thải ra khỏi quy trình này cùng với việc chuyển chức năng kiểm tra, thanh tra sau cấp phép về ngành tài nguyên, môi trường có thể gây ra sự cắt khúc về thẩm quyền quản lý nhà nước đối với tài nguyên nước, lĩnh vực thủy lợi và bỏ sót thẩm quyền quản lý nhà nước của ngành nông nghiệp phát triển nông thôn.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, nội dung báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường tại điểm d khoản 1, điểm m khoản 2 Điều 47 yêu cầu phải đánh giá tác động đến an toàn của công trình thủy lợi là chồng chéo về thẩm quyền. Đại biểu đề nghị trước mắt nên giữ nguyên như các quy định hiện hành và có đánh giá kỹ tác động trước khi xem xét, bổ sung, sửa đổi./.